Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bài thơ tình Simonov

Đ

ứa con cả, giám đốc CTTNHH một thành viên nói: “Hình như cha có vấn đề về thần kinh. Con nói mong cha đừng giận. Con đã đi nhiều nước trên thế giới, cũng biết rằng các bà già, ông già cưới nhau là chuyện thường thấy. Đó là phương Tây, là Âu Mỹ, nhưng đây là Việt Nam. Ở làng quê mình chưa có chuyện ông già, bà già sắp xuống lỗ còn cưới nhau. Cha đã từng dạy chúng con: Học tập nước người phải chọn cái mà học. Có cái ở nước người là tiến bộ nhưng ở nước ta không phù hợp hoặc chưa phù hợp. Con nghĩ, ông già, bà già cưới nhau ở Việt Nam, chí ít, ở làng quê mình là chưa phù hợp. Cha cưới vợ, cả làng rồi cả tỉnh dị nghị. Ở trong cái nhốn nháo mỉa mai ấy, chúng con làm thế nào mà sống được.”

Đứa con trai thứ, càng căng thẳng hơn: “Con không hiểu cha lấy vợ để làm gì. Con trai, con gái, dâu rể, cháu, đề huề. Người có hiếu, người chăm sóc cha không thiếu. Người già như cha không còn có nhu cầu tình dục. Trên bảo dưới không nghe tình dục cái nỗi gì. Cái bà già bán nước ấy nữa, người khô quắt, lưng sắp còng, mắt sắp mờ. Cha cứ khen: bà ấy pha trà ngon. Con thì không thể ngồi vào đấy, uống nổi một ly. Tự nhiên bây giờ, bà ấy còm còm, lù lù, về sống ở cái nhà này, chịu chi nổi.”

Ông muốn nói với con: “Không được hỗn với cha. Không được chê người khác khi chưa hiểu họ”. Nhưng ông không thể nói xen vào được. Chỉ mới nghe ông nói đúng một câu: “muốn cưới bà bán nước chè chén làm vợ” là chúng nó đã hoảng hốt, đã nhao lên phản đối. Chúng nó vốn lễ độ, luôn nhã nhặn với cha, nhưng bây giờ không đứa nào chịu nghe ông nói thêm một câu, đủ biết trong lòng chúng, sự phản ứng mạnh mẽ đến ngần nào. Đứa này chưa dứt lời đứa khác đã lên tiếng. Dứt khoát không là không!

Con dâu cả nói như muốn kết luận: Già rồi, không cưới xin gì hết. Nếu cha lấy bà ấy, tất cả chúng con sẽ bán nhà lên thành phố, để cho mấy cái mặt này sạch tro, sạch trấu.

Đứa con dâu thứ, xưa nay có tiếng là bép xép còn mang nội dung cuộc họp gia đình phổ biến ra cả làng. Hắn bình thêm: ”Ông già đờ người không nói được một câu. Cưới hi? Cưới chi mà cưới, con cháu nói cho xấu hổ, cưới cái cổ tích.”

* *  *

Thế mà chuyện diệu kỳ đã diễn ra. Ông và bà già bán nước chè chén  cưới nhau. Con cháu, dâu rể ông đã về đầy đủ. Chúng ăn mặc sang trọng và rực rỡ như đi hội hè. Những ông cụ, bà cụ xung quanh, đều mặc trang phục lính, huân chương, huy chương, kiêu hãnh trên ngực. Chúng vui vẻ, tươi tỉnh, chào hỏi cô bác, bắt tay người này, cám ơn người khác. Cô dâu lắm lời còn nói: “Chuyện tình như của cha chồng cháu, đời này làm gì có. Hôm trước cháu có nói rứa hi? thì chỉ thấy đơn giản, ông già lấy bà già, buồn cười”. Đứa con cả thưa: “Các bác đã đăng cai tất, cháu chỉ xin thuê một cái rạp hoa trên tỉnh, cho nó lộng lẫy”. Ông hội trưởng hội Cựu chiến binh, khi tại ngũ là chính ủy trung đoàn nên mọi người vẫn quen gọi là ông Chính ủy, lắc đầu: “Chú mày yên tâm. Lễ cưới này hội Cựu chiến binh và hội Cựu thanh niên xung phong cùng phối hợp tổ chức, thống nhất theo phong cách lính. “Kịch bản” có rồi, không thay đổi. Chú mày sẽ nhìn thấy cái rạp cưới có một không hai trong thời đại này.”

Cái rạp cưới được tiếp nối bằng những chiếc tăng ni lông của lính, màu cánh gián, nghiêng về hai phía như hai mái nhà, che mát  cả chiếc sân rộng của trụ sở ủy ban. Đồng đội khiêng bàn ghế của các gia đình tới. Cái cao xếp với cái cao, cái thấp xếp với cái thấp. Mặt bàn được trải bằng những tấm ni lông cũ, cũng một màu cánh gián. Ấm chén mỗi bàn mỗi kiểu, là đồ dùng hàng ngày của các gia đình góp lại. Cỗ cưới chỉ là bánh kẹo, trà và chè xanh.  Bức phông phía trước được trang trí bằng một đôi chim bồ câu trắng lồng trong một trái tim. Phía dưới có dòng chữ “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” y chang như những lễ cưới thời kháng chiến. Chỉ có một chút khác là một bức thư pháp bài thơ tình của Simonov treo thấp hơn một chút, bên cạnh hai con chim bồ câu trắng. Đứa cháu, con út của anh con trai thứ kéo áo mẹ: “Mẹ! cưới ông sao không làm to ở khách sạn như cưới chú Năng? Nhà mình thiếu gì tiền”. “Ông là bộ đội”. Mẹ nó nói nhỏ vào tai con như vậy.

Ông Chính ủy trịnh trọng đứng lên, nhìn về phía ông rể, bà dâu: “Thưa các đồng chí, hôm nay là ngày cưới, nói đúng hơn là ngày đoàn tụ của hai đồng chí Trần Công Đoàn và Dương Thị Chắt. Chúng ta  nhiệt liệt chúc mừng hai đồng chí”. Hôn trường dội lên tiếng vỗ tay náo nhiệt, kéo dài. Nhiều người với tay qua bàn, xin bắt tay ông, bắt tay bà. Ông liếc mắt về phía con cháu. Chúng cùng vỗ tay. Nhiều cô bác ngồi gần, với tay qua bắt tay chúng nó. Ông thầm cám ơn người Chính ủy trung đoàn, vừa là thủ trưởng, vừa là đồng đội sống chết có nhau. “Đồng chí cứ yên tâm. Chúng là lớp trẻ có học. Chúng phản đối vì chưa hiểu. Tôi sẽ thuyết phục.” “Thưa các đồng chí – Ông chỉ tay lên – trên đầu của chúng ta là những chiếc tăng, trên mặt bàn là những tấm ni lông, đó là những kỷ vật của lính mà các đồng chí còn giữ lại được”. Mọi người nhìn theo tay ông. Những chiếc tăng và những tấm ni lông đều đã cũ, thủng, rách nhiều chỗ. “Tấm tăng kia là của đồng chí Thục – Chính ủy chỉ vào một ông già ngồi cuối bàn – Những lỗ thủng kia là vết đạn AR15 của biệt kích địch tập kích tổ chiến đấu của đồng chí khi đang ngủ. Ba chiến sĩ của ta đã hy sinh. Tấm tăng liền đó là của đồng chí Mùi – Ông chỉ tay về phía một bà già đối diện – Đồng chí là Thanh niên xung phong của mặt trận Đường 9 Nam Lào”.

Bà Mùi kể: “Thưa các đồng chí, những mảng loang lổ, màu sẫm kia là máu - Bà nghẹn lời - Tôi đã chuyển về tuyến sau nhiều thương binh, tử sĩ. Không mấy ai như chúng tôi, phải chứng kiến quá nhiều đau thương, quá nhiều mất mát của đồng đội. Lần ấy, tôi không thể quên, một người lính quá trẻ, bằng tuổi tôi lúc ấy, hình như mới rời ghế nhà trường. Tôi đưa anh về tuyến sau. Anh bị thương rất nặng nhưng không một tiếng rên la. Anh nắm tay tôi. Đôi mắt anh nói được rất nhiều điều. Anh muốn sống, muốn được yêu. Anh đã chết trên tấm tăng ấy. Tôi đã giữ gìn những giọt máu cuối cùng của anh cho tới tận bây giờ.”

Các con ông đều không giấu nỗi xúc động. Hình như đây không chỉ là lễ cưới của cha nó. Đây còn là một cuộc hội ngộ của những con người vĩ đại một thời. Chúng đang được đi dần vào những chuyện cổ tích bi hùng mà cuộc sống kinh tế thị trường xô bồ, bận rộn, có lúc đã làm chúng lãng quên.

“Thưa các đồng chí, ông rể bà dâu hôm nay là của nhau từ những ngày còn chiến tranh”… “Hồi ấy tôi là Thanh niên xung phong giữ kho dã chiến ở tiền phương. Chị em hy sinh nhiều vì bom đạn, vì sốt rét. Số người còn lại phải xé lẻ, mỗi người giữ một kho nhỏ rải rác trong các hang núi. Một sáng tôi ngủ dậy thấy anh ấy bị thương nằm lả bên một tảng đá, trước miệng hang”… “Tôi bị thương trong một trận phản công địch. Đơn vị bị dính B52. Tôi lạc đơn vị”… “Anh ấy vừa bị mất nhiều máu vừa đói lả. Tôi đã nhặt ốc suối, bẫy chuột rừng nuôi anh. Chữa vết thương cho anh bằng rễ cây rừng, bộ đội đã học được của đồng bào dân tộc truyền lại. Sức trai, anh khỏe lên nhanh chóng.

Khi ở nhà, tôi ra đi nhẹ nhàng, chia tay bạn bè trong niềm vui hồ hởi, không một chút vướng bận. Vào chiến trường, những đêm dài cô quạnh, một mình trong hang đá, bản năng khát sống, khát yêu của người con gái tuổi hai mươi trỗi dậy, vẫy vùng trong tôi. Tôi mơ về một ngày mai, trở lại quê hương, được lấy chồng, có gia đình, có con. Được sống như mẹ, như chị tôi đã sống. Tôi thèm có tiếng người, thèm một bóng dáng đàn ông, dù già trẻ thế nào cũng được. Với tôi, anh như bước ra từ thần thoại, trẻ trung và khỏe mạnh. Anh không như những hoàng tử oai hùng trên lưng ngựa chiến. Chỉ như Thạch Sanh ngày ngày đi đốn củi. Anh đằm thắm như những chàng trai làm ruộng ở quê tôi. Không một lời tỏ tình, chúng tôi đương nhiên là của nhau như chồng vợ đi xa lâu ngày gặp lại. Chúng tôi cho nhau tất cả. Tôi cuồng nhiệt gì xiết vào anh. Lần đầu tiên tôi được yêu, được ôm ấp trong những đêm dài vắng lạnh, được ngửi mùi xác thịt nồng ấm của đàn ông. Cứ ngỡ như không thể gì có thể tách tôi ra khỏi anh, kể cả chiến tranh. Tôi đã khuyên anh ấy ở lại cùng giữ kho. Ở đây còn thiếu quá nhiều người, làm công tác gì cũng là đánh giặc. Nhưng anh ấy đã ra đi về phía có tiếng súng nổ. Đó là một ngày đau xót nhất của tôi, nhưng biết làm thế nào được. Anh ấy là đàn ông, là một người lính. Chia tay tôi anh ấy dặn: Đợi anh về em nhé. Chiến thắng nhớ tìm nhau.

 

Những ngày sau đó tôi luôn đọc lại bài thơ tình Đợi anh về  do Tố Hữu dịch của Simonov. Bài thơ được chép trong một cuốn sổ tay của một đồng đội tôi. Chị ấy đã bị rắn độc luồn vào hang cắn chết. Em cứ tưởng Simonov chép lại lời anh cho riêng tôi.  Em ơi đợi anh về/ Đợi anh hoài em nhé/ Mưa có rơi dầm dề/ Ngày có dài lê thê/ Em ơi em cứ đợi/ Dù tuyết rơi gió nổi/ Dù nắng cháy em ơi/ Bạn cũ có quên rồi/ Đợi anh về em nhé. Và tôi đã đợi, đã tìm anh hơn 30 năm. Dù không có một mẫu tin trong tay, không có một dòng địa chỉ, nhưng tôi có bài thơ của Simonov, Tin anh dù vắng vẻ/ Lòng ai dù tái tê/  Chẳng mong chi ngày về/ Thì em ơi cứ đợi. Tôi đã vượt qua tất cả sự mỏi mệt. Cho đến một ngày…” Chị nhìn ông Hội trưởng chính ủy… “Ngày ấy, bà đến gặp tôi, hỏi thăm về ông. Khi biết ông đã có vợ, có con, có cháu, bà nói: Đồng chi bí mật cho chuyện này. Thế là tôi đã toại nguyện. Ông ấy còn sống, có gia đình hạnh phúc. Tôi đã khuyên bà ở lại nơi này cùng đồng đội. Dù sao bà cũng không còn ai chờ mong ở chốn quê nhà.” “Chính ủy đã giúp tôi mở quán nước ở ngã tư làng mình. Giúp tôi xây một căn nhà nho nhỏ, để được sống gần anh”…

* *  *

Minh họa : HỒ THANH THOAN

 

Mấy ngày sau khi ông hết khó vợ, Hội trưởng Chính ủy đến gặp ông: “Việc gì đã qua thì đã qua rồi. Đồng chí nên lấy vợ đi.” Nhìn khuôn mặt Chính ủy rất nghiêm túc, ông biết Chính ủy không nói đùa. “Lấy vợ làm gì nữa hở đồng chí, người ta cười cho, già rồi, con cháu đề huề rồi.” “Đồng chí có biết câu cha ông nói: Xưa nay con cháu thương cha, cũng không chu đáo bằng bà thương ông. Trẻ có tình yêu của trẻ, già có tình yêu của già. Càng già càng thương nhau đằm thắm hơn, sâu sắc hơn. Rồi bất ngờ Chính ủy kể về bà bán nước chè chén… Câu chuyện của Chính ủy làm cho ông hồi nhớ bao nhiêu điều… Một hôm ông khen vợ: “Bà nấu canh cá suối với lá mơ rừng ngon tuyệt”. “Bà bán chè chén bày cho đấy, thì ra ông thích”. Một hôm bà đi chợ về đưa cho ông đôi dép mới “Thay đôi dép dưới chân đi. Sáng nay tôi đi chợ, bà bán nước chè chén chào: “Đi chợ mua dép cho chồng đấy à. Dép của ông ấy đứt quai, vẹt gót rồi đấy”. Tôi bận trăm thứ việc nhà, cần cái gì nói với tôi, đừng để người khác nhắc. Gớm cái bà hàng nước, một chút tỷ ty gì của ông cũng quan tâm. Hèn nào bữa mô cũng ra đó ngồi mà uống nước.”  “Bà cứ nói thế con cháu nghe thấy nó cười. Người ta quan tâm đến tôi thì cũng như bà, hết mua đường sữa thăm cựu chiến binh này, lại mua sữa đường thăm cựu thanh niên xung phong khác.” “Thì tôi có ghen ông đâu, bao nhiêu chục năm sống với ông tôi biết, ông là người đứng đắn. Có điều lạ là bà bán nước quan tâm tới ông ghê gớm. Đàn bà với nhau tôi biết. Mà cái bà ấy biết nhiều và tốt bụng đáo để. Mấy cái khớp chân tôi đau nhức bao nhiêu năm nay, uống cả cân thuốc tây rồi vẫn không khỏi. Bà ấy đâm rễ cây hoang dại xát cho mấy tuần liền, nay thì khỏi hẳn. Những món ăn lạ lạ ông khen ngon, bà ấy bày cho cách chế biến đấy”…

“Trong cuộc đời, ông có yêu ai ngoài vợ không?” Khi đã thân nhau, một lần vắng khách, bà hàng nước hỏi ông câu đó. “Bây giờ đã già rồi, nói chuyện tình yêu nghe nó thế nào ấy. Nhưng mà, hồi chiến tranh, tôi có yêu một người”. Hai ông bà lặng đi một lúc. Bà chờ đợi để lắng nghe ông. Ông hồi tưởng lại một thời của dĩ vãng. Nơi ấy là một cánh rừng và một hang đá. Một người con gái đã cứu ông từ cõi chết, đã cho ông những phút làm chồng, cho những kỷ niệm linh thiêng về tình yêu, tình đồng chí, không bao giờ có thể quên. Ông thương bộ áo quần cô mặc trong người lâu ngày không có nước để giặt, thương mái tóc xác xơ, nước da xanh mét và một khuôn mặt rất xinh và hiền. Người như thế, khi ở nhà, đi đâu còn sợ bóng tối. Làm sao bấy giờ sống một mình giữa rừng đại ngàn, giữa núi non hoang vắng, rập rình tứ bề là cái chết, bất kỳ lúc nào cũng có thể ập xuống đầu mà không sợ. Đi suốt một cuộc chiến tranh, nỗi lo cho cô sống một mình ở chốn cô đơn và hiểm nguy ấy cứ ám ảnh, ray rứt, không bao giờ nguôi. “Thương đến thế, hòa bình rồi sao không đi tìm người ta?” “Sau chiến tranh liền đó là bao nhiêu công tác: Đi rà phá bom mìn cho đồng bào hồi hương, đi cải tạo công thương nghiệp, đi xây dựng công trình thủy lợi, xây dựng kênh mương nội đồng… Nhưng lý do chủ yếu là tôi không nhớ cô ấy quê ở đâu.” “Đàn ông các ông thật là lạ. Cứ hứa, cứ hẹn, rồi như con cọp, ra khỏi hang, đạp ngọn lá là quên. Hèn nào đất nước có nhiều hòn Vọng phu mà không có lấy một hòn Vọng thê. Chỉ có đàn bà được một lời hẹn là tạc mãi vào lòng, suốt đời hy vọng, chờ mong.” “Bà đừng nói vậy tội cho đàn ông. Ngày xưa có chiến tranh, chủ yếu là đàn ông ra trận, đàn bà ở nhà, vậy mới có nhiều hòn Vọng phu. Nếu đàn bà ra trận, đàn ông ở nhà, chắc cũng có nhiều đàn ông hóa đá chờ vợ.” “Ông nói vậy thì biết vậy, chứ ngày xưa, hai bà Trưng, bà Triệu còn là thủ lĩnh của  kháng chiến. Cuộc kháng chiến vừa qua chúng tôi chẳng ra trận là gì.” “Bà cũng là lính à? Ở chiến trường nào?” “Tôi là Thanh niên xung phong ở miền Tây Quảng Trị, giáp Lào.” “Thế a? Cô ấy của tôi cũng ở chiến trường đó, tên là Chắt, bà biết không?” “Biết, Chắt ở kho QN67”. Ông mừng rỡ “Tôi nhớ ra rồi, QN là quân nhu, 67 là thành lập năm 1967. Bây giờ cô ta ở đâu, bà biết không?” “Ngày hòa bình chia tay, chúng tôi còn gặp nhau. Nhưng cũng như ông, không biết quê cô ta ở đâu”. Kỷ niệm xưa hiện về, xúc động. Ông nói như một lời cầu mong: “Chắc bây giờ con cháu đề huề rồi”. “Chưa chắc”. “Sao lại chưa chắc?” “Thì ông đã dặn người ta chờ anh em nhé rồi còn gì. Biết đâu bây giờ cô ta còn chờ đợi. Đàn bà với nhau mà, tôi biết …”

Những lần tâm sự như thế với bà bán nước chè chén, ông vừa vui vừa có nhiều nỗi niềm ân hận. Thế là em đã đi qua được chiến tranh, an toàn trở về quê hương, gặp lại gia đình, gặp lại mẹ và bạn bè thân thiết. Tại sao trong chiến tranh mơ được hòa bình để đi tìm em, hòa bình rồi lại không đi tìm? Phải chăng mình bận nhiều công tác, vì không biết địa chỉ hay vì một lý do gì khác nữa? Đàn ông như con cọp, ra khỏi hang đạp ngọn lá là quên. Có giờ phút nào mình đã quên em? Nếu em vẫn chờ đợi, bỏ phí cả tuổi xuân của mình vì ông. Tình yêu của ông đối với em sẽ trở thành tội lỗi. Ông lắc đầu, cố xua đi những ý nghĩ đó, không dám nghĩ sâu hơn.

Chính ủy đặt tay lên vai ông thân thiết: “Nếu không có ông ở đây, chắc chắn bà ấy không mở quán nước ở làng mình. Bà ấy đã dành trọn cho ông cả cuộc đời. Ông đã dành cho kháng chiến mười lăm năm, dành cho vợ và con gần bốn mươi năm, không giành được cho bà ấy chặng đời còn lại hay sao. Ông cũng rất yêu, rất nhớ bà ấy. Tình yêu này còn là tình đồng chí, là sự trả nghĩa cho nhau. Con cái và cả làng này rồi sẽ hiểu cho chúng ta.”                                                           

* *  *

“Thưa các đồng chí! Chúng ta chúc mừng cho tình yêu, niềm tin và lòng chung thủy. Chúng ta tin rằng, bất cứ ai có tình yêu bền vững, có niềm tin sắt đá, người đó sẽ được hạnh phúc. Tôi xin đọc bài thơ này – Ông giới thiệu ra vẻ thông thạo - Bài Đợi anh về do nhà thơ Tố Hữu dịch của Simonov, một nhà thơ Nga, qua tiếng Pháp.” Giọng đọc của ông trầm ấm. Bài thơ hợp cảnh, hợp người, nghe càng xúc động…  Ai ngày xưa rơi lệ/ Hẳn cho sự tình cờ/ Nào có biết bao giờ/ Bởi vì em ước vọng / Bởi vì em trông ngóng…

Người đàn bà ngồi cạnh bà Chắt ôm mặt, gục đầu xuống bàn. Đôi bờ vai rung lên. Không ghìm ổi, bà khóc thành tiếng. Tiếng khóc nghe đau xót đến não nùng. Chính ủy lúng túng: “Tôi xin lỗi bà. Tôi có lỗi.” Ông nhìn một lượt khắp hôn trường: “Thưa các đồng chí, đây là bà Trần Thị Xanh, cựu Thanh niên xung phong từ miền núi Nghệ An vào tìm chồng. Biết tin ông bà đây tìm được nhau, làm lễ cưới, đã đến mừng.”

Bà Xanh lau nước mắt vào tay áo, đứng dậy nhìn Chính ủy: “Ông có lỗi gì đâu. Ông không có lỗi”. Bà nhìn đồng đội của mình, vẫn nghẹn ngào trong tiếng nói: “Thưa các đồng chí, tôi cũng có một người chồng. Anh ấy đã nằm trên lưng tôi, hai tay ôm qua cổ tôi. Anh ấy cũng bị thương nặng. Tôi cõng anh ấy bò sâu vào rừng. Khu đồi ấy là một điểm cao quan trọng như thế nào tôi không biết nhưng ta và địch đều muốn làm chủ, giành giật lẫn nhau. Địch chiếm ta đánh bật. Ta chiếm địch phản công. Anh ấy bảo tôi: Em để anh nằm lại, chạy đi, may ra sống. Nếu cõng anh thế này, nhất định chết cả hai. Tôi không thể để anh ở lại. Chẳng biết lúc ấy sức khỏe ở đâu, tôi còn kéo theo được hai khẩu súng lắp đầy đạn. Tôi có ý nghĩ rằng, nếu địch xông tới, tôi sẽ đặt anh sau một gốc cây, hoặc một tảng đá, sau một vật che đỡ nào đó. Mắt anh không bị thương. Tay anh còn có thể ấn được cò súng. Tôi và anh sẽ chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng rồi củng chết bên nhau. Giữa một vùng bom đạn cày xới ngổn ngang đất đá, cây bụi và xác binh lính hai bên. Bọn địch lại khẩn trương tập trung cũng cố công sự để chống quân ta phản công nên không phát hiện được. Tôi đã đưa anh ấy về hang đá của tôi. Cũng bẫy chuột, bắt rắn mối, lượm ốc nuôi anh; cũng chữa vết thương cho anh bằng rễ cây rừng. Chúng tôi cũng có những ngày hạnh phúc chồng vợ không thể nào quên. Anh cũng lại ra đi theo hướng súng nổ; cũng dặn tôi: Đợi anh về em nhé! Hòa bình tôi trở về, bao chàng trai tỏ tình với tôi. Mẹ tôi nói: “Con gái có thì, không lấy chồng sẽ ế, mẹ sẽ khổ tâm vì con”. Nhưng tôi có bài thơ Đợi anh về. Tôi thuộc bài thơ ấy. Tôi có niềm tin. Tôi nhớ lời anh dặn.  Dù ai nhớ thương ai/ Chẳng mong có ngày mai/ Dù mẹ già con dại/ Hết mong anh trở lại/ Dù bạn viếng hồn anh/ Yên nghỉ nấm mồ xanh/ Nâng chén tình dốc cạn/ Thì em ơi mặc bạn/ Đợi anh hoài em nghe/ Tin rằng anh sắp về … Bà nghẹn lời. Nước mắt lại rơi trên gò má đã về già… “ Các đồng chí ơi, sau bao nhiêu năm lặn lội, cuối cùng , trong chuyến đi này, tôi đã tìm được chồng tôi…” Tất cả lặng xuống, mọi con mắt dồn về phía bà như muốn hỏi: Ông ấy ở đâu rồi? Đã có vợ con chưa? Có chờ đợi bà không? Còn thương nhớ bà không?... “ Tôi đã gặp chồng tôi…Anh ấy đang yên nghĩ ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn… Tôi đã gặp chồng tôi.

“Nào bao giờ ai biết

Có gì đâu em ơi

Chỉ vì không ai người

Biết như em chờ đợi.”

L.V.T

 

 
 
LÊ VĂN THÊ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 207 tháng 12/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground