Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những phiến nhân sinh trên vùng hỏa tuyến

 LTS. Đọc được những dòng tin tức trên CV. Số tháng 5/2011 về Khai mạc trại sáng tác do Hội VHNT phối hợp với huyện viết về mảnh đất, và con người Gio Linh, anh Chang Cơ ở TP. Buôn Ma Thuột (tên thật là Trương Quang Rê, quê ở làng Mai Xá, xã Gio Mai) gửi về Tạp chí bản thảo tập Hồi ký mong được đăng tải giới thiệu như là sự đóng góp của những người con xa xứ vào trại sáng tác văn học chào đón sự kiện 40 năm ngày quê hương giải phóng.

CV. trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bạn viết. Đầu đề do Tòa soạn đặt.

Con vọt

N

ăm chia đôi đất nước, tôi là một đứa trẻ chín mười tuổi. Trẻ con hay mơ mộng, gặp anh chăn vịt giữa đồng không mông quạnh vào mùa nước nổi, tôi thích ngay cái quyền lực của anh ta trước mấy trăm con vịt. Khi gia đình ông Siệc u (ông có cái u như bò mộng) chuyển về xóm tôi ở, (bây giờ vẫn là xóm Soi làng Mai Xá) với bầy chó đốm bốn mắt, tôi lại mê chó, mê đến ngẩn ngơ. Nghe đâu, gia đình ông sống du mục với nghề mò chài săn bắt, bên soi bên bại, tàu Pháp hay qua lại, nên chó ông lai được chó quân khuyển mà thành giống tốt.

Một sáng tháng năm, đang ngủ muộn, thì chó sủa nhặng lên. Tiếng chó mẹ cật lực oan ức, tiếng chó con tắc nghẹn ùng ục, chó lối xóm đồng cảm ùa theo. Tiếp diễn việc mấy ông ăn phàm nói phét, o óp ông Siệc để mổ chó cho bằng hết. Chó thì hay và tôi đang ao ước có chó nhưng với họ chỉ có thịt. Tôi lao sang, thằng bạn con nhà Siệc mới quen, cũng ấm ức theo chó. Chó mẹ lồng lộn xoay quanh cột nhà “Mở ra, tháo xích ra đi”. Hì hục chốc lát là chó mẹ xổng. Cuộc giải cứu bất ngờ mà oanh liệt. Mấy tay ăn phàm chạy te tua, cún con cũng vùng lên từ lớp đất vùi nó, tận đáy một cái hố mới đào, chưa chết. Sau chiến công đó, tôi nghiễm nhiên làm chủ con Vọt.

Từ đó, con Vọt và tôi khắng khít nhau để lòn bờ lủi bụi, mê say theo con chuột, con chồn. Có thể nói, chó săn bắt góp phần vào bữa ăn thời cơ cực. Cùng dạo này, có một trận lụt lớn, đò nốc  chèo chống cả vào xóm vào vườn, mấy thanh niên chặt chuối cây kết bè, chở chó đi săn. Nước ngập hang, ngập bờ, ngập bụi, chồn chuột lên ngọn cây. Chỉ còn việc dùng sào nhát khỉ, chồn chuột nhảy ùm xuống nước, lặn không được xa thì hết hơi và cơ hội cho chó. Chúng tôi bắt được cả thúng, sẵn khoai môn còn non đang bị ngập úng, thêm ít gạo nữa là có một bữa cỗ cho cả xóm.

Rồi quê tôi có trường học, tôi dần xa các trò chơi dân dã, ít có mặt ở các chuyến đi săn, nhưng con Vọt ngày một thiện nghệ cùng nhóm bạn mới, bọn trẻ chăn trâu làng trên xóm dưới. Mấy bận cuốc bộ đi học, chó cùng theo, nhưng xem ra chó không thích nghi với xóm chợ trên huyện, cùng các tiết học im ắng vắng lặng lê thê, chó trở về với nhóm bạn dãi dầu. Vào độ bốn năm năm tuổi là thời kỳ sung mãn của chó, các cuộn thịt săn chắc, con Vọt có thể quật chết bất cứ con vật nào, nếu có lệnh.

Không biết xuất phát từ đâu mà có chỉ thị diệt chó, không loại trừ cũng là chuyện phàm ăn, quyền lực dễ biến thành lộng hành. Một hôm có một tên lính (chính quyền Ngô Đình Diệm) đang đạp xe lùng sục thì gặp con Vọt, cơ hội cho anh ta giải trí. Thấy rõ ý đồ của anh và thương chó, tôi hét toáng lên “Vọt, vọt đi”. Chó mới giật mình, thì súng nổ. Đất chỗ chó đứng bị bắn tung. Con Vọt nhảy dựng lên, một tiếng tru hơn là sủa, rồi mất dạng. Nó thoát chết với vệt da bụng rách nhẹ. Thêm một bài học cho nó… căm ghét súng đạn. Hễ ngửi thấy mùi súng đạn là nó vọt lẹ, rồi gióng giả sủa, cái giọng nghe như xỉ vả nguyền rủa độc ác. Lâu ngày thành quen thuộc, cả xóm đều biết, cả làng rồi cũng biết ý con Vọt. Không dừng lại ở chuyện chó sủa, phía chính quyền nhận ra đặc điểm con chó làm mất bí mật của họ. Chủ chó bị mời lên với lệnh; phải tự xử “giết chó” “ông không giết nó, chúng tối giết cả ông… Chó quí gì mà đứng về phía Việt cọng” – “Chó là con vật vô tri, làm gì có chính kiến. Chính mấy ông gây oán, mấy ông bắn nó, truy đuổi nó bao nhiêu lần rồi, riêng tôi, đến chết, tôi cũng không đi giết con chó vô tội” – cha tôi trả lời.

Sự thực, phía Mặt trận cũng nhìn thấy đặc điểm về chó, họ cũng gặp khó từ việc cho sủa báo động, chó căm ghét hết cả những ai mang vác súng đạn. Một thời gian, điều tra nghiên cứu và cuối cùng, chọn giải pháp ve vãn chó, đưa những người một thời là bạn của chó về làm quen, ban đầu là tay không dần dần thì có cả súng đạn. Phía chính quyền không ai chịu kiên nhẫn đi xóa vết đòn thù với chó. Gần dân, dựa vào dân, không thể bỏ qua con chó! Thơ ai đó có viết “Yêu em, yêu cả con chó trong nhà của em”, thật chí tình. Không phụ công, đêm đêm con Vọt đợi chờ du kích, như đợi chờ bạn đi săn, mò mẫm cùng du kích, với thính giác tuyệt vời, chó phát hiện đối phương, báo động để du kích chuẩn bị. Khi du kích đi xa khỏi địa bàn của chó nó mới chịu trở về trong lưu luyến.

Những năm sáu lăm sáu sáu, chiến tranh vào hồi căng thẳng, giữa phố thị Quy Nhơn tôi nhận lá thư em gái từ quê nhà: “Anh Kha ơi, anh học tốt vào đi, để giúp em ăn học. Em đang thi vào tá viên đây. Mong sao em thi đỗ, cơ hội thoát khỏi điểm nóng và dẫu chiến tranh có đến đâu, em sẽ là y tá rồi! Lân, Ái đi rồi, chó Vọt không ai đem đi săn. Hình như nó cũng biết buồn nhớ và cả sợ bom đạn nữa”.

Trong đời người có các lối rẽ, có những lối rẽ ngọt ngào tơ lụa, có lối rẽ nghiệt ngã. Và thời loạn các lối rẽ còn vời vợi hơn, vượt cả chiến tuyến. Quê tôi chìm khói lửa. Cha mẹ tôi quyết định ra đi, xa nơi chiến trận. Run sợ lúc này đồng nghĩa với phạm tội phản quốc, khi người khác đang chịu đựng hay bám trụ chiến đấu. Mặt Trận cố níu dân ở lại cho đến hồi không thể kiểm soát. Chiến tranh đang dành lấy ruộng vườn đẩy về lại hoang dã. Những con vật nuôi, nếu sống sót sau chiến trận càng nhanh chóng thành hoang dã và là nổi kinh hoàng trên cả hoang dã.

Dẫu biết rằng mình đang đến dần sạt nghiệp, đến gần nghèo đói nhưng cha tôi vẫn mở ngỏ cửa chuồng trâu, không còn mua bán lúc này, mà dẫu mua bán được, không khéo lại là một tai họa. Lúc ra đi, một chuyện bất ngờ không tính đến, con chó lại làm vướng bận, nó già yếu lúc nào không hay, giờ không đi nổi, nó rên lên thê thảm, cố lết đến quấn lấy chân chủ như van nài.

- Hoãn đã tội nghiệp con chó. Mình ra đi để cầu an, nỡ nào bỏ rơi con chó sắp chết – Cha tôi quyết định.

Năm hôm sau, con Vọt mới chết hẳn, cha mẹ tôi cuối cùng cũng vào được thị xã. Chiến trận tràn lan, khó biết nơi đâu mới là chỗ an toàn. Tôi học được ở cha mình một con người trải nhiều biến động; rằng trong bất cứ tình huống nào cũng phải xử trí cho đúng đạo lý, chưa hẳn vì có đạo lý, sẽ dễ gặp may mắn – mơ hồ mà mê tín – nhưng chắc chắn quyết định thuận đạo lý, tâm ta bình tĩnh trong sáng để ứng phó bước tiếp theo tối ưu hơn, dễ lay động lòng người, dẫu đối phương là thằng khùng, tên cướp, là quân thù hay ngay cả con vật, mà nếu phải chết, cũng được chết trong chính đáng thanh thản.

 Chiền chiện

Hắn ngồi xuống trên bậc cửa nhà tạm trú, trại tạm cư 118 Khai Quang, cái tên kỳ kỳ, thật khó hiểu. Hắn lẩm nhẩm. Mẹ! Ngồi cái đã, đến đâu hẳn hay. Người đâu mà đông dữ, nằm ngồi ngổn ngang, già trẻ lớn bé ồn như chợ. Nắng thật gắt, nắng trên mái tôn vả vào người nóng như lửa. Ngoài kia, nắng trên cát trắng chói chang, hừng hực. Buột miệng hắn thầm thì: lạ, cái nơi chi mà quen lạ! Tờ tợ như ở quê mình. Thì e dưới trời này đâu rồi cũng thế cả, nhà cửa, ruộng, vườn, đất, đá, cỏ, cây, chim, chó, mèo… Phải lạ chưa, loài chim chiền chiện ở đây cũng có. Ôi cái loài chim thảm thương khốn khổ, tại sao chúng mày bị người quấy phá, bị trời xua đuổi? Phải rồi, trên bãi cát ngoài xa loài sơn ca đang hát, giọng thật buồn. Loài chim có lối bay thảm hại, bằng đôi cánh rung lia lịa mà thân hình bé nhỏ treo lơ lửng giữa thinh không, và giọng hót rên rỉ, có thể vui đấy, nhưng với hắn, hắn tin là buồn. Hắn chỉ có thương hại, không ai thương hại hắn. Mà cho dù có thương hại lũ chiền chiện thì chả mất mát gì, cũng thế thôi.

Ôi tiếng hót chiền chiện, loài chim bị lưu đày. Nhiều lần, rất nhiều lần, trong những năm, những tháng, những ngày của số tuổi đời hắn, khi nghe tiếng hót loài chim đó, hắn không thể không nhớ thương thời thơ ấu hiền hòa, dễ thương như lòng thương hại trong hắn, lòng thương hại còn đó mồn một, rõ ràng, tuổi thơ ấu êm đềm thì qua mau. Đôi lúc hắn đem lòng thương hại loài chim sơn ca mà thương mình. Mày đang ích kỉ rồi Toàn lép ơi, có ai lớn lên mà không rút kinh nghiệm để ích kỷ. Cũng may hắn khó lẫn lộn giữa loài sơn ca và chính hắn, sự so sánh rất mơ hồ và cũng khó khăn cho cái trí óc bình dị, hiền hòa của Toàn lép.

Hắn lẩm nhẩm: “Ta lên trên trời ta đẻ, trời không cho ta đẻ, ta xuống dưới đất ta đẻ, quân trâu bò bắt trứng ta đi, tuli tuli tuli…”

Loài chim thật lạ không đậu trên cành, không làm tổ trên cây, đẻ trứng dưới đất. Với cái nhìn bình dị của Toàn lép và lời đồng dao, hắn tin ngay. Không biết hắn đã thương yêu xót xa thực sự cho loài chim đó từ ngày nào và biết đến bao giờ đây. Hãy nhìn ngoài kia, bên trên màu cát trắng chói chang, loài chim bị đày đọa đang than vãn, ta lên trên trời ta đẻ…

- Trương Đình Toàn!

Người cảnh sát dã chiến với bộ quần áo rằn ri, bên hông kè kè khẩu súng colt gọi tên hắn. Hắn lăng xăng đứng dậy, hai tay phủi lia vào đít quần, hớn hở đã được gọi tên kể kiểm kê. Người ta sẽ cho hắn một chỗ ở nào đó.

- Dạ… dạ thưa!

- Gia đình ông có mấy người?

- Dạ bốn, à năm!

Người cảnh sát hách dịch

- Mấy người, đừng khai gian đó nghe!

- Dạ, dạ bốn, à năm, à à năm! Dạ năm đó ông! Hắn vỗ trán ra vẻ hối tiếc về chuyện lỡ lời.

- Cái gì lại bốn rồi năm? Đâu, gia đình ông đâu?

- Dạ, dạ, đủ cả: Mạ thằng Đái ơi tới kiểm kê đây nì. Dạ đó! Đủ cả thưa bốn, à năm thưa ông!

- Có bốn người mà cứ à năm – à năm hoài, người cảnh sát cười hách dịch, rồi nhìn xung quanh như kiếm người hiểu ra sự khôn ngoan trong nghề của mình.

- Dạ thưa… mạ tôi mới chết.

- Chết đâu có khai được cha nội.

- Thưa ông mới chết, còn kiểm tra đây mà, tui có khai gian chi mô.

- Chưa khai tử hả? Lộn xộn như thế là chỉ có bốn người thôi.

- Thưa ông cho tui thêm một người, mạ tui mới chết trên bãi Hải Lăng, e bà còn sống cũng nên, tui có láo chi mô!

- Ông này lộn xộn, đi ra.

Hắn trở lại bực cửa, vấn một điếu thuốc, hút khoan khoái. Giờ thì rảnh rang nghe loài chim sơn ca than thở, kể ra loài chim sướng thật, người ta chạy trối chết, chúng vẫn ca hát líu lo, chẳng còn biết là quốc gia hay cộng sản, chim vẫn hát ca, tự xem trời đất là của mình. Không, hắn vẫn không làm loài chim thảm thương đó, một loài chim nào khác cũng được trừ cái giống “chiền chiện” bị trời đầy đọa, bị quân trâu bò bắt trứng.

Hắn đăm đăm, nhìn ra bãi Nam Ô, nghe loài chim ríu rít mà bỗng nhớ; cũng từng đó, cũng tờ tờ như trưa nay, một buổi trưa nóng bỏng ở bãi Hải Lăng, hắn và vợ con hắn đào chui đào nhủi mấy cái hố để núp tạm tầm pháo bắn xối xả. Xung quanh hắn, người ta đang bò lết có người chạy càn, có người bị thương, có người chết… la liệt. Liệu có toàn tính mạng đây không? Ngỡ chạy được từ Ái Tử về mà đem vợ con và mẹ đi là an toàn, là trót lọt… ai ngờ! Vài quả nổ rát quá vùi dùm hắn mấy thằng nhỏ không chịu nằm yên. Mẹ hắn bỗng nhiên trở nên bình thản, hết sợ sệt, bà nằm dài ra thoải mái.

- Bây đi mô thì đi, tau không đi mô hết nữa.

- Bậy nờ, hơi lặng là chạy với người ta chơ!

- Súng đạn vẫn nổ, xa xa người, lính, xe cộ đủ loại hắn không còn phân biệt, thôi cứ nằm đây cái đã. Mẹ thế mà còn hát với ca, cái bọn quỷ “chiền chiện” vẫn tỉnh khô, hát trên trời, tiếng hát loài sơn ca vẫn thế đó, mãi một điệu buồn như ngày xưa, như âm vang ru hắn ngủ trên đồng trên trạng thuở còn ở quê nhà.

- Chạy được rồi đó bây ơi! Thôi chạy, chạy mạ!

Mẹ hắn vẫn nằm im, dáng nằm rất thoải mái, bà đã lấy cái nón che mặt tự bao giờ…

- Mạ! Chạy! Chạy đi, bây lôi mạ với bây, để tau cọng con chơ!

Bà vẫn không trả lời, hình như không còn động đậy, hắn một thoáng rùng mình thương xót, hắn chạy trở lại vài bước, hét:

- Mạ! Mạ! Mạ.

Lưỡng lự…  rồi hắn bế xốc thằng nhỏ chạy theo vợ hắn đang kéo lê thằng lớn chạy phía trước. Thôi cũng đành, cũng đành bà nằm đó, e bây giờ vẫn còn lũ quỷ hát trên trời, trên bãi Hải Lăng…

Vợ hắn ở đâu lết tới bên hắn. Rứa là yên một nỗi, còn giấy tờ mắc chi mà ông vứt hết, chừ làm răng đây.

Mẹ! ngu như bò! Hết giấy tờ thì hay, tao khai là tao làm công nì, phế binh nì! À không, tao thương tích chi mô! Giấy tờ, giấy tờ chi? Bay muốn tao làm lao công đầu binh lại hả? Chỉ có bản án đó mà cũng giấy với tờ. Mẹ! giấy với tờ, giấy với tờ! Im đi cho con yên, bà ơi!

Vợ hắn lẵng lặng trở về tấm chiếu, phần dành chỗ cho gia đình hắn bên đống gạo cứu trợ.

Ôi! Loài chiền chiện vẫn một điệu buồn, vẫn một dáng bay trên những bãi, những đồng cát bỏng và cỏ cháy, ta đã biết chúng bay trong thời thơ ấu êm đềm, ta đã gặp chúng bay trong các lần lao khổ, những đồng hoang trạng trống bước chân ta đã đi qua và nơi chúng bay trú ngụ. Vẫn một lời than thở đó mà kêu ca. “Chiền chiện” loài chim thật bé nhỏ, số phận hẩm hiu trên cỏ cháy cát vàng, chúng bay đã ăn làm sao, ở vào đâu với những cơn tai biến, những mưa gió bão bùng, những mùa đông cắt thịt, những mùa hạ cháy cây… Ôi những trận bão nữa, còn các cơn lụt mỗi năm… hỡi loài chiền chiện mỏng manh sầu thảm, hắn vơ vẩn miên man, điếu thuốc cháy lụn dần.

- Ông Trương Đình Toàn đâu? Hắn giật mình, mẩu thuốc rơi xuống đất.

- Dạ! Dạ thưa có!

- Ông làm nghề gì, đi lính chưa?

- Dạ đi lính rồi, hồi xưa… hồi xưa tê! Còn làm nghề nghề…

- Nghề chi? Thôi có giấy tờ chi đưa đây coi, có phải họ “đào” không cha nội?

- Dạ mô có, tôi đi lính hồi xưa tê chơ!

- Cái gì mà hồi xưa, bộ commando hả, mặt non choẹt mà hồi xưa, hồi xưa! Đâu giấy tờ đâu?

- Thưa ông mất hết rồi, tôi làm công đó!

- Thôi được, để quân cảnh xét trường hợp ông, không thì đào ngũ không chừng, gặp hồi này vứt ẩu giấy tờ rồi khai bậy!

Hắn mất bình tĩnh, mặt dại ra và lơ láo, hắn vội rút gói thuốc rê vấn hất tấp,  mẹ đến đâu hay đó, lo làm chi cho mệt.

Hắn trở ra lại bậc cửa, chân muốn quỵ xuống, thôi ngồi xuống đi, thằng con hắn lếch thếch đến bên hắn, hắn ôm con vào lòng. Thằng nhỏ vuốt mấy sợi râu trên một nốt ruồi bên quai hàm hắn. Hắn dễ chịu thoải mái.

- Cha! Con chi kêu rứa cha?

- Ừ, ừ chiền chiện! Chiền chiện, chiền chiện, loài chim bị đày đọa đó con ơi. Chúng không đậu trên cây, không đẻ trên cành, trời cấm chúng đó. Làm tổ đẻ trứng dưới mặt đất, có cát trắng, có cỏ lùng , sim và me dại… như ngoài quê mình vậy đó.

- Cha! Chiền chi cha?

- Ừ. Chiền chiện!

- Chiền chiện, chiền chiện!

- Này để cha dạy con bài hát chiền chiện nghe!

Hắn vẫn ngồi trên bậc cửa của trại tiếp cư, ôm con vào lòng lần lượt nói từng tiếng, từng câu đồng dao quê nhà cho thằng nhỏ lặp lại

- Thôi con nói lại cha nghe

- Ta lên trên trời ta đẻ.

- Ừ

- Ta xuống dưới đất ta đẻ

- Ừ

- A! Tội chơ cha hả, chim chiền chiện sao tội rứa cha. Con mà lớn con không bắt trứng chiền chiện mô!

Sao tội rứa cha? Sao tôi rứa cha? Phải đó, loài chim đáng thương có phải không Toàn lép? Hắn tự xét lại mình? Có hẳn loài chim chiền chiện đáng thương? Có nên thương hại chúng? Hắn mỉm cười trong liên tưởng. Tự nhiên tay hắn đưa lên xoa đầu thằng nhỏ, bàn tay hộ pháp từ mơn trớn dịu dàng càng lúc càng mạnh như hung bạo, làm thằng nhỏ khó chịu tìm cách tránh né.

- Chúng dễ thương chơ cha hả!

- Ừ, ừ, dễ thương, dễ thương lắm! Con ơi hãy ươm mầm yêu thương trong con, trong tuổi thơ hiền hòa trong trắng, như mẹ ta đã ươm mầm trong ta, bà đã nằm xuống êm đềm, có âm vang loài chim chiền chiện. Hãy ươm mầm yêu thương đi con, chỉ có yêu thương thôi cũng đủ, đừng nghĩ suy thắc mắc.

Hắn đứng lên, tay bồng thằng nhỏ đi ra bãi.

Con cù

- Alô, cho tôi đặt trước một căn hộ thuê bao trọn trong dịp Festival, với điều kiện là ngôi nhà cổ Việt Nam, nghĩa là nhà rường đúng nghĩa, một, hai hay ba gian, hay chái có hàng ba nữa! Ô kê?

Trong những hồi chuông gọi về ban tổ chức Festival Huế, thì yêu cầu này thực tế là khó khăn…

- Kim Long, có việc cho cậu rồi đây! Cố đi tìm một căn hộ kiểu cổ, đưa đón vị khách. Tiếng Anh nhẹ thôi nhưng kiến thức về nhà cửa hơi nặng ký. Cố gắng lên! Có gì liên lạc về trung tâm…

Rồi Kim Long cũng tìm ra nhà cho vị khách. Một ông già Việt Nam hoàn chỉnh, nghiêm nghị, triển vọng khó tính. Gọi Taxi đưa cụ về nhà. Cụ dặn dò thuê bao với tài xế xong thì theo Kim Long vào nhà.

- Cậu không phải nói tiếng Anh, và tôi cũng vậy, bao năm rồi tôi mới về được mái nhà xưa. – Cụ đi từng bước chầm chậm, nhìn căn hộ từ trong ra ngoài, từ bên này qua bên kia rồi quay lại hỏi Kim Long. – Có chủ nhà đấy chứ? Tôi muốn có bạn, vừa nhờ họ Service tí chút vừa có người bảo vệ an toàn, cụ cười.

- Thưa có, anh trả lời.

-  Thì bắt đầu đi! Cậu cho gặp chủ nhà rồi ta làm cái gì uống.

Người chủ từ nhà dưới đi lên chào cụ rồi cho khách ấm chè.

- Cháu đừng xem tôi như người thuê nhà mà như một người thân đi xa trở về, nghe cháu! – Quay lại với Kim Long cụ tiếp: - Một ngôi nhà vườn thật tuyệt. Huế đúng là xứ vườn, từ xưa đã nổi tiếng xứ cây trái. Cây trái cho vua chúa và quý tộc nữa cơ. Cậu hiểu từ ngữ riêng Huế chứ? Thử tìm xem có bao nhiêu từ có ghép âm “ngự” nào! Bến Ngự này, gạo ngự này, rau ngự này, cá bống ngự này… Cậu hiểu không? Từ nào có âm “ngự” là từ đó chỉ một cái gì đó cho vua dùng, vua ăn, vua đi lại… Nhưng nhà cửa ở Huế thì đô thị hóa từ lâu, đã có vôi vữa rồi nên không còn thuần túy truyền thống Việt Nam. Để rồi…

Cụ trở lại trầm ngâm, Kim Long không biết nói gì. Cậu chưng hửng trước một đề tài xa lạ.

- Này nhé! Ở trong căn nhà Việt Nam cậu sẽ thấy ấm cúng, vì có các đường cong, thấp mà sâu. Khác với thẳng, cao mà trống vắng. Vật liệu nhà Việt Nam hay cách dựng nhà, không tác hại cảnh quan hay ảnh hưởng đến môi trường vừa dự phòng tránh bão, nắng, gió vùng nhiệt đới gió mùa. Nếu tinh ý cậu sẽ thấy tính tiết kiệm, tận dụng tài nguyên. Có chi tiết dài có chi tiết ngắn, nhỏ. Không quá hoang sơ như một nhà sàn mà còn gần với nghệ thuật.

Cứ đứng lên, đi ra hàng ba (đến sau này Kim Long mới rõ hơn) hàng cột thứ ba tính từ tâm và sau hàng đố bản.

- Như chi tiết này đây! Cậu gọi là cái gì? Con cù, con cù đấy!

Cụ hoa hoa tay như muốn với tới nó, một chi tiết trong hệ thống ngôi nhà gỗ, chừng chưa tới một mét, có hình cánh cung, nối kết hai đầu cột, gần như một con vật ở tư thế vồ mồi.

- Con cù, cụ nhắc lại. Cậu hình dung ra đấy chứ, con tức là một con vật, chả hạn là con chồn, con báo, hay long lân quy phụng trong quan niệm thần vật và phải hiểu tính cách điệu để thưởng thức nghệ thuật. Rồi cụ cười hô hố mà đôi mắt long lanh như muốn khóc.

- Trong thiên nhiên rất ít sự vật có dạng ngang bằng sổ ngay, thế sao người ta phải buộc nhìn các vật thể ngang bằng. Tính hòa hợp ở đó. Ai hòa hợp với thiên nhiên thì ít cuồng loạn. Mức độ cao nhất của một đời người để hòa hợp phải ở tuổi sáu mươi, lục thập tri thiên mệnh. Xin lỗi, tôi nói hơi nhiều, hơn chủ quán trước “hậu sinh khả úy”…

- Thôi anh về. Mai trở lại ta “make a round”. A! Mà anh đi xa được chứ? Quảng Trị thôi! Trên  sáu mươi cây gì đó. Nếu đường tốt ta tới tận nơi. Cậu cũng đi thực tế một chuyến, Cương Gián một làng nghề dựng nhà cửa nổi tiếng; còn tôi đến đó để rửa tội, xin rửa tội nếu đời người có thể rửa được tội mình làm…

Rồi Kim Long và cụ cũng đã đến nơi, một làng ở bờ nam sông Bến Hải lại sát biển, Cụ kể, cóp nhặt lại theo cả chặng đường đi:

“Ngày trước thời chiến tranh tôi không phải đi lính. Vì học vấn giúp tôi không phải đi. Trừ phi tôi muốn tình nguyện như bao bè bạn, thế là tôi không dự phần vào việc tạo thêm tàn khốc. Thế nhưng tệ hại hơn, tôi làm nghề khai thác chiến tranh, từ thầu cung ứng cho quân đội rồi mua bán sản phẩm do chiến tranh mà có. Phải, các affair béo bở nhờ móc ngoặc với chỉ huy quân đội Sài Gòn và đồng minh, tôi còn vạch kế sách thu mua vật dụng nhà cửa của dân vùng bạch hóa, bán lại cho dân vùng bị thu gom, rồi xuất khẩu các vật dụng đặc biệt từ nhỏ đến trọn cả một ngôi nhà cồng kềnh mà lợi nhuận phải tính đến hàng triệu phần trăm. Thế đấy! Tôi được ca ngợi đã hạ thấp mức độ đốt phá, cứu người.

Một lần tôi đến vùng này, có làng Cương Gián ở đâu đây thôi, theo một đơn vị lùa dân về phía Nam, tách xa cộng sản. Bạch hóa vùng phi quân sự, lập vành đai Mac Namara. Nói là phi quân sự nhưng lúc tôi đến thì trên trời dưới đất đầy súng đạn, họ hù dọa để sớm hoàn thành nhiệm vụ và tôi phải thu quén chóng vánh những cái có gía để sớm bỏ mặc cho phi pháo. Phải nói là chúng tôi vừa mua, vừa dọa nạt, vừa ăn cướp và đơn vị quân đội cũng giúp chúng tôi tháo gỡ và vận chuyển những gì có giá ra khỏi nơi đấy.

Có điều này, có thể nói khi ta bỏ ra một số tiền hay làm một cử chỉ nào đó, để xoa dịu nỗi đau của kẻ khác được chăng? Ngày ấy tôi cứ cho việc mình làm có một phần nhân đạo. Nay cuối đời, tôi khẳng định là không. Trước đau thương chỉ có đấu tranh hay bỏ mặc cho tội ác lên tiếng, như để cho một phản ứng hóa học phải xảy ra, càng ngăn chặn càng nguy hiểm.

Tôi đến trước một ngôi nhà mà người của tôi cần tôi trực tiếp ngả giá, phải, một kiệt tác về chạm trổ và cẩn xà cừ. Chủ nhà chỉ có hai ông bà già, tôi thật sự động lòng, bỏ ra một số tiền khá lớn trong hết cả các cuộc thu mua dạng này. Thực tâm tôi biết giá trị của nó và không muốn bỏ mặc một kiệt tác phải chịu vùi dập.

Người đàn bà run run như muốn nhận. Ông già từ trầm ngâm rồi dần dần long lanh căm giận, ông gạt phắt gói tiền “Không bán, không bán, không bán…” Tôi vội thu tiền và rút ra sân ở đó có người đằng tôi và các sĩ quan nắm trọn quyền sinh sát.

Ông già thực sự điên lên, ông lăng xăng tìm kiếm cái gì đó, các tay súng bên ngoài đã lăm lăm. Tôi vội can thiệp và muốn xem nốt diễn biến cụ thể, cái ông tìm là chiếc rìu, chiếc rìu thợ cả, nhỏ và uốn lượn tinh xảo. Ông đứng lên mặt bàn rồi băm hai đầu cột bằng những nhát búa chính xác thiện nghệ, tháo gọn con cù ra không ngờ. Miệng ông lảm nhảm những gì nghe không rõ, đôi mắt sòng sọc đỏ hoe, lưng còng xuống ông vác con cù lên vai bước đi hụt hẩng, loạng choạng ra phía bờ sông.

Chúng tôi im lặng, một khoảng lặng trong chiến tranh…

Rồi tiếng người đàn bà hét to - “Không bán không bán!... Lửa bỗng tràn ngập ngôi nhà, bùng cháy dữ dội, có mùi xăng…

Giờ đây, tìm đâu ra những ngôi nhà như thế, thời gian thật nghiệt ngã, còn tôi cũng không còn cơ hội để trở về…”

Trở lại Huế, ít ngày sau, Kim Long đưa tiễn cụ ra sân bay, máy bay lên cao, anh như thấy cụ tan ra, tan biến dần vào những cụm mây trắng trên cao.

CH.C

 

Chang Cơ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 201 tháng 06/2011

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

19 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

20 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

20 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

20 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground