Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sau giông

Trong di chúc mẹ tôi để lại có đoạn: “Ðừng để ba tụi con ra đồng cỏ lúc trời làm lửa!”. Tờ giấy vở học trò mẹ viết cất sẵn dưới gối, ngày liệm mẹ, tôi dọn giường tìm ra. Chữ mẹ đựng trên mặt giấy mỏng dính. Nhưng tôi càng nhìn càng thấy nặng.

Nặng như những buổi trời rà sát đồng cỏ, nổi giông. Thường là vào những trưa hè nắng ăn da người ghê gớm nhất. Ðương giữa buổi vắt mồ hôi ra khỏi từng tấc da người, bỗng nhoáng cái, nắng chuồn đâu mất hút. Khi trời và cỏ trộn nhau đùng đục tối. Mẹ tôi gọi: “Trời làm lửa đến nơi rồi!”.

Ba tôi thường ngồi kiểu một đầu gối co ngang mép tai, bàn tay trái nắm chặt chống một bên cằm. Ánh nhìn trống rỗng. Từ nhỏ, tôi đã ghét bộ ngồi đó. Tướng ngồi dù rớt giữa bạt ngàn đồng cỏ vẫn y hệt lúc ngồi trong góc nhà giữa buổi trời giông.

Cơn giông đầu tiên tôi biết tức tối giậm chân trước cái bóng. “Ba làm biếng nhất xứ! Mẹ với con lùa cừu chạy giông muốn xỉu ba cũng không ra phụ. Sấm sét có gì đâu mà ba trốn trong nhà!”. Xém chút nữa, cán chổi chà mẹ quật hỗn hào tôi tứa máu.

Ðêm. Lần mò tay xoa lên những lằn chổi hằn trên mình mẩy tôi, giọng mẹ ướt sũng. “Mẹ có tội. Nhưng đừng bắt ba con ra đồng cỏ khi trời làm lửa. Sấm sét, tiếng nổ. Mẹ sợ lắm! Biết đâu chúng sẽ làm ba con nhớ lại. Bác sĩ nói rồi. Chỉ cần có những tác động, âm thanh gợi nhắc ổng đến cuộc chiến đó. Nhớ làm gì? Quãng đời trước đẹp lắm sao! Chừng ấy năm mẹ cứu ổng, thương ổng, làm vợ ổng chưa đủ sao? Ba con không được nhớ! Ổng nhớ. Mẹ sẽ mất chồng. Con sẽ mất ba”.

Tuổi 18, tôi hạnh phúc thấy mình thoát khỏi đồng cỏ. Giảng đường đại học, thành phố, tình yêu. Tôi nhao vào vòng tay ôm tương lai bằng tốc độ một cơn lốc.

Không có tia sét, không tiếng sấm nổ, ba tôi lại là người cha hồn hậu, giọng cười vang đồng cỏ. Ba thích ru em út tôi ngủ khi bằng khúc quân hành hào hùng nào đó, lúc lại bằng điệu chèo xa lạ.

Ngày giông cuối cùng của mẹ, tôi không thể nào không về, dù sấm nổ súng, chớp ném pháo sáng ác liệt lên bầu trời đồng cỏ. Một tay còn nguyên dây nhợ, lủng lẳng treo bịch nước chuyền, ráng vịn cửa, mẹ tôi lo lắng ngó theo ba đang ra phía chuồng cừu. “Coi chừng đó! Ðừng để ổng ra đồng cỏ!” - Thều thào, mẹ gọi chị em tôi. Từ đó cho đến lúc mẹ mất, tức gần trọn năm, tôi không dám nhìn vào mắt mẹ. Mẹ mất, chỉ một mình ba vuốt mắt. Tôi bắt trễ chuyến xe về quê. Em út đang giờ học ở trường. Còn em trai đã cùng một ba-lô đầy sách bỏ nhà đi đâu mất.

Nhìn mẹ nằm lạnh ngắt giữa buổi trưa hè mồ hôi như mỡ chảy, nhìn ba ngồi làm pho tượng ngay đầu giường, bàn tay ấm đan chặt vào bàn tay không còn hơi sống, tôi nhận ra hình như mẹ cũng chỉ cần duy nhất điều này. Lâu lắm rồi, tôi mới nghe ngực trái tôi nghẹn đau lên.

Tôi biết mình mắc nợ ba. “Ba con không được nhớ!”. Nước mắt tôi bục ra cùng lúc với mảng ký ức không biết tự lúc nào đã có trong đầu. Một đứa con gái lầm lịt đi qua người cha đang chống cằm nhìn ra lúc trời giông. “Ba nhìn cái gì ở ngoải? Mẹ con đang ở chỗ bếp kìa!”.

Một con nhỏ bộ lo lắng nhưng miệng như mim mím nụ cười lừa gạt. “Bác sĩ nói ba gặp trời rền, sấm sét nổ là đau đầu thêm, khỏi nhớ lại gì luôn đó. Nên cơn giông nào ba cũng ở trong nhà vầy, ba nha!”.

Tôi không biết mùi chiến tranh. Trang tìm kiếm google cho tôi xem những thân người trơ xương, đầu trọc, mặt vàng như nghệ. Công cụ đại diện trí nhớ con người hiện đại khô khốc chỉ tôi: “Ðó là sốt rét rừng!”. Tôi thử làm một phép thế trong ý nghĩ. Thay chỗ mặt người má hóp rọp, mắt trũng phờ phạc từ những tấm ảnh google bằng gương mặt ba tôi. Vẫn không cách nào hình dung được. Rằng ba tôi đã từng co quắp thân người da vàng ệch, mê man sốt. Từng nghiến muốn gãy răng mình gồng cơn lạnh rúc rỉa tận xương tủy. Thuốc quinin từng bụm chui vào cổ họng ba. Còn trí nhớ ba chui ra ngoài theo từng đợt sốt, rồi lạnh. Bốc hơi, biến mất.

“Không ai qua một cuộc chiến mà không trả giá!”. Tôi nhớ lời mẹ từng lẩm bẩm. Cả nhà ngoại tôi đã phải trả bằng mạng sống tám con người, dù chẳng làm gì động đến chiến tranh, ở một ngôi làng biên giới. Mẹ tôi sống sót nhờ nín thở trong lu gạo, nhưng cũng phải trả cho chiến tranh cơn ám ảnh. Nên ba tôi, người lính mẹ đã cứu trong cái lán quân y bị pháo kích giữa rừng, ông may mắn. Khi cuộc chiến khủng khiếp ấy chỉ đòi ở ông một đoạn trí nhớ.

“Cái đoạn đó... Mình... quên cũng được. Ðòi nhớ chi cho khổ, ha con?”. Lúc chỉ tôi chỗ giấu cái thùng sắt, phấp phỏng, mắt mẹ nhìn tôi.

Cái thùng nghe đâu là thùng đạn, nắp dày cui, vỏ mầu lá chuối già. Mẹ bật nắp. Những mảnh giấy thay đạn vàng chóe nổ tung. Từng dòng mực thành thuốc nổ. Người tôi bị hết con chữ này sang con chữ khác xuyên qua, thủng lỗ chỗ.

Tôi nhìn mẹ. Tôi tìm những vết thủng chắc đã lở loét hoặc đóng sẹo chằng chịt trong ngực mẹ, người từ ngày quyết định giấu đi những bức thư của ba, chắc không chỉ bị đạn chữ bắn một lần.

Khi còn là một đứa con gái đang lớn, bên cạnh mẹ, tôi thương những ngón tay. Xong cúng thất đầu tiên cho mẹ, tự tay mình mở lại thùng sắt, tôi không biết mình thương ai hơn: mẹ tôi hay chủ nhân những bức thư?

Người đàn bà ấy, nghe đâu giờ chỉ còn ngồi sau một ô cửa nhìn xuống phố. Mấy đợt công tác ra Hà Nội, tôi có làm như tình cờ qua lại ngõ phố đấy. Những dãy nhà cũ kỹ chen nhau. Mái chật, ban công chật, tường chật, cửa chật. Cả một loạt chật chội khó chịu rải dọc sau những bóng cây mới trồng lại cụt ngủn. Một lần, tôi thậm chí còn ghé lại hàng chè người đàn bà, kêu đến hai ly chè đậu xanh. Bởi múc mãi, uống mãi vẫn không làm tan được trong lòng cơn chật.

Trả tiền chè, tôi không đủ can đảm ngước lên đối diện người bán. Ngoặt luôn vào ngõ nhỏ đầu tiên thấy được, tôi lủi đi như chạy trốn. Khao khát vô cùng một đồng cỏ thân quen, để được úp ngay mặt xuống bao la, hét văng hết chật chội ra khỏi lồng ngực. Người bán hàng chè nghe đâu vợ một liệt sĩ ở chiến trường K.

Ngày tôi mở lại cái thùng sắt mẹ cất công đào giấu dưới chân chuồng cừu, em trai đột ngột trở về. Ðang ngồi đồng trước những lá thư đã dần mỏng tang cả giấy lẫn nỗi đợi chờ, ngẩng lên, tôi sững sờ gặp em trai đã đứng bao giờ cạnh tôi, nhìn xuống.

Râu ria lởm chởm, đôi giày thể thao tôi mua tặng ngày nào đã cũ mèm, há mõm. Nhưng cái bóng phủ qua tôi không phải bóng một chàng trai mơ màng, xốc nổi.

“Em đã kết bạn với đứa cháu gia đình đó. Nó mời em về nhà. Ba nó là trai trưởng nên ở với bà. Bà có hàng chè bán trước nhà, năm rồi mới bị tai biến, nên giờ chiều nào cũng ngồi xe lăn nhìn xuống phố. Ba nó định bán nhà đưa bà về quê, nhưng bà không chịu. Nghe đâu ngôi nhà vốn mua bằng tiền tuất của ông nó. Bà không nỡ. Em xin lên lầu thắp ông nội nó nén nhang. Bật quẹt, châm nhang xong, tới đoạn cắm vào lư, em đành giả đò ôm bụng, nhờ nó. Sao em thắp nhang cho người còn sống được, Hai? Hình ba mình trên bàn thờ mà...”.

Gió trào về từ đồng cỏ. Ðoạn gió nào xước ngang chị em tôi mà hai ánh mắt gặp nhau nhòe ướt?

“Mình trả ba cho người ta đi, Hai!”.

Tay em trai đặt lên tay tôi, bàn tay vững chãi của một người đàn ông. Tôi òa lên. Cơn nghẹn lâu lắm trong cổ họng, trong lòng tuôn xả. Gió đồng cỏ vuốt bên nức nở tôi. Lặng im lau khô.

Theo sau cái bóng lừng lững của em trai, thùng sắt ôm trên tay, tôi đi tìm ba. Quãng đời bị chiến tranh đánh cắp. Ký ức mẹ và tôi đã che giấu. Những bức thư người vợ miền Bắc gởi cho ba trong chiến trường. Ðoạn quá khứ bị bít lại vì tình yêu và cả sự ích kỷ cuối cùng cũng sắp được khơi.

Ði sau em trai, tôi bỗng hiểu từng bước chân nó, thế hệ tưởng lững thững bên ngoài quá khứ, nhưng thật ra là thế hệ dám đối mặt. Ba tôi không ở nhà. Chúng tôi tìm thấy ông trên đồng cỏ.

Ba tôi, người vẫn ngồi nhỏ thó trong góc nhà ngó ra những cơn giông, vẫy tay. Tôi không nói được một lời. Trong bàn tay sạm nắng giơ trên những bông cỏ là tấm di chúc mẹ viết cho tôi, vuông vức từng nếp gấp. Cái thùng sắt rớt xuống chân tôi, lộn lông lốc theo dốc cỏ. Chậm rãi, thương mến, ba tôi cúi ôm nó lên.

Trước mặt tôi, lần thứ tư, nắp hộp bật mở. Ðặt chữ mẹ tôi bên cạnh chữ người đàn bà Hà Nội, ba nhìn chúng tôi, ánh mắt như thu hết bao la đồng cỏ.

“Mai cho ba ra ngoải thăm bả. Ði sớm về sớm còn làm 21 ngày cho mẹ con...”. Gió lại nổi. Gió thoảng cả hơi một cơn giông hình như đang sắp ùa về từ chân trời. Lần đầu tiên, tôi nghe trong hơi giông mùi lông cừu bỗng dìu dịu lại, mùi âm ấm giăng mắc từ những sợi hơi nước, rồi mùi cỏ dậy lên man mát, thơm thơm.

Rưng rưng, tôi biết mình đã chạm được trái tim thực sự của cơn giông. Tôi không cần hỏi nữa từ lúc nào ba tìm lại được trí nhớ, làm sao ông sống được bên chúng tôi khi quá khứ và thực tại cứ chực xô nhau, gãy vỡ.

N.T.K.H

Nguyễn Thị Kim Hòa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 284 tháng 05/2018

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground