Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những phiến nhân sinh trên vùng hỏa tuyến

T

ôi có hai bà chị dâu. Một Huế, dâu Truồi thứ thiệt, chọn. Nhưng tôi sẽ nói đến bà chị dâu người Quảng Bình, phước tình cờ. Anh trai tôi ra Bắc thuở chia đôi đất nước, học ngành nông nghiệp, khi đi làm, toàn lội ruộng băng rừng, xa cha ngái mẹ, nhờ ai được mà chọn. Quê chị tuốt trên rừng, gần nơi có tộc người rừng hoang dã Rục hay Rặc gì đó. Tôi muốn nói là nếu chỉ chệch hướng một ly thôi, với chất ruộng chất bôn ở anh, anh dám cưới luôn một bà Rục. Vì anh hiểu thuyết lai tạo giống gen trội F2, và nắm chắc chính sách ưu tiên, cầm chắc tôi có cháu là cán bộ miền núi, nhưng mới chỉ là “nếu”. Nó về quê mình, Chị kể: “Chú biết không, trên Bố Trạch, Mỹ bắn phá ác liệt lắm. Nơi ấy là điểm đầu vô Nam, có sở chỉ huy 559, cả nhà tui lảnh một quả đến gần sạch, riêng tui đang đi học mà sót”. Rồi tiếp “cười nhất là mấy chú bộ đội, có ai lo hộ, đi vào e chết hết, mấy chú trả lời đi ra cũng chết nhưng họ đi ngang lo chi! – Đi ngang là đi mô? – Ai cho ngang với ngã nhưng khi đi văn vẹo bàn chân cho ngang ngang một chút”. Đúng là anh tôi gan cùng mình, từng lăn vào lửa.

Ngày tôi ra thăm chị thăm cháu đầu tiên, ở bệnh viện Hoàn Lão, nhà tập thể, vách đất mái tôn xi, anh tôi còn lội bộ bên Lào. Gần đến bữa, chị lúng ta lúng túng như gà mắc tóc: “Chú ơi, nghe anh Kết kể, trong nhà kiểu cách lắm, quan quan lại lại chi đó, chắc chị nấu chú ăn không được mô, chú hướng dẫn chị nấu nghe! Gà làm xong rồi, răng nữa”… “Chị cứ bỏ cả vào nồi, gạo đậu xanh cà có không cũng được, hầm nhàu hết là ngon. Quan với lại cũng đến đó thôi mà.” “- Chú vui, mà thẳng tính, làm chị bớt lo, còn mấy o, cũng có ngày chị vào, làm răng nấu nướng!” “- Đừng lo! Có dâu Huế nấu rồi. Chị cứ vác mặt lên, vênh cao lên, một điều hai điều cứ ta là cán bộ cách mạng, xóm làng tóe khói, ba mạ cũng thun.”… Rồi chị em cười ngặt cười nghẻo, mặc dù người Bắc kẻ Nam, gặp nhau chưa tới buổi.

Anh tôi mê nghề nông. Vào đúng thời dĩ nông vi bản, trong cái ba lô cóc anh thường mang bên mình, đúng là chiếc bị càn khôn, luôn hùm bà lằng đủ thứ, giống má kê đậu… kể cả tem phiếu, phao cứu đói hiệu quả cho người thân. Cũng từ ba lô cóc, anh rải giống mía khắp, nơi nào anh đến, “cho trẻ con có đồ ngọt”. Anh mang cà phê giống trồng vào đất nhà anh ở Hoàn Lão, cây biến dạng, đến người xứ cà phê như tôi, còn không nhận ra. Anh đem cây giống bạc hà, trồng quanh vùng nơi nào đất trống, khi anh trồng không ai tranh chấp, tưởng ông này nhiệt tình, thiện chí cải tạo môi trường, vào thời điểm đó, chắc anh cũng chỉ có nhiệt tình, anh cùng duộc nhà thờ Xuân Diệu, bôn mà san party đó thôi. Chả cần chăm bón, không la lối bon trẻ chăn bò, cây âm thầm phát triển, có ai ngờ khi cây lớn ra, lại là bằng chứng chủ quyền, hoặc nữa công khai phá, chứng cứ đặt điều kiện với ban quy hoạch huyện. Anh chị hóa thành tỷ phú nhờ đất một thời chỉ bỏ cho cho rậm rịch.

Ngày nhuốm bệnh sắp mất, thằng con anh, đang học Bách Khoa, đánh lộn nặng tay, bị đuổi học. Sợ anh mình chết buồn, tôi nổ:  “Chuyện dể ợt, chị cứ lo xong việc cho anh, rồi đi Đà Nẵng. Không xong, chưa đứng vai chị trưởng”. Thế mà chị làm được. Chị thẳng thắn với mấy giáo sư tiến sỹ, rằng ngày trước ta kích động thanh niên sống hùng thái quá, nay lại muốn sinh viên kỷ luật không điều kiện, rằng con chị không có chỗ ở ký túc xá ra ở xóm cô hồn, đánh lộn nay bị đuổi học, đặt trường hợp đánh lộn dở, bị cô hồn đánh chết, ai thương đây? Thầy không bênh trò mà lại bênh cô hồn, phải không… Cháu tôi được xóa tội và được gọi học lại ngay năm đó.

Nhà tôi có phước, con trai dòng này toàn cục tính liều mạng, nhờ ơn trên, được dâu hiền, hết lo cho chồng rồi lo cho con cho cháu. Thằng đầu con chị đị bụi ra Phú Quốc, rồi theo thói xấu dân miền Tây, ngày làm tối nhậu kêu không về, nói không nghe. Chị ra điều kiện, một năm phải có nhà, xấu đẹp chưa nói, nếu không làm được mà còn ở lại đó, thì cắt, từ luôn. Hắn trở về, còn kéo thêm hai cục nợ nữa.

Thằng Bách khoa, tiếp tục chướng khí, không chịu ở Quảng Bình, không muốn là rể nhà cán bộ to. Nghe con chim mái từ xứ Quảng gù, lại bay biến. Chị cất công vào đó, âm thầm đến thẳng nhà chim gù, bò chết nhằm khi khế rụng, một bàn nhậu toàn anh em cọc chèo đang vào độ. Chị làm cho một trận không kiêng nể, nào là bỏ phí ba mươi triệu cho ăn học, nào là tưởng đâu anh em giúp nhau ăn làm, ngờ đâu tình thế này còn hơn giết nhau. Nói xong, chị quầy quả trở về bến cũ. Thằng Bách khoa, con chim gù năn nỉ hết lời. Sau đợt đó, cháu tôi lại nên, gù hay tất làm giỏi.

Nói về chị, còn nhiều chuyện hay hay. Phim Trung Quốc hay ca ngợi danh gia vọng tộc, giá như trong việc chính trị an dân, họ đừng bày đặt cải cách hay cách mạng văn hóa gì gì đó để tru diệt vọng tộc, chắc xem phim còn hay nhiều. Tôi không cho dòng họ nhà tôi là vọng tội, chị dâu tôi đâu phải con dòng cháu giống gì cho cam, nhưng tôi tin một điều, nhờ sự liên kết giúp đỡ của dòng họ, không phải chuyện tiêu cực, mà chỉ là sự động viên giúp đỡ một khi có thành viên gia tộc gặp khó khăn, không bỏ mặc một thành viên nào lạc lối. Con cháu tưởng đã hư rồi, mà lại nên. Quả tình nhớ ơn Tiên tổ.

 

 

BỆNH TƯỞNG

 

“Sông có khúc người có lúc” sau ngày thống nhất đất nước khó khăn, mọi ngành nghề đề khó khăn, thì nghề giáo là khó khăn nhất.

Ở Vĩnh Linh, cùng hội đồng với chúng tôi, có gia đình đều là giáo, anh chị tuổi đời sắp về vườn mà vẫn còn éo le, ở nhà tập thể, loại nhà mái tranh vách đất và cơm độn là chính, như chính vốn giàu khoai sắn của xứ đất đỏ của họ.

Nhận xét anh chị giáo lúc đó, người ta vẫn cho rằng “Thế gian được vợ mất chồng”. Định luật bù trừ chăng? Hay chỉ là điều an ủi, làm hòa dịu cuộc sống gia đình. Chị giỏi giang bao nhiêu anh lại lười biếng bấy nhiêu, chị tần tảo tháo vát, anh luôn ca cẩm bệnh tật hành hạ. Một hai anh cho là mình sắp chết đến nơi với cái bệnh bao tử (dạ dày cũng được). Hỏi ai không có bao tử chứa đồ ăn. Thời buổi toàn độn sắn chua, khoai hà, hạt bo bo, còn bột mì nhào nước đem luộc lấy đâu cho nhẹ bụng. Nhưng nói bệnh ở thời kỳ nào thì chỉ người bệnh biết. Bệnh tưởng hơn là bệnh tình. Đau ít mà cứ rên lên cũng thành đau thiệt, có giả bộ chả ai hay? Hoặc nữa ý nghĩ vô vọng cũng dễ sinh bệnh? Trong hội đồng nhà trường anh tự ý không soạn giáo án, ít khi tham gia hội họp với cái lý “sắp chết đến nơi”. May cho anh, có chị vợ khéo léo, nhỏ nhẹ hòa đồng, để người ta bỏ qua lỗi của chồng. Thực hư đến ngành y chưa rõ thì đồng nghiệp nỡ nào hại nhau.

Một mình chị xoay như vụ, lên lớp, cơm canh chợ búa, tăng gia heo gà, còn làm ruộng nữa. Cơ chế hợp tác xã nông nghiệp, ruộng đất đều của hợp tác, chủ nhiệm là thiên lôi thì giáo viên lấy đâu ra ruộng để làm. Nhưng chị giáo có cách làm của chị, vào vụ cấy với tay không chị lùng sục khắp đồng, ở đâu có hố bom là chị cấy, chị cấy cả vào mương thủy lợi, nhiều ít tùy chỗ nông sâu. Mạ thì kiểu “rứt râu ông nọ chắp cằm mụ kia” không chăm bón, không lo nước lo phân đến mùa lại gặt. Thiên lôi để ý chi đến con tép, còn xã viên lại có cơ hội thể hiện tình cảm với người dạy dỗ con em mình, thành ra mỗi mùa chị cũng có được kha khá thóc mà cải thiện.

Xưa Nguyễn Trãi miêu tả cảnh nghèo “thừa nước uống thiếu cơm ăn”. Cảnh nghèo đến không có việc gì làm, thừa thời gian rồi phát sinh tệ nạn. Thực tình anh giáo có mỗi một ham mê cờ tướng, anh quẩn quanh với người này người nọ, từng ấy ô cờ mà liên miên kỳ trận. Không thấy anh ốm đau gì thêm ra nhưng khi vợ nhờ con gọi, thì lại điệp khúc “tao sắp chết đến nơi rồi, để tao yên”. Cũng hay, trong bạn cờ có ông công an về hưu, nhà cửa đàng hoàng, hưu cao hơn cả lương anh giáo đang tại chức, với một vườn tiêu nhất vùng. Ông ta sống thoáng, hòa đồng, chiếu cố xóm giềng, nên anh giáo được kiêng lây. Mỗi bận họ đang say cờ, không ai dám quấy rầy.

Người ta gọi đùa ông ấy bằng cái tên Hữu Loan, chỉ vì ông có hoàn cảnh gần bài thơ Màu tím hoa sim: “… Nhưng không chết người trai khói lửa, mà chết người em nhỏ hậu phương…”. Thời chiến trên tuyến lửa Vĩnh Linh, biết cơ man nào là bom đạn. Một lần bị bê năm hai, vợ và con ông ở lại mãi mãi với khúc địa đạo bị sập. Cơ quan và bè bạn thông cảm hoàn cảnh ông, đề nghị cho ông về sớm để cải thiện. Lâu rồi ông không cải thiện gì được, ông vẫn lủi thủi trong vườn tiêu, ông lại khéo chăm bón vườn, nhưng tiêu đâu ngọt ra mà chỉ cay thêm thì có. Ngôi nhà ông không có bóng hồng, không có tiếng nói, lâu lâu người ta thấy ông đi chơi lên tỉnh lên huyện để rồi trở về vẫn không khác gì hơn.

***

Khoảng bảy tám, bảy chín tin tức chính trị lại căng thẳng, biên giới hai đầu đất nước nóng bỏng. Trong các cơ quan và nhà trường ở Quảng Trị đã phổ biến tình hình và phương án đối phó, kể cả chỉ thị rang gạo dự phòng. Ông công an cũng vắng nhà nhiều hơn, ông bỏ chơi cờ, quẩn quanh trong vườn tiêu mà không là chăm bón.

- Một sáng nọ, rất khác thường, ông sang nhà vợ chồng ông giáo trò chuyện, đột ngột ông nói.

- Này chị giáo, chị có con heo vừa vặn cỡ tôi đang cần. Chị mổ heo làm cỗ bàn đưa tiễn tôi trở lại đơn vị đi chị! Mấy năm rồi chúng ta là hàng xóm, anh với tôi là bạn, bạn tuổi nhỏ và bạn cờ. Được không anh chị?

- Được thôi nếu anh đi thì đưa tiễn anh cũng phải, dẫu có nghèo cũng ráng có sao đâu!

- Có gạo nếp nữa không?

- Có! Mà anh đi thực à! Anh nói thực để tui lo, có thiếu thì mượn bên trường.

- Tôi muốn mình anh chị lo cho tôi thôi, tôi cần cúng bái một mâm và dăm mâm thiết đãi bè bạn xóm giếng tươm tươm là được.

- Việc trọng đại ra rứa để tui liệu.

Họ mổ con heo, đồ xôi, soạn lễ. Lần đầu tiên anh Giáo xắn tay làm, ông công an lo khâu tổ chức. Vợ chồng ông giáo lo cỗ bàn.

Buổi liên hoan vui vẻ người ta thấp thỏm chờ nghe cái ý nghĩa bữa tiệc và tin mới nơi ông công an.

- Thưa bà con làng nước, cùng bè bạn! Gia đình tôi mất mát quá lớn, ai cũng muốn ở cùng quê hương cho trọn kiếp, nhưng tôi càng ở trong nhà này tôi càng thêm đau buồn và không dứt ra được nỗi niềm thương nhớ vợ con. Muốn đi, muốn thay đổi mà không đành, không làm được! Lần này ngành cần, đồng đội mong tôi có mặt nơi chiến hào mới, tôi quyết định lên đường. Mong sao đất nước lại bình yên, mình hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu bình yên tôi sẽ chọn một nơi nào đó để xây tổ mới, xin giữ trọn tình cảm quê hương tình cảm bạn bè và kỷ niệm vợ con trong ký ức tôi mãi mãi. Có đông đủ bà con và chính quyền, tôi xin tuyên bố biếu nhà cửa và vườn tược của tôi cho anh chị Giáo.

Thực khách và vợ chồng anh Giáo hình như không nghe trọn câu nói, nghe hết ý nghĩa. Buổi liên hoan vào cao trào vui nhộn, một giọng lè nhè của men rượu pha trò không ăn nhập:

- Dẫu có quyết định nào thì cũng không ảnh hưởng gì đến nền hòa bình thế giới.

Ông công an lên đường, anh Giáo quản lý cơ ngơi mới, không hề nghe anh ca thán nữa. Anh không có mặt chỗ vui chơi, bỏ hẳn cờ tướng. Lúc nào anh cũng làm việc, tất bật làm việc, anh lại soạn giáo án và họp hành đầy đủ.

Biên giới giữa bệnh tật và khỏe mạnh như bàn tay sấp ngữa, hạnh phúc khổ đau chỉ là ý nghĩ. Một quyết định, một hành động cũng theo tiếng gọi con tim. Người ta gọi đó là tâm lý chi phối đời sống con người. Một tâm hồn trong sáng tất sẽ có những quyết định, hành động ý nhị. Đẹp thay những tâm hồn cao thượng.

 

HUYỀN THOẠI CÁT

 

Mùa hè, chúng tôi còn phải trực trường, không bao lâu nữa sẽ đầy một năm chỉ tiêu nghĩa vụ công tác vùng biển. Từ chỉ tiêu đủ nói lên tính khắc nghiệt của vùng cát này.

Buổi ngày, liên tục gió Lào vần vũ, khô khốc. Nhưng cơn lốc, gọi theo cách dân dã Quảng Trị là “ông cụt”, lượn lờ, đúng là hung thần như chuyện thêu dệt. Gió đào hầm đào hố, hất đổ mọi thứ, kể cả dãy trường như bởn. Gió dịch chuyển cát thành gợn sóng, lấp nhà lấp ruộng, người miền biển sống chung với cát với gió, gọi là cát chạy. Đôi khi chỉ bó tay nhìn, mà đợi một hay hai ba năm, cho gợn sóng đi qua.

Một năm rồi, mùa thu năm ngoái về trường,* nhắm hướng mà đi, đường là hướng mà, lội bộ qua cát. Mùa đông, đường chúng tôi có cả những bãi lầy, sụp lầy đến tận bẹn, nhưng chưa đến nguy hiểm như lầy sình Hà Thượng, Hà Trung. Người ta nói nhiều đến ảo giác, chính cát là ảo giác rồi. Chúng tôi đã gặp hung thần, ảo giác biến dạng từ cây dương liễu tốc gốc. Chúng tôi từng gặp vịt đàn nhởn nhơ trong các hố nước, chỉ là vịt trời. Hóa ra vùng cát còn là chiến khu xưa với những trận đánh huyền thoại.

Cát ở thể trạng gì đây? Thử vốc cát lên, trong tay ta, cát sạn có , cát bụi có, cát chảy xuống kẽ tay, cát bay theo gió, nên cát đi vào triết học. Hằng hà sa số, dòng cát chảy biểu tượng thời gian, cát là ý tưởng thơ ca, một mai ta trở về cát bụi. Hãy đến cùng chúng tôi, mà giải thích hộ sự hình thành đồi cát, Cát Sơn (núi cát), đồi Ba mươi Nhỉ Thượng. Thời gian, và cả chiến tranh, không thể biến dạng đồi, trái lại, năm tháng, càng ổn định độ cao và hình thể, cả tính khí con người Nhỉ Thượng, cứ ngang ngạnh như dòng nước chảy ngược. Hãy đến Hà Lợi, một ốc đảo, có đàm nước ngọt, sát mép biển, cư dân sống hiền hòa, con gái phảng phất Giáng Hương.

 Sau chiến tranh, mọi chuyện, đang ở chế độ quân quản, tập thể. Từ chỗ giữ kẻ, tỵ hiềm, dần dần chúng tôi thân tình. Đã hình thành vốn liếng tập thể, là con gà trống, ai đó ra đi, không kịp thịt, bỏ lại làm giống. Là con chó, tập thể mua về thịt, có hiện tượng đang mang thai, được tha mạng; và những vần thơ con cóc:

Em hay cười, bếp lửa cũng cười,

Anh mê tín cho là điềm tốt.

Em chế giễu, điềm chi, chiều nay ăn muối hột,

Lửa bập bùng, má em hồng tươi

 

Em đến nơi này, tập thể thêm vui,

Anh đỡ việc bếp núc, tay không bám nhọ

Khi lên lớp, không ngại học sinh to nhỏ,

Nhưng anh đã ghiền vào bếp nhào mỳ…

                                                  (Chang Cơ)

Tiêu chuẩn chúng tôi xuống đến đáy điểm là tám cân gạo, còn thì quy ra khoai tươi hà, sắn tươi thâm. Buổi sáng, hé cửa sổ phòng ở, chờ những nắm khoai nhào của học trò. Đêm đêm, ngủ cùng bọ chét. Hãy cởi hết quần áo ra để bọ chét hết chỗ dung thân, và suy ra, không nên đi lại nhà dân sau chín giờ tối. Qua cuộc thi bắt bọ, để biết hình thù con bọ chét có dạng cào cào, tính bằng mi li, họ nhà hút máu. Chợ tít mãi Cửa Việt, ăn một bó rau, cũng tính ngày phiên Cam Lộ. Dẫu sao, chúng tôi cũng có những kỷ niệm khó quên, những đêm rọi đèn đuổi bắt còng trên cát, những buổi ngóng trăng lên, đợi thuyền cá về, bạn đi biển trao cho chúng tôi bếp lửa còn than, con cua con cá, ngon tuyệt vời cái vị hồng hoang.

Chiều xuống rồi, ngày hạ nhiệt. Chúng tôi cùng học sinh san lấp cát, giữ chân đế ngôi trường mới xây. Học sinh ra về, chúng tôi lại làm người miền biển, lấy nước sinh hoạt và dự phòng cho cả hôm sau.

- Hiểu ơi! Thuần ơi! Đi lấy nước.

Mới ăn xong mà Thuần đã bay biến, chắc đi thực tế, có nghĩa là vào xóm vào làng. Chỉ còn Hiểu, con gái làm được gì. Hai chúng tôi bưng bê thùng bèng ra đám cát trũng. Đào, đào, hình thành cái hố lòng chảo, chỗ sâu nhất, trên một mét thì có nước. Đừng mong có mạch, mà chỉ là nước nhĩ. Chúng tôi múc, nước lẫn cát, hay cát lẫn nước đầy các thùng, rồi đợi mà chắt lấy nước trong. Lại múc, lại chắt. Cát mát lạnh, gió mát lạnh, trời đầy sao. Tôi cùng Hiểu chuyển nước về và tiếp tục cho phần nước tắm táp. Đầu tiên cho Hiểu, còn lại mình tôi, chắt tiếp, và dọn dẹp mọi thứ.

Khá lâu rồi, chắc phải đến nửa đêm. Tôi hì hục bê thùng nước phần mình về nhà tắm. Trường chỉ có mỗi một nhà tắm, bao che sơ sài nền lót tấm tôn.

- Có ai không? – Im ắng, chắc Hiểu đã về ngủ, - có ai không, mình vào tắm đây!

Tôi đẩy cửa và bê nước vào. Từ góc nhà tắm phía đâu đó, Hiểu lõa lồ ôm chầm lấy tôi. Lính quýnh, lính quýnh, ở tuổi trẻ trung, chúng tôi đều hừng hực, sẵn sàng nhập cuộc. Rất mơ hồ, tôi nghe thân thể Hiểu nhớp nháp cát và nước mát lạnh. Trong những ngày kham khổ, toàn nhắc đi nhắc lại những khẩu hiệu vượt khó, tôi trở thành tu sỹ khổ hạnh mất rồi. Hình ảnh buổi làm việc của công đoàn với cặp trai gái mới đây, hình ảnh mấy đứa trẻ miền biển nô đùa ăn ngủ trên nền nhà toàn cát, giữ tôi lại. Không, không nên, sợ lỡ ra, gieo thêm một mầm sống ở đây, ít ra là lúc này. Tôi xô nhẹ Hiểu và lí nhí không thành lời  “Đừng em, thôi tắm lại, mà đi ngủ” rồi bước mau ra trong trạng thái mộng du.

Sau chiến tranh, mọi người kham khổ mượn khẩu hiệu lạc quan, để khỏa lấp nhu cầu cuộc sống, nhưng tình yêu, mầm sống vẫn nở rộ! Có thể riêng tôi là lạc điệu, suy luận quá xa, đó là hiện tượng ám thị chiến tranh, ở cấp độ sau vướng nhiễm điôxin chút đỉnh. Xin lỗi Hiểu, xin lỗi quê nhà Gio Hải, bởi thực tình đó mới là chất lãng mạn mong manh tinh khiết. Xin giữ mãi hình ảnh cát đã chuyển thể thành huyền thoại, tất cả mọi thứ đều đẹp và nên truy tìm vẻ đẹp ở sự vật, thiên đường ngay chốn giãi dầu.

 

* Trường cấp II, ở thông 6 xã Gio Hải những năm 1976 – 1977

CH.C

 

CHANG CƠ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 202 tháng 07/2011

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

22 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

22 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

22 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

22 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground