Từ cảm nghĩ đến diễn đạt, Lê Thị Mây có một lối riêng và người đọc nhận ra nét độc đáo đáng quý ở thơ chị, có thể coi là một đóng góp tích cực cho nền thơ bây giờ, đó là cách cảm nghĩ thiên và khái quát và diễn đạt thiên về ấn tượng với nhiều biểu tượng đa diện. Lối thơ này không phải là sở trường của thơ Việt Nam truyền thống, có lẽ vì thế bạn đọc tiếp nhận thơ Lê Thị Mây còn dè dặt.
Ở tập thơ "Tặng riêng một người" Tập thơ được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 (NXBHNV năm 1990) này, Lê Thị Mây có một quan tâm rất sâu sắc đến như ám ảnh về thân phận người đàn bà trước hạnh phúc lứa đôi sau chiến tranh: những lỡ dở, những mất mát, những cảnh ngộ éo le, những đợi chờ cay đắng... Xin nói tới một bài ngắn Giấc mơ thiếu phụ, chọn nó chỉ vì nó ngắn, dễ nói:
Nữa vầng trăng
lang thang
trôi giữa rạng ngày xanh tái
Ôi giấc mơ
bị cắt
hết máu
giấc mơ
của người thiếu phụ chờ chồng
nửa vầng trăng
Người đầu tiên có sáng kiến cắt đôi vầng trăng để nói sự chờ đợi có lẽ là cụ Nguyễn Du. Một biểu tượng rất đắt, nói thế cũng là khen phò mã tốt áo, nhưng quả thật đợi chờ bao giờ cũng chả khuyết thiếu, mà trăng còn có nghĩa là đêm, là đêm thâu là thanh vắng, là vời vợi... Nửa vầng trăng ở bài thơ chị Mây có dấn thêm một cấp độ chờ đợi nữa: nó lang thang lạc cả vào ban ngày, như một nỗi sầu muộn khuếch tán không giới hạn. Hai chữ xanh tái không biết bổ nghĩa cho rạng ngày hay cho nửa vầng trăng, dù cách nào đi nữa nó cũng gợi ấn tượng mạnh về một tình thế đợi chờ. Cũng xin nói luôn, thơ Lê Thị Mây hay có những nét nhòe về nghĩa, nhưng ấn tượng để lại thì rõ. Người đọc chỉ hiểu "đại khái" về chi tiết nhưng nó lại nắm chắc được trạng thái tình cảm. Đó là một hướng viết rất đáng tìm. Đoạn hai bài thơ có bảy chữ bị cắt làm ba dòng, nói ba ý: giấc mơ, bị giết, hết máu. Đoạn này dính với đoạn trên do mối liên hệ xanh tái và hết máu và nhơ vậy người đọc liên tưởng nửa vầng trăng và giấc mơ, trăng là biểu tượng của mơ-mơ là sản phẩm của giấc ngủ - nhưng đây là mơ cả khi thức (trăng ban ngày) và đã đầy tuyệt vọng, nhợt nhạt vì mất máu, nhợt nhạt như màu trăng lặn muộn buổi đầu ngày. Đoạn kết cho biết đó là giấc mơ của người thiếu phụ chờ chồng. Đọc xong bài thơ chúng ta như nghe thấy được gánh nặng của chiến tranh không chỉ phải ở Việt Nam, mà ở mọi nước, ở mọi thời. Cách viết khái quát và kiệm lời của Lê Thị Mây rất có ý nghĩa đối với một giai đoạn thơ thạo về kể việc và cổ động.
Đọc thơ Lê Thị Mây tôi rất ngạc nhiên: một người con gái đến với thơ rất hồn nhiên bản năng, ít có điều kiện đọc nguyên bản các trào lưu mới của thế giới nhưng lại có rất nhiều ý, tứ và cách nói rất hiện đại. Sự quan tâm đến thân phận con người chỉ với tư cách con người thôi, vốn chưa phải là nét đặc thù của văn chương hiện thực xã hội chủ nghĩa chúng ta mấy chục năm qua, nhưng với Lê Thị Mây nó là tất cả. Thơ chị như một nốt nhạc lạ trong dàn nhạc quen thuộc của chúng ta, mới đầu hơi khó nghe, có vẻ như lạc điệu nhưng rồi với thời gian và với vận hội đổi mới nhân đạo hóa chủ nghĩa xã hội, người ta nhận ra nó chính là một giai điệu hoàn chỉnh. Từ một tiệc cưới, Lê Thị Mây cầm ra ba bông hồng, chị viết:
Tôi biết ba bông hồng mình sẽ mang đến đâu
Tôi lo sợ hoa thành lời ly biệt
và rồi:
Có hai em bé cũng cầm hồng ra phố
Em bé gái hỏi tôi hồng nào xinh hơn, thơm hơn.
Còn tôi nghĩ đến hạnh phúc của những trái tim thơ ngây chưa bị thời gian, chưa bị ái tình làm cho tàn úa...
Những câu thơ văn xuôi này làm cho bài thơ có một dáng vẻ một câu chuyện ngụ ngôn. Nhưng thử loại đi hết các câu chữ chỉ giữ lại cái vấn đề (về hạnh phúc con người) do nó gợi nên sẽ thấy chất thơ của đời ở đây hiện lên rất rõ, và chỉ có thơ mới nói hết được trong những dòng thật tiết kiệm đó.
Lê Thị Mây có nhiều cố gắng để diển đạt sự phức tạp của việc đời và nhất là của trái tim con người. Đôi lúc tôi có cảm giác chị phát hiện những phức tạp ấy rất trực giác, khái quát thực tại ngay ở trong lúc cảm nhận, lý trí nằm ngay trong cảm xúc (cũng là một đặc điểm của tâm hồn phụ nữ). Chị nói: Trái tim em như cái lồng nhốt bóng hình anh rồi lại nói: Anh là cánh chim của trời xanh, tiếng đập cánh làm đau ký ức em (Chim đã xổ lồng bay đi để lồng trống không ở lại). Bài thơ tiến đến một bình diện khác đối chọi với ý trên nhung lại là thống nhất trong tâm trạng người đàn bà: em đâu có cái lồng nhốt tự do, em đâu ngờ trái tim em lại thành chiếc lồng. Thế là chị ví tim mình như cái lồng rồi lại bảo là không phải, không ngờ. Hai ý trái ngược ấy cũng diễn đạt một nỗi lòng: trái tim em nhốt bóng hình anh để yêu thương chứ không phải để giam giữ (thơ Lý Phương Liên: Lẽ nào em buộc cánh anh). Bài thơ lại một lần nữa phủ định cái lồng không có đâu nhưng mà có đấy cho nên em mới nghe được tiếng đập cánh của chim vào các nan lồng). Nhưng rồi lại hóa không có, vì đâu phải cái nan lồng bị phá mà chính trái tim em chảy máu cái cách lập ý nhiều tầng như vậy gợi ý cho sự khắc phục bệnh đơn giản, thô sơ còn gặp nhiều trong cả người viết lẫn người đọc bây giờ.
Có khi chỉ một vài chi tiết ngoại cảnh, Lê Thị Mây đã đụng được đến cõi sâu thẳm của lòng người:
Bao cô gái bây giờ ru tình mẹ
Mà lá trầu còn xanh với người mua
Sau mười ba năm chị trở lại Đông Hà, những cô gái đã thành các bà mẹ mà lá trầu chạm ngõ cưới xin vẫn cứ xanh. Sau hai câu thơ ấy có một nỗi lòng. Nỗi lòng ấy hiện rõ hơn trong mấy câu tiếp theo:
Đã qua sông kể chi mấy chuyến đò
Vẫn còn đấy nỗi buồn trên bến đợi
Còn cả đây, sao lòng tôi tiếc nuối
Có một người thuở ấy hát về tôi.
Cô gái thành bà mẹ nhưng trầu vẫn xanh lá. Đò đã sang sông nhưng bến đợi vẫn còn. Nội dung này có thể đứng độc lập thành một tứ thơ hoàn chỉnh diễn đạt quy luật sự sống, vĩnh cửu. Nhưng Lê Thị Mây không định nói ngoại cảnh, chị muốn nói lòng mình.Ý thơ xoay sang một hướng khác: tất cả còn, nhưng với tôi không thể tìm thấy lại một con người. Ý thơ chuyển từ lạc quan có tính nguyên tắc sang ngậm ngùi có tính cá thể. Qua đây chúng ta cũng thấy được năng khiếu tư duy thơ của Lê Thị Mây, nếu chúng ta tự bắt đầu mạch cảm xúc của mình từ một phiên chợ người ta bán những lá trầu không và một nỗi buồn thường trực trong trái tim nhà thơ phụ nữ này. Bài thơ nghĩ ngợi nhưng hồn nhiên. Có những câu thơ thấm thía rất một thời con gái, giản dị mà thật khó viết nhất là đối với các nhà thơ... đàn ông:
Thuở ấy người hẹn với lá trầu cay
Dù xế bóng chợ chiều tan vãn khách
Chút vôi hồng, đỏ môi tôi thầm tiếc
Trách tôi cười cúi nón hóa chia li
Tôi muốn tóm tắt đoạn thơ này thành văn xuôi cho gọn bài viết mà không làm được: văn xuôi của tôi không chứa hết những điều trong chữ và ngoài chữ của bốn câu ấy. Những nét nhòa trong thơ Lê Thị Mây có làm tối nghĩa vài quãng, nhưng lại tạo được nhiều hiệu quả ngoài lời, một hiệu quả sinh ra từ ấn tượng của tình huống. Chính ở chổ này thơ huy động được năng lực của những miền cảm giác còn u uẩn của tâm linh con người, thơ phát huy được cái sở trường độc đáo của nó. Nhưng đây cũng là một thử thách: tạo những khám phá mới hoặc rơi vào tắc tị và độc giả chỉ còn là chính tác giả. Chị Mây có những bài thành công, có những bài còn rối. Dù sao đọc thơ Lê Thi Mây không thể đọc một lần. Cái chìa khóa để "giải mã" thơ chị đôi khi rắc rối khó tìm.
Trong bài Đêm tối có những ý thơ cứ như tự rời nhau. Người đọc không thấy cái mạch liên tục của cảm xúc, chỉ có những điểm sáng lên của cảm giác lúc chia tay. Và đoạn kết khá đặc biệt
bên này chân cầu chú cá ngủ lơ mơ
hệt chiếc đinh mềm mại và quyến rũ
đóng đinh thời gian cùng nỗi đợi chờ
Đây là một chứng minh cho bút pháp thiên về khái quát của Lê Thị Mây. Chị miêu tả con cá ngủ lơ mơ với ít chi tiết của tín hiệu thứ nhất (hình ảnh cụ thể, ở đây là mềm mại) và chuyển nhanh sang khái niệm (tín hiệu thứ hai) không còn hình ảnh mà chỉ còn bản chất của sự vật. Vì vậy con cá được ví với cái đinh, vốn không mềm mại chút nào, không có gì giống con cá sinh động đang bơi dưới nước cả. Mối quan hệ đinh và cá là ở chỗ: Sau này mỗi lần nhớ đến buổi chia tay này chị lại hình dung thấy con cá ấy, nó đã giữ lại cho chị nguyên vẹn khoảnh khắc này, nó đóng đinh cái khoảng thời gian ấy lại không cho trôi đi. Nghĩa là khái niệm đóng đinh dẫn chị đến sự so sánh chứ không phải từ những hình ảnh ngoại hình. Từ cảm giác, Lê Thị Mây thường đẩy nhanh tới biểu tượng, khái niệm. Đọc thơ chị hơi khó là vì thế. Người biên tập đã khuyên chị tước bớt đến gần nửa số bài chị gửi đến cũng chỉ vì lý do đó. Thơ gần với triết học vì sức khái quát của nó, nhưng khác với triết ở cách khái quát là nó không rúc sâu vào khái niệm nó phải tươi ròng chuyện đời, dễ cảm nhận với tất cả. Lê Thị Mây ham thích triết học và cũng muốn thể hiện nhiều cách viết. Ở cuối tập chị đã dùng tới văn xuôi, phá vỡ hình thức để chuyển tải được tối đa những bước lôgich trong tư duy thơ của mình. Nhiều ý hay được bộc lộ nhưng sao ít say đắm, ít lôi cuốn, phải chăng vì thiếu đi cái hương vị của tâm hồn Việt Nam, như văn dịch? Cảm xúc mạnh diễn đạt bạo chị muốn xác định bản lĩnh phụ nữ Việt Nam ta cuối thế kỷ này:
nửa ly rượi mạnh
ngấm lửa không tàn
em dốc cạn
cuộc đời anh
và uống
cũng không sao hết khát một mình
cũng không sao đỏ được má mùa xuân
Chị đã uống rất "ngang tàng", dốc cạn cả đời anh mà uống đấy, nhưng vẫn không hết khát, vẫn không đỏ được má. Vì sao? Lê Thị Mây tự trả lời: dù có dốc cạn vẫn chi là nửa li và:
còn nửa kia là bí mật về anh
Thật ra là bí mật về cuộc đời. Chị đang tìm, "anh" cũng đang tìm. Và phải tìm như thế mới ra cái cuộc đời, mới làm ra cái vị (có ngọt, có đắng) của cuộc sống. Lê Thị Mây rất có ý thức khám phá, ngay trong những bài không thành công cũng đã góp cho thành công của chị. Lê Thị Mây tâm đắc với loại thơ mà mọi chất liệu cụ thể chỉ là cái cớ, cái phương tiện. Ngay những vấn đề xã hội chính trị cũng phải dẫn đến những miền sâu kín thuộc về phần vĩnh cửu của tâm hồn con người.
Đó là một quan niệm đúng và là một con đường khó.
Hà Nội, ngày 20-3-1990
V.Q.P