Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa mưa ở Chili

V

ĩnh gọi cho tôi “Tịnh sinh con trai rồi! Sơn Ý, Sơn Ý!... Anh có lỗi với em”. Tôi cứng cỏi “Anh nói vậy không thấy có tội với đứa trẻ à! Gắng chăm sóc tốt cho chị Tịnh và cháu”, tôi dập máy nằm vật ra giường, khóc ròng.

Bây giờ tôi lại nằm đung đưa trên ghế mấy cũ, hút shisha và nhả khói lên giỏ mười giờ đang đơm nụ. Nắng rụt rè lan đến đầu gối tôi. Tôi sẽ trở về nơi ấy để nhìn mặt đứa bé xem có giống Vĩnh không? Tôi sẽ ra sông giặt tã và tiêu khiển bằng cách ngắm đàn cá mương nhảy lên đớp nhẹ vào ngón tay? Ở Chili đang là mùa mưa. Tôi sẽ đốt vỏ bưởi, lá vằng, gừng và lá khế để xông cho mẹ con chị Tịnh? Tôi sẽ thức để xoa lưng cho thằng bé nếu nó ọ ẹ suốt đêm? Không. Tôi chẳng việc gì phải về lại Chili, cái lâm thôn ẩm ướt và tẻ nhạt ấy.

Tôi xếp đặt luôn tất cả những thứ cần thiết vào ba lô, với một đôi giày ấm áp ở bên đặt bên cái ghế mây rồi chẳng hiểu mình làm thế để làm gì. Tôi vừa bước chân ra phố thì trời nổi dông, tối sầm lại. Tôi cố đi thật nhanh và ào vào nhà trước khi mưa tới nhưng rồi khựng lại. Bên cánh cổng gỗ sơn màu xanh lá có mái che rộng, một đôi trai gái đang quấn chặt lấy nhau. Căn nhà tôi ở nằm trong vùng nguy hiểm. Cổng hơi thụt vào trong, những thân cây leo chăng kín làm cánh cổng gỗ thấp lụp xụp càng tối tăm. Tôi đành quay ngược trở lại, kéo ghế ngồi trú mưa trong quán bánh xèo. Quẳng cái điện thoại vào ngăn kéo đầy bánh tráng, bà cô bán bánh nhướng mắt về tôi “Mưa quá nên khách cũng vãn, em gái nhỉ? Đợi tạnh rồi chị chỉ cho một chỗ, nghe nói làm ăn được lắm!”. Ô! Thế ra người ta tưởng tôi là điếm. Bé con Sơn Ý của chị Tịnh lại bị người ta tưởng là một con điếm. Chị tôi sẽ buồn biết bao!

* * *

Khi người ta còn bé, việc có được một em gái xinh xắn là niềm kiêu nhưng khi lớn lên, nhà có hai chị em và một xấu, một xinh, kiểu gì “một xấu” cũng sẽ tự ti. Tôi biết điều đấy vào năm mười sáu tuổi. Mỗi lần tôi có bạn trai đến chơi, thể nào chị Tịnh cũng lỉnh xuống bếp. “Mày chưa giống Lọ Lem không thoát xác hay sao mà suốt ngày ru rú xó bếp thế hả Tịnh?”, cô Thùy tôi thường chì chiết chị kiểu chê cười và khinh thị. Cha tôi là thầy giáo. Ông rất hiền. Còn mẹ tôi ốm yếu quanh năm, lúc nào như lá vàng trước gió. Quyền sinh quyền sát trong nhà cuối cùng lại thuộc về cô Thùy, em gái cha, cần mẫn tích cóp được một số vốn lớn từ nghề hầu đồng, nhưng rốt cục hai đời chồng không một mụn con. Cô Thùy rất yêu tôi. Cô khư khư giữ tôi cho riêng mình, đi đâu cũng dẫn theo và chăm bẵm từng tí một. Mẹ sợ cô Thùy một phép nhưng dù sao tôi cũng do bà đẻ ra. Hễ cô đi vắng là mẹ lại mỉa mai tôi là “Đại tiểu thư”. Tôi chẳng gần được mẹ, cũng chẳng ưa gì cô Thùy. Tôi chỉ yêu chị Tịnh của tôi.

Chị Tịnh rất khỏe. Chị học dốt nên bỏ học khi đang học lớp bảy, năm đó tôi mới bảy tuổi. Cha bảo chị là “nỗi xấu hổ” nhiều quá. Đến nỗi tôi cứ tưởng “Nỗi xấu hổ” là một cái tên khác của chị. Tôi chẳng thấy chị xấu lắm nhưng ngày nào cô Thùy liệt kê, chê bai “khung người thô, vai rộng, hông to, môi vén, mặt gẫy, đen đúa, không xấu mới lạ”. Bỏ học rồi, mỗi sáng chị giắt liềm ở lưng quần, đội khăn lên đầu, vác trên vai một cây sào dài có mấu, vào rừng hái củi khô.

Một bận đi bán củi về. Khuya, chờ cả nhà đi ngủ, chị Tịnh lôi ra một mớ lọc cọc. Tôi bò lại xem. “Đây là son, phấn, chì kẻ mắt, kem nền…biết chưa” chị thì thầm thì thụt. “Để làm gì ạ?”, tôi tròn xoe hai con mắt. “Trời ơi! Ngốc quá! Để trang điểm chứ còn làm gì nữa!”. Tôi hí hửng “Thế hôm nào chị trang điểm cho em nhé!”. Chị bẹo má tôi một cái rõ đau. “Bé con ngốc nghếch. Xem em này, xinh hơn cả thiên thần trong tranh. Chỉ có xấu như chị mới cần trang điểm thôi.”. Tôi phụng phịu, tiếc nuối nhìn chị giấu bộ trang điểm dưới rương quần áo.

 

Chị Tịnh có dịp sử dụng đến bộ trang điểm khi cô Thùy qua mai mối quyết định lấy một ông già người Đức làm chồng. Cô lẳng lặng làm các thủ tục từ lúc nào mà không ai biết. Đám cưới không chú rể gọn nhẹ. Ai cũng ấn tượng với gương mặt sắc màu của chị Tịnh. Cô Thùy đang vui nên không bàn luận gì. Nụ cười khô héo trên môi mẹ tôi “Con Thùy thế mà tốt phước. Mày có mang con Sơn Ý đi luôn không?”. “Nhất định rồi. Đợi sang đó ổn định một thời gian đã”. Hai người đàn bà lạnh lùng của tôi đối thoại cộc lốc như thế. Đúng ba tháng, cô xoay đủ các giấy tờ, còn nhờ người về tận nhà rước tôi đi. Buổi sáng tôi đi, cha vẫn dắt chiếc babetta ra, mũ mão cân đai chuẩn bị đến trường, mẹ nằm trong buồng, húng hắng ho. Chị Tịnh giắt liềm lưng quần, đội khăn lên đầu, vác trên vai một cây sào dài có mấu. Ánh mắt chị nhìn tôi, cứ dài dại thế nào. “Quá trưa nửa chiều rồi đấy Tịnh ạ!”, mẹ tôi như ma xó, nói vọng từ trong buồng. Chị lật đật đi như chạy, không hiểu sao đi được một đoạn, ngoái lại nhìn tôi, lúc này cũng đã ra khỏi cánh cổng, cười một cái, nụ cười hở lợi, như mếu.

 

* * *

Tôi đi đúng 13 năm mới quay về. Người về cùng tôi không phải cô Thùy mà là Vĩnh- bằng tuổi chị Tịnh, rất giàu có và yêu chiều tôi như công chúa. Mẹ tôi chết thay áo đã mấy năm. Cha khỏe hơn xưa và vẫn đối với tôi như nước lã. Chỉ chị Tịnh vẫn luống cuống khi nhìn thấy tôi. Tay chị sờ sờ lên đùi tôi, nắn nắn trên vai tôi “Sơn Ý lớn thật rồi! Em chị đẹp quá!”. Vĩnh quay mặt đi chỗ khác. Tôi ở lại căn nhà cũ năm ngày, hạnh phúc khi Vĩnh cũng thương yêu chị Tịnh của tôi. Anh không chê căn nhà thơ ấu của tôi, không chê chị tôi quê mùa, không chê cha tôi kém mặn mà. Hiếm ai ở nước ngoài từ nhỏ mà có cái tình như Vĩnh.

* * *

Minh họa: THẾ HÀ

 

Tôi tìm một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, chính căn nhà đang nằm hút shisa bây giờ, lấy công việc dạy thêm ngoại ngữ làm vui. Tiền, tôi không thiếu, ông chồng cô Thùy đã chết, tiền cô không cho tôi thì cho ai. Vĩnh bận công việc trong thành phố, thỉnh thoảng mới ghé thăm tôi. Một bận, tôi nhớ anh quá, đánh đường lên tìm, người ta bảo anh xin nghỉ thăm họ hàng đã mấy hôm. Tôi ngạc nhiên, Vĩnh làm gì có họ hàng ở đây. Mà nếu có đã từ đời nào rồi, không có chuyện xin nghỉ liền mấy ngày để thăm viếng. Tôi không tài nào gọi cho anh được. Tôi trở về nhà, ám ảnh với ý nghĩ anh đã có người con gái khác. Nằm trên ghế tôi vừa nhắn tin vừa khóc ròng, sưng húp cả đôi mắt đẹp.

 

 “Anh đi công tác qua ghé thăm chị Tịnh chứ có đi đâu đâu. Mở cổng cho anh đi!”. Tôi chạy ào ra, níu bổng người lên cổ Vĩnh “Sao không nói với em. Làm em lo gần chết. Em tưởng mất anh rồi!”. Anh cười “Không hỏi thăm gì chị Tịnh à! Chị nhớ em lắm đó!”. “Em định tết về luôn. Về nhiều, cha em không thích! Em vẫn viết thư đều cho chị”. “Em gan lắm, bé con ạ! Thế mà ai cũng yêu mới lạ. Chị Tịnh cứ luôn miệng Sơn Ý, Sơn Ý!” Vĩnh hôn lên chóp mũi tôi.

Không cần chờ đến tết, tháng mười một, tôi đánh rơi cả ôm hoa thạch nam khi nghe tin trời đánh, từ cô Thùy: “Thằng Vĩnh phải cưới chạy. Con Tịnh bụng chửa vượt mặt rồi. Thôi! Coi như số mình vẫn còn may con ạ! Cô gọi về nghe mấy bà ở nhà nói mà cứng họng luôn. Sơn Ý! Con phải bình tĩnh, không được manh động, sang đây cô sẽ chăm nom cho con, Sơn Ý nhé!”. Tôi chẳng mảy may manh động. Tay chân tôi như bị liệt sau khi nghe tin ấy. Tôi ngồi lặng hàng giờ trên ban công trước khi quyết định gọi cho Vĩnh. “Sơn Ý à!”. Vĩnh lặng đi một lúc sau khi nghe chất giọng ướt át của tôi run lên, anh nhắc lại “Sơn Ý à! Anh sẽ cưới chị Tịnh”. “Anh kìa! Còn gọi vợ sắp cưới là chị. Chấp nhận được không?”, tôi đau khổ ngọt nhạt. “Em! Thôi đừng! Anh không biết phải làm sao nữa đây! Sơn Ý! Sơn Ý!...”. Mấy tiếng sau cùng anh gọi tên tôi nhỏ dần rồi tắt lịm.

* * *

Tôi nằm, bao quanh là khói thuốc thơm tho. Tôi nhớ mùa mưa ở Chili, cái lâm thôn ẩm ướt ấy. Cả cha và mẹ, chẳng ai thương yêu chị Tịnh và tôi cả. Nhưng ít ra tôi còn có cô Thùy, cô chăm bẵm tôi đến thế, ăn cả cơm thừa của tôi, gối tay cho tôi suốt đêm nếu tôi bị sốt. Chị Tịnh sinh con đúng mùa độc nhất ở Chili. Còn Vĩnh thì từ nhỏ sống ở nước ngoài. Tôi nhìn ra cổng, nắng sau mưa chiếu sáng lòa góc đôi tình nhân tình tự. Họ đã ngồi tỉnh queo trong quán, đút bánh xèo cho nhau. Im lặng quá! Tôi dùng chân bấm radio, châm thêm một mồi shisha.

“Sau đây, những người làm chương trình xin trích đọc bản tổng kết cuộc thi “Chuyện bây giờ mới kể” “Các bạn thân mến! Cuộc thi “Chuyện bây giờ mới kể” cuối cùng đã cán đích. Điều mà chúng tôi- những người tổ chức cuộc thi cảm thấy xúc động nhất là các bạn đã chia sẻ cho chúng tôi những câu chuyện sâu sắc ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời mỗi người…Có một bài dự thi khiến ban chấm giải xúc động đến rơi nước mắt. Bài dự thi có tên “Sơn Ý! Sơn Ý!...”. Bằng giọng văn nhỏ nhẹ, chân chất, người dự thi đã kể cho chúng tôi nghe một câu chuyện buồn. Đó là câu chuyện về một gia đình có hai chị em: Thịnh và Sơn Ý. Từ nhỏ Thịnh đã chịu sự ghẻ lạnh, thờ ơ của bố mẹ (thực ra là những người không có quan hệ ruột thịt) và người cô tên Thùy (thực ra là vợ sau của người bố đã mất của cô). Cô Thùy người nuôi Thịnh từ khi còn đỏ hỏn nhưng không thương yêu gì đứa trẻ này. Mọi tình yêu thương cô dồn hết cho Sơn Ý- đứa con với người tình trẻ (cũng đã chết) (Sơn Ý không hề biết người mà mình vẫn tưởng là em gái cha chính là mẹ đẻ) . Làm nghề hầu đồng, khi chuyển đến một lâm thôn, cô đã thỏa hiệp với anh trai và chị dâu (vốn vô sinh)  nhận hai đứa trẻ là con, bù lại cô sẽ nuôi cả gia đình. Từ đó bắt đầu những bi kịch của Thịnh. Mọi thứ càng tồi tệ hơn khi mẹ con Sơn Ý ra nước ngoài, để Thịnh ở lại với anh chị mình. Hạnh phúc tưởng đã mỉm cười với Thịnh khi em gái Sơn Ý thân yêu trở về. Bi kịch chỉ thực sự xảy ra trong một đêm mưa, trong chính căn nhà của bố mẹ nuôi (người mẹ lúc này đã mất), Thịnh đã bị chính bố nuôi hãm hiếp. Sau đêm kinh hoàng ấy, Thịnh hoảng loạn và cầu cứu người yêu của Sơn Ý…”

Vách ngăn trong vòm mũi của tôi từ hôm Vĩnh nói lời đau càng lớn thêm, làm tôi ngạt thở. Tôi luội đi cho đến khi một con chim chích bông tập bay rơi bộp xuống nền gạch. Mùi hương shisha vẫn quẩn quanh. Nước mắt tôi đã tạnh ráo. Xỏ giày vào chân, đeo ba lô nện chặt những thứ linh tinh, tôi mang con chích bông đặt trên lan can rộng rãi. Rồi cứ thế, tôi đi về phía Chili, bóng tối tràn xuống ôm lấy tôi. Mỗi bước đi vách ngăn trong vòm mũi lại càng thu lại. Tôi bước đi, hơi thở nhẹ và thanh trong. “Sơn Ý! Sơn Ý!...”, tôi nghe tiếng không phải hai mà là ba người thân yêu ấy gọi tôi, phía mùa mưa Chili.

V.T.H 

 

Võ Thị Hà
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 215 tháng 08/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground