Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đi tìm o Diệp Gio An

T

rong phương ngữ quê tôi, người ta dùng từ o (cô) để xưng hô lễ phép đối với một phụ nữ đứng tuổi (chưa già nhưng không còn trẻ). Lại cũng có một cách dùng thân mật hơn, đó là xưng gọi với các em gái, bạn gái thân thiết. Bởi thế, tôi cảm cái cách gọi o Diệp của CCB Đặng Ngọc Sỹ trong mẩu hồi ký ngắn, chân thật và cảm động của anh về nữ du kích Gio An.

Khi nhận được mẩu  hồi ký do anh gởi đến, tôi đã đọc rất chăm chú, và đọc đến mấy lần, tình cảm của người lính sâu sắc và cảm động, tấm gương hy sinh tuổi xuân của các o du kích tuyến lửa hiện lên chân thành mà lạc quan…

"…Chúng tôi vượt bến Cẩm Sơn lúc chập choạng tối, tiếng ùng oàng của pháo nổ gần xa không ngớt. Mùi thuốc nổ trộn lẫn với mùi lá cây tươi dập nát, mùi bùn đất mới lật lên, mùi khét của bom na-pan... hỗn hợp khó chịu. Cách sông Bến Hải phía Nam thượng nguồn chừng 500m, trung đội tôi được bổ sung 2 cô du kích dẫn đường. Dưới ánh trăng mờ, mọi người đều thấy 2 cô mặc bà ba đen, cũng ba lô con cóc, súng AK, thắt lưng mắc lựu đạn, băng đạn, bi đông nước và túi vải đựng cơm vắt; người nhỏ gọn, tiếng nói nhẹ nhàng, rất trẻ làm tôi quên đi mọi nỗi nhọc nhằn của cả tháng hành quân xa. Mới 17-18 tuổi thôi, nhưng ở đây, nơi chiến trận, các cô đã quen phòng tránh, già dặn những kinh nghiệm chiến đấu với quân thù trên đất quê hương.

Sau khi "B trưởng" giới thiệu, một trong 2 cô nói nhanh: "Em tên là Diệp, còn o ni là Lễ, vào đây gần địch rồi mấy eng nghe tụi em. Không được ở đây lâu vì địch hay dùng bom tọa độ và cối từ đồn bắn cầm canh vu vơ. Mỗi người cách nhau 5 mét! Đi theo chúng em! Nào ta bắt đầu!”.

Chúng tôi lại xốc ba lô, đeo súng đạn lên người. Diệp còn nói thêm: "Nếu gặp địch, bọn em có nổ súng, mấy eng mới được đánh nghe!".

Thế là chúng tôi lại hành quân. Qua làng An Nha, chúng tôi đến địa điểm chốt. Nói là làng nhưng kẻ địch đã đốt trụi nhà cửa. Trâu, bò, lợn, gà chạy cả vào rừng. Dân chúng một số chạy ra Vĩnh Linh, số còn lại bị chúng nhốt vào các ấp chiến lược ở tuyến trong. Tất bật suốt đêm đào bới, mờ sáng chúng tôi đã có hầm được ngụy trang cẩn thận chờ địch. Trước lúc trở lại dẫn đường cho đơn vị khác, Diệp và Lệ còn đi từng hầm bắt tay và chúc chúng tôi lập công diệt cho được giặc Mỹ trên mảnh đất này. Cầm tay Diệp ấm áp, mảnh mai, tôi biết mình đang lớn.

…Chiến tranh kết thúc đã gần 40 năm, tôi đã được điều trị, an dưỡng, mang trên mình thương tật 81%. Cũng như nhiều thương binh khác, về quê hương tôi có tổ ấm gia đình, có vợ hiền đảm đang, có con ngoan chăm học. Được nhìn đất nước tự do, đổi mới, tôi bắt đầu tìm kiếm đồng đội sau chiến tranh, những tình cảm đã bên mình theo Đảng từng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nhiều đồng chí đã ngã xuống trên quê hương Quảng Trị anh hùng mà mãi cho đến nay chúng tôi không sao quên được những phút giây bồi hồi thương xót. Những anh chị ấy để lại danh thơm cho đất nước. Số bị địch bắt tù đày, số bị thương như tôi, số anh em nguyên vẹn thì như hạt gạo trên sàng, thành cán bộ, sĩ quan, thành công nhân viên chức nhà nước. Mỗi người mỗi ngả, khắp mọi miền của Tổ quốc thống nhất. Mỗi khi được gặp mặt trong ngày truyền thống của đơn vị anh hùng năm xưa, gặp đồng chí nào của thời kỳ “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam”, tôi cũng hỏi:

Có nhớ Diệp Gio An ngày ấy không?

 ( Đi tìm o Diệp Gio An, Đặng Sỹ Ngọc)

Tôi hiểu trách nhiệm của mình là… tìm ra o Diệp, để hoàn tất chuyến "đi tìm..." của người CCB - thương binh nặng ấy, với sự đồng cảm và tri ân đối với những người như o Diệp và các anh.

* * *

Trong tài liệu lưu trữ của văn phòng UBND xã Gio An, huyện Gio Linh, tôi tìm thấy danh sách của những người dân quân, du kích qua các thời kỳ hiện còn sống,  nhưng không có tên o Diệp.

Tôi đến gặp cụ Trần Lương Phiến, người cựu du kích lớn tuổi, đã từng có sáng kiến nhét thuốc lá vào mồm cóc rồi đem thả chúng xung quanh tuyến hàng rào cứ điểm Cồn Tiên. Lũ cóc say thuốc, phát ra những tiếng ho sù sụ như người vào ban đêm, bọn địch cứ tưởng Việt Cộng, cho hoả lực bắn ra như vãi trấu, cứ như khiến địch mất cảnh giác, cho đến khi ta nghi binh đánh công đồn, chúng bỏ chạy như vịt.

Cụ Phiến còn nhớ rất rõ phiên hiệu của một số đơn vị bộ đội vào chiến trường, như tiểu đoàn Nghệ An đỏ, sư đoàn 390, đoàn Sông Dinh, Cửu Long…

Ông kể: "Hồi đó (năm 1967, 1968) bộ đội về nhiều lắm, tất cả các làng chỉ còn lại dân quân du kích bám trụ, dân phải đi sơ tán hết. Các vườn tre, vườn chè  và nhà cửa bị bom đạn địch cày nát bởi hàng trăm loạt bom toạ độ. Bộ đội và du kích chủ yếu sống dưới hầm, trú ẩn trong các khu rừng ở bìa làng, đêm xuống võng cột chồng lên võng, có nam, có nữ, có những mối tình…

Du kích xã hoạt động tập trung theo từng trung đội, chủ yếu là phối hợp với bộ đội chống càn và dẫn đường cho các đơn vị thọc sâu…."

Tôi hỏi về o Lệ, o Diệp? Giọng kể của ông đang sôi nổi bỗng trầm xuống: "Tiểu đội du kích nữ của xã có khoảng hơn 10 người, phần lớn là thanh niên độ tuổi 17, 18 không đi sơ tán, tình nguyện ở lại bám trụ. Trong số đó, o Diệp và o Lễ (chứ không phải tên Lệ) trẻ nhất, công việc của các o là làm giao liên, tải đạn, dẫn đường cho bộ đội và nhiều lần trực tiếp chiến đấu. Lúc đó gian khổ, ác liệt lắm, cái sống cái chết kề cận nhưng tuyệt nhiên không thấy ai nản lòng, thoái thác, tình cảm quân dân, tình cảm giữa bộ đội và du kích gắn bó, sẻ chia …tất cả vì một mục tiêu đánh địch và thắng địch.

O Lễ hy sinh trong một trận chống càn bảo vệ làng, đúng ngay tại ngã ba Gia Bình đó. Còn o Diệp được kết nạp Đảng ngay tại chiến trường, tham gia hầu hết các trận chống càn và đánh vào cứ điểm Cồn Tiên, gan dạ và dũng cảm lắm, sau đó huyện rút về làm cán bộ Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng, hy sinh trong một lần đi công tác …"

Cụ Phiến cũng chỉ nhớ đến vậy và biết về o Diệp đến vậy.

Cụ giới thiệu tôi đến gặp vài người, một  cựu du kích cho biết về trường hợp hy sinh của o Diệp, nhưng cũng rất mơ hồ: "Nghe nói o nớ bị chết nước (chết đuối)..." Chiến tranh, có thể làm cho người ta quên đi nhiều thứ. Và cũng vì hoàn cảnh chiến tranh người ta không có điều kiện để biết nhiều thông tin, dù đó là một cái chết, một sự hy sinh của người thân, đồng đội cũ… Các cựu du kích không nhớ rõ ngày o Diệp hy sinh (vì lúc đó o ở một đơn vị khác). Đơn vị chủ quản của o hồi đó là Huyện đoàn Gio Linh cũng chỉ biết căn cứ vào tấm bằng Tổ quốc ghi công để biết rằng, có một cựu cán bộ lãnh đạo Đoàn Thanh niên hy sinh tháng 11 năm 1971 là  Đinh Thị Ngọc Diệp.

Tôi tìm về gia đình người chị gái cùng cha khác mẹ của o tại làng Long Sơn, nơi có treo tấm bằng ghi tên o. Người chị gái bảo: "Tui cũng chỉ lấy ngày 27/7 hàng năm mà làm kỵ (giỗ) cho em thôi". Nhưng qua câu chuyện với người chị gái của o Diệp, một vài chi tiết về cuộc đời hoạt động ngắn ngủi nhưng sôi nổi và hào hùng của o đã được hé mở:

Chiến trường Bắc Quảng Trị những năm 1966 - 1968 là thời kỳ ác liệt nhất, giặc Mỹ đổ thêm quân, tăng cường sức mạnh bằng việc thiết lập hàng rào điện tử Macnamara và củng cố 2 cứ điểm Cồn Tiên, Dốc Miếu ...nhằm án ngự và phong toả đường tiến công  của quân giải phóng. Với một tiềm lực quân sự hùng hậu và vũ khí hạng nặng, chỉ sau một thời gian ngắn, giặc Mỹ đã biến nơi đây thành một vành đai trắng. Làng mạc, xóm ấp bị bom đạn tàn phá tơi bời, nhà cửa bị đốt cháy… nhân dân phải gồng gánh sơ tán ra vùng Tân Kỳ, Nghệ An, một số bị giặc hốt, đưa vào khu tập trung ở Tân Tường (Cam Lộ).

Gio An còn lại là vùng đất mà giặc không chiếm được, mặc dù nằm dưới chân cứ điểm Cồn Tiên và ở ngay trong tầm pháo từ cứ điểm Dốc Miếu. Nhưng vì thế mà bom đạn đã dội xuống nơi đây không biết cơ man nào mà kể, cả một vùng quê đất đỏ ba zan trù phú, làng mạc sầm uất từ bao đời đã biến thành bình địa. Đội du kích Gio An hoạt động bám đất, bám làng chiến đấu trong một hoàn cảnh khốc liệt và đầy khó khăn, hiểm nguy như thế.

Đinh Thị Ngọc Diệp là em út trong đội du kích. O cùng chị em và các chú, các anh tham gia hàng trăm trận chống càn, không nhớ hết bao nhiêu lần o và các bạn tham gia đưa đón bộ đội, cứu chữa thương bệnh binh đưa về tuyến sau.

O Nguyễn Thị Ngô, một cựu du kích Gio An, nay sinh sống tại làng An Nha, xã Gio An kể lại: "Hồi đó, bom đạn ác liệt lắm, du kích và bộ đội cứ hàng ngày quần nhau với lũ máy bay, thỉnh thoảng chúng lại đưa một đợt xe tăng vào làng quần nát… Thương vong cũng nhiều, mà chiến công cũng lắm. Điển hình là trận đánh quân Mỹ đổ bộ đồi 82 (tháng 7/1968) làm nức lòng đồng bào cả nước, sau này nhạc sỹ Huy Thục đã ghi lại trong bài hát "Tiếng đàn Ta lư". Tiếp đến nữa là trận đánh diệt xe bọc thép hạng nặng của tiểu đội du kích Trần Đức Toàn năm 1969 tại An Hướng …Rất nhiều đơn vị bộ đội lấy địa bàn Gio An để tập kết quân, làm bàn đạp tiến công vào sâu trong mặt trận".

O Diệp, trong ký ức của các cựu binh, đó là một cô gái nhỏ nhắn, nhưng nhanh nhẹn và gan góc. Là giao liên, o thoắt ẩn thoắt hiện giữa các trận địa, o có giọng hát hay và hay hát. Tiếng hát lúc đó có tác dụng xoa dịu mọi gian lao và làm ấm lòng người nơi chiến trận. Bao chàng trai trẻ cảm mến o, nhưng hình như o chưa dành tình cảm cho ai.

Mùa hè năm 1967, sau một trận chống càn với chiến thắng giòn giã, đẩy lùi bọn địch rút chạy về hướng Cồn Tiên, o được mặt trận khen thưởng. Cuối năm đó, chi bộ đảng Gio An quyết định kết nạp o. O trở thành đảng viên khi tuổi đời vừa tròn 17 và 2 năm cầm súng chiến đấu bảo vệ quê hương. Có thể nói, o Diệp là một trong những đảng viên trẻ tuổi nhất trong  lịch sử Đảng bộ xã Gio An cho đến bây giờ.

Chủ tịch Hội CCB xã Gio An, ông Trần Đức Túc, nguyên Bí thư chi bộ Gio An thời kỳ 1968-1972, đã cung cấp thêm một số thông tin về liệt sĩ Đinh Thị Ngọc Diệp. Ông Trần Đức Túc nhớ lại: "Du kích xã ta lúc đó có 8 nữ thanh niên. O Diệp là một người xông xáo, dũng cảm và có biệt tài bắn tỉa... Hồi đó quân đội ta đưa vào chiến trường loại súng có ống kính đặt ở khe thước ngắm, thu hình ảnh gần lại như ống nhòm, chỉ cần rê đầu ruồi  cho mục tiêu lọt vào, nín thở bóp cò, "đoàng" một phát… Thành tích được tính bằng đầu Mỹ- nguỵ bị bắn hạ, cứ 3 thằng Mỹ, hoặc 5 thằng nguỵ bị bắn tỉa là được công nhận 1 bằng Dũng sĩ. O Diệp có đến 8  bằng Dũng sĩ như thế.

Đội du kích Gio An cùng với bộ đội hoạt động trên một địa bàn rộng, có khi luồn sâu vào đánh địch tận Tân Tường (Cam Lộ), Quán Ngang (Gio Linh). Thời kỳ đó, o Diệp là phó Bí thư chi bộ xã. Đội du kích và riêng o Diệp có rất nhiều thành tích chiến đấu vào những năm tháng ác liệt đó, nhưng có ai ghi lại được đâu vì cũng chẳng ai có khả năng viết lách gì, hơn nữa lúc đó đi đánh giặc, không ai nghĩ đến công trạng. Lòng căm thù giặc tàn phá quê hương, đất nước ở mỗi người đã hiện hữu trong từng ý thức, hành động chiến đấu quên mình...!"

O Diệp là con gái duy nhất của Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Liên (đã mất) ở làng Long Sơn, xã Gio An, huyện Gio Linh. Hiện o còn một người chị gái cùng cha khác mẹ đang sống đơn thân, bà con họ hàng không còn ai.

Mẹ Nguyễn Thị Liên từng là cơ sở Cách mạng, bị giặc bắt, tra tấn và tù đày, sau cho về nhà, đổ bệnh mà mất sớm (Bà được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập).

Căm thù giặc sâu sắc, Đinh Thị Ngọc Diệp đã theo du kích từ năm 15 tuổi (O sinh năm 1950, tham gia du kích năm 1965). Sợ tuổi còn nhỏ, các bác, các chú không nhận, o "khai gian" thêm 2 tuổi  để được làm cô giao liên của xã đội.

Hình ảnh chiến đấu của o đã được tác giả Vũ Thuộc ghi lại trong bài thơ nổi tiếng thời chiến tranh: Cô gái Gio An

Anh gặp em trong chiến hào nóng bỏng

Da xạm đen gió nắng đất Cồn Tiên

Khẩu súng dài chạm đến gót chân

Trái lựu đạn, vắt cơm bên mình đeo lủng lẵng

….

Anh nhìn em trong giây phút ngỡ ngàng

Ơi cô gái Gio An

Giờ là nàng bắn tỉa!

Do những thành tích trong chiến đấu, đầu năm 1971, o Diệp được cấp trên rút lên Huyện công tác trong Ban chấp hành đoàn Thanh niên, giữ chức Phó bí thư. Ở cương vị mới, o xông xáo xuống từng địa bàn cơ sở để xây dựng phong trào và trong một chuyến đi như thế  vào mùa mưa năm 1971, Đinh Thị Ngọc Diệp đã hy sinh khi tìm cách vượt qua dòng nước đang cuộn xiết .

Người ta kể lại rằng, o Diệp cùng hai  du kích bắc cầu qua một  con suối, mọi việc đã xong, tin tưởng chắc chắn, khi một người đã qua được bờ bên kia, o Diệp là con gái, phải có người dắt,  vào gần đến bờ thì bất ngờ cầu gãy, o trượt chân lao xuống dòng nước. Người du kích đứng trên bờ tên là Cử  nhảy xuống cứu  nhưng không kịp. Cả hai người đã bị dòng nước hung dữ cuốn đi. Họ trôi mãi về phía hạ nguồn!

Bây chừ o ở nơi mô

Gio An đất đỏ hay bờ Hiếu Giang

Chút lòng, chút nghĩa tri ân

Ở nơi xa ngái, mơn man ráng chiều

                       

 

T.B

 

 
TRẦN BÌNH
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 206 tháng 11/2011

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground