Cũng như nhiều nhạc sĩ khác, đề tài về Bác Hồ luôn là đề tài chủ yếu mà giới văn nghệ hết sức quan tâm và tìm cách thể hiện qua sáng tác của mình. Song cũng như mọi người sáng tác, nỗi băn khoăn day dứt của anh chị em nhạc sĩ chúng tôi là làm sao nói được cho hết về Bác Hồ vĩ đại bởi vì Người là tấm gương sáng chói không những của dân tộc Việt Nam mà còn của thời đại trên rất nhiều phương diện, không chỉ trên bình diện chiến lược chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá mà ngay trong đời sống thường ngày, mỗi hành động đều biểu hiện lòng nhân ái mênh mông, tình thương không bờ bến với những người lao động bị áp bức, với nhân loại còn đau thương và thái độ sống nghiêm túc, mẫu mực, công bằng, trong sáng của Người Bác, Người Cha, Người Anh, Người Đồng chí.
Về đề tài Bác Hồ, giới nhạc sĩ đã có nhiều sáng tác hay nếu chưa muốn nói là rất hay, như các bài của Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Chu Minh, Phạm Tuyên, Hoàng Hiệp, Cao Việt Bách, Vân Dung, An Thuyên, Thuận Yến và nhiều nhạc sĩ khác. Riêng tôi, cũng có viết về đề tài Bác Hồ có bài hiệu quả, có bài chưa gây được ấn tượng sâu sắc gì, nhưng với tất cả tấm lòng thành kính của mình với Bác - Người đã cứu sống đất nước, dẫn dắt dân tộc qua muôn vàn thăng trầm của hành trình cứu nước, giữ nước, dựng nước - tôi ghi lại đây những cảm xúc khi viết vể Bác Hồ.
Trước hết cảm xúc trong bài: “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”.
Năm 1981, tôi sang nghiên cứu ở Liên Xô. Trong một đêm biểu diễn tại trụ sở Khối SEV, nữ nghệ sĩ Hồng Vân, với bài ví dặm và phong cách biểu diễn Việt Nam, được khán giả nhiều nước trên thế giới hoan nghênh, làm tôi rất xúic động. Tôi nghĩ đến Bác Hồ, lúc tìm đường cứu nước, đến Mạc Tư Khoa, chắc cũng đã nhiều lần nhớ day dứt đến quê hương. Vì đất nước, vì vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam, Người đã tìm ra con đường cứu nước, lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng quê, giải phóng cho những điệu hò xứ sở, ngày nay ngân cao mãi trên thế giới - Cái tứ của bài hát đã được hình thành:
“Ngày xưa Người ra đi vì câu hò ví dặm,
Tìm khắp bốn phương trời con đường lên no ấm
Hôm nay trên đường đi sáng ngời theo chân Bác
Càng ngân vang câu hát, thêm thắm tình nước non…”
Năm 83- 84 tôi được điều động ra Hà Nội công tác, tôi được dịp vào thăm lăng Bác và nhà sàn nhiều lần, và mỗi lần là tích luỹ thêm những cảm xúc. Thấy trước nhà sàn, có nhiều bông bụt, tôi liên tưởng tới hàng rào dâm bụt của nhà Bác ở làng Sen. Một hôm gặp anh Hà Huy Giáp, lúc đó là Viện trưởng Viện bảo tàng Hồ Chí Minh, tôi hỏi anh:
- Hình như Bác thích hoa dâm bụt lắm phải không anh?
- Đúng. Ngay lúc hoạt động ở Thái Lan, Bác cũng đã khuyên Việt kiều tìm hoa dâm bụt mà trồng để nhớ đến quê hương.
Thế là rõ - Tại sao bác thích trồng hoa dâm bụt.
Phải chăng, hoa dâm bụt đối với Bác ở làng Sen, là quê hương - và có phải vì vậy mà ở đâu, ở Thái hay khi về làm Chủ tịch nước ở thủ đô, Bác cũng cho trồng hoa dâm bụt, để thỉnh thoảng nhìn nó đỡ nỗi nhớ quê nhà - Cái tứ của bài hát “ Cảm xúc từ làng Sen” được hình thành.
Có phải vì làng Sen nên dâm bụt Bác trồng một vuờn để đêm đêm ra nhìn gửi gió thương về xứ Nghệ - Trang trải trọn tấm lòng cho trăm chốn ngàn phương, vẫn dành lại chút tình sâu kín với làng Sen, nặng nghĩa nước, nặng tình sâu, Bác đã lo vẹn đôi đường.
Về làng Sen cách biệt nhiều năm qua, vẫn nhớ từng bờ rào, vẫn nhớ từng hàng hoa dâm bụt.
Đầu năm 1990, một năm có nhiều ngày kỷ niệm lớn, trong đó có ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác, tôi cũng có ý định viết bài hát về đề tài Bác Hồ trong dịp này. Tôi lại vào thăm lăng Bác, nhà sàn và gặp anh Vũ Kỳ, anh Kỳ có kể cho tôi nghe chuyện vô cùng xúc động:
Trước lúc lâm chung, một hôm Bác yêu cầu được nghe một câu hò Huế, nhưng xung quanh Bác, lúc bấy giờ không một ai biết hò miền Trung, Bác lại hỏi: “Vậy có ai biết hát ví dặm không?” anh Kỳ lại chạy đi tìm song cũng không một ai ở đó biết hát ví dặm. Lần thứ ba chờ mãi, chờ mãi, Bác lại hỏi: “Thế có cháu nào biết hát quan họ không?”. May sao có một cô gái phục vụ biết hát quan họ, bước vào trong ngấn nước mắt và cô gái đã hát bài “Người ơi, người ở đừng về”, cả căn phòng trầm lặng trong nước mắt. Bác rơm rớm hàng mi, nói với cô gái: “Cám ơn cháu, cháu hát rất hay và nhớ rằng đã là người Việt
Tôi trao đổi với nhạc sĩ Văn Ký và cũng tâm đắc rằng: "Đây là lời di chúc lớn của Bác, không có ghi trong bản di chúc chung, dành riêng cho giới âm nhạc, văn nghệ và cũng là chung cho cả mọi người.
Tứ bài nhạc hình thành, và bài: “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” đuợc ra đời. Đầu tháng ba năm nay vào thành phố Hồ Chí Minh, nhớ câu Bác Hồ nói với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (do anh Vũ Kỳ kể lại lúc Bác vào thăm Nhật Lệ - Quảng Bình), tôi đã đến thăm bến Nhà Rồng. Câu nói của Bác lúc bấy giờ là: "Quê mình ở Nghệ An, nhưng mẹ mình mất ở Huế, cha mình mất ở Cao Lãnh, quê mình trải dài cả đất nước. Những nỗi nhớ Huế, Phan Thiết, Sài Gòn trước lúc ra đi, mình từng đã đến nơi, mà nay lúc về, những nơi đó mình không về đến chốn…” vang mãi trong tôi.
Từ đó xảm xúc cho bài hát “Thăm bến Nhà Rồng” một sáng tác phát triển các làn điệu dân ca Nam Bộ.
Bùi ngùi xót xa, về những ngày qua, lúc cập thuyền, ai đã tiễn Người đi? Hay chỉ một mình Bác, khăn gói biệt ly?
Vì vậy, chắc chắn cũng như nhiều nhạc sĩ khác, chúng tôi tự lượng định sức mình, và chỉ có thể đề cập một khía cạnh nào đó trong tư tưởng, tình cảm, sự nghiệp, cuộc sống của Bác Hồ mà mình nhận thấy ấn tượng sâu sắc nhất.
T.H