Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cửa Tùng trong sương

Khi chiếc xe thuyền nan còn cháy khát trên mặt biển khơi xa, khi vùng đất này còn có những bóng tre làng biển và những cánh tay trần vạm vỡ của trai làng đẩy thuyền xe sóng ra khơi để câu con nục, con chuồn lấy cái ăn cho những ngày đầu khai cơ lập nghiệp thì vùng đất này đã có từ lâu rồi.

Cửa biển này có từ thiên niên kỷ nào không ai còn nhớ rõ nữa, chỉ biết rằng nơi đây xưa kia, dân cư thưa thớt, đất trên bờ mầu mỡ, cá dưới biển phong phú, lương thực dồi dào, nên người xưa gọi vùng đất này là Thừa Lương... Cũng chính vì vậy mà vùng đất này đã có một thời là chỗ nương thân cho những người xa xứ, nơi lánh nạn của các lãnh chúa phương Đông. Tục truyền rằng hằng năm vào mùa con nước cữ, khi mùa gió chướng nổi lên, con sóng dội vào vách đá cao đến mấy sải tay, tiếng sóng dội vang mãi đến tận chân núi U Bò trên dãy Trường Sơn thì có những hải thuyền của các lãnh chúa phương Đông vào đất này lánh nạn. Có lãnh chúa vì mất ngai vàng nơi cố quốc, có lãnh chúa trên đường đi chinh phạt xứ người gặp bão biển, gặp hải tặc phải vào đây. Và không ít lãnh chúa mãi mãi gửi lại thân xác vàng bạc, châu báu ở đất này khi không đủ sức xây dựng lại binh quyền nơi cố quốc... Tục truyền như vậy có hay không ? Không ai dám quả quyết. Nhưng một điều khiến ai cũng tò mò là hàng trăm năm sau, đã có nhiều người từ đất Chăm Pa, đất Trung Hoa, đất Ấn Độ đến đây để săn tìm của báu. Không biết họ có săn tìm được của báu không, nhưng không ít người đến đây không có đường trở về. Người xưa gọi đất này là đất dữ. Câu ca xưa truyền qua miệng người già:

Cửa Tùng là cửa Nam Ô

Bao người đến đấy mang bồ về không...

Và chính những nấm mồ cực lớn nhưng hoàn toàn vô chủ ở dưới chân Mũi Lài đã minh chứng cho một sự thật đã xảy ra cách đây hàng trăm năm, ngàn năm. Hai anh em lão ngư nổi tiếng Nguyễn Tụ, Nguyễn Oai ở thôn Lộc Đức xã Vĩnh Quang trong một lần đi đánh xăm bãi ở vùng lộng sát bờ đã nhặt được một chuôi gươm bằng bạc trên có khắc một dòng chữ Hán. Khi nhặt được chuôi gươm này, hai ông Nguyễn Tụ, Nguyễn Oai đã cho mời ông Nguyễn Thỉnh người làng Tân Trại Thượng, xã Vĩnh Thành giỏi chữ Hán, có tài độn số về xem và dịch nghĩa. Dòng chữ Hán khắc trên chuôi gươm được ông Nguyễn Thỉnh dịch nghĩa là: "Nhất ngôn khả dĩ kháng bang" nghĩa là "Một lời có thể được nước".

Năm vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân kháng chiến chống Pháp; trên đường cùng Tôn Thất Thuyết ra Tuyên Hóa xây dựng căn cứ địa đã cử một đơn vị đồn trú ra trấn giữ đảo Cồn Cỏ. Đảo Cồn Cỏ xưa có tên gọi là đảo Thảo Dữ. Được tin vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết cho quân trấn giữ đảo, bọn Pháp đã cho quân vây đánh hết sức ác liệt. Lực lượng đồn trú của nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Đội Cần (tức là ông Lục Cần gốc người làng Tân Trại Hạ, xã Vĩnh Giang) đã tổ chức đánh trả hết sức dũng cảm. Những ngày cuối cùng hết lương thực, nghĩa quân phải đào một thứ củ giống khoai mài để ăn, tiếp tục chiến đấu bảo vệ đảo đến người lính cuối cùng. Trước khi thất thủ, đội Cần đã dùng cây gỗ chua-máu bẩy khẩu súng thần công xuống biển không cho rơi vào tay quân Pháp, và rút gươm tự sát. Phải chăng chuôi gươm bằng bạc mà hai lão ngư người làng Lộc Đức, xã Vĩnh Quang đánh lưới được sát vùng lộng Cửa Tùng và khẩu súng thần công mà người thợ lặn Hà Tĩnh đã tìm thấy trong rạn đá phái Bắc đảo Cồn Cỏ là của Đội Cần và đơn vị đồn trú của vua Hàm Nghi ? Quân Pháp sau khi chiếm được đảo, đã tức giận cho chặt đốt trụi hết loại cây nuôi sống được người kia. Sau tên đảo được gọi là đảo Cồn Cỏ. Những ngày nắng đẹp trời, bạn có thể đứng ở đồi cát mạn Cát Sơn nhìn ra biển. Trong nắng trời vàng ong như dát ngọc, đảo Cồn Cỏ hiện lên trên nền trời xanh ngọc bích của biển như bầu thai của một người mẹ sắp đến ngày sinh nở. Trong một phút linh cảm bạn thấy lòng mình lắng lại trong một hồi ức thâm trầm như quyện hòa cùng một niềm yêu dấu xa xưa... Và dưới chân đảo, biển Cửa Tùng vẫn phập phồng, thổn thức như triệu triệu tấm ngực trấn của những đứa con hiếu trung và thảo hiền của biển bảo vệ chở che cho mẹ trong những ngày vượt cạn...

Năm 1986, khi cung đoàn cán bộ của Ủy ban phát thanh truyền hình Trung ương đi khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng và sử dụng loại sóng phát thẳng cực ngắn (sóng FM) của sáu tỉnh Miền Nam, trước khi trở ra Huế, đoàn đã dừng lại ở thành phố Hồ Chí Minh. Tình cờ tại ngôi nhà số 74 Sương Nguyệt Ánh của ông bác họ vợ, tôi may mắn được tiếp xúc với bà Hoàng Thị Châu Cơ, vú nuôi của Péro Hoàng Bảo Long mới từ Pháp trở về. Qua bà Hoàng Thị Châu Cơ tôi được biết nỗi niềm, tâm trạng và kỷ niệm của vua Hàm Nghi, vua Duy Tân về Cửa Tùng. Trong những lá thư từ nhà ngục Angíe gửi về cho gia tộc, vua Hàm Nghi đã có một lần nhắc đến Cửa Tùng với một nổi niềm khát khao, khắc khoải, với những hoài vọng trở về cố quốc. Khi nói chuyện về vua Duy Tân bà đã dừng lại đọc cho tôi nghe một số bài thơ của nhà vua lên ngôi lúc tám tuổi này viết về Cửa Tùng. Một trong những bài thơ đầu tiên của vua Duy Tân viết về Cửa Tùng là bài thơ nói về vua Hàm Nghi trong những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đó là bài thơ:

Thừa Lương

Thừa Lương! Thừa Lương đó hay sao

Cảnh ở đây người ở chốn nào ?

Một bức tường bao nhà vắng vẻ

Bốn bề sóng biển vỗ lao xao

Dắt dìu chiến cuộc vòng tơ trúc

Mòn mỏi rêu phong dấu cẩm bào

Thương nước nghĩ mình phận bạc

Người âu tính liệu làm sao?

Nói về Cửa Tùng vua Duy Tân không chỉ thể hiện tâm trạng của mình về vận nước mà còn ca ngợi vẻ đẹp ngoạn mục của vùng đất, vùng biển nơi đây. trong bài thơ "Tiếp khách" vua  Duy Tân đã ví biển Cửa Tùng giống như một cái chậu tắm, đất núi là nhà. Đối với ông đất và biển Cửa Tùng là một vùng tòa bát ngát của con người của du khách thập phương:

...Nhân lúc nắng trời ngồi tiếp khách

Bao la bát ngát một vùng tòa...

Và khi nói đến cái mạch nước mội trong ngần hiếm nơi có được của Cửa Tùng vua Duy Tân đã ví nó như một linh hồn, một "cái đồng hồ" sống của vùng đất biển đầy huyền thoại này.

Đêm ngày tích tắc ở bên tai

Nay đã trăm năm thấy chẳng hoài

Một phút sáu mươi lần một độ

Ngày mười hai chữ chỉ không sai

Trăm năm lá mía dầu thay mới

Một cái linh hồn cứ sống dai.

Và mãi đến bây giờ cái đồng hồ thiên nhiên ấy vẫn còn như vòng tuần hoàn của luật sinh tồn, như sức sống bền lâu của cội nguồn và nguồn nước ngọt từ thẳm sâu lòng đất đá của Cửa Tùng, của Quảng Trị vẫn chẳng làm dịu lại những vết thương đau bỏng rát của một vùng đất chiến tranh. Và hơn thế nửa nó là quà tặng của thiên nhiên dâng hiến cho đời qua hàng trăm năm thiên niên kỷ hành trình qua chiến tranh, qua máu lửa, qua nỗi đau và nước mắt để đến với bến bờ hạnh phúc... Bởi vì không nơi nào như vùng đất cửa biển này trong hơn hai thập kỷ qua đã chịu những nỗi đau xé ruột xé lòng trên cả nỗi đau của chết chóc đó là nỗi đau chia cắt. Bao nhiêu ánh mắt đồng vọng dõi tìm số phận của nhau, bao nhiêu tiếng nói nghẹn lời lặn vào gan ruột, bao nhiêu nước mắt đã chan hòa vào dòng sông. Và dòng Bến Hải như một cung đàn đêm ngày chuyển tải những dư ba của núi rừng Trường Sơn của vùng đất thắt hẹp miền Trung ngã vào lòng của biển...

Một Cửa Tùng huyền thoại chưa khép lại, thì một Cửa Tùng đích thực đã mở ra, chẳng cần huê dạng, nhưng với một nơi nghĩ mát tuyệt hảo, với một bãi tắm mê hồn, với một vùng biển ấm và mát, Cửa Tùng đã và đang là kỳ vọng của những tấm lòng nồng nhiệt. Hãy đến với Cửa Tùng đích thực hôm nay để cùng tri âm tìm về một Cửa Tùng huyền thoại xa xưa với bao nhiêu điều bí ẩn đang tiềm ẩn dưới thẳm sâu lòng đất, lòng biển...

Cửa Tùng tháng Chạp

N.N.P

Ngô Nguyên Phước
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 20 tháng 05/1996

Mới nhất

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

39 Phút trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground