Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người vợ Vệ quốc đoàn

III. NGƯỜI CHỊ

C

ái ngày tổng tuyển cử thống nhất nước nhà thì rõ là khó xảy ra vì Diệm và Mỹ tự xem mình không có trách nhiệm thực thi Hiệp định đình chiến. Nhưng có một cuộc bỏ phiếu giữa Diệm và Bảo Đại, gọi là “phiếu xanh phiếu đỏ, cái bỏ giỏ cái bỏ bì”. Chị lại bận rộn chuẩn bị lễ cưới cho cô em kế.

Nghe nhà trai xin cưới chị mừng quá, làm cô em phì cười, chị cóc cho nó một cái trên đầu: “Cô cao giá lắm đấy”. Cô em càng cười gặt nghẽo: “Không phải cao giá, thấp giá, mà một lẻ tự nhiên, anh ấy yêu em và em yêu anh ấy, hai bác bên nhà và chị đây chỉ chứng kiến, chỉ là người đứng ra thưa chuyện cùng chú bác hộ tụi em, còn tụi em đã quyết định cùng nhau xây dựng gia đình rồi”. Máu trong người chị hình như đang sôi sùng sục, chị muốn tóm đầu cô em dần cho nó một trận. Thế đấy, học với hành, ăn với nói… chị chợt nhớ ra chị cũng tự quyết định lấy mà, nhưng chị vẫn tự biện hộ, chị không có nói giọng đó… chị lại nhớ anh. Nhớ vòng tay chắc nịch đến ngột thở mà đê mê ngọt ngào…. mà….

Trong lòng tràn ngập yêu thương, chị thấy mấy đứa em của chị thật tuyệt vời, ngoan hiền, dễ thương. Chị quyết định, những gì thời chị chưa có hoàn cảnh để làm thì nay chị làm cho em.

Thực ra chị đã âm thầm chuẩn bị cho ngày trọng đại của đời em đã khá lâu, con heo thước tám (khoảng 60kg) trong chuồng nhiều lái buôn đánh tiếng nhưng chị vẫn lơ lơ… Chị đã lấy của chú khách người Ấn sáu tấm vải, ba tấm Mỹ Á đen láng để may quần, hai tấm vải áo, một màu da trời một cánh gián phin mỏng và một tấm may áo dài cưới. Chị nhớ chính mẹ kể, về nhà chồng ba năm chưa được may cái áo, chú em chồng lên tiếng, khi ấy bà nội mới nhớ ra. Chú khách Ấn Độ bán chịu đến mùa vụ mới về thu lúa. Làng chị trong những năm này, lúa, xấp thuốc lá, lon ớt, đậu xanh là vật phẩm để trao đổi các thứ khác. Vải vóc, mắm ruốc… chí đến con bún, chén đậu hũ. Sau đình chiến có hai chú khách thường ghé làng, đó là những chú người Ấn như vừa nói và những chú khách khác, những chú Ba Tàu. Những người khách sau mua bất cứ thứ gì mà người khác có thể bán, từ cái lưỡi chét cùn, con dao gãy… nhưng chủ yếu là mua các đồ bằng đồng. Các chú Ba Tàu lần nào ghé làng cũng thắng lợi, đầy nặng gánh hàng. Toàn bộ đồ đồng của làng, từ cái nồi, cái mâm, cái hộp đến đồ thờ tự… thằng Tây đều đập phá, bắn thủng lỗ cho hư hỏng cả, trước đây chôn sâu dưới đất cho rảnh nhà, nay lục tìm đào xới, tận thu để bán. Ai cũng cảm giác chú Ba Tàu mua rẻ, nhưng rẻ mức nào thì chả có ai hiểu cho cụ thể, và thực tế cũng chẳng ai quan tâm, mọi người đều thắng lợi, đồ vứt bỏ mà lại bán được tiền.

Cầm những tấm vải trên tay mà lòng phơi phới, ít ra hai năm nữa em chưa phải lo lắng đến cái mặc. Ở làng mỗi năm chỉ bổ sung được cái áo hoặc quần đã là khá, nay em có những sáu cái một lúc, chị kiêu hãnh nghĩ thầm: “Em đã là địa chủ áo quần rồi đấy”.

Ngày cô em mặc khoe mấy bộ đồ mới cho cả nhà ngắm. Cái áo màu da trời may cổ trái tim sâu xuống quá lỗ yết hầu đến những hai lóng tay, tay áo dài đến nửa cánh tay, ngoài lại hơi loe ra, chị thắc mắc sao không may dài hơn tý nữa để khi ra ngoài khỏi nắng. Cậu em cười, đọc lại câu nghe đâu đó: “Tay lơ lửng, cổ đợi chờ” mà chị. Cô em cười bẻn lẻn mặt ửng hồng sung sướng, người ta thấy được chỗ tinh tế ẩn tàng trong cái giản dị, cũng một cái áo bà ba như mọi cái áo khoác thôi mà.

Chị thật bận rộn, thế mà còn phải đi bỏ phiếu, cái xanh cái đổ, cái bỏ bì cái vứt đi ấy. Không đi là không được. Ai đóng dấu vào thẻ cử tri cho. Nếu đi thì bỏ việc đây để mấy em làm, có mà… kêu trời. Chị thú thực với một chị hàng xóm, để chị ấy len lén đi hai lượt. Chiều ngày bỏ phiếu về, chị ấy cười cười bí mật bấm chị ra góc hè: “Chúng nó có biết gì đâu, thằng dò tên, thằng phát phiếu cứ cúi mặt mà làm”. Tuy vậy chị ấy cũng sợ đến vài tháng, nhờ công việc nhà nông bận rộn chị quên dần.

Lễ cưới thật tốt đẹp, nhà trai đi nộp lễ những mười sáu người, toàn những người nội thân đàng hoàng cả. Một buồng cau tràn cả mâm gỗ tròn ngày xưa các cụ dọn việc làng; một mâm gỗ vuông nhỏ hơn có hai chai rượu trắng nắp đậy được bọc bằng giấy hồng đơn sâu xuống nửa cổ chai, một cái hộp tròn bằng đồng trong ấy đựng đôi bông tai; một cái khay vuông nhỏ có bình rượu dáng đào tiên, cái đĩa nhỏ sắp năm miếng cau trầu. Tất cả các mâm đều được phủ bằng những tấm giấy bóng màu đỏ. Rõ ràng họ lễ phép, kính trọng, không xem nhà mình mẹ góa, con côi. Chú rể mặc sơ mi quần tây, không như mấy đám khác khăn đóng áo dài ngó mà thấy mệt. Mấy chú rễ lạy gia tiên nhà vợ một mình, vục lên vục xuống toát cả mồ hôi chẳng khác cuốc đất ruộng góc. Cô dâu trốn kỹ trong buồng. Chú bác nhà trai đi cưới cháu dâu chỉ biết giản đơn cưới con nhà mỗ, và tự suy ra, nhỡ nhà có nhiều chị em gái thì thật là… chị thấy chỗ “bất tiện” ấy, và thương nỗi cô đơn của các chú rể, chị cho cả hai em cùng đứng ngang nhau trước bàn thờ và chỉ vái ba vái. Theo chị là trình diện trước ông bà, người thân để các cụ biết mà phò hộ cho sinh được nhiều con trai, ăn nên làm ra. Em chị thật đẹp, áo dài màu lá chuối non, quần đen dài thấu mắt cá chân. Chúng nó đứng bên nhau đẹp đôi vô cùng. Cô em cười thật tươi, làm rạng rỡ khuôn mặt, rạng rỡ chị, nhà chị, rạng rỡ cả chú bác nhà trai, và nhất là rạng rỡ chú rễ. Nụ cười trên môi em, trên môi mọi người như một tôn vinh sự tròn đầy của tình yêu, của hạnh phúc; như một báo hiệu, một tiền đề cho cuộc sống lứa đôi. Không giống mấy cô dâu trước khóc lóc om sòm gây nên cảnh người mũi lòng, kẻ bực bội.

Chị chiêu đãi nhà trai có thịt heo, thịt gà, có vịt nấu hầm, có xôi, có bánh tét, bánh ít ngọt, có đĩa xào, có tô canh cá lóc nấu với cây me đất ăn cùng rau cải thái mỏng… món nào cũng ngon, các chị hàng xóm của chị thật là khéo tay.

Đưa em về nhà chồng xong. Tối ấy chị thắp lên bàn thờ bọ cây hương, báo cùng bọ, cùng Ủy ban Kháng chiến, chị đã bước được một mốc.

***

Ruộng làng Bích La thì cò bay thẳng cánh…. Nhưng ruộng nhà chị lại chỉ có hai suất công điền cho người 18 tuổi trở lên – chị và mẹ. Các em chưa đến tuổi. Cô em kế còn thiếu một tuổi, đồng nghĩa mất trắng thêm hai năm. Phải  ba năm sau người ta mới xóc ruộng ghép lô chia phần lại. Khi ấy cô em đã 20 tuổi mới lần đầu được ăn phần ruộng, nhưng nghĩa vụ thì từ 18 tuổi.

Ruộng có ba ngành. Công điền, tư điền và ruộng hương hỏa – là ruộng làng cấp cho việc cúng tế của các dòng họ - Chính loại ruộng này nay làm nảy sinh một cuộc tranh giành dai dẳng ngôi mả tổ của một dòng họ ở hai địa phương – Vì ngôi mả tổ đi liền với ruộng hương hỏa.

Cái định kỳ ba năm xóc ruộng ghép lô đã kéo thêm một tệ nạn, người lanh trí khai tăng tuổi con cái cho kịp thời điểm ghép lô. Lớp đàn em phần đông bị tăng hai đến ba tuổi, đã góp phần vào hiện tượng con trai làng chị lấy vợ sớm và mang tiếng đi học chậm. Đẩy tuổi các em lên làm thay đổi hẳn môi trường sống, lùa vào nếp nghĩ và những suy toán của người lớn qua những quyền và nghĩa vụ xã hội. Về sau còn có rắc rối vì bị gọi quân dịch khi thực ra chỉ mới tuổi thiếu niên.

Nhờ có con sông Vĩnh Định nối dài được đào hồi 1910 chạy dọc giữa làng. Gọi là sông cho oai, chứ nó chưa đạt cấp con kênh, nhưng nó nhận nước từ hai nguồn, sông Vân Trình và sông Thạch Hãn. Mùa lũ lụt nó cũng hung hãn ra phết. Đoạn chính giữa chiều dài làng nó phình ra to tròn như một cái hồ, dân làng gọi là vực. Tương truyền có cặp “trẹng” sống ở đấy và ăn thịt người. Khi nước sỉa, từ bè củi rìu, cây cối tấp thành khối to như cái nhà trôi về xoáy trong ở đó rồi nhào lên lặn xuống vài vòng lại mất hút chỉ còn nước reo sùng sục mãi lâu sau mới thấy trồi lên phía dưới một đoạn. Dân làng lấy nước sông làm vụ trái cho những đám ruộng gần. Lúa trái năng suất gấp ba lúa vại. Lấy được nước của nó cũng lắm công phu. Đám ruộng Cửa Rào chỉ cần ba tầng xe đạp nước, nhưng ruộng Cột Mồ, Cồn Đống phải tới năm tầng xe.

Những ngày đạp nước mùa trái thật là cực nhọc, vất vả nhưng vui như hội. Mỗi xe được ghép một nam một nữ. Năm tầng xe là mười người cho một phiên đạp. Nhiều toán đổi nhau. Cứ tàn một cây hương là đổi toán. Để kịp cấp nước cho ruộng và chống lãng phí, tận dụng tối đa ngày công của xe phải có đến ba toán - 30 người. Nửa nam nửa nữ làm việc một điểm. Hai phần ba thời gian là giải lao nhưng vẫn chưa lại sức. Đây là một hệ thống dây chuyền, mọi người phải hoàn thành phần việc của mình. Xe dưới không cấp đủ nước thì các xe trên không có việc làm. Một xe không làm hết phần việc của mình thì nước ngập tràn chảy lộn về sông, gây vỡ mương bờ.

Đạp chung xe với chị là một em trai 19 tuổi thực, khỏe như vâm, luôn luôn nêu quyết tâm “dận ngập” xe trên. Em chỉ muốn lấy sức mình để càn lướt. Chị đùa: “Làm thế còn sức đâu để cưới vợ”. Nghe hay nghe vậy nhưng em chẳng nghĩ sâu xa gì, chỉ muốn vét cạn hồ mình và dận ngập xe trên. Và em làm việc trong hưng phấn đến tàn cây hương.

Chính cây dương cũng lắm chuyện. Tuy được thắp trong cái thùng để che gió, nhưng gió to vẫn có ảnh hưởng, cháy nhanh hơn, đấy là những toán mặp may. Ngoài ra còn có “mẹo vặt” ác ý nơi người thắp. Bàn tay rịn mồ hôi chỉ cần vuốt dọc theo nó, cây hương ấy cháy chậm gấp rưỡi cây khác. Cũng có những vụ xô xát, lời qua tiếng lại. Cũng có kẻ bị trừng trị đích đáng. Dù sao đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Không khí chung là hết sức vui vẻ. Tuổi trẻ vuốt hết mồ hôi lại hừng hực tinh thần quyết thắng, vét cạn hồ mình, dận ngập xe trên. Các em làm trong đam mê, yêu thích bởi tính tinh nghịch thế thôi, thật ra chả em nào quan tâm đến lượng nước đưa vào ruộng.

Từ trong đám giải lao, làn điệu mái nhì ngân lên: “Ơ ơ ơ hờ… trăng nghiêng con nước ngập bờ, ơ hơ hơ…tình đôi ta mong trọn, hơ hơ hờ hờ… phải vét cạn hồ, hờ ơ ơ hờ ơ… Kẻo chúng bạn cười đến em, hơ hờ ơ ơ ơ hờ ớ….” Lại một chàng trai mới lớn vừa vỡ giọng, ồm ồm đưa câu mái đẩy : “Ô hô hô…” một ai đó chen vào phá đám: “Hò là hò đưa linh…” nhưng tất cả lại nhịp nhàng xô vào khi chị lĩnh xướng: “Hụi bơ hò hụi… là bơ hò hụi, hết hụi ta hò khoan, là hù là khoan… đi mô cho thiếp đi cùng, là hù là khoan… đói no thiếp chịu, là hù là khoan… lạnh lùng thiếp cam, là hù là khoan… lên non thiếp quyết trèo non, là hù là khoan… xuống thuyền thiếp cũng, là hù là khoan… bám theo mạn thuyền là hù là khoan….”

Kết thúc mùa đạp nước làm trái, mọi người thở ra nhẹ nhỏm, thân thể rã rời, nhưng lòng thấy tiêng tiếc, lưu luyến như đêm hát đã kéo màn, như còn hưng phấn, ham thích, đam mê, dư âm vang vọng đến cả tháng sau.

“Sông Bích La nắng hè nước mát

Đồng Bích La lúa vại ếch béo”.

Thật ra cũng không chỉ là câu nói cửa miệng của kẻ thích vần vè… Lực lượng lao động tát nước lên đồng phủ đẩm mồ hôi, áo quần vắt ra nước, và thực sự cũng ngập nước suốt cả ngày. Thế nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ ruộng làng mà thôi, phần lớn phải làm lúa vại. Lãng mạn hơn, phải thực sự nhìn được tận mắt đám thôn nữ đang nhỡn nhơ đùa giỡn giữa làn nước trong xanh mới cảm nhận được cái “mát” của một dòng sông.

“Đồng Bích La lúa vại ếch béo”. Đồng làng nào mùa lúa cại ếch cũng béo cả, không chỉ riêng ai. Ở đây pha chút nghĩa bóng, ngầm ý, hoang nghịch trong lời khen, ám chỉ thế hệ sau, các cô đều đẹp, múp máp trắng trẻo… mà sao phải “lúa vại”. Vì mùa nắng má các cô ửng hồng lên… như trái cấm trên cành. Và cũng có thể do cánh đồng làng Bích La gắn liền với đồng lúa nhiều làng nên nó trãi dài mênh mông đến hút mắt, mà ruộng làng lại nhiều hơn nên “thiên hạ” cứ quen gọi đồng làng Bích La.

Ếch béo. Đúng thật. Một trận mưa giông mùa lúa vại, tha hồ mà bắt ếch. Từng cặp, từng cặp đang thực thi cái thiên chức duy trì nòi giống.

Đền đuốc lập lòe chao đảo cả một cánh đồng. Bầu trời sau cơn mưa khoác lên mình một màu bàng bạc, dịu nhẹ, thoang thoảng hơi đất ngây ngây. Cái ngây ngây đầy hưng phấn, có sức thu hút con người đến khó cưỡng lại, hầu như trẻ già trai giá đều ùa ra đồng. Đêm hội hoa đăng không tiếng trống, tiếng kèn mà lắm âm thanh cuốn hút, được trãi trên nền xanh non, mơn mỡn, mượt mà của cây lúa vại, dập dờn theo từng cơn gió nhẹ. Trời giữ cho mình cái huyền bí riêng tư nên chỉ ban chút ánh sáng mờ mờ, để bốn chung quanh phủ vây hư ảo, đủ cho con người cảm nhận được sự bé nhỏ, sự lạc lõng, lẽ loi giữa chính cánh đồng quen thuộc của mình. Trẻ con khi nhận ra mơ hồ về phương hướng, vội vã: “Tè ra tay vỗ vỗ lên trán”. Đấy là “bài thuốc” được chân truyền khá kỹ lưỡng, đích thân các bà mẹ giảng bài và hướng dẫn thao tác, nhằm chống lại “mê thất đêm đen”, chống lại “nỗi hoảng loạn tâm tưởng”, được giải thích gọn gàng và đầy ấn tượng: “Bùa giả ma thu”. Và thật vô cùng công hiệu.

Trong thực tế, những đêm hội hoa đăng trên cánh đồng lúa vại, đầy mồ mả um tùm lau lách, tạo ra những khối đen rờn rợn, âm vang tiếng ếch nhái rền rền, tiếng mẹ gọi con, chị gọi ẹm, quyện hòa tiếng reo cười sảng khoái. Tiếng “ré” thanh thanh, âm sắc diễn cảm chông chênh giữa phản đối và thích thú, giữa rầy la và tha thứ… có cây đèn gió thổi tắt, có cây đuốc thôi không cháy sáng, và có những anh chị bị… “ma thu”. Trẻ em chả bị ma thu bao giờ, vì trẻ em chưa “quên” lời mẹ dạy.

***

Trong hồ sơ về chị, tụi chỉnh huấn phân vào loại thành phần “Đặc biệt nguy hiểm”, “Có khả năng tuyên truyền”. Chúng nó có đánh giá cao về chị hay không, chính chị không biết. Ngày còn Việt minh chị chưa được tham gia công tác gì có tổ chức cả, kể cả dạy bình dân học vụ, những lần tải đạn chỉ là bộc phát, thấy việc thì làm. Dạy bình dân học vụ theo lời kêu gọi của Việt minh, người biết dạy người chưa biết, chị biết đọc biết viết, dạy các chị em khác cũng biết đọc biết viết thế thôi. Đó không biết có là “đặc biệt nguy hiểm”, là “có khả năng tuyên truyền” như lũ béo nung núc, nói thao thao chẳng khác nước khe chảy róc rách suốt đêm ngày ấy chăng. Chị buồn cười nghĩ: Cái lũ trốn trong hủ, trắng bệch, béo nục ấy, chúng nó làm gì hiểu được sâu sắc như chị là đỉa cắn lấy cục bùn đắp vào cầm máu, con sên con vắt nhai nắm lá rừng đắp vào hết ngứa. Hay quyết liệt hơn, trị đỉa bằng vôi, chống đỉa bằng xà phòng, trị con sên, con vắt bằng cách lấy nước nấu hoặc dầm lá thuốc lá bôi vào tay chân, chúng nó lãng xa đến triệt để. Cái thực tế cuộc sống ấy chúng nó còn chưa có khả năng biết mà cứ đòi dạy cái khôn!

Chị hoàn toàn không hay biết gì cả cho đến ngày hai cán bộ nằm vùng bị lũ hèn nhát bắn chết trong nhà hàng xóm. Các anh hy sinh, cho chị hiểu ra một điều, đồng đội của anh đâu đó chung quanh chị; Việt minh thường xuyên có mặt trong làng chị, trong xóm chị, không phải đã hành quân về vùng tập kết hết rồi, không phải bỏ chạy vứt làng, vứt xóm lại như lũ chỉnh huấn nói.

Tuy vậy không cán bộ nào bắt liên lạc với chị. Có lẽ họ hiểu tư tưởng chị vững chắc, kiên định rồi, cũng có thể do hoàn cảnh khó khăn của chị, thường xuyên phải đối mặt với cái lũ moi vô tận chỗ riêng tư sâu kính trong lòng chị.

Chị tưởng ngày một ngày hai rồi cũng yên ổn, nhưng đâu có giản đơn như chị nghĩ, chính quyền Diệm càng vững chắc thì thành phần dọa nạt chị càng lớn lên, càng rộng ra. Mấy năm đầu chị chỉ đối mặt với bọn chỉnh huấn, bây giờ không những bọn An ninh gọi, đòi và một lũ cảnh sát nói năng sàm sở, chị còn mệt nhọc cả với lũ vô lại. Thằng Trung đội trưởng Dân vệ xã ngay ngày đầu mới thành lập đã dẫn quân rãi cùng xóm của chị, riêng hắn lại vào nhà chị ngủ. Chị nói “Nhà đàn bà ngủ vậy không tiện”. Hắn quặc lại: “Để đêm thằng ấy mò về à” Và hắn lỳ lợm căng võng ngay trước buồng chị, chận con đường xuống bếp. “… mò về”, thực cũng không phải không có trong lòng chị. Khi làng trống trải quặn thắt chị cũng mơ tưởng, mong mỏi anh lẽn về cùng chị. Có một khuya nghe rõ giọng anh gọi, chị tung chăn phóng ra cửa, chợt ý thức cần phải nhẹ nhàng kẻo gây tiếng động, hồi hộp, mừng run, nhè nhẹ mở then cửa, nhưng tay chị luống cuống sao đó đánh cái “cách” vang to, bởi đêm thanh vắng, bởi nỗi lo sợ nhân lên, chị khiếp đảm, bủn rủn xô cả người vào cửa, cửa bung ra chị đổ cái sầm ra hiên. Và hàng xóm lo lắng lên tiếng hỏi thăm…

Chị vô cùng ân hận, cơ hội được gặp chồng sau bao năm mong mỏi, chồng chất bao nỗi khắc khoải nhớ nhung… Chị nhớ cả cái nằng nặng thích thích khi có anh, nhớ cái mùi chua chua khét khét nơi anh mà chị từng nhắm mắt để trọn hưởng niềm tê mê lan tỏa như tưới cho cả lông tơ sợi tóc, chị oằn người hiến dâng như một đáp đền ơn nghĩa, như được tan vào anh; chị thấy anh như vừng mặt trời tỏa rạng làm sống lên, tươi lên, mơn mỡn những gì có trong chị… chị giận mình quá đỗi, anh về mà chị vụng về quá, chị làm hỏng tất cả.

Về sau, chị còn nhiều lần nghe anh gọi cửa, và chị thức trắng đêm để chờ. Dù ý thức được chỉ là mộng mị, chị vẫn chờ cửa.

Không biết làm sao với thằng Trung đội trưởng Dân vệ, chỉ còn biết gọi mẹ và cả cậu em trai vào ngủ chung. Mang theo cái chậu thau vào buồng để đi giải.

Lũ vô lại ấy thì đầy dẫy. Thằng An ninh xã lập lờ nói, cấp trên nhắc nhở hắn về chị nhiều lần nhưng hắn thương chị thật thà chưa nở hỏi tới. Ngày cả thằng “đạo theo” mới cóng (mà quê chị gọi là theo gạo) cũng xì mùi khắm hết chịu nỗi. Hắn nói: “Thấy cháu nay bị gọi, mai bị đòi, chú thương tình, chú đã trình với đức cha, ngài cũng thuận. Nếu cháu chịu qua Bố Liêu gặp ngài xin rửa tội, có ngài bảo vệ thì không lo gì nửa”. Cha Bố Liêu bảo vệ thì rõ là yên ổn rồi, điều ấy cả làng chị ai cũng biết, nhưng được mấy người nhận sự bảo vệ ấy, rõ ràng không có một ai. Những người cần bảo vệ, ai cũng bận thờ cúng ông bà thay chồng thay con đi xa.

Ngày “Tổ chức” thi hành án tử hình dối với tên Việt gian có nhiều nợ máu, chống phá các cơ sở nằm vùng, rình rập các gia đình liên hệ (thằng theo gạo). Đọc bản án gắn ở ngực chị cũng đồng tình, chị ngẫm nghĩ đúng cả, những tội ác ấy có nghe đến tuy không cụ thể nay bản án làm sáng tỏ thêm. Biết vậy nhưng tâm lý riêng có chút băn khoăn, xóm đã ít đàn ông, chém đầu thêm hắn càng ít hơn, lụt lội phải hộ đê, chắn đập, hàn chỗ xói, vá chỗ lở là công lớn của cánh đàn ông cả, giá như “Tổ chức” chỉ xẻo hắn cái tai. Không! Nên xẻo cái mũi khoằm khoằm của hắn có lẽ chị mừng rơn, có thể chị tới tận nhà để nhiễu cợt. Chị theo mấy người trong xóm đi chôn hắn, tình cùng xóm nhưng không cùng ước mơ. Dù sao hắn cũng là người nói năng nhỏ nhẹ.

***

Năm chị 23 tuổi, ông ngoại qua đời. Đón tin ông ngoại mất nhà chị cũng lắm tâm trạng. Mẹ do đau yếu không nhận thức được bố mình đã mãi mãi không còn trên cuộc đời, bả thành người mồ côi, cụ thể hơn, bả mất đi một thành dựa ngoài mấy đứa con. Cậu em trai thì nhảy cỡn lên reo mừng là được ăn thịt bò. Hôm đầu năm em nghe quý cậu mợ bàn nhau, ông trăm tuổi làm bò và em chờ cơ hội. Chị thấy thương ông ngoại và thương cả em. Ông ngoại đối với chị vô cùng thân thương. Hồi còn kháng chiến, sau khi bố mất, ông ngoại thương chị ghê lắm. Ông thường nói cùng cả nhà đầy đủ con cháu: chị vừa cháu ngoại vừa con gái ông. Điều ấy được thể thiện bằng việc, chị là đứa cháu duy nhất trong hàng cháu nội ngoại được một phần chia gia tài từ ông. Một cái nồi ba bằng đồng và vài thứ khác – bằng phần của mẹ và các dì. Thật ra chị đã nhận từ ông ngoại nhiều thúng lúa sau mỗi vụ gặt của nhiều năm trước đó. Trong di huấn cho cậu cả, chị có phần lúa trong ruộng đất ông để lại. Nhưng chị xin các cậu mợ cho cúng lại để góp phần hương khói. Hơn nữa, lúc này các em cũng đã lớn, cuộc sống dần dần vào nề nếp.

Đám ông ngoại thật là lớn, kéo dài đến bảy ngày. Khách khứa nối đuôi nhau vô cùng vô tận. Ông sống chân tình, chất phác, chỉ biết giúp người, ít đắn đo cân nhắc thiệt hơn nên tình thân rãi rộng cả vùng. Tràn ra vài ba quận trong tỉnh. Khác xa, khách gần, đối – trướng – liễu phủ ngập cả cái rạp mênh mông trọn nền sân bằng gạch của nhà điền chủ, tràn cả vào nhà võ cua, nhà trên. Chị thích nhất là câu viếng của một người cháu, bằng chữ quốc ngữ:

Bảy mươi thừa chín tuổi là bao sao… từ trần chi vội thế

Ba vạn sau ngàn ngày có mấy mong… hưởng thọ thêm dài lâu

Lực lượng lao động phục vụ chuyển đám khoảng hai trăm người. Hết bốn mươi tám người chia làm hai toán vào việc gánh, sáu vệ binh tay cầm giáo đi hai bên, hai ông cai tiền - hậu đứng trên nhà đồ, oai phong lẫm liệt như tướng nhà trời, hơn bảy mươi người cầm trướng – liễn – đối và các loại cờ theo tập quán địa phương nặng màu sắc Lão giáo, mà một lực lượng phù trợ mang theo dụng cụ làm đất.

Lúc sinh thời ông ngoại đã cẩn thận lo xa, tự sắm sửa cho “hậu sự” thật đầy đủ. Cái hòm ngoại sắm đâu khi nảo khi nào, lớn lên chị đã thấy nó, nghe đâu nó được sắm khi ông được 55 tuổi. Hai cái huyệt của ông và bà, đã được xây gạch cũng lâu lắm rồi. Người lớn gọi là “sinh phần”. Bộ quần áo màu đỏ dùng để liệm ông mới sắm sau này, dĩ nhiên cũng lúc ông còn sống. Ông ngoại thật là một người chu đáo tươm tất.

Gia đình phục vụ khách khứa và con cháu ngày hết một bò một heo, chưa kể những bò heo trong lễ cúng tế. Bảy ngày, bảy con bò và chín con heo, thật là quá sức tốn kém. Nhưng đấy lại là một niềm hãnh diện nhìn vẽ mặt hớn hở, tự hào của các mợ là hiểu. Tính ganh đau, khoa trương lan vào cả việc hiếu.

Hàng xóm của chị có cậu tật nguyền mà thật lắm tài. Bị mù từ thuở lên ba, do bệnh đậu mùa. Thời ấy bị bệnh đậu mùa là chết, một số nhỏ thoát chết nhưng chịu số phận mù lòa. Người may mắn nhất, xem như ngoại lệ, không chết không mù nhưng khuôn mặt bị rỗ chằng chịt to như hạt bắp hạt đậu. Khi có người ngã bệnh, cả xóm tập trung, mang tất cả các loại có thể gây ra tiếng để gõ, soong nồi, ống tre, dao rựa, trống chiêng, phèng la, não bạt… đủ thứ âm thanh vang dội cả góc trời, các phụ lão tay trái cầm cây đuốc lửa xua xua chung quanh và gầm giường người bệnh, tay phải cầm nắm roi bằng cây dâu tằm quất ngược xuôi trong không khí để đuổi tà ma. Tất cả những nỗ lực ấy ít ra đã cứu được một người, cậu hàng xóm của chị.

Với cây gậy tre dài khoảng mét rưởi huơ huơ phía trước và thăm dò vật cản vừa xác định con đường. Thế là ngõ nào, con kiệt, con hẻm ngoằn ngoèo đến đâu cậu ấy vẫn đi đến nơi về đến chốn. Cái tài nữa là độ phân biệt giọng nói, chỉ cần lên tiếng là cậu ấy có thể xác định ngay tên người quen, dù cả năm mới có dịp gặp lại.

Ai cũng hiểu cái gì đi qua giác quan đều được lưu ảnh tượng đâu đó trong kho chứa, để khi gặp lại, từ kho chứa chuyển ảnh tượng ấy lên ý thức để làm cuộc so sánh và xác nhận đã biết rồi, có gặp rồi, lần đầu hay người quen. Quá trình sàng lọc này có thể nhanh, có thể chậm, có khi thoáng qua nhận ra ngay, như nhận ra một người quen sau nhiều chục năm mới gặp lại ngay cái giây ánh mắt chạm đến, có khi phải nhờ đến các gợi ý… và có thể còn lệ thuộc sức khỏe nữa, như huyết áp cao ngay cả cái quen thuộc cũng mất mấy giây mới xác định được tên.

Cậu ấy quả thực có độ phân giải cao ở thính giác, có kho chứa tốt không sâu mọt, ẩm mốc, có đội ngũ nhân viên chuyển tải tư liệu thật cần mẫm, nhanh chóng và dĩ nhiên anh chàng thợ cả ý thức đã làm việc hữu hiệu như thế nào mới xử lý hoàn hảo các thông  số để nhận thức được đích danh đấy là giọng nói của ông mỗ.

Cậu ấy xác đinh, vẫn thấy đầy đủ chỉ không bằng mắt mà thôi.

Và chẳng có gì ngạc nhiên khi câu ấy cưới được vợ đẹp và ngoan hiền. Về sau vợ chết, lại cưới cô vợ trẻ khác. Mọi người thông cảm: “Con nuôi cha không bằng bà chăm ông”.

Tuy vậy, với một người tật nguyền gia cảnh khó khăn là lẽ đương nhiên. Thử so sánh sẽ thấy, khi ta bật lửa châm điếu thuốc thật chỉ một loáng và không cần chút công sức nào. Với cậu ấy là cả một nỗ lực chất chứa lắm khó khăn mà kết quả cũng không hoàn chỉnh lắm, khi thì thuốc chưa chạm lửa, lúc lại quá đi mất một đoạn. Thử phóng nỗi chật vật nầy lên mọi vấn đề của cuộc sống, sẽ thấy cái cậu ấy thu về từ khối công sức bỏ ra nó hạn chế biết bao nhiêu.

***

Chị đến nhà ông chú họ để nhờ cày đám ruộng nhà. Ông nói: “Cày thì cày không thì không”. Chị bối rối hỏi lại: “ngày mai chú có đến cày cho nhà cháu không?”. “Ờ, có thì có không thì không”. Đành phải ra về với lòng nặng trĩu ấm ức và nghi hoặc, nhưng biết làm sao, chú là bậc trưởng thượng của gia đình, khi chưa xác định được rõ ràng thì chỉ còn biết chờ đợi, không thể vội vã cậy nhờ người khác.

Mấy ngày qua cụ “Tiên ông thời tiết” không phát tiếng: “Haa…xìaa chạc.” Thế là thời tiết còn tốt ít ngày nữa. Cụ hàng xóm của chị đã hắt hơi là y như trời trở tiết. Nhờ vào độ chuẩn xác cao ấy mà cụ được bà con làng xóm âu yếm, thương yêu tấn phong cụ là “Tiên ông thời tiết”. Chỉ là cái hắt hơi, nhảy mũi thường tình, nhưng ở cụ lại có chút duyên dáng, điệu đàng, tính cách riêng, không thể lẫn vào ai khác, sau tiếng “Haa…xìaa” kéo dài nhiều nhịp là một tiếng “chạc” dõng mãnh, đỉnh đạc, dứt khoát. Âm thanh của sự hắt hơi “haa….xìaa” trở thành là một “dự lệnh” để mọi người chú ý, chính tiếng “chạc” mới là “động lệnh” chuyển tải thông tin thời tiết để mọi người y cứ vào đấy mà hành xử. Dù có chủ ý hay chỉ là phản ứng cơ thể cụ vẫn được công nhận đã có cống hiến cho bà con làng xóm một năng lực mà không đòi hỏi đền đáp, như hương, như sắc của hoa, như dòng nước ngọt ngào, tươi mát âm thầm nuôi dưỡng sự sống. Người ta nói không thể tắm được hai lần trên cùng một dòng nước. Ý nói nước thường xuyên luân chuyển, đi qua, đi qua… nhưng thực sự đi qua rồi trở lại. “Nước xuôi xuống biển lại mưa về nguồn”, vòng luân hồi. Hoa cũng như nước, hiến dâng toàn bộ hương sắc rồi vào tĩnh lặng, rồi lại tái hiện cũng chỉ để hiến dâng. Riêng con người, kẻ hưởng lợi, tự phải biết ứng xử để khỏi phí phạm. Cụ “Tiên ông thời tiết” không đòi hỏi nhưng xóm làng lại đền đáp theo cách riêng, hảm được nồi nước chè xanh thì tô nước đầu tiên bao giờ cũng ưu ái mang đến mời cụ, để cụ “thấm giọng”, để tiếng “chạc” càng vang xa.

Cụ còn được mời dự giỗ kỵ gia tiên của mọi gia đình. Với một trí nhớ tuyệt vời, các ngày giỗ kỵ của lớp tuổi cụ và lớp bề trên trong làng cụ đều nhớ kỹ. Đêm trước ngày kỵ chính thức cụ ghé nhà thắp tưởng niệm người quá cố nén hương, ôn lại vài kỷ niệm đã có hay kể một chuyện gì đó về phẩm chất, tính cách của người quá vãng. Bởi tính hay kể chuyện ấy cụ để lộ ra một chuyện đã được giữ kín gần bốn chục năm qua, làm bà em dâu nhà chú bác cùng cụ lồng lộn lên mặt sát cả gia đình nhà chồng bao gồm cả cụ. Số là bà em dâu vợ chú Bê, vốn được gả cho một gia đình quyền quý ở làng Dương Lệ, bản thân ông chồng hụt cũng có những thành đạt khiến nhiều người mơ ước, nhưng không phải vì niềm tiếc nuối vu vơ ấy, mà chính ông chồng quá cố của bà. Ông chồng với hơn ba mươi năm chung số đã dồn nén vào lòng bà một khối uất ức. Về nhà chồng chưa tròn hai năm, chưa kịp đẻ con, ông chồng đã vội vã rước về một bà nữa với cái cớ là không chờ đợi lâu được, ông còn bảo thầy bói nói số của bả thì chồng có vợ hai bà mới có con. Việc xảy ra đúng như thật, ngay năm đầu có vợ hai, vợ cả sinh được thằng cu bụ bẩm, kháu khỉnh, bả cũng khuây khỏa đôi chút, biết đâu thầy bói mù mắt lại sáng trí nói đúng. Trong thâm tâm bả có chút hàm ơn cô vợ hai, do tâm lý đó nên bả thực lòng thương yêu cô vợ hai, đối xử chân tình, chăm lo như hai chị em, và cũng lạ, nó có cái công bằng ngay trong sinh đẻ. Cứ năm trước bà cả sinh thì y như năm sau bà hai đẻ. Nhà bả lúc nào cũng có trẻ bò lẫn trẻ ẵm ngữa, và mỗi bà có chẵn sáu con, cộng lại là mười hai đứa. Nhưng ông Bê lại không dừng lại ở đó, ông đèo bồng thêm bà vợ ba. Bà này có cùng ông bốn con và hai đứa đời chồng trước là sáu. Tổng cộng ông có mười sáu con đẻ và hai con nuôi là mười tám đứa. Thật quá quắt, ông ở hẳn cùng vợ ba, bỏ mặc hai bà trước với một bầy con, với việc hiếu, việc nghĩa của dòng họ, làng xóm, nội ngoại, với cây hương trên bàn thờ, mồ mả ngoài ruộng đồng… ông bỏ mặc. Những lần giỗ kỵ gia tiên ông chỉ việc mang về tám thực khách. Thế mà có lần ổng còn ỏng ẻo giả quên ngày đơm tháng kỵ vác đục chàng đi đóng cối xay ở làng trên, báo hại hai bà cuống lên giục con cái chạy tìm năm bảy ngã đường, nhờ con đông vây cả làng trên xã dưới, cuối cùng cũng có đứa cõng được ổng về dự lễ cúng kỵ gia tiên. Trời sinh ra ổng để cho các bà chăm lo.

Vóc dáng đồ sộ, vai hùm chồm chồm tới trước, đôi tay khuỳnh khuỳnh, gặp ổng là có cảm giác bị ổng ôm gọn vào lòng. Lông mày rậm đen to như ngón chân cái che chở cho đôi mắt to dài buồn rười rượu, gặp ai ổng nhìn ngơ ngác như chưa hiểu chuyện gì đang xẩy ra, ông ngồi giữa đám hóng chuyển nổ như bắp rang mà tâm trí tận đâu đâu, như: “Mãi chở hồn lên tắm bến trăng sao”. Ở ông là một sự đối nghịch toàn diện, triệt để và cũng rất chi là hoàn hảo. Ông ngồi thinh lặng như “không muốn run người ra tiếng địch” (Thơ Yến Lan), nhưng “tiếng địch” lại vang vãng trong tai quý cô quý bà ru êm ru êm vào cõi thần tiên đầy mộng tưởng. Ông thụ động, đúng hơn ổng an phận, chăm ăn chăm làm nhưng quý bà lại hành xử cái quyền dẫn dắt. Chính ông thú nhận khi bạn bè trong lứa ngưỡng mộ tài chinh phục phụ nữ, ổng nói: “Mình có biết chi mô, các bà yêu cầu không lẽ không đáp ứng, ai lại kỹ tính vậy”. Điều ấy được xác nhận bởi bà hai, khi miệng tiếng về ông quá nhiều, bà cả lên tiếng phiền trách, thì chính bà hai thanh minh hội: “Ổng có nói gì đầu mà trách tội, chúng nó quyến rũ đấy.”

“Chúng nó” ở đây bao gồm cả người nói, một nhận xét rút ra từ thực tế. Ổng ngồi cặm cụi nện đất, chốt răng cho cái cối xay, thinh lặng, chú tâm vào công việc mà bà hai lúc đó đã hâm ba tuổi. Theo cách nhìn của làng quê là đã thuộc loại hâm đi hâm lại, bồn chồn đường chồng con, lại nghe như ông gọi pha nước, lúc lại nghe gọi lấy thuốc, đứng trước ổng thấy thinh thích, cảm giác ngất ngây đờ đẩn, tay ông vẫn cầm đục, cầm dùi cui mà sao bả thấy nhồn nhột khắp người ngỡ như tay ai đang vuốt ve khắp cơ thể, rồi như một định mệnh, trưa hôm sau bà đã là người trong tay ổng khi cả nhà đi ăn giỗ bên ngoại.

Nghe tiếng con Vện mừng rỡ ngoài sân, bà hai biết gia đình đã về, thay vì nhảy khỏi giường chạy trốn phi tang, bà lại ôm chặt lấy ông Bê.

Bà mẹ thấy cảnh tượng ấy lồng lộn xông vào cấu xé, ông Bê kinh hoảng cố đứng dậy, nhưng bị ôm chặt cổ thành ra ông Bê mang bả trước bụng như ẳm con nhỏ, nghiêng lưng che chắn mọi nỗi nguy hiểm, bà già giật lấy cái đảy đựng cau trầu thường giắt ở thắt lưng đập túi bụi lên người ông Bê may quá, nhờ to cao quá khổ nên ông chỉ bị đòn từ lưng mà xuống. Bà mẹ đánh đập hỗn loạn, điên cuồng, vô thức, vừa hổn hển tru tréo: “Trời ơi là trời, tui nuôi ông tay áo, có trời có đất làm chứng, nhà tui ăn rau ăn muối nhưng tui vẫn dọn cho nó có khúc cá… tui thương nó cẩn thận, khéo tay, cần cù, lam lũ… tui…tui… Trời ơi trời ơi… nó hại tui ra nông nỗi này… con ơi là con ơi… còn ai mà dại dột đến cái nhà này để xin con nữa…con ơi con ơi… Trời đất ơi, tui có tội có lệ gì thì trời tru đất diệt, sai thiên lôi đánh chết tui đi, sao lại hại con tui ra cớ sự này…. Trời ơi là trời… ông bà tổ tiên đi đâu cả mà không ngó lại cho con, cho cháu nhờ… tui về làm dâu cái nhà này đã sít soát năm chục năm, một lòng cúc cung phụng sự chồng con, chu toàn ngày đơm tháng kỵ, khói hương sóc vọng, chăm lo mồ mả, cần kiệm giữ lấy nghiệp nhà, tui đã có cái chi lăng loàn hay hổn láo mà ông bà nỡ trừng phạt tui nặng nề, quá quắt đến nước này. Tui còn làm răng mà nhìn con nhìn dâu, làm răng mà mở miệng cùng các o, các chú,…. Ông bà ơi… khổ cái thân tui… ai đổ nghiệp chướng lên đầu lên cổ tui ri…”. Ông già sau một hồi bàng hoàng tê liệt, đã tự trấn tỉnh lại được, vội kéo bà vợ ra, ông quát:

- Mặc áo vào, ra đây tui biểu.

Ông già ngồi trên cái sập kê ở căn giữa thay bộ ghế và còn dùng đựng đồ đạc gia đình, chén đĩa, có khi cả khoai, sắn nữa.

Ông bê và bà hai đứng ló xó một bên, cố lợi dụng cái cột nhà che bớt mặt mày đang tái nghét và cũng tìm thấy ở đây một chút nương tựa.

Ông già quát:

- Chuyện gì?

Bà hai giật mình càng ôm cứng ông Bê chặt hơn, cả hai “dạ… dạ…” rồi rơi vào yên lặng. Tiếng con rò ro đánh cánh ở góc hè cũng rơi vào yên lặng của không gian mênh mông vô tận như một sự lộn sòng trơ trẻn, biết vậy nó cũng im luôn. Bà mẹ ngồi ở giường kê bên cạnh – nơi bà vừa đánh đập, tru tréo kệt sức gục xuống, nhấp nhổm định nói gì đó nhưng có ông chồng ở đấy, bà lại ngồi yên, hình như trong thâm tâm bà, ổng là người phát ngôn, người đưa ra giải pháp và cũng là người quyết định, bả chỉ việc theo đó mà tiến hành, mà ứng xử…

Ông già lại quát:

Bê! Nói!

Ông Bê run rẫy: “Dạ…dạ…cháu lỡ dại, cháu, cháu….xin chịu trách nhiệm…”

Ông già hướng vào con gái – lúc ấy đang run lẩy bẩy nép trốn dưới nách ông Bê.

Lại quát:

- Mầy

Bà hai càng ép mình dán chặt vào ông Bê hơn, như cố gắng tan vào ổng, hòa vào ổng, nơi ẩn trốn, nơi ngương tựa, hay là rút ra từ đó sức manh, niềm tin, sự quyết tâm… có một điều là lạ là câu trả lời rõ ràng, mạch lạc, gồm cả tính ước lệ trong tu từ, như một câu văn viết: “Thưa, con nguyện pha nước cho anh Bê suốt đời”.

Ông già thở dài: “Âu cũng là số trời!”

Ông lại hướng vào con gái, nhỏ nhẹ:

- Bọ mự phận bạc, không được miếng cau miếng trầu trình họ, trình làng cho nở mặt nở mày, như bọ không oán trách gì con. Con đã chọn con đường đầy chông gai và khó khăn đấy, ơn trời xin cho con đủ sáng suốt. Bọ chỉ còn biết khuyên con học lấy tiếng dạ lời thưa, vào lòn ra cúi với chị Bê bên nhà để nương tựa cái thân, kiếm lấy con cái mà cậy nhờ mai sau.

Đến bây giờ bà già mới lên tiếng, có lẽ cũng là lần đầu tiên trong đời có ý ngược với chồng:

- Nói thế răng được. Chị Bê phải qua thưa chuyện với ông mụ tui đây chứ?

Ông già gạt đi:

- Thôi, mự quân đừng làm thêm rắc rối, mình đã không phải với chị Bê rồi, để chúng nó tự dàn xếp lấy. Anh chị đi đi, khi nào gia đình ổn thỏa, yên lành đã hay về thăm ông bà già này.

Bà già hốt hoảng:

- Ông nói đi là đi làm sao, còn cái cối xay của tui nữa chứ?

- À, à… thôi, mự quân lên nhà ngủ với con Hẹ, để cái chổng dưới bếp cho chúng nó. Đóng cái cối xay cho mự của các anh chị xong hãy đi.

Bà Bê cả bỏ cơm ba ngày.

Bà Bê hai quỳ bên giường ba ngày ba đêm.

- Cái đầu của em đây tùy chị định đoạt, đánh đập, đay nghiến, em chịu đựng được tất cả, không một tiếng than van, chỉ xin chị cho em cùng chị hầu nước cho ổng.

Ông Bê thì nhỏ nhẹ, nhu mì nhưng bọc cương, mềm mà cứng:

- Mình không thương tui thì tui chịu, chứ hoàn cảnh của tui còn biết làm sao, con cả mà trơ ra đó không con, người ta nói đấy là tội bất hiếu nặng nhất, tui làm răng gánh chịu nỗi, hơn nữa, thầy bói nói cái số vợ chồng mình tui phải lấy hầu mình mới có con, chính tui thương mình nên mới đem “em nó” về đây, đem về để xin mình, chứ tui có mèo mả gà đồng gì đâu!!!

Bà cả đã ngồi dậy, đã ăn cơm, nhưng trong thâm tâm bả đã vo tròn, ép chặt thành một khối uất hận mà vì danh tiếng “gia giáo” của gia đình, vì phẩm hạnh cá nhân bà phải nuốt ực xuống, phải chèn tay lên ngực nén lại để khỏi có những hành vi, lời tiếng gây tổn hại. Cơn đau âm thầm mà dữ dội lại không được rên la đã thành một nội kết về ông chồng.

Ông Bê vốn đã ít nói, bây giờ lại càng ít nói hơn, thật ra trong nhà chỉ còn âm thanh tiếng thưa tiếng trình của bà hai. Mãi đến lúc bà cả sinh thằng cu, tiếng khóc chào đời của một sinh linh bé nhỏ làm òa vỡ cả một không gian nặng nề, u ám, mang đến mọi người một tiếng thở phào khoan khoái, một hơi thở ra nhẹ nhỏm, không khí trong nhà mới trở lại là một gia đình. Lại một anh con cả, liệu rồi có thừa hưởng cái số đào hoa gắn liền cùng nỗi truân chuyên mà cuộc đời của bố cháu đã vận vào thân. Mong rằng không!

Bây giờ kỵ ông, nghe được một sự thật được giấu kín gần bốn mươi năm, lại chính người trong cuộc kể. Ngày ấy bà cũng thật ấm ức, không hiểu vì sao “người ta” từ hôn. Chính ổng và ông anh con nhà bác là cụ “Tiên ông thời tiết” đã tổ chức đám trai làng vây ông bố chồng tương lai của bả và hai lực điền gia nhân lại, đặt vấn đề. Chính cụ “Tiên ông thời tiết” đứng ra thưa chuyện. Cụ thật lễ phép:

- Thưa cụ lớn, xin cụ lớn cho chúng cháu biết cậu ấm nhà ta đi làm rể bằng con đường nào?

Cụ lớn liếc nhìn tình thế với đám trai làng lố nhố trong các bụi rậm, cụ lớn hiểu ra “Tiên lễ hậu lực”. Đã là cụ lớn thì phải biết người hiểu mình. Cụ ứng xử thật là đỉnh đạc, rõ ràng, dứt khoát:

- Này các anh, lão đây nói một là một, nói hai là hai, con trai lão sẽ không đi bất cứ con đường nào trên đất làng ta cả…

Nói rồi cụ móc ra một đống bạc trắng, biểu chú gia nhân lấy một vò rượu - có lẽ quà mang tặng thông gia, cụ lớn cười: “Lão biếu các anh chút này để đánh chén đêm trăng”. Và cụ lớn thản nhiên quay lại đường cũ. Kể từ đó, ông Bê dõng dạc bước vào nhà bả với cây roi đuối cày bốn vụ mùa hai khô hai nước rồi rước bả về.

Buổi giỗ kỵ ông Bê lần thứ tư này việc nhà rối tinh, nề nếp bị phá vỡ. Lần đầu tiên bả to tiếng nặng lời, lại là hướng về ông chồng, nhà chồng, nơi bà đã nguyện hiến dâng đời mình, sống gởi nạc, thác gởi xương, bả đã đi ngót gần bốn mươi năm và tuổi đời của bả cũng gần cúng cơm một chén. Giá như chuyện cũ đừng khơi dậy thì nỗi uất ức nén chặt của bả cũng theo ổng mà xuống năm thước đất.

Khi biết chuyện ông Bê bỏ nhà theo vợ ba, cụ “Tiên ông thời tiết” thuở trai tráng với dáng người nho nhã mà bà con miêu tả một cách hình tượng là trói gà không chặt ấy, được sự hỗ trợ của đại vị “ông anh” hùng hổ thộp cổ áo chú em to cao, chiều cao được so sánh là lấn lướt thằng Tây nhà máy đèn trên tỉnh, vạm vỡ như cái cối xay lúa, chất vấn: “Mày bỏ bê gia đình theo vợ nít là sao?”. Chú em trả lời: “Anh nói thế là đúng, nhưng không đúng với suy nghĩ của tui, không phải theo vợ nhỏ mà là theo con nhỏ”. Cụ buông tay, thở dài, bỏ đi. Từ đó cụ không tham gia bình luận chuyện chú Bê, nhưng nỗ lực thăm viếng, hỏi han, góp ý với gia đình chú Bê nhiều hơn, có lúc bà em dâu than vãn chuyện ông chồng, cụ cũng chỉ nói: “Thím nói vậy thì tui hay vậy, chứ còn biết nói làm sao”.

Hôm nay, chính cụ gây ra sự cố. Sau mấy phút bàng hoàng, cụ trấn tĩnh lại, điềm đạm hỏi:

- Mọi sự việc xẩy ra hôm nay là do tôi, lỗi của tôi, tôi thành thật xin lỗi quý chú bác, cô dì anh chị em và các cháu.

Cụ thắp lên bàn thờ gia tiên nén hương và khấn, lời rõ ràng như nói chuyện bình thường chứ không như mọi lần là khấn thầm, có lẽ cố ý cho bà em dâu nghe, cụ khấn:

- Việc trước cần làm tui đã làm, việc sau đúng là tui sai, tôi xin tạ tội cùng gia tiên.

Tờ mờ sáng, nhìn ra đám ruộng loáng thoáng hình như có bóng trâu cày. Chị nhìn kỹ lại, đúng rồi, ruộng nhà đang được cày. Vội vàng thổi nồi cơm để mang ra, chắc chắn là chú rồi vì chị có cậy nhờ ai khác đâu, nhớ câu “Cày thì cày không thì không” chị thấy vui vui trong lòng, những người chung quanh chị sao mà dễ mến dễ thương.

Chị nói như một lời chào: “Mời chú lên ăn chén cơm lót dạ”, ông lại nói: “Ăn thì ăn không thì không”, nói vậy nhưng chú cũng dừng cày. Thấy có cái cuốc để bên đường ruộng, chị hỏi. Chú nói, để trưa cho trâu nghỉ chú cuốc mấy cái góc luôn. Lòng chị rộn lên niềm thương yêu vô bờ, dân gian có câu: “Sẩy cha còn chú” nhưng đây chỉ là ông chú họ, chị không được quyền bấu víu ông nhiều. Chị nói: “Chú cứ nghỉ trưa đi, ngày mai cháu cuốc cũng được”.

- Ừ, cháu cuốc thì rõ là được rồi, nhưng chú muốn góp chút công nghỉ trưa gọi là động viên cháu, đứa cháu giỏi giang nhưng chịu nhiều thiệt thòi của chú.

Chị nghẹn ngào, nửa sung sướng nửa tủi hờn. Thật lòng chị không muốn cậy nhờ cái mà chị có khả năng làm, nhưng chú đã nói vậy hãy nghe vậy, chú có tấm lòng phải biết đón nhận để chính chú được vui.

Ăn trưa xong chú xách cái cuốc đến chỗ chị đang rũ cỏ cho trâu ăn. Chú hỏi:

- Cháu có mang thuốc theo quấn cho chú một điếu. Khi cày thì không cần vì có con trâu làm bạn, còn cuốc không có điếu thuốc buồn lắm.

Chị cười: “quấn thì quấn không thì không”

Chú trở cán cuốc lại nhịp vào vai chị một cái khá đau:

- Ta nói thì được, còn cháu thì không. Mọi việc theo đó mà suy xét, ứng xử. Nhớ lấy. Chị cảm thấy ơn chú vô cùng và tâm niệm ghi nhớ điều răn này suốt đời

***

Cậu em mang cái Phái quy y ra khoe – khi chị gánh gạo lên gửi cho bà mợ để em ăn ở đi học cho gần. Em nói đến gia đình Phật tử mà em sinh hoạt, những bạn mới, những anh chị huynh trưởng, có bác gia trưởng nữa. Nghe em nói chị cũng yên tâm dần, người tốt cả thôi. Em còn giải thích thêm về Phật giáo. Nơi mục Tôn giáo khi khai lý lịch ghi là Phật giáo. Khai lý lịch thì chị khai e cả chục lần, chị nhớ mang máng ở mục ấy, khai “Thờ cúng ông bà”, thằng lấy lời khai viết chữ “lương” chị cũng không bận tâm cải chính, về sau chị còn theo hắn nói chữ lương cho tiện. Chị trầm tư, dòng họ của chị đến đời em là thứ 14, chã nghe ai có Tôn giáo, em chị là người đầu tiên. Nghe em vào chùa quy y rồi, nhưng thấy em vẫn ngoan ngoãn, vẫn biết vâng lời, thế là chị mừng, còn tôn giáo hay không là việc của em, em có học có hành tự quyết định lấy, hơn nữa em lớn rồi chị không muốn can thiệp quá sâu.

Nhìn em trắng trẻo bảnh bao chị thấy mát lòng, mát dạ. Nhớ hôm ở chỗ bọn An ninh, có câu thanh niên non choẹt dáng dấp nhanh nhẹn vui vẻ, thấy chị ngồi chờ dả dượi giữa trưa nóng nực, cậu ấy mang cho chị ly nước. Có chút vui vui trong lòng, chị thân thiện hỏi:

- Cậu còn trẻ vậy mà đã Cán bộ rồi à?

- Đâu có chị, em đang học năm cuối, xin về đay lấy thực tế để viết luận văn

Chị nói: “Các cậu sướng thật, Chị khổ quá, chỉ vì vợ Vệ quốc đoàn”.

Cậu ấy trả lời gọn gãy, rõ ràng không chút đắn đo, như thể lấy đồ vật trong túi, làm chị suy nghĩ rất nhiều.

Một phần thôi chị ạ! Còn lại vì chị đẹp.

Cái gì làm lẫn lộn tùm lum trong khoảng thời chị sống thế này nhỉ? Đẹp cũng cộng thêm tội. Đẹp cũng là cái tội ư? Cha mẹ sinh ra mà, chị có lỗi gì.

Chị đẹp, điều ấy chính chị cũng khẳng định được, chỉ cần soi vào mắt người đối diện; các cô mới lớn còn suýt xoa mơ ước nữa là.

Về đến nhà, lại thấy lệnh đòi. Riêng An ninh gọi chị đã liền tù tì, còn gấp mấy lần cái thời bọn chỉnh huấn, chưa kể thằng ở xã. Thằng nào cũng gây được khó khăn cho chị. Đến thằng xịt muỗi cũng làm chị mất hơn mười ngày lên quận khai báo.

Đó là buổi chiều, cứ ngỡ toán xịt muỗi đã gần hết giờ chắc nó nghỉ, xóm chị có lẽ ngày mai cơ. Chị đem con heo ra thiến, đang giở việc thì nó vác bình tới. Thực tình chị chưa biết xử trí làm sao, thoáng có ý định năn nỉ nó qua nhà khác trước. Nhưng chuyện lại xẫy ra bất ngờ lái qua một hướng khác. Thằng xịt muỗi sàm sở lầm người, nó không coi ngày tốt, không trúng giờ hoàng đạo, nó gặp hạn vận, nhưng trên tất cả nó là thằng ngu, chưa biết lượng định. Nó vòng sau lưng ôm lấy eo chị. Chị cố chịu đựng, sợ vùng vẫy làm chết con heo, nhưng nó lại hiểu làm đã “êm êm” nó lấn tới, nham nhở: - Đẹp thế này mà sờ dái heo, phí quá, anh đây nè! Chị lộn tiết lên đầu, bất cần đến sự sống, sự chết của con heo, vứt kim chỉ đang may vết thương dở, chụp lấy con dao, chị quay lại, thong thả chỉ tay ra ngõ, nói chầm chậm, rõ ràng: - Mầy cút khỏi nhà tau ngay, một giây chậm chạp là treo cổ lên thang thiến như con heo nầy nầy! Hắn co giò phóng chạy bỏ cả bình xịt, chị phải mất công cất vào chái, đến nửa tháng sau mới có người đến nhận. Cũng trong thời gian ấy chị đã ba lần bị gọi lên An ninh để trả lời hành động chống chính sách diệt trừ sốt rét ấy. Vẫn một câu hỏi: - Ai ra lệnh chị làm – Ai bảo chị làm – Ai khuyên chị làm? Nói gì chúng nó cũng không hiểu. Cuối cùng đâm liều chị hét toáng lên: - Chính thằng côn đồ ấy định hiếp dâm, nó ôm cứng lấy người tui. Té ra cả hai người, thằng xịt muỗi và chị, không ai khai chi tiết “ôm eo” ấy cả, thì chắc chắn những lời sàm sở, nham nhở, đê tiện ấy cũng không được lập lại. Ở làng, lứa tuổi chị còn nặng mặc cảm bị đàn ông ôm vào người, chị là người cứng cáp cũng chưa thoát được tâm lý giới tính ấy. Bởi vậy chị xấu hổ né tránh, chỉ diễn tả lanh quanh, chị nói “chữ” cho đỡ ngượng, nào là thái độ bỡn cợt, hành vi thiếu đúng đắn, nào là nói năng khiếm nhã, nhiều từ thiếu lễ độ. (Tội nghiệp mấy thằng An ninh, bị cáo khai như vậy, cho dù mồ ma cụ cố của hắn có tung hòm đứng dậy cũng khó giúp hắn tìm ra hướng. Khi cơn liều của chị bùng lên, chúng nó mới ngớ người… Té ra chuyện… con heo).

Ngày Phật đản năm ấy chính quyền Diệm không cho chùa chiền, tư gia Phật tử, treo cờ Tôn giáo. Phật tử biểu tình đòi được treo cờ, đòi được đối xử bình đẳng cùng các Tôn giáo khác. Có lẽ cậu em của chị cũng có tham gia, em là Phật tử mà. Lại nghe lựu đạn nổ người chết la liệt, chị hốt hoảng chạy lên tỉnh tìm em. Mới biết chuyện xẩy ra gay go ở Huế, cách Quảng Trị xa, nhưng chị cũng hết sức lo lắng, thái độ của em tỏ ra thật căm phẩn, em ngày đêm chạy xuôi chạy ngược cùng các anh chị lớn tuổi. Chị ở lại với em mấy ngày, lòng chị thật bồn chồn, nhưng chị vẫn cắn răng không một lời can thiệp vào suy nghĩ, hành động của em. Chị tôn trọng quyền của em.

Họ nghĩ ra thật lắm điều kỳ dị. Em và những anh chị lớn tuổi đã bí mật in hình chữ “Vạn” – biểu tượng của Phật giáo lên mai con cua biển, con to nhất mà họ kiếm được, bằng cách khắc hình chữ “Vạn” lên thanh sắt, nung nóng rồi ấn lên mai cua như người ta đóng dấu vậy. Và thật hiệu quả, một hình chữ “Vạn” thật sắc sảo, thật tự nhiên, thật rõ ràng nằm trên lưng con cua biển. Lại bí mật thả xuống biển Triệu Vân. Dân biển đánh bắt được con cua có hiện tượng lạ đã  tổ chức cả một đoàn rước thu hút được gần nửa dân số quận Triệu Phong, mở cờ dóng trống, lọng vàng che kiệu để cung thỉnh cua về chùa Tỉnh hội. Đoàn rước đi bộ khoảng trên dưới 20 cây số, dọc đường có những Khuôn hội cung nghinh bái vọng  cũng rất tự phát và cũng rất nhịp nhàng. Phật tử thị xã Quảng Trị nghe tin vội vã chạy đón, dù vậy cũng thật đông đảo, dàn xuống tận đập Rù rì cũng khít khao với thời gian của toán đầu đoàn rước vừa qua khỏi xóm Hà. Các bài phát biểu cũng rất bất ngờ, chẳng có cái gì được chuẩn bị cả, kể cả con người, Phật tử reo hò đề nghị, yêu cầu, tấn phong lên phát biểu ngay trong lúc ấy, tuy vậy các bài phát biểu đều có tính nhất quán và cũng kịp trích dẫn Kinh sách nói về đức kham nhẫn chịu đựng hoạn nạn để nuôi dưỡng ngọn lửa niềm tin.

Tổ chức mà không tổ chức, chuẩn bị mà không chuẩn bị. Thật không lạ gì, Phật tử Quảng Trị là người duy nhất trên cả miền Nam (vào thời điểm ấy) giương được lá cờ Phật giáo (dĩ nhiên có cả cờ ba que nữa) lên nền trời tung bay phấp phới trong gió. (Về sau, không hiểu sao chả thấy ai nhắc lại kỷ niệm nầy).

Chị lại bị An ninh gọi. Lần nầy thêm tội mới, nó hỏi chị làm cái gì trong nhóm Phật giáo tay sai Cộng sản ấy. Thực tình chị không biết cả Phật giáo cả Cộng sản ấy. Chị chỉ lo cho cậu em. Nó răn đe cảnh cáo rồi cho chị về. Ra khỏi cổng quận Triệu Phong, ruột gan chị lại nóng cồn cào, chị lo cho em quên bẳng cả lời cảnh cáo. Chị chạy thẳng lên chùa Phật học tìm em, không có. Chạy về nhà mợ nghe nói qua bên trường, lại chạy đến trường Nguyễn Hoàng, lại nghe trường Bồ Đề, chị chạy ngược lên trường Bồ Đề. Ở đó họ nói em theo đoàn về đưa kiến nghị dưới Tòa tỉnh. Lại chạy về Tòa hành chính tỉnh. Thấy chị hốt hoảng bơ phờ, em cũng hốt hoảng theo, hỏi chị có việc gì? Chị thì còn có việc gì nữa, nhìn thấy em là đủ rồi. Sự thực là vậy nhưng chị không biết nói làm sao. Em trấn an chị, còn véo vào má chị. Chị cảm thấy hồ hởi, em chị đã thực sự lớn rồi. Ở làng, tuổi ấy đã ngắm nghé hỏi vợ rồi đây

Chị yên tâm ra về. Qua khỏi cầu Ba Bến có hai thằng An nin đón sẵn – tụi An ninh thì chị nhẵn mặt từng thằng – chúng nó bỏ chị lên xe Jep chạy thẳng về quận Triệu Phong, tống chị vào phòng giam không nói nửa lời.

Cuối cùng nó cũng thả chịn ra vì chị có làm gì đâu, có biết gì đâu.

Thằng hỏi cung có nhắc đến việc, mà theo hắn là chị cầm đầu đám đàn bà con gái làm náo loạn ở bốt Bèng đòi chồng đòi con hồi 54 ấy. Hắn hỏi chồng, con chị là ai trong đó. Chị ngồi im thin thít, thật không biết trả lời ra làm sao. Hắn nói còn thấy mặt chị đâu đó sẽ tống vào tù và đừng mong có ngày ra. Rồi đuổi chị về.

Đó là lần cuối cùng An ninh quận Triệu Phong hạch sách chị.

                                                 

                                                                                                  L.T.T

 

 
Lê Tâm Tiềm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 190 tháng 07/2010

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

19 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

19 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

19 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

19 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground