Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tình sâu nghĩa nặng trên nước bạn Lào

V

ừa thăm lại chiến trường xưa thuộc vùng Trung và Hạ Lào, vừa chuyển phân Con Công sang đây để cung cấp cho các bộ tộc Lào chăm bón cho các loại cây công nghiệp đang phát triển trở về, Cựu chiến binh doanh nhân Nguyễn Thế Hoài - Giám đốc Công ty TNHH Trường Anh tuy bận rộn với việc điều hành, quản lý hai nhà máy vẫn dành cho chúng tôi vài giờ gặp gỡ, giao tiếp tình. Anh vồn vã mời chúng tôi những ly rượu thơm nồng đậm đà của những người bạn Lào chí thân đã một thời sát cánh cùng đơn vị quân tình nguyện của anh vào sinh ra tử trên các chiến trường tiểu trừ lũ phỉ Vàng Pao và tàn quân Khơ - me đỏ để bảo vệ dân Lào và Việt kiều, anh vừa đăm chiêu hồi tưởng lại những năm tháng làm song song hai nhiệm vụ: Cầm súng chiến đấu và cầm kềm búa rèn cuốc, cày, dao, rựa… cung cấp cho nhân dân nước bạn ở nhiều bản làng thuộc huyện Đồng Hến và Ác – xa – phăng - thông tỉnh Sa – van – na - khẹt. Những kỷ niệm sâu sắc dạt dào trong anh và chúng tôi như được cùng anh trở về những năm tháng sống động hào hùng trên chiến trường Trung - Hạ Lào cách đây hơn 30 năm về trước.

Sau khi tốt nghiệp trường phổ thông cấp 3 Vĩnh Linh (Bình Trị Thiên) tháng 2/1980 tôi tình nguyện nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của người đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh. Sau mấy tháng tập luyện gian khổ với quyết tâm: “đổ nhiều mồ hôi trên thao trường, đổ ít máu xương trên trận địa” tôi được biên chế vào đơn vị pháo binh C14 trực thuộc E830 F968 là Sư đoàn làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và vinh quang ở nước bạn Lào. Thời gian đầu đơn vị tôi đóng quân ở huyện Ác - xa – phăng - thông tỉnh Sa – van -  na -  khẹt. Sau đó thể theo nguyện thiết tha của tôi cùng một số người bạn đồng hương lũy thép Vĩnh Linh nhập ngũ một đợt xin được trực tiếp chiến đấu truy lùng, tìm diệt lũ thổ phỉ Vàng Pao và tàn quân Khơ me đỏ đã, đang ngày đêm hoành hành. Chúng đột nhập, tập kích vào nhiều bản làng gây ra bao tội ác trời không dung, đất không tha, nào đốt nhà, phá rẫy, cướp của, cưỡng hiếp, giết người vô cùng dã man, tàn ác đối với hàng ngàn người dân lương thiện khắp vùng Trung và Hạ Lào, nhất là ở các tỉnh Sa – van – na - khẹt, Sa – la - van tiếp giáp với Quảng Trị - Việt Nam. Mấy tháng sau khi gửi đơn lên chỉ huy xin về đơn vị trực tiếp chiến đấu, tôi cùng mấy người bạn đồng khoá, đồng môn cấp 3 Vĩnh Linh được chuyển sang đại đội bộ binh C17 bảo vệ thị trấn Đồng Hến nơi có các đoàn chuyên gia nhiều nước XHCN, khối Vác sa va (CEP) đầu tư xây dựng cầu Đồng Hến hiện đại nối liền mạch máu giao thông quan trọng giữa Việt Nam với nước bạn Lào. Đi đến đâu đơn vị chúng tôi cũng tự lực xây dựng doanh trại đến đó. Thời kỳ này nước ta và nước bạn gặp muôn ngàn gian khổ thiếu thốn. Công tác hậu cần, vận tải tiếp tế vô cùng khó khăn trở ngại. Xe vận tải của ta và bạn thường xuyên bị bọn Phỉ phục kích, cướp đốt, phá sạch, giết sạch. Bộ đội ta chỉ được cung cấp gạo, sắn, mắm kem với số lượng hạn chế. Mỗi tiểu đội chỉ được trang bị 2 dao tông, vài lưỡi liềm để đẵn gỗ, chặt tre, bứt tranh làm doanh trại. Người dân Lào cũng rất thiếu và rất quý công cụ lao động cầm tay như cuốc, cày, dao, rựa, liềm… Nhờ bố mẹ làm nghề thợ rèn, thời kỳ đi học phổ thông tôi đã tham gia làm ra cuốc, xẻng, dao, rựa…nên tôi mạnh dạn đề nghị với Ban chỉ huy đơn vị xây dựng lò rèn thủ công để sản xuất công cụ cầm tay cung cấp cho bộ đội ta và nhân dân các bộ tộc Lào. Các cấp chỉ huy đồng tình và hoan nghênh đề xuất của tôi. Thế là đơn vị giao nhiệm vụ cho tôi về nước, cụ thể là về gia đình và HTX cơ khí rèn đúc Nam Thanh ở Hồ Xá- Vĩnh Linh vừa xin, vừa mua rồi đưa lên đơn vị một số công cụ chủ yếu của nghề rèn. Khoảng 10 ngày sau một lò rèn thủ công gọn nhẹ được tạo dựng ở bản Đông - ki - lô gần thị trấn Đồng Hến. Nguyên vật liệu để rèn đúc ở đây khá đầy đủ, đó là sắt thép phế liệu chiến tranh, trục nhíp xe ô tô bị mìn, bom đạn đốt cháy hư hỏng. Nhiên liệu là than củi khá phong phú vì rừng Lào rất nhiều củi khô, gỗ cháy. Còn que hàn, lưỡi dũa thời đó rất khan hiếm, khó tìm phải đưa từ Việt Nam sang. Trong đơn vị tôi lúc đó ngoài tôi ra chưa có ai biết nghề rèn nên sau khi có lò rèn Ban chỉ huy phân công tôi chuyên làm nghề rèn và phụ trách lò rèn, nghỉ cầm súng hành quân truy lùng tìm diệt thổ phỉ. Nhiều lần tôi phải lên gặp thủ trưởng Trung ở Tiểu đoàn trình bày nguyện vọng thiết tha là: Tôi sang nước bạn làm tình nguyện quân cầm súng tiêu diệt kẻ thù bảo vệ dân Lào chứ không phải chuyên làm thợ rèn cuốc, cày, dao, rựa. Nhưng các thủ trưởng cứ động viên, khuyến khích tôi yên tâm cầm kềm, búa rèn dũa một thời gian. Thế rồi tôi đã nảy sinh một ý tưởng, một giải pháp tình thế là tích cực kèm cặp, truyền dạy nghề rèn cho một số thanh niên du kích người Lào như Thào Sang, Khăm say, Thi von… cố công đào tạo họ thành những thợ rèn giỏi để có thể tự lực sản xuất nhiều công cụ cầm tay phục vụ cho đồng bào mình. Công việc khó khăn, phức tạp nhất là tôi sắt cho rắn chắc, bền, dũa mài lưỡi dao, rựa cho phẳng, sắc ngọt. Tôi đã kiên trì chỉ dẫn, cầm tay bày việc cho mấy thợ phụ Lào khá sáng dạ, tiếp thu vận dụng khá nhanh. Chỉ trong vài tháng lò rèn chúng tôi đã sản xuất được hàng ngàn công cụ cầm tay trang bị cho các đơn vị tình nguyện quân Việt Nam và nông dân các bộ tộc Lào cùng Việt kiều. Nhờ có đầy đủ dụng cụ lao động nên trong công tác xây dựng doanh trại, công sự chiến đấu, đào hào giao thông, sửa chữa tôn cao đường sá, đơn vị tôi đều hoàn thành nhanh nhất, tốt nhất thường được trung đoàn và sư đoàn khen thưởng. Nhân dân Lào và Việt kiều trong vùng đơn vị tôi đóng quân dần dần có đủ dụng cụ lao động sản xuất, tiếp thu kỹ thuật canh tác tiến bộ do “Bộ đội cụ Hồ” hướng dẫn nên đã bỏ dần tập quán canh tác lạc hậu: Phát- đốt- cốt - trĩa nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng con nuôi góp phần làm cho đời sống được cải thiện no đủ. Nhờ đó mà công tác dân binh vận của đơn vị ngày càng chuyển biến, tiến triển tốt. Tình đoàn kết chiến đấu giữa quân tình nguyện Việt Nam với các đơn vị du kích và nhân dân Lào ngày càng phát triển. Nhiệm vụ truy lùng, tìm diệt, gọi hàng lũ phỉ Vàng Pao và tàn quân Khơ - me đỏ ngày càng thuận lợi với nhiều chiến công lớn lao .

Kể đến đây anh Hoài dừng lại đăm chiêu hồi tưởng. Anh phóng tầm mắt xa xăm nhìn về phía Tây, nơi có dãy Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây điệp trùng, hùng vĩ nối liền hai cơ thể làm một, gắn bó hữu cơ, máu thịt như hai anh em sinh đôi đó là hai nước Việt - Lào cùng chung chiến hào có bề dày truyền thống bền chặt sắt son. Chờ cho dòng hồi tưởng ký ức của anh lắng đọng, tôi đề nghị:

- Trong hơn bốn năm làm tình nguyện quân ở Lào vừa cầm súng, vừa cầm búa, cầm kềm chắc anh có nhiều kỷ niệm sâu đậm, sống mãi cùng năm tháng?...

 Vừa cẩn thận rót thêm rượu bổ quý chêm đầy ly rượu cho mọi người, anh vừa dịu dàng tiếp nối câu chuyện :

- Tôi xin kể tiếp một kỷ niệm tạc dạ ghi lòng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay. Vào một sáng mùa khô năm 1982 khi tôi đang nai nịt súng đạn gọn gàng chuẩn bị cùng Tiểu đội hành quân, tìm diệt lũ thổ phỉ đêm trước bất ngờ tập kích gây tội ác man rợ ở bản Na kè, xã Na thon giết chết hàng chục người dân Lào và Việt kiều vô tội thì đồng chí Đại đội trưởng đến bảo tôi ở nhà làm nhiệm vụ đặc biệt là cùng mấy thợ phụ rèn gấp 2 dao, 2 rựa, 2 lưỡi cuốc thật sắc, thật tốt để đi làm công tác dân binh vận quan trọng đột xuất. Chậm nhất hai giờ chiều phải hoàn thành nộp Ban chỉ huy. Tuy rất buồn vì phải xa Tiểu đội, không được cầm súng truy lùng, tìm diệt lũ thổ phỉ “mặt người dạ thú”, tôi vẫn khẩn trương chấp hành “quân lệnh như sơn”, lập tức chạy đến lò rèn cùng mấy thợ phụ người Lào liên tục thụt bể, quai búa, tôi sắt, mài dũa… Chưa đến giờ hẹn, tôi đã vác đủ số dao, rựa, cuốc lên gặp Ban chỉ huy. Tuy rất tiết kiệm lời khen nhưng lần này C trưởng cũng tấm tắcĐồng chí làm thợ rèn giỏi, chấp hành mệnh lệnh tốt. Sau đó C trưởng bảo tôi cùng đi làm công tác đột xuất. Tuy rất tò mò, hiếu kỳ muốn dò hỏi chỉ huy là đi làm nhiệm vụ gì nhưng vì thượng tôn nguyên tắc “bí mật quân sự” tôi im lặng vác súng đi theo. Sau một buổi vượt núi, băng rừng, trèo đèo lội suối chúng tôi đến bản Chi la mông Kơ lông huyện Đồng Hến. Chúng tôi vào nhà già làng trưởng bản Sao Khiên, được vợ chồng ông tiếp đón niềm nở, thân tình. Trao tận tay trưởng bản số công cụ lao động chúng tôi vừa rèn đúc lúc sáng, Đại đội trưởng thân mật hỏi ông bằng tiếng Lào khá, trôi chảy:

- Phạ sắc bò? Trốc sắc bò? (Dao rựa sắc không? Cuốc tốt không?)

Sau mấy phút sờ nắn, ngắm nghía từng lưỡi dao, cái rựa, lưỡi cuốc trưởng bản gật gù bảo:

- Heng khắc! Heng khắc! (Rất sắc, rất tốt)

Vừa trả lời xong ông đưa lưỡi dao, lưỡi rựa lên cằm làm động tác cạo râu rồi vui vẻ bảo là dao rựa sắc ngọt có thể dùng để cạo râu tốt. Thế là mọi người bật lên những chuỗi cười giòn giã chứa chan ân tình.

Trên đường trở về đơn vị dò hỏi mãi chúng tôi mới được chỉ huy bật mí cho biết là bộ đội ta và cán bộ Lào đã tuyên truyền, vận động được mấy lính phỉ Vàng Pao đào rã ngũ trở về làm người dân lương thiện rất cần có công cụ lao động phổ thông để tăng gia sản xuất nuôi sống bản thân và gia đình. Thời gian tới lò rèn của đơn vị càng phải thường xuyên đỏ lửa rèn thêm nhiều công cụ nữa. Giữa đêm hôm đó chúng tôi vừa về đến đơn vị, niềm vui còn lâng lâng lan tỏa thì một tin đau buồn đã ập đến. Trong ngày hôm ấy, Tiểu đội tôi đi truy lùng tìm diệt lũ phỉ thì bị rơi vào ổ phục kích của chúng, gần hết Tiểu đội bị thương vong. Đêm đó và nhiều đêm sau tôi không tài nào chợp mắt được vì quá đau buồn, tiếc thương các đồng chí, đồng đội, đồng hương đã hy sinh vì nhiệm vụ vinh quang cao cả.

Kể đến đây Cựu chiến binh, Giám đốc Nguyễn Thế Hoài nghẹn ngào dừng lại… Anh lại phóng tầm mắt nhìn phía Tây xa xôi nơi có dãy Trường Sơn xanh thẳm, mờ sương như muốn trở về chiến trường xưa tìm gặp lại những con người, những dấu tích và kỷ niệm tràn đầy niềm thương, nỗi nhớ da diết khôn nguôi. Quay lại phía chúng tôi anh xúc động nói:

- Hơn 4 năm làm tình nguyện quân kiêm thợ rèn ở nước bạn Lào với bao nghĩa tình sâu nặng, tôi càng thấy thấm thía sâu sắc hơn về tình hữu nghị đoàn kết đặc biệt Việt - Lào cùng chung chiến hào chống kẻ thù chung, quả đúng như khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu:  Việt Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long;

Đồng thời tôi cũng tâm đắc, đồng cảm với hai câu thơ của Chế Lan Viên: Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn!

Vì tôi luôn xem nước bạn Lào như quê hương thân thương, yêu dấu thứ hai của mình.

 

N.X.P

 

Nguyễn Xuân Phùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 222 tháng 03/2013

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

8 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

8 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

8 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

8 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground