Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nối gần đôi bờ Sê Pôn

S

au quãng đường gần 90 km ngược Quốc lộ 9 từ thành phố Đông Hà lên thị trấn Khe Sanh, sau đó là đoạn đường từ ngã ba Tân Long vào vùng Lìa lóc xóc ổ gà, ổ voi, chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Tam Thanh. Không “rào trước đón sau”, Trung tá Nguyễn Thanh Bình vào chuyện: “Các anh lên đây thì nên vào các cặp bản kết nghĩa để tìm hiểu đời sống của nhân dân và lắng nghe người dân nói thì mới có sức thuyết phục”. 

“Việc vận động nhân dân các cặp bản kết nghĩa trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào giúp nhau phát triển kinh tế từ lâu đã được lực lượng biên phòng xem là “chìa khóa” của sự gắn kết bản - bản. Chính sự gắn kết đó sẽ hướng người dân đến mục tiêu tự nguyện phối hợp với lực lượng biên phòng bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…” - Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đồn phó Đồn Biên phòng Tam Thanh nói thêm. 

Anh Bình thông tin thêm cho chúng tôi một số kết quả đã đạt được trong việc kết nghĩa bản - bản trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Từ mốc thời gian ngày 28/4/2005, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ kết nghĩa giữa bản Kà Tăng (thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) với bản Đensavẳn (huyện Sê Pôn, Savanakhẹt, Lào) đến nay đã có 23/23 cặp bản đối diện hai bên biên giới giữa tỉnh Quảng Trị với tỉnh Savanakhẹt, Salavan (Lào) thực hiện việc kết nghĩa bản - bản. Sau 5 năm thực hiện kết nghĩa bản - bản (từ tháng 4/2005 đến tháng 9/2010, chưa có số liệu cụ thể của năm 2011, 2012) ở lĩnh vực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… đã đạt được những kết quả khá ấn tượng như nhân dân đã tích cực tham gia với lực lượng chuyên trách của mỗi bên tổ chức 517 lượt/3.102 lượt người tham gia tuần tra bảo vệ đường biên cột mốc; 111 thôn (bản) cam kết tự quản về an ninh trật tự với 9.866 hộ đăng ký nhân dân cung cấp cho lực lượng chức năng quản lý biên giới của Việt Nam-Lào hơn 586 nguồn tin, trong đó có 300 nguồn tin có giá trị liên quan đến bọn tội phạm buôn bán ma túy, chất nổ, chất cháy, buôn bán phụ nữ qua biên giới…Về lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đã hỗ trợ cho nhân dân các bản kết nghĩa của Lào hơn 50.000 giống sắn KM94; 7.000 cây keo tai tượng, tràm hoa vàng; 125 kg giống ngô lai; 1.500 giống các loại cây ăn quả; 500 con giống gia súc, gia cầm. Tiến hành khám, chữa bệnh cho 6.326 lượt người; cấp phát thuốc sốt rét cho 4.824 lượt người và hỗ trợ trên 100 triệu đồng cho người dân nước bạn Lào bị lụt bão, cháy nhà...       

Dừng câu chuyện để gọi điện thoại cho Thiếu tá Nguyễn Đức Phong, người mà theo Trung tá Nguyễn Thanh Bình là gắn bó mật thiết với người dân các cặp bản kết nghĩa trên tuyến biên giới do Đồn Biên phòng Tam Thanh phụ trách về đồn để dẫn chúng tôi vào bản Xi Ra Man (xã Xy) là bản kết nghĩa với bản Ổi (huyện Mường Noòng).

Trong lúc ngồi chờ anh Phong, Trung tá Nguyễn Thanh Bình tiếp tục câu chuyện: Riêng Đồn Biên phòng Tam Thanh của chúng tôi phụ trách 4 xã (32 bản) gồm các xã Thanh, A Xing, A Túc, Xy và quản lý 35 km đường biên mà chủ yếu là trên sông Sê Pôn. Hiện tại 4 xã mà Đồn Biên phòng Tam Thanh phụ trách có 4 cặp bản kết nghĩa gồm bản A Ho (xã Thanh, Hướng Hóa) kết nghĩa với bản Đenvilay (huyện Mường Noòng); bản Thanh (xã Thanh) kết nghĩa với bản Pa Riềng (huyện Mường Noòng); bản Thanh 4 (xã Thanh) kết nghĩa với bản Pa Lọ Cô (huyện Mường Noòng); bản Xi Ra Man (xã Xy) kết nghĩa với bản Ổi (huyện Mường Noòng). Đến nay có thể khẳng định là từ khi thực hiện chủ trương kết nghĩa bản- bản, đời sống của nhân dân ở các cặp bản kết nghĩa đã đổi thay nhiều. Đặc biệt nhân dân 4 bản kết nghĩa của nước bạn Lào được sự giúp đỡ nhiệt tình của các bản kết nghĩa phía Việt Nam từ giống cây trồng, vật nuôi rồi bao tiêu tiêu thụ sản phẩm nông sản nên đã dần thay đổi tập quán canh tác lạc hậu như đốt rừng làm nương rẫy để chuyển sang trồng nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Như bản Ổi, Đenvilay, Pa Riềng, Pa Lọ Cô trước đây người dân chỉ biết trồng lúa rẫy, bây giờ họ đã bắt đầu trồng sắn, chuối, bời lời. Bản Ổi hiện có 20 hộ trồng chuối trên diện tích 11 ha; 60 hộ trồng sắn trên diện tích 35 ha, mỗi năm thu 60 triệu đồng tiền bán chuối. Bản Đenvilay có 28 hộ trồng bời lời trên diện tích 27,6 ha; 33 hộ trồng chuối trên diện tích 26,7 ha; 55 hộ trồng sắn trên diện tích 60 ha; mỗi năm thu 300 triệu đồng tiền bán chuối và 700 tấn sắn/năm. Bản Pa Riềng có 8 hộ trồng bời lời trên diện tích 5 ha; 24 hộ trồng sắn trên diện tích 19,7 ha. Bản Pa Lọ Cô có 59 hộ trồng bời lời trên diện tích 61 ha; 53 hộ trồng chuối trên diện tích 32 ha; 117 hộ trồng sắn trên diện tích 129 ha; mỗi năm thu 500 triệu đồng tiền bán chuối và 2.520 tấn sắn/năm. Những con số trên là minh chứng sinh động nhất cho việc các cặp bản giúp nhau làm kinh tế. 

Theo chân Thiếu tá Nguyễn Đức Phong chúng tôi đến bản Xi Ra Man (xã Xy). Vừa đặt chân đến cầu thang dẫn lên ngôi nhà sàn khang trang, đã thấy già làng Hồ Ray đứng ở cửa nhà, tay cầm chai rượu với mấy gói bánh như chuẩn bị đi đâu đó. Hỏi ra mới biết, già làng Hồ Ray đang định sang thăm bạn bè bên bản Ổi. Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi theo già làng Hồ Ray vượt sông Sê Pôn sang bản Ổi.         Tiếp chúng tôi là Thào Hang, Phó bản Ổi. Phó bản Thào Hang không nói sỏi tiếng Việt nên già làng Hồ Ray phải làm phiên dịch cho chúng tôi. Thào Hang cho biết: “Dân bản Ổi bây giờ no bụng, ấm lòng cả rồi…Ngày xưa đói nghèo cũng do dân bản không biết chọn đất trồng sắn, trồng chuối mà cứ đến mùa thì lên nương, lên rẫy chọc từng lỗ rồi khom lưng gieo hạt…đến vụ thu hoạch chỉ được mấy a choi nên tằn tiện lắm thì cũng chỉ đủ ăn vài tháng là phải vào rừng đào củ mài, săn con thú để chống đói. Dân bản Ổi nhớ mãi ngày 3/3/2011 khi bản Xi Ra Man (xã Xy) kết nghĩa bản - bản với bản Ổi. Từ ngày đó trở đi, dân bản Xi Ra Man thường sang bản Ổi bày cho dân bản tìm những đám đất bằng phẳng, màu mỡ để trồng chuối, sắn, bời lời và còn mang sang cho dân bản giống sắn, chuối, bời lời có năng suất cao. Lúc đầu dân bản Ổi chưa tin cách trồng chuối, sắn, bời lời của dân bản Xi Ra Man nhưng rồi sang chơi và được dân bản Xi Ra Man đưa lên xem rẫy chuối, sắn, bời lời... nhiều người dân bản Ổi như “sáng mắt, sáng lòng”. Khi đã “sáng mắt, sáng lòng” rồi thì phải học dân bản Xi Ra Man thôi. Và nhiều hộ dân bản Ổi bắt đầu tìm đất trồng chuối, sắn, bời lời... Sắn, chuối trồng được thì mang sang Việt Nam bán lấy tiền để đuổi đói, xóa nghèo”.       

“Khi nào bên bản Xi Ra Man biết cách trồng cao su tiểu điền thì Hồ Ray nhắn cho dân bản miềng sang học cách trồng cao su với nhé…Bây giờ đã no cái bụng thì phải tính đến chuyện dựng cái nhà thật lớn, thật đẹp, mà muốn dựng được nhà đẹp thì không còn cách nào khác ngoài việc trồng cao su để tương lai có tiền dựng nhà”- Đó là lời nhắn gửi của Thào Hang với già làng Hồ Ray khi chia tay. Lời nhắn ấy của Thào Hang làm chúng tôi chợt hiểu sâu xa hơn câu nói ví von của Trung tá Nguyễn Thanh Bình khi anh cho rằng “chìa khóa” gắn kết bản- bản chính là giúp nhau phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo bền vững. 

Trên đường trở về Đồn Biên phòng Tam Thanh, Thiếu tá Nguyễn Đức Phong thông tin thêm cho tôi về việc trong thời gian qua, bên cạnh việc giúp dân bản của các cặp bản kết nghĩa làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì nhiều chiến sĩ biên phòng đã không ngại khó, ngại khổ để vượt sông Sê Pôn sang các bản dạy chữ cho dân bản của nước bạn Lào. Thiếu tá Phong cho biết: Để giúp người dân, nhất là phụ nữ các bản như bản Ổi, Đenvilay, Pa Riềng, Pa Lọ Cô (huyện Mường Noòng, Savanakhẹt) biết tiếng Việt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi sang Việt Nam trao đổi hàng hóa, khám chữa bệnh…Từ tháng 8/2010 đến cuối tháng 3/2011, có 3 lớp học tiếng Việt được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Thanh tổ chức trên đất Lào, thu hút hơn 76 học viên. 

Nhớ lại quãng thời gian sang giảng dạy tiếng Việt cho chị em phụ nữ các bản Ổi, Đenvilay, Pa Riềng, Pa Lọ Cô Thiếu úy Lê Phước Lĩnh (người được Đồn Biên phòng Tam Thanh cử sang trực tiếp giảng dạy) cho biết, người dân các bản Ổi, Đenvilay, Pa Riềng, Pa Lọ Cô chiếm đến 50- 60 % là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô. Trước đây, đời sống dựa vào khai thác sản vật rừng cũng như lúa trên nương rẫy nên đói nghèo luôn đồng hành với họ. Muốn bà con hết đói nghèo thì phải dạy tiếng Việt cho họ. Khi họ biết tiếng Việt thì sẽ thuận lợi khi sang các bản phía Việt Nam học cách trồng trọt, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế. Một thực tế nữa là các bản trên đều cách xa trung tâm huyện, thị của tỉnh Savanakhẹt nên bà con thường qua sông để mua bán, trao đổi hàng hóa với người dân các bản vùng Lìa; khi đau ốm cũng vượt sông Sê Pôn sang trạm y tế các xã Thuận, Thanh, A Túc, A Xing, Xy... để được cứu chữa kịp thời. Ngoài ra, học tiếng Việt còn là điều kiện để họ hiểu và thực hiện tốt các chính sách, pháp luật khi nhập cảnh vào Việt Nam. Để bà con các bản Ổi, Đenvilay, Pa Riềng, Pa Lọ Cô biết tiếng Việt, biết làm toán, những người thầy giáo mang quân hàm xanh phải vượt qua bao gian khổ, thậm chí hiểm nguy đến tính mạng khi vượt sông Sê Pôn trong mùa nước lũ dâng cao. Cứ đều đặn năm ngày trong tuần, ba thầy giáo của Đồn Biên phòng Tam Thanh là Lê Phước Lĩnh, Hồ Văn Huy và Xôm Dần lại vượt sông sang dạy chữ.       
            Thiếu úy Lê Phước Lĩnh cho biết: “Muốn dạy tiếng Việt cho bà con, nhất là chị em phụ nữ Lào, chúng tôi phải thông thạo tiếng Lào, tiếng Vân Kiều, Pa Cô cộng với lòng kiên nhẫn thì mới mong thành công. Lúc đầu, mới tiếp xúc với mặt chữ, con toán thấy khó khăn quá nên nhiều chị em nản muốn bỏ học, tôi phải động viên chị em rằng cố gắng học để sau này dạy lại tiếng Việt cho dân bản, cho chị em khác chưa biết tiếng Việt. Biết tiếng Việt thì mới sang các bản anh em bên Việt Nam học cách trồng cây sắn cho nhiều củ, cây chuối cho nhiều buồng…và sang khám chữa bệnh khi ốm đau bệnh tật. Ban đầu chỉ có chị em theo học nhưng sau đó nhiều em nhỏ cũng theo mẹ đến lớp để học. Thấy vợ con học tiếng Việt, nhiều ông chồng lúc đầu đứng ngoài cửa sổ lớp học để nhìn nhưng sau đó là xin vào học luôn. Khi lớp học kết thúc, nhiều chị em nói được tiếng Việt đã cho biết muốn tiếp tục được học thêm tiếng Việt.”          

Còn nhớ, trước lúc cùng Hồ Ray quay về bản Xi Ra Man, tôi khá bất ngờ khi chị Pỉ Xa Ly (vợ của Bản phó Thào Hang) buông mấy câu tiếng Việt rất sõi: “Cán bộ Việt Nam về mạnh giỏi. Cho gửi lời thăm bà con bản Xi Ra Man”. Tôi cố nán lại chốc lát để hỏi chị sao lại biết tiếng Việt? Pỉ Xa Ly cho biết là năm ngoái học tiếng Việt từ thầy giáo biên phòng sang dạy. Tôi biết, với chừng đó thời gian của lớp học là quá ít khi học tiếng Việt nhưng cũng đủ để bà con dân bản Ổi, Đenvilay, Pa Riềng, Pa Lọ Cô có thêm cơ hội để học tập cách làm giàu, chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa với bà con các bản vùng Lìa của Việt Nam. Và hơn hết, đó cũng là sợi dây gắn kết tình hữu nghị Việt- Lào nối gần hơn đôi bờ Sê Pôn. 

T.H

TÔN HIỀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 234 tháng 03/2014

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

12 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

12 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

12 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

12 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground