Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Bức tranh Tùng la hán

G

iữa trưa hè nắng nóng nung đốt, hoạ sỹ Đặng Văn Liêm vẫn miệt mài vẽ tranh. Đã bước sang tuổi bốn mươi lăm, nhưng công việc sáng tác nghệ thuật với anh vẫn hừng hực cháy bỏng tình yêu như sức trẻ tuổi hai mươi.

Tâm nguyện của anh là vẽ thành công đề tài tầm gửi ký sinh, thực hiện bằng được di huấn của thầy anh.

Trở lại chuyện hơn ba mươi năm về trước, khi giáo sư hoạ sỹ Trần Lập sắp qua đời, ông trăn trối dặn lại Đặng Văn Liêm:

 “ - Nếu con thành tâm yêu kính thầy, yêu nghệ thuật, con hãy kế tục sự nghiệp của thầy, vẽ tiếp cho đủ ba mươi sáu bức tranh tầm gửi ký sinh. Sở nguyện của thầy nằm cả trong tay con, con hãy cố gắng đừng phụ niềm tin của thầy. Con nên nhớ kỹ chỉ khi nào vẽ đủ ba mươi sáu tác phẩm tầm gửi ký sinh, mới phản ánh được quan điểm khuynh hướng sáng tác của trường phái hội hoạ Thăng Long. Khi nào vẽ xong, con hãy đem kính tặng cho Bảo tàng mỹ thuật. Thầy hy vọng rằng lịch sử mỹ thuật Việt Nam sẽ trân trọng ba mươi sáu tác phẩm Tầm gửi ký sinh. Sau này bắt tay vào sáng tác con sẽ gặp nhiều trở ngại, nhưng con đừng nản chí, con phải coi hành trình đến với nghệ thuật chân chính cũng là một cuộc chiến đấu cam go phức tạp…Cả đời thầy giảng dạy và sáng tác, thầy mới kịp vẽ mười tám tác phẩm Tầm gửi ký sinh và một tác phẩm “ Trúc Lâm huyền tích”. Nói được đến đó, giáo sư hoạ sỹ Trần Lập nhắm nghiền mắt, về cõi hư vô.

Vừa đưa nét cọ cuối cùng hoàn thiện bức tranh Tầm gửi ký sinh trên cây ngọc lan trước văn phòng Sở tư pháp, anh ngả lưng xuống sàn nhà thư giãn. Cảm thấy quá mỏi mệt, bây giờ anh mới nghĩ ra hai ngày nay chưa có chút gì vào dạ dày. Miệng đắng ngắt, không muốn ăn, uống vội một ca nước lọc rồi anh ngủ thiếp đi…

Khoảng tám giờ tối, chuông điện thoại réo vang đã dựng anh dậy, từ đầu dây đằng kia người bạn anh thông báo:

- Liêm ơi thật là tuyệt! Cậu đúng là nhà ngoại cảm. Bụi tầm gửi trên cây ngọc lan bốc cháy, làm cả Sở tư pháp kinh ngạc…

Đúng bụi tầm gửi ký sinh trên cây ngọc lan đó chính là nguyên mẫu trong tác phẩm của anh. Không hiểu sao cứ lần nào vẽ tầm gửi ký sinh anh đều được bạn bè thông báo là tầm gửi tự bốc cháy.

Một tiếng nói rất khẽ như tiếng nói của thầy anh:

- “Hãy nhìn xem cây ngọc lan đang chết, đang cháy dần trong thân cây” 

Anh tĩnh tâm nhìn kỹ, mắt anh hoa lên, anh thấy cây ngọc lan trong tranh đang khô dần và chết dần, còn cây tầm gửi vẫn xanh tươi. Thật lạ, anh nhìn thấy ngọc lan chết mà mọi người không nhận thấy. Thắp năm nén nhang trước vong linh thầy anh khẽ vái lạy:

- Thưa thầy! Con đã nhìn thấy ngọc lan cháy…

Với trạng thái tâm lý hết sức đau buồn, anh lấy chai rượu lúa mới rót ba ly đặt lên bàn thờ và uống vài ly. Anh ngồi khóc thương cho ngọc lan. Tiếng khóc của anh nấc lên nghẹn ngào. Đang chìm vào nỗi bi thương và suối nước mắt, chợt Hoài Thương xuất hiện đem đồ ăn sẵn đến cho anh. Hoài Thương là con gái của bà Hoài Linh – nhà nghiên cứu lý luận mĩ thuật. Hoài Thương vốn làm người mẫu  quảng cáo thời trang ca nhạc từ năm mười sáu tuổi, cô có cảm tình với hoạ sỹ Liêm ngay từ cái nhìn đầu tiên khi cô còn là sinh viên của nhạc viện. Hai người quan hệ trong sáng, nghiêm túc đã được bốn năm nay. Hiện nay cô đang giảng dạy tại nhạc viện. Hoài Thương nhẹ nhàng:>

- Em thấy anh vẽ say sưa quá, hai ngày không ăn gì, em sợ anh làm việc quá sức ốm mất. Thôi anh ăn đi đừng khóc nữa, anh chỉ được cái giàu chí tưởng tượng. Em thấy chẳng ai vẽ tranh mà cây tự cháy bao giờ.

Hoạ sỹ Liêm vụng về như đứa trẻ dại khờ, làm theo chỉ dẫn của Hoài Thương. Đứng trước cô, anh luôn cảm thấy bị động, bối rối ngập ngừng từng chữ, còn Hoài Thương chủ động tự tin, nói cả ngàn trang lưu loát. Nhìn những bức tranh của hoạ sỹ Liêm, Hoài Thương bảo:

- Mẹ em nói tranh của anh bố cục ảo diệu, nghệ thuật tinh tế, giàu tư duy thẩm mỹ…Em không hiểu tại sao anh tập trung cao độ cho việc vẽ tranh tầm gửi ký sinh.

- Vì cha anh là nhà nho, ông cụ cực kỳ ghét tầm gửi nên anh muốn giải phẫu chúng thật kỹ để hiểu rõ vì sao ông cụ có thái độ phản cảm với tầm gửi như thế. Hoạ sỹ Liêm giải thích mơ hồ xa xôi.

- Nhưng hội hoạ và nhà nho có gì liên quan. Hoài Thương căn vặn.

- Hoài thương ơi! Đó còn là tâm sự mà anh chưa chia sẻ được với ai. Hoạ sỹ Liêm nghẹn giọng.

- Em chẳng hiểu gì về hội hoạ, nhưng em luôn ủng hộ tinh thần sáng tạo nghệ thuật của anh.

- Em nói đúng nhưng để khi khác. Cảm ơn thiện chí của Hoài Thương. Hoạ sỹ Liêm trăn trở.

- Không anh phải cho em biết ngay, em là người yêu của anh kia mà. Anh là phần nửa của em… chúng mình là của nhau…anh đừng ngại, cha em vốn cũng là nghệ nhân làng tranh Đông Hồ. Cha em chỉ thích vẽ phong cảnh, sông núi, mây ngàn, hạc nội, tùng bách cổ kính…Hoài Thương quả quyết.

Không thể từ chối được Hoài Thương, Hoạ sỹ liêm bắt đầu khơi nguồn tâm sự bằng một giọng cảm động ly kỳ, tưởng chừng hai người đang lạc vào cổ tích.

Bước sang năm mới hoạ sỹ Liêm đã vẽ được mười bốn bức tranh Tầm gửi ký sinh, kể cả mười tám bức của thầy anh là ba mươi hai bức. Anh vô cùng mãn nguyện với thành quả lao động nghệ thuật của mình, anh dự định trước khi tặng ba mươi sáu bức tranh Tầm gửi ký sinh cho Bảo tàng mỹ thuật, anh sẽ giới thiệu triển lãm vào lễ kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long – Hà Nội.

Vừa đưa những nét cọ tài hoa trên giá vẽ, anh vừa tập trung tư duy hình tượng nghệ thuật thật độc đáo. Gần như có một sức mạnh vô hình đang hướng cái thần cho anh. Nhìn trên tường, phía trước giá vẽ, anh thấy bức tranh Trúc Lâm huyền tích có gió lộng âm ba. Hai câu thơ của một nhà thơ lớn đề tựa cho bức tranh ấy vụt sáng như khối sao băng. Mắt anh mờ đi, định thần nhìn kỹ, anh đọc rõ ràng: “ Ta ra đi từ nền văn minh trên lưu vực sông Hồng / Cả Tổ quốc bay lên theo hình cánh chim lạc”.

Đọc xong hai câu thơ, anh thấy như vừa được tăng thêm nguồn sinh lực. Cánh rừng trúc lay động, giáo sư - hoạ sỹ Trần Lập bước ra nhìn anh nghiêm khắc độ lượng, anh thấy lạnh người. Thầy anh lại đi sâu vào cánh rừng trúc đại ngàn.

Nhất định lần này anh sẽ thể hiện một loại cây có đủ năng lượng để tầm gửi không thể tiêu diệt được. Một loại cây phải có trong hiện thực với những gam màu nóng trên nguyên lý ngũ hành chế hoá. Anh cảm thấy thật đau lòng, mọi người xung quanh chỉ nhìn thấy tầm gửi bốc cháy, mà chính anh là chủ thể sáng tạo nghệ thuật, anh chỉ nhìn thấy tầm gửi xanh tươi vĩnh viễn, còn đối tượng ký sinh của nó chết khô dần. Mà cũng lạ và đầy mâu thuẫn, chỉ khi anh hoàn thiện tác phẩm và anh tới quan sát hiện trường thì hoàn toàn chính xác là tầm gửi bốc cháy. Nhưng đứng trước giá vẽ, anh cảm thấy luôn có một năng lượng siêu hình đang chi phối anh. Hình ảnh thực tế cây nuôi sống tầm gửi luôn khô dần và bốc cháy trước.

Anh thật không giải thích nổi, anh chỉ biết chú tâm vào vẽ - vẽ hết mình để thực hiện di huấn thiêng liêng của thầy.

Một tuần nay vào giai đoạn cuối hoàn thiện tác phẩm, mỗi ngày anh chỉ dành đủ thời gian để ăn được một bữa, còn lại là uống nước lọc, lúc nào thấy quá mệt mỏi anh tự tăng lực bằng một ly rượu lúa mới 450 . Mồ hôi đầm đài trên khuôn mặt sóng gió từng trải, hai chân tê cứng, các thớ thịt căng dãn ra. Anh nghiêng người đưa nét cọ phối màu thật chính xác. Trung tâm bức tranh là cây hoa gạo đỏ uy nghiêm chiếm hết không gian bức tranh với những mảng màu nổi nhìn cận cảnh, những gam màu nóng quyết liệt. Phòng vẽ lúc này im phăng phắc, nghe rõ từng nhịp thở của anh trên mỗi nét vẽ. Đôi mắt như bị thôi miên vào bức tranh. Anh nhủ thầm:

- Lần này đừng hòng cây gạo chết được nữa. Anh làm việc cả ngày cả đêm với một nghị lực can trường. Về đêm anh thường uống rượu nhiều hơn ban ngày.

Tác phẩm hoàn thiện, anh hồi hộp ngồi ngắm hằng tiếng đồng hồ. Chợt chuông điện thoại đổ từng hồi khẩn thiết, tiếng người bạn thân thuộc vang lên:

- Liêm ơi! ông đúng là nhà ngoại cảm. Bụi tầm gửi trên cây gạo trong khuôn viên Ngân hàng bốc cháy rừng rực. Ông giỏi thật đấy. Đừng buồn nữa nhé, cây gạo vẫn sừng sững thắp lửa giữa trời.

Nhận được thông báo, anh càng buồn hơn, vì anh đang nhìn thấy cây gạo chết dần từng tế bào sau lớp biểu bì sù bì đầy gai kia.

Cảm giác lâng lâng của bữa rượu đêm qua vẫn còn bám riết lấy anh. Cảm ơn người bạn xong, anh nhìn chăm chú vào bức tranh tầm gửi kí sinh trên cây gạo trong Ngân hàng Thương mại. Bức tranh chuyển động, nhiệt lượng hắt ra như sắp bốc cháy, nhìn lâu chóng mặt. Anh lấy chai rượu lúa mới rót đầy ba ly để lên bàn thờ, rồi thắp lên năm nén nhang vái trước vong linh người thầy cung kính.

Chợt bức tranh rung chuyển, anh hướng tầm nhìn quan sát, cây gạo rực rỡ hoa đỏ như đổ lửa, bụi tầm gửi xanh tốt cưỡi đầu cưỡi cổ. Nhìn bề ngoài, cây gạo hoa đỏ có thể đốt cháy tầm gửi dưới sự phân bố các gam màu nhưng thực tế đời sống tự nhiên sinh học tầm gửi đang giết chết dần cây gạo hoa đỏ.

Uống hết chai lúa mới thứ nhất, anh thấy rượu hôm nay ngọt lạ, lấy thêm chai thứ hai uống cho thoả chí. Đồ nhắm là mấy trái cam chua, dăm quả mướp đắng, vài con cá mực nướng, đĩa tương ớt. Uống cạn vài ly rượu của chai thứ hai, anh thấy tầm gửi và cây hoa gạo sắp nổi loạn, muốn đốt cháy bức tranh của anh. Lúc này bức tranh chuyển động mạnh mẽ hơn khi anh chưa uống sang chai thứ hai. Lấy trái cam xanh, anh ném mạnh vào bức tranh và quát:

- Này hoa gạo hãy nhận lấy trái cam, uống dòng nước mát cho hạ hoả kẻo cháy mất bức tranh của ta.

Không được như ý mà tác dụng ngược lại. Như ngòi kích nổ, cây gạo bắt đầu phát ra tia lửa từ những bông hoa. Sợ bức tranh bốc cháy, anh rót luôn chai rượu còn thừa để dập tắt ngọn lửa sầu hận của tầm gửi và cây hoa gạo. Ngọn lửa tắt ngấm, anh lảo đảo, đầu nặng chĩu…, anh chìm vào giấc ngủ mê mệt.

Hoạ sĩ Liêm say mềm nhũn, nằm nghiêng người, chân co, chân duỗi, tay ôm chặt lấy đầu, miệng mê sảng gào thét.

Đường phố bắt đầu lên đèn.

Hoài Thương có mặt đúng lúc, chỉ cần vài thao tác xoa bóp, trị huyệt đã chấm dứt được cơn mê sảng của anh. Hoài Thương buông màn cẩn thận. Giờ này anh đã nằm với tư thế ngay nhắn, hơi thở đều đều của giấc ngủ sâu.

Đêm đó Hoài thương chong đèn đọc sách.

Khoảng năm giờ sáng anh thức dậy, thấy khát nước cháy họng, nhìn khắp phòng, đôi mắt dừng lại rất lâu trên thân hình Hoài Thương. Qua lần áo lụa mỏng trắng, anh nhận thấy từng đường cong nét lượn, những vùng phẳng, nét sáng, nét khuất. Làn tóc bồng bềnh tự nhiên tuôn chảy như dòng suối. Nét tĩnh, nét động vừa thực vừa ảo, những cấu tạo đối xứng hoàn mỹ được tập hợp sống động trên cơ thể Hoài Thương. Anh không tin vào mắt mình, anh thấy đang thăng hoa, bay bổng trong một giấc mơ siêu thoát.

Anh rùng mình hối hận. Già nửa đời người tiếp cận với hội hoạ, anh chưa từng ưng ý với bức vẽ khoả thân nào, nhưng cơ thể kia chính là khuôn mẫu tuyệt đối cho anh thể hiện ngôn ngữ hội hoạ với lý tưởng khát khao về cái đẹp của nghệ thuật vươn tới tự do…

Hoài Thương lấy cho anh ca nước lọc, uống cạn anh thấy sáng suốt tỉnh táo hẳn, anh đã hình dung ra tất cả. Anh quan sát kĩ Hoài Thương, mắt Hoài Thương nhìn xoáy vào anh, long lanh như sương đêm và rực cháy như tia lửa điện.

Hoạ sĩ Liêm choáng váng.

- Anh… anh… anh…! Xin lỗi, anh thành thật cảm ơn em. Hoạ sĩ Liêm nghẹn quặn âm thanh đứt quãng. Hoài Thương khẽ giơ một ngón tay lên miệng anh.

- Em hiểu anh. Em xin anh đừng nói gì lúc này. Em sợ chúng mình sẽ yếu đuối…

- Hoài Thương quả quyết xin phép ra về. Anh ngỡ ngàng trước cử chỉ quan tâm âu yếm và thái độ mực thước mô phạm của Hoài Thương. Tính yêu trong anh đã có thêm sự khâm phục quý nhân cách của Hoài Thương, tình cảm nồng nàn được tăng lên theo cơ số luỹ thừa, anh cảm nhận thấy sự có mặt của anh trên cuộc đời này thật có ý nghĩa và đáng sống. Chính giờ phút này anh mới nhận thấy hết độ sâu của những sóng gió cuộc đời, đó là sự giao tranh quyết liệt của con người với chính bản thân con người.

Năm năm qua anh đã sống gắn bó với Hoài Thương lặng lẽ âm thầm mà mãnh liệt rực cháy.

Hoài Thương trở lại thông báo cho anh biết những bài tiểu luận phê bình của mẹ đăng trên tạp chí chuyên ngành về mỹ thuật hiện đại và tặng anh  liền mấy số.

Đọc những lý luận mới mẻ, anh thấy mênh mông trước những đề tài phản ánh, mặc dù chỉ xoay quanh những chủ đề tầm gửi. Anh bảo với Hoài Thương anh đang bí về “tứ” hơn nữa anh rất buồn vì chẳng giúp gì cho loài cây vẫn luôn bị tầm gửi giết chết.

- Anh đừng buồn, đến danh hoạ Picasso thành đạt như vậy mà cả ba người vợ đều chết oan nghiệt tức tưởi, một bà điên trước khi chết, hai bà tự tử…Mỗi lần anh vẽ, anh nhìn thấy một cây chết là chuyện bình thường. Hoài Thương động viên.

Sau khi đọc được những điều đồng cảm, những quan điểm nhất quán trong mỹ thuật, cách nhìn mới của bà Hoài Linh, anh khâm phục trước tầm nhìn uyên bác của bà. Anh vẽ một bức hoạ thư pháp trên lụa truyền thống kính tặng bà dòng chữ thánh thiện. “Mẹ là ngôi sao xanh trên đỉnh núi/ Thao thức đêm trường soi bước con đi.”

Hoạ sỹ Liêm tiếp tục trăn trở trước hình tượng nghệ thuật mới. Anh đi thực tế tìm hiểu nhưng vẫn chưa tìm được nguyên mẫu có tính đặc thù. Anh trao đổi với Hoài Thương. Cô đề nghị anh vẽ tầm gửi trên cây long não ở nhạc viện. Đây là loại tầm gửi hoàn toàn khác với những tầm gửi anh đã vẽ trước đây. Anh đồng ý. Hoài Thương thích thú reo lên:

- Em sẽ theo dõi, kiểm chứng xem bụi cây tầm gửi sẽ chết như thế nào? Đứng trước khuôn viên nhạc viện, anh quan sát cây long não xanh tươi, rất nhiều người đứng dưới bóng mát của nó. Phải nhìn thật tinh mới thấy bụi tầm gửi ký sinh trên ngọn cây long não. Như bị hút mất hồn, hình ảnh đó hấp dẫn anh đến lạ lùng. Trong óc anh vừa nảy ra một tứ mới. Anh đi lại nhiều góc độ khác nhau để nắm bắt lấy cái thần. Anh muốn tiếp cận với phương pháp mới để bố cục bức tranh tầm gửi ký sinh trên cây long não cho thật chuẩn cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Cả tầm gửi và cây long não đều xanh chỉ khác là tầm gửi có hình ngôi sao, trên mặt lá có chấm màu trắng, mặt dưới khô ráp, sần sẹo nấm mốc. Ý tưởng được hình thành, anh quyết định sáng tác với quyết tâm khác hẳn những lần trước, vì lần này có sự chứng kiến của Hoài Thương, về năng lực huyền bí của cây cọ trong tay anh.

Hai tuần làm việc hết sức căng thẳng, anh vẽ toàn tâm toàn ý thật mãn nguyện. anh đã giải phẫu được đặc tính của tầm gửi ký sinh trên cây long não. Anh gọi điện cho Hoài Thương trước khi anh đưa nét cọ cuối cùng hoàn thiện tác phẩm.

Đúng 12 giờ trưa, không một bóng người trong sân nhạc viện, từ tầng 5 Hoài Thương nhìn rõ bụi tầm gửi có đường kính gần ba mét vuông, khô dần, khô giòn dưới ánh nắng mặt trời, không có một tác nhân nào tham dự. Bất thần ngọn lửa bốc cháy, những tàn tro hình sao của lá tầm gửi nát vụn, rụng đầy xuống dưới gốc cây long não. Bụi tầm gửi cháy rất nhanh chỉ làm xém vàng tán lá long não.

Lần này hoạ sỹ Liêm không uống rượu, anh hoàn toàn tỉnh táo, nhưng anh vẫn thấy cây long não chết dần từng tế bào, khô dần, mắt anh mờ đi, giấc ngủ lại ập đến sau hai tuần tập trung trí lực cao độ.

Thật sửng sốt và bất ngờ Hoài Thương cũng trở lên dao động hoài nghi về hoạ sỹ Liêm, Hoài Thương cứ trăn trở. Tại sao tầm gửi lại bốc cháy. Cô đặt vấn đề với những nhà khoa học có uy tín, họ đều trả lời:

Hiện tượng đó là ngẫu nhiên trùng hợp với thời gian hoạ sỹ Liêm vẽ mà thôi. Họ lý luận rằng do tính bên trong của của sự vật quy định. Phải tìm hiểu tính chất bên trong cụ thể giữa long não và tầm gửi, tìm hiểu về bức xạ nhiệt của ánh nắng mặt trời…vv.

Hoài thương hỏi mẹ, mẹ nhìn cô rất lâu.

- Con gái của mẹ yêu mãnh liệt quá. Hoài Thương con thật là hạnh phúc đấy. Cả đời mẹ chưa từng nhìn thấy tầm gửi bốc cháy bao giờ. Theo mẹ, chỉ có những người thực sự yêu và coi là thần tượng tôn kính, yêu đến cuồng nhiệt vĩnh hằng người nghệ sỹ sáng tạo nghệ thuật mới nhìn thấy tầm gửi cháy.

- Nghĩa là mẹ nghi ngờ con? Mẹ nghi ngờ về khả năng ngoại cảm của anh ấy? Hoài Thương cố gắng bảo vệ bằng những câu phủ định.

- Thôi nhé, mẹ kết luận bằng thuật ngữ chuyên môn cho con hiểu. Dưới ánh sáng của cái đẹp, mọi vật đều bộc lộ rõ bản chất của nó và tự đào thải nếu không dung hoà được với cái đẹp. Thực tế trong tự nhiên tầm gửi không chết mà chính đối tượng tầm gửi ký sinh mới chết. Tầm gửi bốc cháy trong mỹ thuật là biểu hiện của hành trình khao khát kiếm tìm cái đẹp trong nghệ thuật.

Như chợt ngộ ra vấn đề, Hoài Thương xúc động:

- Mẹ, con cảm ơn mẹ thật nhiều. Mẹ đã chỉ ra những điều hạn hẹp trong con.

Hoài Thương vui vẻ, nhẹ nhàng như cánh diều bay. Phần hoạ sỹ Liêm sau thành công tác phẩm tầm gửi ký sinh trên cây long não, được sự khích lệ của Hoài Thương, anh tiếp tục tìm tòi sáng tạo một chủ đề mới. Hoài Thương phân vân:

- Anh có thể nói kỹ thêm một chút về tác phẩm mới có được không?

Hoạ sỹ Liêm hào phóng hoá thân vào bài thuyết minh cho cấu tứ mới còn phôi thai trong óc.

- Hoài Thương ơi! Anh sẽ sáng tác một tác phẩm có tính chất nguồn cội, nghiêng về cấu trúc phức hợp đa tiêu chuẩn, phản ánh được nhiều phạm vi đề tài, nhiều ý nghĩa, nhiều giá trị.

Tác phẩm đó anh sẽ thể hiện trên nền xám một loại cây gai góc vặn vẹo thô ráp, đanh chắc. Hốc lõm của cây được cách điệu giống khuôn mặt nham nhở không ra khỉ, không ra người. Hai cánh cụt sẽ gập về hai phía như chim ưng gãy cánh. Bộ rễ nổi sù xì mốc thếch giống đàn cá sấu quây lấy gốc cây, sát gốc là những hố lõm, tối đen âm u, như huyệt mộ thần thoại, toàn thân cây có xu thế đổ nghiêng, ngọn cây ngóc lên oằn oại cong queo, kết hợp hai loại cây khế và thị giao cành. Những bông hoa khế xoè cánh bung nở, trái thị chín vàng mờ khuất sau kẽ lá như mặt trăng bị mây che phủ treo vào cành lúc lắc. Ngự trị trên vòm xanh lá, là loại tầm gửi nhiệt đới có bộ rễ dài như những ống vòi lan toả đi khắp thân cây, bám chặt ăn sâu hút nước. Lá tầm gửi hình tam giác, cạnh lá hình răng cưa có gai sắc nhọn, mặt lá màu chàm. Thân cây tầm gửi mốc loang trắng xanh màu đồng phân huỷ. Hoài Thương cũng chìm vào dòng cảm xúc của anh vừa gần gũi mà mới lạ.

Tác phẩm thứ mười bảy này anh vẽ ròng rã ba tháng, anh đặt tên cho tác phẩm là: Tầm gửi – ca dao.

Thời gian sau đó bạn bè, đồng nghiệp tự nhiên đến thăm anh thật đông vui. Gặp anh họ đều hoan hỷ.

- Xin chúc mừng nhà ngoại cảm…, xin chào hoạ sĩ thiên tài. Rất hân hạnh được làm quen với hiện tượng của nền mỹ thuật nước nhà…

Anh càng ngạc nhiên hơn chẳng hiểu ra làm sao. Cuối cùng anh mới rõ lý do. Hai người bạn của anh đã tiếp lộ cho báo chí rằng anh có khả năng kì diệu về ngoại cảm.

Các bạn anh phần vì quý mến, phần vì tò mò đến để nghe anh giải thích cũng có. Anh thành thật:

- Tôi chỉ biết vẽ như bao hoạ sĩ khác, còn việc tầm gửi tự bốc cháy tôi cũng không biết phải giải thích với các bạn như thế nào cho phải.

Mọi người nghe anh diễn thuyết đều thất vọng ra về, cũng có vài người tỏ vẻ nghi ngờ về sự vô tư của anh. Ngay sau đó một số tờ báo đăng tải tin bài: Hoạ sỹ Đặng Văn Liêm là nhà ngọai cảm, kiêm hoạ sỹ đầy tài năng. Có tờ báo khen, có tờ báo chê.

Trong nhà anh từ sáng đến chín, mười giờ đêm lúc nào cũng có nườm nượp những khách, quen có, lạ có. Những vị khách gồm nhà báo, nhà khoa học, đặc biệt một số người tự giới thiệu là nhà ngoại cảm, nhà nghiên cứu tâm linh…cuối cùng là các doanh nhân đến đặt vấn đề mua toàn bộ số tranh Tầm gửi ký sinh của anh và của thầy anh với mức giá cao lạ thường. Song họ chỉ nhận được tiếng không quyết đoán, lạnh lùng. Chính vì thái độ khó hiểu của anh làm cho giới kinh doanh cùng phóng đại, thêu dệt sự huyền bí về tranh tầm gửi của anh.

Trước khi báo chí bỏ qua là một bài phê bình mang tính tổng kết vấn đề đăng trên tạp chí chuyên ngành - gọi anh là nhà ảo thuật nửa mùa bịp bợm. Sau những tháng ngày làm việc hết sức căng thẳng và sự đánh giá có phần phiến diện của công luận, anh đau khổ, mệt mỏi. Anh muốn có một giấc ngủ sâu, anh tìm đến chai lúa mới uống cạn một hơi. Nửa ngồi, nửa nằm, và ngắm bức tranh tầm gửi ca dao. Anh thấy tầm gửi chỉ còn xanh tươi trong quá khứ, trong ca dao thần thoại…

Ít phút sau anh chập chờn ngủ, cảm giác đó bao vây anh rất lâu, ngủ không ra ngủ, mà tỉnh dậy cũng không dậy được. Nghe có tiếng động anh mở to mắt nhìn kỹ…một người lạ mặt xuất hiện. Hắn đeo kính đen, khoác áo vétton đường bệ nhìn anh chòng chọc. Anh nhìn hắn xa lạ:

Chào ông, ông là nhà khoa học? hắn im lặng.

Vậy ông là nhà buôn? hắn cười gằn.

Ông là đại diện của UNESCO?

Không trả lời, hắn rút phắt khẩu súng k59 hướng vào đầu anh, đôi mắt ánh lên những tia hung quang, ác thú, hắn rít lên qua kẽ răng, trơ trẽn áp đặt.

- Anh đã phạm tội tố cáo và xúc phạm tầm gửi. Nhân danh người đại diện của tầm gửi tôi thi hành án tử hình anh…

- Đồ mạt hạng hèn nhát. Anh hét lên giận dữ. Hắn nhằm thẳng đầu anh bóp cò súng. Anh vội giơ cuốn kinh kim cương lên che đầu. Một tiếng nổ vang, anh văng người lên cao rồi rơi xuống sàn nhà bất tỉnh, hai tay ôm chặt lấy đầu, người vặn cong queo như dấu hỏi.

Bảy giờ tối anh tỉnh dậy thấy Hoài Thương dùng khăn bông thấm nước nóng rửa mặt cho anh. Anh nhận ra mình vừa trải qua một cơn ác mộng kinh hoàng. Trong cơn xúc động tột cùng anh nắm lấy bàn tay Hoài Thương.

Anh yêu em…! Hoài Thương chớp mắt gật đầu. Anh ôm chặt lấy Hoài Thương gắn một nụ hôn dịu ngọt và anh ngập ngừng run rẩy…chúng mình sẽ làm một đám cưới giản dị và sống những ngày tháng thật dễ thương em nhé!

- Thôi đi anh. Em yêu anh! Đàn ông các anh chỉ giỏi triết lý về trái tim, nhưng phụ nữ chúng em hiểu thấu trái tim.

Anh nhìn Hoài Thương trìu mến.

- Hoài Thương hãy cho phép anh được vẽ chân dung khoả thân của em, em là người mẫu lý tưởng nhất mà anh muốn vẽ.

Bị hai cú sốc từ phía dư luận, xã hội và những cơn ác mộng kinh hoàng về một thế lực vô hình đe doạ ám hại, anh thấy chán chường không muốn sáng tác nữa. Sau thành công tác phẩm Tầm gửi ca dao, anh quyết định chuyển khuynh hướng sáng tác, coi đây là tác phẩm đánh dấu một giai đoạn trong nghiệp hội hoạ của anh. Anh nhận ra mình không còn đủ năng lực và hứng thú để vẽ đề tài Tầm gửi ký sinh nữa. Bỗng có tiếng nói vọng ra từ bức tranh Trúc Lâm huyền tích: “Con hãy tĩnh tâm. Cuộc đời phải dày vò, vượt chướng chuyển nghiệp, cái tâm mới được sáng, sau này khi đã tác nghiệp lương duyên, âm dương cân bằng, con hãy vẽ tiếp Tầm gửi ký sinh. Đừng nản chí con nhé. Hãy cố lên”.

Anh giật mình bừng tỉnh. Thắp cho thầy 5 nén hương, trước vong linh thầy, anh tạ lỗi kính thầy nguyên lượng tha thứ. Anh thầm hứa sẽ thực hiện bằng được ý chí di huấn thiêng liêng của thầy.

Số tranh tầm gửi kí sinh anh vẽ được mười bảy bức, kể cả mười tám bức tranh của thầy anh, tổng là 35 tác phẩm.

Đối tượng sáng tác và cảm hứng nghệ thuật lúc này anh hướng hết vào Hoài Thương, chợt nhớ ra sắp đến sinh nhật cô, anh biết Hoài Thương vốn yêu văn học và ham đọc sách…cảm hứng nghệ thuật trong anh bừng lên sáng rõ. Anh muốn vẽ tặng một bức tranh chuyển tải được hết nguyện vọng tâm huyết của anh. Một âm thanh tuôn chảy trong ý thức anh – Hoài Thương, anh sẽ tặng em kiệt tác của đời anh.

Anh đặt tên cho tác phẩm là Tùng la hán, được trình bày trên chất liệu lụa tơ tằm. Bố cục ở trung tâm bức tranh là cây tùng la hán được nhìn cận cảnh chiếm một không gian lớn của bức tranh. Dưới gốc cây tùng la hán cổ thụ hơn hai nghìn năm tuổi được sắp xếp hai viên kim cương khắc chữ phạn cặp phạm trù: “sắc – không” nằm bên cạnh nhau. Nhìn sâu vào bức tranh là non thiêng Yên Tử với cánh rừng tùng la hán đại ngàn 700 tuổi có tỉ lệ nhỏ. Theo độ nghiêng của sườn non dưới những gốc tùng la hán, anh miêu tả đúng một trăm lẻ tám tác phẩm văn học ưu tú nhất của nhân loại, có thể đọc tên từng tác phẩm như vàng như ngọc dát trên sườn non thiêng. Không gian sáng chói là hình ảnh mặt trời hồng từ Phương đông đang vận động, dưới chân danh sơn là dòng suối Giải Oan chảy từ đông sang tây, xoắn lượn gấp khúc như hình con rồng đang vươn mình bơi ra biển. Trong tác phẩm này, anh đã hội đủ cảnh sông núi, mây ngàn hạc nội cả tổ đình thiền phái Trúc Lâm uy nghi huyền ảo…

Hoạ sĩ Liêm ngất lịm bên giá vẽ.

Vài ngày sau có đoàn khách nước ngoài đến gặp anh, các vị khách đề nghị được xem bức tranh Tùng la hán và mua số tranh Tầm gửi ký sinh. Cũng giống những đoàn khách trước đây, anh đều kiên quyết từ chối mặc dù họ trả giá rất cao. Các vị khách nước ngoài kèo cừ mà theo họ gọi là đàm phán dai như đỉa – như khủng bố tinh thần khiến anh phát bực.

– Tôi sáng tác tranh này nhằm mục đích giảng dạy ở trường mỹ thuật…

Nhìn vào mấy ông khách người Việt anh bảo.

– Tôi vẽ tranh phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân, mong các ông hiểu cho. Một vị khách tự giới thiệu.

– Tôi là giáo sư Wiliam VickeR. Tôi muốn mua bức tranh Tùng la hán với điều kiện nếu ông vẽ tầm gửi ký sinh lên ngọn cây tùng la hán, tôi sẽ trả ông 25 ngàn đô la. Hoạ sĩ Liêm giải thích.

- Xin lỗi ông không thể được. Điều đó hoàn toàn trái với đạo lý. Tùng la hán anh minh chính đại, tinh khiết vững mạnh như kim cương không có loại tầm gửi nào có thể ký sinh làm thoái hoá được tùng la hán, tùng la hán có đủ kháng sinh để tiêu diệt tầm gửi. Ông là giáo sư chắc ông hiểu hơn ai hết. Ông đừng ảo tưởng. Tôi cũng xin thành thật cảm ơn thiện chí của các ông đánh giá về nghệ thuật tranh của chúng tôi.

- Ổ, ông lại nhầm giữa nghệ thuật và hiện thực rồi thưa ông Liêm. Giáo sưWiliam vicker cố vớt vát tình thế. Giáo sư Wiliam vicker cùng một số đồng sự lại đến sau hàng chục lần đàm phán, nâng giá tác phẩm Tùng la hán nên tới năm mươi ngàn đô la mỹ, chỉ với một điều kiện như trước. Hoạ sĩ Liêm từ chối hết sức tế nhị. Giáo sư Wiliam vicker phân tích và thuyết phục bằng mọi lý lẽ. Hoạ sĩ Liêm kiên quyết:

- Tiền và vàng của các ông không thể mua mọi giá trị.

Giáo sư Wiliam vicker nói với đồng sự:

- Tôi đã nghiên cứu người Việt Nam hơn ba mươi năm qua, mà bây giờ tôi cũng không thể hiểu nổi người Việt Nam. Ông ta bắt tay hoạ sĩ Liêm và cười nửa miệng. Tôi có đủ phương pháp…, tôi hy vọng anh sẽ thay đổi quyết định.

- Ông Wiliam vicker, ông lầm rồi đó. Có lẽ ông giàu trí tưởng tượng thái quá. Xin lỗi các ông, đừng bao giờ làm phiền tôi nữa. Hãy để cho tôi được yên.

Hoạ sĩ Liêm cười độ lượng và tặng mỗi vị khách một trái cam còn xanh vỏ.

Buổi sum họp gia đình, Hoài Thương được hoạ sĩ Liêm tặng bức tranh Tùng la hán, cô hết sức cảm động nhưng không rõ hàm ý. Bà Hoài Linh cắt nghĩa:

- Con gái yêu của mẹ, đó là hồn văn hoá Việt Nam đang thấm đẫm vào dòng chảy lịch sử.

Hoạ sĩ Liêm trao đổi với bà về việc mua bán tranh với người nước ngoài. Bà Hoài Linh phản đối quyết liệt:

- Tiền, vàng, đô la không thể đánh đổi cội nguồn văn hoá dân tộc. Vẽ tầm gửi ký sinh lên cây tùng la hán là trái với đạo lý dân tộc. Các con nhớ đừng bao giờ đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc mình dưới bất kỳ hình thức nào…

Hoạ sĩ Liêm nhẹ nhàng thành kính:

- Thưa mẹ con không bao giờ vẽ tầm gửi ký sinh lên tùng la hán và không bao giờ con bán bức tranh này với bất kỳ giá trị gì.     

N.V.S

 

Nguyễn Văn Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 200 tháng 05/2011

Mới nhất

Tự do xanh quá, mênh mông quá

3 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground