Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người vợ Vệ quốc đoàn (Phần V)

C

ũng là chuyện con cua. Lại đứng về phía Chính quyền. Có lẽ các nhà tuyên truyền muốn phản bác sự rầm rộ cung nghing cua về chùa Tỉnh Hội, bởi con cua có chữ Vạn trên lưng của đám đông quần chúng thất học ấy. Họ nghĩ rằng, cần phải chứng minh hiện tượng chữ Vạn trên lưng con cua chẳng có gì là huyền bí? Hình như họ muốn nói cho đám dân đen dốt hiểu rằng đấy chỉ là mẹo vặt? Hình như họ muốn chỉ thẳng vào phong trào đấu tranh kiểu như “ta đây biết cả rồi”? Họ suy tính những mánh lưới gì? Họ mưu đồ những đen tối, xấu xa gì? Chẳng rõ. Chỉ thấy họ hành động. Hàng thúng cua, to có nhỏ có, lưng mang chữ Vạn tươi hồng, bò lúc nhúc khắp chợ, gần như kín mặt đất. Cả chợ tê liệt. Người đang đi lại phải đứng như trời trồng, hai chân khép kín tại chỗ. Người đang ngồi, vội vã cởi áo vây quanh, đâu phải sợ con cua, mà sợ chữ Vạn trên lưng con cua luồn dưới chân, vô cớ mang lấy nghiệp chướng vào thân. Những người buôn bán có quầy, có sạp thì thật vô cùng lúng túng. Họ không đủ vật liệu để che chắn đành thu người đứng vào một góc để thân thể chỉ như một cái cột, cố gắng giảm thiểu tối đa tội bất kính. Có hai dì phước, trang phục toàn đen, đầu trùm khăn trắng, đứng khựng giữa chợ, tay làm dấu thánh, miệng lầm rầm. Các Masơ lộ rõ nét kinh hoảng! Có phải do cặp mắt cua trợn dọc thẳng đứng, cùng đôi càng giương ra uy hiếp, đe dọa, khủng bố… mà kinh hoảng? Hay là thấy cảnh phỉ báng vào đức công bằng Chúa đã phán mà kinh hoảng? Các nữ tu đã làm dấu thánh, đã cầu nguyện. Có thể cầu Chúa ban ơn cho vượt thoát tai nạn, đừng bị khủng bố, đe dọa, uy hiếp…. cũng có thể các Masơ cầu Chúa lòng lành  ban ơn dẫn dắt cho những kẻ bị Satăng cám dỗ, biết hồi đầu đi vào nẻo chánh. Kính Chúa, tin lời. Amen.

Một làn sóng tiếng “Mô Phật”, từ nơi phát hiện ra cua lan tỏa theo tốc độ bò, sự phát tán của cua, vang rền, phủ trùm lên toàn chợ. Mọi người, bất kể lớn bé, già trẻ, giới tính, tôn giáo, tín ngưỡng… ai ai cũng “Mô Phật”.

Bà cụ bán sắn nảy ra một sáng kiến đã cứu giúp cả chợ vượt qua cơn kinh hoàng. Bà cụ đổ sắn ra sàn, lấy thúng để gom cua, rồi đội lên đầu đưa ra sông Thạch Hãn thả. Thấy vậy, cả chợ làm theo, gom từng bao, từng bao… có kẻ lanh trí, dành phần vận chuyển ra sông như một cách cùng góp công, nhưng lại đưa thẳng về nhà, gọi cả xóm dân nghèo lao động, bốc vác, xích lô, xe kéo, thợ đúc táp lô, khai thác cát sạn… quây quần một cụm hình thành xóm nhỏ gần cầu Thạch Hãn, cùng nhau làm một bửa đánh chén ra trò. Nào cua rang, cua hấp, cua rêu, cua phích bột… Làn gió lất phất từ sông tỏa hơi nước mát rượi, các anh các chú ngất nga ngất ngưỡng, chén thù chén tạc, chén chú chén anh, say tình say nghĩa, say cả thiên nhiên hiền hòa… trào dâng hứng khởi, cho rằng quý tiên ông trên trời cũng sướng đến mức này là cùng. Có chú thực tế hơn, e rằng cả đời cũng không hy vọng còn được ăn bữa nào ngon hơn nữa. Rồi nâng ly: Cảm ơn tuyên truyền. Xin cảm ơn.

Các chị các cháu cũng có phần, cháo cua ăn thỏa thích, ngon đáo để. Các chị còn cảm ơn Chính quyền, còn so sánh: Mớ đam đồng mà các chị đủ khả năng chi trả để mang về nấu canh khế chua, thì cua ngon gấp nhiều lần. Rồi mơ ước, biết đâu rồi họ sẽ thả cả gà, cả vịt ra chợ, khi ấy lại có món phay, món roty, món hầm… biết đâu đấy.

Tuyên truyền. Phản tuyên truyền. Các hình thái cua quy về một ngọn lửa.

Một làn sóng căm phẩn theo đó len lỏi, luồn sâu vào tâm thức. Người người đều cảm giác thương Phật. Vị Bụt hiền hòa, phúc hậu, cứu khốn phò nguy, giúp người lương thiện, đầy tràn trong tâm tưởng qua truyện cổ tích, qua lời mẹ ru, lớn dần theo năm tháng, định hình vào tuổi trưởng thành, xây dựng nên niềm tôn ngưỡng, tin yêu từ trong sâu thẳm vô thức đã là ngọn đuốc soi đường dẫn lối, ăn hiền ở lành, làm điều tốt điều thiện, tránh xa điều xấu điều ác.

Bụt trong tâm thức, từ lâu ngủ yên, nay được đánh thức, rọi tỏa hào quang rực rỡ. Mọi người, dù không ở trong tổ chức Phật giáo, cũng thấy nhói đau tận tâm can. Bụt bị bôi nhọ! Bị phỉ báng! Là chính họ bị bôi nhọ, bị phỉ báng! Trong sâu thẳm tâm tưởng mọi người đều cảm giác, đều ý thức, cần phải làm một điều gì đó, có nghĩa vụ làm một điều gì đó để góp công duy trì công lý.

Sân chùa đông người hơn, những cuộc biểu tình rầm rộ hơn. Dùi cui, hơi cay, vòi rồng, lựu đạn… chẳng làm chùn bước chân ai. Tất cả ào ạt xông lên đi theo tiếng gọi bảo vệ Phật vọng lên từ lương tri, mà hình ảnh sống động, thôi thúc là vị Bụt dân gian trong tâm thức. Đơn thỉnh nguyện được tự thiêu để cảnh báo, để đánh thức chế độ độc tài, phân biệt tôn giáo, ngày mỗi dâng cao. Tu sĩ: Quý thầy, Quý cô Đạo hữu; Quý ông, Quý bà Phật tử: Cả nam cả nữ. Học sinh, sinh viên bãi khóa; các Giáo sứ chủ nhiệm khoa, các giảng viên Đại học từ chức. Bên cạnh những cuộc tự thiêu có tổ chức của các tu sĩ. Đã có những cuộc tự thiêu do chính học sinh Phật tử tự phát, dù các khuôn hội hết sức ngăn cấm.

Bắt bớ, tấn công chùa chiền, đánh đập tu sĩ, thủ tiêu hàng loạt trí thức… chẳng dọa dẫm được ai, chỉ là đổ thêm dầu vào lửa.

Ngọn lửa Thích Quảng Đức bùng lên! Vút cao!

Hình ảnh ngài ngồi điềm nhiên giữa biển lửa. Thân xác Ngài cháy. Ngài đã lìa đời. Nhưng trái tim không ngừng đập.

Người ra dùng lò điện hơn hai ngàn độ để tiêu hủy một trái tim con người. Trái tim Thích Quảng Đức. Nhưng trái tim vẫn “điềm nhiên” cùng thế sự.

Kinh phật dạy “Như thị”. Một Thiền sư Việt Nam nói chỉ nhớ một chữ “Như”. Ngài Thích Quảng Đức thị hiện một sự “điềm nhiên” giữa biển lửa.

Trái tim Thích Quảng Đức không cháy! Phong trào đấu tranh đòi công lý không cháy! Chân lý không thể cháy! Bởi vậy, chế độ độc tài, phân biệt, kỳ thị đã cháy!

***

Vụ cờ Phật giáo thế mà to chuyện. Diệm – Nhu bị giết. Người ta nói Cộng hào I Cộng hào II gì đó. Chị nhân cơ hội hỗn độn, tranh xôi, tranh thịt, giành công cướp công, loạn xị cào cào… có kẻ thêu cả cờ Phật giáo lên ngực - chị đưa mẹ và cậu em vào Đà Nẵng (hai em gái đã có gia đình riêng), chị nghĩ xa bọn côn đồ ở quận Triệu Phong và lũ mách lẻo có thể chị được yên thân, hơn nữa – mà đây mới là cái chính trong tâm tư – lôi cậu em ra khỏi cái đàn đúm, họp hành, biểu tình, kiến nghị… còn thì giờ, tâm trí đâu để học hành, để đến trường.

Cậu em phản ứng quyết liệt: “Nếu chị sợ An ninh, nếu chị từ bỏ đợi chồng, thì lấy quếch cái thằng bám theo xin đụng tay vô ngón chân út chị ấy. Không phải bằm rau, xắt chuối, không phải thức khuya dậy sớm, không phải lội đồng, lội ruộng, lo lụt, lo lội… mà cơm trắng cá tươi, quần là áo lượt đấy. Đứng bên hắn người ta cúi rạp xuống chào đấy”. Chị biết em nói kháy cho hả hơi, vì trước đây thấy hắn bám theo chị, em nói: “Chọn ai em cũng đồng ý, trừng thằng này, hắn tanh cả mùi máu”. Chị nẹt: “Em bao lớn mà gọi người khác “thằng”, “hắn”?. Em đến bên chị ngọt ngào: “Em xin lỗi chị. Em lạc vào ý niệm phẫm chất”.

Nhưng lần này chị bất cần em đã lớn, bất cần quyền tự quyết của em, bất cần em có học có hành, chị nói một cách rõ ràng, quả quyết, buồn buồn: “Hoặc em theo chị và mẹ, hoặc em tìm ven sông Thạch Hãn mà vớt xác chị và mẹ về chôn, nhớ chôn gần bọ kẻo tội mẹ. Em còn đêm nầy để suy nghĩ, trời sáng rõ chị em ta chỉ chào nhau, không còn chuyện gì để bàn nữa”. Chị thản nhiên trở vào tấm phản mẹ đang nằm – nơi bà mợ dành cho khách. Cậu em đùng đùng xách chiếc xe đạp cuốc chỉ có tay lái và hai cái bánh lao ra phố. Chị nhắm mắt nhưng chị không ngủ, chị khấn nguyện: “Bọ có linh thiêng thì về đây giúp con. Con đã hết lòng, đã tận sức, con buông xuôi, tùy phúc ấm của dòng họ định đoạt. Bọ linh thiêng hoặc giúp con hoặc đón con và mẹ dưới đó”. Không biết bọ linh thiêng mức nào nhưng cậu em đã trở về, quỳ bên chị xin lỗi – thực trong tim gan mình chị thấy mang ơn em – nói những lời ngọt ngào, đằm thắm như trước nay em vẫn nói với chị. Em vội sắp xếp tư trang. Chị ngột ngạt trong hạnh phúc đến nghẹn ngào, hai dòng nước mắt sung sướng tuôn trào như muôn vàn lời ca bủa vây quanh chị, màn đêm trở nên huy hoàng đẹp đẽ. Chị thắp lên bàn thờ nén hương, không phải bàn thờ dòng họ chị nhưng để chia vui cùng các cụ, để các cụ mừng cho chị, chị mang ba nén hương ra sân vái đủ bốn phương tám hướng: cảm ơn bọ, cảm ơn dòng họ, cảm ơn cụ Thủy tổ, cảm ơn gốc gác Hà Tĩnh nơi xuất phát làng, họ của chị, cảm ơn ngôi nhà thiện lành, cảm ơn tấm phản linh thiêng đã chuyển lời khấn nguyện đến nơi cho chị cái kết quả mong muốn… chị còn cảm ơn nhiều thứ nữa. Trong niềm hạnh phúc vỡ tràn chị thấy cần phải đi ngay. Tội nghiệp mẹ, bị dựng dậy bà thinh lặng làm theo những gì con bảo, không câm nhưng cũng mười mấy năm rồi chưa hề nói một tiếng, bà thụ động như cái bóng, có biết việc rửa bát, thái rau, chỉ không nói và hình như lười suy nghĩ. Cậu em ngỡ ngàng định ngăn cản nhưng rồi lại thôi. Ba mẹ con lục đục đưa nhau ra bến xe. Em dặn mợ ai hỏi nói về quê. Đến bến xe lại trải ni lông ra nằm tiếp, chị quên một điều, xe không chạy đêm. Đến khoảng nầy tình trạng an ninh tồi tệ quá rồi, Việt cộng tùm lum, có mặt khắp mọi nơi, nói không quá đáng, trong ba người nhà chị, chưa rõ ai Việt cộng không đây. Chị thì không chị làm công tác Việt minh, điều ấy mãi mãi tồn tại trong tâm thức chị, chân lý thì không bị thời gian chi phối.

Thấy cậu em nằm ngữa mặt nhìn trời, chị nói như một lời xin lỗi: “Không biết đêm xe không chạy”. Cậu em tĩnh rụi: “Em có biết nhưng thấy chị vui nên không nỡ nói”. Cảm giác em đã lớn lại đến trong chị, em thật giống bọ, vạm vỡ đôn hậu. Quả là một chàng tra tuyệt vời, chị sung sướng nghĩ vậy.

Nghĩ đến chuyến đi của mình và những áp lực buộc phải hành động. Chị liên tưởng đến cậu thầy giáo dạy văn mà chị quen. Cậu ấy nhỏ hơn chị 5 tuổi. Một nhà thơ. Cậu ta yêu học trò mình. Thế là dư luận không tha thứ. Phụ huynh phản đối dữ dội, xem đấy là một hành động vô luận, phá vỡ nền móng đạo đức, nêu một gương xấu… Lý lẽ viện dẫn là “cương”, là “thường” đâu gần cả ba ngàn năm về trước vẫn còn dư lượng đủ tác động vào cuộc sống mà nền cách tân đang trầy trật, dù đã bò lê lết hơn nửa thế kỷ. Phụ huynh không cho một khe hở nào để con tim phật phồng, không công nhận có một loại tình cảm mà không xuất phát từ cái cân nào “chuẩn”, nào “mực”, cô cậu ấy phải bỏ quê hương ra đi. Gánh nặng rêu phong của quan niệm phong kiến về đạo thầy trò đã đày đọa cô cậu ấy.

Bến xe thanh vắng, mẹ lặng thinh bởi bệnh hoạn, em lặng thinh trong trầm ngâm, không gian như đồng tình để con người tìm vào cõi riêng tư đầy sôi động trong vừa ôm đồm, vừa tản mạn, vừa ôn kỷ niệm vừa phác phóng tương lai… chưa ra khỏi quê hương nhưng nỗi nhớ xóm làng, những người thân, lối xóm, cánh đồng, con đường, dòng sông… đã ùn ùn kéo về tràn ngập lòng chị. Thế là Tết này chị không thể đi chợ đình được nữa, tâm tư nao nao nuối tiếc, ray rứt…

…Trời tảng sáng, bến xe sôi động xôn xao, cánh nhà xe kiểm tra, chuẩn bị lên đường, khách khứa tràn vào như đã chực sẵn ở cổng. Một cậu thanh niên chụp lấy túi xách của chị, làm chị hốt hoảng chồm người ôm cứng, cậu thanh niên hỏi: “Chị không lên xe à?”. Chị lại trả lời “Nhưng cái túi xách của tui mà”. Cậu thanh niên bực mình: “Thì của chị, tui đem lên xe xếp chỗ cho gọn. Lằng nhằng mất cả thời gian”. Cuối cùng chị cũng chính thức lên đường.

Ở Đà Nẵng, đúng như chị nghĩ, yên thân thật. Hai năm trời rồi chẳng ai đòi, ai gọi. Họ không biết chị, hoặc không cần quan tâm đến chị. Họ bận lập mưu, lập mẹo, dựng chuyện hàm hồ, dàn bẫy với những người giàu, chỗ ấy họ kiếm được công khá hơn. Một quả bộc phá nổ trong thành phố, người dân kinh khiếp, không phải vì bộc phá mà vì bọn chó săn. Ai đó đau đầu vì nền an ninh cứ đau, còn hắn định hướng được ông cột bà kèo không thể không mở hầu bao. Chị không có cái gì để “hích” vào mũi chúng nó, đến cái xuân sắc mà cậu sinh viên cảnh báo, là cũng một dạng tội chính trị, nay cũng đâu còn nguyên vẹn, tuy chưa úa rũ nhưng cũng nhạt màu. Chị đã vào cái tuổi 30 mà cánh đàn ông ở làng chị khi vui đùa đã lỗ mãng nói ném cả xuống biển không một chút luyến tiếc. Chị bĩu môi, một lũ khoác lác, nếu có cái lệ ấy thực, nếu chị ở làng thì cánh đàn ông làng chị đã nỗi loạn đập nát cái lệ ấy để cướp lại chị.

Cậu em thi đỗ Tú tài phần một, thật là một tiếng nổ lớn bùng vỡ niềm vui tràn ngập lòng chị, chị muốn khua tay, khua chân, hét toáng lên cho cả hành tinh nầy đều biết em chị đỗ Tú tài. Thật trong lòng chị, đỗ Tú tài cũng chỉ là cái mốc trên con đường ước mơ của chị, nhưng chị không vạch ra con đường, chị dựa vào lực đi của em., và em đi thật vững chắc. Chị tổ chức một tiệc liên hoan cho em chia vui cùng bạn bè, chị cũng có mời mấy bà lân cận. Nhìn đám bạn bè của em trong buổi liên hoan, cô nào cũng đẹp, cậu nào cũng đẹp, em chị cũng thật đẹp đẽ. Thấy các em chị cảm giác như thấy non bồng tiên cảnh. Mấy bà bạn hàng xóm cũng đồng tình. Chỉ có lão thầy cúng ở cách chị hai căn hộ la toáng lên bày vẽ làm ồn ào điếc tai. Thật ra hằng đêm lão “luyện giọng” khu phố mới điếc tai, mới khổ. Cánh đàn ông khu phố thay vì theo lão dẹp đám liên hoan, thì ngược lại tóm lão đè cổ xuống đường ray, bảo chờ tàu chạy để nó cán lìa cái đầu lão ra khỏi thân. Chị thấy buồn cười, để tàu cán được cái cổ của lão, chừng ấy người trên đường tàu chết mất, khu phố còn đâu đàn ông. Mà không có đàn ông thì khu phố phải trả tiền điện, lấy ai đêm đêm đi móc dây ăn cắp điện nhà đèn để dùng. Rõ ràng nhà chị hai năm qua và cả cái khu phố nghèo nàn hướng mặt ra đường tàu này chỉ đóng khoản tiền gọi là quản lý, tu bổ, và chút ít xài điện khi có đoàn đi kiểm tra, việc cụ thể các anh ấy làm các anh ấy biết, chị không rành rẽ lắm, nghĩ đến đám đàn ông ấy, chị đành ra xin các anh tha cho lão. Lão đứng dậy được liền giở trò: “Cảm ơn chị, xin ghi tạc truyền đời ơn chị; nhờ cái ân đức dày dặn phúc ấm của chị mà lão nầy thoát chết”. Thật chị không còn hiểu lão ra làm sao. Chị còn ngao ngán hơn cái cánh đàn ông, đúng ra phải ném lão qua đường tàu, bên cái đống rác ấy cho chó gậm xương, như mấy cô gái làm sở Mỹ ném con hoang ấy. Cánh đàn ông khu phố chị lại nhe răng, há mõm, cười hô hố, cười đến nỗi nằm lăn ra đường tàu để thở.

Khu phố chị thật là vui vẻ và hết sức an nhinh, không có chuyện mất cắp hay đánh lộn. Cụ thể đã hai năm qua chưa xẩy ra vụ nào. Bà bạn dưới phố lại nhếch mép: “Họ không ăn cắp cho đã may nắm lắm rồi, còn ai tới đó nữa; họ không đánh cho đã phúc ba đời rồi, họa có điên mới mò tới đó. Đến nhà máy đèn còn đầu hàng nữa là”. Chị càng không hiểu ra làm sao, những người chị quen, chị biết họ đều vui vẻ, chân tình, sẵn sàng vứt cả việc nhà để giúp người khác, chính mắt chị nhìn thấy chứ không phải nghe lại, thì anh Ba xe xích lô đó. Bên nhà anh Ngộ xe kéo tay có đứa con đã 11 tuổi học lớp năm vẫn chưa đi được, chỉ lết lết với cái đòn, sáng nào anh Ba cũng chở cháu đến tận trường, chiều lại đón về, dù có khách anh vẫn nói bận cháu. Chính chị cũng hơn năm mới biết cháu ấy con anh Ngộ.

***

Năm em gần kết thúc lớp Đệ nhất, chị đã ky cóp để chuẩn bị liên hoan cái Tú tài toàn phần, thì đùng một cái, Phật giáo đấu tranh. Lần này khó khăn hung, không như hồi ở Quảng Trị, Phật tử biểu tình cứ biểu tình, chính quyền nói cứ nói, Cảnh sát đứng cứ đứng, chỉ một mình tụi dấu mặt xục xạo thôi. Màu đấu tranh nầy Đà Nẵng là cái rốn, là chảo lửa. Mùa trước Huế rồi, cũng cái lộ trình của lịch sử - Nam tiến. E rằng… sau nữa thì Nha Trang, Sài Gòn… mà Sài Gòn thì lúc nào không là kẻ đốt pháo, kẻ châm lửa nhỉ?

Mùa đấu tranh nầy có hình thái khác, Phật tử không rầm rộ biểu tình, quý Thầy không phải gồng mình tuyệt thực, đạo hữu không phải lo Thầy nắng, Thầy khát; không cần dâng kiến nghị, đã có yêu sách thay thế, không cần cái trò ma mãnh như Quảng Trị đã làm.

Đoạn sông ở làng An Đôn có bụi tre trôi ra giữa dòng, thành một cái cù lao nhỏ, như làm cảnh. Ai đó đã kín đáo chôn ở đấy tượng Phật bà Quan âm, thả cá chép nuôi hồ xuống đó. Cá nuôi hồ sợ nước chảy nên nương tựa vào cù lao. Chị nhớ lại, không hiểu sao các anh bắt được con diều bay trên trời đem cột chân cho bay giữa cươi (sân) để cười. Té ra các anh lấy bong bóng con heo mới mổ cột thêm hòn đá thả ra sông, diều sà xuống bấu kỷ và đập cánh bay lên. Cánh càng đập chân càng bấu, mối tương quan truyền kiếp, một quy luật, để mà bị bắt. Cá cũng vậy quanh quẫn ở đó. Thật là đôi cá chầu hầu, hay bảo vệ Phật bà – nhìn thực tế ở đó không ai phủ nhận được – vì Phật bà cũng như con cháu Phật bà đang lâm nạn. Cách hiểu khác, Phật bà Quan âm là năng lực lắng nghe tiếng than, tiếng cầu của chúng sinh, để chia sẻ, để giúp đỡ, theo Kinh sách dù rơi vào hầm lửa mà nhất tâm cầu Ngài lửa cũng tắt ngấm. Bởi vậy, cơ hội có Ngài mà biểu hiện là đôi cá chầu hầu, thì đạo hữu và cả người không đạo hữu khắp nơi dại gì mà không gọi nhau đến đây để dâng lên Ngài những ước nguyện sâu kín trong đáy tâm tư.

Phật tử Đà Nẵng chẳng cần những thứ đó. Họ đấu súng.

Phật tử lính thì thiếu gì súng. Phật tử dân không có súng nhưng có súng cả đấy. Khung viên chùa có đến ba hướng súng, một chỉa vào Quân đoàn I, một chỉa vào sân bay, còn một vào đâu nhỉ? Ai đó cũng phải tự suy lấy. Dĩ nhiên chuyện súng đạn chị chỉ nghe kể lại. Ngày trước Phật giáo đấu tranh với chính quyền, người ta nghi ngờ Công giáo có ngầm giúp chính quyền nhưng còn dấu mặt, mùa này thì khác, họ cũng cài súng bên nhà thờ, sẵn sàng nhả đạn, cũng có người giải thích là để tự vệ, phòng xa… điều nầy chị chỉ nghe đồn không thấy tận mắt. Có điều chắc chắn là chị bạn người Công giáo dặn chị là đừng thấy vắng chị ấy mà qua nhà tìm, sợ người trong họ đạo hiểu lầm, chị ấy nhấn mạnh: “Mật mạng đấy”. Cậu em cũng dặn: “Chị không phải Phật tử, không có khuôn hội nào xác nhận cho chị, nhớ không được qua chùa, bị hiểu lầm là chết đó”. Điều gì quái quỷ thế nầy, nơi “mất mạng”, nơi “chết đó”, nơi “liên hệ”, nơi “quốc gia”. Sao họ không kẻ sơn ra giữa đường, giữa hợ cho chị dễ đi nhỉ? Nếu có kẻ sơn xin kẻ thêm một đường “Công tác Việt minh”, đó là con đường của chị. Ra ngoài đường rồi cậu em còn chạy lộn lại dặn thêm lần nữa: “Không còn như hồi ở Quảng Trị mà chị ưng ruông vào đâu cũng được đấy nhé. Chị phải nhớ lời em. Cũng đừng lo cho em, em tự biết chăm sóc bản thân”. Đừng lo cho em, chị cũng đã nghĩ như vậy, chị hiểu điều đó không còn có ích nữa, em không thể mãi mãi trong vòng tay chị, nhưng biết làm sao, lo cho em là lẽ sống của chị mà, em thông cảm cho chị đi. Chị định nói rõ lòng mình với em nhưng lại sợ làm vướng bận em, chị nói xuôi: “Em tự lo lấy thân, lớn rồi”.

Mấy cậu lính nấu ăn ra lấy hàng nơi chị, khoe: “Cánh quân Hội An đã bám cầu Đỏ; Quảng Ngãi, Tam Kỳ còn giải quyết chút vướng bận do bọn ngoan cố chận lại ở Vĩnh Điện”. Chị rùng mình, có con rắn lành lạnh bò lên bò xuống ở sống lưng. Lại “ngoan cố”, chị bị ở tù, bị khảo tra cũng  vì “nó”. Một tâm lý khác lạ (bởi xưa nay chưa có) bộc phát trong chị, chị ghét cay ghét đắng cái thằng ngoan cố và cái thằng không ngoan cố.

Chiến tích xã thân đấu tranh ngày đêm của em đã được định giá. Họ nhốt em đâu đó 15 ngày thuộc thành phần những câu học sinh lôm côm, sau đó buộc em nhập ngủ (nghĩa là giấy hoãn dịch vì học vấn đã bị thù hồi). Về nhà rồi em vẫn quả quyết hai tuần ấy đi chơi nhà thằng bạn. Em lớn rồi đi chơi nhà bạn hay ở tù đâu đó cũng chả có gì khác nhau, chị nhìn thấy em, sờ tay được đầu em thế là đủ. Dù chị biết rõ mồn một tính em, một đêm vắng nhà cũng tìm cách báo chị, nhưng chị không tranh cải.

Điều làm chị khóc u mắt là Lệnh gọi nhập ngũ. Thế là em phải ra lính, chị biết cái ngày ấy là không tránh khỏi, chỉ muốn trì hoản được lâu hơn. Hằng đêm chị thường nghĩ, sức học của em chắc chắn vào được Đại học, nghĩa là them được 4 năm hoãn dịch. Chờ mọi cái đều sụp đổ. Chị hụt hẩng. Chị lại khấn bọ, chị muốn họ thu hồi... cái lệnh gọi ngũ ấy; chị muốn em được đến trường. Nhưng lần nầy chị không ở trong ngôi nhà thiện lành, không nằm trên cái phản linh thiêng ấy, nên lời khấn nguyện không được chuyển tới nơi. Chị lếch thếch, mếu máo, đầm đìa nước mắt đưa chân em vào trại nhập ngũ. Em có Tú tài bán nên họ đưa em vào trường Sĩ quan. Cũng gọi là Sinh viên như lòng chị mơ ước mà sao không thấy vui.

L.T.T

 

Lê Tâm Tiềm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 194 tháng 11/2010

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground