Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Truyền thuyết rùa vàng và chợ đình Bích La

L

àng Bích La (huyện Triệu Phong) được khai lập vào đời vua Lê Cung Hoằng (1526 - 1527) gồm có 4 giáp: Đông, Trung, Nam và Hậu. Về sau mở rộng thêm Cồn Du thành giáp thứ 5: Giáp Thượng.

Ngài Lê Mậu Doãn và 14 hộ (sau này nhà Nguyễn sắc phong ghi nhận công trạng) cùng tiến vào phương Nam với các nhiệm vụ rõ ràng: “Hản ngự Chiêm Thành, Chiêu mộ lưu dân, khẩn hoang điền, lập tổng xã”. Hiểu nôm na là phòng chống Chiêm Thành, kêu gọi thu hút gom dân để khai hoang, canh tác, định cư, nhằm lập nên các địa phận hành chính tổng, xã.

Bước đầu khẩn canh, định cư được bốn giáp các Ngài lập làng và đặt tên là HOA - AN (để tưởng nhớ nơi xuất xứ là Hoa Duệ, Hà Tĩnh). Triều Quang Trung đổi tên là HOA LA. Nhà Nguyễn giành lại giang sơn lại đổi tên làng thành Bích La cho đến ngày nay.

Sau nhiều biến thiên của lịch sử, các “giáp” bây giờ thuộc nhiều địa phận hành chính khác nhau, và không còn mối quan hệ cùng một làng nữa, tên gọi cũng độc lập, đã thành các làng: Bích La Đông, Bích La Trung, Bích La Nam, Bích La Thượng và Bích La Hậu. Không còn là giáp Đông hay giáp Thượng… của làng Bích La như ngày xưa.

Lịch sử khoa bảng và quan lại của con dân làng cũng vô cùng phong phú, trải dài từ triều Hậu Lê đến nhà Nguyễn. Nhiều vị được phong Tước Hầu, Tước Bá nhiều vị đỗ đạt cao, Tiến sỹ, Cử nhân của hai ngành Văn lẫn ngành Võ nhiều vị là trọng thần các triều đại nhà Nguyễn. Có vị được triều đình Thành Thái tặng câu đối treo ở Miếu thờ:

“Nhất lão nghi hình thiên hạ đắc

Tứ triều thạc phụ đế vương tôn”.

Đức độ của Cụ trước bàn dân bách họ và trước các bậc Đế Vương quả thực là một đại thụ; có vị cầm đầu phái tôn ông Vĩnh San (Duy Tân) chống lại phái tôn ông Hoàng Cả (Khải Định), và phái tôn Vĩnh San đã thắng, (Vua Duy Tân lên ngôi lúc 9 tuổi).

Một số đông các vị khoa bảng của hai ngành Văn lẫn Võ về sau này đã theo phong trào Cần Vương, trong số đó có cụ Phan Cự (giáp Hậu) người đã đem quân tiến chiếm tỉnh thành Quảng Trị.

Dòng huyết thống tuôn chảy suốt chiều dài lập làng đã hội tụ vào người con ưu tú Ngài Lê Duẫn (Họ Lê Văn), người đã cắm lá cờ thống nhất nước nhà (1975), chấm dứt vĩnh viễn bóng dáng quân ngoại xâm, mở ra kỷ nguyên độc lập muôn đời cho con cháu.

Làng được hình thành từ 15 dòng họ cùng khai sáng mà dòng máu mang đậm những đặc tính tiên phong, cách mạng và khoáng đạt đó cho nên các tập tục về quan, hôn, tang, tế tồn tại đến ngày nay cũng thật là nhẹ nhàng, dễ chịu. Làng có nhiều chuyện tích mang tính tập quán và truyền thuyết mà sức sống ngày một lớn mạnh của nó thật đáng tự hào. Xin đơn cử hai mẫu chuyện trong kho tàng chuyện tích đó.

1. Truyền thuyết rùa vàng

Thời nhỏ, trong trạng thái mơ mơ hồ hồ trước khi chìm vào giấc ngủ, tai nghe văng vẳng giọng đều đều, khàn khàn, trầm, đục của cụ thân sinh kể chuyện Từ Thức lạc động tiên. Niềm đam mê háo hức được chung sống cùng tiên nữ cũng chỉ kéo dài được vài năm, lòng trần lại trỗi dậy, Từ Thức nhớ cảnh quê nhà, nhớ gia đình, nhớ bạn bè, nhớ những tháng ngày tay lấm chân bùn mà sao ngọt ngào đến kẹo lưỡi, nỗi nhớ mở rộng ra gốc đa, giếng nước, nhớ đến con trâu, cái bừa, nhớ giọng hò khoan, nhớ hò hụi..Từ Thức lại trở về trần, nhưng than ôi bạn bè cùng lứa tuổi, những chàng trai tráng mới hôm nào cùng nhau đập đất mùa vại, giữa trời cao trong xanh, gió lồng lộng, mảnh trăng treo chênh chênh, tiếng vồ cùng một nhịp rộn ràng cùng còn nghe văng vẳng đâu đây, Thức thấy rõ ràng như mới cùng nhau vật cánh trên bờ thửa, mới cùng nhau ganh đua kéo nước bên đồng làm trăng méo mó thay hình đổi dạng, như thách thức như lẫn tránh, mới cùng nhau hướng khát khao về đám thôn nữ… cùng nhau, cùng nhau, đủ thứ cùng nhau khi người ta cùng lứa tuổi, thế mà bây giờ, khi Từ Thức trở lại quê nhà sau hai năm lưu lạc ở cõi tiên bạn bè trang lứa của Thức, phần đông đã qua đời, phần còn lại đã quá già nua, lụm khụm… Từ Thức không còn có thể tin vào mắt mình được nữa…

Cũng ngày xưa còn bé ấy, người lớn nói rằng, với tâm hồn trong trắng thơ ngây, trời ban mai nắng nhẹ, nước hồ yên ắng, vắng lặng khi ấy hãy nhìn xuống hồ Đình sẽ thấy con rùa Vàng lượn lờ giữa tầng nước trong xanh và trẻ em luôn luôn mong ước hội đủ các yếu tố ấy để xem rùa Vàng. Đó là con rùa Vàng (vàng ròng) trời ban cho làng để thưởng công khai phá thuở hoang sơ, khẩn hoang, canh điền, định cư, lập làng. Trời giữ riêng cho mình quyền năng, và trời cũng công minh, vô tư thưởng người có công, phạt kẻ gây tội lỗi. Con rùa Vàng phần thưởng ấy đêm đêm bay vòng vòng quanh làng xem xét dân tình, nhằm kịp thời cứu giúp kẻ khốn nguy, can ngăn đứa hung bạo, và nhất là an ủi vỗ về những em bé giữa trời đêm mù mịt tối đen mà cha mẹ làm đồng chưa về, rùa Vàng sẽ biến thành ông Tiên, người bạn hay bác hàng xóm đến cùng bé, và nếu thực sự bé ngoan, kiên cường, cứng cáp thì nhất định sẽ được gặp rùa Vàng, và đấy là ước mơ của nhiều thế hệ trẻ em trong làng. Riêng tôi thực không biết tự lúc nào, rùa Vàng sáng rực trong tâm thức, trong tình cảm từ thuở thơ ngây, và sống no ấm vững vàng, hùng mạnh, trường thọ ở đấy. Đó là những ngày tháng thực sự hạnh phúc. Những đêm mơ màng, phần thiện lành trong tôi thấy rùa Vàng đi tuần canh, hình dạng như bắp chuối, phần nhọn bay trước, chung quanh loé chớp, loé chớp vàng rực… kẻ gian manh, quân hung bạo trốn chạy thật thê thảm; phần thiện lành trong tôi thấy mình cùng rùa Vàng hết lòng xông pha cuối xóm đầu làng, từ ao hồ qua ruộng nương, hết vùng cửa rào đến cồn đống, khắp Cồn Du về giáp Hậu, Trung, Nam, đâu đâu chúng tôi cũng cần mẫn, sáng suốt, tuần tra, canh gác để dân làng ngủ, nghỉ bình yên.

Và một điều chắc nịch, rùa Vàng trời ban thưởng cho con dân làng Bích La đêm đêm bay vòng quanh làng là một sự thật hiển nhiên, không còn điều gì phải bàn cãi nữa.

Chính niềm tin này đã hoà vào sữa mẹ mà lớn khôn. Không giản đơn chỉ là chuyện thời con nít, mà khi đi xa, khi đã trưởng thành niềm mơ ước được thấy rùa Vàng sống dưới hồ Đình vẫn là một khát khao.

Ai đó sẽ nói là mơ hồ, huyền thoại, mộng tưởng. Được thôi, có ai cấm đâu, và cũng có thể lắm, nhưng - từ này bao giờ cũng là khởi đầu của một cái gì mà tính chủ yếu là ngược lại, thế mà từ “nhưng” ở đây lại làm điều ngược lại chính nó - (nhưng) lại chính như điều bạn nói. Nói vậy mà không phải vậy, nếu bạn chịu khó quan sát suy nghĩ, lắng nghe sự dẫn dắt của các mối quan hệ tương tác nhiều chiều giữa truyền thuyết và tâm thức con dân làng; giữa rùa Vàng, hồ Đình và làng Bích La, bạn sẽ cảm nhận được sự hiện hữu, tồn tại của rùa Vàng là hết sức rõ ràng cụ thể, như thấy bằng mắt, sờ nắm bằng tay. Rùa Vàng vốn là vậy.

2. Chợ Đình

2.1 Đi Chợ

Chợ Đình ngày mồng ba Tết âm lịch là phiên chợ đặc biệt, mỗi năm chỉ nhóm chợ một lần. Nói là ngày hội làng cũng đúng, nhưng tốt hơn cứ gọi theo cách gọi xưa nay là Chợ Đình, vì thực sự nó đã thoát ra khỏi phạm vi của làng, ngày nam thanh nữ tú cả vùng mong đợi.

Riêng con dân làng thì cả các thế hệ, nam lẫn nữ đều có nhu cầu đích thực ở phiên chợ truyền thống này.

Các cụ ông khăn áo tề chỉnh đến Đình - Miếu dâng hương báo cáo lên Tổ tiên lễ tiết đã xong xin trở lại nếp sống ngày thường (gọi là cúng đưa), và một trách nhiệm nữa, cụ thể hơn, “Cầm Chịch” các trò chơi, các cuộc thi tranh giải.

Các cụ bà dự phiên Chợ Đình để: Ban lộc! Không phải chúng ta “suy ra” mà đây là tập quán. Ban lộc qua hình thức: bán một ít cau trầu, hoặc “ngão” cải, ngò… cây nhà lá vườn, dĩ nhiên mang tính tượng trưng mà thôi. Thực ra là để gặp gỡ cháu chắt họ hàng xa không có điều kiện mừng tuổi tại nhà.

Thế hệ cha mẹ (gọi chung lực lượng chính bao gồm những ai mà con cái chưa trưởng thành hết) thì trao đổi hàng hoá nông sản và thủ công. Nhìn vào chợ thấy khối lượng hàng hoá thật ít ỏi, nhưng điểm số luợng “mặt hàng” lại thấy hết sức dồi dào. Dân làng mang hàng hoá đến Chợ Đình không thuần tuý nhu cầu trao đổi, mua bán mà cái tiềm ẩn, cái sâu kín, cái rực sáng trong tâm thức… là báo cáo trước Tiền nhân những thành quả lao động trong năm, và như một lời hứa sẽ có nhiều cố gắng, nhiều nỗ lực hơn trong năm mới. Tuy nhiên, không phải ai cũng ý thức được đầy đủ và rạch ròi như nhau, phần đông làm như một nếp quen, như được một động lực tình cảm thúc đẩy vậy thôi.

Thế hệ con cái (dưới tuổi trưởng thành) thì rõ là một ngày vui – Cơ hội năm chỉ một lần. Lớp trẻ em này nô đùa thoả thích, trao đổi, khoe khoang “tác phẩm”: gà, heo, trâu, voi và các dạng “tu huýt”… những con vật các cháu dày công vo nắn, trau chuốt, làm bằng đất sét nung lửa, sơn vẽ màu sắc vô cùng sặc sỡ, gắn ở đầu hoặc bụng cái kèn “ống hóp”, thổi vào kêu tò te, tò te… Đó là mặt hàng lưu niệm duy nhất có mặt tại Chợ Đình từ xưa đến nay. Ở đây cũng phải cần mở cái ngoặc: Vì sao không có bàn tay người lớn để nâng cao mặt hàng này? Phải chăng đây là góc chơi độc lập của các cháu? Vâng, đấy là góc riêng của các cháu, vì không thể giải thích khác được.

Lớp nam, nữ thanh niên thì đầy dẫy các trò chơi và các cuộc thi tranh giải, từ đồng đội đến cá nhân như: kéo co, cờ bàn, làm bánh, võ thuật, văn nghệ… (và các trò chơi khác), và đặc biêt:Xem mặt lẫn nhau. Nghe các cụ kể rất nhiều anh chị thành đôi, thành đũa nhờ phiên Chợ Đình, và… ngược lại.

Phiên Chợ Đình ngày mồng ba Tết, có những biểu hiện rõ nét về nếp sống văn hoá, cụ thể như tính truyền thống (cứ đến ngày là mọi người nô nức về họp chợ, quyền bình đẳng của phụ nữ (ban lộc), quyền được thể hiện và quyết định của trẻ em trong sáng tạo, trao đổi, mua bán (mặt hàng lưu niệm)… Và một yếu tố văn hoá nữa cũng cần phải suy nghĩ là địa điểm họp chợ, đây là khu vực Đình thờ, Miếu vũ - Nơi tôn nghiêm nhất làng (chung cả 5 giáp).

Phải chăng từ xa xưa các cụ đã có ý giáo dục, nhắc nhỡ lớp sau về đạo lý: Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, con cái là một thể thống nhất như câu: “Con cháu ở đâu ông bà ở đấy”, như bây giờ ta hiểu, tinh hoa của ông bà cha mẹ đang tuôn chảy trong bản thân ta.

Thực ra cũng không cần phải lý giải, chính cách chọn địa điểm đã khẳng định tính chất không phân biệt nam nữ, không có dấu vết mê tín, và tính đoàn tụ đồng đường của lớp trên ông bà, lớp dưới cháu chắt cũng như người đang sống và Tiền nhân đã khuất.

Mấy năm gần đây Chợ Đình thu hút khá nhiều khách phương xa, hầu như có mặt tất cả các huyện thị trong tỉnh, đông nhất là thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị, có một số từ thành phố Huế ra, có lẽ do con dân làng lôi kéo, tuyên truyền, phần nhờ Ban tổ chức hoạt động tích cực, có nhiều hình thức vui chơi phù hợp hoàn cảnh địa phương lại theo kịp tâm lý lớp trẻ nên thật đông đúc, nhộn nhịp và thời gian họp chợ cũng dài thêm. Thật là một điều đáng mừng.

2.2 Âm vang Chợ Đình

Khách chợ Đình - do có chợ Đình - vậy, có khách chợ Đình thì có chợ Đình. Cái lập luận ba khúc ấy nó ăn sâu vào tiềm thức mất rồi. Nhưng khi nói: Vì tính chất buôn bán - mới lập chợ - vậy, buôn bán chính là chợ. E rằng không ổn chút nào với chợ Đình. Té ra còn có ngoại lệ nhỉ?

Đầu xuân đi chợ Đình là một hướng, là một cuộc xuất hành tốt đẹp nhất đấy. Thử quan sát xem, chợ đông đúc như vậy mà không xô bồ, người người tay bắt mặt mừng, vồn vã, chúc tụng, chả ai băn khoăn bán chưa xong hay mua chưa được. Chợ hoàn toàn không có tiếng càu nhàu, ngày xuân mà lỵ. Đâu có một chiếc nón nghiêng che, đâu đó một ánh đèn Phơláp (Flafh) nhoé sáng, cũng có thể nhận một phản ứng, một cái nguýt dài ba ngàn cây số, nhưng cũng chỉ có vậy. Thế nhưng đừng nghĩ hiền nhé, nói nhỏ thôi, cũng chanh chua lắm đấy. Trêu các chị chút ngày xuân, như nấu chè cho thêm chút muối. Chưa có nơi nào mà tính tự xoá mình khi bước chân về nhà chồng cao như phụ nữ quê tôi. Các chị tách mình ra khỏi phần đời thiếu nữ vừa bỏ lại khi gác cái nón lên giàn nhà chồng, từ đó đã hoàn toàn lột xác, tiếp thu cái mới, cung cách mới, ứng xử mới, và có lẽ lề lối suy nghĩ cũng mới nốt.

A, thôi nhé, ngày xuân không nên nói giông dài. Thấy bạn có máy ảnh, ai đó yêu cầu “nháy cho chị và cháu một tấm”, bạn hào hứng nhận lời, rồi hỏi tên để gửi ảnh tặng, chị ấy chìa ra 5.000đ (giá 2004) bạn đừng ngạc nhiên, vì cũng có nhiều chú “phó nháy” hành nghề. Ứng xử thoả đáng nhất lúc này là vui vẻ nhận lấy, có thể lì xì lại cho cháu, nhưng hoàn toàn không nên từ chối, chị ấy rất buồn vì đầu năm xuất hành, giao tiếp không được thuận buồm xuôi gió. Kể cả lời xin lỗi cũng nên nhận “Vâng, không sao đâu”, thế mới vừa lòng cả hai bên, người lớn tuổi họ nói “phải/ được, có chi mô”…

Thấy rổ rau ngò hành tỏi ớt, rổ khác, cải, xà lách, đậu ôve, cà chua… kê cao lên bằng cái thúng úp lại phía dưới, cô bán hàng trong bộ áo quần dài màu hoàng yến, lấp lánh trước ngực sợi chuyền vàng tây có tượng ông địa màu xanh, tươi cười, dịu dàng, duyên dáng; qua dãy hàng thịt, trên bàn độ vài chục kg cả xương lẫn thịt, chủ hàng, chị sồn sồn gọn ghẽ, khoẻ mạnh, sang trọng trong bộ vét thời trang, cổ tạo hình cái hồ lô hở vùng ngực, áo bun trắng cổ kín cao khoảng lóng tay loé sáng, tay leng keng bộ simen 5 vòng; các chị cũng mời chào, cũng mua bán mà ngờ ngợ như gặp đâu đó trong buổi dạ hội. Tôi đem ý nghĩ này nói cùng thằng bạn hồi nhỏ một xóm. Thằng này có thành tích mặc bộ đồ tết bằng Kaki (tương tự vải chéo Nam Định) từ chiều ba mươi tết đến nửa tháng tư Âm lịch chưa một lần thay (đến đó không còn mặc được nữa), tua ống, rách gối, cắt dần thành quần đùi, cắt tay áo đắp vào mông. Dĩ nhiên có giặt khi tắm, phơi ráo nước lại mặc, theo nó mình toả hơi ra cũng khô. Mà khô thật, do mức độ chạy nhảy của chúng tôi. Thế mà đã là ông nội, ông ngoại lâu lắm rồi đấy. Hắn cười: “Lão mầy lạc hậu quá rồi, đem cái “biết” thuở chăn trâu mà so với thời vi tính. Hơn nửa thế kỷ rồi đấy”. Tuy vậy, những bà còn khăn áo xuề xoà cũng khá đông. Đa số ăn mặc tương đối đẹp.

Mấy chú “nhóc con” bán sản phẩm sáng tạo của mình, trang trọng, nghiêm chỉnh, chững chạc “Vét - can” như một nhà ngoại giao trẻ tuổi. Các cụ ông khăn đóng áo dài cầm còi điều khiển các trò chơi, có nhiều cháu tuổi mẫu giáo mà cha mẹ chúng muốn có chút ngỗ ngáo ngày xuân, cháu cũng áo dài xanh hoa thọ, quần trắng, đầu đội khăn cùng màu áo, chân đi đôi guốc gỗ kiểu các thầy khoá ngày xưa, đầu kia lại bé gái trong bộ áo quần dài màu vàng cung đình, đầu đội khăn xếp nhiều tầng cùng màu, chân đi hài có viền thêu hoa, môi má ửng hồng, thật như tiên xuống thế. Hai ông anh họ của tôi, ông lớn tuổi gọn ghẽ trẻ trung trong bộ âu phục, ông trẻ, vừa lên lão làng một hai niên, lại chững chạc đạo mạo khăn đóng, áo dài đen, tóc đen, quần trắng chỉ khác là loại vải Kaki Nhật kiểu quần tây, chân giầy đen. Tôi nhớ chuyện bác “phó may” hỏi khách: “ Thưa, cụ thăng quan lâu chưa, nếu lâu rồi thân áo sau phải dài vì trách nhiệm đè nặng, vai lưng còng xuống rồi, ngược lại phải thân trước dài vì người hãnh tiến thì ngực ưỡn lên nhô ra phía trước”. Đang cười cười, ông lớn tuổi nói: “Nè, áo áo, quần quần, khen chê cho lắm mà không biết cái khố của anh đây là thiếu sót đấy”. Nghe đến “Khố” tôi mừng rơn, thấy trên TV cũng nhiều, thấy chính người mang cũng lắm, nhưng thấy cho căn cơ, cho chi tiết thì chưa có cơ hội. Tôi theo anh về nhà. Hết rượu xuân qua trà tết, hết mứt gừng đến bánh tét, mãi chưa thấy anh khoe cái “Khố”, đành phải hỏi. Ảnh cười “chú không biết nói vậy mà không phải vậy à”. Bị bé cái nhầm, tôi ức quá “đến cái khố anh cũng không có. Anh có cái chi?” Anh cười: “Cái khố cụ thể” ấy dám chắc làng ta chẳng ai có. Cái anh đây có ư? Không nhiều lắm, đôi điều thôi. Này nhé, lúc chú em chưa sinh anh đây đã bơi sông Ba Lòng chuyển tin cho đơn vị (tôi gật gù, có thể lắm, cách mạng tháng 8 ảnh khoảng 12, 14 tuổi), dội nỗi kinh hoàng vào tim gan thằng Tây bằng tiếng trống ở Hạ Cờ - Chắp Lễ (trống, ai đánh chẳng được), vò nát đầu hai Binh đoàn Tây trắng Tây đen ở Thanh Hương, thằng quan Năm chạy trốn tuột cả quần ra đấy (tôi rụt rè, khoảng này e em đã mặc quần rồi nhỉ, 6 tuổi mà). “Ảnh lắc đầu” quê ta lúc ấy tuổi em chưa có quần. Thôi vắn tắt dăm ba việc, nhớ đâu nói đó. Anh đây bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ nhiều chuyên ngành (tôi trố mắt, sao lạ nhỉ), đứng trên bục giảng Đại học từ Bắc chí Nam (có thể, các trường họ mời), anh đây đặt nền móng và nỗ lực xây dựng nên một Viện khoa học cho đất nước (tôi ngờ ngờ, có lẽ đồng tác giả), Viện lịch sử Hoàng gia Anh quốc bầu anh đây làm nhân vật nổi tiếng thế giới năm ấy (thôi chết, sao mình nghe có mỗi anh Đảng), anh đây đã đưa trí tuệ nghệ thuật vào phục vụ Đại hội V của Đảng, vỡ kịch “Bảo tố ngoài khơi” đấy nhé, (ôi, may quá, ảnh đi vào cái cụ thể, xác minh được. Tôi chợt hiểu ra cách nói của ảnh), anh đây đoạt giải khoa học Kaia - của Nga dành cho người nước ngoài (đến đây thì hết chịu đựng nỗi, tôi châm chọc). “Anh mặc váy lúc nào vậy”. “A, chú em cù nách, không được đâu, anh đây cái gì lại chưa từng mặc, đến cái khố chú em còn theo hỏi mà”. “Em chỉ vướng tội ngây thơ, còn anh tội lớn lắm, tội “hàm hồ”. Ảnh lại cười” không lôgíc chút nào, người ta bảo “gừng càng già càng cay” là tính chất của hàm hồ, còn ngây thơ thì không ai cho phép, sách xưa viết “50 tuổi biết mệnh trời” đêm ngủ nghe nhức xương hiểu ra trời trở tiết”. Tôi không kiềm được nỗi ấm ức “sao anh không vơ cả con đường từ Bích Khê về Đình làng là “anh đây” cho luôn”. Ảnh thản nhiên “ừ, cũng phải kể nó chứ. Đó là những thành tựu mà người hưởng lợi trực tiếp là chúng ta, cũng như những thầy thuốc, những nhà giáo ưu tú là nỗi thân thương, là niềm tự hào, làm sao chúng ta lại không nói tới, chỉ chưa có cơ hội đấy thôi. Riêng con đường, ước nguyện của nhân dân, ý chí của Đảng bộ, năng lực của cán bộ gộp lại mới thành. Chú Trợ, chú Vọng, hai chú em ấy, cũng như chú Tôn, cô Muội, chú Sinh… và nhiều nữa; các cô, các chú ở trong nước, nước ngoài đều cùng lớp anh cả đấy, một thế hệ mà, có mỗi anh Đảng lớn hơn chút ít, đưa ảnh vào cho trẻ bớt 5, 7 tuổi”.

Tôi nhâm nhi lát mứt ngày tết, nghe lòng lan toả ngọt ngào, nâng cha chú lên bậc trên, riêng các anh, các chị đã thực sự toả được một bóng mát. Tôi ngắm nghía ảnh, như lần đầu gặp, và nghĩ: Nhìn đâu cho xa, cứ thực tế cuộc sống được như ảnh làng xã chả mấy người. Nghỉ hưu hơn cả chục năm rồi mặt mày cứ hồng hào căng đầy như cầu thủ, mà làm sau khác được, niềm vui luôn luôn tới ngả nón cùng ảnh, con cái thành đạt trên nhiều ngành, từng bước thăng tiến vững chắc, và ảnh từng bước khoẻ mạnh như cái lão hoàn đồng…

Trở lại chợ Đình. Gặp cái “ngão” dăm ba trái ổi, vài tày cau trầu, bạn chọn trái ổi hoặc nhánh cau, tự định giá mà trả tiền, ở đây không có giá. Bà ban lộc, bạn nhận lộc và chia vui cùng cụ ít tiền, cũng như mừng thọ để cụ vui, con cháu được hanh thông, cụ khoẻ mạnh, hai bên cùng hưởng mùa xuân, chợ Đình mà, nó có những tập quán riêng.

Xa kia, phía nền Âm hồn, đám kéo co đang reo hò, khách vui tính cũng có thể lén giúp bên yếu để cân bằng, nếu bị phát hiện chũng là chuyện vui, hầu như tất cả chỉ nhắm tới chữ “Vui”. Đám cờ tướng cũng vậy, ban đầu mỗi bên chỉ 5 người, có đăng ký Ban tổ chức, nhưng ra nửa cuộc, bên trắng bên đen đã là vài chục, điều ấy cũng chẳng ai quan tâm, phần thưởng giành được thì cả chợ đều hưởng, chẳng còn bên thua bên thắng.

Mấy năm trước có mục văn nghệ, phần nhiều do huyện, xã giúp. Hình như ở quê tôi, mảng tài nằng này không mấy phát triển, hồi còn bao cấp, HTX, cũng có tham gia văn nghệ cùng xã, góp vỡ kịch hay vài giọng hò, còn ca sỹ thì chưa thấy, dù là cấp xã.

Chợ Đình nhiều trò chơi vui lắm không kể hết…

Cháu dâu tôi cùng chồng và con gái thức dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị hàng hoá để đi chợ Đình bán. Gánh hàng của nó nhiều thứ lắm, gà qué, bắp đậu, rau cải, gạo nếp, mì ống, nước mắm, tỏi ớt tiêu, nhang đèn, giấy áo, thôi không thể kể, cứ gọi là trăm thứ. Tôi hỏi: “Anh chị buôn bán cả năm chưa chán sao mà háo hức lắm vậy?”. Cháu dâu thưa: “Đâu có cậu, cả năm là làm ăn, nuôi chồng nuôi con, còn chợ Đình thì khác cậu ạ, cháu trình làng những thứ cháu mua bán và làm được để bà con cùng biết cho vui, ai cũng là vậy cả. Hơn nữa mở hàng phiên chợ Đình cả năm mua may bán đắt cậu nờ”. Và cháu dặn “Cậu nhớ mua cái gì lấy lộc nhé”. Nhớ lời cháu dặn ra chợ tôi mua con gà đất sét có gắn cái kèn, hàng lưu niệm, tôi yêu cầu chữ ký của nhà sản xuất, không ai có bút lông cả, cháu lấy vôi bên quý mệ cau trầu hoà lỏng, cắn dập nhẹ cọng hóp làm bút, nhìn cháu làm thành thạo, sáng tạo, hiệu quả, tôi hỏi “Nhiều người đòi hỏi như ông lắm sao”. “Đâu có, ông lần đầu, sang năm cháu chuẩn bị kỹ hơn”. Tôi trả cho cháu gấp 6 lần yêu cầu để chúc mừng thế hệ mới lanh trí và năng động.

Vào khu miếu Nghè, thắp nến hương đầu năm, trước để tỏ lòng tôn ngưỡng quý Ngài, sau làm phần hiếu đạo mong tạo thành nếp quen cho thế hệ kế tiếp, như chúng tôi tiếp thu từ lớp trước. Miếu nào cũng thơm ngát hương hoa, chỉ riêng miếu bà Hoả lại có thêm chè xôi. Miếu này ở độc lập.

Rời chợ Đình lúc 10h30 sáng mà âm vang thì theo mãi…

   L.T.T

 

 
Lê Tâm Tiềm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 186 tháng 03/2010

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground