Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Năm nay cô Út về

TCCV Online - Cơn dông lớn tối qua làm xiêu đổ khắp lượt rau trong vườn, đám xà lách tả tơi, từng lá non đứt lìa gốc còn đẫm nước trông thật xót xa. Cô Xuân đang cắm lại những cọc tre buộc vào những thân cà chua yếu ớt. Vừa làm cô vừa lẩm bẩm than trời trách phận. Tôi đứng ngoài bờ rào chăm chú nhìn cô.

- Cái Mi bảo đận này gửi yến gạo thôi cô ạ, gần đến Tết rồi còn gì.

Cô Xuân không ngẩng lên:

- Ờ, biết thế. Tiền gạo, mắm muối, dầu hào, không biết bao giờ mới hết cái nỗi lo ấy…

Tôi tính về vì ngại nghe những lời than phiền đó, chợt nghĩ ra chuyện mấy hôm trước, tôi ngập ngừng nói với cô:

- Năm nay cô Út về đấy, cháu mới nghe cái Mi nói hôm bữa.

Cô Xuân đứng thẳng người dậy, mấp máy môi định nói với tôi điều gì đó, lại thôi và cúi xuống làm tiếp.

Tôi khẽ chào rồi ra về, cảm giác như mình vừa lỡ miệng làm người khác buồn lòng.

Cô Xuân về ở với chú tôi gần ba năm nay. Họ đã có một đứa con chung hơn một tuổi. Không có đám cưới rình rang diễn ra mà chỉ là mấy mâm cơm mời anh em họ hàng bởi chú tôi đã từng một đời vợ. Tôi không thể nhớ cụ thể những sự việc ngày ấy vì tôi còn nhỏ.

Vì bà đẻ cố nên chú Út chỉ hơn anh trai tôi vài tuổi. Năm 17 tuổi, chú đã đòi lấy vợ, người chú mê mẩn hồi đó là một thiếu nữ mới lớn, nhan sắc nổi tiếng khắp vùng, gia đình lại khá giả. So sánh hoàn cảnh hai bên thì sự chênh lệch quá lớn, nhưng vì chú đâm chán nản, quậy phá hư hỏng do không lấy được cô gái ấy khiến cả nhà đau đầu, khổ sở. Chính bà nội tôi đã vài lần mang cầu trau sang tận làng bên hỏi vợ cho chú, cuối cùng cũng được sự đồng ý của gia đình nhà người ta.

Những tưởng lấy được vợ đẹp, chú sẽ tu chí làm ăn nhưng vẫn chứng nào tật đấy, ham vui thâu đêm suốt sáng, kết thân với những nhóm người không mấy đàng hoàng để vợ chú là cô Út bao đêm khóc cạn nước mắt và hối tiếc cho cuộc hôn nhân vội vã này. May mắn là bà tôi và các bác, các cô trong nhà ai cũng thương mến và đỡ đần cô Út coi như bù đắp phần nào những tổn thương mà chú tôi gây nên.

Lấy chồng sớm nên hai mươi tuổi, cô Út đã có hai đứa con, đủ nếp đủ tẻ. Dù đã là bố nhưng chú tôi vẫn không bỏ được tính ham chơi, việc đồng việc nhà chẳng mấy khi chú động tới, bao nhiêu người khuyên nhủ mãi không được đành tặc lưỡi, ngán ngẩm. Là tiểu thư con nhà khá giả nhưng từ khi lấy chồng, cô Út luôn tay luôn chân những công việc nhà nông, đầu tắt mặt tối suốt ngày, làn da trắng hồng ngày nào giờ đã nhuộm màu nắng mưa.

Hàng ngày đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền khiến cô chú bao lần to tiếng, chú tôi còn lộ rõ là người vũ phu không ngần ngại đánh đập người vợ trẻ, hai đứa con của chú chứng kiến cảnh bố mẹ bất hòa, chúng sinh ra lầm lì, khó bảo.

Một lần cô Út đi tìm chú tôi ở một ổ bài bạc về thì bị chú lôi vào nhà chốt cửa trong đánh một trận tơi bời, trẻ con khóc toáng lên ngoài cửa, bà và bố tôi đập cửa những mong vào can ngăn nhưng không được, lần ấy cô Út phải đi viện vì bị gãy cánh tay phải, mặt mũi tím bầm suốt nhiều tháng sau đó vẫn còn vết.

Sau khi ra viện, cô Út về thẳng nhà ngoại, chú tôi hối hận đi đón hai lần cô vẫn nhất quyết không chịu gặp mặt.

Chú dắt hai đứa con đến quỳ trước sân nhà bố mẹ cô để van xin năn nỉ hàng giờ, rốt cuộc cô Út cũng trở về nhưng không phải vì chú mà vì con, vì sự khuyên nhủ của hai bên gia đình.

Nhưng chú cũng chỉ tu chí được vài tháng, rồi đâu lại vào đó. Mâu thuẫn đỉnh điểm khiến cho cuộc hôn nhân này tan vỡ là khi cái Mi, con gái đầu của cô chú đã bắt đầu vào cấp hai.

Hôm ấy không hiểu vì chuyện tiền nong gì mà vợ chồng chú cãi cự từ lúc sáng sớm. Đến trưa nghe tiếng kêu khóc, cả nhà tôi chạy sang thì chú đã cắt nham nhở mái tóc của cô, còn hất nguyên bát nước mắm ớt vào mặt cô. Bố tôi cầm cây gậy đánh chú, chú hậm hực bỏ đi. Bà tôi ôm lấy cô lúc này đang rũ rượi và đau đớn.

Thế là lần này cô Út bỏ đi thật, chú tôi cũng ở dầm dề nhà bạn không về. Hai đứa trẻ khóc lóc không chịu đi học.

Những tưởng cô Út về nhà ngoại như đận trước nên bà tôi cũng để cô sang bên đó ít ngày cho nguôi ngoai nhưng khi sang đón cô về thì cả hai bên tá hỏa vì nhà này cứ nghĩ cô đang ở nhà kia.

Khoảng một tháng sau, cô điện về cho mẹ tôi nhờ chăm sóc hai đứa con để đi làm ăn xa, không biết bao giờ về nữa, qua điện thoại cô Út khóc, mẹ tôi cũng sụt sùi không khuyên can được câu nào.

Chú tôi sau đó trong một lần đi chơi bị người ta đánh thừa sống thiếu chết thì thay đổi hẳn, ngày ngày lo làm ăn, chăm chút cho hai con.

Những lúc chú ngồi khật khưỡng ở bậu cửa khiến ai nhìn vào cũng xót xa, có lẽ chú đã hối hận, có lẽ chú đang mong chờ. Nhưng vài năm sau đó cô Út vẫn không về.

Lâu lâu cô lại gửi cho mẹ tôi ít tiền để lo cho hai đứa con, thi thoảng hỏi thăm về mọi người, về con cái nhưng một mực không chịu nói chuyện với chú.

Gần ba mươi tuổi nhưng trông chú tôi già đi chục tuổi vì nghĩ nhiều và sống trong dằn vặt đau khổ.

Năm năm sau thì chú tôi rước một người đàn bà khác về ở cùng, người này chính là mẹ kế của hai chị em Mi, là cô Xuân đây. Cùng chung cảnh ngộ hôn nhân không hạnh phúc, cô chú về ở với nhau nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Lúc này con riêng của cô Xuân đã mười ba tuổi. Gia đình rổ rá cạp lại này giờ có cả thảy năm đứa con, một tay cô Xuân chăm chút bởi nghe phong thanh cô Út đã lấy chồng khác và đi nước ngoài rồi.

Về làm vợ chú tôi, cô Xuân bắt đầu những công việc mà lâu nay không ai chăm chút, từ việc đồng áng đến miếng cơm tấm áo cho cả nhà. Bà tôi mất gần một năm nay, những việc cô Xuân làm đúng nghĩa một người dâu, người con trong nhà trong họ, tuy rằng ai cũng yêu cũng quý cô nhưng hình ảnh về người phụ nữ trẻ xinh đẹp đầy nước mắt trước đây không khi nào phai nhạt trong tâm trí cả nhà. Cô Xuân hiểu rằng, cô không thể nào thay thế được cái bóng ấy. Những nỗi niềm chất chứa trong lòng lâu ngày khiến cô cũng trở nên khó tính, hay cáu gắt. Thương yêu con riêng của chồng như con đẻ nhưng cô vẫn không nhận được đáp lại một cách trọn vẹn từ hai đứa trẻ. Cái Mi là con gái lớn trong nhà, việc gì cũng lầm lũi làm một mình, không bao giờ nó trao đổi tâm sự với cô Xuân, cho đến khi nó đỗ vào đại học, mọi khoản trợ cấp từ mẹ bỗng im bặt thì nó mới bắt đầu thân thiện hơn với cô Xuân.

Một thời gian sau, tôi bất ngờ tìm thấy cô Út trên một trang mạng xã hội, lúc này tôi mới biết cô đi xuất khẩu lao động chứ không phải lấy chồng ngoại như nhiều lời đồn thổi. Chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện dài và buồn. Những hình ảnh khổ cực của cô hiện tại khiến tôi nghẹn lòng, tôi điện về cho mẹ, gọi cả cho Mi, ai nấy đều sửng sốt với thông tin ấy.

Bà mẹ trẻ năm nào giờ tiều tụy với đôi mắt lúc nào cũng ngấn nước đang cố gắng kiếm tiền để về nước. Mọi thông tin ở nhà cô đều nắm được, không rõ từ nguồn nào.

Chú tôi hàng đêm rít thuốc bên hiên và ngồi bất động hàng giờ.Gánh nặng tưởng như được đỡ đi bội phần khi cô Út gửi tiền về cho hai con học hành. Cô Xuân không vì thế mà vui hơn. Ai đi qua nhà vào buổi trưa, nghe tiếng ru con não nề, ẩn chứa nhiều tâm sự của cô cũng thấy buồn lòng.

Tôi thấy thương cho cả hai người vợ của chú tôi, nhiều lúc tôi hình dung ra việc cô Út về đòi lại nhà, đòi chồng và cô Xuân bồng con lủi thủi ra khỏi nhà. Nhưng cũng lại thấy xót xa nếu có cảnh tượng cô Út đứng ở bờ rào nhìn vào nhà, chồng mình và người phụ nữ khác đang vui vầy đầm ấm.

Không một đáp án nào là trọn vẹn và thỏa mãn cho bài toán cuộc đời họ.

Sẽ chẳng có gì xáo trộn nếu như không có chuyện năm nay cô Út về. Tất cả mọi người trong nhà vừa mừng vừa lo. Cô Xuân không nói gì, chú tôi cũng không nói gì. Căn nhà chìm trong những tiếng thở não nề.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết, trẻ con đã được nghỉ học, chạy nhảy tung tăng khắp đường làng ngõ xóm với những thú vui con trẻ, người lớn bận rộn với công việc cuối năm và gấp rút chuẩn bị cho một cái Tết đầy đủ.

Cô Út đã về nước được một tháng và đang ở trong Sài Gòn, cô gọi cho mẹ tôi báo 23 sẽ về. Mẹ tôi nói rằng cô có thể ở gian phòng cũ của bà. Dường như người lớn luôn phải suy nghĩ nhiều về những điều nhỏ nhặt nhất.

Chúng tôi, lũ trẻ ngày xưa suốt ngày tíu tít quanh cô Út, được cô tết cho những kiểu tóc điệu đà, tất cả đều mong ngóng sự trở về của cô.

Mấy ngày nay, không khí chung thật rộn ràng nhưng trong nhà tôi dường như là một sự nén thở đến khó chịu. Đôi lúc tôi nghĩ, giá như cô Út không về, chắc Tết này vẫn như Tết năm ngoái thôi, ấy là khi tôi thấy cô Xuân mặt rầu rầu ngồi xếp lá dong. Cô bảo mẹ tôi: Hay là em về bên ngoại ăn Tết? Bên ấy cũng neo người…

Mẹ tôi thảng thốt vội xua đi, mắng cô không được có ý nghĩ đó, những người phụ nữ luôn có sự đồng cảm sâu sắc, họ thấu hiểu nhau bằng ánh mắt và an ủi nhau cả những điều chưa được nói ra.

Sáng 23 Tết, tôi với cái Mi xuống chợ bán ngũ quả, năm nào hai chị em cũng rủ nhau kiếm thêm chút tiền cho ngày Tết thêm sung túc. Những chiếc xe từ từ chạy qua chở những cành đào tươi thắm, từng nụ từng bông như nhảy nhót vui nhộn. Hai chị em không ai nói ra nhưng đều chung một niềm mong ngóng. Sáu năm xa mẹ, hẳn là quãng thời gian buồn khổ nhất cuộc đời Mi.

Tôi thoáng thấy một dáng người quen quen lướt qua trên chiếc xe đang phóng nhanh, ngỡ đó là cô Út, tôi tính chỉ cho cái Mi thì chiếc xe rẽ sang hướng đi làng bên thì nghĩ mình nhìn nhầm.

Đến trưa, tôi nhận được điện thoại, hai chị em háo hức mở loa ngoài, cô Út ngập ngừng bên đầu kia: Cô không mua được vé về… Tôi chưa kịp nói câu gì thì cái Mi hét lên: Mẹ không bao giờ về nữa cũng được. Rồi nó sụp xuống khóc nức nở. Tôi không thấy bên kia nói gì. Những quả quýt từ tay Mi rơi ra lăn lóc dưới chân. Tôi vừa nhặt vừa bặm môi nén những giọt nước mắt nghẹn đắng. Thế là cô Út không về.

Ở nhà ai cũng biết rồi, có người thở dài, có người thở phào. Cảm giác của tôi là hụt hẫng.

Buổi tối, tôi và Mi nằm trong phòng bà nội, căn phòng đã được quét dọn sạch sẽ từ hôm nào, chăn chiếu cũng giặt thơm tho. Tôi không nói gì, em tôi cũng lặng im. Một lúc lâu tôi thủ thỉ:

- Sáng nay, dưới chợ chị thấy một người giống mẹ em lắm…

- Thôi, thôi, thôi. Chị nói chuyện khác đi – Chưa để tôi nói hết, Mi đã chặn lại.

Không hiểu sao tôi lại cứ đinh ninh rằng đó chắc chắn là cô Út, cô về nhưng không về nhà tôi.

Tôi lấy xe phóng ra khỏi nhà. Linh cảm của tôi đã đúng, chỉ có điều tôi không muốn nhìn thấy những giọt nước mắt của bất cứ người mẹ nào, nhất là khi ngoài kia cây đào đang reo vui trong gió, mùi thơm từ nồi bánh chưng sớm của nhà ai lan tỏa thật ngọt ngào.

Tết này không lạnh lắm, buổi tối chỉ cần khoác cái áo bên ngoài là có thể tung tăng khắp đường làng ngõ xóm.

Bấy giờ mẹ tôi vẫn đang loay hoay với vại dưa hành. Cách đúng một bờ rào cài sơ sài, tiếng ru của cô Xuân vọng vào thinh không. Cái Mi đang ngủ, nhìn gương mặt bình lặng của nó tôi không nỡ đánh thức. Nó đang say ngủ trong bản nhạc từ chiếc điện thoại mà cũng có thể từ lời ru ngọt buồn của người mẹ:

“… À… ơi


Lời ru bay bổng cánh diều


Thân cò lặn lội mấy chiều sang sông


Lời ru ai đó ngóng trông


Muốn về quê mẹ mà không có đò


À… ơi…” 

N.H
(Bài hát Lời ru, Nhạc sĩ Lê Minh)

Nguồn:  Tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh

http://tuanbaovannghetphcm.vn/nam-nay-co-ut-ve/

Nguyễn Hiền
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 280 tháng 01/2018

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground