Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Máu đỏ và "vàng trắng"

H

ôm tôi trở lại xã Hải Thái (huyện Gio Linh-Quảng Trị) đúng dịp ông Võ Viết Cương tổ chức làm đám cưới cho đứa con trai thứ hai của mình. Nhiều người là  bà con hàng xóm của ông, hơn 30 năm trước đã cùng lên lập nghiệp ở vùng đất này, vì quá ngán cảnh bom mìn khi khai hoang mở đất đã phải bỏ xứ tìm đường vào Nam sinh sống. Hôm nay về lại quê xưa theo lời mời dự đám cưới của gia đình ông Cương, không ít người ngạc nhiên trước ngôi nhà lầu của gia đình ông vừa cất khang trang bề thế, tựa lưng vào mái đồi. Tất cả cơ ngơi này và con số thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm của gia đình ông Cương trên vùng đất là bãi mìn ngày xưa, với nhiều người còn hơn cả chuyện cổ tích. Và đấy là chuyện cổ tích có thật.

Bom mìn và máu.

Nếu Quảng Trị là vùng đất trứ danh về mật độ bom đạn do vị trí “giới tuyến” của mình thì vùng Gio Linh chính là cái huyện địa đầu với một ma trận bom mìn và các thiết bị trợ vi tối tân khác để chống xâm nhập được gọi “hàng rào điện tử Mc Namara”.

Đây là những gì mà Wikipedia viết ngắn gọn về nó : Hàng rào điện tử McNamara được quyết định xây dựng từ tháng 6 năm 1966 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ  Robert McNamara, bao gồm hệ thống 17 căn cứ quân sự, kết hợp với hệ thống vật cản (hàng rào dây thép gai, bãi mìn...), các thiết bị trinh sát điện tử mặt đất và trên không (rađa, máy cảm ứng âm thanh, cảm ứng địa chấn...), được bố trí liên hoàn trong khu vực có chiều rộng 10– 20 km, dài khoảng 100 km từ cảng Cửa Việt lên đường 9, tới biên giới Việt Nam - Lào, sang Mường Phìn (Lào). Công trình tiêu tốn 2 tỉ USD.

Còn với người dân ở vùng đất này thì nó cụ thể bằng hàng triệu quả mìn, đủ chủng loại, như một sưu tập đầy đủ nhất về thứ vũ khí giết người này. Những quả mìn tiếp tục cướp đi sinh mạng hàng trăm người khác ở những ngôi làng nghèo khó, dù hòa bình đã đi qua hơn 30 năm.

Sau ngày 30-4-1975, gia đình ông Cương cùng với hàng trăm hộ gia đình ở huyện Hải Lăng được đưa đi xây dựng vùng “kinh tế mới”. Bởi khi đó quê nhà đất chật, người đông, mỗi gia đình phải chia làm hai. Thường thì một số người con ở lại với mẹ, làm lụng cùng mảnh ruộng ở quê. Vài người con khác sẽ theo bố đi kinh tế mới. Ông Cương, năm đó mới 15 tuổi, đi theo cha mình cùng với một người chị gái tên Diệu và đứa em út tên Vương. Những chuyến xe hỗ trợ chở dân từ Hải Lăng lên, đổ xuống những ngọn đồi miền tây  đang ràn rạt gió, lùa qua bát ngát trảng cỏ tranh.

Cứ thế, vài chục hộ quây thành một thôn. Với tiêu chuẩn “sáu tháng lương thực” được nhà nước hỗ trợ buổi ban đầu, người dân tự mình đi bứt tranh, kiếm cột để dựng nhà để ở. Vỡ đất để khai hoang đất trồng khoai, sắn. Hết sáu tháng, nghĩa là tự mình đã có lương thực để sống, nhà nước cắt số gạo viện trợ.

Để cho dân có đất khai hoang, huyện đã huy động thanh niên trong xã thành lập 7 trung đội dân quân với sự hỗ trợ của các chiến sĩ  tiểu đoàn công binh K8 để dò mìn.  Ấn tượng của những ngày đầu khai hoang vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức anh Lê Phước Sung ở thôn 7, xã Hải Thái. Hồi ấy anh là trung đội trưởng của trung đội 7. Người đầu tiên của trung đội anh chết vì dẫm phải mìn khi rà phá là anh Võ Mau. Anh Mau đã dẫm phải một quả mìn M.14 (mìn zip) bị thương mất nhiều máu, đưa ra bệnh viện Vĩnh Linh thì chết. Rồi sau đó là các đồng đội anh: Nguyễn Thái Hoàng, Ngô Văn Diễn ...

Thời điểm mới giải phóng, phương tiện rà mìn thô sơ, mỗi người chỉ có một chiếc thuốn sắt, thuốn nhè nhẹ vào lòng đất, khi chạm phải vật cứng thì dựa vào kinh nghiệm tiếng động mà xác định là đá hay sắt, thép hay nhựa. Sau đó nếu nghi là mìn mới cắm một lá cờ đuôi nheo màu đỏ. Tiếp theo người có chuyên môn công binh mang máy tới kiểm tra và vô hiệu hoá tính năng của vật nổ. Cả một xã, khai hoang hàng ngàn héc ta mà chỉ có hai máy dò mìn của Tiệp và Trung Quốc, vì thế có kỹ lưỡng đến đâu cũng không thể an toàn tuyệt đối. Đấy cũng là tai hoạ mà sau này trên đất canh tác thuần thục nhiều người vẫn phải bị chết vì mìn. Cả Hải Thái ngày ấy có hơn 3.000 dân nhưng có gần 300 người bị thương và chết do mìn từ 1975 đến nay. Đấy là chỉ riêng người trong xã, còn người các nơi khác đến đây tìm kiếm phế liệu bị mìn làm tàn phế hay chết thì không tính hết.

Anh Lê Phước Sung nhớ rằng dạo 1977 riêng tiểu đoàn K.8 giúp dân phá bom mìn đã có gần 30 người bị chết. Mỗi ngày số bom mìn tháo gỡ bình quân là 2 tấn. Và chính anh Sung, vào ngày cuối của chiến dịch , tháng 10- 1977 anh Sung cũng không thoát khỏi sự giăng bủa của thứ mìn zip quá dày đặc. Anh bị mìn tiện cụt mất chân trái. Có những vụ nổ mìn đã găm sâu vào ký ức người dân Hải Thái như ngày 10 tháng 8 năm 1979 tập đoàn sản xuất thôn 3 khi khai hoang cuốc phải mìn chống tăng chết 6 người một lúc là Đoàn Thòn, Nguyễn Thị Chạy, Nguyễn Thị Hồng, Phan Bảng, Phan Chính, Hồ Thí ,tất cả đang ở tuổi thanh niên. Trước đó, cũng có một vụ nổ làm chết 5 người ở thôn 7 bởi một quả đạn 105 ly…

Nhiều hộ dân bỏ làng ra đi, bởi hầu như không tuần nào không có người chết vì mìn. Ai cũng nơm nớp không biết khi nào sẽ đến lượt. Và ngay cả gia đình ông Cương, đứa em út Võ Viết Vương đã cùng ông và bố lên đây từ ngày cu Vương mới 10 tuổi đầu cũng đã chết vì một quả đạn M.79. Những hồi ức về thời khó nhọc cứ hiện về mồn một trong câu chuyện cùng ông Cương.

Quanh nhà ông, hộ dân nào cũng từng có người đổ máu thấm xuống đất này. Xã Hải Thái thuộc huyện Gio Linh nhưng lại là dân từ Hải Lăng lên lập nghiệp. Mang theo chữ “Hải” của quê nhà ghép cùng chữ “Thái” như một khát vọng bình an, song để có ngày hôm nay, quá nhiều máu người dân đã đổ xuống. Cả các thôn của Hải Thái thôn nào cũng có số người là nạn nhân bom mìn nhiều như nhau: thôn 1 có 22 người, thôn Xuân Hoà: 26 người, thôn 7: 25 người, thôn 17: 28 người… Những mạng người ngày ấy, và cuộc hồi sinh nhọc nhằn để có những ngày thái hòa hôm nay thật quá dài.

Đất hồi sinh

Cũng thật kỳ lạ, ở Hải Thái, ai đã ra đi thì cứ việc đi, nhưng dường như quá nhiều máu đổ xuống đất này khiến cho người quyết  ở lại nặng tình hơn với đất đai. Và đất đã không phụ người.

Những ai đã đến viếng nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, đi theo tuyến từ Đông Hà lên, chắc chắn sẽ đi qua cung đường Hồ Chí Minh chạy ngang qua xã Hải Thái. Nhìn những lô cao su xanh mỡ màng chạy dài hút tắp hai bên đường ít ai biết rằng cây đã mọc lên từ mìn và máu.

Sau mười năm “trần ai” với khoai sắn, năm 1985, một nông trường thí điểm trồng cây cao su được mở ra trên đất Cồn Tiên này. Bom mìn vẫn tiếp tục nổ. Nhưng giữa những hàng cao su chưa khép tán, người dân đã tận dụng để trồng thêm hoa màu. Rồi cây bắt đầu cho mủ, những người dân trong xã đã nhìn thấy tương lai từ giống cây “vàng trắng” này.

Ông Cương và vợ, cũng tìm đến những vùng đồi còn bỏ hoang để khai phá theo mô hình “cao su tiểu điền”. Sau bao nhiêu năm chăm bẳm nâng niu, công sức của vợ chồng ông đã được đền đáp. Sáu năm trước, 4 hec ta cao su đầu tiên đã cho mủ, và chỉ với hai năm đầu tiên, số tiền thu được từ nó đã giúp ông cất được căn nhà lầu bề thế trị giá 800 triệu đồng này. Giờ gia đình ông Cương có thêm 7 hec ta chuẩn bị cho thu hoạch nữa. Chưa kể đàn bò hai chục con và một ít tiêu vườn, như ông cho biết, cứ bình quân mỗi sớm mai vào mùa thu mủ, cứ mở mắt là ông có thể nhìn thấy nguồn thu…2 triệu đồng/ngày!  Thôn 7 của ông Cương có 120 hộ thì hơn nửa số hộ có cao su tiểu điền như thế, ít thì 1, 2 hec ta, nhiều thì 5-7 ha. Với giá mủ như hiện nay thì có thể an tâm mà sống.

Từ ngay ngã ba đường Hồ Chí Minh rẽ vào xã Hải Thái có một xóm gọi tên là “xóm Mới” với hàng chục căn nhà đang xây, một trong số đó có ngôi nhà của Lê Văn Tuấn. Ông Lê Văn Ngọc, bố của Tuấn cũng là một trong số những cư dân đầu tiên lên lập nghiệp ở Hải Thái từ sau 1975. Cũng “trầy vi tróc vảy” bao nhiêu năm trên vùng đất bom đạn này, để giờ đây ông Ngọc đang có trong tay 50 hec ta rừng đã cho khai thác cùng với 3 hec ta cao su tiểu điền.

Ông Ngọc cho biết chỉ với vụ thu hoạch 15 hec ta rừng lứa đầu đầu tiên, ông đã xây cho con trai căn nhà trị giá 300 triệu và mua thêm cho con chiếc xe tải Huyndai 2,5 tấn để chạy chở hàng dịch vụ trị giá 220 triệu đồng. Những ngôi nhà đang xây ở ngã ba xóm Mới đều là những hộ gia đình trẻ như thế. Họ là thế hệ thứ hai của miền đất bom đạn này, không phải mỗi ngày nơm nớp lo bom mìn cướp đi sinh mạng như thế hệ bố mẹ ngày xưa. Đất nước  đã đổi bao nhiêu máu để có hòa bình. Ngày hòa bình, máu lại tiếp tục đổ xuống để hy vọng đâm chồi trên “vùng đất chết”. Và Hải Thái như là một điển hình.

Thời chiến tranh, một nhà báo khi viết về hạt thóc của vùng đất Vĩnh Linh - giới tuyến bờ Bắc sông Bến Hải đã nói “Một cân thóc ở Vĩnh Linh nặng hơn cân thóc nơi khác”. Có lẽ nếu nói theo cách đó, thì những bát mủ cao su đang đổi đời cho cư dân của vùng đất Tây Gio Linh này cũng nên gọi là mủ cao su màu đỏ - bởi cho dù bát mủ màu trắng tinh khôi vậy, nhưng nhìn thật lâu vào đó sẽ thấy nó có màu đỏ của máu.

Tôi vẫn thường hay đưa đón bạn bè là khách các nơi đi đi về về trên cung đường qua xã Hải Thái này. Không lần nào nhìn những hàng cao su vun vút bên đường lại không dâng lên niềm cảm khái với hai chữ “hòa bình”. Nó cụ thể và gụi gần, hiển nhiên và thuyết phục, bằng bữa cơm thơm dẻo mỗi ngày, bằng ngôi nhà khang trang đang xây, bằng cái màu xanh mênh mông và hàng hàng cây cao su ngát xanh đang đứng với đội hình  như người lính.

Ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, cạnh những vườn cao su đó, mộ những người lính cũng đứng với một đội hình như thế.

 

L.Đ.D

 

 
LÊ ĐỨC DỤC
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 206 tháng 11/2011

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground