Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trạm Thanh – Tết của những chàng trai chưa vợ

          Người dân nơi miền núi cao vùng Lìa xuýt xoa với nhau: Chưa khi mô ông trời cho nhiều cái rét như mùa rẫy ni. Không đáng mặt anh tài sánh vai với Sa Pa, Pha Long, Mù Cang Chải… biên giới phía Bắc song cái rét ở miền biên cương này cũng làm cho tôi phải co rúm rín trong chiếc áo bông dày sụ. Qua mùa thay lá, rừng cây săng lẻ mơn mởn ngàn lộc biếc giữa tiết Đại hàn. Dòng Sê-Pôn thoải mình trong làn sương núi, trầm lặng khúc độc hành mùa xuân. Trường Sơn xanh. Trường Sơn ngàn ngạt cơn gió thổi. Trường Sơn xòe tán nhành Nghinh xuân đón đợi tia nắng ấm ngày xuân.

 

Tôi quen thiếu úy Lê Công Hiệu cách đây chừng khoảng năm năm. Hồi ấy Hiệu đang còn là một chàng lính tân binh ngỡ ngàng trước những bài huấn luyện nghiệp vụ chuyên ngành của lực lượng biên phòng. Mấy lần gặp lại, Hiệu cứ nói trách tôi “Anh chẳng quan tâm đến thằng em chi cả, chưa khi mô ghé thăm để xem thằng em ăn ở, sinh hoạt như răng”. Tôi dặn với lòng mình phải có một chuyến đi biên giới để thăm người bạn chí cốt và cũng để thay đổi tý chút không khí chứ cứ quẩn quanh mãi trên mấy con đường rải nhựa phẳng lỳ ở thị xã Đông Hà cũng chán. Và tôi đã có mặt nơi trạm gác của ba chàng trai chưa vợ này đúng vào những ngày cây mai rừng xòe hoa vàng rực. Trạm gác ấy có tên gọi: Trạm Cửa khẩu phụ Thanh - Đen Vi Lay thuộc biên chế đồn biên phòng 613 - Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Trị. Hóa ra đường lên biên giới bây giờ chẳng còn phải “Nhảy đá” như trước đây, khoảng cánh cung đường gần lại bởi hệ thống giao thông đã vươn mình đến với bản làng vùng cao.

Bản A Ho của những người dân Vân Kiều chìm trong cơn vần vũ của đợt gió mùa đông bắc tăng cường gây rét đậm, rét hại. Cái tên xã Thanh chẳng gợi gì cho người nghe về địa danh vùng cao lắm núi nhiều đèo. Tôi cứ ngỡ như thế. Ấy vậy mà khi đến, tôi mới vỡ lẽ cảnh núi non trùng điệp, làn mưa trắng bám chặt vào vách đá, rừng cây để tạo nên nét riêng biệt vùng biên cương có sơn, có thủy.

Hiệu thay đổi khá nhiều. Chững chạc, trưởng thành, dẫu vẫn với vóc người dong dỏng cao, nước da trắng, khá duyên trai song đã ra dáng vẻ một anh cán bộ biên phòng dày dạn kinh nghiệm công tác lắm rồi. Duy nhất có một điều cho đến tận bây giờ anh chàng duyên trai này“Vũ như cẩn” là chưa lấy vợ và chưa cả người yêu mặc dù đã trải qua ba mươi hai “Mùa lá rụng trong vườn” như cách nói của lính biên phòng. Chẳng biết do ngẫu nhiên hay xuất phát từ ý định của người chỉ huy mà cả ba chàng trai chưa vợ đều được điều động biên chế về đây. Giữ chức trạm trưởng là trung úy Nguyễn Anh Tuấn - 28 tuổi. Trẻ nhất trạm và cũng ít tuổi nhất thuộc về binh nhì Đặng Sỹ Diễn năm nay vừa tròn tuổi 20. Dĩ nhiên và cũng là tất yếu, anh bạn Lê Công Hiệu của tôi được mọi người trong trạm tôn vinh chức anh cả về tuổi tác. Ba chàng trai chưa vợ sum vầy với nhau trong mỗi đêm gió lùa qua khung cửa vời vợi nhịp điệu núi rừng.

- Tối ni bọn mình làm chi hè? Tuấn đặt ra câu hỏi.

- Xem tivi xong tiếp tục làm mứt. Hiệu trả lời như thế.

Xem xong chương trình phim truyện, Diễn đốt sẵn bếp lửa đỏ rực than, đường chuẩn bị từ trước, bí đao già lên phấn trắng cất trong góc nhà cách đây đã mấy tháng đem ra thái lát, ngâm đủ nước vôi trong, nước tro bếp cho cứng. Ba anh lính vụng về chuyện chế biến mứt, kẹo bắt đầu thao tác. Mấy hôm trước, Hiệu đã cất công tìm đến các cô giáo ở trường tiểu học để hỏi và ghi chép cụ thể chi tiết quy trình làm mứt bí đao. Tuấn cầm tờ giấy đến gần bóng điện rồi hắng giọng đọc to “Xoong nóng, đổ cả đường và bí đao vào cùng một lúc rồi dùng đũa tre khuấy nhẹ. Khi đường chảy hết thành nước thì bớt lửa và cho sôi âm ỉ, đồng thời lúc này bí đang mềm nên rất dễ bị nát vì thế phải đảo hết sức nhẹ nhàng. Luôn quan sát, điều chỉnh ngọn lửa, khi nhìn thấy mứt sền sệt thì đảo luôn tay và chỉ dùng lửa than, cứ vậy liên tục đảo mứt đến lúc nào nhìn thấy đường cô lại thành một thứ bột màu trắng thì nhanh chóng nhấc xuống, đổ ra tờ giấy rộng, đợi nguội, cho vào túi ni lông, tránh để gió lộng vào sẽ làm mứt chảy nước…”. Hiệu cắt ngang nhịp đọc say sưa của Tuấn: “Biết rồi, tui thuộc lòng đã mấy hôm ni, chẳng cần phải đọc nữa”. Tuấn bảo lại “Đang đọc đến đoạn cao trào làm mất cả hứng. Thôi mặc kệ, hỏng đừng có hỏi là tại sao không ôn trước quy trình”. Tuy vẫn đang cật lực quạt bếp than nhưng Diễn vẫn góp lời và có ý nghiêng về ủng hộ Tuấn: “Anh Hiệu lần mô cũng nói thuộc rồi, thuộc rồi nhưng cứ làm hư mãi, bắt em quạt than mệt òm”. Chàng lính trẻ quay sang tôi: “Lần ni là lần thứ năm rồi đó anh. Mấy lần trước bị hư hết. Để em vô lấy ra cho anh xem sản phẩm mứt bí đao của anh Hiệu”. Diễn vào nhà và cầm ra hai bọc giấy khá to rồi mở cho tôi xem. Trời ạ. Tôi không thể nhịn được cười khi thấy hai gói mứt của đôi tay những người lính quen cầm súng lâu năm. Một gói do để quá lửa nên sắp thành kẹo đắng, gói kia lại đem xuống quá sớm đường chưa kịp khô nên ướt nhão nhoét, bí lăn một nơi, đường chảy nước nằm im một nẻo. Mà lát bí cắt vừa to, vừa dày nên trông giống như cục bí tẩm đường chứ chả phải lát mứt mảnh mai thấm đường ngọt lịm. Hiệu vẫn cố nói thêm: “Lần ni em đã nghiên cứu kỹ, rút kinh nghiệm, bí cắt thành lát dài, ngâm đủ hai thứ nước, đúng thời gian, quy trình nên chắc chắn sẽ thành công”. Tôi cầu mong Hiệu sẽ không phải chịu thêm một lần thất bại, bởi công sức bỏ ra đã khá nhiều. Chỉ riêng việc kiếm vôi về hòa nước ngâm bí, anh đã phải đi bộ cả tiếng đồng hồ vào tận bản Pa Lọ Vạc, nơi đang có công trình xây dựng để xin. Niềm mong của tôi là vậy, thế nhưng Tuấn lại bảo: “Bị hỏng cũng chẳng sao, bọn em làm cho vui mà anh, làm để vơi bớt đi nỗi nhớ cảnh ấm cúng gia đình mỗi khi tết đến, chứ ra ngoài Khe Sanh, họ bán đầy”. Làm cho vui? Cho ấm cảnh gia đình? Có thể lắm chứ, bởi từ ngàn đời nay, mỗi ngôi nhà làng quê Việt Nam cứ sau ngày tiễn ông Táo về trời là đêm đêm quây quần bên bếp lửa, các cô gái, các bà mẹ lại khoe diễn tài nội trợ của mình qua sản phẩm các loại mứt để thết đãi khách đến thăm nhà vào ngày đầu xuân.

Diễn phụ trách củi lửa. Tuấn cầm giấy đọc từng bước quy trình. Hiệu chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm. Giục nhau bớt lửa, tranh luận đảo mứt mạnh tay. Tiếng cười, tiếng nói làm rộn ràng căn bếp nhỏ. Cuối cùng thì mẻ mứt cũng hoàn thành. Lần này chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn “ăn được”. Hiệu cười tươi: “Đã bảo là sẽ đạt chất lượng Số I Biên phòng mà chẳng ai chịu tin. Tết năm ni có mứt tự làm để thết đãi khách đến thăm trạm mỗi người một lát nhỏ nếm thử. Chả ai dám ăn nhiều vì còn dành để ngày tết. Diễn hì hụi tính toán một hồi rồi đưa ra thông báo: “Giá thành đắt gấp 5 lần so với mua ngoài thị trường đã tính cả thuế giá trị gia tăng”. Nghe thế song tất cả vẫn cười vui vì giá cả chả là vấn đề gì miễn rằng trạm gác của những chàng trai chưa vợ rộn ràng nhịp điệu đầm ấm cảnh gia đình đón tết.

Đêm. Gió rừng đi qua khung cửa rít lên từng cơn phà phập vào thịt da tê tái. Dù đã được Diễn chuẩn bị cho một chiếc giường có đầy đủ nệm bông, chăn bông dày hai lớp vậy mà tôi vẫn khó chìm vào giấc ngủ. Tiếng kẹt cửa rung lên rất nhẹ. Đến giờ thay gác. Diễn khoác vội chiếc áo choàng bông và lặng lẽ dõi mắt vào màn đêm phía con sông Sê Pôn đang miệt mài dòng chảy. Chẳng biết cơn mưa rừng chợt đến hay sương núi nặng hạt, tôi nghe từng tiếng rơi lộp bộp lay động tán rừng cây săng lẻ co mình trong giá lạnh. Đôi chim Từ Quy cất tiếng gọi bạn tình lọt sâu vào vách núi nghe sao khắc khoải và cô đơn. Loài chim chỉ rời khỏi tổ vào ban đêm nên hiếm người nhìn thấy rõ vóc dáng ra sao. Tôi hỏi về loài chim lạ và được nghe Hiệu kể về sự tích:

Ngày xửa, ngày xưa có đôi trai gái yêu nhau tha thiết song họ phải chịu cảnh cấm ngăn quyết liệt của tộc trưởng vì hai bộ tộc vốn có mối hận thù truyền kiếp. Họ hẹn với nhau cứ vào mùa trăng sáng là gặp nhau bên con suối nhỏ nơi phân định ranh giới bất khả xâm phạm giữa hai bộ tộc. Vào một năm, trời hạn hán, những tấm rẫy đã được dọn sạch, chỉ chờ ông trời cho hạt mưa là gieo trỉa lúa ngô. Thế nhưng qua nhiều mùa trăng, mặt trời vẫn rang nóng đất đai, cây rừng. Nước ở mọi con suối đều cạn, bộ tộc đói lả, có nhiều con trâu, bò, dê bị giết để làm lễ vật cầu xin nhưng Giàng chưa đồng ý cho hạt mưa. Thầy mo bảo hai vị tộc trưởng của hai bộ tộc: Phải có máu của người bộ tộc kia dính trên ngọn giáo, mũi tên thì Giàng và hung thần Xà-ngơn mới chịu ưng cái bụng. Nghe theo lời thầy mo, cả hai vị tộc trưởng đầy quyền uy đã tập trung bộ tộc mình, cử ra một dũng sỹ đi lấy máu kẻ thù về làm vật hiến tế. Hôm ấy vào đúng mùa trăng sáng, chàng trai tìm đến điểm hẹn đợi người yêu. Nghiệt ngã thay, khi chàng trai đang ngồi hát câu gọi bạn tình thì bất ngờ thấy loáng một mũi giáo từ trên cao lao xuống găm thẳng vào ngực. Chàng trai hét lên đau đớn và nằm gục xuống phiến đá, máu từ vết thương tuôn ra thấm đỏ khuôn ngực. Khi cô gái đến nơi thì chàng trai đã vĩnh viễn đi theo thần núi, thần rừng. Cô chợt nhớ lại lời thầy mo nói với tộc trưởng và hiểu ra tất cả. Nỗi đau trào dâng tột bậc, cô gái ôm xác người yêu khóc than vô vọng cho một tình yêu đau khổ bởi luật lệ hà khắc của hai bộ tộc. Chàng trai được bộ tộc mình đem về làm lễ cúng và chôn cất ở rừng ma của bản. Bất chấp cả mối hận thù, cô gái một lòng thủy chung với người yêu, cô ngồi than khóc bên nấm mộ trong căn nhà mồ tang tóc lay gọi người yêu. Cho đến một ngày, người ta nhìn thấy cô gái gục chết bên nấm mộ chàng trai. Cảm thương trước mối tình mảnh liệt của đôi trai gái và để nhắc nhủ với thế hệ hậu sinh của hai bộ tộc, thần Xa Đôi đã hóa thân họ thành đôi chim nhỏ cứ đêm đêm cất tiếng hót gọi tìm nhau, gặp gỡ nhau nhưng khi con gà rừng cất tiếng gáy đầu tiên báo hiệu trời sắp sáng là phải chia tay, mỗi con trở về lại chiếc tổ ấm của mình.

Câu chuyện buồn lại được kể vào một đêm gió lạnh nên càng làm day dứt lòng người nghe. Bỗng nhiên Hiệu hỏi bâng quơ “Chẳng biết đôi chim ấy gặp nhau chỉ với khoảng thời gian ngắn ngủi, liệu có đủ kịp để gieo giữ mầm sống cho đời sau”. Tôi không thể làm một phép tính số học chính xác để trả lời câu hỏi của anh nhưng chắc chắn cả tôi và Hiệu đều chung suy nghĩ. Dẫu chỉ với thời khắc ngắn ngủi song mỗi khi sự hận thù đã nhường chỗ cho tình yêu thì cái đẹp luôn tồn tại vĩnh hằng. Truyền thuyết là câu chuyện của ngày xửa, ngày xưa, thế nhưng thời gian đã bước sang thế kỷ XXI. Vậy mà tôi, Hiệu và những ai nếu có dịp thức cùng đêm biên giới sẽ nghe tiếng gọi bạn tình của loài chim Từ Quy cất lên giữa núi rừng vắng lặng.

Tiếng kẹt cửa một lần nữa lại rung lên rất nhẹ. Diễn đổi gác. Thế là đã hơn 3 giờ sáng, thay vào vị trí của anh là trạm trưởng Nguyễn Anh Tuấn. Tuấn hơi gầy, da ngăm đen, nghiêm nghị, hay cười, ít nói. Hạt lúa làng quê nghèo Hải Chữ - Trung Hải - Gio Linh cho anh tuổi thơ lớn lên khi dòng sông Bến Hải không còn là giới tuyến cắt chia đôi miền Nam - Bắc. Như một quy luật của lịch sử, bất cứ đất nước nào sau cuộc chiến tranh tàn khốc cũng mang trên mình ngàn vạn vết thương bầm dập. Cả nhà Tuấn ai cũng học giỏi song bố mẹ nghèo, của nả để lại cho con chỉ mái nhà tranh liêu xiêu trước mỗi cơn gió bão khắc nghiệt miền Trung. Ước mơ ấp ủ của Tuấn là gắng học thật giỏi để trở thành sinh viên trường đại học Bách khoa chuyên ngành Điện tử nhưng trong một lần vào thăm người bà con công tác tại Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Trị, nhìn thấy mấy anh lính mang quân hàm xanh đẹp quá, oai nghiêm quá nên anh thay đổi quyết định thi vào Học viện Biên phòng. Tuấn thú nhận: -“Cho đến lúc này, khi kháp mặt với cảnh đón tết xa nhà giữa núi rừng biên cương mịt mù gió lạnh, em mới thấm thía và hiểu đầy đủ giá trị về sự vất vả, trống vắng của những người lính biên phòng”. Tuấn ít nói, hay e thẹn nhưng lại gặp may. Hôm đến dự buổi tọa đàm kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam năm ngoái tại trường Tiểu học xã A Xing, Chi đoàn nhà trường tổ chức giao lưu hái hoa dân chủ, chả hiểu may rủi thế nào, Tuấn bắt đúng câu hỏi: - Nếu có một cô giáo trẻ biểu lộ tình cảm yêu anh thì anh sẽ nói những gì? Anh sẽ nhận xét gì về tình cảm ấy?. Đọc xong nội dung câu hỏi, chàng trung úy biên phòng đứng chết trân giữa hội trường với khuôn mặt đỏ ửng. May sao cô giáo Đào thương tình chàng sĩ quan trẻ chỉ đứng tủm tỉm cười nên đã chữa cháy hộ: - Thôi cho anh Tuấn mắc nợ nhưng trước khi trở về chỗ ngồi phải hát một bài để đặt cọc. Như người sắp chết đuối vớ được cái phao, mặc dù chất giọng hô điều lệnh hay hơn cả hát, Tuấn vẫn làm luôn một mạch “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh. Anh em ơi… Thề tranh đấu suốt đời vì nhân dân”. Buổi tọa đàm kết thúc song tình cảm giữa hai người đã nảy nở và gắn kết với nhau ngày càng bền chặt. Trạm Thanh - duy nhất chỉ mỗi mình Nguyễn Anh Tuấn là có người yêu.

Thêm một ngày mới, cái tết đang đến thật gần. Cành mai rừng khẳng khiu đã chúm chím xòe nụ vàng đợi đón phút giao thừa. Có chút năng khiếu cắt vẽ nên Hiệu được phân công nhiệm vụ trang trí bàn thờ xuân. Bức tượng Bác Hồ đặt trang nghiêm. Những bông hoa xuyến chi mộc mạc, qua đôi tay cùng cặp mắt thẩm mỹ của Hiệu trở nên sinh động và như đang muốn nói lên bao điều thầm kín.

Không đủ đầy như những nơi có điều kiện thuận lợi song ba chàng lính chưa vợ nơi đây cũng nấu nướng một mâm cỗ cúng lễ tất niên theo phong tục cổ truyền. Khi mâm cỗ dọn hoàn chỉnh lên bàn thì Hiệu được anh em cử xướng làm chủ lễ. Đủ bộ quân phục áo dạ bốn túi, quân hàm chỉnh tề. Mũ kê-pi, giày đen vừa đánh xi bóng loáng, trông Hiệu chững chạc, nghiêm nghị khác mọi ngày. Mâm cỗ đặt trước cửa, khói hương bắt đầu lan tỏa. Hiệu, tay cầm ba nén nhang nét mặt thành kính đứng lầm rầm nói lên bao điều cầu ước trước một năm cũ sắp sửa trôi qua. Cũng ba lạy, ba vái; cũng ba lần “chước tửu”, “đơm trà”. Họ im lặng thành kính. Chẳng hiểu do khói hương hay vì một lý do nào đó mà trên đôi mắt Diễn dòng lệ ngân ngấn đang chực trào ra. Khí trời giao thoa hồn thiêng núi non nhập nhòa trong nỗi lòng người lính Biên phòng nơi biên ải quê hương mùa xuân đang trở lại. Bỗng nhiên, tôi cảm thấy nhớ đến ngôi nhà thân yêu của mình nơi vùng đồi trung du Cam Lộ, nơi bố mẹ, anh em và cả người vợ hiền tần tảo đang nóng lòng mong tôi trở lại. Tôi mới chỉ xa tổ ấm gia đình có vài ngày mà đã da diết nỗi lòng. Huống chi các anh, tháng năm đằng đẵng. Phải chăng đất nước mình biên cương dài rộng quá mà những người chiến sỹ Biên phòng phải đón tết xa quê?

Khói hương ngưng tỏa, mâm cỗ tất niên được dọn xuống. Chúng tôi bắt đầu thưởng thức hương vị ngày xuân. Món xào, Diễn nấu. Bát canh măng hầm xương lợn, Tuấn phụ trách. Tô thịt thập cẩm nấu đông, Hiệu chế biến cách đây ba ngày. Đôi bàn tay đàn ông vụng về nội trợ, thường là như vậy nhưng ở đây mọi thứ đều ngon chả thua kém bất kỳ nơi đâu.

- Anh làm việc ở Đông Hà có quen cô gái mô, giới thiệu địa chỉ cho bọn em kết bạn với? Hiệu đề xuất.

- Có chứ, nhiều nữa là đằng khác, chỉ sợ bọn em không đủ sức viết thư thôi.

Sau câu trả lời của tôi, Tuấn nói chắc: - Anh khỏi lo, chỉ sợ không có bạn chứ có rồi thì thức trắng đêm viết thư cũng chả sao. Bọn em chỉ sợ thư đi nhiều, thư hồi âm trở lại ít thì buồn lắm.

Tôi hơi ngại nhưng cũng liều gửi lại những dòng địa chỉ của mấy cô bạn gái đang học ở trường cao đẳng sư phạm của tỉnh. Tuấn hơi ít quan tâm, còn Hiệu và Diễn thì vui lắm. Hai chàng trai trẻ bàn với nhau tối nay sẽ thức để viết thư. Bữa cơm tất niên có thêm chủ đề kết bạn trở nên vui vẻ hơn trước. Tôi liên tục được mấy chàng trai đến nâng cốc chúc mừng. Lính biên phòng uống rượu khỏe thế. Loáng cái chai rượu trắng chứa dung tích 0,65 lít đã hết veo, một chai khác tiếp tục được đưa ra và lời chúc nghe càng nồng nàn hơn. Uống nhiều như vậy nhưng chẳng ai có dấu hiệu gì chếnh choáng. Tất cả vẫn ôn hòa, bình tĩnh, chuẩn mực. Đêm càng về khuya tiết trời càng thêm lạnh. Diễn vẫn ngồi lặng lẽ, suy tư bên trang thư viết dở. Đôi lông mày nhíu lại kiếm tìm ngôn ngữ chuyển tải tình cảm người chiến sĩ biên cương kết bạn cùng cô sinh viên trường sư phạm. Thời học sinh cắp sách đến trường, Diễn ao ước trở thành nhà báo. Nuôi khát vọng, từng đêm, Diễn miệt mài trang sách ôn luyện, thức cùng thời gian để toại nguyện sự cháy bỏng đời người. Trang nhật ký, Diễn cho tôi đọc vội.

Ngày… tháng… năm…

Tiết trời rét quá. Đôi tay mẹ run cắm xuống cánh đồng quê từng nhánh mạ. Hạt phù sa nuôi cây lúa lớn lên như đời mẹ tảo tần nuôi con khôn lớn. Rồi con đi xa chẳng giúp được gì nhiều cho mẹ. Ngày còn bé, cứ mỗi lần tết đến là cha lại gói cho con chiếc bánh chưng nhỏ xíu để cầm khoe bạn bè. Con tham lam nên chỉ giữ chiếc bánh chưng cho riêng mình. Mẹ cười bảo “Thằng ni chắc lớn lên e ăn tranh luôn phần của vợ”.

Lúc ấy nào đâu con đã hiểu từng bước đi gian khó trong cuộc đời của cha và mẹ. Đầu óc non nớt trẻ thơ, con chỉ biết hưởng thụ công lao của cha, mẹ và muốn giành về mình tất cả sự chăm sóc, yêu thương. Giờ đây con đã trở thành người chiến sỹ biên phòng, con chẳng còn được cầm tung tăng chiếc bánh chưng nhỏ xíu thời thơ ấu khi hương vị ngày tết thơm nức mọi nhà. Nhưng các anh ở trạm vẫn luôn dành cho con tình cảm thương yêu trưởng thành trong cuộc sống bằng sự chỉ bày của các anh. Tết này con không về sum vầy cùng gia đình nhưng ở nơi đây con vẫn được sống trong tình yêu thương của bà con dân bản, sự sẻ chia, động viên của đồng chí, đồng đội. Xin cha mẹ hãy yên lòng.

Ngày… tháng… năm…

Đã gần tết rồi mà công việc vẫn nhiều vô kể. Chiều nay mình và anh Hiệu đi nắm tình hình ở bản Pa Lọ Vạc. Hình như với bà con dân tộc Vân Kiều nơi bản nhỏ này, cái tết chả có ý nghĩa gì về thời gian. Nhìn những đứa trẻ chỉ bằng tuổi em út của mình ở nhà, quần áo mong manh sao mà thương quá vậy. Anh Hiệu cho chúng mấy gói kẹo trạm vừa nhận được từ hôm qua do các đoàn khách đến thăm, chúc tết. Chẳng đủ để chia mỗi đứa một gói nên chúng tụ tập nhau lại cùng ngồi ăn, chẳng thèm để ý đến gió rét núi rừng. Cuộc sống bản làng còn khó khăn quá nên con trẻ phải chịu nhiều thiệt thòi.

Giải quyết công việc xong, mình và anh Hiệu trở lại trạm thì trời đã tối. Anh Tuấn vẫn đợi cơm. Ở cái trạm này nếu thiếu đi một người thì bữa ăn sẽ trở nên trống vắng, buồn tẻ. Vì vậy, ba anh em mình chả ai muốn vắng xa nhau…

Tôi không dám đọc tiếp những trang nhật lý của Diễn bởi mỗi dòng chữ như được rút ra từ sâu thẳm lòng người. Thêm nữa, tôi cũng sợ nhỡ một giây phút mình yếu lòng sẽ gây thêm không khí buồn cho những người lính biên phòng nơi đây. Diễn tâm sự với tôi: - Quê em ở Vĩnh Long - Vĩnh Linh, một làng quê giàu truyền thống cách mạng của một thời đầu cầu giới tuyến năm xưa. Tốt nghiệp phổ thông trung học, em thi vào trường đại học Khoa học Huế ngành báo chí nhưng do chưa có kinh nghiệm lại thêm tâm lý tác động nên không đủ điểm chuẩn vào trường. Em dự định sẽ ôn và thi lại lần nữa nhưng ba em bảo học báo chí rất cần nhiều vốn sống thực tế thì bài viết mới sâu sắc được. Em tình nguyện vào bộ đội Biên phòng để vừa rèn luyện tâm lý, vừa góp nhặt tích lũy kinh nghiệm thực tế. Hết nghĩa vụ, em vẫn tiếp tục thi. Tôi hỏi Diễn: - Sao Diễn không thi vào các trường trong lực lượng biên phòng? Sau này ra trường vừa công tác, vừa viết chẳng thuận lợi hơn à?. Diễn trả lời tôi: -Viết chủ yếu là ở cái tâm chứ anh. Dù sau này em không còn khoác trên mình bộ quân phục màu xanh này nữa nhưng em sẽ vẫn viết về người chiến sỹ Biên phòng và bà con các dân tộc vùng cao. Tôi hỏi tiếp: - Thế nhỡ học ở thành phố thời gian dài rồi lại ngại gian khổ thì sao?. Diễn cười: - Từ nhỏ em đã biết sướng là gì đâu mà anh bảo em ngại khổ. Hơn nữa không lẽ hai năm công tác nơi trạm gác nhỏ này chưa đủ để em hiểu về cái sự gian lao vất vả, xa xôi cách trở của người lính Biên phòng và bà con bản làng vùng cao biên giới hay sao?… Tôi nghe lời Diễn tâm sự mà tự nhiên thấy xấu hổ cho bản thân mình. Mới cách đây mấy hôm trước, nhìn thấy trời mưa rét, tôi đã định thoát lui lời mời của Hiệu. Tôi sợ cơn gió lạnh Trường Sơn đại ngàn, sợ khoảng cách xa xôi, sợ mưa giông tê tái và… sợ cả ngày tết đang đến gần.

Hiệu với tay bóc thêm một tờ lịch. Đã là ngày gần cuối tháng chạp ta rồi đấy. Chắc vào thời khắc này, quê tôi đã nhộn nhịp lắm rồi. Phiên chợ tết hẳn rất đông dòng người đi mua sắm. Ba chàng lính trạm Thanh cũng tất bật với cái tết đơn sơ của mình. Lá dong rừng rửa sạch, nếp ngâm trắng tinh, lạt giang tước mỏng, đậu xanh giã nhuyễn, thịt, hành có đủ. Họ gói bánh chưng.

Tôi vô cùng ngỡ ngàng khi quan sát các anh thao tác kỹ thuật gói bánh. Chả cần khuôn gỗ, khuôn nhôm vậy mà chiếc bánh cứ vuông chằn chặn, đều sít nhau cả về kích thước lẫn trọng lượng. Mỗi chiếc nặng chừng gần nửa cân. Đơn giản như việc buộc lạt cũng cần xác định cỡ tay, bởi nếu chặt quá, khi nấu, nếp nở ra, bánh sẽ bị nứt. Ngược lại nếu nút lạt hơi lỏng, nước lạnh sẽ ngấm vào làm nhão nếp và chóng bị thiu. Tôi xăm xe gói thử, sản phẩm chẳng ra một hình thù gì cụ thể. Hiệu cười trêu tôi: - Anh phải về tập gói bánh chưng bằng đất đã chứ gói như ri chỉ cần đun sôi đợt nước đầu tiên là nồi bánh sẽ trở thành nồi cháo thập cẩm. Tôi hơi cay cú vì không lẽ mình lại chịu thua. Thế nhưng tập đến lần thứ năm, sự tiến bộ cũng chỉ đạt ở mức rất khiêm tốn. Tôi buột miệng “Khó hè”. Diễn nói thêm: - Anh tập làm chi cho mệt, ở thị xã, thành phố bây chừ còn có mấy ai tỉ mẩn ngồi gói nữa mô, cứ nhấc điện thoại, bấm số là dịch vụ đưa đến tận nhà. Tôi giật mình, nghiệm ra thì đúng thật. Quanh năm suốt tháng, ai cũng hối hả, tất bật tính toán chuyện kiếm tiền chứ mấy thứ lặt vặt bánh trái ngày tết chỉ cần “A lô” một tiếng là xong ngay, miễn là có tiền. Không biết con trẻ sau này lớn lên có còn giữ được nét văn hóa cộng đồng, tình cảm gia đình cùng nhau quây quần gói bánh. Và mỗi đêm cuối năm, lẫn trong tiếng nồi bánh đang sôi là lời mẹ kể câu chuyện chàng Lang Liêu gói bánh chưng, bánh tét tượng trưng cho Đất, Trời để đem dâng tiến vua cha.

Dẫu rất muốn ở lại với các anh nhưng nghĩa vụ cái tổ ấm gia đình bé nhỏ nó níu kéo dữ quá nên tôi chẳng thể nấn ná thêm. Hiệu buột ra câu hỏi: - Anh sắp về rồi à? Buồn hè. Tất cả đều im lặng. Tiếng nổ tí tách của bếp lửa liếm láp vội vàng chiếc nồi quân dụng đựng đầy bánh đang ùng ục sôi. Đêm. Dòng sông Sê Pôn dường như cũng chập chờn giấc ngủ. Đôi chim Từ Quy đã gặp nhau nên đã ngừng tiếng gọi chỉ có gió là hối hả lay nghiêng cây rừng. Tôi định nói đôi câu động viên các anh nhưng có lẽ vào giây phút này mọi ngôn từ đều trở thành vô nghĩa. Khoảng im lặng không nặng nề nhưng trầm lắng, nén chặt nỗi niềm. Như thể chẳng chịu đựng thêm được nữa, Hiệu giục Diễn: Em xem đổ thêm nước vô nồi bánh. Diễn nghe rất rõ lời Hiệu song vẫn cố tình hỏi lại thật to: - Dá, anh bảo em làm cái chi? - Đổ thêm nước vô nồi bánh kẻo bị cháy. Hiệu nhắc lại. Mấy lời thoại ngắn ngủi ấy đã đánh thức chúng tôi ra khỏi dòng suy nghĩ buồn trong đêm áp tết.

Theo Hiệu, chẳng có một lực lượng nào được thưởng thức nhiều đến vẻ đẹp hùng vĩ, thiêng liêng của núi rừng và biển khơi như những người chiến sỹ Biên phòng. Chả thế mà nhạc sỹ Xuân Hồng đã từng viết “Trước mặt anh là biển rộng, sau lưng anh là núi cao, trên đầu anh là trời sao, dưới chân anh là đất mẹ…”. Biên giới. Chỉ cụm từ gồm tám ký tự ấy thôi cũng đã đủ nói lên chủ quyền thiêng liêng quốc gia, dân tộc. Lắm kẻ cuồng ngông muốn nhòm ngó, thôn tính nhưng đừng hòng chúng đánh bại được lòng dũng cảm của những người chiến sỹ biên phòng và ý chí quật cường của cả dân tộc Việt Nam. Dù hội xuân có rộn ràng vui thú đến đâu thì mũi súng trên tay người chiến sỹ Biên phòng vẫn luôn thao thức một tinh thần cảnh giác.

Trạm Thanh, nơi chứng kiến mỗi cung bậc buồn vui cuộc sống của ba chàng trai chưa vợ này, trước đây thuộc sự quản lý của đồn biên phòng 617. Xa hơn nữa về thời gian, trạm chỉ là một ngôi nhà tranh ngụ phía bên kia dòng Sê-pôn. Năm 1978, sau khi nghiên cứu các yếu tố lịch sử để lại, hai nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã ký kết các hiệp định về hoạch định biên giới, trạm Thanh dời sang phía bên này sông Sê-pôn. Tháng 2 năm 2002 do yêu cầu về quản lý biên giới, địa bàn nên trạm được chuyển giao biên chế cho đồn biên phòng 613. Để tăng cường hơn nữa sự giao lưu hợp tác phát triển, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút nguồn lợi xuất nhập khẩu, ngày 19/8/2003, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã tổ chức lễ khai trương nâng cấp trạm Thanh thành Cửa khẩu phụ Thanh - Đen Vi Lay, đồng thời trạm được đầu tư xây dựng kiên cố. Sau bao thời gian sống chung với đèn dầu, máy nổ, hôm nay, ba chàng trai chưa vợ đã được vô tư dùng điện lưới quốc gia để viết thư và xem tivi bất cứ lúc nào thấy muốn. Đời sống như vậy là đã đỡ hơn trước đây rất nhiều nhưng vẫn còn đó nỗi niềm xa gia đình, xa quê hương chôn rau cắt rốn của Hiệu, của Tuấn, của Diễn. Nhất là khi nhìn thấy rừng Săng lẻ nhú lên những búp chồi non xanh biếc. Chợt Hiệu lại hỏi tôi: - Liệu mấy cô gái bạn anh học ở trường sư phạm có viết thư hồi âm cho bọn em không nhỉ?. Tôi thật khó trả lời câu hỏi ấy. Hỡi các nữ sinh sư phạm và cả những cô gái khác nữa, dù có bận công việc thì cũng hãy dành chút ít thời gian trả lời thư cho bạn tôi trên biên giới nhé. Biết đâu từ những lá thư kia sẽ dựng xây nên căn nhà hạnh phúc? Người lính Biên phòng, họ đang đợi chờ thư của các bạn đấy. Xin hãy đừng quên. Cứ theo dòng địa chỉ: Trạm Thanh - Đồn Biên phòng 613 xã Thuận - Hướng Hóa - Quảng Trị là thư sẽ đến thôi mà.

Tôi chia tay. Ba người lính biên phòng ở lại. Biên cương đã ấm dần lên. Tia nắng non ngày xuân rọi xuống thảm cây rừng mơn mởn lộc chồi. Tôi chưa kể nhiều lắm về Hiệu vì lý do Hiệu không muốn mọi người biết về mình. Hiệu quê ở thị trấn Hồ Xá, cả nhà có tới… ba người hiện đang công tác trong lực lượng bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Hiệu là con trai út của một gia đình có bảy anh chị em. Hiệu sinh năm 1974, nhằm tuổi con Hổ. Ấy nhưng khuôn mặt hiền, miệng luôn cười duyên, âm lượng giọng nói nhỏ nhẹ là nét đặc trưng của chàng lính khá duyên trai song chưa vợ này. Đôi tay chuyên cầm súng nhưng cắm hoa chẳng thua gì con gái. Hiệu chưa yêu và cũng chưa được ai yêu bao giờ. Chính vì lẽ đó nên Hiệu hơi hồi hộp khi viết thư cho bạn gái. Năm năm nhập ngũ, vừa đủ để nhận phụ cấp thâm niên và hiểu được nét thâm trầm của biển, sự nhạy cảm của rừng song Hiệu vẫn là chàng “lính phòng không” như thuở nào tôi gặp.

Hiệu xởi lởi - Anh cầm mấy cái bánh này, gọi là quà tết của lính biên phòng chúng em gửi tặng gia đình. Tôi không nỡ từ chối và cũng muốn giữ để về khoe với xóm giềng cái sự khéo tay của các anh. Những ngày qua, tôi đã kịp nhìn thấy nét hùng vĩ núi non biên giới, nghe dòng Sê - pôn hát khúc độc hành mùa xuân và cả bao nỗi buồn vui khó tả của ba chàng trai chưa vợ nơi trạm gác bé nhỏ này khi ngày tết đến gần… Nhưng như thế đã đủ để tôi hiểu về sự gian khổ, vất vả, khó khăn của người lính biên phòng chưa nhỉ?

Tôi nói lời tạm biệt. Núi mờ xa… rất xa nhưng tôi vẫn cảm thấy biên cương rất gần, gần như cái tết cổ truyền dân tộc đang về cùng các anh vậy.

 

Trạm Thanh những ngày cuối năm Giáp Thân

N.T.P

Nguyễn Thành Phú
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 125 tháng 02/2005

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

19 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

19 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

19 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

19 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground