Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

"Xây dựng mô hình xã hội học tập" - Đề tài khoa học giàu ý nghĩa của Hội khuyến học

Đ

ại hội Đảng X xác định: "Chuyển dịch mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập". Vậy mô hình và vận hành cụ thể như thế nào? Đó là vấn đề mà tất cả các tỉnh, thành đang tìm lời giải đáp.

Hội Khuyến học đang triển khai đề tài xây dựng mô hình xã hội học tập ở tỉnh ta. Nhìn trên toàn cục cũng như thực tiễn địa phương, đó là một việc làm rất thiết thực và giàu ý nghĩa.

XU THẾ VÀ QUYẾT TÂM CỦA NHIỀU NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI:

Ta biết rằng: Về sự phát triển của nền văn minh, loài người đã trải qua 3 thời kỳ cơ bản trong tiến trình đi lên:

- Thời kỳ thứ I là nền văn minh nông nghiệp (còn được gọi là giai đoạn kinh tế dựa vào lao động), bắt đầu từ thời nguyên thủy đến cuối thế kỷ XVI. Đây là thời kỳ hiểu biết của con người còn rất hạn chế, công cụ lao động còn rất thô sơ, năng suất lao động chủ yếu dựa vào sức mạnh cơ bắp của con người.

- Thời kỳ thứ II là nền văn minh công nghiệp (còn được gọi đó là giaiđoạn kinh tế tài nguyên). Đây là lúc mà việc chiếm hữu và khai thác tài nguyên có ý nghĩa quyết định. Đây cũng là giai đoạn mà nền "văn minh ống khói" đã sản sinh ra nhiều công cụ, máy móc, thiết bị và cuộc đại phân công mới đã tách ngành thương mại thành một ngành độc lập, kinh tế hàng hóa đã phát triển. Vai trò của sức mạnh cơ bắp và sức mạnh trí óc đã có sự cân bằng tương đối.

- Thời kỳ thứ III (bắt đầu từ những năm 70 của thế kỷ XX) là thời kỳ văn minh hậu công nghiệp (còn được gọi là giai đoạn kinh tế tri thức). Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, nhất là khi kỹ nghệ thông tin - truyền thông với máy tính, cáp quang, kỹ thuật số ra đời, các thành tựu mới trong lĩnh vực sinh học, vật liệu mới, công nghệ na nô... đã làm cho khoa học kỹ thuật trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì vai trò của trí tuệ, sự sáng tạo cùng với sự phân phối trí lực có ý nghĩa quyết định. Vai trò của tiền vốn và lao động vẫn quan trọng nhưng không còn ở vị trí số một nữa mà tri thức trở thành yếu tố quan trọng nhất cho sự tăng trưởng. Bởi vì nền kinh tế tri thức là nền kinh tế mà ở tất cả các khâu, các mặt của nó đều đòi hỏi một hàm lượng khoa học cao. Cho nên, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã định nghĩa: "Kinh tế tri thức là nền kinh tế mà ở đó sản xuất, phân phối và sử dụng tri thức là yếu tố chính của tăng trưởng kinh tế".

Học là một hoạt động đã có từ rất sớm của loài người. Trải qua giai đoạn học trực tiếp từ trong lao động và cùng nhau chung sống, từ khi phát minh ra chữ viết, các loại hình trường, lớp đã được hình thành và được cải tiến ngày một hợp lý hơn. Loài người đã ý thức rõ rệt về tầm quan trọng của sự học trong tiến trình đi lên của mình.

Tuy nhiên, trong nền văn minh nông nghiệp, do trình độ của nền sản xuất quá thấp mà yêu cầu về học vấn chưa trở thành bức bách. Mặt khác, khi "sức mạnh cơ bắp" có tầm quan trọng như vậy nên chỉ cần "sáng dũa cưa, trưa mài đục" theo một thợ cả là có thể đủ sống. Khi bước vào thời kỳ "văn minh ống khói" - thời kỳ công nghiệp thì người ta chỉ cần học một lần là có thể đủ cho cả đời. Bởi vì chu kỳ kỹ thuật kéo dài mấy chục năm, vòng đời của một công nghệ có khi kéo dài hàng thế kỷ. Nhưng ở thời kỳ "hậu công nghiệp", với nền kinh tế tri thức và trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển như bão táp thì yêu cầu khách quan đã rất khác. Với tất cả mọi người, để chất lượng cuộc sống được đảm bảo, rõ ràng phải có hiểu biết. Đối với những người trực tiếp sản xuất (vật chất cũng như tinh thần), muốn có năng suất lao động cao thì việc phải có một trình độ tương ứng là một yêu cầu bắt buộc. Riêng với những người được học hành tử tế từ thấp đến cao qua các trường học thì học một lần không đủ cho cả đời vì sự tiến triển liên tục của quy trình sản xuất và công nghệ nên không cập nhật và làm chủ được sự thay đổi đó thì sẽ bị đào thải. Do đó, việc tổ chức lại sự học và sự ra đời của một mô hình học tập mới được đặt ra như một yêu cầu tất yếu. Vì vậy, từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX, các nhà khoa học lớn như: Hutchins R., Husen T., Boshier R., Giddens A... đã đề xuất ý tưởng mới, rằng: Bản thân cuộc sống là một quá trình học tập liên tục cho đến khi kết thúc.

Ý thức rõ rệt về điều này, năm 1972, Liên hiệp quốc đã thành lập Ủy ban về Giáo dục thế kỷ XXI. Năm 1996, Jac Ques Dlois, thay mặt ủy ban này trình bày trước Đại hội đồng báo cáo "Học tập - Một kho báu tiềm ẩn" chính thức kêu gọi xây dựng nền giáo dục suốt đời. Báo cáo cũng chỉ rõ: Học là để biết, học để làm, học để cùng nhau chung sống và học để hoàn thiện bản thân (nghĩa là không quá nặng về bằng cấp). Nhiều hội nghị quốc tế do Liên hiệp quốc chủ trì đã bàn thảo về vấn đề mới và rất thời sự này. Ủy ban Châu Âu chính thức có lời kêu gọi các nước thành viên xây dựng xã hội học tập năm 2000. Vào tháng 7/2000, hội nghị G8 (8 nước giàu nhất thế giới) họp tại Okinawa kêu gọi các nước thành viên cần tập trung xây dựng nền giáo dục thường xuyên, liên tục, suốt đời.

Cho đến nay, trên thế giới chưa có một nước nào tự thấy là đã có được một mô hình hoàn chỉnh nhưng định hướng về xây dựng xã hội học tập là một quyết tâm của rất nhiều nước. Đã có những thành công rất nổi bật ở Thụy Điển, và một số nước như Mỹ, Anh, Canada, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Úc, Israel, Trung Quốc... Có thể nói: Mô hình về một nền giáo dục tốt nhất đã là tâm điểm của cuộc đua tranh tăng tốc của các quốc gia. Vì vậy mà ngày 04/02/1997, Bill Clinton - Tổng Thống Mỹ, trong thông điệp liên bang khi nhậm chức đã nói: "Mục tiêu số I của tôi trong 4 năm tới là đảm bảo rằng: Tất cả mọi người Mỹ được hưởng một nền giáo dục tốt nhất thế giới".Xây dựng xã hội học tập không chỉ là một xu thế mà đã là một quyết tâm hành động và cũng đã có những thành công lớn ở rất nhiều nước. Nội hàm của khái niệm xã hội học tập tựu trung vào 3 nội dung cơ bản:

a. Phải đảm bảo cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều được học với hai hệ thống cơ bản: Hệ thống giáo dục ban đầu (chủ yếu qua hệ thống nhà trường) và hệ thống giáo dục tiếp tục (thường xuyên, liên tục, suốt đời chủ yếu cho người lớn).

b. Phải tích hợp một cách hiệu quả cả 3 hình thức học tập: Giáo dục chính quy, giáo dục cận hoặc bán chính quy và giáo dục phi chính quy (Informal Education), đảm bảo rằng: Vừa chặt chẽ vừa mềm dẻo, vừa đảm bảo tính cơ bản, hệ thống, vừa có thể đáp ứng yêu cầu "cần gì học nấy" rất linh hoạt của mọi người.

c. Phải xác định học là để biết, để làm, để cùng nhau chung sống và để tự hoàn thiện bản thân không quá nặng nề bằng cấp. Thực tế đó của thế giới vừa là điều kiện rất thuận nhưng cũng là thách thức đối với nước ta trong bối cảnh hòa nhập, toàn cầu hóa hiện nay.

Nước ta vừa có những điểm chung và cũng có những đặc thù của riêng mình. Lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc cho thấy: Chúng ta phải chịu những tàn phá to lớn của thiên tai, đặc biệt là phải triền miên trong binh đao khói lửa để bảo toàn độc lập cho đất nước, lại phải kéo quá dài chế độ phong kiến khép kín và bảo thủ nên cũng phải tồn tại với nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu mấy ngàn năm. Từ cuối thế kỷ XVI, châu Âu đã chuyển mình theo mô hình công nghiệp nhưng vào thế kỷ XVIII, khi những nhà cách tân tiên phong như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ đề xuất một số ý tưởng đầu tiên về mở mang công nghiệp đều bị triều đình phong kiến bãi bỏ. Thực tế là: Với lòng ái quốc mãnh liệt, dân tộc ta đã làm nên những võ công oai hùng vang dội, đánh tan mưu đồ xâm lược của những kẻ thù hùng mạnh nhà Hán, nhà Minh, nhà Thanh, đế quốc Nguyên Mông, đế quốc Pháp, đế quốc Mỹ làm "chấn động địa cầu" thì về mặt khoa học kỹ thuật lại chưa từng có một cuộc cách mạng lớn nào đúng nghĩa cho sự phát triển. Hệ quả của nó là sự lạc hậu và khoảng cách khá xa của chúng ta so với các nước văn minh.

Trong lĩnh vực học hành, dân tộc ta là một dân tộc đã có ý thức từ rất sớm về sức mạnh nội sinh. Vì vậy, đã từ lâu, ông cha ta thấu hiểu và quán triệt một nguyên lý "Ngọc bất trác, bất thành khí - Nhân bất học, bất tri lý" (ngọc không chế tác không thể thành vật phẩm, người không học không hiểu được nghĩa lý). Coi trọng sự học, hiếu học và truyền thống khuyến học đã thành một giá trị truyền thống Việt Nam. Học để "tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ" đã không chỉ là tâm niệm của các nhà nho mà còn là nhận thức của cộng đồng. Đây là nền tảng, là điểm tựa quan trọng khi nước ta từng bước xây dựng xã hội học tập.

Tuy nhiên, trong thực tế thì sự điều chỉnh của lịch sử và xã hội khá phức tạp. Năm 1070, sau 60 năm dời đô về Thăng Long, Văn Miếu được xây để thờ chu công Khổng Tử nhằm đề cao và khích lệ sự học. Năm 1076, Quốc Tử Giám - một kiểu trường đại học đầu tiên và cũng khá sớm của thế giới - được hình thành để đào tạo nhân tài. Từ năm 1075 đến 1869, đã có 183 khóa thi tuyển được 2.898 nhà khoa bảng. Hầu hết họ là những nhân tài của đất nước. Trong 843 năm của thời phong kiến, tuy không bị xem nhẹ nhưng việc học chủ yếu đáp ứng yêu cầu nhân lực cho bộ máy quan lại và tỉ lệ người được học hết sức nhỏ bé trên tổng cư dân. Từ khi Pháp xâm lược nước ta (1858), với chính sách "độc hơn cả thuốc độc" là "chia để trị" và "ngu dân" nên hệ thống giáo dục rất nhỏ bé, tỉ lệ người đi học cũng hết sức ít ỏi. Để chống lại âm mưu thâm độc đó, đã có 2 cuộc vận động có tính cách mạng sâu sắc đó là cuộc vận động Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Ngô Đức Kế với mục tiêu "khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh". Theo mô hình Khánh Ứng Nghĩa Thục như Fukuzawa Yukichi đã chủ trương thời Minh trị ở Nhật Bản. Cuộc vận động lớn thứ 2 do Hội truyền bá quốc ngữ được thành lập theo chủ trương của xứ ủy Bắc Kỳ. Các đồng chí Trần Huy Liệu, Võ Nguyên Giáp, các nhân sỹ lớn như Đặng Thái Mai, Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố... đã nhiệt tâm tham gia và trong 7 năm hoạt động đã giúp cho 70.000 người xóa được nạn mù chữ. Thực dân Pháp nhận thức rất rõ tính cách mạng của hai cuộc vận động này nên chỉ sau 9 tháng, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục đã bị cấm hoạt động, còn Hội truyền bá quốc ngữ cũng không thể phát triển rộng hơn. Vì vậy, hậu quả đau xót là khi ta giành được chính quyền từ tay thực dân Pháp thì hơn 90% nhân dân ta bị mù chữ. Ý thức sâu sắc rằng: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", Hồ Chủ Tịch cùng Chính phủ mới đã ký ngay 3 sắc lệnh quan trọng chống nạn thất học (thành lập bình dân học vụ toàn cõi Việt Nam, thiết lập lớp học bình dân buổi tối cho nông dân, thợ thuyền, học chữ quốc ngữ bắt buộc và không mất tiền cho mọi người. Hạn trong 1 năm, dân chúng Việt Nam trên 8 tuổi phải biết chữ quốc ngữ). Như vậy, ý tưởng mọi người đều học đã là tư tưởng và quyết tâm mạnh mẽ của Bác Hồ và chính quyền cách mạng ngay từ buổi đầu khai sinh nhà nước mới. Nhưng rồi thách thức to lớn lại đến. Chín năm liền và tiếp theo là 20 năm liền, dân tộc ta lại phải cầm súng tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng chống Pháp, chống Mỹ. Khát vọng và ý chí học tập của người Việt Nam không mất đi nhưng khi phải tập trung tinh lực và thời gian cho cuộc chiến, lại thêm những khó khăn chồng chất của chiến tranh nên việc học hành cũng gặp nhiều trở ngại.Thành tựu về giáo dục trong 2 cuộc chiến tranh thật to lớn nhưng so với yêu cầu thì vẫn là khoảng cách khá xa.

Giờ đậy, nước nhà đã độc lập, Tổ quốc thanh bình, non sông về một mối, cả dân tộc phấn chấn đồng tâm hiệp lực bước vào công cuộc xây dựng với ý chí đổi mới. Thành quả bước đầu của sự nghiệp đổi mới thật to lớn và toàn diện.

Nhưng thời kỳ mới cũng đặt ra những yêu cầu mới như là một thách đố mà chỉ có thể tiến lên khi chúng ta vượt qua các thách đố đó một cách tỉnh táo và hiệu quả. Một trong những thách thức quan trọng đó là việc học và mô hình tổ chức sự học. Bởi vì:

1. Yếu tố quyết định mọi thành bại xét đến cùng là yếu tố con người, mà sức mạnh con người chủ yếu là sức mạnh của trí tuệ. Vì vậy: Dân trí, chất lượng nguồn nhân lực và nhân tài là "chìa khóa" của bài toán phát triển.

2. Đảng và Nhà nước ta chủ trương "hội nhập để phát triển". Trong thực tế, chúng ta đã hội nhập và sẽ hội nhập ngày càng sâu với khu vực cũng như thế giới. Mở cửa, hội nhập trong khi bè bạn, đối tác của chúng ta đã phát triển cao hơn chúng ta về khoa học - công nghệ đòi hỏi chúng ta phải sớm tạo cho mình một năng lực nội sinh ngang tầm. Đây không chỉ là lòng tự trọng dân tộc mà là hiệu quả của mọi sự hợp tác vậy.

3. Mục tiêu được xác định của nước ta là con đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Chương trình cụ thể là đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Điều này, chí ít có 2 vấn đề đặt ra:

a. Kinh nghiệm của các nước phát triển sớm phải đi một đoạn đường khá dài. Nước Anh mất 120 năm, Mỹ và Tây Âu: 80 năm, bốn "con rồng" của châu Á: 40 năm, trong khi chúng ta phấn đấu trong 20 năm. Để hiện thực hóa quyết tâm chiến lược này, Đảng ta chủ trương vừa tuân thủ những bước đi tuần tự vừa thực hiện ngay những biện pháp có tính đột phá. Trong kinh tế, vừa từng bước công nghiệp hóa nông nghiệp vừa tích cực hình thành các ngành công nghiệp nhưng cũng chủ động tiếp cận và hình thành dần nền kinh tế tri thức, yêu cầu về tri thức, trình độ khoa học - công nghệ trở thành yêu cầu nóng bỏng.

- Công nghiệp hóa và hiện đại hóa nhìn ở góc độ kinh tế là sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng: Giảm dần tỉ trọng nông nghiệp, tăng dần tỉ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ (theo các nhà kinh tế, một nước công nghiệp tính tỉ lệ trên GDP là: Nông nghiệp khoảng 5%, công nghiệp khoảng trên 40%, thương mại - du lịch khoảng 50%). Từ sự chuyển dịch kinh tế sẽ dẫn đến sự chuyển dịch to lớn trong cơ cấu lao động. Ở đây chí ít có 2 vấn đề bức xúc.

Một là: Làm sao để có được một đội ngũ lao động lành nghề tương ứng với yêu cầu phát triển công nghiệp - dịch vụ.

Hai là: Phải tổ chức đào tạo như thế nào để chuyển nghề cho hàng triệu nông dân khi họ không có việc làm.

Tại Quảng Trị, lao động tập trung chủ yếu ngành nông nghiệp (70% năm 2005, 65% năm 2008) nhưng do đất đai ngày bị thu hẹp lại với việc sử dụng phương tiện kỹ thuật nhiều hơn nên việc thiếu việc làm tăng lên. Nhu cầu năm 2000 cần 236.000 lao động, năm 2005 cần 219.000 lao động, năm 2008 chỉ cần 208.000 lao động. Vậy là "thất nghiệp che dấu" đến hàng vạn người. Trong khi đó, các ngành phi nông nghiệp lại chưa phát triển. Mặc dù chất lượng người lao động có tiến bộ khi người lao động chưa học xong tiểu học giảm 21% (năm 2000) xuống 12% (2008), người qua trình độ THPT tăng từ 9% (2000) lên 12% (2008), người qua đào tạo nghề từ 14% (năm 2000) lên 21,6% (2008) nhưng thực trạng vẫn là một trình độ thấp. Vì vậy, cùng với các giải pháp khác, vấn đề đào tạo và đào tạo lại với nông dân thật cấp thiết và nhiều ý nghĩa.

4. Rất coi trọng tăng trưởng kinh tế nhưng chúng ta cũng rất coi trọng việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Bình thường đã cần phải học. Trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay (mỗi người vừa là công dân của một quốc gia vừa là công dân của toàn cầu) thì việc học càng cần thiết. Những tri thức về văn hóa, pháp luật, môi trường, lối sống, ứng xử... đều phải được tổ chức để mọi người lãnh hội. Nghĩa là yêu cầu về học hành cũng như mô hình tổ chức việc học cho tất cả mọi người đang bức thiết được đặt ra.

Trong sứ mạng lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã chủ động nắm bắt diễn biến và xu thế của thế giới cũng như nhận thức sâu sắc thời cơ và thách thức đối với dân tộc mình. Vì vậy, cùng với quan điểm xem "Giáo dục là quốc sách hàng đầu" thì ý tưởng xây dựng một xã hội học tập cũng hết sức rõ ràng.

Ngày 24/8/1999, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị 50/CT-TW đặt nền tảng đầu tiên. Tháng 3/2001, Đại hội Đảng lần thứ IX đã khẳng định: "Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một xã hội học tập". Tháng 3/2003, hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VII (khóa IX) phát động 3 cuộc vận động lớn mà một trong 3 cuộc vận động đó là Toàn dân thi đua xây dựng cả nước thành xã hội học tập. Tháng 3/2005, Chính phủ phê duyệt chính thức đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010. Tháng 4/2006, chủ trương này được Đại hội Đảng lần thứ X khẳng định cụ thể hơn: "Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện", "chấn hưng giáo dục", "chuyển dần mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học". Ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11/CT-TW khẳng định việc "Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn đảng, toàn dân" và giao cho tổ chức Khuyến học Việt Nam làm nhiệm vụ "nòng cốt". Tiếp theo, ngày 8/1/2008, trong Chỉ thị số 02/2008, Thủ tướng Chính phủ giao cho Hội Khuyến học "Nghiên cứu, đề xuất mô hình xã hội học tập ở Việt Nam".

Tóm lại: Để đổi mới và phát triển, việc xây dựng xã hội học tập đã trở thành một đòi hỏi bức thiết của nước ta. Đảng và Nhà nước trên tầm vĩ mô (chủ trương) đã có sự khẳng định rõ ràng. Trong thực tiễn cuộc sống tuy chưa có mô hình hoàn chỉnh và tối ưu nhưng đã có những thành công cụ thể thật đáng khích lệ. Trả lời phiếu phỏng vấn của Hội Khuyến học Việt Nam, 100% cán bộ và nhân dân được hỏi đều thể hiện với sự nhất trí cao. Như vậy, yêu cầu của lịch sử, ý Đảng và lòng dân đã rõ ràng, vấn đề đặt ra là cần có được mô hình cụ thể, tối ưu và tổ chức vận hành sao cho có hiệu quả cao nhất.

ĐỐI VỚI TỈNH TA

Với diện tích 4.795 km2 và dân số 631.991 (số liệu năm 2009), Quảng Trị là một tỉnh nhỏ. Dù vậy, là một phần của Tổ quốc, những đặc điểm chung của đất nước cũng là thực tế của Quảng Trị. Chỉ có điều tính chất và mức độ có khác đi. Chẳng hạn thiên tai trầm trọng hơn, hậu quả của chiến tranh nặng nề hơn; đã thế những biến động, xáo trộn, chia cắt, tách nhập lại càng phức tạp. Vì vậy, khi bước vào thời kỳ hòa bình, xây dựng, Quảng Trị đã đi lên từ một điểm xuất phát thấp hơn nhiều so với nhiều tỉnh bạn. Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã phấn đấu quyết liệt nên trong 10 năm đã tăng trưởng GDP đạt 10% hàng năm, "đạt được kết quả khá toàn diện",... "Riêng năm 2009 dù gặp nhiều khó khăn, thách thức... tốc độ tăng trưởng GDP đạt 9,1%". Tuy nhiên, "Quảng Trị vẫn còn là một tỉnh nghèo". Đó là sự thực khi cơ cấu nền kinh tế tỉnh ta còn lạc hậu, nông nghiệp còn tới gần 30% (cả nước 20,6%), công nghiệp: mới 34% (cả nước: 40,2%, thương mại dịch vụ: 35,5% (cả nước 40%), thu nhập bình quân đầu người: 13,7 triệu/năm (cả nước 20 triệu), tỉ lệ hộ đói nghèo: 13,7% (cả nước 9%), thu ngân sách 810 tỉ/năm đứng thứ 55/64 tỉnh, thành. Rõ ràng là chúng ta đã vượt lên chính mình mạnh mẽ nhưng so với tương quan, nhất là so với yêu cầu thì còn phải phấn đấu nhiều. Vì vậy, mục tiêu tổng thể được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII xác định là: Phấn đấu sớm vượt ra khỏi nhóm tỉnh nghèo của cả nước.

Trong lĩnh vực học hành, chúng ta vừa có những thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Trước hết là truyền thống hiếu học, khổ học và khuyến học của nhân dân. Cách đây hơn 400 năm, hương ước của rất nhiều làng đã khẳng định "Ai ai cũng phải học, học chữ, học lễ nghĩa, học nghề"(Phú Kinh, Hải Hòa) hoặc nhiều làng quy định chặt chẽ, rõ ràng chế độ "học điền" để khuyến học, khuyến tài. Từ 1502, danh nhân Bùi Dục Tài đã làm vẻ vang xứ Châu Ô bởi thành đạt và tiếp nối bao thế hệ đã bằng sự khổ học để trưởng thành. Trong 20 năm lập lại tỉnh, năm 1996, chúng ta đã hoàn thành phổ cập tiểu học (đạt 98,8%), xóa xong nạn mù chữ (đạt 99,35%). Năm 2005, phổ cập bậc PTCS (đạt 97,9%) và những địa bàn thuận lợi đang từng bước phấn đấu phổ cập PTTH. Từ năm 1999-2008 đã có 24.615 em nhập học đại học, cao đẳng, 2456 em vào học chuyên nghiệp. Thành tựu về giáo dục được xem như một biểu trưng về thành tựu đổi mới của quê nhà. Từ 2001, Hội Khuyến học tỉnh ra đời. Tập hợp và phát huy ý chí, sức mạnh của toàn xã hội đã hỗ trợ đắc lực và hiệu quả cho các trường học, đã xây dựng rộng khắp các gia đình và dòng họ hiếu học, tác động mạnh mẽ đến nhu cầu học của nhân dân. Đặc biệt đã vượt qua bao khó khăn, năng động và sáng tạo hình thành các mô hình giáo dục tiếp tục, nhất là với 530 trung tâm học tập cộng đồng khắp toàn tỉnh. Nếu ngành Giáo dục được xếp trong tốp 10 thì phong trào khuyến học cũng được xếp là một trong số tỉnh mạnh nhất nước. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng: Trình độ dân trí, nguồn nhân lực và nhân tài của chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn. Đội ngũ trí thức Quảng Trị mới có 7.007 cử nhân, 193 thạc sĩ, 12 tiến sĩ. Bình quân trên 1 vạn dân mới có 183 cử nhân, 6,9 bác sĩ và 4,3 người có trình độ trên đại học (cả nước: 306 người có trình độ đại học trên một vạn dân). Về cơ sở đào tạo sau phổ thông, chúng ta vừa ở xa các cơ sở đào tạo lớn vừa mới chỉ có được một phân hiệu của Đại học Huế (cũng chỉ tuyển với quy mô rất nhỏ trong khi hàng năm có 11.000 hồ sơ đăng ký thi đại học và thi đỗ gần 23%) và 1 trường Cao đẳng sư phạm. Trong việc đào tạo nghề lại càng khó khăn hơn. Nước ta về lĩnh vực này bị xếp vào loại yếu của châu Á (người ta chỉ điểm từ dưới lên 0-10 thì Hàn Quốc 3,09, Singapore: 3,19, Nhật 3,5, Đài Loan: 3,96, Ấn Độ: 4,24, Trung Quốc: 4,27, Hồng Công: 4,72, Thái Lan: 5,96,Việt Nam: 6,21). Với Quảng Trị còn thấp hơn nhiều. Chúng ta có 631.591 người trong độ tuổi lao động nhưng người đã qua đào tạo nghề: 21,6% (cả nước là 29%). Năm 2009, dù rất cố gắng mới giải quyết việc làm mới được 8.500 người (tại tỉnh: 6.900, đi phía Nam: 800, xuất khẩu lao động: 800). Nạn thất nghiệp ở thành thị cũng khá cao (4,3%). Để giải quyết đời sống cho nhân dân, đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho sự phát triển của công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch... việc đào tạo nghề vô cùng bức thiết. Trong khi đó chúng ta mới chỉ có trường Trung cấp Nông nghiệp, Y tế, Lái xe và Trung cấp nghề (trường lớn nhất là Trung cấp nghề mỗi năm chỉ đào tạo được 650, chưa nói chất lượng chưa phải đã cao). Đã có những nhà đầu tư đến nhưng không chọn Quảng Trị có lý do ái ngại từ khả năng đáp ứng này.

Vì vậy, nếu như với cả nước, đây là yêu cầu bức thiết thì với tỉnh ta, yêu cầu đó càng nóng bỏng hơn.

Chỉ thị 12/2002, chương trình hành động số 44/2007 của Thường vụ Tỉnh ủy, các quyết định, Chỉ thị của UBND tỉnh, các chương trình phối hợp hành động của các ban, ngành, đoàn thể với Hội Khuyến học, đặc biệt là sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân đã chứng tỏ quyết tâm lớn trong bước đầu xây dựng xã hội học tập ở tỉnh ta. Tuy nhiên, việc trả lời cụ thể, chính xác và hợp lý những câu hỏi được đặt ra từ thực tiễn về nhận thức, mô hình, cơ chế vận hành và các giải pháp tối ưu để thực hiện chủ trương lớn này thật không đơn giản. Đề tài nghiên cứu - thử nghiệm của Hội Khuyến học tỉnh nhằm góp một phần nhỏ trong yêu cầu lớn đó.

Đề tài tập trung vào 4 xã thuộc 2 huyện: Hướng Hóa (miền núi) và Vĩnh Linh (đồng bằng). Đó là 4 xã có đặc thù khác nhau: Xã Hướng Lộc (xã miền núi dân tộc), xã Vĩnh Thái (xã nghèo ven biển), Vĩnh Thủy (đồng bằng và gò đồi), thị trấn Lao Bảo (đô thị đang hình thành).

Mục tiêu: của đề tài là:

- Khảo sát toàn diện để xác định nhu cầu trước mắt có tính đến năm 2020.

- Từ nhu cầu kết hợp với việc phân tích của các nguồn lực và khả năng xác định mô hình tối ưu và hiệu quả cho mỗi địa phương.

- Chỉ rõ cơ chế vận hành và các giải pháp tương ứng để mô hình có được kết quả như mong muốn.

- Từ 4 địa phương nói trên, sẽ kiến nghị, đề xuất mô hình đối với 2 huyện (Hướng Hóa, Vĩnh Linh) cũng như một số vấn đề chung đối với tỉnh.

Dù có những hạn chế như:

- Đề tài không đi sâu vào các vấn đề lý luận mà chủ yếu là tiếp thu các kết luận đã được khẳng định của thế giới và trong nước.

- Đề tài tập trung vào phạm vi hẹp (4 xã) chưa phản ánh hết các đặc thù của nhiều vùng, miền khác nhau của tỉnh.

- Là đề tài xã hội nhân văn nên các mô hình khi vận hành lệ thuộc vào nhiều điều kiện khác nhau phải tiếp tục giải quyết.

Nhưng rõ ràng đây là đề tài rất có ý nghĩa, vì:

- Về nhận thức: Làm thống nhất cao hơn, sâu hơn trong quyết tâm đi theo hướng xây dựng xã hội học tập.

- Mô hình cùng cơ chế vận hành cụ thể là lời giải hợp lý cho câu hỏi đang bức thiết đặt ra.

- Với 4 mô hình này khi được tổ chức thành công, mở rộng ra với 2 huyện và với cả tỉnh, đó là một viễn cảnh tươi sáng, góp phần trực tiếp thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của quê nhà.

Nước ta đã trải qua 3 lần cải cách giáo dục (1950-1956-1979). Trước tình hình hiện nay, trong đề tài cấp nhà nước, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã chính thức kiến nghị với Đảng và Nhà nước: "Nếu chọn phương án cải cách giáo dục thì ghi rõ "cải cách giáo dục theo hướng xây dựng xã hội học tập" còn nếu theo hướng xây dựng chiến lược giáo dục mới thì ghi rõ: "Chiến lược xây dựng và phát triển xã hội học tập".

Ở tầm thấp hơn, phạm vi hẹp hơn, nội dung cũng đơn giản hơn nhưng tin rằng đề tài này của Hội Khuyến học tỉnh cũng là một đóng góp thiết thực để tỉnh ta từng bước đi lên, hòa nhập với cả nước, thực hiện tốt Nghị quyết của Đại hội Đảng X: Xây dựng "mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập suốt đời", góp phần làm cho "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Với sự nỗ lực của Hội, sự hợp tác của các ngành, các cấp và sự ủng hộ của nhân dân, việc nghiên cứu, thể nghiệm chắc chắn sẽ gặt hái những thành công tốt đẹp.

                   T.S.T

 

 
Trương Sĩ Tiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 187 tháng 04/2010

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

18 Giờ trước

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

18 Giờ trước

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

18 Giờ trước

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

18 Giờ trước

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground