Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bạn cũ

T

iếu.

 

Một từ dễ gợi cho người ta liên tưởng đến sự vui nhộn, hài hước. Nhưng thực ra chẳng có sự hài hước, vui nhộn nào ở đây cả. Đó - đơn giản là một cái tên. Tên của một người phụ nữ. Là mẹ của thằng bạn học chung trường mẫu giáo với tôi. Nhà nó cách nhà tôi vài con ngõ cộng thêm dăm lần ngoặt lên ngoặt xuống.

Tôi hiếm thấy có người phụ nữ nào trông khô khỏng, xơ xác như cô. Hai xương ức dô cao một cách quá đáng, để lại hai hõm sâu hỏm ngay phía trên bộ ngực mỏng manh. Đó luôn là điểm đầu tiên tôi bắt gặp ở cô trong mỗi lần gặp gỡ. Chẳng phải vì tò mò hay hiếu kì. Đơn giản vì lúc nào cô cũng xuất hiện trước mắt tôi với tư thế hoặc cúi, quỳ, hoặc ngồi xổm với cái cổ vươn dài ra phía trước. Cái xương ức ở những tư thế ấy dễ “bắt mắt” nhất, khuếch đại nhất. Cô, những lúc xuất hiện ấy,  hoặc nhẫn nại kì cọ để lau bằng được vết mực thằng con làm vãi trên sàn. Hoặc nhẫn nại gỡ chiếc áo len cũ ra đan lại. Hoặc lọ mọ xới lại đám đất nhỏ bằng hai cái vạt quần trước nhà, tăng gia ít rau thơm (sạch) cho chồng nhấm nháp - với rượu; dĩ nhiên, kèm theo khi thì lòng lợn tiết canh, khi thì đĩa dồi chó. Có khi chỉ là mấy lá húng kẹp ... ớt (!) để đưa đẩy với rượu. Một bữa nhậu tĩnh lặng.

Giá một lần cô xuất hiện hòan chỉnh trước tôi (tôi gọi là hoàn chỉnh khi người nào đó đứng đàng hoàng trước mặt mình) thì có lẽ  ấn tượng về cặp xương ức kia không quá đậm nét đến thế.

* *  *

Phóng.

Là tên chồng cô Tiếu, tức bố thằng bạn học chung trường mẫu giáo với tôi. Một bức tranh tương phản: cổ dày nung núc, hai cái đùi bè bè. Rất thích uống rượu với ớt, dĩ nhiên, thêm vài cọng lá thơm vợ tăng gia. Vừa uống rượu vừa lừ lừ nhìn vợ, nhìn con, nhìn bạn của con. Chẳng biết nhìn để làm gì nhỉ? Nhưng rất đáng sợ.

Tôi bảo thằng bạn “Khi nào bố mày ở nhà, mày treo cái quần đùi ra ngoài cổng cho tao biết. Tao đéo thèm vào đâu”

Thằng bạn bảo: “Kệ, sợ đếch gì. Tao nối dõi, dám làm gì”

Tôi cùn bảo: “Mày chắc à?”

Nó lừ lừ mắt nhìn tôi. Chẳng rõ muốn gì? Nhưng rất đáng sợ.

 

* *  *

Cô Tiếu suốt ngày ở nhà, cơm nước, dọn dẹp, giặt giũ. Chẳng mấy khi ra ngoài, trừ lúc đi chợ. Chẳng mấy khi nói, trừ lúc ra chợ. Để mặc cả.  Đấy là tôi đoán thế, vì có ai ra chợ mà không mặc cả đâu. Cũng có thể cô không thèm mặc cả vì nhà cô giầu nhất xóm. Cô ở nhà suốt ngày, không cần bóc lạc thuê, dệt len thuê như hầu hết các nhà khác thời bấy giờ mà vẫn có tivi mầu, có xe Honda Nữ hoàng đỏ chói. Ấy cũng là tôi thấy  thế.

Có lần bố thằng bạn tôi dẫn khách về nhà. Chủ khách ngả nghiêng bên chén rượu với rau thơm sạch; khách bỗng buột miệng khen:

“Người giúp việc chăm ra phết nhỉ. Nhưng cứ như người bị ho lao.”

Chồng lừ mắt nhìn vợ. Rất đáng sợ. Không thanh minh.

Vợ giật giật hai cái xương ức, rút xuống bếp. Không thanh minh. Hai cái xương ức cao tớn lên, nhưng nhức. Tưởng có thể bám tay vào đấy được. Tưởng có thể khóc cả ngày, nước mắt rơi hết vào đấy mà không sợ tràn.

Tôi thấy hơi thương thương cô. Nhà tôi, hễ có ai đến chơi cũng phải chào mẹ tôi : “chị ạ”, hay “cô ạ” chứ chưa bao giờ nhầm thành con ở. Nhà có chiếc xe đạp Nam Hà tróc sơn, động tí là phình săm nhưng đi đâu bố cũng chở mẹ đi, “nhà tôi đấy”- bố tôi hềnh hệch giới thiệu.

Chuyện ngày xưa của cô thì tôi chưa quên. Vì chuyện ấy, tôi thù cô mất một thời gian (bị trẻ con thù cũng không ghê gớm lắm. Thật đấy).  Tôi đi vay gạo, bị cô múc cho gạo mà nhà cô dành để nấu cho lợn. Thằng bạn tôi quăng rá gạo ra giữa sân, bảo:

“Nó không phải là lợn, nó là bạn con”

Cô lủi thủi quét vun lại rá gạo lẫn đất cát rồi múc cho tôi chỗ gạo ngon. Từ đấy cô cũng tử tế hơn. Tử tế trong im lặng. Bát chè. Cốc nước chanh. Thằng bạn tôi một bát, tôi một bát. Thằng bạn tôi một cốc, tôi một cốc. “Nó là bạn con”. Ừ , nhưng nhà tao không giầu bằng nhà mày đâu – tôi định bụng sẽ nói với nó thế. Nhưng nó thừa biết, nhỉ?

Từ đấy tôi không bao giờ vay gạo nhà nó nữa.

 

* *  *

Bố thằng bạn tôi làm bên thương nghiệp, lại có chức quyền.  Thời bao cấp, nghề này trúng lắm. Người lớn bảo thế. Tôi không biết “trúng” là như thế nào, chỉ thấy mỗi khi Tết đến, xe dưới huyện chở hàng tạ gạo tám thơm, gạo đặc sản Hải Hậu đến nhà nó. Thứ gạo mà chỉ ngửi mùi thoang thoảng, tôi đã ứa nước miếng ra rồi. Mỗi lần cơm  nhà nó sôi, hàng xóm chỉ có nước chép miệng, thở dài. Tôi tưởng tượng, mình mà được ăn gạo ấy thì mười bát (có ngọn) một bữa không cần thức ăn. Chỉ một cái Tết, nhà nó đủ gạo ăn cả năm.

Nhà nó giầu thế vậy mà bỗng tự dưng một hôm cô Tiếu nảy ra kế hoạch làm hương (có nơi còn gọi là nhang) ở nhà. Tôi thấy cô hoạt bát hẳn lên. Cái xương ức nhảy nhót nơi cổ.

Cô nhíu mày, nhăn trán. Việc này tôi chưa thấy.

Cô cười vang cả mấy gian nhà. Việc này tôi càng chưa thấy. (Vì thế tôi cứ cảm giác là lạ mỗi lần gặp cô).

Rồi cô gọi thợ dựng lán phía sau nhà. Mua tre về chẻ. Mua các loạt bột quỷ quái gì đấy mà mỗi lần hít phải tôi không khỏi hắt xì hơi cả tràng. Mua phẩm vàng phẩm đỏ. Rồi thì làm. Ba bàn cán bột với ba tay thợ. Nhoay nhoáy se bột, xếp hương. Hương phơi la liệt trên sân thượng, trước sân nhà, tràn cả ra ngõ.

Bận rộn với việc làm hương nên vạt rau thơm trước nhà ít khi được cô Tiếu đoái hoài đến. Đám mùi chết đầu tiên. Những cái lá dài nghêu, xanh két, vàng rũ rồi lụi xuống. Đám hành sống thêm được ít ngày rồi thi nhau mọc hoa. Sống được lâu nhất là húng chó. Nhưng cũng mọc hoa và xơ xác dần. (Tôi nghi chúng chết nhanh thế một phần vì thằng bạn tôi bí chỗ tè nên tiện thể đi vài đấy. Ngày xưa nó chỉ việc vòng ra sau nhà, chỗ lán làm hương bây giờ, là xong)

Tôi ghét mùi hương nên ít sang nhà nó. Mỗi lần sang cũng ít gặp bố nó. Càng hay. Nhìn bố nó chành vạnh cái đùi giữa nhà ngồi uống rượu, mắt lừ lừ, tôi chẳng khoái tí nào. Nhưng thà như thế còn hơn là ngửi thấy mùi hương nhưng nhức này. Chạy chỗ nào cũng va vào đám hương của cô Tiếu.

Tôi thắc mắc:

“Sao mẹ mày không lo trồng rau thơm cho bố mày nhấm rượu. Làm hương làm gì?”

Thằng bạn tôi chẳng buồn để ý đến câu hỏi của tôi. Nó dán mắt vào trò chơi điện tử.

“Mày thích thì đợi tao chơi xong, tao cho chơi”

“Bố mày mua à?”

“Mẹ”

À, thì ra mẹ nó làm hương để mua trò chơi điện tử cho nó.

 

* *  *

Đám hương khói (chữ khói là tôi thích nói đệm vào cho nó đỡ cộc) càng làm cho cô Tiếu trở nên khô kháy. Hai xương ức dô cao như cánh cung đã lắp tên. Làm được một thời gian, tôi không còn thấy cô cười vang nhà nữa. Thay vào đó là dáng ngồi thẫn thờ, bó bó, buộc buộc những que hương đã nỏ, chờ giao cho khách. Những tiếng thở dài kìm nén. (Thi thoảng tôi cũng bắt gặp mẹ thở dài. Lo nhà hết gạo. Lo tiền học cho tôi. Lo con lợn tự nhiên lăn ra ốm. Nhưng nhà cô Tiếu đâu phải lo những điều ấy?). Ba bàn cán bột chỉ còn hai thợ làm. Mà thời tiết lại chuyển sang những ngày mưa dầm, thành thử đống hương đã cán xong cứ phơi vạ vật mãi mới nỏ. Nên cô Tiếu cứ phải kiểm tra chúng luôn luôn. Hai xương ức như cánh cung đã lắp tên, cứ vật vờ, vật vờ giơ lên hạ xuống.

Đồ chơi điện tử của thằng bạn tôi đã hỏng. Nó cũng chán trò ấy rồi

* *  *

Trời mưa nhiều hơn. Thường tiết trời này, chú Phóng càng uống rượu nhiều. Chiếu trải giữa nhà. Chân xếp bằng tròn. Trước mắt là chai rượu và đĩa ớt chỉ thiên vừa ửng chín. Một nhát cắn vào quả ớt, một tợp rượu. Lại một nhát cắn vào quả ớt, một tợp rượu... Cứ thế, lai rai, thi gan với mưa.

Dạo này, lán làm hương của cô Tiếu vắng huơ vắng hoắt. Vạt rau bằng hai cái ống quần trước nhà cũng lụi hẳn, mặc cho cỏ tràn lên xâm lấn. Tôi sang nhà thằng bạn, thấy cứ như nhà hoang. (Tiền nhiều thế cũng không sướng nhỉ, ấy là tôi nghĩ thế). Mẹ tôi hay mắng:

“Mày lớn nồng nỗng ra rồi đấy. Chơi in ít thôi.”

Nhưng không phải vì câu mắng này mà tôi không sang nhà nó nữa. Tôi sợ sự lạnh lẽo bất chợt gặp phải mỗi khi sang nhà thằng bạn. Nó , từ lúc nào, cũng trở thành một đứa tư lự. Hỏi không nói. Chỉ im lặng nhìn. Không rõ muốn gì. Nhưng rất đáng sợ.

Ngồi ở nhà, thi thoảng tôi lại nhớ hai cái hõm xương sâu hoắm của cô Tiếu và cái đùi ềnh ệch của chú Phóng. Tự dưng nhớ, chẳng có ý gì.

Mẹ tôi  yên tâm vì thấy tôi không sểnh một tí lại sang nhà thằng bạn học chung trường mẫu giáo, để rồi đến giờ cơm lại phải le te sang gọi về . Hơn nữa, hết vụ lạc đến vụ len, mẹ tôi tơ tướp lo có hàng để mà làm, để có thêm tí tiền nuôi con ăn học.

Cuộc sống chưa hết hôm nay đã lo ngày mai cuốn chúng tôi đi như thác lũ.

* *  *

Bằn bặt một thời gian. Nghĩ cũng lạ. Tôi và thằng bạn – có những ngày tưởng như không thấy nhau thì không chịu được. Rồi thì chẳng sao cả. Tôi vào đại học, nó cũng vào đại học. Cùng bám lại Hà Nội. Và biệt tích nhau luôn.

 

* *  *

Một chiếu giữa nhà. Rượu. Đĩa ớt chỉ thiên vừa ửng chín. Cặp đùi rệu rạo, nhèo nhẽo. Một nhát cắn cả nửa quá ớt. Rượu rót tràn  ra chiếu. Cái lưng vật vờ cúi lên cúi xuống. Ký ức bị đánh động bất thình lình.  Chú Phóng – bố thằng bạn học chung trường mẫu giáo với tôi? Những chuyến xe chở gạo tám, gạo đặc sản Hải Hậu ùn ùn kéo đến nhà vào mỗi dịp Tết. Mùi cơm sôi thơm đau cả những cái dạ dày thiếu đói và mệt mỏi bởi các bữa bo bo nhai mỏi răng. Xe Nữ hoàng đỏ chói. Có khi ra chợ cũng không thèm mặc cả. Đâu hết rồi những tháng ngày xưa cũ?

-   Cậu dùng gì?

Tôi giật mình rời mắt khỏi căn phòng nửa sáng nửa tối, nhìn vào người phụ nữ đứng trước mặt mình. Đập vào mắt là cái tạp dề cũ kĩ với  những sợi vải rạc đến sắp đứt. Hai bên tà quăn lại, bết những vệt nâu nâu như nhựa cây. Một bàn tay lỏng khỏng chìa ra, lau nhanh chiếc bàn tôi đang ngồi.

Tôi ngước mắt lên. Thốt nhiên thấy hồi hộp. Hai cái xương ức giật lên giật xuống. Hơi thở như bị bóp nghẹt lại…

-   Chai rượu hôm qua đâu rồi?

Cái tạp dề quay ngoắt vào trong, nhanh đến không tưởng. Trong thoáng chốc, cặp xương ức thành cánh cung đã lắp tên.

Nuốt nước bọt khan trong cổ. Chỉ còn một tí nữa, vậy mà …

Cửa nhà trong được khép lại một cách ý tứ. Ngay sau đó là tiếng chai lọ leng keng. Tiếng tủ lạnh đóng mở.

-   Đã bảo mua cho ít rau thơm sạch thì cứ tiếc tiền. Ăn cái thứ này chẳng hóa nhai cỏ à? Cái đồ...

Hiện về một đám đất nhỏ bằng hai cái vạt quần với nào thì mùi, nào thì hành. “Người giúp việc chăm ra phết nhỉ. Nhưng cứ như người bị ho lao.”

“Nó là bạn con, không phải là lợn”.

Cô Tiếu? Chú Phóng? Lẽ nào?

Điện thoại đột nhiên giãy lên trong túi làm gián đoạn mạch suy nghĩ. Số di động. Rất lạ.

Alô.

Đến cả phút chỉ nghe thấy gió ù ù. Rồi tiếng người nói như quát. “Tao đây!” Chịu, chẳng biết là ai. Nghe vừa như quen, vừa như lạ. Điện thoại tắt. Rồi lại giãy lên như bị cù “Tao đây”.

Cứ “đây đây” với “sao sao” được tí nữa thì hết pin, chẳng hiểu ngô khoai ra thế nào?

-   Chú dùng gì?

Một con bé gầy tong teo với cái đuôi tóc vắt vẻo giữa đỉnh đầu. Không phải xương ức cong tớn lên như cánh cung.

-   Thế...?

Con bé trân trân nhìn tôi, vẻ khó hiểu. Cửa nhà trong vẫn im ỉm đóng.

-   Chú ăn bún hay phở?

-   À... ừ... thôi cho chú bát phở

Cửa vẫn khép. Đằng sau là gì? Một chiếu giữa nhà. Rượu. Đĩa ớt chỉ thiên vừa ửng chín. Cặp đùi rệu rạo, nhèo nhẽo. Một nhát cắn cả nửa quá ớt. Rượu rót tràn  ra chiếu.

“Khi nào bố mày ở nhà, mày treo cái quần đùi ra ngoài cổng cho tao biết. Tao đéo thèm vào đâu”

“Đã bảo mua cho ít rau thơm sạch thì cứ tiếc tiền”

Phở đã hết. Tiền đã trả. Cửa vẫn nhẫn nại khép.

-   Cô Tiếu bán hàng ở đây lâu chưa?

Một phép thử. Tôi hồi hộp chờ đợi.

-   Cháu không biết.

Rồi chạy tọt ra sau bếp. Thế là thế nào? Không biết là cô Tiếu bán hàng được bao lâu hay không biết có cô Tiếu nào cả?

 

* *  *

Độ này trời mưa nhiều hơn. Mưa cứ như đùa nhưng lai rai cả ngày. Chán những bữa mì tôm kinh niên của mỗi buổi tối, tôi chợt nhớ đến hàng phở hôm nào. Hồi hộp và tò mò.  Ngày xưa, cứ tiết trời này, chú Phóng càng uống rượu nhiều.

Vài lần gạt nước mưa bám trên cặp kính cận cho đỡ nhoè đường thì cũng đến nơi.

Nhưng trống trơn!

Không có đèn điện giăng từ cây sấu già trước cửa vào đến tủ hàng nhôm kính với lủng lẳng nào những thịt, những trứng, những hành, tỏi, ớt, dấm. Không có nồi đại xình xịch sôi, nhả khói thơm đến tứa nước miếng. Không bàn ghế nhựa cập ca cập kênh với láo nháo cả đống giấy ăn vo viên trên mặt đất. Không một chiếu giữa nhà với rượu, với đĩa ớt chỉ thiên vừa ửng chín. Không xương ức cánh cung lẫn cập đùi nhoè nhẽo.

Chỉ nghệch ngoạc vài dòng thông báo bằng phấn vạch len cửa gỗ xỉn mầu “Cho thuê cửa hàng”.

“Ăn phở hay muốn thuê cửa hàng?”

Mặt dài, tóc dài và vết sẹo trên má phải cũng dài. Da mái xanh của người vừa mãn hạn bóc lịch.

“Ăn phở thì kiếm chỗ khác. Cần thuê cửa hàng thì anh dẫn lối. Miễn bồi dưỡng  đủ một bi là ok!”

“Thế hàng phở cũ ở đây...”

“Nghẻo rồi. Kéo nhau về quê. Những đòi hoa sim ôi những đòi hoa sim tím chiều hoang biền biệt. Toàn hoa trắng. Phí một đời trai. Nhận tin em đã chết anh khóc thầm hàng đêm. Mà cỡ cũng bằng chú em. Điệp ơi Lan cắt tóc suốt đời vì anh. Mẹ kiếp, chưa biết mùi đời. Chết cũng phí’’

Mặt dài, bài nọ xọ bài kia, chẳng ra hát, chẳng ra nói. Rồi đùng đùng bỏ đi.

"Nó nghiện đấy chú ạ. Lại hơi tâm thần nữa. Thế chú hỏi ai?’’

Một bà lão với chi chít những lá cao dán quanh cổ. Mừng như vớ được vàng.

“Cái hàng phở ở đây chuyển đi đâu hả bà?”

“Rõ khổ, thằng con vừa phi xe ra đường thì trúng ngay cái ô tô lao tới. Chú bảo còn gì là người nữa. Ông bà ấy về quê rồi. Đâu ở Hà Nam, Nam Định gì gì đấy”

“Có phải tên là Tiếu hay Phóng không ạ?”

Hỏi mà miệng đắng ngăn ngắt. Hỏi mà không dám nghe câu trả lời.

“Tôi cũng chẳng rõ đâu chú ạ. Mà chú quen họ à?”

“Dạ,... bạn cũ...hình như thế…”

Chẹp miệng, lắc đầu:

"Tuổi trẻ… chẳng thể nào mà hiểu được. Hình như, sao lại hình như"

Tập tễnh bước vào trong ngõ. Chỉ còn mùi cao dán vẫn còn phảng phất.

Đi thật hay không mà lòng đau thế này…

* *  *

 “Mày không nhìn thấy quần đùi tao treo ngoài ngõ à?”

“Kệ”

“Sao độ này nhà mày làm lắm hương thế. Đéo còn chỗ mà ngồi chơi”

“Thế mày còn đến làm gì”

“Tao đéo thèm chơi nữa. Cả ngày mai, cả ngày kia, ngày kìa, ngày kĩa, ngày kịa”

“Mày đứng lại!”

Chạy. Đuổi. Càng chạy, càng đuổi. Càng đuổi càng chạy. Chạy mướt mải. Hai chân xoắn quẩy cả vào nhau. Hai đầu gối rời rã.

“Mày đừng đuổi theo tao nữa”

“Bao giờ tao chết thì mới thôi”

* *  *

Mày ạ, đừng bao giờ dừng cuộc chơi theo kiểu ấy.

Đừng bao giờ như vậy.

Nhưng là còn bao giờ kia?

* *  *

Cuộc đời, hoá ra chỉ là những cuộc chơi?

Tiếu – lẽ ra phải gợi đến sự vui nhộn. Nhưng tại sao lại là cái xương ức giương cáo tớn, tạo thành hai hõm sâu hỏm  mà nước mắt đổ vào đấy mãi cũng không tràn. Hả cô?

Ai lại chơi như thế.

Một nhát cắn cả nửa quả ớt, một tợp rượu. Mắt lừ lừ nhìn, chẳng rõ ý gì nhưng rất đáng sợ. Cả đời đáng sợ như thế. Cũng gọi là cuộc chơi?

Ai lại chơi như thế.

Chết mới  bỏ cuộc chơi.

Ai lại chơi như thế…

* *  *

Ai có thể nghĩ được rằng: người bạn hôm qua, cái người mà  tưởng như một ngày không thấy nhau thì không chịu được rồi cũng có lúc vĩnh viễn chỉ là kỉ niệm? Và gọi lên bằng hai từ Bạn cũ để khép lại một trang kí ức?

* *  *

Đi thật hay chưa mà lòng vẫn không nguôi nhớ…

* *  *

Đường về quê chẳng hề xa. Tôi sẽ về tìm lại, từ nhà tôi sang bên ấy chỉ vài ba con ngõ với dăm lần ngoặt lên ngoặt xuống. Khi thì chè, khi thì nước chanh. Một bát cho tôi, một bát cho nó. Một cốc cho tôi, một cốc cho nó. Nhưng lần này sẽ là một tư thế hoàn chỉnh của một người mẹ chứ không phải ở tư thế mà cặp xương ức cong tớn lên như cánh cung đã lắp tên. Cô Tiếu ạ.

Rồi biết đâu điện thoại lại chẳng đột nhiên giãy lên như bị cù. “Tao đây. Thằng bạn nối khố của mày đây. Sao quên nhanh thế. Tao có treo quần đùi ngoài cổng nữa đâu” .

Biết đâu...

Mà sao mắt cứ cay xè thế này...

P.Đ 

 

Phong Điệp
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 211 tháng 04/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground