Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bông mai vàng

H

ai bảy tết, điện thoại phòng trực ban của đơn vị reo lên liên hồi. Bao nhiêu chuyện xoay quanh mấy ngày giáp tết. Chú ơi! Nhà tui mất chỉ vàng, chú ơi! Nhà tui không tìm thấy cái xe máy. Báo cáo phòng trực, Khóm 2 Thị trấn có vụ đánh nhau… Trung không giám đi đâu cả, kể cả những việc vệ sinh cá nhân. Cuộc điện thoại gần nhất là một giọng nói nhỏ nhẹ, quen thuộc nghe ấm lòng. Giọng của cô giáo Phương cất lên từ đầu dây bên kia.

- Trưởng phòng trực ban ơi! Em nhớ anh nhiều lắm!

Trung chưa kịp nói gì thì thím Hậu vào phòng trực ban sau khi dựng chiếc xe đạp ở cây bàng cạnh góc sân. Thím Hậu ở sát nhà Trung, Trung hay đùa đó là nhà ba bà. Ngôi nhà vắng mặt đàn ông. Chồng thím Hậu mất chừng mười mấy năm, hai con gái thím lớn và không lấy được chồng, câu chuyện lỡ thì hồi kháng chiến. Trung hay sang đó sửa lại cái đui đèn, lúc thì cái cầu dao. Mấy việc xung quanh điện dân dụng. Nhưng lần này thím Hậu giao Trung một nhiệm vụ mà thím cho rằng đó là sứ mệnh của một người láng giềng làm công an. Trung phải truy tìm cây mai cho thím Hậu, bằng tình cảm và trách nhiệm cao cả của một chiến sỹ công an nhân dân. Trung mà làm không ổn là thím dọa báo… Bác Hồ. Bao nhiêu năm nay vậy, hễ cứ nhờ Trung việc gì là thím rào câu đó. Mi làm giúp thím không tốt thím báo Bác Hồ. Trung cười để lộ hàm răng trắng sau cánh môi xinh. Nhưng hôm nay thím Hậu nói mấy câu rồi khóc khiến Trung rối lòng.

- Chưa bây tính răng tìm cây mai cho thím với. Mới bị đào khi hôm, ngày mai hai tám tết chắc đi bán chợ. Dễ tìm mà. Cây mai hơn bốn mươi năm tuổi chơ ít mô, hắn đào hùng hục suốt đêm và mang cả một cục đất to đi. Chưa răng mà ăn trộm của người có công cách mạng, trừ ra chớ. Thím nói, không phải tiếc của thương tiền mà cây mai đó chú trồng. Chú trồng rồi chú đi trong kháng chiến, ngày bước vô trận chiến chú dặn khi mô cây mai nở tui về ăn tết với gia đình. Trời! Thím chờ mòn cả con mắt. Trên khô cằn sỏi đá chừ mới ra hoa.

- Rứa hắn moi cả đêm hì hụi răng thím để cho hắn đào?

- Có mô, thím nghe nhưng tưởng con chó vá đào hang để đẻ.

- Ui trời, rứa thím có để ý ai không?

- Không, ai cũng nhìn cũng thích cây mai. Mấy năm hắn có chặt cành nhưng thím không nghĩ là có ngày mất gốc. Mà chú coi liệu mà tìm, cây mai đó ngày trước là nơi làm hầm trú ẩn của thủ trưởng chú đó, liệu nghe…

Trung báo đồng chí đội trưởng tất cả những vụ việc xảy ra trong vòng mười phút. Năm vụ, có cả chuyên án mai vàng của thím Hậu. Và đội trưởng giao cho Trung phụ trách vụ đó với mấy lời dặn dò.

- Coi cố gắng tìm giúp mụ a. Cây mai có ý nghĩa lớn đó chú em, còn liên quan đến thủ trưởng nữa. Làm cho tốt không mụ báo Bác Hồ, thủ trưởng hỏi chú em chịu. Đầu dây bên kia, tiếng cười của đội trưởng vẫn giòn giã.

Hai tám tết, chợ huyện không được mấy cành mai. Trung lên phố cùng một đồng chí khác. Chợ tết tấp nập người qua lại, chợ hoa được bày bán ở nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Quất năm nay đẹp, từng chậu lủng lẳng quả và lá xanh tươi. Đào nở rộ và vào mùa mất giá. Gốc mai hiếm hoi với mấy cây nhưng không được đẹp cho lắm! Tiết nắng ùn ùn nên mai nở sớm hết rồi, còn mấy gốc mai muộn ngồi bên hè phố vắng. Trung vẫn nhớ câu thím Hậu dặn.

- Cây mai của thím có chiếc lá to gác ngang ba cành có nụ nhiều nhất.

- Lỡ nó hái đi cái lá thì tiêu luôn thím hí?

- Điên, cái lá non nằm vị trí đẹp ai hái.

Trung cười khi nhớ lại mấy câu nói cũ. Có phải thế nào thì cũng kiếm cho bằng được để chở mùa xuân về với họ. Ngôi nhà không có mặt đàn ông, ngôi nhà lợp tôn nóng hừng hực khi trời hè hít thở. Mà có mấy lần Trung nói thím Hậu không nghe. Trung bảo bán cây mai cho người ta lấy mười bảy, mười tám triệu mua bò về chăn dắt, có mấy lần cây bị trộm chặt cành đó thôi. Thím vẫn giọng điệu cũ.

- Điên, cây kỷ niệm của người xưa đó mày. Cây từ hồi kháng chiến, cây làm hầm trú ẩn cho cán bộ… ôi dào! Hỏi thủ trưởng chú thì biết.

Và những lúc đó, ánh mắt thím Hậu sáng lên ấm lạ. Hai đứa con gái thím, người bốn lăm tuổi, người bốn mươi có thừa. Họ sống lặng lẽ, đắp đổi cho qua ngày bằng nghề làm phân xanh. Ngôi nhà thím nằm tựa lưng vào núi, phía sau cây cối xanh tươi và rừng ưu ái. Cứ sáng sáng, hai đứa con gái cắt cây bỏ vào chuồng bò. Hai ba tuần sau họ ra riêng một đống. Bây giờ nông dân trồng cao su nhiều nên cần đến phân xanh, nhà thím làm ăn được.

- Mua mai đi bác ơi!

Trung ngoái đầu nhìn lại, chiếc xe kéo tay dừng bên vệ đường với gốc mai đầy hoa vàng óng ánh.

- Ơ Minh…

Cũng lâu lắm rồi, họ gặp nhau trong ngữ cảnh đó. Trên vỉa hè của một con phố nhỏ đặc xe cộ lại qua. Minh là bạn học thời cấp ba của Trung. Minh học giỏi nên mới thi đậu vô trường chuyên của tỉnh, chuyên toán. Hết cấp ba Minh không thi vào đại học mà theo mấy người bạn sang Lào làm ăn. Năm đó mạ Minh ốm theo thắt nằm giường, cần tới tám mươi triệu để nông tim cho mạ. Hôm đó họ chia tay nhau trong bịn rịn.

- Trung, tao đi nghe. Chịu thôi, cánh cửa đại học để sau rứa.

- Ừ, cố gắng làm ăn tử tế.

Có câu đó thì xe chạy, xe bốc lên xe một phận người và giờ Minh lại phải kéo xe kiếm sống. Mỗi người mỗi số phận, cùng tuổi con trâu mà con cày ruộng cạn con bơi hồ. Minh nói nhưng nụ cười hể hả khiến Trung vui lây.

- Mai nhà à Minh?

- Có ma, nhà tao mần chi có. À, đỡ giúp bên đó tao chêm cục đá, kênh ri rụng mai hết.

- Ừ, vợ con khỏe không?

- Khỏe chớ. Một nhóc rồi đó, con trai năm tuổi. Thông minh.

- Ờ, học ba nó.

Câu chuyện chúng tôi cứ đứt quãng vì mấy người khách hỏi mua mai. Khác với hồi lầm lỳ ít nói. Cuộc sống chợ đò luyện cho Minh một âm vực cao và rộng.

- Mua đi cha, mười hai chai thôi cây mai bốn lăm tuổi. Rứa là em đi tết bác rồi.

- Bảy chai bán không?

- Bảy bảy bốn chín ý. Đợi năm 2049 đi.

Minh cười ha hả, mấy người khách chạy xe đi, khách khác lại ập đến. Trung đứng nhìn Minh rồi lại ngắm nhìn cây mai. Ở ba nhánh mai nụ xum xuê có một chiếc lá xanh gác ngang trông rất ấn tượng. Minh vẫn cười hề hà, vẫn mười hai chai không bớt nhưng khách thì vẫn cứ đòi thiệt hơn.

- Tám chai đi, còn hai ngày nữa đến tết bán cho heo à.

- Kệ, mười hai đã rẻ. Không tui bán cho thằng bạn tui mười một chai hữu nghị. Và Minh quay về phía tôi.

- Ok không?

Tôi cười, cái cười nửa miệng tối kỵ nhất của đời mình. Và tiếng chào hàng của Minh vẫn vang lên lanh lảnh.

- Mai đây mấy bác ơi! Bốn lăm tuổi, mười hai chai mua mà như tặng.

Rồi Minh quay về phía Trung.

- Hơi mệt quá Trung. Tao bán nốt cây này ra tết đưa mạ vô viện.

- Mụ lại đau à?

- Ừ, vẫn con tim đó. Ôi! Chữa xong tim cho mạ không khéo tim tao rướm máu. Tao gần tha hóa rồi.

Ánh mắt Minh nhìn xa xăm ầng ậng nước. Có cái gì đó gợn lên trên nỗi nhọc nhằn nghe đau đáu những niềm đau. Trung vẫn nhìn không thôi chiếc lá vắt ngang qua ba cành mai trong tư thế đẹp.

- Trung, thấy không. Cái lá mọc rất đắc địa. Tam tài phát lộc kết nối yêu thương. Tao cược là ai sở hữu được cây mai này làm ăn tấn phát.

- Minh mua nó bao nhiêu?

- Hề hề, bí mật gia truyền nói ra lộng gió.

Trung lặng người đi trong bảng lảng những tiếng người, trong vi vu tiếng gió và xe cộ lại qua. Trưa về trên con đường phố nháo nhác người trong những ngày giáp tết. Đầu dây kia người đồng chí của Trung gọi lại.

- Tĩnh đây, có manh mối chi chưa?

- Ờ, đang kiếm. Cậu cứ thoải mái đi lát nữa tớ gọi.

Và tiếng rao hàng của Minh lại vang lên lảnh lót.

- Mai đây, mai đây. Mai có cái này, mai có cái khác. Mai phúc lộc thọ, mai trường tồn, mai phồn thịnh…

- Cậu học ở mô cái kiểu rao hay rứa?

- Hè hè, nói láo quá thành quen. Nếu phúc lộc thọ đến nớ thì tao giữ.

Câu đó của Minh vừa dứt thì chiếc ô tô bóng loáng đỗ cạnh vỉa hè, người đàn ông cao lớn từ trên xe bước xuống và Minh tới chào hàng.

- Mua mai chú, hai mươi chai.

- Có bớt không?

- Dạ không.

- Đưa đến nơi chứ?

- Dạ đến nơi.

Trung tiến gần lại người đàn ông, từ sau cặp kiếng râm xanh màu biển là một đôi mắt sáng như chiếu được lòng người.

- Anh cũng muốn mua?

- Tôi chưa kịp trả giá thì ông đến rồi.

- Tốt thôi, đấu giá nhé?

- Được.

Và người đàn ông lột cặp kiếng. Không khéo kìm lòng thì tôi đã reo lên hai từ “ôi thủ trưởng”. Ông đeo lại kiếng và cười hề hà.

- Tôi mua trồng lại nơi ngày xưa che chắn.

- Dạ?

- Cậu chẳng đang khó khăn là gì? Đồng chí Tĩnh đã cho tôi biết.

Và Minh chạy xe hơn chục cây số mang cây mai về địa chỉ ghi trên giấy. Trung thực sự lúng túng và không biết phải làm gì. Trong lúc này, anh như rối bời lên. Nửa muốn ngăn Minh nhưng lại nhớ câu nói thím Hậu “làm không tốt tao báo Bác Hồ”. Và nữa, đôi mắt của xếp nhìn bông lơi nhưng từng khắc sáng xiết chặt người chiến sỹ nhỏ bé. Trung đi theo mệnh lệnh, về địa chỉ trên giấy cùng Minh.

- Ơ Trung, làng mi có ông giàu sộp.

- Giàu chi. Tao hỏi thiệt cây mai đó mô mà có?

- Ông công an. Hỏi như hỏi cung rứa?

Minh lại cười hề hề như chuyện đời rồi cũng trôi lả lướt. Hắn cho xe chạy bon bon nói cười, Trung vừa nhìn vừa thắt ruột. Với sức học của hắn đáng chừ hắn đứng trên giảng đường hoặc một nơi nào khác nhưng không phải là chuyến xe cải tiến này. Dường như đường ngắn, dường như đất hẹp lại nên chẳng mấy khắc xe đáp sân nhà thím Hậu. Minh bước xuống và cho xe lùi lại, hắn bước vô nhà mà giọng vẫn cứ lanh lảnh như con chim hót.

- Trồng mai chỗ mô mụ ơi?

Từ trong nhà, thím Hậu chạy ra ôm gốc mai mà khóc rống. Hai đứa con gái đứng nhìn thím nhưng cười hề hà vì cây mai đã trở về với họ.

- Ông ơi là ông ơi! Rứa là ông về ăn tết với tui rồi.

Thím cứ rứa, ôm gốc mai một hồi lâu và thằng Minh rí rúc cười.

- Coi như người yêu rứa. Trồng mô đây mụ? Cái ông đi xe ô tô mô rồi mà lâu rứa Trung?

Cũng không cần câu trả lời tôi. Thủ trưởng bước xuống xe với phong thái của một đại gia sành điệu.

- Trồng vô chỗ đó, chỗ mà anh đào lên ấy. Thủ trưởng nói.

- Minh như vô thức với câu nói của thủ trưởng Trung. Hắn cho xe đến và rồi nghiêng chậu mai một cách lành nghề vào đúng lỗ. Thím Hậu thì dường như ngộ ra câu nói của thủ trưởng Trung, thím cất lên mấy lời dõng dạc.

- Nói rứa thì thằng ni ăn trộm cây mai của thím à Trung?

Trung không đáp, đôi mắt anh chia ra mấy hướng nhìn với ba con người trước mặt mình.

- Mấy người cứ đùa. Minh nói rồi lại cười hè hè. Lấp xong gốc mai Minh quay sang thủ trưởng Trung hỏi tiền. Thủ trưởng bảo Minh về đơn vị lấy. Và Trung như hiểu ra cánh cửa sắt đang chờ đón bạn mình. Anh tiến tới bên thủ trưởng với vẻ mặt van xin nhưng cặp kính râm vừa phủ xuống.

- Dẫn anh ta về đồn.

Trong phòng hỏi cung, Trung nói cho Minh nghe đầu đuôi câu chuyện xảy ra vừa rồi. Minh ngồi lặng im một hồi không nói. Có thoáng buồn nào đó chạy qua trên khuôn mặt của Minh, của một người con lang bạt kỳ hồ để níu mạ lại với trần gian bỉ khổ. Minh chớp mắt nhìn Trung, rồi nhìn ra phía ngoài trời. Hắn bậm môi đến phập máu và đôi mắt hắn rưng rưng. Câu nói của hắn chừng như mắc lại ở cổ.

- Trung, chẳng lẽ… chẳng lẽ mày…

Thủ trưởng của Trung bước vào. Minh ngồi ngay ngắn lại trên chiếc ghế gỗ. Mắt hắn nhìn hồi lâu rồi hắn ra lời.

- Chắc chú cần tui nói một điều chi đó?

- Đúng đó, tôi nghe nói anh là con người thông minh.

- Dạ, có một chút học được từ nhà trường, một chút học được ở đời nhưng tui không biết khôn.

- Thôi được tôi hỏi lại. Có phải anh đã trộm cây mai của nhà đó?

- Dạ không.

- Rứa từ mô anh có?

- Dạ, cháu mua của một người bán rong.

- Còn nhớ tên hay biết hắn ở mô không?

- Dạ có.

- Tên chi và ở mô?

- Dạ Đoài, khóm Hưng Nghĩa.

- Mua mấy triệu?

- Dạ bảy.

- Được rồi. Anh cứ về đi, sau tết quay lại đây được chứ? Sáng mùng mười âm lịch.

- Dạ, cảm ơn chú cháu về.

Mùng một tết, Trung đứng bên này nhìn sang cây mai nhà thím Hậu rưng rức vàng. Chợt nhớ câu hoa vàng mấy độ, chợt nhớ thằng Minh ngồi rướn cổ nuốt cục mắc ở họng mà lòng anh bùi ngùi, thảng thốt như hai người từng chia tay nhau. Thím Hậu thì một hai mai mốt ra đi thím báo công cháu với Bác Hồ. Mắt Trung ngập ngụa nước, nước chi như là nước mắt. Cũng không biết nữa nhưng nghe cay. Nghe chua nghĩa một kiếp người. Chợt thoáng hình ảnh một con trâu bơi ao tắm mát một con trâu đi cày ruộng cạn và anh cười lên cùng cục. Trời chợt dưng tái xanh và bông hoa chuyển sắc. Mồng hai tết, anh tìm mãi mới được nhà Minh ở con hẻm dài và hẹp đến tức ngực trong dãy phố.

- Minh hắn đi qua Lào làm bảo vệ cao su rồi cháu. Tết họ trả lương gấp đôi, mùng mười âm lịch về có việc chi đó. Mạ của Minh nói rứa và Trung về, và con đường xa ngái hơn.

Và ngập ngụa trong anh những bông mai vàng kém sắc.

H.H.L

 

HOÀNG HẢI LÂM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 232 tháng 01/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground