Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có cha bên đời

Nhà đông chị em, nhưng chỉ có mình tôi là con trai. Mà lại nghịch quá mức. Hồi nhỏ, một hôm trời động, đầm cá trước nhà tôm nổi trắng. Tôi a dua theo lũ bạn đi vớt bị ông chủ thầu đầm túm được đánh cho một trận, bắt đổ hết tôm trở lại đầm. Bố ở trên trường nghe tin liền tức tốc lấy chiếc xe đạp cà tàng lọc xọc đạp đi khắp xã tìm chủ đầm hỏi nguyên do tại sao đánh con ông. Chủ đầm, vốn là học trò cũ ở làng, hãi quá trốn biệt mấy ngày không dám thò mặt ra đường.

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Minh họa: Nguyễn Đăng Phú

Bắt đầu từ ngày xách cái túi cước đựng sách vào lớp 1 ở chính ngôi trường mà bố làm hiệu trưởng, cho đến khi tốt nghiệp đại học, cũng là năm bố nghỉ hưu, lúc nào tôi cũng được bố chăm lo cặn kẽ việc học hành. Bố kể, ông nội tôi là thầy đồ Nho. Nhà nghèo nhưng mỗi khi thấy con cầm đến cuốn sách là cụ không sai bảo bất cứ việc gì, từ chăn trâu cắt cỏ đến đun nước nấu cơm quét nhà. Và bố cũng giữ cái nếp ấy cho đến khi đàn con của ông cắp sách đến trường. Với bố, có lẽ việc học hành của con cái là điều ông quan tâm bậc nhất trên đời. 12 năm học ở nhà với bố, mỗi kỳ thi lớn nhỏ của tôi đều thấy ông lo lắng không kém gì "thí sinh", nhưng lại cố giúp "thí sinh" thoải mái, bớt âu lo hồi hộp.

Trẻ con mải chơi, nhiều lúc thấy bố có vẻ lơ đãng là tôi lại tót theo lũ bạn đi chơi. Chơi mê mải xong về nhà, bố gọi lại, đọc cho nghe từng buổi học chính học thêm không sót buổi nào. Bố sát sao như thế nên dù bố ít nói, không hay ca cẩm như mẹ, nhưng cứ cau mày, cất lời lên là lũ con đứa nào đứa nấy run như dẽ.

Năm tôi thi đại học, ở nhờ nhà người quen. Đêm giữa hè trời nắng như nung mà mất điện. Ổng biết tôi ngại nên chờ con ngủ rồi dậy ngồi quạt cho con suốt đêm. Rồi khi tôi nhận được tờ giấy báo trúng tuyển đầu tiên vào đại học Sư phạm, bố tôi đang ở trường nghe tin vội vàng đạp xe về. Ông lập cập dựa chiếc xe đạp càtàng vào tường rồi chạy vô nhà hồ hởi: “Đậu đại học rồi hả con? Sướng quá! Chúc mừng con nhé!”. Nhưng sau đó, biết tôi nhất quyết không theo nghề giáo, ông buồn nhưng cũng tôn trọng chọn lựa của con. Khi tôi vào đại học rồi, ông ra tận Cổ Nhuế thăm. Đến kí túc xá đăng ký với Ban Quản trị xong ông thoăn thoắt leo giường tầng kiểm tra chỗ ngủ của thằng con. Đêm, ông lùa tay vào mớ tóc loe xoe của tôi: “Tóc dài rồi đấy, mai Chủ nhật nghỉ đi mà cắt đi con nhé!”. Tôi cảm thấy trong lòng bố, vừa là tin tưởng, khích lệ để con sớm trưởng thành, vừa luôn coi tôi như còn bé bỏng lắm.

Năm đầu đại học, tôi vẫn thường đều đặn hàng tháng cầm giấy báo ra bưu điện gần trường nhận tiền bố gửi. Có lần ở nhà chuyển sai địa chỉ, mãi không nhận được tiền. Cậu bạn đồng hương về quê, đến nhà chơi vui miệng kể chuyện. Bố tôi nghẹn giọng bảo cậu bạn tôi ngồi yên, chờ ông chạy sang hàng xóm vay ít tiền gửi ra cho tôi vì kì lương chưa tới. Ông chỉ sợ con mình đứt bữa.

Tôi đã rời xa bố mẹ kể từ ngày vào đại học. Có lúc rất xa, ở cái nơi không ai biết giao thừa của người phương Đông là giờ nào. Những đêm giao thừa ấy, bố tôi bùi ngùi đi khắp xóm cho vơi bớt nỗi nhớ thương con cồn cào như thác lũ. Khi tôi gọi điện về, bố vẫn giữ giọng cười nồng ấm. Nhưng tôi biết, cũng như tôi, khi cúp máy rồi nước mắt bố sẽ tuôn rơi không ngừng. Tôi thèm về nhà, thèm khoảnh khắc năm cũ trôi qua năm mới đã tới, thèm cái không khí ấm cúngmà người ta chỉ có thể có duy nhất khi ở bên người thân. Còn bố thì thương tôi tha hương trên đất khách vào đúng cái thời khắc đặc biệt ấy.

Tốt nghiệp đại học, ra đời lận đận nhiều khi mẹ tôi cứ cứ than vãn biết thế hồi đó học Sư phạm, giờ làm thầy giáo cấp 3 dạy thêm có tiền, nhà cao cửa rộng vợ con đề huề rồi thì bố tôi nói: Biết đâu mà nói được hở bà. Mà các cụ bảo: “Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân đã trải, Đồng Nai cũng từng” cơ mà.

Không phải chỉ lúc trẻ con hay nghịch dại làm bố mẹ đau đầu, mà ngay cả khi trưởng thành rồi thì tôi vẫn cứ chỉ làm những gì mình muốn. Có lần tôi thay đổi việc làm, bố tôi băn khoăn mãi: “Sao con vào làm Nhà nước rồi, đúng ngành, lương bổng vậy rồi mà còn nghỉ đi đâu?”. Tôi giải thích hết nhẽ thì ông nói: “Ừ thì bố cho ăn học tử tế, giờ lớn rồi tự quyết lấy công to việc lớn. Bố mẹ già rồi, đã đi miền Nam bao giờ đâu mà biết biển rộng sóng to gió cả thế nào”. Và đúng là bố không bao giờ biết con trai bố đã phải trải qua sóng to gió cả thế nào để rồi có lúc lặng đi ở nơi xa xôi khi nghe tiếng bố qua điện thoại. Bố chỉ có thể ngồi chờ đợi mòn mỏi bản tin "Dự báo thời tiết" trên radio, trên TV và nhìn ra ngoài trời mong mưa mau tạnh trong những ngày tôi lênh đênh trên biển.

Rồi đến khi người ta căn đúng ngày sinh nhật tôi mà phang cho một nhát chí tử hoa cà hoa cải, xất bất xang bang. Cô em gái không nhịn được, khóc gọi về cho bố. Sáng sớm bố gọi: Giờ bố ra Hà Nội. Tôi ngăn sao cũng không được. Trời trở gió từ thu sang đông, ông lão 75 tuổi đã từng qua cơn tai biến lóc cóc đi hơn trăm cây số ra với con trai. Tôi xót quá hỏi bố ra làm gì. Ông lạc giọng: Bao nhiêu công lao con vun đắp, nay người ta trở mặt. Qua một đêm "bãi biển hóa nương dâu". Bố biết lòng con thế nào. Bố ra chỉ vì muốn ở bên con những lúc như thế này…

Giữa mắt bão, bố tôi nhìn con mình gầm gào vẫy vùng lồng lộn như con thú bị thương giữa những ngăn cấm, chia cắt vô lương, độc ác. Tuổi già hạt lệ như sương mà ông đành nước mắt vòng quanh khoanh tay bất lực không nói được con mình, chỉ vì một câu: “Bố thương con ra sao thì con thương con con như vậy”. Bao nhiêu nước mắt đã rơi trên khóe môi đàn ông mặn chát.

Cả cuộc đời bố chuyên tâm dốc sức vì nghiệp trồng người. Bao nhiêu hi vọng, mong ước gom nhặt chất chứa vào thằng con trai duy nhất. Giờ đây, khi sóng lặng gió tan, cũng không dám nói ra ước vọng sau cuối, sợ con mình buồn.

Con biết, con đã đem bao hi vọng mong ước của bố đổi thành thất vọng mây gió tan theo. Nhưng chưa dám một lần hai cha con ngồi cùng mà cúi đầu xin lỗi bố. Cầu mong trời yên biển lặng, bố còn mạnh khỏe mỗi ngày để mỗi khi Tết đến hay Thu sang, con gái con lại toe toét hớn hở: Hôm nay con được về với nội!

Cho đến bây giờ, nửa đời người đã trôi qua, bố trong tôi vẫn là hình ảnh ông Hiệu trưởng trường làng, vừa cắp cặp, vừa cõng con đi học những ngày tôi bị đau chân không thể tự đi được trên con đường lầy lội quê mình. Bố trong tôi là ánh nhìn nghiêm khắc và câu nói tôi còn nhớ mãi: "Con phải hiểu rõ rằng con là một người đàn ông!". Bố trong tôi là những đêm trằn trọc không ngủ, thương con vất vả, chật vật với cuộc mưu sinh...

Giờ đây, ánh mắt tinh anh xưa đã dần mờ đi vì mệt mỏi. Dáng vẻ nhanh nhẹn xưa đã dần lùixa...

Mai lại là một ngày mới mà, bố nhỉ! Như những lời bố thường căn dặn và động viên con mỗi khi gặp bước đường đời chông gai, gian khó. Rồi con lại về với bố, ngồi bên hiên nhà nghe bố kể về thời tuổi trẻ sôi nổi với bao nhiêu cực nhọc cũng là bao nhiêu lần vượt khó.

Đời hạnh phúc, khi còn cha ở đó

Xin an lành về qua đây, cao xanh...

                                                                                                                                   

Lê Hồng Lam
http://vannghequandoi.com.vn/van-xuoi/co-cha-ben-doi_11637.html

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground