Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ba Lòng thuở ấy trong tôi

B

a Lòng một giải thung lũng nằm giữa núi rừng tỉnh Quảng Trị, một căn cứ địa cách mạng lý tưởng của Quảng Trị trong thời kháng chiến chống Pháp. Chiến khu Ba Lòng nằm dàn trải trong một đơn vị hành chính cấp xã - Triệu Nguyên. Triệu Nguyên gồm các thôn: Văn Vận, Tân Trà, Thạch Xá, Đá Nổi, Hà Vụng, Cây Chanh, Mai Sơn, Bãi Sậy, La Ngan, Hà Giữa, Đá Nẩm, Xuân Lâm, Na Nẫm, Phú Thành, Làng Hạ… Sau 1954, bọn Mỹ ngụy lấn them một số xã, thôn khác lập thành Quận Ba Lòng, một đơn vị hành chánh tương đương cấp huyện.

Ba Lòng còn có tên gọi là “Nguồn”. Năm 1947, các đồng chí lãnh đạo tỉnh chọn Hòn Linh, Khe Me làm chiến khu tạm thời. Nhưng đầu năm 1948, đã chọn vùng Ba Lòng làm chiến khu, lập căn cứ địa lâu dài là trung tâm đầu não của toàn tỉnh Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Với lợi thế, hai triền núi như hai bức trường thành chạy từ tây sang đông đến Thác Mệ thì khép lại như một tấm cửa chắn. Từ Thác Mệ xuôi về Chả Cá, Bơơng, Trấm… núi sông trùng điệp, quanh co, thác ghềnh sâu thẳm, là mảnh đất “tử” của kẻ thù. Quân xâm lược Pháp đã có lần thăm dò, nhưng khi tới Bơơng, Chả Cá… chỉ đổi lấy mạng chết. Ở đây ban ngày là “đò chìm”, nhưng từ sáu giờ chiều trở về đêm là đò lại nổi lên. Hình ảnh đó đã lắng đọng trong những câu thơ của nhà thơ Lương An:

…” Tây lên mấy chuyến Ba Lòng

Đò em dận nước cũng từng ấy phen

Tây về em lại kéo lên

Đêm đêm cứ ngược xuôi miền chiến khu”…

Trong chống Pháp, Ba Lòng là điểm hội tụ lương thực, thực phẩm, quân khí, quân nhu…của các đoàn dân công vận tải Thanh - Nghệ - Tỉnh vào theo đường 9, Cùa, Xoa, Làng Hạ… hoặc từ đồng bằng Triệu Hải theo đường Phong An, Phường Sắn, Như Lê, Trấm… nhằm cung cấp cho cuộc kháng chiến lâu dài của Trị Thiên.

   Ai đã từng ở chiến khu Ba Lòng, hẳn không khỏi bùi ngùi, nhớ nhung những lúc xa vắng. Câu hát Còn đâu trên chiến khu, trong rừng chiềutiếng suối reo, ngàn thông reo… còn in đậm khó phai mờ trong trí nhớ của những người cán bộ, chiến sĩ thời chống Pháp.

   Ba Lòng núi rừng âm u, nhưng là mảnh đất rất mến khách. Thời chống Pháp đón tiếp biết bao nhiêu cán bộ của Trung ương, của các Liên khu từ Bắc vào Nam hay ngược lại. Từ Bộ Chỉ huy mặt trận Bình Trị Thiên, cơ quan Phân khu Bình Trị Thiên, hầu hết cơ quan của tỉnh Quảng Trị, bệnh viện, quân, dân y… đều rải rác, ngày đêm núp dưới tán rừng mượt lá.

   Năm 1952, anh Lê Duẩn Trung ương cục Miền Nam trên đường ra Bắc làm việc với Trung ương Đảng, với Bác Hồ có ghé lại cơ quan Tỉnh ủy Quảng Trị tại Ba Lòng. Anh dặn dò, khuyên bảo rất sâu sắc, chân tình. Cuộc nói chuyện với cán bộ chủ chốt của tỉnh vừa ấm tình người tình đồng chí, tình quân dân. Anh nói về Nghị quyết chủ trương không biết mỏi, nhưng bao giờ anh cũng hướng vào mục đích củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên. Anh khuyên, ở Ba Lòng nên làm giá đậu xanh để tăng thêm chất dinh dưỡng của từng bữa ăn, hoặc góp tiền luân phiên may sắm màn ngủ để chống muỗi; bộ đội phải phân công nhau về đồng bằng gánh gạo thay dân; tổ chức chợ và quán ăn nhằm trao đổi hàng hóa làm cho chiến khu có đời sống tươi hơn, làm cho cán bộ vui vẻ quên đi bao khó khăn gian khổ và đẩy mạnh tăng gia sản xuất.

   Ba Lòng đã ngấm sâu ý thức cách mạng, tràn đầy lòng yêu nước và mang nặng tình cảm quốc tế bao la. Năm 1953, khi nghe tin đồng chí Stalin, tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ trần, một không khí thân thương luyến tiếc bao trùm cả chiến khu. Không những đảng viên, cán bộ mà ngay đồng bào thiểu số từ ông bà già, trẻ em đôi mắt đỏ hoe, lệ chảy đầm đìa vì tình thương sâu đậm với một vị lãnh tụ thế giới.

   Thung lũng Ba Lòng khá rộng và bằng phẳng nhưng thấp lụt. Lượng phù sa nhiều nên đất đai màu mỡ. Có thể nói rằng: Ba Lòng là vựa ngô, sắn dự trữ trong những năm hạn hán, mất mùa lúa ở đồng bằng. Thuở ấy, đất Ba Lòng mỗi năm làm một vụ. Vụ sau muốn gieo trồng phát cây, vỡ hoang. Câu nói: Làm chơi ăn thật từ thực tế này. Cây ngô Ba Lòng to bằng cánh tay, dài trên hai thước tay. Cây nào cũng cho hai, ba quả, mẩy hạt, trái dài vàng hươm. Ban Đảng vụ Tỉnh ủy có năm trồng mười hố bí ngô, tưởng làm một cái lán là đủ chứa để thu hoạch. Ai ngờ phải làm thêm một cái lán thứ hai mới chứa hết. Cơ quan nào cũng trồng sắn, đậu xanh, khoai lang. Sắn đến tháng mười hai không ăn hết phải bán cho bộ đội hàng tấn. Đậu xanh thu hoạch xong làm đủ thứ: độn cơm, làm giá (thức ăn). Số còn lại ít nhất một tuần lễ mỗi người cũng được hai ba lần ăn chè đậu xanh với một đĩa nhôm tròn to tướng. Xa gia đình, nhớ vợ con, cha mẹ chứ bữa ăn ở chiến khu Ba Lòng có khá hơn những chiến khu khác.

Thuở trước, Ba Lòng nằm trên con đường giao lưu kinh tế giữa vùng xuôi và vùng ngược. Dân đồng bằng Triệu Hải đem muối, cá khô, đồ đồng lên đổi cho đồng bào thiểu số vùng Trại Cá, Tà Rụt, A Bung để lấy thuốc lá, mộc nhĩ, măng khô…

Tình người, tình đồng chí, tình núi rừng hòa quyện với nhau thật đầm ấm, vui nhộn. Mỗi khi đi công tác đồng bằng trở về cơ quan như trở về với gia đình. Chị Nguyễn Thị Em suốt cuộc kháng chiến chống Pháp đi theo cơ quan Tỉnh ủy Quảng Trị. Chị coi cơ quan Đảng là gia đình. Là một người chị cả, người chủ cơ quan chăm lo từng bửa ăn cho anh chị em, giữ gìn tài sản cho tập thể. Quê chị ở Lệ Thủy. Chồng chị chết sớm. Chị có một người con trai duy nhất đã bị giặc Pháp bắn chết khi qua đường Chín. Chị nêu một tấm gương mẫu mực, liêm khiết. Chị thường đấu tranh không khoan nhượng với các đồng chí có những quan điểm, tác phong sai trái.

Ngày 12-3-1950, Chính phủ ban hành sắc lạnh tổng động viên. Toàn thể quân, dân, cán bộ, đảng viên trong tỉnh với một khí thế phấn chấn, sôi nổi, thi đua chuẩn bị tích cực chuyển mạnh sang tổng phản công.

Cuối năm 1950 đầu năm 1951, quân ta giải phóng Cao-Bắc-Lạng. Biên giới giữa ta và Trung Quốc được khai thông. Tình hữu nghị Việt-Trung-Xô ngày càng thêm thắm thiết đã động viên, giúp đỡ nhân dân ta trong bước đi lên giành thắng lợi mới. Các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, hoặc thủ trưởng các ban ngành đi họp ở Trung ương thường mang về những luồng văn hóa mới, những bài hát, những điệu nhảy mới thật vui nhộn. Trước giờ họp, lúc giải lao tiếng hát, điệu nhảy vang lên khắp hội trường, khắp núi rừng. Bên luống ngô, trên đường đi, trong lớp học đâu đâu cũng biểu lộ một không khí hào hứng, thưởng thức những làn điệu văn nghệ mới.

   Ba Lòng có mặt với cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Biết bao cán bộ chiến sĩ đã gửi gắm tâm tư, tình cảm của mình với Ba Lòng. Chả ai tính được bao nhiêu nam nữ thanh niên đã từng hẹn hò, thề thốt và kết duyên bên dòng sông, bờ suối. những đồng bào lập nghiệp lâu năm hay mới sơ tán đến sau khi có chiến tranh đã cùng nhau giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp, góp công, góp sức mình vào việc xây dựng thôn bản, quyết sống chết để bảo vệ mảnh đất thiêng liêng này. Ba Lòng không chỉ là chiến khu của Quảng Trị mà có thể nói là căn cứ, là trung tâm của chiến trường Bình Trị Thiên. Mỗi cán bộ, chiến sĩ đã từng sống ở chiến khu Ba Lòng, dù ít, dù nhiều đều có những bước trưởng thành từ đây, nên đi xa lại càng nhớ da diết như nhớ quê hương của mình… Bản thân tôi mà cũng có thể của nhiều người – mỗi khi đi công tác ở Triệu Phong, Hải Lăng, hay Cam Lộ, Gio Linh… về đến Xoa, làng Hạ hoặc có khi đò lên đến bến Đuồi, 2 giờ sáng mắt đã buồn ngủ, chân đã mỏi nhừ nhưng cứ muốn bước về cơ quan, đơn vị. Vắng anh chị em trong cơ quan hai ba tuần lễ là rất nhớ như nhớ người thân, cậu ruột của mình.

Nhớ những trận giặc càn ở Cùa, ở Phong An, chúng lăm le vào Ba Lòng. Chúng tôi phải cơm đùm, cơm nắm, xách mang tài liệu đi vào những dãy núi xa hơn. Chị nuôi phát cho mỗi người mỗi ngày hai vắt cơm bằng cái trứng ngỗng với muối mè. Ăn đói, sên vắt cắm nhưng vẫn vui vẻ. Năm 1951, trận lũ lớn ở Ba Lòng, nước lên nhanh bất ngờ. Nước lũ vào tận xóm Mít của thôn Hà Vụng. Ban đặc vụ chúng tôi tạm tránh lụt ở một hốc đá khá cao nhưng rồi nước cũng mon men vào. Giữa cái vật lộn với thiên tai, địch họa cũng đan xen niềm vui hưởng thụ khi có con cá trôi, cá chềnh câu được bên gềnh Đá Nổi hoặc trước những đĩa nhôm chè đậu xanh nấu với đường cát (nhiều khi đường đen) của đồng bào thị xã Quảng Trị gửi lên. Những chiều rỗi việc, trước rổ sắn luộc chín trắng phau, chúng tôi ngồi bên nhau nhả những khói thuốc cuộn tròn bay lơ lửng vào không trung mà lòng lâng lâng, tự hào với những sản phẩm do mình với cơ quan làm ra. Những hình ảnh đó đã để lại dấu ấn sâu đậm trong chúng tôi rất khó phai nhạt.

Khắp nơi đây đó, anh chị em họp mặt để kỷ niệm 50 năm ngày cách mạng tháng Tám thành công, hoặc thành lập ngành. Mỗi người chúng tôi đã có những năm tháng sống ở Ba Lòng chỉ mong ước có những lần hành hương có tổ chức về thăm nơi chiến khu xưa mà lòng hằng nhớ nhung, ấp ủ:

   Đò Trấm đưa em về bến nhớ

   Ba Lòng ấp ủ những binh cơ

   Đi xa vẫn nhớ về Hà Vụng(1)

   Nơi đó, ngày đêm tính nước cờ.

                                                                 Tháng 10 năm 1995

                                                            T.K.H

 

____________

(1) Nơi có cơ quan Tỉnh ủy Quảng Trị đóng

 

 

Trần Kim Hồ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 22 tháng 07/1996

Mới nhất

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

1 Phút trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground