Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cam Giang – Đất thép bên sông Hiếu

B

ây giờ thì caí tên Cam Giang đã được hóa thân thành hai phần đất: xã Cam An Thuộc huyện Cam Lộ và phường Đông Giang thuộc thị xã Đông Hà nhưng mãi trong trang sử hào hùng của Quảng Trị hai chữ Cam Giang vẫn chói ngời như một dấu son ghi đậm những chiến công qua hai cuộc kháng chiến; đất và người vẫn kế tục truyền thống, vươn lên xây dựng quê nhà giàu đẹp hơn, đàng hoàng hơn.

Suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, người dân Cam Giang đã kịp động viên con em mình gia nhập đoàn quân Nam tiến, xung vào các đội quân cảm tử, bộ đội chủ lực. Khi Pháp chọc thủng mặt trận đường 9, giặc tăng cường các lực lượng thủy bộ có đủ xe tăng, đại pháo, máy bay, biến Cam Giang thành căn cứ trọng yếu để khống chế toàn vùng. Từ đó Cam Giang như bị kẹp trong một gọng kìm tam giác, các phía đồn bốt địch chốt đóng dày đặc. Địch hy vọng với sự kìm kẹp này sẽ khuất phục được nhân dân trong xã, nhưng không, dưới vòng vây của kẻ thù, đội tự vệ của quê nhà vẫn được nhân dân chở che, đùm bọc, nuôi dưỡng, phối hợp với bộ đội địa phương và quân chủ lực giáng trả kẻ địch những đòn chí tử, bẻ gãy nhiều trận càn tàn bạo của địch, thọc sâu vào tiêu diệt các căn cứ ở Đông Hà, đồn Mai Xá, ngã Tư Sòng, Cầu Đập Huyện. Hình ảnh chị Trần Thị Xanh - Xã đội phó bị giặc bắt trước đồn Sòng vẫn hô vang những khẩu hiệu yêu nước bất chấp họng súng quân thù đã trở thành biểu tượng của dũng khí Cam Giang từ ấy. Sau hiệp định Giơnevơ, kẻ thù mưu toan phá hoại hiệp thương tổng tuyển cử, địch lê máy chém đi khắp miền Nam trả thù những người kháng chiến cũ. Thế nhưng người Cam Giang vẫn một dạ kiên trung theo Đảng, bất chấp các chiến dịch “Tố cộng, diệt cộng” dã man tàn bạo của kẻ thù. Trong cuộc đấu tranh ác liệt ấy, đồng chí Mai Chiếm Cương Huyện ủy viên Cam Lộ, Bí thư chi bộ xã đã bị bắt và anh dũng hi sinh. Cái chết của đồng chí Mai Chiếm Cương không làm nhân dân Cam Giang chùn bước như mong muốn của kẻ thù mà ngược lại, hơn bao giờ hết, người dân Cam Giang càng tin tưởng hơn vào Đảng vào cách mạng, tin tưởng vào thắng lợi ngày mai.

Vì thế, cho dù từ 1959 đến 1962, địch khủng bố trắng, ráo riết lùng sục, đánh phá khốc liệt các cơ sở cách mạng, nhiều cán bộ đảng viên cốt cán bị giặc bắt đi đày nhưng phong trào chỉ tạm lắng xuống một thời gian, lòng tin son sắc vào cách mạng vẫn được ấp ủ trong từng trái tim người. Đến năm 1963, nối được liên lạc với Huyện ủy Cam Lộ một số đồng chí nhen nhóm lại phong trào tổ chức lại lực lượng du kích mật; tiến hành phân hóa kẻ thù, chủ động tiến công về chính trị, lãnh đạo nhân dân xuống đường đòi truất phuế Ngô Đình Diệm tại đoạn đường thôn An Lạc. Với sự phát triển của phong trào địa phương, đầu năm 1964 cấp trên cử một số cán bộ về tăng cường, đến lúc này Chi bộ Đảng nhân dân cách mạng Việt Nam (Tức Đảng Cộng Sản Việt Nam) của Cam Giang được thành lập. Từ đây cơ sở cách mạng phát triển nhanh, lực lượng du kích mật được tăng cường hoạt động mạnh khiến bọn tề ngụy có nợ máu ngày đêm nơm nớp lo sợ. Dưới sự lảnh đạo của Chi bộ Đảng, những năm 1965-1967 nhân dân đã nhiều đợt xuống đường chống Mỹ Thiệu. Qua những cuộc tập kích lớn nhỏ, du kích Cam Giang đã từng bước trưởng thành, vươn lên làm chủ về đêm, kết hợp với bộ đội địa phương Cam Lộ và các đơn vị bạn diệt ác phá kềm, quét sạch hàng rào ấp chiến lược. Lần đầu tiên đánh tan trung đội nghĩa quân ở Đại Đô, phối hợp với đơn vị 1A đánh trên sông, đánh vào cảng Đông Hà, đánh tan tiểu đoàn hai thủy quân lục chiến ngụy ở ngã Tư Sòng. Đầu năm 1968, với khí thế tổng tiến công nổi dậy, du kích Cam Giang phối hợp với bộ đội chủ lực đoàn Sông Dinh I, II, Trung Đoàn 270, Trung Đoàn 27 và Đoàn 31 Sông Hồng quần lộn quyết liệt với giặc Mỹ ở Thượng Nghĩa, Phi Thừa, Thượng Độ, Đình Tổ, Đại Độ, Đồng Hoang, Phú Hậu, Trúc Kinh diệt hàng trăm tên, phá hủy hàng chục xe tăng, bắn rơi và bắn cháy 5 máy bay Mỹ. Lúc này mặt trận Khe Sanh đang quyết liệt. Quân ủy Trung ương chỉ thị phải bóp nghẹt yết hầu của địch ở Đông Hà, chặn đường tiếp viện hậu cần từ Cửa Việt lên cho Khe Sanh. Trận “Bạch Đằng Giang trên song Hiếu” đã bắt đầu từ đó, trải mấy chục năm qua nhưng mỗi lần nhắc đến chiến công này lòng ai cũng rộn lên những náo nức, tự hào. Đấy là một trận thủy chiến được phối hợp chặt chẽ giữa du kích Cam Giang và bộ đội địa phương cùng với bộ đội chủ lực, kết hợp cả thô sơ và vũ khí hiện đại. Theo kế hoạch tác chiến của cấp trên cộng với sáng kiến đóng góp của một nông dân quê nhà, hàng chục chiếc thuyền của vạn đò được huy động hàng ngàn cọc tre vót nhọn được chuẩn bị khẩn cấp từ các thôn trong xã và các xã bạn bí mật ùn ùn chuyển đến trong đêm, cắm giữa dòng sông Hiếu. Với hệ thống thủy lôi gài sẵn và lực lượng bộ đội chủ lực trang bị tên lửa cầm tay mai phục trên bờ, tất cả đã sẵn sàng diệt địch. Như mọi lần đoàn tàu chiến của Mỹ từ quân cảng Cửa Việt lại chạy lên Đông Hà tiếp viện lính tráng, vũ khí, thực phẩm để chuyển lên cho cụm cứ điểm Khe Sanh, lần này khi những tàu địch vừa lọt vào trận địa mai phục, thủy lôi bắt đầu nổ, tên lửa từ bờ phóng xuống, địch lúng túng xoay xở trên dòng sông đã cắm đầy cọc tre như thế trận Bạch Đằng Giang trăm năm trước, súng rền đạn réo, khói lửa ngút trời, bảy tàu chiến Mỹ chở đầy quân trang quân dụng và hàng trăm lính Mỹ trên tàu bị giết gọn. Trận đánh đã làm tắc nghẽn đường tiếp tế của địch từ Cửa Việt lên Đông Hà hơn một tuần tạo điều kiện cho quân ta nhanh chóng giải phóng Khe Sanh.

Cũng trong thời gian này hàng trăm đợt dân công hỏa tuyến được huy động, Cam Giang lại đóng góp sức người, sức của, nhiều thanh niên trai tráng Cam Giang tham gia vào lực lượng vũ trang được đưa ra Bắc học tập, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung. Từ năm 1969-1970, bị thất bại liên tiếp địch càng quay cuồng lồng lộn, khủng bố tàn khốc hơn. Cam Giang là trọng điểm thanh lọc của giặc, nhưng Đảng vẫn bám dân, dân vẫn tin Đảng. Nhiều trận đánh vẫn được tiếp tục, đặc biệt là chiến công vào tháng 9.1969 để kính dâng lên hương hồn Bác Hồ kính yêu.

Mùa xuân năm 1972, chiến dịch Quảng Trị mở màn, quân dân Cam Giang cùng cả tỉnh vùng dậy phá kềm diệt địch, hạ nhiều đồn bốt từ An Lạc đến Trúc Khê, quê hương Cam Giang được giải phóng ngày 2.4.1972, và từ đó đến ngày 28.4.1972, quân dân du kích Cam Giang đã gìn giữ tranh chấp từng tấc đất chống lại quân địch từ Đông Hà nống ra, chờ ngày đại quân ta kéo vào giải phóng hoàn toàn Đông Hà. Đến mùa xuân 1975, khi đất nước thống nhất, nhân dân Cam Giang đã vượt qua nhiều cam go thử thách xây dựng cuộc sống mới trên mảnh đất chịu tàn phá khốc liệt của bom đạn. Trên những luống cày vừa xới lên, trên đồng ruộng hoang vừa được dẫy cỏ… còn sót bao nhiêu bom mìn, rình rập mạng sống của người dân Cam Giang. Không kể trọn những người đã nằm lại trên mảnh đất này, trong chiến tranh cũng như ngày sau chiến tranh, chỉ biết cho dù có cam go đến mấy thì đất đai này, sông nước này vẫn chan chứa ân tình, đền bồi cho người những cây trái sum suê mùa màng phong nẫm.

Bây giờ đây, hai mươi mốt năm sau ngày hòa bình, cho dù Cam Giang đã trở thành Cam An, Đông Giang đi nữa thì chiến công xưa hay sự nghiệp bây giờ đều là của chung. Trải bao gian khổ, đổi bao máu xương. Cái giá ấy đã được kể ra cụ thể với 230 đứa con của Cam Giang ngã xuống trên các chiến trường. Hơn 500 chiến sĩ giải phóng quân đã hy sinh anh dũng trên quê hương Cam Giang, hơn 500 gia đình và cá nhân có công với nước, 85 thương bệnh binh… đây là cái giá được đổi bằng máu mà không bút mực nào kể xiết, không một ai có thể cân đong đo đếm được chi ly, chiến tích rạch ròi.

Nhưng có những điều chỉ có thể lặng lẽ hiểu, tự mình cảm nhận được tất cả những hy sinh máu xương kia đã hóa thân vào mỗi một ngày thường bình yên bây giờ. Không phải đi đâu xa, chỉ cần đứng trên chiếc cầu Đông Hà nhìn qua phía An Lạc, Đại Độ, Đình Tổ… những mảnh làng hiền thương qua bao dâu bể đổi dời, qua bao trần ai mưa nắng đã bắt đầu chiu chắt dâng tặng cho người hoa thơm trái ngọt.

Hơn hai mươi năm, mảnh đất xưa nào:

“Bời bời cỏ lút đồng hoang

Chim kêu cành cụt chang chang nắng cồn”

Giờ đã có nước từ hồ thủy lợi Trúc Kinh, từ các trạm bơm điện chảy về tưới mát những ngọn rau gốc lúa. Chính cái mảnh đất quê nhà, sinh hạ ra nhà thơ lớn Chế Lan Viên đã từng đi vào câu thơ ông ”ruộng đói mùa, đồng đói cỏ” thì nay đã có một làng hoa muôn sắc soi bóng bên dòng Hiếu Giang. Phố đã mọc theo dọc quốc lộ I, theo những con đường làng sắp hóa thân lên phố, lên nhà cao tầng tìm gió và nhịp đời mới reo ca cùng Cam Giang trong từng bát cơm manh áo mỗi ngày, đứa trẻ trên đường, mái ngói son tươi vừa dựng. Con số vốn vô tri nhưng con số là lời tỏ bày chân thực và xác đáng nhất. Ở Cam Giang giờ đây có những con số làm phấn chấn lòng người, gây dựng niềm tin cho nhân dân thêm tin yêu vào con đường đang bước tới: 48% nhà dân được xây kiên cố, 44% số hộ có phương tiện nghe nhìn, 18,1% số hộ giàu và khá, có trường học hai tầng cho con em, điện thắp sáng và phục vụ sản xuất cho 65% số hộ toàn xã (tức cả phường Đông Giang và xã Cam An hiện nay).

Trong quy hoạch của thị xã Đông Hà về nội thị và ven đô người ta lưu ý tới cảnh quan đôi bờ song Hiếu. Rồi sẽ có một phố bờ sông bên này trông sang chợ Đông Hà nguy nga bên kia, cứ mơ một chiều ra sóng nước có cụ già ngồi kể cho con cháu bây giờ chuyện Bạch Đằng Giang trên sông Hiếu ngày xưa. Một hình ảnh thân quen như thuở nào vua Trần Nhân Tông từng cảm khái:       

“Bạch đầu quân sĩ tại

Vãng vãng thuyết Nguyên phong”

(Người lính già đầu bạc, kể mãi chuyện đánh Nguyên).

Cam Giang ơi, Đông Giang và Cam An ơi, ngày mai đang mở ra chân trời hy vọng, như con đường 9 nối dài đi ngang qua đây, chạy về cảng Cửa Việt mở hướng ra chân trời biển rộng… Niềm tin ấy có bệ phóng từ quá khứ hào hùng, như sớm mai này Cam Giang vinh dự đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Nhà nước trao tặng. Một sự ghi công xứng đáng với xương máu của người Cam Giang hôm qua đã đổ xuống gìn giữ và tiếp thêm sức mạnh cho họ trên hành trình đi lên của quê hương.

                                                                                        Y.T

Yên Thường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 22 tháng 07/1996

Mới nhất

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

1 Phút trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground