Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người vợ Vệ quốc đoàn

R

a trường, một may mắn nào đó không biết, nghe đâu có một thầy Tuyên úy đỡ đầu, em được phân về BTL Quân đoàn I. Bộ phận quân huấn. Chị hỏi: “Có phải dạy người ta bắn súng không?”. Em trả lời: “không phải, đại loại là hoạch định và quản lý còn cái cụ thể nơi khác làm”. Chị không hiểu, và chị chẳng cần hiểu, em không phải vác súng đi trong rừng, trong rú, ngủ bờ, ngủ bụi là chị mừng. Chị chỉ cần có thế. Sâu kín hơn, cũng có thể chị sợ anh, em đối đầu, dù chưa bao giờ chị nói ra.

Suốt bao năm trời có thằng em là Sĩ quan trong nhà mà chị hoàn toàn mù tịt về các trận đánh mọi nơi, mọi hướng. Ngoài chợ tụm năm, tụm ba kể vanh vách chiến thắng nơi nầy, diệt tan nơi nọ.Trung đoàn Bắc việt nầy bị xóa tên, Trung đoàn nọ không còn một mống. Hỏi, thì em nói: “Đâu có, mấy thằng Du kích, cái nhóm địa phương ở đấy, nó quấy”. Có hôm đạn bom, máy bay, pháo sáng làm rầm trời từ nửa đêm cho đến sáng. Thành phố báo động, còi ụ vang trời, em cũng bị gọi vào trại. Trưa em về, chị lo lắng hỏi: “Đánh đâu mà dữ vậy?”. Em nói: “Đánh đá gì đâu, nó trút bom, trút đạn để lĩnh cái mới”. Chị bực mình: “Ngoài phố không ai nói như em cả”. Em lại ôm vai chị, lại nịnh bợ chị, lại khen chị đẹp, lại cười: “Cái họ tuyên truyền tất nhiên là khác cái em nói thật mà chị”.

Từ lâu chị đã nghĩ em lớn rồi, chị cũng nhiều lần nói em lớn rồi, nhưng hình như ở một góc sâu thẳm nào đó trong chị chưa công nhận em lớn, chính chị cũng không phát hiện ra, không biết tới. Nó lộ hình ra ở chỗ chị chưa hề tâm sự cùng em những gì sâu kín, nén chặt trong tâm tư, những khát khao, những ước mơ, và ngay cả những khó khăn chị phải đối mặt. Cụ thể, chị chưa một lần nói với em về anh, mà anh thì luôn luôn hiện diện trong tâm thức chị, cùng hít thở, cùng làm việc, cùng ăn, cùng ngủ, cùng trăn trở, lo lắng, khóc lóc… có lúc nào không có anh nhỉ. Hình như anh là của riêng chị, bầu trời của chị, chiều không gian của chị… thoáng ân hận, cảm thấy có chút ích kỷ sao đó. Phải có lúc nói cùng em.

Ở chợ về, thấy em ngồi đọc báo trước hiên, chị thăm dò: “Báo có nói vụ bắn chến hơn chục Việt cộng ở Điện Bàn. Toàn nói giọng Quảng Trị cả”. Em cười ngất, ngồi xuống nền hiên nhường ghế cho chị, nói: “Chết, đến thở còn nhác không thèm nữa, có mà dại nói cho chị nghe giọng Quảng Trị”. Hai chị em cùng cười. “Đùa em tý, chứ mình người Quảng Trị sao lại nói lời hung dữ ấy”. Chị với tay lôi em lại gần:

- Em à, chị thường mơ thấy anh về.

Em buồn buồn:

- Dấu hiệu tốt chị ạ, anh phải nghĩ về chị ghê lắm, chị mới mơ thấy anh.

… Tình hình đã quá sức tồi tệ, nghe đâu Quân đội đã bỏ phần còn lại của Quảng Trị, và khả năng bỏ Huế cũng đã rõ ràng. Cậu em lại đang theo đoàn đi thanh tra công tác huấn luyện tại Huế. Chưa có lúc nào chị thấy mình bất lực như thế nầy. Xe từ Huế vượt đèo vào nờm nợp bất tận. Xe Đà Nẵng ra Huế thì hoàn toàn không có. Mỗi một cái đèo Hải Vân đã ngăn cách được chị, nó chắn ngang con đường, làm cản trở vòng tay âu lo giang rộng như bầu trời che chở cậu em của chị. Chị căm thù cái đèo Hải Vân ngang ngược, quái ác, chị căm thù sương mù, hơi đá phủ kín không nhìn được xa hơn, không nhìn thấy được em, chị căm thù Quân đội đã phái em ra Huế, chị căm thù cả những chiếc xe vội vả hốt hoảng chạy qua mà chị gào thét tên em xe vẫn lạnh lùng không dấu hiệu em trên đó. Những chiếc xe đáng ghét ấy, chị mỏi mắt trông chờ nó cũng không còn lò đầu ra khỏi vùng sương núi nữa. Súng đạn nổ trên đèo. Lại nghe đèo Hải Vân hoàn toàn bị cắt, lại nghe Huế bị cô lập, lại nghe Tướng Phú gào thét “tử thủ”, lại nghe Quân đội bắn nhau loạn xạ tranh cướp con đường về cửa biển Thuận An, lại nghe giành giựt bến phà Tân Mỹ, lại nghe đọng lại đông nghịt tại bãi biển, một quả đạn pháo nổ hằng trăm người chết. Tất cả họ đang ngong ngóng ra tàu lớn neo đậu tận ngoài khơi xa. Lại nghe những chiếc ca nô vào đón đã bị bắn chìm, lại nghe biển cả đã thực sự ngăn cách con người với tầu đón. Lại nghe cũng có những chiếc tàu đón được người vào Đà Nẵng.

Chị lại chạy về cầu Đa Lát nơi hàng trăm nghìn người đang chen lấn xô đẩy dành chỗ để đón thân nhân. Lại chiếc nầy đến chiếc khác, lại lớp này đến lớp khác, những bà vợ reo vui, những bà chị mếu máo, những bà mẹ ngất xỉu vì sung sướng, riêng chị vẫn hốt hoảng, lo lắng, ngơ ngác… Thấy tên lính, có lẽ người ở tỉnh xa không ai đón, ai mừng chi cả, chị níu lấy tay hắn, hỏi em. “Sĩ quan hả? Đừng hy vọng. Chúng nó bỏ chạy lấy thân, tụi nầy đã bắn cả loạt rồi. La Sơn có, đèo Hải Vân có, Phú Thứ, Tân Mỹ, Thuận An gì cũng có, ra đấy mà tìm xác”. Chị buông tay người lính, đờ đẫn bước đi, đi trong vô thức, nhiều dòng người xuôi ngược, dòng người có chị lại xô đẩy về thành phố. Gặp đường Trương Nữ Vương chị hốt hoảng chợt tỉnh, lại tất tả chạy ngược về cầu Đa Lát. Lại chen lấn, chui lòn, chiếm chỗ có thể nhìn rõ từng người lính lên bờ. Dòng người hân hoan lên bờ, dòng người òa vỡ niềm vui reo mừng chào đón… chị thẫn thờ chìm vào đám đông, như lẫn tránh, như che dấu, như tìm nơi nương tựa trong cái đám đông vô vọng dật dờ.

Súng lại nổ giữa lòng thành phố. Chưa phải Quân giải phóng, tiếng súng khai mào của sự hổn loạn, lính buông bỏ kỷ luật, buông bỏ đơn vị, mà có muốn có đơn vị cũng chẳng tìm đâu ra, mạnh ai nấy chạy, từ mọi ngả đường, điểm đến là Đà Nẵng. Thành phố trở thành cái oi chứa đủ thứ, dĩ nhiên con to lấn chỗ nhiều hơn, người có súng mạnh hơn; chính quyền buông bỏ trách nhiệm quản lý, lo giành giật chỗ máy bay, mà có muốn gồng mình vãn hồi trật tự cũng không thể được nữa rồi, nhanh chân còn hy vọng thoát được viên đạn ưu ái của “chiến hữu”, còn có cơ hội để khoác lác, còn nâng bi đở… còn viết hồi ký nữa chứ, để vo tròn bóp méo thanh minh đổ lỗi, còn thay trắng đổi đen.

Kẻ cơ hội tận dụng thời cơ, tung ra mỹ từ “Lực lượng thứ ba”, người dân chả ai hiểu ba hay bốn, nhưng mơ hồ cảm giác như một kẻ đứng giữa vô can, và ai cũng có ước muốn làm người vô can, chưa phải bên thắng, thì cũng không phải bên thua, ai ai cũng vội vả may, dán những lá cờ Phật giáo bằng vải, bằng giấy để cầm tay, để cắm nhà, có người cẩn thận sơn hẳn vào cửa. Trong chốc lát thành phố biến thành rừng cờ Phật giáo (nếu Phật giáo có một giáo chủ toàn cầu, quyền uy, thì dịp nầy cũng nên mời ngài thăm thú giáo tình). Có thể nói cờ Phật giáo đón Quân giải phóng khi vào thành phố. Cũng phải ghi nhận cờ Phật giáo đã nâng đỡ, ổn định được lòng người trong phút hoang mang.

Cái mũ tai bèo “không làm đau chiếc lá trên cành” ấy lại có phép tiên, nó xuất hiện ở đâu thì tình hình an ninh, trật tự, được yên lành, im ắng, đâu vào đó nụ cười lại nở trên môi của người có chính kiến và người không có chính kiến, của phe ta và của cả đối phương, vì ai ai cũng biết được mình còn sống sau cơn hỗn loạn. Chiếc mũ tai bèo trở thành lá cờ cứu tinh, người bảo đảm mạng sống, được mọi người có mặt tại thành phố ngóng trông.

Khu phố chị ở đón Quân giải phóng trước, cũng có lác đác vài ba lá cờ Phật giáo của mấy em thiếu niên lanh trí, còn đàn ông, họ bận rộn việc khác. Lính phá kho gạo nào là họ có mặt khuân vác về khu phố, về nhà. Anh Ba xích lô nói: “Giải phóng vào chậm thêm ngày đêm nữa, khu phố ta trở thành các Đại bài gạo”. Nhà chị cũng được ném cho hai bao, không rõ ai đưa vào. Chị hỏi có ai gửi gạo ở đây không, chả ai lên tiếng, lão thầy cúng nói với qua: “Của chị đấy, cất mà dùng”. Chị hỏi nhà hàng xóm có cần gạo chia một bao, họ bảo gạo tràn cả nhà không còn lối để đi.

Quân giải phóng vào thành phố được vài ngày, mọi sự đã gần như yên ổn, ít ra cũng thấy người ta dọn dẹp nhà cửa, vén séo đường sá. Chỉ có một cái khác trước, một hình thái của hoang mang – mọi người yêu đồ cũ – trước đây nhà không có TV. Cũng mua bộ ăng ten dựng cao lêu nghêu, chừ xe cộ nhét vào bếp, giày dép đá xuống hầm cầu thang, gầm giường, áo quần phải chà giữa nền nhà trước khi mặc. Anh Ba xích lô gom được sáu bộ quần áo trong nhà, ra phố đổi được một ôm toàn cả đồ cửa hiệu, hàng Ý, Nhật, Mỹ, Đài Loan, bộ nào cũng thơm nức, thân vải mát lạnh, êm như ru… anh cười: “Đã có dấu hiệu đổi đời, ta mặc hàng xịnh, chúng nó mặc lao động”, anh chép miệng: “Giá như giải phóng sớm hơn hai tháng, anh không phải bán bộ xích líp một chiều để sắm đồ cho thằng thứ ba cưới vợ”, anh nâng lên một bộ: “Bộ nầy còn đắt hơn bộ làm bộ cưới vợ của con anh đấy nhé”.

Chị về, cả khu phố bu lại hỏi thăm. Mấy ngày nầy chị quên bẳng cả mẹ, hàng xóm chăm cơm chăm nước cho cụ. Cụ vẫn thinh lặng, ngơ ngác, cụ không nhận thức được vắng mặt anh con trai, nhìn cụ thấy tội nghiệp. Chị nằm xoài xuống cái ghế bố mà em vẫn nằm, mặc cho mọi người kẻ ngồi người đứng chung quanh, chị vắn tắt: “Chưa có tin”. Mọi người chùng xuống ai cũng chia sẽ cùng chị từ trong tâm can, lão thầy cúng chừng như cố làm giảm nhẹ không khí nặng nề, lão nói: “Phúc tướng của cậu ba vượng đức, có quý nhơn phò trợ. Cậu ba không gặp chuyện xấu đâu, hãy tin lời tôi”. Người nói cũng không tự tin lắm, lấy đâu để người khác tin, nhưng trong hoàn cảnh nầy mọi người đều đồng lòng cùng lão, ai cũng nói chính họ nhận thấy như vậy. Tấm lòng của bà con lối phố đã chi phối được chị, đã vực chị dậy, nâng đỡ chị vững vàng nghĩ đến kế hoạch ngày mai. Chị định mờ sáng là có mặt tại đầu chân đèo để có chiếc xe nào chạy ra bám theo. Xe vô thì quá nhiều, mà xe ra thì chưa có. Anh Ba xích lô quả quyết ngày mai chắc chắn có xe, anh tình nguyện chở chị bằng xích lô ra tận đèo. Cô con gái lão thầy cúng dành quyền chăm lo bà cụ: “Cô đi mấy ngày cũng được, mấy tháng cũng được” Cậu cả con anh Ngộ nói: “Lỡ cụ trăm tuổi tụi cháu chôn”. Mọi người ngả qua rầy la cậu cả: “Miệng ăn mắm ăn muối”. Dù vậy không khí đã có phần chuyển hướng, người ta nói nhiều thứ chuyện hơn. Anh Ba than phiền mụ vợ không biết điều, ghen chuyện anh chuyển xuống cô Phấn cuối ngỏ mấy bộ đồ màu đẹp, anh nói: “Màu ấy mà bu tụi nhỏ mặc được à, cô Phấn mặc thì đẹp”. Cánh đàn ông có dịp cười kha khả, ai ai cũng quả quyết có gặp anh Ba chở cô Phấn đi đâu đó nhiều lần. Chị Ba nguýt lên nguýt xuống nhưng cũng biết tỏng tin vào mấy ông ấy có mà bán thóc giống, tuy vậy chị cũng dạy anh Ba một véo nhức thấu xương.

***

Anh Ba xích lô thế mà sáng suốt. Đúng là có xe thực. Đã có hai chiếc to như xe của lính chạy ra, xe nào cũng có ảnh Bác Hồ vẫy tay chào đồng bào. Anh đã nổ lực khoa tay, ngoắt mũ mà họ vẫn không dừng. Anh nghĩ phải “mẹo” mới hy vọng. Nghĩ là làm, đưa chiếc xích lô ra choán phần đường trong chạy ra – phần chạy vô thì xe nối đuôi nhau nờm nợp rồi – tháo bánh trước, khóa chặt phanh, như một đống sắt bất động đổ nghênh ngang vậy, anh xách mũ ra lề đường đứng. Chú Bộ đội dừng xe nhảy xuống: “xin đồng bào nhường đường, tôi đang đi công tác”. Anh Ba đề nghị cho chị quá giang. Chú Bộ đội xẳng giọng: “Không có lệnh chở đồng bào”. Anh cũng xẳng giọng theo: “Hoặc cho quá giang, hoặc chú cán lên xe tui mà đi, tui lên trển đền xe mới”. Chú lái xe ngao ngán, gải gải tai: “Lên đi, chỉ tới Phú Bài thôi đấy”. Chị mừng quá, chỉ cần vượt được đèo Hải Vân, còn đâu chị cũng đi bộ được.

Nhìn cậu lái xe, chị nghĩ Quân giải phóng ai cũng trẻ. Thực ra chị mới gặp được hai người. Xế trưa ngày hôm qua, chị bắt chuyện với cậu lính đội mũ tai bèo. Cậu ấy gọi bằng mẹ, chị thấy lòng nao nao, nếu không có chiến tranh, nếu chị không có hoàn cảnh riêng, có thể con chị cỡ các cậu đây. Nếu đêm tân hôn may mắn có bầy thì bây giờ khi gặp lại anh, một chàng trai chắc đậm như anh được chị giới thiệu sẽ ôm chồm lấy anh, và chị sẽ ôm cả hai người trong vòng tay mình thật sung sướng biết bao nhiêu. Nhưng đấy cũng chỉ là những cái “giá như” nó xãy ra… Chừ chị vẫn một mình trên đường tìm em, tìm chồng. Chị hỏi cậu lái xe, cũng câu hỏi với cậu trước, là có biết, có nghe ai nói đến một người như vậy, như vậy. Cậu lái xe lắc đầu. Cũng phải thôi, tuổi tác chênh lệch quá.

Dò hỏi những nhà gần khu vực La Sơn, chả ai biết nhiều, thấy từng đoàn, từng đoàn bị dẫn về phía thành phố, họ chỉ biết có vậy; hỏi chỗ lính bắn Sĩ quan, mọi người đều ngơ ngác, có một chị còn trẻ đưa ra nhận xét: “nếu có thì ít nhiều đã nghe”. Chị cũng không hiểu ra làm sao, chính cậu lính ấy nói mà.

Lần mò về thấu thành phố. Chị thấy Huế có thưa thớt đôi chút, nhưng vẫn buôn bán ngược xuôi, như cuộc sống đã lại bình thường. Phải thôi, Huế đã Giải phóng hơn tuần rồi. Gặp vài chú lính, mũ cối nghiêm trang đứng gác, thay Cảnh sát trước đây. Nhà chị bạn vẫn tất bật với đủ loại chè. Chị ấy mừng rỡ, ôm chồm lấy chị: “Còn thấy được nhau là mừng rồi”. Qua chị ấy biết được họ tập trung tại cây số 23. Chị ấy cũng nói có chen lấn dành đường về Thuận An chết khá nhiều, phần đông là dân chúng chạy loạn, do bị xe lính cán băng lên người mà chạy.

Dù đã muộn nhưng nóng lòng quá chị lấy xe đạp ra cây số 23. Đến nơi mới ý thực một việc làm vô ích. Cậu Bộ đội gác cổng không biết có em hay không, và cũng không có cách gì để loan tin, để tìm kiếm. Cậu ấy nói: “Lùa như lùa đàn vịt, ước khoảng cả vạn” Chị cảm thấy mừng, đông đến thế chắc chắn có em. Chị vào xóm xin nghỉ lại ở ngôi nhà đầu tiên để sáng mai trở lại tìm em cho gần.

Khu định cư cây số 23 khá ngăn nắp. Chị lục tìm hết dãy nầy qua dãy khác không sợ bỏ sót. Gần một ngày sục sạo, cuối cùng cũng gặp, có người quen biết em mang lại. Khi đó em đang lóng ngóng ngoài đường để hy vọng gặp người vô Đà Nẵng. Trong túi áo em có đến 10 tờ thư một nội dung nhưng chưa gởi được tờ nào. Trong túi xách của chị chỉ có vỏn vẹn một món quà, đấy là cây thuốc Ruby Quân tiếp vụ, em thường hút và có sẵn trong nhà. Chị mang ra chia đều cho mọi người, chị cũng dành một gói: “để mời mấy cậu lính”.

Thấy chị nhìn chăm chú, xét nét, em nói: “Tốt lắm chị ạ, ngày 5 lạng gạo, 5 người 2 lon thịt hộp cỡ trung trung, rau thì đủ loại ngoài vườn ấy (dân cho)”. Chị nhận xét: “Sướng hơn hồi chị ở tù nhiều”. Em cười: “Đây chưa phải ở tù, mới tạm tập trung để phân loại, mà chủ yếu là giữ lại nuôi cơm cái lũ vô gia cư nầy, để nó khỏi cướp giựt ngoài phố”. Em nói tiếp: “Chị nên về quê đặt liên lạc để đón anh”. Lòng chị lại rộn ràng, muốn đi ngay, chợt nhớ ra chị ngoái lại cậu em: “Anh ở Liên Xô về thế nào được?”. Em vẫn thản nhiên: “Thì cứ làm đi, biết đâu nghe tin vui anh ấy bay về liền”. Cậu em hỏi mẹ, hỏi hàng phố. Chị kể chuyện đón xe, kể chuyện không khí khu phố. Hình như mỗi một biến động của thời thế, của xã hội đều có mang đến cho bà con chút gì đó vui vui. Em xa xăm: “Tính chất của một tầng lớp lao động nghèo khó ở thị thành là vậy, như chiếc thuyền, nước sông nước biển gì cũng là nước, thuyền vẫn nhởn nhơ”. Chị nghĩ đến xóm Đông Bội những năm tháng chiến tranh, con người thật vô cùng khó khăn và khổ sở, nhưng mọi người sống bên nhau chở che, chia xẻ, hòa đồng, thống nhất một khối, tất cả để đánh giặc. Gặp nhau là bàn cách cắm cây chông, bẩy lon ớt bột cách nào cho nó xòa ra ở tầm cách mặt đất hơn mét, chỉ chừng ấy cũng đủ cầm chân chúng nó vài giờ, đủ cho chúng nó tiêu phí hết cả kho đạn. Những đêm bình dân học vụ, ngọn đèn hột vịt, chị nầy cầm cho chị nọ viết. Ngòi bút sao mà nặng hơn cả gánh lúa ngoài đồng, khó đi hơn ruộng nẩy. Một ví von chút chút ấy mà vui cả mấy ngày tròn. Đêm xử án thằng Việt gian, án đã tuyên rồi, bà con giải tán rồi, mà suốt đường về chị cứ nghe sang sảng, đanh thép, những lời buộc tội cứ vang dội trong tâm can chị như tiếng trống thúc quân, như tiếng thét xung phong, như ngọn lửa bừng bừng tràn lên giết giặc. Chị thấy mình có một thời thật hào hùng, dù chị chưa bắn một viên đạn, chưa một lần cầm khẩu súng, chưa một lần được đứng trong hàng ngũ những người chiến đấu trực diện quân thù. Nhưng chị vẫn là một chiến sĩ – toàn dân đánh giặc. Hơn nữa chị chiến đấu trên mặt trận riêng, Ủy ban Kháng chiến giao nhiệm vụ rõ rệt, khi họ từ chối không nhận chị vào Du kích. Chị nhớ xóm Đông Bội quê chị và khu phố chị đang ở. Tình người thì cũng giống nhau, xẻ chưa đùm bọc, chăm sóc lo lắng, nhưng hành vi thì thật là trái ngược, nết ăn tiếng nói cũng đúng là hai điều khó dung hợp. Ở xóm người ta chỉ nói những lời cần thiết phải nói và chuyển tải nhiều thông tin; còn ở đây, nhất là các ổng, nói là để lấy dịp được cười cùng nhau, ba hoa không chịu nỗi, đúng như câu “Mười voi chưa đầy đọi nước xáo”, bù lại họ không xích mích, tranh dành, nhà ai việc nấy, biết điều, trẻ con tranh chấp bất hòa, nhà nào lôi con về nhà nấy giáo dục theo cách riêng. Thật lòng chị vẫn hằng nghĩ khu phố chị thật tuyệt vời về tình cảm hàng phố. Tuyệt đối không tò mò, họ biết về nhà chị thật gọn gàng: Chị hai, bà cụ hai, cậu ba. Chưa một lần thắc mắc quê quán, chồng con.

Ông cán bộ bên Ban chỉ huy của trại, qua hỏi chị có ở lại không, chị ngơ ngac: “Ở lại được à”. “Được, nhưng phải qua bên nhà có dân ấy”. Khi tìm em chị có gặp những nhà ấy, nhưng lo hỏi thăm tin em không để ý, chừ nhớ lại. Ông biểu đi lĩnh gạo. Chị càng ngạc nhiên hơn. Cậu em vớ cái bao, hỏi: “Bao nhiêu Cán bộ?”. Ông nói: “Hai ca, hai lon thịt cho hay ngày, chế độ của khách, không có ngày thứ ba”. Cậu em về. Chị hỏi: “Lĩnh đâu mà nhanh thế?”. “Lĩnh gì đâu, gạo tự xúc, thịt tự lấy, tự giác là chính”. Chị mở gói thuốc mời, ông ngần ngừ nhưng rồi cũng rút một điếu, trả gói lại, hút vài hơi rồi chuyển qua cho em, ông nhận xét: “Thuốc Đế quốc đậm và cay cay”. Ông nói tiếp: “Rồi cũng dùng cả thôi, biết bao công sức mới làm ra được nó”. Chị nhân cơ hội hỏi tin anh, lần nầy chị thấy hy vọng nhiều hơn, vì cùng lứa tuổi, khoảng gần 50. Ông nói: “Không biết được đâu. Phải có đơn vị chính xác. Những người quê Quảng Trị chiến đấu trong giai đoạn đó phần đông ở F.325”. Ông bùi ngùi: “Con người trong chiến tranh biến động nhanh quá, bản thân tôi từ Thành Cổ bơi sông về Xuân Yên, họp Tiểu đoàn thấy người quen đếm được trên bàn tay”. Chị thấy hình như ngôi nhà tôn tiền chế đang xoay, chị chới với, gần đổ chúi… Ông bảo em đỡ cho chị nằm. Ông nói: “Tôi thành thật xin lỗi, anh chuyển lời hộ, chỉ là một lời tâm sự không có ý gì khác”.

Rời cây số 23, chị thấy an tâm về em, chiến tranh đã lùi tận Phan Rang…

***


 

Phần VII (Quê hương ngảy trở lại)

Xóm Đông Bội của chị, lại hoang tàn đổ nát như hồi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Quê hương giải phóng rồi, nhưng làng xóm vẫn vắng tanh, ruộng đồng hoang hóa đến thê lương, bà con sơ tán mọi nơi chưa kịp về. Chị ghé vào Khu định cư nằm trên phần đất thuộc làng Nại Cữu. Cũng chỉ lác đác vài nhà, tìm gặp người quen thăm hỏi. Cũng đã có người đi “tập kết”, tranh thủ trên đường công tác ghé tìm gia đình.

Chị để lại địa chỉ cho nhiều người quen để hy vọng bắt được liên lạc. Chị ghé mấy chỗ có Bộ đội ở để hỏi thăm nhưng chẳng ai hay biết gì cả. Chị hỏi tên tất cả những người trong làng đi tập kết, phần do tình cảm, phần để hy vọng qua đó tìm ra manh mối. Chị cũng tìm nhà “liên hệ” để biết xem họ đã có tin tức người thân chưa nhưng mọi người cũng chả may mắn gì hơn. Ai cũng tự an ủi còn quá sớm, chưa thể làm kịp điều gì, hơn nữa chiến tranh đang hút hết vào phía Nam. Chị cũng đồng tình, phần lo mẹ già đang gửi cho hàng phố. Chị lại trở về Đà Nẵng. Khi ngang qua cây số 23 mới biết em và mọi người không còn ở đấy nữa, nghe nói đã chuyển ra phía Bắc. Chị nghĩ càng hay, xa mặt trận thêm một bước…

Quê hương chịu cái khắc nghiệt thời tiết, cái tàn bạo của vùng đất “không ăn được phải đạp đổ” của thế lực ngoại bang, nhưng quê hương cũng hưởng được cái thông thoáng của mọi ngã giao lưu, mọi luồng không khí, bởi vậy, con người Quảng Trị dễ hòa nhập cùng mọi miền đất nước, tự vượt thoát và vươn lên. Đồng bằng Quảng Trị không bị bó rọ trong lũy tre làng, nguồn nước vùng ruộng trũng vẫn không tù đọng; vị cay nồng của hồ tiêu Vĩnh Linh; ngọt ngào của mít vùng Cùa, Ba Lòng; cái đầy mẩy, sâu cay, mềm mại, dẽo thơm của bắp Ba Thung, Cam Lộ; trùng điệp rừng núi Khe Sanh, Lao Bảo; trập trùng lên đồi xuống nương, những sa cát chảy dài rang lên bỏng lửa, vi vu tiếng thông reo ru vào không gian mời gọi trong hòa đệm khe suối róc rách; cái trầm hùng vỗ về của biển cả chạy suốt chiều dài tỉnh nhà, cộng dãy Trường Sơn một bên, như tấm lụa khoác hai bên vai. Thêm chút mộng mơ ta như thấy quê hương bay lên với đôi cánh màu xanh hùng vĩ – con phượng hoàng đẫm máu; một nốt nhấn bi hùng, lãng mạn – Ôi quê hương, người đã cho ta trọn đầy lòng kiêu hãnh.

Ngược với Quảng Trị, Huế vẫn giữ được cái mượt mà, kiêu sa chủa một thuở Vua chúa quyền uy, lầu vàng gác tía, đền đài, phố xá, khang trang, đài các. Sông Hương dịu dàng, trầm lắng như buông câu hò mái đẩy tỏa rộng man mác đôi bờ… Từ sông Bến Hải đến Mỹ Chánh, không còn cây cầu, con cống nào nguyên vẹn, thậm chí, không còn khả dĩ giúp được người qua sông.

Huế thì cầu Phong Điền, An Lỗ, Bạch Mã, Phú Xuân, Trường Tiền, An Cựu… vẫn như ngày nào, trơn tru, lành mạnh. Hình như con quỷ tàn phá biết dừng lại ở tầm Mỹ Chánh. Số phận Quảng Trị, hay cái điểm giữa của hai đầu đòn gánh, hai miền đất nước. Điểm chiến lược trong quan điểm hành binh.

Lại một lần nữa, con người Quảng Trị vung nhát gươm khai phá để xây dựng quê hương như hơn nửa thiên niên kỷ trước cha ông đã làm…

Người làng đi kháng chiến, đã về hoặc nhắn tin về gần đủ. Chị tìm gặp tất cả họ để nghe ngóng tin tức – cán bộ, quân đội, công nhân, xã viên, Hợp tác xã… ai ai cũng gần như quên bẵng đi người con rễ của xóm làng, người chồng thân yêu của chị, người đồng đội đã từng cùng du kích, dân làng chống càn bao đợt… Thật ra cũng không có gì đáng trách, tâm lý chung thời ấy ít quan tâm tên riêng cá nhân, bà con đồng hóa vào Đại từ: Chú bộ đội, chú Vệ quốc đoàn. Cũng như gọi chung Bộ đội cụ Hồ, chẳng quan tâm Trung đoàn, Tiểu đoàn. Bác trong UBKC có dự lễ cưới của chị cũng thú thực, là không nhìn rõ mặt, không nhớ tên. Chính chị cũng không biết đơn vị của anh, yên tâm với ba chữ Vệ quốc đoàn.

Thương mảnh vườn hoang hóa. Muốn góp công chia sẽ gian nan với bà con, chị ở lại làng bảy ngày.

Phục hóa ruộng đồng còn khó khăn hơn cầm chân giặc Pháp nhiều, chúng nó có mạng sống, biết sợ. Bom bi, M79 nằm dưới đất đai là lũ vô tri, chúng phản ứng khi có điều kiện. Cảnh nhà nông mà trâu, bò, công cụ, vật dụng lại không có, tự lấy tôn, ri, cọc sắt chế biến ra, nhìn năm, sáu anh kéo, một người cầm cày, dưới cái nắng chang chang, kẻ đeo mắt kính, người lại không mũ, mồ hôi, hồ kê, nhể nhại, mặt mày đỏ rựng (nếu hóa thân làm trâu được chị sẵn sàng để góp sức cùng các anh, cùng quê hương), thế mà vẫn lạc quan, vui nhộn, trêu đùa: “Trâu làng Bích La sang trọng, đeo kính râm, chắc chắn có ý đồ cưới vợ hai”. (Cái vui tính ấy lại không được giới chức xã đồng tình, các anh bị phê bình, cũng khá căng thẳng).

Đâu đó vọng tới tiếng nổ trầm đục, có lẽ khá xa, mọi người ngơ ngác, ngước nhìn lòng chùng xuống, lặng người. Nắng đổ trên đầu, mà cơn lạnh trườn bò từ sống lưng lên gáy. Những cô du kích thời chống Mỹ, vừa dựng cây súng vào giá, đã vội vã cầm lấy cái thốn, cái xiên, lại máu đổ, chết chóc, thương tật – một mặt trận mới, âm thầm, mà khó đủ dũng cảm để tham gia, không như đối mặt quân thù, ai cũng muốn xéc súng trườn lên phía trước.

Em bé 7 tuổi làng bên, lượm một đầu đạn M79, vàng ươm, đẹp đẽ, một món đồ chơi khi không mà có, mừng rỡ em mang về chia sẽ cùng bạn bè. Thế là tai nạn phủ xuống em, bạn bè, và các gia đình. Em có biết gì đâu, có làm gì đâu, chỉ thuần túy là món đồ chơi, em và các bạn cùng chơi.

Ai chịu trách nhiệm trước các em? Không ai cả…

Con người làng chị, dũng cảm trong chiến đấu, kiên cường bất khuất trước đối phương, là những điều chị đã biết, đã thấy, đã trực tiếp góp công; nhưng cái dũng cảm, thầm lặng, kiên trì, nhẫn nại, nhẹ nhàng, khéo tay trông làm sạch bom đạn để canh tác ruộng đồng (không để xảy ra nhiều mất mát đáng tiếc) lại là một kỳ tích cần ghi vào tâm khảm. Cần để lại cho cháu con.

Vào thăm gia đình ông anh họ, ảnh cũng là Sĩ quan ngụy đang cải tạo một chỗ với em. Cảnh nhà thật là nheo nhóc, nhếch nhác. Chị dâu và năm cháu nhỏ, trông có vẻ bơ phờ, ngơ ngác, hiện rõ nét thiếu ăn. Mà lấy cái gì ăn đây, lúa thỉ còn ngoài đồng, cho dù gặt rồi e rằng chẳng khá hơn gì. Công điểm của chị dâu, có chiếu cố cũng chỉ nằm loại C. Hơn nữa, vụ đầu ruộng đồng có phục hóa, gieo trồng được bao.

Chị dâu bê ra một chậu thau toàn gốc chuối thái nhỏ, ứa nước mắt nhìn chị. Chị lại ứa nước mắt nhìn các cháu. Trong giây phút nầy ngôn ngữ trở thành vô ích. Chị dâu thanh minh, cũng gián tiếp xin lỗi các con: “Chị vụng về quá, đồng lương của chồng không tích lũy được cho ngày khó khăn”. Không nhằm an ủi chị dâu, chị nói thực lòng mình: “Đồng lương đó mà nuôi đủ cả nhà, chị đã căn cơ lắm  rồi, đừng tự trách bản thân làm gì”. Hai người đàn bà ôm nhau khóc. Lương Trung úy trừ bị bộ binh ngụy, cộng toàn bộ mọi khoản, thực lĩnh chênh lệch từ 27 đến 29.000đ. Lương vợ 2.000. con mỗi đứa 2.000 (Chúng cho lính đến tướng). Nhà anh chị lĩnh lớn nhất là 41.000đ. Bình quân người 15kg gạo tháng. Mẹ, cộng năm con gần tạ, là hết 19.500đ (loại gạo thấp giá nhất). Người ta thường nói: “Tiêu pha mà nhiều ăn hết bao”, Ở đây gạo đã chiếm gần nửa tổng thu. Thức ăn, điện, nước, củi dầu, tiền học, áo quần cho con, tiền để anh có đi xe lam, xe đò khi tranh thủ chạy về nhà. Làm một phép tính, toát cả mồ hôi vì thấy âm quá xa, nhưng rồi con người vẫn đắp đổi được cả. Có người cắc cớ hỏi, thế bà vợ làm gì? Thì làm gì nữa với năm đứa con còn dại, với cuộc sống nay đây mai đó!

Khả năng nghe ngóng tin tức về anh ở quê nhà gần như vô vọng. Chị quyết định đi Phan Rang tìm bà chị gái chồng, có thể anh về trong ấy. Chị thực hiện chuyến đi thứ ba đã bị gián đoạn gần hai mươi năm. Đây là lần đầu tiên chị đi xa hơn Đà Nẵng vào phía Nam.

Nếu có “60 năm cuộc đời”, thì phụ nữ thế hệ chị, ở làng chị đã đi hết hơn hai phần ba, quả thực quá sức truân chuyên. Các bà mẹ ru con thường hò: “Chàng ơi phụ thiếp làm chi, thiếp là cơm nguội nhỡ khi đói lòng”. Đến cái “cơm nguội” ấy cũng không được nữa rồi. Có một số anh tập kết đã có vợ con, nhưng cách nào đó “Hội đồng hương” lại lơ đi để có vợ nữa. Khi về các chị vẫn tha thứ, vẫn thông cảm: “Lâu quá mà, không lấy vợ ai chăm sóc cho”. Quả là rộng lượng, một phẩm chất, chỉ biết lo cho người. Nhưng bà vợ sau lại không chia sẻ. Các chị lại: “Thôi, ra với gia đình đi, tui thế cũng đủ rồi”. Chị Hựu ở xóm Mồ Chương, thật là một câu chuyện của thế kỷ. Cưới trước chị năm, bảy ngày. Gia đình chồng tổ chức cưới dâu vắng mặt chú rễ (Anh đang ở miền tây Gio Linh, hồi ấy chuyện cưới dâu vắng rễ cũng thường xẩy ra). Anh theo đơn vị ra thẳng vùng tập kết không kịp ghé nhà. Chị thì thật thà và không có một xu dính túi, gia đình chồng lại tham công muốn giữ dâu để làm việc, nên cả vài ba tháng trời còn vượt tuyến được, chị ấy vẫn dùng dằng không quyết định được việc cần làm là chạy theo tìm chồng. Thế là số phận hình thành.

Anh về, thú thực đã có vợ con. Tuy vậy, chị vẫn thực hiện đêm “Động phòng hoa chúc”, đúng ra phải xảy ra hai mươi mốt năm trước. Sáng dậy, chị Hựu nói với chồng: “Thế là chúng ta đã đủ lễ vợ chồng, không phụ lòng ông Tơ bà Nguyệt, bây giờ ông ra với vợ con đi và đừng bao giờ tìm gặp tui nữa, kẻo rồi mất lòng nhau”. Ông chồng lạy vợ một lạy và quỳ mọp, chị Hựu phải lôi dậy. Ông nói: “Tôi còn lạy bà nữa”. Chị Hựu cười: “Nếu muốn, khi tui chết ông bưa sức mà lạy”. (Không biết dòng triết lý nào trong nền triết học Tam giáo – có ảnh hưởng lớn trên Dân tộc mình, đã giúp hình thành nên một triết lý “làm vợ” trong tâm thức phụ nữ làng chị, trung kiên, chung thủy, cam chịu đến bi thương).

Trên đường đi nhiều thứ ghi vào trí nhớ của chị - “thật là một ngày đàng…”. Tuy ở Đà Nẵng mười mấy năm nhưng chị chưa một lần ra đến vùng nông thôn, do tình trạng an ninh. Ngụy chỉ giữ được cái lỏm thành phố, mà cũng không thực có an ninh. Thấy bà con đang cấy lúa, trong lúc lúa ở quê nhà đã nặng đòng. Chị còn lạ hơn lại có nơi đang gặt. Hỏi ra mới biết đất đai “người ta” gieo trồng quanh năm. “Giá như quê mình cũng có cái thời tiết ấy nhỉ”, chị mơ ước vậy.

Ở Phan Rang, thật là kỳ lạ, chị mang thông tin thật mơ hồ đi hỏi thăm: Một phụ nữ quê Quảng Trị, lấy chồng trong khoảng thời gian, hoàn cảnh đó… Thế mà người ta suy ra, mang chị đến tận nhà. Té ra Phan Rang, ngoài vợ lính theo chồng, người Quảng Trị vào sinh sống, lập nghiệp thật là hiếm hoi, thành ra đầu đường cuối phố đều biết cả. (Như chú thợ rèn ngụ cư ở làng, cả vùng ai cũng biết).

Bà chị có đến tám người con, thằng lớn đang dở năm cuối Đại học thì giải phóng. Anh chị nói: “Không biết có còn theo học được không”. Chị cũng không biết. Anh rễ tỏ ra băn khoăn, ái ngại, ngậm ngùi, lo lắng với hoàn cảnh của chị. Bà chị thì: “Sao mà dại thế, để lỡ làng thế nầy. Chờ đợi làm chi, có chậm lắm là vài tháng, năm tháng đi, nó cũng đã lấy vợ khác rồi. Cô đừng tìm kiếm nữa. Còn sống nó về với vợ con, chết họ báo tử về đó. Tìm kiếm, không khéo người ta nghi ngờ, tranh giành, cướp giựt lại phiền. Về thôi, cô cũng hơn bốn mươi tuổi rồi nhỉ. Yên phận tuổi già đi mà sống”.

Chị thấy mắt hoa lên, tai nghe lùng bùng, chân, tay và cả người chị hình như run rẫy, muốn rụi xuống. Chị vội vã chào anh, chị ra đi, quên cả xoa đầu tạm biệt cháu út.

Trên đường về, hình như nỗi khổ trong chị bị nhân lên. Chị đến đây vì lòng tốt mà, trước thăm anh chị để cùng biết nhau, lẽ ra phải biết nhau hai mươi mốt năm trước rồi. Chuyến đi nầy chị đã dự định thực hiện lâu lắm rồi, nhưng do hoàn cảnh nầy nọ không thể tiến hành, chừ thúc hối bởi tin tức về anh – em ruột bà ấy. Cảm giác bị sỉ nhục xoáy mạnh vào tâm thức. Mình có lỗi gì? Lấy chồng, chờ chồng, tìm chồng giữa buổi loạn ly là một điều bất thiện chăng? Phải từ bỏ chồng như “tụi chỉnh huấn” biểu làm mới đúng chăng? Không! Mình đã sống đúng với lương tâm, với tình cảm của chính mình. Chị thấy mình trong sáng cả với chính mình, trong sáng với tình yêu anh cao vời vợi kiên trung, thủy chung son sắt, với mong mỏi, hy vọng được xứng đáng cùng người chồng Vệ quốc đoàn đang ngày đêm đối mặt quân thù. Trái tim chị rực sáng tin yêu, vừa buông cánh tay sẵn sàng che chở; cái lũ vô lại rình rập, phục chờ, không từ chối cả dùng sức mạnh như việc đã rồi; cả cái bọn nhà giàu rửng mở lúc nào cũng chất tiền ra mua thật là thô bỉ. Anh như ngọn đuốc soi đường cho chị, như tiếp thêm sức mạnh cho chị vượt qua, anh tồn tại vô hình mà sâu thẳm, như chính sự sống của chị. Chị đã sống đúng phẩm chất người phụ nữ thế hệ chị, ở làng chị đã sống. Sao bà ấy nỡ đối xử tệ vậy. Mà sao bà ấy lạnh lùng với người thân thế nhỉ. Sao lại có những con người như thế nhỉ. Như lạc từ một hành tinh xa lạ nào đó. Như được làm bằng một chất liệu gì khác. Bà ấy có còn là người Quảng Trị, quê hương của chị không nhỉ. Chị lại thấy thương cho bà chị chồng, sao mà trống rỗng, lạnh lùng, vô cảm, như không sống bằng dòng máu nồng thắm thương yêu. Tuy vậy, lời nói của chị gái chồng cũng khuấy động lòng chị. Không chỉ lo lắng mà bây giờ còn chen vào cả lo ngại, có thể chị ấy nói đúng. Hơn hai chục năm qua, chị chỉ biết thương yêu, tin tưởng và mong chờ anh, chưa hề nghĩ đến những cái “có thể” ấy. Nhưng rồi chị vẫn nghĩ, có làm gì những thứ ấy nhỉ, chị chỉ cần gặp được anh, nhìn thấy anh, thậm chí nghe được tin anh. Chừng ấy đã đủ với chị.

 

 

 

L.T.T

 

Lê Tâm Tiềm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 195 tháng 12/2010

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

16 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

16 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

16 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

16 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground