Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ấo tà nguyệt bạch

Bước em thênh thang

Áo tà nguyệt bạch

Ôm nghiêng cặp sách

Vai nhỏ tóc dài…

            (Ngày xưa Hoàng Thị- Phạm Thiên Thư)

T

ắc xi từ Sân bay Phú Bài vừa bắt đầu rẽ vào thành phố thì trời bỗng dưng đổ mưa. Anh đẩy nhẹ tấm kính mờ hơi nước, đưa tay ra ngoài hứng những giọt mưa bụi hiền lành giăng giăng nhẹ nhàng. Thật kỳ lạ, dường như Huế, anh và mưa có một mối liên kết nào đó thì phải, có vậy nên mười mấy năm dằng dẵng cách xa, ký ức trong anh về Huế đều gắn liền với những cơn mưa. Mưa mù trời ngày anh bở ngỡ từ đất Quảng vào Huế thi Đại học. Mưa lênh láng, triền miên làm bức tường vàng nhạt của ký túc xá vào mùa đông rêu mốc, loang lổ, cây bàng lá đỏ trơ trọi, già nua.  Cảnh vật hắt hiu khiến nỗi nhớ nhà của đám sinh viên trẻ thêm phần quay quắt. Mưa làm ướt  tà áo trắng mỏng manh của Hằng, khiến nàng run rẫy, co ro mỗi khi anh chở nàng trên chiếc xe đạpcuốc, qua cầu Phú Xuân, rẽ Cửa Thượng Tứ để vào Thành Nội. Vẫn hằn nguyên trong anh ánh mắt Hằng trong veo như mặt hồ buổi sớm, làn môi mơn mởn hơi nhợt tím vì lạnh, còn đôi chân nhỏ xinh thì thật tinh nghịch, cứ đong đưa, đong đưa theo những guồng xe đạp quay đều. Và giờ đây, sau mười mấy năm trời, cuộc tái ngộ của anh với Huế lại bắt đầu bằng một cơn mưa.          

- Huế vẫn rứa, không thay đổi chi hè? Anh lẩm bẩm khi ngắm nhìn mái phố liêu xiêu, nhỏ bé vùn vụt lướt qua ô cửa tắc xi. Sông An Cựu nắng đục mưa trong cổ xưa như thời gian. Xa xa chuông Dòng chúa cứu thế phía đường Nguyễn Huệ thong thả đổ một hồi dài.

            -  Không mần răng hiểu nổi mấy ông Nhà nước. Sài Gòn, Đà Nẵng đó, tràn ngập cao ốc hiện đại, nhìn sướng con mắt. Rứa mà Huế mới xây khách sạn Tân Hoàng cung, Báo chí đã phản đối ầm ầm nên Thành phố ni mãi lạc thời, cũ kỹ cũng đúng thôi. Anh lái tắc xi trẻ măng quay sang nhìn anh bắt chuyện.

Anh mỉm cười trước lý lẽ ngây thơ của anh bạn trẻ, mắt mơ màng dõi theo những con phố thân quen. Trừ vài toà cao ốc kệch cỡm mới xây, Huế hầu như vẫn như xưa khiến anh ngỡ như mới rời nó ngày hôm qua chứ không phải đã lâu lắm rồi.

- Cứ chạy một vòng loanh quanh thành phố đi, về khách sạn sau cũng được. Lâu quá không đến Huế, tắm rửa nghỉ ngơi xong mới ra phố thì nóng ruột lắm. Giọng anh sốt sắng.

            - Chắc anh nặng tình với Huế lắm hè? Đất xứ ni nghèo thiệt nhưng nhiều người mê đắm lắm, xa rồi không mần răng quên được mô!

            Anh cười mỉm gật đầu thay cho câu trả lời đồng tình. Phố vụt qua trước mắt cùng những dòng ký ức ùa về ào ạt, dồn dập, hiển hiện rõ mồn một khiến tim anh như có ai đó bóp nghẹn, cổ họng khô rốc như vừa qua một cơn sốt dài. Rất dễ dàng để anh nhận ra ngay Giảng đường Đại học của thời hoa niên. Toà nhà vẫn thâm nghiêm với những cánh cửa chớp màu nâu và tường sơn vàng nhạt. Hàng bằng lăng do chính tay bạn bè lớp anh trồng nay đã cao lớn, xum xuê, đang nở bung những cánh hoa tím hồng. Sau hàng bằng lăng ấy, trong một căn phòng giữa giảng đường rộng lớn, lần đầu tiên, trái tim anh biết đập những nhịp khác thường.

            Nàng ngồi đó, yêu kiều, kiêu sa như một cánh sen trắng toả hương. Đôi mắt trong veo lay láy nhìn hờ hững, sóng mũi, bờ môi sắc nét, hoàn hảo như mới được vẽ nên bằng bàn tay của một hoạ sỹ tài hoa. Mái tóc đen mượt búi cao làm lộ rõ cổ cao ba ngấn trắng ngần. Áo nàng mặc màu nguyệt bạch, huyền ảo dưới ánh sáng bàng bạc của đèn màu. Xung quanh nàng cơ man là Sen, những cánh Sen trắng ngời tinh khiết. Sen ngã nghiêng, chờn vờn trong bình gốm điệu đà, sen dịu dàng trên tay nàng ngà ngọc, sen rải đều quanh gót hồng nàng ngan ngát thơm.

Dưới trăng mơ màng.

Em ngồi rửa tay

Những hạt tơ vàng

Vương xuống đất này

Tan thành giải mây

Vướng chân anh ngã

Em cười ròn rã

Anh thành cỏ cây…

            Giọng đọc thơ với cách phát âm rặt Huế cất lên, quyện cùng tiếng sáo, tiếng đàn réo rắt khiến chàng trai trẻ là anh ngày ấy ngỡ như đang  lạc vào một cõi mơ hồ mông lung không có thực. Và nàng cũng vậy, tựa hồ không phải người trần mà là tiên nữ, từ bầu trời xanh xa xăm bồng bềnh mây trắng kia bất chợt vui chân ghé chốn phàm trần.

- Run rẫy với giai nhân rồi phải không? Rứa mà lúc đầu rủ đi xem Đêm thơ, cứ nhất quyết không là không. My Hằng- Hoa khôi Văn khoa, “đinh” của các Đêm thơ và Dạ hội văn nghệ đấy. Mới xem My Hằng minh hoạ cho tiết mục thơ mà đã như thế, xem nàng múa và diễn kịch chắc mày chết đứ đừ luôn. Thằng bạn cùng phòng anh hả hê, vung tay múa chân khiến thoáng anh đỏ mặt. Quả thật anh ngây ngất, anh đã ngây ngất và chết mê chết mệt với hình bóng thiếu nữ bận áo lụa màu nguyệt bạch kiêu sa bên sen trắng. Sen và nàng, nàng và sen quyện hòa vào nhau, cùng kiêu hãnh toả hương mê dụ lòng người.

- Ngày xưa anh là sinh viên của Trường Đại học này à? Bây giờ đi đâu, qua Cầu Mới, vào Thành Nội anh nhé.

Anh lái tắc xi bất chợt cắt đứt dòng suy nghĩ miên man của anh. Anh gật đầu như một cái máy đã lập trình. Men theo đường Hà Nội, xe chạy qua phố Lê Lợi xanh ngợp bóng cây rồi bon bon tiến thẳng lên Cầu Mới. Anh nheo mắt ngắm nhìn cầu Bạch Hổ nghiêng mình làm dáng với sông Hương mơ màng sương khói. Xa hơn nữa là Nguyệt Biều, là ăm ắp ký ức ngọt ngào của anh và My Hằng. Những chiều mùa đông chân trời tím ngắt, chiếc thuyền nhỏ mong manh như lá tre thong dong chở Hằng và anh lênh đênh trên sông Hương. Guitare thong thả buông những nốt nhạc trầm:Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người…Này em hãy đến cùng tôi…

- Ba nói, cứ dong thuyền mãi thế ni rồi sẽ đến thượng nguồn. Ở đó, hai bên sông mọc rất nhiều loại cỏ thơm, vì rứa sông ni mới có tên là Hương Giang. Huế đẹp mà ba em nỡ bỏ mà đi để rồi khi mô viết thư về cũng toàn thương với nhớ.

- May mà em không theo ba qua bên nớ, chứ không mần răng anh gặp được em?

- Em có muốn Mạ và Dượng cũng không cho. Hơn nữa, sống ở Huế quen rồi, Huế đã trở thành máu thịt, đời kiếp mô mà xa Huế được…

                                                ***

 Lần đầu đến nhà My Hằng, dù trời đang nắng rực rỡ nhưng người anh ơn ớn lạnh. Biệt thự cổ sơn màu vàng nhạt, rêu phong xanh rợn. Cỏ lún phún mọc lên từ kẽ hở của sân gạch bát tràng, mong manh vờ vật. Cây si cổ thụ rễ ngoằn ngoèo mang hình thù kỳ dị, giống như gương mặt lão già nhe nanh cười cợt. Mùi trầm thoang thoảng khiến khu vườn rộng thênh thêm thâm u, hiu hắt. Người đàn ông nước da xanh rớt rát, mắt lờ đờ đỏ nọc, miệng bỏm bẻm nhai trầu, xếch mé nhìn anh, giọng the thé như quan hoạn:

- Rứa cậu cần hỏi ai?

- Dạ thưa, con hỏi thăm Hằng.

- Hỏi có chuyện chi?

- Cả tuần ni Hằng nghỉ học, con đến lớp tìm cũng không thấy, sợ Hằng bị đau.

- Hằng vô Sài Gòn rồi, cuối tháng mới về. Có chi hỏi nữa không để còn đóng cửa?

 Một giờ, hai giờ… Một ngày, hai ngày… Thời gian dẫu có trôi qua nặng nề đến mấy rồi cũng đến cuối tháng. Cafe Sông Xanh bên Đập Đá, nhạc Trịnh mơ màng, xa vắng. Anh lặng im như tượng đá, cố thu hết hình ảnh của nàng vào tầm mắt. Nàng ngồi co ro như một con mèo ướt, ánh mắt hoang mang thất thần như vừa trải qua một điều gì đó rất kinh hoàng. 

- Em tệ lắm nợ, đi Sài Gòn mà không nói với anh một tiếng.

- Trách chi em cho tội, ai có muốn rứa mô. Bữa ni em về Huế thu xếp mấy việc rồi phải vô lại ngay Sài Gòn.

- Vô đó mần chi?

- Vô học ngoại ngữ

- Ở Huế học ngoại ngữ cũng được, mắc chi phải vô tận Sài Gòn? Rứa không học Văn khoa nữa à?

- Em bỏ học thôi. Ba nói ở Mỹ không cần văn chương thơ phú.

- Nói rứa là răng, bỏ anh, bỏ Huế sang bên nớ thiệt à, răng đành đoạn rứa? Anh cầm tay nàng lắc mạnh, giọng như hụt hơi.

- Em phải qua, nhất định phải qua bên nớ, chừ có nói chi anh cũng không hiểu, mà hiểu mần chi cho thêm nặng lòng.

Nàng nói chưa hết câu thì bật khóc và bổ sập vào anh, ôm lấy anh bằng tất cả sức mình, bờ môi trượt lên vai anh, cắn anh đau nhói. Rồi nàng ngẩng lên chăm chắm nhìn anh, ánh mắt hoang mang đến tột cùng: Thiếu anh, thiếu Huế mần răng em sống?

Những ngày nàng trở lại Sài Gòn là khoảng thời gian khủng khiếp nhất mà anh phải trải qua. Trước đây, Hằng đi còn hẹn ngày về, còn bây giờ, đi có nghĩa là mất nhau vĩnh viễn. Anh bỏ hết sách vở, trường lớp, lang thang vật vờ đến những chốn kỷ niệm xưa, lòng đau như muối xát.  Kế tiếp là từng đêm bó gối trên chiếc giường tầng Ký túc xá, chong mắt chờ tiếng gà gáy sáng. Nỗi nhớ Hằng khiến anh điên loạn. Bắt xe đò ra Quảng Trị, anh lúng túng nói dối mạ cần gấp tiền đóng học phí. Cầm những đồng tiền nhàu nhĩ từ tay mạ guộc gầy, tần tảo, anh chạy ra bến xe như ma đuổi, lẩn vào một xó xỉnh và ôm ngực khóc rống lên như một con thú bị trúng thương. Sự ân hận giày xé, vần vã anh mệt nhoài nhưng tuổi trẻ nông nỗi và sự si mê điên loạn đã chiến thắng. Anh trở thành thằng con bất hiếu, đang tâm ném những đồng tiền đổi bằng mồ hôi nước mắt, bằng sự tần tảo chắt chiu cóp nhặt của mạ để ném vào cuộc phiêu lưu không định trước ở Sài Gòn phồn hoa. Rong ruỗi trên những con đường người xe cuồn cuộn như nêm cối của Sài Gòn, ngoặt qua rất nhiều con hẻm sâu hun hút, anh bần  thần đứng trước ngôi nhà nhỏ lợp tôn han gỉ.

- Cậu hỏi thăm ai? Người đàn bà tầm ngoài năm mươi tuổi nhìn anh chòng chọc, hỏi anh bằng thứ giọng Nam kỳ pha lẫn giọng Huế chơn chớt.

- Cho con gặp My Hằng.

- Cậu là ai mà hỏi My Hằng?

- Con là…người yêu My Hằng, từ Huế mới vào thấu đây.

- Nói chi mà lạ rứa, làm răng cậu là người yêu con Hằng được? Cậu không biết, Hằng và Pôn- chồng sắp cưới của nó vừa bay qua Mỹ à? Hai đứa sang bên nớ, chuẩn bị để  tháng sau tổ chức hôn lễ.

Anh đứng chết sững, Sài Gòn hoa lệ xoay quanh anh như chong chóng. Bặm chặt môi, hai tay anh bấu víu vào cánh cổng sắt, chỉ sợ nhỡ buông tay ra thôi thì chân anh sẽ ngã quỵ hẳn xuống.

                                              ***

Biệt thự nằm sâu trong khu vườn yên tĩnh, thâm u. Thời gian và rêu phong đã phủ lên, xoá nhoà gần như hết thảy những nét hào hoa sang trọng của một thời lừng lẫy. Toà nhà trở nên già nua, rệu rã như phế tích khiến anh liên tưởng đến câu Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương. Cũng lạ, giữa thời buổi du lịch phát triển rầm rộ, đất thành phố đắt như tôm tươi, sao người ta chưa đụng đến mảnh đất vàng này?

- Ông đến hỏi mua đất à, người ta không bán mô, nhiều người đã đến đây hỏi mua nhưng đều trở về tay không.

- Tôi không mua đất, tôi muốn hỏi thăm chủ nhân toà biệt thự.

- Tứ tán một người một phương, còn ai mô mà cậu hỏi thăm.

- Răng lạ rứa?

- Có chi mà lạ. Người trong Phường có ai không biết chuyện nhà ni. Tổ cha cái thằng vô hậu, cũng là dòng dõi thế phiệt trâm anh mà răng khốn nạn rứa. Đang tâm hãm hiếp, phá đời con gái riêng của vợ, làm rứa tội trời ai mang.

- Chuyện động trời rứa làm răng bà biết?

- Cũng không ai biết mô, thấy con bé nớ bỏ vô Sài Gòn rồi sang Mỹ cưới chồng Tây, ai cũng tưởng có phước. Ai ngờ cái kim bọc lâu ngày cũng có lúc lộ ra. Mà chuyện ốc dộc nớ cũng mới bây bét ra cách đây mấy năm thôi. Sau đó thì đổ bể hết cả, vợ chồng bỏ nhau một kẻ một đường. Thằng nớ xấu hổ, đời mô dám vác mặt về đây. Sướng mô một chút để chừ sống chui sống nhủi, cực khổ rứa.

- Nhưng còn My Hằng, My Hằng thì răng, có khi mô trở lại đây không?

 Anh chồm đến nắm chặt tay người đàn bà xa lạ khiến bà thoáng chút ngỡ ngàng.

- Tội lắm, con gái tui cũng ở Mỹ, lâu lâu có nhắc đến con Hằng. Lấy chồng mấy năm thì bỏ, thấy mọi người lần lượt về quê thì như ngồi trên đống lửa. Hỏi răng không chịu về Huế một chuyến thì lầm lì như ngậm ngãi, dỗi hờn: Thôi, có về cũng chẳng còn ai. Cái con lạ thiệt, chẳng còn ai nhưng Huế và quê hương vẫn còn đó, có dời chuyển đi mô. Mà không về thì mần răng hết day dứt, dối ai thì dối răng nỡ dối lòng mình?      

                                                ***

Chiều dần về tối. Đèn màu trên cầu Trường Tiền lung linh đổi sắc, in bóng rực rỡ xuống dòng Hương dùng dằng như không chảy. Phía Cồn Hến xanh mướt mát, xa xăm buông thoảng một câu hò. Một chiếc xe đạp cuốc bất ngờ chạy qua. Trên xe, thiếu nữ áo trắng tinh khôi rúc rích cười sau lưng người yêu, khăn san hững hờ bay phất phơ trong gió. Tim anh quặn tràn nỗi nhớ dứt day. Đã xa xôi chi mấy, cũng trên cây cầu này, nàng rúc rích sau lưng anh, thủ thỉ đọc mấy câu thơ của Phạm Thiên Thư:

Thì thôi tóc ấy phù vân

Thì thôi lệ ấy còn ngần giang sương

Mai anh chết giữa cội đào

Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu.

Cảnh còn đó, vần thơ Phạm Thiên Thư vẫn in hằn nguyên vẹn trong tâm trí anh nhưng người xưa thì đâu, biền biệt bóng nước chim trời phương nào?

  P.M.Q

 

 
 
Phạm Minh Quốc
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 184 tháng 01/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground