Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Yêu quê hương với mối tình đầu

Có người, tình cảm quê hương bắt nguồn từ lúc leo trèo hái những chùm khế ngọt. Có người yêu quê hương qua những buổi trốn học đi bắt bướm cạnh bờ ao "mẹ bắt được chưa đánh roi nào đã khóc", rồi nhớ luôn nhà cô bé nhà bên nhìn thấy, cười khúc kha khúc khích.

Tôi cũng vậy, tình cảm quê hương sâu đậm cũng thường là những kỷ niệm thời thơ ấu. Xa quê hương hơn bốn mươi năm, đi Đông, đi Tây, vào Nam, ra Bắc, ở Phnom Pênh đất bạn hay nằm trong khám lạnh ở Côn Đảo, tôi không tính được bao lâu lần thao thức nhớ đến Quảng Trị với những huyện nay đã được phong tặng danh hiệu anh hùng, được cả nước yêu thương như: Cam Lộ, Gio Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Hướng Hóa, Vĩnh Linh với những cảnh, những con người cụ thể mà tôi thường gặp, từng sống, công tác, chiến đấu chung, từng gian khổ có nhau, từng sống chết bên nhau. Quảng Trị trong tôi có cả một bề dày lịch sử. Tôi vừa xót thương vừa khâm phục về việc "mượn màu son phấn, đền nợ Ô-Ly" của Công chúa Huyền Trân. Tôi nhớ xứ Cùa nơi còn dấu tích của ông Vua yêu nước Hàm Nghi, nơi có màu đất đỏ và lòng người cũng đỏ. Tôi nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Lương An:

            "Đò em lên xuống Ba Lòng

               Chở người cán bộ qua cùng chiến khu

            Trời giông, sóng cả nước to

            Lạy trời thuận gió lên cho kịp về"

Chiến khu Ba Lòng trải dài trên bờ sông Thạch Hãn. Dòng sông phát nguyên từ núi rừng biên giới Việt Lào, nơi tôi đã từng cùng đồng đội, đồng chí cùng bà con dân tộc Tà ôi, Vân Kiều, củ sắn nướng chia đôi, cọng rau rừng bẻ nửa. Và tôi không phải một lần đi đò(1) suốt theo dòng sông đó, khi chui dưới cầu sắt đi ngang qua thị xã Quảng Trị, xuống ngã ba Cổ Thành, ngã ba Vĩnh Phước, ngã ba Đại Độ, ngã ba Giáo Liêm rồi ra cửa biển Việt Yên. Ôm lấy dòng sông là những làng những xóm, với những con người lao động cần cù, rất mực hiền hòa nhưng khi đối đầu với kẻ thù xâm lược thì vô cùng anh dũng.

 Quê nội, quê ngoại tôi, bên này là làng An Hưng, bên kia là làng Ba Thung(2), tháng năm được tưới mát bởi dòng sông Hiếu, cái tên mà ngày xưa các cụ đặt để ghi nhận một lẽ đời: Gia bần tri hiếu tử(3).

 Đó là nơi ba mẹ tôi sinh ra tôi. Tôi sống được và lớn lên từ dòng sữa mẹ và từ những ngụm cơm được mẹ tôi nhai, nhai với muối mè thật nhuyễn rồi mớm cho. Núm vú của mẹ tôi, đôi môi của mẹ tôi khi cho bú, khi mớm cơm đã gieo hạt giống trong tôi về tình yêu mẹ, rồi từ đó yêu quý Con Người. Đối với tôi, mẹ tôi là tuyệt vời. Mẹ tôi có giọng hát ru rất hay. Tôi thường nghe thấy mẹ tôi tay nắm gọn bốn tao nôi (4), dịu dàng lắc lắc tạo nên tiếng kêu kẽo kẹt nho nhỏ, đều đều, vừa hát ru cho em gái út tôi ngủ:

     A ời! Cảnh nghèo có mảnh chiếu thô,

     Bên ướt phần mẹ, bên khô con nằm!

   Nói đến em gái út tôi nhớ đến một "sáng kiến" nhỏ. Hồi đó có lần mẹ tôi đi chợ phiên xa, giao cho tôi chăm giữ em. Mẹ về trễ, em khát sữa, khóc. Tôi dỗ cách gì nó cũng không nín, rồi nó cứ để miệng bú vào vai tôi. Tôi bèn lấy một miếng đường đen chấm vào nước, bôi lên vai cho nó mút, thế là nó hết khóc.

   Cũng từ quê hương Quảng Trị, Cam Lộ đã chớm nở trong tôi một mối tình đầu rất đẹp.

   Vào lúc tôi lên 10 tuổi, với tính tò mò, tôi tìm xem bằng được một cái túi mà cha tôi dấu rất kỹ. Mở ra, thấy một lá cờ vải trên nền đỏ có vẽ cái búa, cái liềm chéo nhau, khổ nhỏ bằng khoảng tờ giấy vở học trò. Cha tôi bắt gặp la tôi nhưng lại cho tôi biết, đó là lá cờ của Đảng Cộng sản, theo lá cờ này thì người mình mới hết nhục hết khổ, lại dặn tôi biết để bụng, không được nói với ai. Tuổi còn con nít mà được cha cho biết điều bí mật quan trọng, tôi vô cùng thích thú.

     Nghe nói đến cái nhục, cái khổ lúc đó, tôi cũng chỉ hiểu qua một số chuyện mà tôi tận mắt được thấy mà thôi.

     Tôi nhớ vào dịp ngày mồng một tháng năm tôi thay cho cha tôi ra nằm ngủ ở điếm canh(5). Cái điếm canh được dựng lên ở ngã tư đường làng, cách xa nhà tôi chỉ vài chục thước. Trước mặt điếm canh có đóng một cái cùm bằng gỗ để khi bắt được ai phạm luật nước, lệ làng thì cùm lại. Cha tôi thời đó là can phạm với tôi làm Cộng sản đang bị quản thúc. Đã bị quản thúc thì vào những ngày do quan trên quy định, phải ra chịu cùm ở điếm canh. Ở đây, dân làng phải luân phiên nhau ra gác. Người đi gác phải mang theo gậy và một cuộn dây để khi cần thì đánh và trói người bị tội. Dân làng có cảm tình với gia đình tôi, nên cho cha tôi được để con trai đến điếm canh ngủ thay.

     Hôm ấy thuộc đêm "cấm phòng" nên đến khuya, tên Tri huyện cùng hai lính lệ(6) đi tuần. Đến nơi thấy ngủ khò ra cả, nó quát tháo ầm ầm. Hai người dân gác và tôi tỉnh dậy, quýnh cả lên. Nó la lớn: "Thằng Hách đâu?" (Hách là tên cha tôi). Một người dân gác trả lời: "Dạ, dạ, dạ bẩm, có con trai ông Hách đây ạ". Tên Tri huyện tát vào đầu tôi một cái bốp. Nó lại quát: "Chạy về gọi cha mày ra trình diện ngay!". Tôi ba chân bốn cẳng chạy về nhà đập cửa gọi cha tôi rồi cùng theo cha ra điếm canh. Vừa đến nơi tên Tri huyện rút roi da đánh cả chục roi liền lên vai lên đầu cha tôi. Nó ra lạnh cho cha tôi nằm xuống, bỏ chân vào cùm, cùm lại, và cho trói luôn cả hai tay cha tôi. Sáng hôm sau về, cha tôi kêu đau nhức, mẹ tôi chỉ biết rưng rưng nước mắt, lấy muối xoa bóp cho cha tôi mấy ngày mới tan vết bầm.

     À ra, cái khổ cái nhục mà cha tôi nói đến là thế đấy!

     Rồi có một chuyện nữa khó quên:

     Hồi đó đến mùa nghỉ hè thường có tổ chức trại hè (colonie de vacance) ở Của Tùng cho những học sinh giỏi. Của Tùng là một bãi biển rất đẹp, được mệnh danh là chúa của các bãi tắm (Cửa Tùng Reine des plages). Trại hè có thầy giáo đi theo quản lý và dạy thêm lại có dạy hát và kể cho nghe những chuyện hay. Lần đó, tôi thích nhất là được nghe thầy giáo Tam kể chuyện: "Những người cùng khổ" (Les Misérables) của Victor Hugo.

     Trại hè chúng tôi được dựng ở chỗ tồi tệ nhất. Chỗ sạch đẹp phải nhường cho tụi Tây Đầm và đám quan chức lớn người Việt cùng người nhà bọn chúng. Cánh học sinh chúng tôi thường thích đến xem khu vực có bọn Tây Đầm. Một hôm đến đó bị bọn Tây con, đầm con xua đuổi rồi bốc cát, bốc đá ném vào chúng tôi. Khi thấy chúng ném đá trúng vào một bạn bị thương chảy máu, chúng tôi tức quá bốc đá ném lại. Rủi sao hòn đá trúng vào đầu một thằng Tây con. Bố mẹ nó chạy tới, đuổi bắt được tôi. Hai bố mẹ nó day véo vào hai tai tôi, kéo đi, đau lắm. Đến trại gặp thầy Tam, nó quát tháo bằng tiếng Tây ầm ầm. Thầy tôi xin lỗi nó và phạt tôi, bắt tôi hít đất. Tôi và bạn tôi xin được phân bua: "Thưa thầy chúng nó ném đá làm bị thương chúng con trước, tức quá chúng con mới ném trả lại". Thầy tôi la lớn: "Họ là con Tây, con Tây, con của các quan đại Pháp! Đụng tới họ là phiền lắm! Nhớ chưa?!".

     À ra, cái khổ cái nhục mà cha tôi nói, thêm một lần nữa được nhận ra là thế đấy.

     Từ biết ghét Tây, ghét bọn quan quyền mà yêu cách mạng. Sau này lúc bị đày ở chuồng cọp Côn Đảo nhớ lại tình yêu ấy tôi có làm bài thơ trong đó có bốn câu:

     Từ Xuân ấy tim trai rực lửa,

     Thoáng cờ hồng trộm nhớ thầm yêu,

     Yêu như Kim Trọng Thúy Kiều,

     Sáng trong ánh mắt, giữa chiều Thanh minh.

     Tôi yêu quê hương của tôi, tôi yêu cảnh, yêu người, yêu đình làng, giếng nước, đồng ruộng, dòng sông, yêu đồng chí đồng đội, yêu những người mẹ, người vợ vui tiễn con, chồng đi đánh giặc rồi chờ đến đêm khuya mới lặng lẽ khóc thầm; yêu tiếng hát ru của mẹ, yêu lời dạy bảo của cha, yêu đứa em gái út khi khát sữa. Và cũng từ quê hương mà tôi yêu, yêu vô cùng, đó là mối tình đầu của tôi với lá cờ đỏ búa liềm, và đúng là "cái thuở ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ mấy ai quên".

     Thành phố Hố Chí Minh, ngày 30.3.1996

     T.T.T

      (Nguyên Bí thư Tỉnh Ủy

                           Quảng Trị - Khóa IV)

(1) Đò là thuyền

(2) Làng An Hưng sau cách mạng tháng Tám đổi lại là làng Hồ Chơn Nhơn đến kháng chiến chống Pháp đổi là xã Cam Mỹ. Hiện nay cả hai làng An Hưng và Ba Thung nằm trong xã Cam Thành và Cam Tuyền thuộc huyện Cam Lộ.

(3) Nhà nghèo mới biết con có hiếu với cha mẹ.

(4) Tao nôi là dây nôi.

(5) Điếm canh ở quê tôi lúc đó gọi là cái xích hậu.

(6)Lính lệ là lính huyện.

 

2.Ký

Muối trên ngàn

Bút ký - Y Thi

 

 Tôi hí hửng bảo vợ: "Tuần sau em thu xếp phiên trực ở viện. Anh đi một tuần, thứ hai đi chủ nhật về".

     - Đi đâu?. Tôi bảo: "Lên ngàn", vợ tôi nguýt:

     - Mười năm lẻ ở trên rồi mới được hạ sơn. Chưa ngán, chưa vừa, còn viết chi trên mà thượng ngàn?

     Tôi bảo: "Muối".

     - Ôi dào, muối là muối. Muối mà cũng viết được à?!!!

     Thì tôi đã biết vậy, sao chẳng ai chịu hiểu cho. Quả là có chút lưỡng lự phân vân với cái đề tài này nhưng cứ phải lên đường đã, nhiệm vụ mà. Tôi dặn dò thằng anh ở nhà kèm cặp em học, chuẩn bị thi học kỳ hai rồi. Thằng em bâng quơ, lém lĩnh góp chuyện:

     - A, muối. Muối ở dưới biển sao gọi là "Muối trên ngàn" được.

     Tôi giật thót mình. Suốt đêm trăn trở, nghiền ngẫm cái ý tưởng lạ bắt gặp ở thằng trai út và rồi để yên. Coi như cái đầu tí hon non nớt kia đã đặt xong đầu đề cho cái bút ký đi lần này.

* * *

     Đã có nghị định 72- HĐBT ký từ ngày 13-3-1990. Nhưng phải đến ngày 15-4-1994 chính phủ mới có công văn số 1960-KTTH về chính sách đối với việc đưa hàng hóa lên miền núi phục vụ đồng bào dân tộc. Kể từ thời điểm này, các quyết sách của chính phủ đã cụ thể hóa, làm chuyển biến một cách rõ rệt chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào miền núi. Miền núi đây là vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và vùng căn cứ cách mạng. Tình trạng kém phát triển từ ngàn đời nay của thương nghiệp ở miền sơn cước được khắc phục dần. Ngành thương mại các cấp có địa bàn miền núi được giao những trọng trách cung ứng, tổ chức việc mua, lưu thông hàng hóa, điều nghiên thị hiếu tiêu dùng, đưa hàng phục vụ đến tận tay đồng bào theo đúng nhu cầu, phù hợp với sức mua, phương thức thanh toán. Thế rồi còn có kế hoạch dự trữ những mặt hàng thiết yếu, kịp xử lý tại chỗ những trường hợp bất trắc xảy ra ở miền núi, vùng cao trọng điểm. Nghĩa là giải quyết hàng loạt các chức năng và nghĩa vụ. Nghĩa vụ như cấp phát không, không thu tiền những bốn mặt hàng nhu yếu: Muối iốt, thuốc chữa bệnh, giấy viết học sinh và dầu hỏa thắp sáng. Những thông số, chỉ tiêu định mức bắt buộc ở bốn mặt hàng cho không này: Muối, sáu ki-lô-gam đầu người trên năm. Thuốc chữa bệnh quy tiền, mười ngàn đồng mỗi người trên năm dầu hỏa thắp sáng bốn lít mỗi người trên năm. Giấy viết học sinh: một ki-lô hai cho mỗi học sinh cấp một từ lớp một đến lớp ba; lớp bốn đến lớp năm tăng lên một ki-lô tám cho mỗi học sinh trong mỗi năm học. Học sinh cấp hai, mỗi em ba ki-lô-gam rưởi và cấp ba tăng năm ki-lô cho mỗi em trên năm. Lại nữa, có giấy cho trò thì cũng có giấy cho thầy cô giáo. Giáo viên cấp một, một ki-lô trên năm. Cấp hai một ki-lô bốn và giáo viên cấp ba nhích lên: một ki-lô-gam rưởi trên một năm. Ba mặt hàng trợ giá trợ cước cho miền núi: vải mặc cho đồng bào, mỗi năm năm mét trên đầu người. Phân bón các loại: một trăm ki-lô-gam trên mỗi ha canh tác, và thuốc trừ sâu: mười hai gam trên mỗi ha canh tác năm. Mặt hàng, chân hàng, điểm giao hàng được làm căn cứ để tính trợ cước...

     Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã là một khối lượng công việc khổng lồ, cực kỳ nan giải cho các nhà kinh doanh thương mại miền núi, khi thực hiện một quyết sách tâm huyết và nhân bản này của Đảng và Nhà nước. Muối thì cũng là một mặt hàng, lại là mặt hàng thứ yếu và đặc biệt như muối iốt. Thông qua chương trình Quốc gia thanh toán bệnh bưới cổ và chống đần độn, chính phủ giao cho Bộ Y tế chủ trì. Tiền bạc cấp phát, trợ giá thì giao cho UBND các tỉnh theo chế độ cấp "kinh phí ủy quyền", những ngành chủ quản có trách nhiệm quản lý chất lượng sản phẩm. Sản phẩm muối iốt sản xuất ra phải đạt yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam 5647/1992 về các chỉ tiêu hàm lượng Kali, Odiat - chỉ tiêu hàm lượng chất không hòa tan trong nước tính theo phần trăm khối lượng chất khô... Từ xưởng sản xuất - Muối lên được trên ngàn - chắc hẳn là thấm đẩm, trộn lẩn thêm vị mặn mồ hôi nhọc nhằn của bao anh chị em là lính thương mại. Muối có ánh ngời lên cái tính nhân đạo cao cả của chính sách của Đảng và chính phủ. Và chắc chắn, muối chẳng còn nguyên là tinh thể trắng, nguyên vị mặn tách ra từ nước biển để ăn, mà tách ra từ trăm ngàn nổi khó nhọc khác để lìa biển, lên được giữa rừng đại ngàn. Nhất là sau hai năm, thực hiện cấp không, năm nay chuyển thành những mặt hàng trợ giá, chuyển được thói quen trong đồng bào từ chỉ biết cho và nhận -  nay bỏ tiền ra mua, lại là vấn nạn nữa của các nhà kinh doanh thương mại miền núi.

* * *

     Thì đây, tôi theo một chuyến hàng "ghi phiếu báo giá khống chỉ" như thế từ thị xã Quảng Trị lên vùng Ba Lòng, nơi có ba xã căn cứ cách mạng: Ba Lòng, Hải Phúc, Triệu Nguyên. Nhằm tránh tăng-bo, hai chiếc xe zin chất đầy hai mặt hàng dầu hỏa, muối iốt, và muối hạt đóng bao lên ở đập Tràn. Vất vả lắm, chị Th. cán bộ áp tải hàng lên, cùng đám nhân công bốc vác mới trục xong mười hai phi dầu và xe muối xuống hai chiếc thuyền đợi sẳn dưới âu đập Tràn ngược dòng sông, đưa hàng lên căn cứ. Dọc đôi bờ sông vẫn là đồi núi, rậm rạp lau sậy và lúp xúp những xóm làng khuất sâu vào bồi bãi, chân núi không tạo được sự trù phú như những ngôi làng ven sông dưới miệt đồng bằng. Đã đến thác Mệ - thác Mệ là đây - khúc sông khép lại, mấy ghềnh đá lao ra như gần nửa cửa sông, chủ đò tắt máy. Chị Th. nhanh nhảu với lấy chiếc sào, chèo chống con thuyền theo đà trượt. Mùa cạn nơi đây, khách chủ phải lội xuống đẩy thuyền đi. Thuyền chở hàng nặng như thế này, nhiều khi phải xê-cua thuyền, tăng-bo hàng sang mới lên chót lọt. "Đò em lên xuống Ba Lòng", địa đầu chiến khu xưa cũng đoạn sông này đây, suốt cả thời chống Pháp nghe đâu giặc không vượt qua nổi khúc sông này hai lần trong chín năm để lùng càn căn cứ. Ba Lòng tồn tại như một đặc khu tự do, một căn cứ địa hào hùng. Đau đầu hơn vẫn là khúc sông này đây, những con đò ban ngày bí mật dìm xuống đáy lòng sông để rồi đêm đêm được kéo lên vận chuyển người và hàng ra mặt trận, nối liền với hậu phương. Bố con anh lái đò còn luồn lách, hạ ga, nhắp nhắp né tránh mới đưa được con đò chở chuyến hàng đầy lên theo lạch. Chị Th. thở phào nhẹ nhõm, cười phô cả hai hàm răng trắng nõn:

     - Lên chừ là sớm, nhưng ăn bánh chưng đi, ba, bốn giờ chiều mới đến Ba Lòng.

     Tôi đỡ lấy cặp bánh chưng, đâu đấy giữa đôi bờ đã là làng Ri, làng Hạ, khe Giữa, khe Cau, Tân Trà, Văn Vận... Cảnh quan Ba Lòng muôn thở vẫn bạt ngàn đồi sắn, dọc hai triền sông phù sa màu mỡ vẫn là những triền ngô, đậu đỗ. Tôi hỏi chị Th.: "Ngô đỗ Ba Lòng bạt ngàn thế này, năm rồi công ty chị thu mua được nhiều ít?". Chị lắc đầy, ý bảo đò giang cách trở, hai năm rồi chủ yếu hàng hóa cho không, cấp phát đủ đã là một nổ lực, cũng như lần này lên, hàng cũng đi một chiều, đã tháng tư rồi mà trợ cước trợ giá, bù bao nhiêu cũng chưa có định mức cụ thể. Nghĩa vụ với vùng căn cứ, cứ đưa hàng lên theo định kỳ, lỗ lãi bao nhiêu đã có công ty chịu. Kế hoạch của chị cho chiếc thuyền kia cập bến Ba Lòng, chủ đò trực tiếp giao hàng ở nhà ông Tâm chủ tịch, kịp về trước đêm ở đập Tràn. Tôi thỏa thuận chị rẻ trái qua Hải Phúc giao trước nửa chuyến hàng, nửa còn lại kia chị về Triệu Nguyên ở lại qua đêm. Đò vừa cập bến chị đã lao đi tìm anh chủ tịch Hồ Xăng. Đằng sau anh dân bản cả đoàn ra bến nhận hàng cấp phát. Câu hỏi đầu tiên, anh Xăng hỏi chị: "Đã có giá chưa?". Thấy chị vẫn cười: "Chưa, lần sau chắc tỉnh sẽ có". Tồi ngồi ở bến quan sát dân bản chuyển hàng nhập kho ở nhà Chủ tịch Xăng và Bí thư Hồ Mười, ào ào như tằm ăn rỗi. Chị Th. chia tay tôi, chòng chành bước lên con đò rẽ dòng Thạch Hãn về phía Triệu Nguyên. Sương núi giăng giăng dày đặc, chi chít những hạt màu trắng rất nhỏ bay lửng lơ trong không gian và ngưng tụ là là mặt sông như đông thành những hạt băng trắng xóa phủ mặt sông lớp dày sương muối.

     Đêm ở nhà anh Hồ Xăng tôi hiểu ra nhiều chuyện. Muối vẫn ngập kho, anh vẫn đi kêu đòi và hàng lên chưa có báo giá anh vui vẻ mĩm cười, cái cười với chị Th. rất có ý nghĩa, tất tả ới gọi bà con ra nhận như phân tán hàng, vũ khí thời chiến tranh. Tuy vậy anh vẫn cởi mở với tôi: "Thừa muối đấy chơ, nhưng miềng là miềng đi kêu, kêu cho đồng bào. Mai mốt ông nhà nước không cho mà bán, dân miềng lấy tiền mô ra mà mua!". Thì ra xưa nay vẫn thế, đói muối ở rừng khổ hơn đói gạo. Điều được điều mất lẫn lộn đâu đó trong ký ức quá vãng của anh một thời căn cứ Ba Lòng thiếu muối. Khi mà giặc bao vây phong tỏa những mặt hàng nhu yếu, hậu phương đồng bằng không đưa lên được thì sự thiếu muốn vẫn là khốn khổ khốn nạn. Bộ đội, cán bộ đã từng dành dụm từng nhúm muối, dè xẻn không ăn ròng rã trong nửa năm trời. Dự trữ để phát từng hạt một, quý hơn viên thuốc, cho đồng đội trong những trận đau thập tử nhất sinh; san sẻ cho đồng bào vốn dĩ là tình dân quân cá nước, là vùng căn cứ, chiếc nôi cách mạng. Những lúc cạn kiệt đến kiệt cùng đồng đội lẫn đồng bào đốt tranh, lấy tro hòa vào trong nước, cái vị mặn nồng khai ấy thay cho muối. Anh tiếc trận lũ cuối năm chín lăm muối trôi trả về dưới biển tại cụm Ba Lòng đến hai tấn rưỡi. Muối dự trữ ở nhà Chủ tịch, Bí thư, muối nằm trong dân, không sao cứu nổi. Chỉ tội cho anh giám đốc CTTM Thạch Hãn, bị quy trách nhiệm đền bù. Câu chuyện của anh tôi hơi chạnh lòng. Bất chợt anh hỏi:

     - Cán bộ mi đã đói chưa? Uống rượu rồi ăn cơm tối nha!

     Tôi chưa kịp hé lời, anh đã lệnh vợ bưng mâm ra sàn, bên bếp lửa nơi dành cho khách. Quả là Chủ tịch có khác. Chai rượi, thau thịt rừng thái ra tảng dày, tứa máu. Tự tay anh vốc nắm muối hạt ở kho to dùng, giã ra với ớt chỉ thiên cay xè. Rượu tràn ly, thịt dúi bếp lửa than hồng và anh gọi vợ đưa thêm dao thớt. Tôi hỏi: "Sao anh không dùng muối iốt?". Anh dòm sửng tôi, nâng ly, bốc hẳn miếng mồi to sụ dứ dứ vào tô muối ớt, đưa vào miệng tôi mà bảo: "Thói quen mày ạ!". Mâm bát có thế, tiệc tùng có thế cộng hưởng với tiếng cười dòn tan của anh rất dễ chếnh choáng...

     Ờ, mà đâu chỉ đồng bào miền núi ta có thói quen, khẩu vị chúng ta vẫn còn đó thôi. Nắng đỏ mùa hè, nấu nồi canh chắt chắt, thổi bằng lửa rơm, củi nè, hoặc bằng bó lá chuối khô sau vườn, đúng là bốc như lửa rơm. Đánh đảo, trơi mặt, lấy hai, ba lần nước. Gạn đục khơi trong, lại nhen thổi lên sôi sùng sục, thả nhúm rau muống thái nhỏ. Ấy đã là canh chắt chắt. Có thể ăn cùng cơm ghế khoai, độn sắn. Có thể ăn riêng với ngô rang cho phình bụng lên, no lâu. Nhưng không thể không có gia vị đặc chủng: muối hạt, ớt tươi, tí gừng và hẳn không cần đến bột ngọt! Đã là giả nhiệt, mặn thanh của muối hạt đó rồi. Đến như cao lương mỹ vị giữa phố thị Đông Hà chúng ta đang thịnh hành "mốt thịt rừng", mà thiếu chén muối hạt đặc trưng như anh Xăng chiều đãi tôi đây thì quả là chẳng đặc chủng tí nào. Chợt hiểu ra hơn mười năm ở núi tôi cũng đã nhiểm mất cái "thói quen" này. Đôi khi thèm đĩa muối sống kia mà ăn hết những nồi cơm nóng hổi có đến ba lon gạo đầy... Cũng chỉ là khẩu vị, thói quen, tập quán tiêu dùng. Hạt muốn trên ngàn nhiều chuyện còn lưỡng nan. Anh Xăng tềnh toàng làm cuộc đưa tiển, thế rồi theo ngón tay anh chỉ, tôi bách bộ dọc đường 41, qua xã Mò Ó tìm ra quốc lộ 9 để lên với Hướng Hóa đại ngàn.

     Xe trườn lên cái đèo, qua Tân Hợp đã là vùng cao. Dừng ở thị trấn thung lũng Khe Sanh mù sương lại là miền núi. Hướng Hóa đại ngàn bởi có đến mười lăm trung tâm cụm xã miền Núi, mười tám xã biên giới, mười bảy xã căn cứ cách mạng và một xã đặc biệt khó khăn. Các nhà khảo sát đo đạc được cung đường từ trung tâm đến các cụm xã. Xa nhất A Vao, chín chục cây số. Kế đến Hướng Lập tám ba. Tà Rụt, A Ngo, A Bung bảy lăm, Pa Tầng sáu lăm và trung bình như Pa Nang cũng bốn chục cây số. Nhưng đây chỉ là những con số tử, tồn tại đâu trên tấm bản đồ, văn bản thống kê. Tôi gặp anh Lê Đình Thanh, giám đốc công ty thương mại miền núi Hướng Hóa, người đang mang vác một gáng mặng ba trăm sáu chục tấn muối iốt trong tổng số năm trăm hai chục tấn muối chỉ tiêu sở giao cho đơn vị anh phân phát đến tận tay những con dân miền Thượng đang sống rải rác giữa rừng đại ngàn. Anh dành sẳn cho tôi món quà, như đả y ước qua điện thoại, đó là anh lính trẻ tên Tiến, tài xế zin ba cầu. Chuyển ngành đã lâu, Tiến vẫn là con người chiến sĩ, dòng máu biên phòng lúc nào cũng được hâm nóng trong người, nhờ thế mà đơn vị xem anh là con người năng nổ, dạn dày kinh nghiệm chăng. Trao đổi công việc chớp nhoáng với anh, tôi biết, đã đi vùng bản, không bao giờ tính được độ dài bằng đơn vị km. Đơn vị là bao nhiêu giờ đi, bao nhiêu ngày đi, độ dài đã được thay thế, tính bằng thời gian vì tất cả là phụ thuộc vào đường sá, thời tiết. Tôi ướm thử anh "Ta vào Pa Nang, hoặc xã A Vao đi". Anh ớ ra cười: "Toàn những khu tự trị cả. Pa Nang năm ngoái xe zin còn vào được. Từ sau trận bão, đường sá sụt lở, cây cối chặt hết lối vào, đến xe Minxcơ cũng không vào được... Từ xã Tà Rụt vào xã A Vao 12km, suối đèo chênh vênh, lội bộ mất trọn một ngày. Anh đi nổi không?".

     Tôi khiếp, đành phó thác cho anh, đi đâu cũng được, miễn là vào một tuyến bản, đâu đó giữa rừng đại ngàn. Sáng sớm hôm sau gọi tôi ở nhà khách sớm, anh đã có kế hoạch đi Pa Tầng. Anh sửa soạn, kiểm tra chiếc xe Minxcơ, tôi hỏi:"Sao không đi xe Zin ba cầu?".

     -Xe ba cầu chạy không vào bản cũng đi "Xúp". Lên xúp, xuống xúp, cài số tay vào mà đi. Một mình anh đẩy nổi nó lên dốc, qua suối, qua đèo không? Ôi cái sự đi lại ở vùng bản, tuyến đi nào, xe gì rồi cũng là chuyến xe bão táp.

     Xe bon bon thanh thoát được tiếng đồng hồ trên đường nhựa bỗng rẽ quặt, đã thấy chồm lên dọc tuyến đường lìa, vào xã Thuận, Thanh, A Xin, A Túc, càng đi càng gầm, như con thú hoang. Tôi đề nghị anh dừng tranh thủ vào nghỉ trưa ở xã Xi. Tiến không nói gì, có lẽ thấm mệt nhưng lại huấn luyện tại trận cho tôi khóa "lơ xe Minxcơ" cấp tốc. Biết nhảy xuống, phốc lên, phụ đẩy xe ở những đoạn đường dốc đồng thời có khoảng thả bộ lẻo đẻo theo xe như thả hít thở bầu dưỡng khí trời không đâu mà vội. Đường đường chính chính, một tài xế, lão luyện trong việc chạy xe ôm như Tiến cũng chỉ đưa được chiếc Minxcơ vào bản trước tôi thả bộ tí xíu.

     Xã Xi cách trung tâm huyện bốn lăm cây số, mất hơn nửa ngày đường. Dân số 1.012 người, năm rồi công ty thương mại miền núi Hướng Hóa cõng vào được 31,790 khối hàng bao gồm các chủng loại. Độc đáo như bất cứ kỷ lục nào trên đời, ghi nét đa ghi. Tiến thạo tiếng Vân Kiều thoải mái chuyện trò giao dịch với già bản. Già bản lại nói bằng một thứ phương ngữ, ngôn ngữ tích tè nào đó ra rất kiệm lời, phát đi như phát sóng ra giữa thinh không, chìm nghĩm giữa đám đông lẳng lặng nghe, không ai phắc, đối thoại lại điều gì! Thì ra đây là một địa bàn cư trú của một nhóm người mà tự giác dân tộc họ gọi mình bằng cái tên Xikreo, đâu như dân số sót lại không quá trăm người. Chủ tịch xã Xi đến, câu chuyện mua bán - vẫn là mua bán vì tôi đang quan tâm - giữa Tiến và vị thủ lĩnh kia đại loại tôi nghe, được những điều này: "Bựa (bữa) trước nói cho, răng chừ thì bán". Thật rất ái ngại cho anh Tiến, cán bộ thương mại miền Núi đây chứa chan tình anh lính chiến, cựu sĩ quan Biên phòng, nhất cử nhất động bám dân, vì dân mà còn bị nghi hoặc: "Họ ưng họ cho, họ không ưng không cho à!..." vẫn ông Chủ tịch xã chăm chăm nhìn anh. Chủ trương chính sách vẫn là làm sao tuyên truyền thông suốt ở vùng bản? chưa kể thói quen nhận và cho, còn nhiều tập quán là lạ khác ở vùng bản. Họ vẫn ưa trao đổi hàng hóa với đội quân thương nghiệp tư nhân, len lõi như những con sóc nhanh nhảu lém lĩnh, nhảy đến ngửi được cả cái mùi nhu cầu tiêu dùng hàng ngày hàng giờ của đồng bào. Cái bụng đồng bào, tức tâm lý lại có chuyện này: quen ai, thích ai thì bán chác trao đổi, không quen không hỏi mua cũng không tìm bán và tất nhiên, họ rất "cao thượng" ở một lĩnh vực chủ chốt này: không hề quan tâm gì đến giá cả. Ôi cái tập quán tự cung tự cấp, chỉ biết đổi chác chứ làm gì có ý thức bán mua, có cái vĩ đại của con người khổng lồ mà cũng là lực cản, khó khăn không nhỏ cho những tổ chức, công ty thương mại miền Núi. Con rùa nan hoa kia, tôi biết, giá ở đồng bằng không dưới hai trăn ngàn đồng một ký, chị tư thương kia trả giá và mua ở bản Xi: "Tám chục ngàn nha!". Ba chữ tám chục ngàn... chị kéo dài giọng như dân tộc Xikreo nói tiếng kinh cộng với ánh mắt rất đỗi chân tình, anh thanh niên chủ hàng kia hỏi lại:"Tám chục ngàn à!". Chị tư thương chủ động chụp giật lấy hàng trói buộc vào bao, tức con rùa vàng đến hơn ba kg, xỉa bốn tờ bạc chẵn hai chục ngàn và moi túi khác tờ bạc lẻ hai ngàn :"Miềng cho cái ni hút thuốc". Chủ hàng là chàng trai kia còn chưa kịp phán đoán, chưa tin ở đôi mắt mình, chị tư thương moi tiếp tờ giấy hai ngàn nữa:"Đây, tao cho thêm mày hút thuốc, được chưa?". Anh chủ hàng ấy tròn xoe mắt, như phát hiện ra một chân lý:"Mày cho tao thiệt à!!!". Coi như cuộc mua bán đã xong, anh chủ hàng có vẻ hàm ơn người mua hàng của mình thật rất tốt bụng, không tiếc chi, cho mình đến những hai lần tiền... Hèn chi anh Tiến nhắc tôi năm ngoái, thấy đồng bào thiếu gạo, công ty Lương thực huyện vào đây lập đại lý, đưa những mười tấn gạo ngon vào. Sau ba tháng, bán được ba tạ! thiếu gạo thì mua, nhưng mua lần vài ba lon, sức mua lác đác, chủ yếu trao đổi hàng hóa với tư thương chứ lấy đâu ra đơn vị tạ, tấn. Cuộc chạy đua, cạnh trân có vẻ không cân sức tí nào giữa đội quân thương nghiệp tư nhân và thương mại Nhà nước, chẳng khác gì chúng ta những kẻ đi giữa rừng già tránh vắt, ai khôn đi trước, đi thật là mau, kẻ đi sau hứng đủ. Tôi gặp sa số những "con vắt tư thương" như thế ở giữa rừng đại ngàn, mùa nắng lẫn mùa mưa, xem ra những công ty thương mại miền núi bao giờ cũng chịu lép vế đi sau, lãnh đủ. Không rõ rồi năm 1996 với chủ trương mới, chỉ trợ giá trợ cước mà không cấp phát bảy mặt hàng thứ yếu của miền núi sẻ diễn ra như thế nào ở những xã như xã Xi này?

     Tranh thủ thời gian, anh em tôi lùi xe rẽ hướng A Dơi, đột dốc leo lên Pa Tầng. Tiến quả là có nhiều kỷ niệm sâu đậm với vùng bản thân thương này. Nói không quá lời, Tiến là ân nhân, thần tượng đối với người dân Pa Tầng trong những năm vào ra cấp phát hàng hóa ở một tuyến xã địa đầu miền Tây giới tuyến, giáp với huyện bạn A Lưới này. Khởi sự thì vẫn là con đường và chiếc cầu. Gần hai chục năm sau gần giải phóng Pa Tầng gần như là sự lãng quên nhưng lòng dân thì xác định rất rạch ròi. Tuy có bột phát nhưng họ hạ quyết tâm mở ra con đường, bứt ra, hội nhập với thế giới bên ngoài. Thì trên ngọn núi Tà Vung có hai dầm cầu bộ đội ta dùng làm bệ pháo bỏ sót lại sau cuộc chiến tranh, dân bản rất có ý thức gìn giữ như vật báu thiêng của bộ đội cụ Hồ, quyết không bán phế liệu dẫu biết là cả khối tiền. Thế rồi mùa khô năm 1994, cái thế bức xúc, hàng trăm con người nai lưng ra xeo bẫy xuống núi, khiêng qua bản Loa, lao thẳng qua suối làm dầm kiên cố. Lát gỗ tròn lên, một chiếc cầu tự tạo bề thế, sừng sững nối trọn bờ vui. Tháng mười năm ấy, chiếc xe zin anh Tiến vào được bản Loa trung tâm cụm xã Pa Tầng là cả một quyết tâm của dân bản quyết thông đường. Hơn ba tháng trời bất luận trẻ già trai gái, tất cả dân bản đều được huy động ra ở mặt đường, san ủi con đường chỉ bằng cuốc xẻng, bằng chính gân bắp của mình. Xe chở chuyến hàng đầu tiên đến được Xà Heng, xã huy động hơn hai trăm người, huy động cả những cuốn dây thừng cuộn bằng da trâu tua tủa lông lá, xưa dùng kéo pháo nay dùng kéo xe zin chở hàng. Chiếc xe ba cầu vừa nổ máy, cài số tay, gầm rú, vừa được kéo, được đẩy, gian khổ mà hào hùng hồ hởi như ngày nào Điện Biên kéo pháo ta lên đồi. Hết trọn một nửa ngày, vã mồ hôi ra cả người lẫn xe, thông được đường vào ở bản Loa, trung tâm cụm xã. Anh Tiến suýt được dân bản phong "anh hùng", "thần tượng" của bản làng là thế. Phía anh chỉ thấy gần gũi, thương thêm đồng bào ta, xã thân vì nước, một lòng trung trinh với cách mạng, nhất là những em bé lần đầu tiên trong đời thấy một chiếc xe, hau háu nhìn, càng nhìn càng thán phục. Đã có những em quỳ gối xuống mặt đường-trìu mến, trân trọng, mân mê-không dám xóa đi dấu vết bánh xe lăn qua đất, cát. Đêm đêm dân quân thay nhau trực gác xe, cắt xếp phiên trực như ở doanh trại lính... Bây giờ xe ủi cũng đã được huy động vào làm đường liên thôn, liên xã. Kinh phí huyện cấp, và kinh phí tất tật mọi nguồn trong dân từ bán phế liệu chiến tranh đến nguồn đóng góp. Pa Tầng, Măng Xông, Ba Lòng, Thôn Chùm, Xà Heng, Hun, Xa Rô, bản Loa... tất cả đã có đường sá khang trang và dân còn tranh thủ, thuê luôn máy húc, ủi thêm ruộng nước. Măng Xông nhiều ruộng nước nhất, nhiều ao cá nhất. Không chỉ cà phê bạt ngàn, xanh um sắp thu hoạch vụ bói mà có cả những khóm chè, vườn chè, nhà nhà đã uống chè tươi không khác chi dưới đồng bằng. Nhãn, vải thiều, xoài trái đang lên. Giá mà ai đó trồng thêm những hàng cau, thì cái cảm giác thanh bình êm ả chẳng khác là bao lúc ta "về chơi thôn Vỹ".

     Tiến đưa tôi đi tham quan một vòng vừa chuyện trò thăm hỏi bà con vừa cũng đi tìm cán bộ bàn việc mở một điểm bán hàng trợ cước theo chủ trương mới ở xã. Chưa đầy tiếng sau Chủ tịch Âm Dế, phó Chủ tịch Âm Hương, xã đội trưởng Tả Nhờ đã có mặt đông dủ ở nhà Bí thư Âm Lương. Cuộc trao đổi rôm rã, nhất trí rất cao, đã bàn là làm, họ đi tìm ngay chỗ đất thuận tiện, và đã đề ra kế hoạch, phân công người huy động dân ra làm, kịp đón hàng đưa vào đầu quý. Một đội ngũ cán bộ trẻ trung, năng nổ như thế tôi tin họ sẽ tổ chức tốt việc định cư, ổn định định canh cùng các phong trào bảo vệ an ninh đường biên, bổ túc học văn hóa, chăm sóc y tế và kế hoạch hóa gia đình... vốn đã làm rất tốt. Và tổ chức được những điểm bán hàng như Tiến đã làm ở xã Pa Tầng, chắc chắn việc mua, việc bán, cung cấp hàng hóa cho đồng bào miền núi sẽ không là vấn đề nan giải nữa.

* * *

     Buối sáng ngồi nhấm nháp ly cà phê đặc quánh ở thị trấn Khe Sanh huyền ảo, bồng bềnh trong sương, trong ra khu chợ tạm bên triền đồi Cù Bốc, rất đông các mẹ các chị trong những bộ váy áo dân tộc sặc sỡ cõng những a chói hàng ra chợ. Rất thèm ra xem các mẹ các chị trao đổi, mua bán. Thấm mệt trong người vả lại anh Tiến bao giờ cũng quá chu đáo, liên hệ sẳn xe đến đón tôi về cơ quan, bù lại những ngày vất vã trong rừng đại ngàn.

     Chiếc Toyota êm ả hạ sơn, thỉnh thoảng chửng hẳn, quặt qua ôm lại một khúc sườn núi. Tôi thiu thiu ngủ và đã thấy nhớ cái đêm lăm-xin, đốt lửa trại trên bản Pa Tâng. Ngọn lửa reo vui, ngời lên; lấp lóa trước mắt, bắt gặp đâu đó như ở làng muối Tường Vân trong những trưa hè nắng lóa. Ơi muối trên ngàn, mi có bao giờ tìm về đánh bạn với công trường muối Tường Vân thì sẽ bắt gặp những ngọn lửa núi ánh ngời sáng lên như thế.

     Hướng Hóa - Đông Hà tháng 4 năm 1996

     Y.T

Trần Trọng Tân
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 20 tháng 05/1996

Mới nhất

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

35 Phút trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Nhớ trò chơi dân gian đi cầu ngô

31/01/2025 lúc 22:41

Lễ hội là hiện tượng văn hóa tâm linh, là nơi giao hòa giữa thiêng và tục, giữa đạo và đời, giữa thần

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground