Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tao đàn về thể ký

L

àm thế nào để có một bài bút ký hay? Đây là một câu hỏi có tính đánh vật, thách thức đối với mọi tác giả ký. Những năm cuối thập kỷ tám mươi xuất hiện "Vua lốp" - Trần Huy Hoàng, "Cái đêm hôm ấy, đêm gì?" - Phùng Gia Lộc, "Người đàn bà quỳ" -... Như là một sự đột khởi của thể ký, vừa ảnh hưởng một trạng thái tâm lý xã hội đầy ắp kịch tính và mất thăng bằng, đi đến sự hiểm nguy trước những luồng ngầm bi tráng từ xa, mà kết thúc của nó là sự kiện Liên Xô - Đông Âu. Cũng vào cữ ấy, hoặc sớm hơn một chút, trên tạp chí Sông Hương xuất hiện các giọng ký, chất ký của Lê Thị Mây "Chợ Đông Ba những ngày này", "Đồng Hới", "Hương Lúa" Hoàng Phủ Ngọc Tường "Đảo Cỏ", "Rừng hồi", "Ai đã đặt tên cho dòng sông", Nguyễn Quang Hà "Kà Xèng cho con", cùng các bài ký nóng hổi về Phong Sơn, Thủy Dương. Rồi các bài ký của Nguyễn Khắc Phê, Lê Khai... Và cũng vào những năm đầu thập kỷ chín mươi, trên Cửa Việt (bộ cũ) có giọng ký của một nhóm phóng viên trẻ: Đinh Như Hoan, Lâm Chí Công, Nguyễn Hoàn. Các nhà viết kịch và tiểu thuyết Xuân Đức, Nguyễn Quang Lập lúc bấy giờ cũng xung trận vào ký và viết khá thành công. Những năm cuối thập kỷ tám mươi và đầu thập kỷ chín mươi ấy, giờ nhìn lại, lại càng thấy rõ thể ký đã như một con chim đại bàng lâu nay khuất vào núi sâu, vì nhiều lẽ; Rồi bất thình lình thể ký cất cánh khi mà Đại hội VI của Đảng có chính sách mở của và đổi mới đất nước...

Thế mới hay thể ký là một thứ vũ khí điệu nghệ, đầy lực hấp dẫn. Và làm thế nào để có một bài bút ký hay, lay động được trái tim đọc giả, đem đến cho đọc giả một cường lực thông tin cuộc sống thật và chính xác không có yếu tố hư cấu quả là một con đường dài và khó. Trên Tạp chí Của Việt (bộ mới, đã 21 số báo) thể ký đã trở thành một trang viết mạnh, hình thành một đội ngũ tác giả chủ lực, vừa ở trong, vừa cả ngoài tòa soạn. Đấy là nhóm ký của vùng đất phía Bắc - Vĩnh Linh, với Ngô Nguyên Phước - "Cửa Tùng trong sương", Lê Nguyên Hồng "Trập trùng Vĩnh Khê", Trần Biên "Đi tìm đồng đội", Hải Hiền - Văn Tuyên "Nước nguồn từ ruột đất". Bên cạnh nhóm ký Vĩnh Linh, nhóm ký trẻ nguyên là những chân phóng viên của báo Đảng: Đinh Như Hoan, Hoàng Đức, Minh Tứ... Và đặc biệt là nhóm ký của mảng hồi ức tư liệu kháng chiến trên Cửa Việt lại gồm những tác giả, lại cũng vừa là những chứng nhân lịch sử đầy sức thuyết phục bằng chính cuộc đời cách mạng của họ. Và chính họ đứng chân trong các thế hệ làm ra lịch sử như Nguyễn Thị Thúy Liên với "Ba Lòng một thời để nhớ", Tạ Quang Thành với "Trận đánh cuối cùng", Phan Thiện Quốc với"Mở đường Trường Sơn mang tên Bác", rồi Vũ Soạn, Lê Bá Tạo, Trần Kim Hồ, Thanh Sơn...

Như vậy nhìn cả bề rộng lẫn bề sâu thể ký trên Cửa Việt qua hai mươi mốt số báo đã đăng tải gần cả trăm bài gồm đủ các chủng loại ký: Hồi ký, truyện ký, bút ký, ký chân dung, ký tư liệu, phóng sự, phỏng vấn... đã vở vạc ra những góc hiện thực vừa nóng bỏng, vừa tiềm tàng những dữ liệu, dữ kiện lịch sử, hàm chứa những nội hàm nhân văn của một vùng đất rất Quảng Trị và chỉ riêng Quảng Trị đã ra khỏi chiến tranh như thế nào để đạt tới những mục tiêu kinh tế của thời kỳ đất nước mở cửa sau Đại hội VI của Đảng. Phải chăng thể ký là lưỡi cày lật lên ngồn ngộn những rãnh tư liệu, những vỉa quặng cho thể truyện, thể tiểu thuyết, thể kịch... tạo dựng nên những góc hoành tránh hoàn mỹ của thời đại. Hơi thở của thời đại qua thể ký đấy là hơi thở ấu thời của đứa trẻ, là tiếng khóc ấu thời của đứa trẻ, không lặp và lại không thể thay thế, có nghĩa không thể hư cấu. Hư cấu trong văn học có nghĩa là chấp nhận một cự ly cho phép trước sự vật, trước cuộc sống. Thể ký là bản thân hình hài cuộc sống, là bản thân sự sống, sự vật. Với nhu cầu nội hàm này của cuộc sống, của nhân vật ký cho nên trong các chủng loại ký, mới có cả chủng loại ký tâm trạng như là những trang độc thoại của tiểu thuyết, của kịch...

Anh Trần Biên bàn về ký rằng: Tranh luận các vấn đề học thuật của thể ký là để cho các nhà lý luận văn học. Tôi đồng ý với anh Lê Nguyên Hồng, anh Lê Đức Dục đề dẫn cho đêm tao đàn ký này cốt xoáy trọng tâm, hướng sự bàn đến việc làm thế nào để có một bài ký hay, cho mỗi người viết ký bởi nó vừa mục tiêu đường dài của một đời văn, vừa cũng là mục tiêu đường ngắn của từng trang ký, từng bài ký. Hay dở là sự vô cùng. Cái chính là sự trăn trở của tác giả, dù là trang ký, trang truyện, hay trang tiểu thuyết cũng thế. Riêng tôi viết ký cả đời người cũng chỉ được một cái "Đi tìm đồng đội" - Có người nhắc Trần Biên anh đã có tập ký "Làng hầm" khá thành công - Trần Biên cười, cái cười tự phủ nhận rất nhiều bài ký chưa hay của mình để bàn tiếp. Trần Biên cho lao động ký là lao động của những người đi cày. Cực nhọc và thức khuya dậy sớm. Cực nhọc với việc lấy tư liệu, trằn trọc, thức thâu đêm, thâu ngày với tư liệu. Bản thân tư liệu là cuộc sống. Bản thân số liệu, tư liệu là sự vật. Bản thân tư liệu, số liệu là sự thật. Tác giả dùng tư liệu, số liệu, chi tiết, sự vật... như là một phương tiện đặc ân của thể loại. Số liệu đã đầy cốc tư duy, nhưng cái giọt số liệu cuối cùng để làm tràn cốc thực sự thấm tận vào gan ruột độc giả phải là những số liệu, tư liệu có nhãn thuần. Và đương nhiên cách khai thác tư liệu mỗi tác giả có một khả năng riêng.

Theo Trần Biên, có ba yếu tố cần cho một bài ký hay, đấy là vốn sống, tư liệu và cái tâm của người viết. Thế còn cái tài? Cái tài nằm ở cái vấn đề mà bài ký đặt ra, gợi mở cho độc giả nỗi niềm gì, sự lay thức nào... Viết ký không thể viết vội. "Nơi đây một thuở đôi miền" của Lê Nguyên Hồng đăng trên Cửa Việt số 20 là bài ký viết vội, viết chưa tới. Chỉ mới đưa thông tin làm lại cầu Hiền Lương sau chia cắt. Nhưng ngược lại " Cửa Tùng trong sương" của Ngô Nguyên Phước lại là một bài ký hay. Chất nhân văn dày, nó đi suốt chiều dài lịch sửa của một vùng đất, một cửa sông.

Nói đến ký không thể không nói đến ký có nhân vật đầy tâm trạng của Trần Đình Phùng. Nó không câu nệ số liệu. Đọc nó cứ như đọc truyện ngắn, nhưng là chuyện đời thật, việc thật. Chất ký có nhân vật đầy tâm trạng có thể kể thêm Phạm Giáp Phê "Chiều sâu của đất", Trần Thanh Hà "Tìm bóng những cánh rừng". Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lê Thị Mây cũng vậy. Sử dụng số liệu là tài nghệ riêng của mỗi tác giả.

Hải Hiền: Tự nhận mình là nông dân viết văn viết ký và anh coi Nguyễn Tuân và Hoàng Phủ Ngọc Tường là hai cây bút bậc thầy của thế kỷ. Trong ngà ngà men say của ký, anh cao hứng phát biểu nhiều lần và đồng tình các ý kiến của anh Cao Hạnh, anh Y Thi, anh Lê Nguyên Hồng... và đặc biệt anh tri kỷ với một chàng thị dân làm thơ tranh tao đàn thế kỷ rằng: Ký văn học là thơ, ký báo chí là vè (có nhiều tiếng cười). Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nếu vè mà diễn tấu có ngữ cảnh sân khấu đâu có kém phần thuyết phục và thu phục lòng người...? Hải Hiền tự cười theo rồi cũng cao hứng như rút ruột mà hứa rằng: anh sẽ trọn đời viết văn, viết ký vì mảnh đất Vĩnh Linh đã đứt ruột sinh ra anh. Đó là nghĩa đền đáp và anh luôn luôn thấy mình có nặng nợ với đời, nặng nợ với đời mà khó làng trả nổi ở nơi từng câu chữ.

Văn Tuyên: Ta bàn làm sao để có một bài ký hay, tưởng dễ mà khó nói cho rành rọt lắm. Ký Quang Hà, ngồn ngộn số liệu, khác với Hoàng Phủ Ngọc Tường. Riêng tôi, tôi viết ký việc lấy tư liệu cho một bài ký đúng như Trần Biên nói là phải lặn lội cực nhọc. Ví như khi viết ký về cây cao su, cây cao su được đưa vào Vĩnh Linh từ bao giờ tìm không ra được ngày tháng xác thực của nó. Tôi viết về đồng vốn của Ngân hàng Nông nghiệp Vĩnh Linh phục vụ nông dân cũng vậy. Đánh vật với từng số liệu rất mệt, và đã không thành công. Lại nói khi chúng tôi, tôi với Hải Hiền viết "Nước nguồn từ ruột đất" là Hải Hiền có tính chơi chơi, có tính đại ngôn lãng mạn, mượn cây rừng đại ngàn thượng nguồn sông Bến Hải làm bút chấm vào nghiên mực thủy lợi La Ngà để viết để ghi lại những vần thơ nửa thức, nửa tỉnh lại có cả nửa say vì ngà ngà rượu, vậy mà bài ký xem chừng cũng thành công.

Nguyễn Trung Hữu người sợ ký, chỉ viết truyện, tiểu thuyết dè dặt bàn về ký rằng: Không bàn về các khái niệm, các định nghĩa về ký. Làm thế nào để có một bài ký hay là cực khó. Viết thể truyện có thể hư cấu, có thể tưởng tượng, nhưng ký thì không. Tác giả phải đi nhiều, ghi chép nhiều, ghi thật chính xác và cần hiểu biết rộng. Số liệu, tư liệu là để lập luận, làm luận chứng cho vấn đề bài ký đặt ra. Tâm, tài cần có sự cân bằng. Người mới cầm bút e cần phải học theo, làm theo những bài ký hay, những tác giả viết ký bậc thầy. Tôi nghĩ, một bài ký hay cần có: tư liệu, số liệu, tổng hợp, tư duy lớn và cả tư tưởng lớn... Nghĩa là tất cả những thứ đó bày lên, đem đến phút chót cho người đọc cái dự báo gì của thời đại, của cảm hứng văn học...

Hồ Thế Hà tác giả của nhiều tập sách về lý luận phê bình văn học vừa là giảng viên bộ môn văn học Việt Nam hiện đại bàn về thế kỷ rằng: Viết ký cần vốn sống cụ thể, bám sâu vào ruột đời, thấp sát vào mặt đất, ruột đất để miêu tả, tả chân sự việc, sự vật. "Rừng Hồi", "Hoa trái quanh tôi" của Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa dồi dào cảm xúc lại vừa dày công lao động tư liệu, tra thẩm từng chi tiết nhỏ nhặt tưởng có thể bỏ qua được, nếu anh viết dễ dãi. Ký có hư cấu nhưng có ngưỡng. Ký muốn hay là phải đem đến sự xúc động cho đọc giả. Có nghĩa là đem đến cho độc giả SỰ HIỆU CẢM: nhận thức cuộc sống thẩm mỹ, lòng yêu con người, thái độ sống (phản đối hay đồng tình)... giúp người đọc nhận diện chân dung sự việc, sự vật... "Người đàn bà quỳ" đi kiện là còn tin vào nhân tính, kiện nhiều cấp, kiện lên Trung ương và lẽ phải thuộc về người mẹ. Đối với tác giả viết ký, sự chịu khó mới xâu chuỗi được tâm, tài. Trước đêm lửa trại tao đàn này, vào hồi chiều, chúng tôi đến làng hầm Vịnh Mốc. Làng hầm Vịnh Mốc là gọi đúng tên cuộc sống kỳ diệu của nhân dân Vịnh Mốc đối mặt với bom đạn Mỹ để sống, để ăn ở, yêu đương sinh con nối dõi và để chiến đấu và để chiến thắng. Đây là một thế giới thu nhỏ lại và hiện vật ở đây tất cả từ cây cỏ kèo hầm nó hàm súc hơn cả thơ và nó mãi mãi tồn tại và tồn tại bất diệt. Nếu biết khai quật, thì làng hầm Vịnh Mốc sẽ là một cuốn ký lừng danh, làm nền tảng, chất liệu cho những bộ tiểu thuyết gần với sự hoang sơ thần bí. Rất tiếc là tôi chưa được đọc "Làng hầm" của Trần Biên. Hình như cuốn ký này Trần Biên viết năm 1968? Thật nhiều lần đáng tiếc. Giá mà tái bản được? (có nhiều giọng cười). Vịnh Mốc ngày nay có nhiều bài ký hay. Dĩ nhiên có được là khó lắm. Ký Lê Thị Mây ngồn ngộn chất văn hóa và chị đưa vào quá đậm đặc, quá nhiều trong một bài vậy là hơi phí. Trong lúc đó, ký Quang Hà, lại đưa chi tiết, con số báo chí nhiều. Thực ra đôi khi tác giả phải vận dụng thủ pháp không dùng con số nhưng câu chữ vẫn hiện lên con số. "Mười ngày rung chuyển thế giới" đây là thể ký đã đạt đến sự chấn động toàn cầu. Còn ta, ký đương đại của ta có vẻ như chưa đủ tầm vóc để ôm xuể các bi kịch lớn của cuộc đời...

Hoàng Đức: Tôi đã viết ký và đã có được hai bài in trên Tạp chí Cửa Việt. Tôi muốn bàn đôi điều giữa ký báo chí và ký văn học. Bởi tôi là người viết báo, lại có chút cơ duyên để gắng gổ viết được ký văn học. Thật ra cũng khó bàn lắm. Biên độ giao thoa thể loại, trộn lẫn thể loại rất lớn, nếu cứ câu nệ sẽ thấy chóng mặt vô cùng. Dù thế chúng ta nhất thiết phải có một sự khu biệt rõ ràng... Tôi viết một bài ký rất khó khăn, viết năm lần bảy lượt rồi về ngồi trước trang giấy trắng và thấy thiếu hụt tư liệu, thiếu hụt hơi thở cuộc sống. Hoặc thậm chí thiếu hụt cả những cái rất vu vơ không dính dáng gì đến bài ký, nhưng lại rất cần thiết cho sự rung động, cảm xúc. Giữa ký báo chí và ký văn học khi bàn có thể có nhiều ý kiến trái ngược và tách riêng, mỗi ý kiến đều có thể tâm đắc được cả. Khi văn học bất lực trước tái tạo hiện thực nóng bỏng thì thể ký nói chung lại đắc thế. Nó trực tiếp xâm thực cuộc sống và tôn trọng sự thật một cách khách quan, ký không cho phép hư cấu, nó đem lại cho người đọc sự tươi mới của cuộc sống và hiện thực là xuất phát điểm của ký. Nó là thông tin cuộc sống sinh động. Nó là thông tin thời sự nhanh nhạy, kịp thời. "Diễm xưa của tôi" Hoàng Phủ Ngọc Tường cốt khái quát, đưa lại cho công chúng một điều gì đó. Thực ra ký báo chí và ký văn học khác nhau rất sâu sắc. Ký báo chí tạo văn bản đơn nghĩa, không vòng vo tam quốc. Sức thuyết phục của ký báo chí chính là sự xác thực của số liệu, tư liệu mà tác giả cần phải dày công tạo cho được một trường cảm xúc, một trường tâm lý về sự thật. Từ sự tả chân, tả thực hàm súc bằng ngôn ngữ của sự kiện. Phải chăng ký báo chí phải đi từ tin? ký văn học xuất phát điểm của nó là tư tưởng nhân văn của mỗi nhà văn trước hiện thực cuộc sống? Bởi vậy nhu cầu của đọc giả khi đọc một bài ký (văn học) là tìm cái cảm thức sảng khoái như nghe một bản nhạc, một bài thơ. Đồng thời các lập luận ký phải trên cơ sở hiện thực xác thực của tư liệu, số liệu, từ vấn đề mà tác giả đặt ra... Và những liệu chứng đó, nó thể hiện cái tôi của người cầm bút. Và để rốt lại, có thể nói ký báo chí nó phải đạt đến thủ pháp ngôn ngữ sự kiện...

Hoàng Việt Hùng: Tôi đã viết ký nhưng chưa thỏa mãn. Cách viết ký của Lê Thị Mây ở "Đông Hà mặt trời mọc phía Tây" in báo "Người Hà Nội" là trộn cả ký báo chí và ký văn học. Biên độ giao thoa mạnh nhưng khó nhìn thấy, khó phân được rạch ròi. Điều ấy không quan trọng. Quan trọng của một bài ký hay là làm xúc động người đọc, đem đến cho họ một điều gì đấy, có khi lại rất mơ hồ, nhưng phải làm cho trái tim độc giả rung động, xao xuyến như chính họ vừa đến đấy nhìn thấy tất cả rồi cùng với tác giả, họ ngẫm nghĩ lại tất cả. Cả về cuộc đời họ lẫn hiện thực. Sự ngẫm nghĩ ấy là cái cần đạt đến của ký. Đưa số liệu vào ký như thế nào. Có thể xem đây là bút pháp, thủ pháp của mỗi tác giả. Đưa không khéo không có dụng ý sẽ không gây được cảm hứng cho người đọc. Người đọc sẽ chạy băng qua các số liệu một cách mệt mỏi. Tôi đọc "Đi tìm đồng đội" của Trần Biên tôi thấy đây cũng là một bài ký trộn lẫn cả ký báo chí và ký văn học. Chưa biết, chưa gặp tác giả nhưng tôi tin tác giả là một người từng trải, anh đã sống ở Trường Sơn và anh phải là người lính mới viết nổi về người lính như thế. Bởi vậy ký phải là người trong cuộc. Tôi không dám bàn về học thuật hay nói về một nhận định nào đó, mà tôi nghĩ về một bài ký hay chủ yếu là nó đưa đến cho ta một sự hưng phấn nào đó. Ví như "Cỏ biếc ven đê" của Võ Văn Trực bàng bạc chất thơ. Nó đánh thức một cái gì như thơ tàng ẩn trong bản ngã ta mà ta chưa từng biết tới, chợt đâu lay động lung linh làm ta kinh ngạc với chính cả bản thân mình. Riêng điều này thì tôi không tự tin lắm và không dám nhận định. Bởi tôi không thể nói được gì cả về lực lượng viết ký của Thừa Thiên Huế. Có thể nói Quang Hà là cây ký mạnh của Sông Hương. Có kỳ anh Dương Phước Thu, anh Nguyễn Khắc Phê, chị Hà Khánh Linh viết ký cũng sắc sảo nhưng gần đây ít thấy xuất hiện quá. Tôi thích Quang Hà ở bài bút ký về Vịnh Mốc. Có ý kiến nói đúng, Vịnh Mốc chúng tôi vừa đến là điểm thu hút khách du lịch vừa cũng là một cuốn ký, một cuốn du ký về thời đã qua, thời chiến tranh mà chữ nghĩa dường như một mỏ quặng rặc vàng ròng, vùi vào đất sâu còn tươi ròng vết thương vệ quốc. Quả đúng thế, hiện thực cuộc sống thật hùng vĩ, kỳ diệu. Vậy mà trong chúng ta chưa ai cầm bút để viết cho xứng đáng. Thổi được hơi thở của cuộc sống ở đây, ở mảnh đất Vĩnh Linh này, ở làng hầm Vịnh Mốc này vào trang viết, trang ký, tôi tin sẽ có bài ký hay, một cuốn ký hay.

Lê Thị Mây trưởng đêm lửa trại tao đàn ký tổng kết chốt lại: Đất Vĩnh Linh này lừng danh với cuốn "Ký sự miền đất lửa" của Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân; Vịnh Mốc xứng danh với mọi miền Tổ quốc bằng cuốn ký "Làng Hầm" của Trần Biên; Bài ký của bậc thầy ký Nguyễn Tuân là bài ký đếm từng dong ván cầu Hiền Lương thuở đất nước chia cắt; tuy nhiên, chừng còn chưa đủ. Anh Dương Văn Trai, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh về dự đêm tao đàn thể ký phát biểu rằng: Anh rất mừng, huyện rất mừng trước sự trưởng thành của nhóm ký Vĩnh Linh. Cửa Việt đã đăng tải nhiều bài ký về cầu Hiền Lương, về Cửa Tùng, về hồ thủy lợi La Ngà, về Vĩnh Chấp, về Nông trường Bến Hải... Phải chăng Vĩnh Linh xem như là một mảnh đất rất có duyên với văn học, với những người cầm bút? Chúng tôi hy vọng nhờ các đồng chí gởi gắm vào trang viết những nỗi niềm tâm huyết trăn trở của từng người dân trước quyết thắng Mỹ rồi, bây giờ quyết làm giàu. Dân giàu nước mạnh. Đây là sự nghiệp đổi mới của Đảng ta. Các đồng chí nắm bắt đưa vào trang viết một cách sinh động hơi thở cuộc sống, nhưng đồng thời cũng là người thổi luồng gió văn chương cách mạng vào mảnh đất này để giúp chúng tôi nhận ra được chân dung nhiều diện mạo của một đời người, một vùng đất... Lớp trẻ mới đây có Ngô Nguyên Phước, có Lê Nguyên Hồng... viết ký đã gây được ấn tượng. Tác phẩm đầu tay ra mắt bạn đọc của tác giả truyện ngắn Trần Thanh Hà lại là bài bút ký "Tìm bóng những cánh rừng" thuở chị mới tốt nghiệp đại học sư phạm về quê ở thượng nguồn Bến Hải và đang chờ đợi việc làm, vừa ngơ ngác viết ký. Lại là bài ký khá hay về văn chương và khá chặt chẽ về kết cấu... Điểm xuyết sơ lược vậy mà đã thấy thể ký rất biết chọn đất để hưng thịnh. Cho nên bàn về ký, tao đàn về ký là để mỗi tác giả tự bộc lộ quan điểm, thủ pháp ký. Có lẽ càng tao đàn, càng bàn sẽ càng thấy nhiều khúc đột ra trái ngược nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau đến cùng. Dễ hiểu thôi, tất cả, đấy là thủ pháp, bút pháp của từng cây bút... nào là thủ pháp lấy tư liệu, nào là thủ pháp ngôn ngữ, thủ pháp hư cấu trong ngưỡng cho phép... Cái cuối cùng là: Làm sao để có một bài ký hay? Làm thế nào để có một tập ký hay? Làm thế nào có một tác giả viết ký hay, một cuộc đời văn học chỉ dành cho trang ký hay như bậc thầy ký Nguyễn Tuân. Và cuối cùng là làm thế nào để thể ký với nhiều chủng loại trên Cửa Việt hay, vượt lên trên từng số báo. Đặc biệt qua trại viết hưởng ứng cuộc thi Cửa Việt, thể ký vào chung khảo và đoạt giải thật xứng đáng như ưu thế đặc trưng thể loại đã dành cho nó.

                                              Đêm lửa trại Cửa Tùng 16.6.1996

                                                                       P.T.H

Phạm Tuyết Hoa
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 22 tháng 07/1996

Mới nhất

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Quảng Trị triển khai nhiệm vụ công tác báo chí năm 2025

31/01/2025 lúc 15:19

TCCVO - Sáng 20/1/2025, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị chủ trì, phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground