Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chiếc áo lính nơi Thành Cổ Quảng Trị

Hôm nay không hiểu sao, ông Trí cụt chân đi cà thọt lại như người bị chứng tâm thần. Ông xồng xộc đi tìm chiếc áo…

- Đứa nào lấy chiếc áo của tao?

- Chúng nó đi làm hết, mỗi tôi ở nhà lẽ nào trộm vô lấy đi mỗi chiếc áo? - Vợ ông Trí cụt nói.

- Không lấy sao mà mất?

- Thế ông nghĩ chiếc áo của ông nó là vàng là bạc hay sao mà trộm lấy, hay là tôi giấu nó đi?

Bà Nghĩa nói xong liền ngậm miệng vì sợ chồng nổi khùng. Tính ông Trí cụt cả khu phố này ai cũng biết, hiền rõ hiền, nhưng khi đã trái ý thì nóng như lửa.

Ông Trí cụt cứ thẫn thờ rồi lăn ra bệnh, gia đình phải đưa đi viện. Ra viện về nhà, ông vẫn không quên hỏi chiếc áo đâu? Hàng xóm biết chuyện, ai cũng phì cười...

Một cuộc tìm kiếm chiếc áo được tiến hành mở rộng. Từ cái giỏ đi chợ của bà Nghĩa cho tới gậm giường gậm tủ, nhà tắm, nhà bếp... đều được mọi người lục soát. Đến bộ đồ chơi của thằng Bin cháu nội cũng được lôi ra kiểm tra. Đúng là một mất mười ngờ, chiếc áo có thể chui vào trong tất cả các ngõ ngách. Bà Nghĩa thì cứ như người mắc tội, vì trông nhà để mất của. Bà già rồi, đâu phải con nít mà bỏ nhà đi chơi. Vả lại, cái áo giờ đáng giá bao nhiêu mà trộm nó lấy. Bà Nghĩa bóp đầu suy nghĩ, không biết mất chiếc áo nào?

Ông Trí cụt mệt ói cả ra chiếc gối đầu, con dâu phải đem đi xử lí. Rút cái lõi gối ra, con dâu liền mừng reo lên:

- Đây rồi đây rồi, áo đây rồi!

Mọi người đổ xô tới xem, tưởng áo gì, hóa ra chiếc áo lính đầy vết thủng.

- Xem trong túi có gì không?

- Không có!

Bà Nghĩa nhảy phốc lên vừa nói vừa cười:

- Tôi nhớ ra rồi, chiếc áo hồi 72 đánh Thành Cổ Quảng Trị...

Hóa ra ông Trí cụt sợ mất chiếc áo nên đã gấp nó lại vuông vức thay lõi gối đầu để ngày nào áo cũng được ở bên mình.

Ông Trí cụt chụp vội chiếc áo rồi lấy tay lần lần cái vạt… Tưởng mất! Mặt ông sáng dần! Lại một trận cười cho hàng xóm.

*

Ông Trí cụt quyết định chuyến này ra Bắc.

- Ông già rồi đi xa sao nổi? - Bà Nghĩa can chồng.

- Tôi đi được!

- Sao lúc trước không đi giờ sắp...

- Còn lâu tôi mới chết, ngày trước chưa có điều kiện đi. Có giấy giới thiệu của Hội cựu chiến binh tỉnh, tới đâu chính quyền sở tại cũng phải lo giúp.

Biết tính khí đã nói là làm của ông Trí cụt nên vợ con đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để cho ông ra Bắc. Con trai đã đăng ký mua một vé tàu hỏa từ Đông Hà đi Hà Nội cho cha. Và, không quên dặn dò cha cách tìm đường về địa chỉ cần đến…

Ông Trí cụt đã vào tuổi 64, thương binh cụt tay trái, nhưng trông còn tráng kiện. Ông là con thứ ba trong gia đình có năm chị em sinh ra ở đất Triệu Phong, mỗi mình ông là trai. Các chị các em người còn, người mất do chiến tranh. Cha ông từng tham gia du kích, rồi bị địch bắt giam, tra tấn cho đến chết rồi vứt xác xuống sông Thạch Hãn mùa nước lũ. Căm thù giặc, ông Trí khi đó mới 14 tuổi nhưng đã “nhảy núi” lên xanh để theo các chú bộ đội đánh giặc trả thù cho cha.

Mẹ ông Trí không đi bước nữa mà ở vậy nuôi con, bà về với đất đã hơn mười năm. Sau giải phóng 75 ông Trí trở về Triệu Phong, cánh tay trái gửi lại chiến trường. Người ta gọi ông là Trí cụt. Rồi do mai mối ông đã kết hôn với cô Nghĩa làm nghề bán cá ở chợ Đông Hà.

Hồi ở tiểu đoàn trinh sát, Trí đen (tức ông Trí cụt bây giờ) và Chiến Công (tức Hoàng Chiến Công, quê Thái Nguyên), đang tuổi mười chín đôi mươi, thân nhau như hình với bóng. Chiến Công ngày đó đã kể cho Trí đen nghe câu chuyện tình của mình, lâm li lắm. Ngày Chiến Công lên đường nhập ngũ, người yêu đã tặng anh một sợi tóc “để em lúc nào cũng đi bên anh”. Hồng, người yêu đã nói như thế trong đêm chia tay với Chiến Công bên bờ sông quê. Chiến Công nói với Trí đen rằng, nếu chẳng may tao hy sinh thì mày giữ lấy chiếc áo của tao. Sau này ra Bắc tìm về xóm T, xã B, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái, gặp Hồng và đưa chiếc áo cho cô ấy. Nhớ nói với cô ấy rằng: Hãy vượt qua nỗi đau để xây dựng hạnh phúc mới!

Những năm sau giải phóng miền Nam, nhiều người Bắc vô thăm lại chiến trường Quảng Trị, trong đó có dân Thái Nguyên. Trí cụt hỏi một số người và biết được tỉnh Bắc Thái xưa kia là do ghép Bắc Kạn với Thái Nguyên, nay chia lại tỉnh rồi. Như vậy quê của Chiến Công là ở Đại Từ, Thái Nguyên.

*

Ông Trí cụt được con tiễn ra ga xe lửa Đông Hà vào một sớm mùa hè. Sau hơn 12 giờ chạy tàu, ông Trí cụt đã có mặt ở ga Hà Nội. Làm theo hướng dẫn của con trai ghi trong một tờ giấy. Ông Trí bắt taxi ra bến xe Mỹ Đình, rồi tiếp tục lên xe khách về thành phố Thái Nguyên. Trên xe khách, ngồi cùng ghế với ông Trí là cô sinh viên trường Đại học Công đoàn về quê nghỉ hè. Thật may, cô ấy người Đại Từ tính tình cởi mở khi ông Trí cụt hỏi chuyện.

- Thế thì ông đi cùng cháu, về tới thành phố Thái Nguyên, hai ông cháu mình đi tiếp xe khách lên Đại Từ. Ông thương binh nặng thế này mà một mình lặn lội từ Quảng Trị ra đây thì thật là quý hóa quá!

- Bây giờ đi bằng cơ giới chứ đâu như ngày xưa, ông đi để cho biết Việt Bắc nữa mà.

Cảm giác đường đi trong ông Trí cụt như ngắn lại nhiều.

Cuối cuộc hành trình, cô sinh viên đã giúp ông Trí cụt tìm vào Ủy ban nhân dân huyện. Họ chia tay nhau để lại một kỷ niệm nho nhỏ mà khó quên. Giờ hành chính đã hết tự bao giờ. Nơi không gian Ủy ban vắng teo. Hỏi chuyện người bảo vệ có mái tóc pha sương, ông Trí cụt mới hay xã Đ. mà ông cần tìm chỉ mất một cuốc xe ôm. Thế là vị bảo vệ gọi giúp ông một tài xế xe ôm. Tài xế xe ôm khi nghe ông Trí nói thì vui như gặp người thân:

- Con sẽ đưa ông tới tận nhà bà Hồng, gần đây thôi.

Chừng năm phút đồng hồ họ đã tới khuôn viên ngôi nhà cấp bốn, xung quanh chè búp đang lên xanh rờn. Xe máy dừng trước cổng nhà, tài xế cất tiếng gọi:

- Bà Hồng có nhà không, ra đón khách này?

- Ai đó? - Người đàn bà vừa nói vừa chạy từ trong nhà ra, rồi dừng lại, ngỡ ngàng...

- Tốn hả, chở ai vậy con?

- Thì lúc nữa bà trẻ sẽ biết.

Ông Trí cụt rút ví trả tiền xe ôm, nhưng bị từ chối:

- Thôi ông, không đáng bao nhiêu!

Bà Hồng vội nói:

- Thằng cháu đấy, mời bác vào nhà đi!

Bà Hồng đưa tay đỡ chiếc ba lô cho khách. Bà thắc mắc về ông khách lạ cụt một tay, chân đi khập khiễng, nói giọng trọ trẹ khó nghe mà chưa dám hỏi.

Bà Hồng ở với vợ chồng người con gái nuôi. Bà không lấy chồng. Con rể đi làm xây dựng ở thành phố Thái Nguyên. Một cháu ngoại vừa học hết cấp 2 đang nghỉ hè chờ vào cấp 3. Mẹ nó là giáo viên tiểu học. Sáng nay hai mẹ con đi du lịch Hạ Long do nhà trường của mẹ tổ chức.

Ngày xưa chắc bà Hồng đẹp lắm, ở tuổi lục tuần mà trông bà còn tươi tắn, nhanh nhẹn, quần áo gọn gàng tươm tất. Tóc chưa một sợi bạc. Nhưng dưới ánh mắt của người từng trải sẽ nhìn thấy trong khóe mắt người đàn bà ấy khắc một nỗi u buồn thâm sâu.

Bữa cơm tối quê mùa với gia chủ và người thân, ông Trí cụt cảm thấy thật ngon miệng. Mấy người hàng xóm thân cận nghe tin bà Hồng có khách cũng ghé chơi. Bà Hồng giới thiệu với mọi người về người khách lạ mãi tận Quảng Trị xa lắc xa lơ.

Ông Trí cụt bắt đầu kể về câu chuyện chiến đấu, hy sinh của Hoàng Chiến Công, có lúc ông bật khóc.

...

Cuối tháng 3 năm 1972, quân ta tấn công căn cứ Động Toàn của địch, khởi đầu cho chiến dịch Trị - Thiên năm 1972. Chỉ trong vòng hơn ba mươi ngày, ta đã đánh chiếm nhiều căn cứ địch, làm chủ đường số 9, tiêu diệt căn cứ Cồn Tiên, Dốc Miếu, giải phóng Đông Hà - Ái Tử, giải phóng Quảng Trị. Cay cú vì mất Quảng Trị, địch thốc tháo tập trung mọi hỏa lực và quân số tinh nhuệ nhất nhằm “tái chiếm” những vùng đã mất, mà trọng điểm là Thành Cổ. Cuộc chiến nảy lửa giành giật nhau từng tấc đất đã kéo dài suốt 81 ngày đêm.

Ông Trí cụt lặng đi một hồi, rồi tiếp tục kể: Các đơn vị của ta từ sư đoàn, trung đoàn cho đến các đơn vị bộ đội địa phương đã kiên trung bám trụ, chiến đấu ngoan cường. Quyết tâm không để cho địch cắm cờ trên Thành Cổ, vì điều đó sẽ bất lợi cho ta ở bàn đàm phán Hiệp định Pa-ri.

Ngày cận chiến hôm đó, đại đội 11 của ông Trí đen chặn địch từ hướng đông nam vào Thành Cổ. Trí đen và Chiến Công cùng một mũi. Địch huy động một lực lượng lớn chưa từng thấy gồm xe tăng, thiết giáp, xe phun lửa, pháo cối… ồ ạt xông lên đột phá vào hai cổng thành. Một vài trung đội địch đã lọt được vào cổng. Chiến Công đã phóng liên tục hai quả B40 về phía địch. Địch không thể bám trụ nổi, chúng lập tức cho pháo binh bắn cấp tập vào đội hình của ta. Trên trời địch cho phản lực dội bom. Bom đạn địch đào đi xới lại mảnh đất Thành Cổ không biết bao nhiêu lần. Tình thế hết sức căng thẳng, trận địa mịt mù khói lửa. Hình như còn bao nhiêu đạn địch đều tập trung trút tất cả vào hướng đông nam và đông bắc Thành Cổ.

Bộ binh địch lại ào ào xông vào hướng cổng thành. Xạ thủ B40 Hoàng Chiến Công xuất hiện kịp thời dập tắt ngay khẩu trọng liên của địch, diệt nhiều tên. Địch đưa xe tăng ra cản phá. Chiến Công trúng mấy mảnh “mỏ vịt” vào phần mềm trên đùi phải, Trí đen nhào tới băng bó cho bạn, định đưa bạn ra tuyến sau, nhưng bị phản đối: “Không sao, tao còn đủ sức chiến đấu!”. Chiến Công tiếp tục nhằm hướng địch phóng tiếp B40. Một quả cối của địch xé không khí lao xuống nổ một tiếng đanh gọn, Chiến Công bị thương nặng. Trước khi tim ngừng đập anh vẫn còn kịp nói với Trí đen: “giữ lấy chiếc áo của tao”. Trí đen nhanh chóng đổi chiếc áo lành của mình cho bạn, rồi tiếp tục chiến đấu. Đang trườn mình về phía địch, Trí đen trúng luôn hai miểng đạn cối 81. Một miểng làm mất cánh tay trái và một miểng trúng cẳng chân phải. Khẩu AK của Trí đen đã hết đạn. Vất vả nguy nan lắm, đồng đội mới đưa được Trí đen ra tuyến sau.

Ông Trí cụt lấy ra từ ba lô chiếc áo lính, nói trước mọi người:

- Đây, chiếc áo của Hoàng Chiến Công lúc hy sinh, tui vẫn giữ từ hồi đó!

Bà Hồng như người mất hồn, khi nhìn thấy tấm áo của người yêu xưa. Tấm áo trổ nhiều vết rách.

- Ôi, anh ấy bị nhiều vết thương quá!

Người đàn bà nhạt nhòa nước mắt, ngồi không vững, mấy người hàng xóm phải đỡ dậy. Rồi hàng xóm cũng nhạt nhòa nước mắt...

Bà Hồng sực nhớ ra lời dặn dò năm xưa của mình với người yêu. Bà lần lần từ vạt chiếc áo lính, rồi giật thót tim khi nhận ra túi ni lông đã đi qua hơn 40 năm trời. Đó là một túi ni lông nhỏ kích thước chừng 2 x 2cm, bên trong là một sợi tóc dài nút thành nhiều vòng nhỏ. Chính tay cô Hồng ngày đó đã thiết kế và dặn dò người yêu: Anh hãy rạch một vết ở vạt áo cho em nằm trong đó, để em theo anh suốt chặng đường chiến đấu!

Bà Hồng òa khóc rồi ôm chặt lấy ông Trí cụt kêu toáng lên:

- Ới anh Công ơi...

Hàng xóm ngạc nhiên và hốt hoảng… Những tiếng khóc thắt lòng... Người thân của Chiến Công cũng có mặt khi trăng xanh đã qua đỉnh đầu. Tiếc thay, cha mẹ của Chiến Công đã qua đời, chỉ còn lại hai em gái lấy chồng làng.

Qua một đêm, cả xóm hình như không ai ngủ được, họ chuyện trò, bàn luận xôn xao về chiếc áo lính.

Chính quyền xã hay tin đã tới nhà bà Hồng vào sáng hôm sau để nghe ông Trí cụt kể lại câu chuyện người con quê mình đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường 81 ngày đêm đỏ lửa.

Chính quyền xã đã tổ chức đón tiếp ông Trí cụt như đón tiếp một chính khách. Và không quên bày tỏ lòng biết ơn.

Ông Trí cụt được ra viếng nghĩa trang liệt sĩ xã nhà. Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã chỉ vào một ngôi mộ nói:

- Đây là mộ của đồng chí Hoàng Chiến Công, hài cốt đem về từ nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Quảng Trị.

Ông Trí cụt cố ghìm để giữ nước mắt trong người, ông như muốn ôm cả ngôi mộ vào lòng mình: Chiến Công ui, tau xin lỗi mầy nha, giờ tau mới về được để giữ trọn lời hứa với mầy. Đất nước giải phóng rồi. Mầy đi linh hồn siêu thoát nha Chiến Công ui!

Mọi người có mặt ở nghĩa trang liệt sĩ xã B không thể tin nổi trước mặt mình lại là một cựu chiến binh già mất một tay, chân đi cà thọt từ Quảng Trị về đây.

Ông Trí cụt đứng nghiêm trang như người chiến sĩ trong hàng quân chờ lệnh xuất kích. Tất cả các ánh mắt đổ dồn vào ông, để nghe giọng nói hùng hồn: “Quê hương ta tự hào có những người con anh dũng, đã chiến đấu hy sinh trên mảnh đất Quảng Trị quê tôi.”

Người ta như đang nhìn thấy hai người lính chung chiến hào chiến đấu, đổi áo cho nhau, nói với nhau lời cuối cùng...

Đ.S.Q

Đặng Sĩ Quang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 283 tháng 04/2018

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground