Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người vợ Vệ quốc đoàn

B

è lũ Diệm – Nhu sờ tay được cái ghế quyền lực là triển khai ngay chính sách tố cộng, mở trại chỉnh huấn các gia đình có thân nhân đi kháng chiến dưới cái từ: “Gia đình liên hệ”, về sau gọn hơn “liên hệ”, nhằm khủng bố, răn đe, dọa dẫm, cải tạo tư tưởng.... Khổ nỗi người dân lại không hiểu họ có lỗi gì? Cả nước đánh giặc, lại đánh giặc thắng lợi. Họ chỉ chờ đến ngày Tổng tuyển cử để đi bỏ lá phiếu bầu cụ Hồ. Tâm tư của cả cái lớp chỉnh huấn ở quê chị mà chính quyền Diệm gom lại chỉ nghĩ có vậy. Lũ chỉnh huấn thì thao thao nào... hiểm họa Cộng sản, nào thế giới tự do... học viên cảm giác bị trói tại chỗ, dù không xé áo, xé quần làm dây như lũ Tây đen, nhưng cả một bộ máy kìm kẹp sừng sững ra đấy đã trói chặt lại, thít đau nhức tận xương.

Bấn ruột bấn gan với công việc đồng áng, mà nhà nông “nhất” phải là “vụ”, hơn nữa ngồi đây không dễ đẻ ra được cái cho con ăn, mẹ phải moi bờ ao gốc chuối, mẹ phải tật bật ngược xuôi, bắt con đam, vơ nắm rau má.... mà toàn bộ lại là các bà mẹ ít ra cũng bốn đứa con dại – nếu đứa nhỏ 2 tuổi thì đứa thứ tư nhiều lắm cũng tám đến mười tuổi – lọt vào vài ba chị một vài con hoặc chưa kịp có con mà do hoàn cảnh cha mẹ già yếu hay em út còn non dại không thể ra đi. Phần nữa cái lớp chỉnh huấn không biết ngày nào xong, họ chỉ nói chung chung thông thì về. Mà làm sao các bà mẹ thông được. Có mỗi câu “Ngô chí sĩ” chúng nó gào thét cả buổi sáng, hỏi ai hiểu? Không có ai. Hỏi ai lập lại? Không có ai. Các chị trẻ tuổi thì ương ngạnh, tui đọc được nhưng tui không hiểu chí sĩ là gì. Cho dù bài giảng có kéo dài cả năm cũng đừng mong các chị ấy hiểu, các chị đã có sẵn cái “tui không hiểu” rồi. Vì trói, mẹ phải chịu, còn nghe làm sao lọt vô được khi tâm trí mẹ đang bay về bên bầy con, mẹ lo nó khóc, mẹ sợ nó lộn cổ xuống ao, mẹ đang theo dõi chăm lo con. Hãy để mẹ ở giữa bầy con của mẹ, đấy mới là chỗ của mẹ, rồi muốn nói “Ngô”, nói bắp; nói “chí sĩ” chí nhục gì cũng có thể mẹ nghe được.

Dọa dẫm, hoát nạt thì càng thêm rối ren. Các chị, các mẹ sợ sệt, hốt hoảng chừng nào thì sự lẫn lộn lớn theo chừng ấy, tỷ lệ thuận. Lũ chỉnh huấn đã tốn bao hơi sức, bao nước bọt, để giảng giải cặn kẻ chân tơ cọng tóc cuộc đời “Ngô chí sĩ”, đã dũng cảm từ bỏ chức quan phong kiến đầy quyền lợi, để bám theo gót giày thực dân kiểu mới là Mỹ mong giành danh cướp bổng, làm nên cuộc cứu nước. Chúng nó lập đi lập lại cụm từ “Ngô chí sĩ cứu nước”, hy vọng mấy bà quần xắn áo bo ấy nhớ, chẳng cần hiểu, chẳng cần thông. Nhưng khi hỏi “Ai là người cứu nước?”. Hội trường im phăng phắc, lặng như tờ, nghe rõ nhịp tim đập loạn xạ, nghe rõ tiếng khò khè của nhiều đàm kéo trong cổ, thoáng đâu đó tiếng chắt lưỡi của con thằn lằn kéo theo là một loạt tiếng nghiến trèo trẹo của lũ mọt gậm đòn tay, thật là một hoạt cảnh buồn nẫu ruột. Một thằng chỉnh huấn lỗ mảng, đỏ mặt tía tai, hầm hầm, xồng xộc chạy xuống hội trường chụp lấy cánh tay một mẹ xách ngược lên hầm hè quát tháo “Ai cứu nước, nói mau”. Mẹ khiếp đảm quá, bủn rủn cả người. Chân khụy xuống, nếu không có bàn tay lỗ mảng của hắn giữ lại chắc mẹ đã đổ sầm. Hắn lại quát “Ai, nói mau”. Mẹ thều thào: “Cụ….Hồ”. Hắn dụi thẳng cánh mẹ xuống ghế, mẹ không hiểu chuyện gì, kinh hoàng, run rẩy, khóc òa và… xòa nước giải.

Thực tình mẹ không hiểu, hoặc mẹ lẫn lộn, điều ấy là một thực tế của các mẹ không chỉ lớp chỉnh huấn nầy mà ngay cả trong cuộc mít-tin hồi trước đình chiến nghe giới thiệu về nước Nga xô viết, cũng có mẹ gọi là “Nga xô thổ huyết”. Các mẹ chẳng quan tâm chính kiến, chẳng có thì giờ để phân biệt thể chế, chẳng cần biết bên này bên kia, nếu con của mẹ không có trong đó. Và tình yêu nước hình như cũng hình thành từ đó, từ lòng yêu thương chồng con, làng xóm. Cái lớp chỉnh huấn này cũng vậy, nếu nó không làm mẹ bỏ việc ngoài đồng, nếu nó không làm mẹ lo lắng, run sợ con mẹ đói, thì mẹ chẳng cần căm thù nó.

Chẳng có quyền để đem bắn cả loạt những bà góa nông dân này, lũ tay sai là cán bộ chỉnh huấn chỉ còn biết dong cả hai tay lên trời than: “Việt Minh giỏi thật”. Thực ra cái lỗi phá sản này phần lớn thuộc ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Chính ông Nhu là bộ óc của chế độ Diệm, nhưng chính ông Nhu lại không làm sao xây dựng được “một cái nghĩa nghe được” cho khái niệm cứu nước để trang trí cho chế độ. Lại quá sức giản dị trong tâm tư quý mẹ – những người nông dân tay lấm chân bùn chưa quen nghe những lý luận chân trời góc bể – Đánh Tây ăn cướp, giành chính quyền về tay ta. Ai làm những việc ấy là người cứu nước. Ai đang làm? Là Việt Minh, là cụ Hồ. Rõ ràng, giản dị, sáng vằng vặc như trăng rằm. Bởi nó là chân lý. Ông Nhu không làm được bởi ông Nhu muốn người khác “hiểu” cứu nước không từ cái căn bản mà “chếch” qua hướng áp đặt ngôn từ. Về sau còn gặp cái lúng túng nầy trong định nghĩa “Cần Lao Nhân vị”.

Thất bại trong trò lớp chỉnh huấn, chúng nó thay đổi cách làm, không tập trung nữa mà gọi từng người lên quận hỏi cung. Trong lớp người bị gọi đầu tiên có chị.

Nó hỏi: - Chị quan hệ như thế nào với Cộng sản?

Chị đáp: - Tui không biết Cộng sản?

Hỏi: - Quan hệ với Việt Minh?

Đáp:- Tui ở vùng Việt Minh rồi Hội tề.

Hỏi: - Chồng chị là ai? Làm việc gì? Ở đâu?

Đáp: - Chồng tui tên Quốc, Vệ quốc đoàn, cưới nhau lúc mới tối, tờ mờ sáng anh ấy đi, từ đó không có tin tức, không biết anh ấy ở đâu.

Hỏi: - Tại sao ở vùng Tề lại lấy chồng Vệ quốc đoàn.

Đáp: - Ở làng tui đều vậy cả. Tề là mấy ông Hội đồng họ ở trong đồn Tây, còn nhân dân ở với Việt Minh, làm việc Việt Minh và lấy chồng Vệ quốc đoàn.

Hỏi: - Chị không đùa đấy chứ?

Đáp: - Tui chỉ nói sự thật.

Lần ấy họ chỉ hỏi có vậy và rất nhã nhặn.

Lần sau thì không như vậy, nó hỏi chị một số vấn đề liên quan đến chị, là chị liên lạc với chồng qua người nào, chị nói từ ngày cưới đến nay chưa hề có tin tức về anh. Nó hỏi hai lần đi liên lạc là liên lạc với ai. Chị ngơ ngác. Nó nhắc lại thời điểm. Chị hiểu ra, trả lời không phải đi liên lạc mà đi tìm bà chị gái chồng.

Nó hỏi: - Tìm để làm gì?

Chị đáp: - Lấy chồng là thuộc về gia đình chồng, tui phải gặp người nhà anh ấy để xác định vị trí của mình và làm nghĩa vụ con dâu.

Nó hỏi một câu mà chị không ngờ tới, không có trong tâm tư, ngỡ nghe nhầm, nó phải lập lại câu hỏi: “Chị có sẵn sàng từ bỏ người chồng Cộng sản ấy không?”. Khi xác định đã nghe đúng câu hỏi, chị trả lời dứt khoát: “Không!”. Và nói thêm: “Đạo lý làm vợ không cho phép tui bỏ chồng vì áp lực; các ông bắn chết tui chôn và thờ cúng; giam tù thì tui chờ đợi; cho dù anh ấy không về nữa thì tui vẫn là vợ anh ấy.”

(Về sau, chủ trương phá hoại gia đình để trả thù một cách hèn hạ này còn đem áp dụng cho trường hợp của những bà vợ các sĩ quan Không quân phản đối chế độ phải chạy trốn, và Nhu đã thành công - nhưng đã đẩy Diệm vào thế càng lạc lỏng giữa dân tộc yêu đạo lý – do cách làm vô cùng thâm hiểm và ti tiện, là phái từng sĩ quan an ninh theo kèm cặp từng bà vợ, cùng ăn cùng ở một nhà, và hình như có ngầm cho phép vì  không thấy ai bị kỷ luật do lợi dụng công tác lấy vợ người – trái Luật Gia đình mà vợ chồng Nhu – Xuân dưới cái ô của Diệm đã bảo vệ thành công trước Quốc hội).

Nó giam tù chị 6 tháng với tội danh “Ngoan cố”. Ra rù rồi chị vẫn chưa hiểu ra cái tội ngoan cố. Ai hỏi chị nói: “Tôi không bỏ chồng”. Và chị bị gọi “Chỉnh huấn” lại. Từ đó ai hỏi chị biểu hỏi mấy ông trên chỉnh huấn ấy.

Sáu lần chỉnh huấn – cả tập trung cả đơn lẻ – và lần tù ấy đã giúp chị khôn ngoan hơn, kín miệng hơn. Với chị chăm mẹ, nuôi dạy các em là công tác Việt Minh mà chị nỗ lực hoàn thành.

***

Nhớ lại những ngày trong tù.

Chị đang cùng tổ nấu ăn nhặt rau thì có lệnh gọi lên văn phòng trại. Hắn ngồi sẵn đấy. Linh tính có chuyện khó khăn rồi đây. Chuyện gì chưa rõ. Đây không phải chỗ của hắn. Hắn cao sang hơn kia. Chuyện gì nhỉ? Khảo tra, cực hình ở nơi khác và làm gì có mặt hắn. Chắc chắn là thẩm tra lý lịch. Lý lịch thì lý lịch! Lý lịch ư? Hành vi: Gà gáy lại thức dậy, nấu cám heo, nấu cơm, có khi ra sông gánh nước, lúc lại chăm sóc đám cải, đám hành, cho heo ăn, gà ăn, cả nhà ăn cơm, mờ sáng ra đồng, khi làm đất, phát đường, cấy, làm cỏ, gặt, bứt toóc (rạ), nếu ở nhà thì chăm vườn ớt, luống cà, luống thuốc lá, thi thoảng đi chợ Tỉnh, chợ Thuận, chợ Hôm, bán mớ rau buồng chuối, mua về ruốc, mỡ, muối; Tư tưởng: sắp xếp công việc cần làm trong ngày, chăm sóc mẹ, nuôi dạy các em và nhớ chồng.

Chừng ấy thứ khai đi khai lại, cũng không phải khai với hắn.

Chị nhớ, có lần hắn hỏi: - Trong bản lý lịch, cô khai nhớ chồng! Nhớ thằng Cộng sản ấy ư?

Chị trả lời: - Không! Nhớ chồng.

Hắn cười đểu cáng: - À, à… tôi hiểu! Nhớ đàn ông?

Chị đanh nét mặt nói: - Nếu xông việc tôi về phòng giam?

Hắn cười giả lả: - Vâng, vâng, có chút việc nhưng thôi, về đi, để lần khác hỏi vậy.

Những lần gọi trước, hắn đều hỏi chuyện không đâu vào đâu. Trong tù gọi hắn là thần chết. Phải gặp hắn là không còn nghi can nữa rồi.

Có lần hắn hỏi cả quy trình ruộng mạ, từ khâu làm đất đến nhổ cây, bất chợt hỏi “có buồn không?”, chị thú thực là rầu thối ruột. “Anh ấy có thể về được”, chị ngơ ngác… Hắn bỏ đấy đi ra. Chị ngồi mãi với căn phòng trống. Thật lâu sau mới có người dẫn về phòng giam. Năm bảy ngày sau có chị tù cùng phòng rỉ tai: “Biểu anh ấy đầu thú đi”. Chị ngơ ngác: “Biết ảnh ở đâu”. “Có biết đấy! Đừng dại”.

Hắn ngồi sẵn đấy, cũng kiểu cười khinh khỉnh đểu cáng  đấy, nhưng lần này ánh mắt có lóe chút tươi vui. Dù vậy cũng không giảm bơt ấn tượng thần chết trong chị. Một nữ nhân viên chỉ ghế đối diện hắn biểu chị ngồi, chính cô ấy cũng ngồi vào ghế đầu bàn tạo thành tam giác cân giữa ba người.

Một phút, hai phút, có lẻ lâu hơn, căn phòng lặng như tờ, ngoài cái quạt máy cần cù làm việc, bỗng hắn gõ ngón tay xuống bàn, chị giật thót tim, nhưng không có việc gì, hắn biểu cô nhân viên ra ngoài. Lại im lặng. Một phút, hai phút… hay lâu hơn, không biết, chỉ thấy cái im ắng đè lên ngực làm ngộp thở.

Cái im ắng này chị đã gặp trước đây hơn bốn tháng. Không phải hắn mà một thằng mặt mày dữ tợn, thở phì phà, cặp mắt đỏ ngầu hum húp, thoáng thấy cả người lạnh toát, tự nhiên run lên dù đã cố gắng kiềm chế, tự xác định bất quá thì sợ chết nỗi gì. Suy nghĩ vậy, quyết định vậy nhưng cơ thể cứ run lên bần bật hai hàm răng tự đánh vào nhau lách cách. Hơi thở ngập ngụa mùi hôi khó chịu của kẻ gom quá nhiều tỏi – rượu – thịt nhào trộn qua đường tiêu hóa lại dội ngược lên mũi miệng. Thằng thối tha ấy còn chồm lên mặt bàn thở phì phò phả cả vào mặt chị. Cũng là một cái may chính mùi hôi nồng nặc thổi thẳng vào mặt làm cho chị chợt tỉnh, vượt qua được cơn sợ hãi. Tự nhiên một cảm giác thanh thản lạ lùng như chưa hề có chuyện gì xảy ra, như không có thằng thối tha trước mặt, như không phải đang ở trại giam, nhà tù. Trong trạng thái ổn định vô lo, chị nhận thức: Anh là chồng chị, anh luôn bên chị, người khác không thể chia lìa, lũ chúng nó chẳng làm gì được chị. Đang chìm trong suy tư, đang lâng lâng niềm vui chiến thắng, thì thằng thối tha gầm lên làm chị giật thót cả người, nhưng chị trấn tỉnh lại được, bình thản đón chờ. Đón chờ tất cả mọi tình huống, chẳng quan tâm, chẳng lo lắng…

- Có khai không?

Chị có gì để khai? Cái hầm bí mật mà chúng vẽ ra; những mối quan hệ chúng nó tự xây dựng nên, tự nói ra, thì làm sao chị biết? Còn tại sao không bỏ chồng ư? Chị đã nói nhiều lần rồi, đạo lý làm vợ, tình nghĩa vợ chồng ,tình yêu của chị dành cho anh. Chị không cần biết Cộng sản hay gì khác, chị chỉ biết chị yêu anh.

Anh người Vệ Quốc Đoàn đi vào trái tim chị trong màn lửa đạn réo, bom cày, chập chờn sống chết, chắt chiu qua từng ngày tháng chiến tranh, nuôi lớn lên một tình yêu tròn đầy viên mãn của người yêu nhớ người mình yêu, của người yêu chờ đợi người mình yêu, và bừng sáng trong đêm cưới: Đơn vị anh chủ hôn, có Ủy ban kháng chiến thôn chứng kiến, có gia đình bạn bè chung vui. Chị, một người yêu mỏi mòn chờ đợi, bước lên địa vị người vợ nhận từ mọi người lời chúc “Như chim liền cánh”, “như cây liền cành”, dù anh đi xa, dù anh không về nữa, thì chị vẫn là vợ anh. Anh Người Vệ Quốc Đoàn luôn luôn sáng rực trong tim, sống động trong tâm thức, anh hiện hữu bên chị mọi lúc mọi nơi, anh thở cùng chị.

Chị trả lời: - Tôi không có gì để khai cả.

Thằng thối tha gõ cái tẩu thuốc mà ổ nhồi thuốc to như quả trứng xuống bàn vang lên tiếng “cốc” khô khan. Có hai thằng dáng dấp thanh mãnh bước vào, không như những lần trước là lũ vai u thịt bắp lườm lườm hung dữ như chó dại, thẳng tay đánh bấy thịt người chị, một trận đòn đến tháng rưỡi toàn thân còn đau. Hơn hai mươi ngày nuốt cháo không xuống, dù chị quyết tâm nuốt xuống để sống, để chờ chồng.

Thằng thối tha sủa cộc lốc: - Bơi!

Chị thản nhiên đón nhận. Bơi, chả xa lạ gì với chị, nhưng không phải hai thằng mảnh khảnh này, chị buồn cười nếu hai thằng này thì chị đã dận nước rồi, có đâu phải sủi bọt, lả người, đến ba ngày đổ hồ không lọt nhưng rồi chị cũng sống được. Đã bao lần chị gọi tên anh chào vĩnh biệt, cũng bấy nhiêu lần chị gượng dậy được, đứng dậy được và càng quyết tâm sống, chị còn chăm mẹ, còn nuôi dạy các em, còn chờ chồng.

Sự thực là nghe nhầm, thằng thối tha nói: - Bay

Đây là loại hình tra tấn dành cho chị. Trước khi bị dẫn đi, thằng thối tha lại hỏi: - Hầm bí mật dấu chồng ở đâu?

Chị trả lời: - Tôi không có gì để khai cả

Một giọng cười khịt khịt: - Rồi cũng khai cả thôi, có ai vào đây mà còn ngậm được miệng.

Thằng thối tha khoát tay. Hai thằng ấy, mỗi thằng một bên, xốc nách chị đẩy vào cánh cửa nơi chúng nó đã chui ra. Đi vào một hành lang tối, đi mãi, đi mãi đến khi thấy le lói sáng đồng thời cùng tiếng la hét đớn đau vọng tới… hai chân rã rời nhủn xuống, chúng nó kéo lết đi, ánh sáng rõ dần, trước mặt là một căn phòng trắng toát, lạnh tanh, chúng nó dúi chị đổ xuống sàn. Trên sàn có ba phụ nữ nằm trên ba chiếc băng ca, cứ hét lên một tiếng là ngất xỉu. Chúng nó tạt nước vào mặt cho tỉnh. Lại hét lên một tiếng, lại ngất xỉu, lại tạt nước… có một chị không hét nữa, mặt trắng bệch, đầu ngẻo về một bên. Chúng nó ngừng cuộc tra tấn. Nhổ từng cái lông ngỗng gắn trên cái kim đâm sâu vào đầu các ngón tay ngón chân các chị. Cứ mỗi lần nó bật cái quạt gió lên là nạn nhân chỉ kịp hét lên một tiếng đớn đau cùng tột rồi ngất lịm. Nó tạt nước cho nạn nhân đủ tỉnh để cảm nhận được cái đau lại bật quạt. Trước khi bật quạt nó ra hiệu để nạn nhân biết, đón chờ cái đớn đau trong kinh hoàng hoảng loạn. Có khi chúng cho gió nhẹ để lông ngỗng xoáy phất phơ, gây đau không dữ dội nhưng lại xoán xuýt bủa vây làm cạn kiệt sức lực, ý chí. Đa số nạn nhân gục ngã dưới hai loại hình tra tấn này. Nhận bừa đi một loại tội gì đó mà chúng nó gán ép. Vì chết còn sướng hơn sống.

Chị ngồi rũ một đống, gần như mất hết tri giác, chỉ một nỗi kinh hoàng bủa vây. Mắt mờ đi, tai lùng bùng qua từng tiếng hét, tim chị nhói thắt như chính mình bị tra tấn.

Các nạn nhân được đưa ra ngoài. Có một cái băng ca đưa vào để nằm chơ vơ ở đấy. Chị nhắm tít mắt lại. Một luồng lạnh trườn bò lên gáy, cái băng ca ấy phần mình. Khủng khiếp, tim bật nhói, xuýt nữa hét lên. Chị kịp gọi tên anh trước khi chìm sâu vào hôn mẹ. Anh đến kịp để cứu chị. Anh dẫn chạy qua cái hành lang tối om ấy sao chừ lại sáng chói chang, đang chạy trốn, con chó hung dữ chồm lên cắn vào hông, chị khiếp đãm hét lên, bừng mở mắt. Một ánh đèn bin chiếu thẳng vào mắt, một chân giày đá vào hông, một tiếng nói: “Đứng dậy”. Chị thoát ra khỏi cơn mơ, nhận thức được hoàn cảnh thực tại, vội lồm cồm bò dậy nhưng người chị nhủn ra, rũ xuống ,mất hết hơi sức, mất hết sinh lực… chị ú ớ muốn giải thích nhưng không nói ra tiếng được. Nó xốc nách đỡ dậy, động viên: “không bị cực hình đâu”. Chị bàng hoàng, nửa mừng nửa sợ. Nó dìu chị đi.

Vừa vào cửa, chưa kịp thấy gì đã nghe chính giọng nói của hắn, cộc lốc, kẻ cả: “Tại sao?” Thằng dẫn chị thưa: “Tù nhân tự xỉu”, rồi cúi chào đi ra. Chính hắn chỉ ghế cho chị ngồi, rồi gọi một nữ nhân viên biểu cho tắm, nghỉ ngơi, ăn trưa. Hai giờ đưa vào gặp hắn.

Hắn ngồi đó, cũng cách nói ỡm ờ không đâu vào đâu còn pha chút hù dọa, phần hư phần thực đan chéo tầng tầng lớp lớp, ru êm vào cõi huyễn hoặc mông lung, rồi bất ngờ đưa ra một câu hỏi có chủ ý. Nhìn chung là sát thực tế có nghiêng về tự giới thiệu chính hắn quyết định tất cả. Hắn có chất giọng tốt, lên cao xuống thấp vẫn rõ âm tròn tiếng, có lẽ hắn là ca sĩ, ít ra cũng một người hát hay. Cũng những lời như những lần trước hắn hay chen vào giữa các câu hỏi, có khi biểu giải lao nhưng vẫn giữ lại nói chuyện ngay giữa hành lang. Đại để cảm mến bởi tính chất thẳng thắn rõ ràng, chân thực, hiên ngang đón nhận những bất trắc, những vận hạn, đau đớn thì có đau đớn nhưng đớn hèn thì không. Nào là người phúc hậu, vẻ đẹp đoan trang, phong cách chuẩn mực, hội đủ các khả năng sinh quý tử. Con người như chị, phải được đền đáp xứng đáng, phải có một đời sống tinh thần đến vật chất cao hơn, không thể như hiện tại. Hắn phóng phác một tương lại khá sát với ước mơ của nhiều người. Nhận xét về hắn chị cũng xác định hắn có khả năng biến những dự phóng thành hiện thực. Đó là một thực tế khách quan và cũng khách quan trong nhận xét.

Hắn còn nói, suýt nữa là bị tra tấn cực hình, hắn biết hỏi chậm nhưng vẫn còn kịp, hắn còn hứa từ nay về sau chị không phải chịu các đòn tra tấn ấy, nếu biết nghe lời hắn.

“Nghe lời hắn!”. Như một mũi tên độc chích vào người, tự ái bị va chạm, giòng máu can cường trong chị sôi lên, trào lên, chị vừa đi qua một cuộc chiến không một tấc sắt trong tay vẫn là một chiến sĩ kiên cường, vẫn là người chống càn, cầm chân giặc, góp phần vào thắng lợi chung. Khi 14 tuổi chị đã thay mẹ quản lý gia đình, 15 tuổi đã là trụ cột gia đình, trong hoàn cảnh chiến tranh, trên bom dưới đạn, với hai bàn tay, không cái cày không con trâu, chị vẫn đảm đang đùm bọc nổi một gia đình gồm mẹ bệnh hoạn và 3 đứa em non dại, chúng nó vẫn ngày ngày tung tăng ở sân trường, hủ gạo kháng chiến của chị vẫn tương đương cùng làng cùng xóm, việc nước việc nhà đều chu tất. Máu trong người chị sôi lên. “Nghe lời hắn” Cả dân tộc lao đao với cuộc chiến trường kỳ, bom vùi đạn dập, hạt gạo xẻ làm bốn, làm năm, lúc ấy hắn ở đâu? Mà mập ú, mà bảnh bao. Ở đâu ư? Chị biết tỏng: Trốn trong hủ!

Cơn trào dâng bất chợt làm chị quên cả tính toán thiệt hơn, dù không bốp chát nhưng cũng rõ ràng:

- Tôi bị oan. Giam tù – tra tấn cực hình đổ lên người tôi là sai lầm của các ông. Có ngày chính các ông sẽ nhận ra, hoặc chính tôi sẽ chỉ ra. Dù sao tôi cũng cảm ơn ông đã có những lời nói hoa mỹ về tôi. Chỉ xin ông nhớ cho một điều, tôi là gái có chồng. Hết!

Nói xong chị định đứng dậy ra về, chơt nhớ ra hoàn cảnh thực tế, đành ỉu xìu ngồi xuống, nhưng mắt vẫn nhìn thẳng vào hắn, chị thoáng thấy hắn có một loáng ngơ ngác, nhưng cũng chỉ một loáng, hắn vẫn giữ vẻ mặt thản nhiên pha chút đểu cáng thường ngày. Hắn hỏi:

- Cô có muốn nói thêm điều gì nữa không?

Nghe hắn hỏi chị thật ngỡ ngàng, chị chờ đợi một điều gì khác cơ, như hắn đập tay xuống bàn gọi người tống chị vào phòng tra tấn, hay ít ra cũng chụp cho dăm ba cái mũ. – Chị trả lời hắn nhỏ nhẹ nhưng vẫn ngoan cường:

- Tôi đã nói hết rồi.

Hắn còn làm chị ngạc nhiên hơn khi tỏ rõ một thái độ thản nhiên pha chút buồn buồn:

- Cảm ơn những lời lẽ tận tâm can của cô. Có lẽ tôi sai lầm, nhưng không phải cái sai lầm cô nêu ra, mà là tự đẩy tình cảm của mình vào khoảng trống.

***

Những lần gặp trước đại loại như vậy.

Chừ hắn ngồi đó. Lặng như tờ. Im ắng ngột ngạt. Lại chuyện gì nữa đây? Thôi mặc, đến đâu hay đó, hơi sức đâu mà lo lắng, lo lắng cũng chẳng thay đổi được gì. Nghĩ vậy, thấy bình tỉnh hơn, không còn ngột thở nữa, sẵn sàng đương đầu.

Hắn đẩy qua phía chị tách trà, ra lệnh: “uống đi”.

Chị thản nhiên cầm lấy tách trà, từ tốn nhẹ nhàng, thong thả khoan thai nâng tách trà chạm nhẹ vào môi, thanh thản hít hơi trà, nhàn hạ như người vô sự, “Bình minh nhất trản trà”, tai lắng nghe chim hót líu lo, mắt ngắm nhìn sương mai lung linh trên cành lá, để hấp thu linh khí của đất trời, để hòa mình vào vũ trụ, tiểu ngã hòa vào đại ngã, vô vi, tịnh tâm. Chưa phải uống trà trong tinh thần ấy, nhưng ở trạng thái quân bình tâm lý của một người sẵn sàng đón nhận mọi tình huống, dù xấu nhiều xấu ít, vừa cam chịu, vừa vô cảm, như chuyện xảy ra cho ai đó, chị đứng ngoài vô can. Thời gian ngưng đọng.

Thoáng thấy hắn có nét bối rối. Chính nét bối rối trên sắc mặt hắn đã lôi chị về với thực tế sau phút xuất thần. Đẩy tách trà ra trước mặt, ngồi thẳng lưng lên, như ngầm bảo: “Tôi đây, làm việc thôi”.

Hắn hiểu ý, nhếch mép, cũng cái cười khinh khỉnh ấy, riễu cợt:

- Cô bồn chồn rồi đó!

Hắn nghiêm giọng:

- Thời gian thuộc về tôi, cô chỉ tuân thủ mà thôi.

Chị lặng thinh, chấp nhận cái chân lý hiển nhiên ấy. Cũng như phải chấp nhận đổi một công rưỡi của chị để lấy một công bừa của cậu bé 12 – 14 tuổi. Không phải chị không dám đứng trên cái bừa cho trâu kéo, nhưng ở làng chị từ đời bà đến đời mẹ đến chị, phụ nữ chưa ai làm vậy cả, chị cũng chưa muốn là người tiên phong. Bởi vậy, ở làng công bừa gấp rưỡi công cấy vẫn còn là chân lý hiển nhiên.

Hắn lại gõ ngón tay xuống nút chuông. Một nhân viên nữ xuất hiện: Hắn cộc lộc: “Nghỉ 15 phút”.

“Đã tra vấn gì đâu mà nghỉ”, thoáng thắc mắc vậy, nhưng chị hiểu việc của chị là chấp hành. Trong phòng khách, nơi nghỉ giải lao, cô nhân viên hỏi:

- Ông ấy nói gì?

Chị trả lời gọn thỏn:

- Mời trà!

- Tốt. Chị có hy vọng đoàn tụ gia đình.

Như một tia sáng lóe lên rồi tỏa rộng, cả đầu chị bừng sáng, niềm vui đang trào. Bỗng dưng nhớ mẹ kỳ lạ, nhớ đến quắt quay, không chỉ nhớ mẹ mà chị còn nhớ cả xóm cả làng, cả luống cải, ao rau muống, cái gì cũng gợi nhớ. Sau sự nhớ là sự lo. Lo các em có làm đúng lời chị dặn. Lo các em có bo cái dường lăn ở thửa ruộng sào mười bốn, hay để khô cạn kiệt. Chị chỉ đạo công việc nhà là nhờ mấy tháng sau này gia đình được chăm nuôi. Qua đó, dù không có mặt nhưng chị vẫn nắm vững chắc công việc đồng ruộng. Chị phác thảo trong đầu, mùa tới quyết tâm đưa đám ruộng áp sát Cồn Đống vào làm vụ trái. Được vậy thì phần thu nhập trong vườn và chăn nuôi trở thành nguồn tích lũy.

Thời gian giải lao đã hết.

Họ đưa trở lại phòng làm việc. Ngồi vào cái ghế đã ngồi. Đối diện là ghế trống. Hắn chưa có mặt. Căn phòng im ắng. Cô nhân viên ngồi tuốt ở cái ghế nhỏ cuối phòng, phía sau lưng ghế của hắn, bồn chồn xem đồng hồ. Không gian im ắng như kéo thời gian ngưng tụ, như kéo con người chùng xuống. Một giờ, hai giờ đồng hồ trôi qua. Một giờ, hai giờ sẽ tới. Thời gian không có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Không gian vô cùng, thời gian vô tận. Chỉ có con người bị sinh thành – tồn tại – hoại diệt. Nên thích quy ước, buổi sáng chấm dứt bởi trưa, buổi chiều chấm dứt bởi tối. Con người vẫy vùng trong thể lưỡng nguyên. Vừa ôm đồm vừa buông bỏ. Vừa tham lam vừa phung phí, sống chết được mất, thương yêu thù hận, buồn vui, no đói, nóng lạnh, hạnh phúc bất hạnh, tự do tù đày, thiên đường địa ngục, trong ngoài, trên dưới, bên này bên kia, tinh thần vật chất… Dù vậy cũng chỉ là con người. Như chiếc áo, bề mặt bề trái cũng chỉ là chiếc áo. Kẻ ngồi đó kẻ đối diện đều là con người. Khoảng cách là bề rộng mặt bàn. Không gian chẳng chỉ ra điều gì cả. Chỉ có con người. Cô nhân viên ở phòng khách, cô nhân viên hiện ở phòng này là một hay hai? Cũng con người bằng xương bằng thịt đó mà lại là hai đấy.

Có tiếng chuông đổ ở xa vọng vào. Cô nhân viên vội vã rời phòng, vội vã đi. Căn phòng càng thêm trống vắng. Chị xoay nghiêng, nhìn qua cửa sổ, bên kia bờ rào kẽm gai là trại giam, các tù nhân - đúng ra họ chỉ là nghi can, nhưng có cái ởm ờ nào đấy tất cả đều là tù nhân - đi làm bên ngoài đang lũ lượt kéo về, nghĩa là đã đến giờ ăn trưa. Đúng thật, tiếng kẻng ăn trưa vang lên.

Cô nhân viên trở lại, ra dấu cho chị theo.

Một mâm cơm dọn sẵn trên bàn, chị liếc qua: Tô canh chua, đĩa hành tây xào thịt bò, đĩa thịt gà chặt miếng… trong phòng vệ sinh, vừa rửa ráy vừa điểm tiếp qua trí nhớ: đĩa nhỏ muối tiêu, hai cái chén, đĩa cơm…

Đang ngồi co ro đợi lệnh ở cuối phòng thấy hắn bước vào, dừng lại vài giây ở ngưỡng cửa, đảo mắt nhìn khắp phòng. Chị đứng dậy lễ phép chào hắn, đúng như phong cách chị ứng xử hàng ngày.

Hắn vui vẻ giơ cả hai tay tới trước vỗ vỗ:

- Vâng, chào cô. Xin chúc mừng, kể từ giờ phút này cô được tự do, nhưng hai giờ chiều cô mới đủ thủ tục ra cổng.

Vui mừng quá đổi, người lặng đi, rồi muốn nhảy cỡn lên ôm hôn mọi người, hôn mẹ hôn các em… May quá, chị chưa ôm lấy hắn để hôn. Nhưng dù có hôn hắn thì cũng chỉ để biểu lộ niềm vui. Hắn nhã nhặn:

Nhận tin vui của cô, để tỏ lòng cảm mến, xin mời cô dùng bữa cơm trưa với tôi tại đây, vì về chỗ tôi hay ra phố cũng có chút bất tiện cho cô, tôi ngại vậy.

Trong tâm trạng tràn ngập niềm vui, chị muốn chia sẻ với mọi người, nên rất vui vẻ nhận lời.

Hai người cầm đũa. Hắn cứ mời nhưng chính hắn chưa ăn, chị cũng không ăn. Họ mang đến hai ly trà đá. Hắn lại nâng ly mời. Chị uống một ngụm. Hắn lại để ly xuống.

- Tôi nói đều này, nói rất thật lòng, không có mưu mô toan tính gì trong đó cả. Hắn dừng lại thăm dò… lần đầu tiên thấy hắn rào đón, hay là chưa kịp sổ cái giọng khinh khỉnh. Hắn tiếp:

- Cô tin rằng có tuyển cư, có thống nhất ư? Không phải chúng tôi phá mà chính những người bên kia khi đặt bút ký cũng hiểu điều khoản ấy bất khả thi. Cô cũng đừng xét nét việc tôi làm. Bên ấy và tôi, hai thế đối lập. Hoặc tôi sống hoặc họ. Chị cười:

- Cảm ơn ông đã chia sẻ, nhưng tôi không quan tâm đến điều đó, tôi không làm chính trị. Trong nhà có cờ Tổ quốc, có ảnh lãnh tụ, trước ngõ có treo câu: “Dung cộng là tự sát”, tôi cũng chưa bao giờ tìm hiểu nghĩa của những từ ấy. Chính họ chọn cho nhà tôi. Các em tôi nộp tiền và mang về treo. Cũng như nhận cờ, nhận ảnh. Họ phát tôi nhận, họ bán thì nộp tiền. Điều thu hút hết toàn bộ tâm trí của tôi là nhớ chồng. Điều bận rộn suốt ngày đêm là nuôi dạy các em, chăm sóc mẹ. Tôi tự khu trú cuộc đời vào đấy, và đấy chính là lẽ sống của tôi.

Hắn chuyển hướng, nâng cao ly trà đá:

- Chúc mừng cô được tự do

Cảm thấy vui vui chị cũng nâng cao ly trà đá

- Mong ông đừng bắt lại.

Hắn cười kha khả thật thoải mái. Không biết cái nhếch mép, cái khinh khỉnh dấu vào đâu mà biệt tăm. Hắn nói trong tiếng cười:

- Cô hiểu lầm rồi, chính cô quyết định vào đây chứ.

Hắn hạ giọng:

- Tôi hy vọng cô không dẫn xác vào lần nữa.

Hắn chuyển giọng thân tình và tâm sự:

- Quả thực tôi có hai vợ rồi. Điều ấy cũng không ngăn cản được việc tôi bảo đảm hạnh phúc cho cô. Hơn nữa hoàn cảnh của cô chỉ có đứng bên tôi mới thực sự yên tâm.

Chị bàng hoàng đến run rẫy. Không ngờ hắn lại nói thẳng tuột giữa lúc này. Không ngờ hắn lại lỳ lợm đến cố tình không lưu tâm đến bao lần chị đã xác định tình cảm của mình là chờ chồng. Chị bật khóc tức tưởi. Giọt nước mắt ức ối! Giọt ngước mắt tủi hờn!

Hắn đọc được những giọt nước mắt ấy. Bằng chứng là hắn luống cuống đến thê thảm:

- Tôi xin lỗi, xin lỗi. Cho tôi tự rút lại lời nói. Xin cô xem như chưa có lời nào đã nói ra.

Mâm cơm vẫn nguyên vẹn. Chưa ai đụng đũa.

Về sau hắn vẫn theo bám chị, nhiều lần về nhà thăm, có phải do công tác hay chỉ là săn gái. (còn tiếp)

L.T.T

 

 
 
Lê Tâm Tiềm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 189 tháng 06/2010

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground