Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cái kết bất ngờ

Cô vợ tên Tuyết, giáo viên mầm non. Anh chồng là nhân viên một cơ quan nhà nước. Họ sống rất hạnh phúc ở thị trấn và đã có với nhau một con trai. Ngôi nhà của họ tuy còn đơn sơ nhưng lúc nào cũng đầy ắp niềm vui. Cả hai đều mới bước qua tuổi 30, tình cảm thắm thiết. Anh chồng đôi khi cũng đi nhậu vui vẻ với bạn bè nhưng vẫn chăm lo vợ con chu đáo, vì thế cô vợ cũng không buồn những lúc anh về hơi muộn. Giữa họ không hề xẩy ra xô xát như nhiều cặp vợ chồng trẻ hay ghen tuông, nghi kỵ lẫn nhau hoặc do túng quẫn sinh ra. Cuộc sống êm đẹp cứ trôi qua khi đứa con trai ngày mỗi lớn, ngoan ngoãn…

Chiều hôm ấy đã muộn mà chưa thấy chồng về. Chưa bao giờ anh về muộn như vậy. Đã thế lại không gọi điện. Cô vợ ở nhà thấp thỏm ra vào. Có lẽ anh ấy mải vui quá nên về chậm so với những lần trước, nghĩ thế, cô không gọi điện vì sợ làm mất cuộc vui của chồng. Cô dắt con ra ngõ ngóng chồng, tự nhiên thấy lo lo. Có điện thoại một người cùng cơ quan gọi đến báo tin dữ: chồng cô trên đường về nhà bị tai nạn giao thông, hiện đang ở bệnh viện. Tin sét đánh làm cô choáng váng. Cô chỉ kịp đem thằng con gửi nhà hàng xóm rồi gọi tắc-xi đến bệnh viện cho kịp. Chồng hôn mê, đến nửa đêm thì trút hơi thở cuối cùng.

Trước khi đóng nắp quan tài, cô vợ lấy chiếc điện thoại của chồng, tắt chế độ chuông và nhờ người ta bỏ phía dưới chân anh. Đám tang đau xót, đẫm nước mắt người thân, cơ quan hai bên, bạn bè, bà con khóm phố. Nhìn đứa con trai hơn bốn tuổi, đầu quấn tang bố trắng toát, ai cũng ngậm ngùi nức nở. Góa phụ trẻ khóc khản giọng, phải có người dìu hai bên. Tiếng trống chiêng cũng quằn quại, lâm ly như nỗi lòng người tiễn biệt.

Hôm mở cửa mả về, cô ôm con nằm khóc sướt mướt. Tất cả đã chấm hết. Vĩnh viễn mất anh, cô chẳng còn thiết gì nữa. Đêm khuya, một mình cô đến trước bàn thờ nhìn di ảnh, khóc gọi tên anh. Đau lắm! Theo thói quen, cô lấy điện thoại gọi vào máy của chồng. Phía bên kia máy vẫn đổ đều đặn. Hoảng quá, cô tắt máy, lòng buốt nhói và tự nghĩ: Anh đang yên giấc, không được quấy rầy, tội lắm! Cô chạy vào giường vật vã. Thằng con ngủ say. Nhìn đứa con giống bố, cô càng giằng xé tâm can. Chao ôi, trong cuộc đời có những nỗi bất hạnh thình lình giáng xuống, nhưng nỗi đau mất chồng của người vợ trẻ là nỗi đau tê tái nhất, giày vò dữ dội nhất. Vừa có đó, bằng xương bằng thịt, bỗng nhiên trong khoảnh khắc mãi mãi trở thành không. Cuộc đời thật tàn nhẫn, trớ trêu, cay nghiệt. Vợ chồng như đũa có đôi, gãy một chiếc rồi, khổ lắm.

Sau tuần cúng bốn chín ngày của chồng, Tuyết mới lấy những bức thư của anh gửi khi đang yêu ra xem. Tất cả đã là quá khứ. Lời trong thư mộc mạc đúng như cách sống của anh, một người chồng tuyệt vời. Nhớ anh quá, cô lại lấy điện thoại gọi vào máy anh. Nhưng có tiếng nói của tổng đài: “Số máy này không có thực…”. Mấy hôm sau, cô vẫn gọi anh, nhưng vẫn tiếng trả lời như thế. Ai hiểu thấu nỗi niềm thiếu phụ nhớ chồng? Mới đó mà âm dương cách trở đôi đường. Kỷ niệm tình yêu với chồng cứ hiện về rành rọt, đắm đuối, không thể phai nhạt được. Cô ôm ghì chiếc gối vào lòng. Cô tự an ủi rằng lúc nào cũng có anh từ cõi vô hình đang dõi theo mỗi bước chân của vợ, đang ở cạnh bên. Chỉ như vậy thôi, lòng cô thấy ấm áp. Hàng ngày đến lớp vui với đàn con trẻ, khi về đến nhà, lòng người vợ nặng trĩu. Đứa con là nguồn an ủi duy nhất. Cô nguyện với lòng sẽ ở vậy nuôi con khôn lớn, không bao giờ đi thêm bước nữa. Tình yêu thương chồng, cô dành hết vào đứa con bé bỏng. Công việc hàng ngày ở lớp bận bịu, mệt mỏi. Vắng chồng, việc nhà cái gì cũng đến tay. Cô vẫn lặng lẽ vượt lên và vững vàng sống khi trong nhà thiếu vắng chồng.

Hơn hai năm sau ngày chồng mất. Đêm. Đang ngủ, Tuyết giật mình nghe tiếng chuông điện thoại di động. Ai gọi điện vào giờ này? Cô chưa kịp bấm nghe thì đầu kia đã tắt. Cô nhìn màn hình điện thoại, không tin vào mắt mình. Nhưng rõ ràng số điện thoại di động của anh. Cô run bắn người. Sao anh ấy gọi được? Kỳ lạ quá? Cô bấm lại số điện thoại ấy. Bên kia máy đổ chuông. Cô vội tắt máy, người thần ra, chiếc điện thoại tuột khỏi tay. Từ đó đến sáng cô không chợp mắt được, lại khóc. Từ hôm ấy, cô không gọi vào số máy của chồng nữa.

Có những ánh mắt đàn ông để ý, muốn gần gũi nhưng cô không hề quan tâm. Nếu xao lòng, sẽ có tội với anh ấy, cô thầm nhủ với mình như thế. Nhiều cô gái trẻ chết chồng, mồ chưa xanh cỏ đã sà vào vòng tay người đàn ông khác, để lại những tiếng xì xào, chê trách. Ai mặc kệ, còn cô không chòng chành trong tình cảm với anh. Gái một con chết chồng, ở vậy nuôi con thì đã sao? Đi bước nữa, biết có ai được như chồng cũ không, thêm khổ? Trong lòng cô, bao suy nghĩ giằng xé.

Lại một đêm đã khuya. Bỗng nhiên điện thoại đổ chuông. Số máy của chồng. Cô bấm máy để nghe chứ không lên tiếng. Giọng đàn ông từ phía bên kia nói trong nước mắt:

- Em có lạnh không? Con thế nào?

- Anh…ơi! - Nói xong, cô khóc.

Tiếng nói của người gọi mất hẳn, chỉ còn tiếng tút… tút. Nhưng tiếng anh ấy sao hơi khác? Định thần một lúc, cô gọi lại nhưng có tiếng nói từ tổng đài: “Số máy quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được, xin quý khách vui lòng gọi lại sau”. Chả lẽ linh hồn anh gọi về cho vợ? Có thể vậy không? Cô đến bàn thờ thắp hương cầu nguyện cho anh yên nghỉ thanh thản, phù hộ vợ con mạnh khỏe, bình yên. Nhìn di ảnh chồng tươi rói như mỉm cười, cô lấy tay xoa lên gương mặt của anh, nước mắt ngắn dài.

* * *

Dịp nghỉ hè, trường mầm non của Tuyết tổ chức đi tham quan một số danh thắng ở phía Nam. Tuyết đưa con trai đi theo. Hôm ấy cả đoàn ở lại một nhà nghỉ ở Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Phòng nghỉ có bốn cô. Chị em ngồi chuyện trò ríu rít sau một ngày thưởng ngoạn cảnh vật. Điện thoại của Tuyết đổ chuông. Nhìn vào điện thoại thấy số của chồng hiện lên. Tuyết bấm nghe. Đằng kia là tiếng đàn ông. Cô ngạc nhiên. Tiếng người đàn ông:

- Anh nhớ em lắm!

Tuyết thấy giọng nói Nam bộ nên đánh liều hỏi:

- Sao không phải giọng anh?

Đằng kia hoảng quá tắt máy. Tuyết cứ phân vân mãi. Một lúc sau, điện thoại lại đổ chuông. Vẫn số của chồng hiện lên. Sao vậy nhỉ? Lần này cô thử liều trả lời điện thoại:

- Có đúng là anh không? Anh có linh thiêng thì che chở cho mẹ con em. Em nhớ lắm…

Có lẽ nghe giọng nói miền Bắc nên người đàn ông ngạc nhiên, đánh bạo hỏi:

- Sao em nói tiếng Bắc?

- Sao thế anh? Anh quên tiếng em rồi à?

Tuyết khóc. Hình như người đàn ông thấy chuyện lạ nên hỏi dồn dập:

- Có phải em đó không Hương? Đúng không? Em trả lời đi…

Tuyết bình tĩnh lại và nói rành rọt:

- Em không phải là Hương. Tại sao anh có số điện thoại này?

Hình như người đàn ông đã hiểu ra điều gì đó nên trả lời ngay:

- Số điện thoại này anh mua trên mạng. Em là ai? Ở đâu?…

Tuyết không giấu, cô trả lời người ấy:

- Em ở ngoài Bắc, đang đi tham quan ở Bình Phước.

Thế là qua điện thoại, người đàn ông kia biết được nơi Tuyết đang nghỉ lại. Sớm hôm sau, đoàn tham quan chuẩn bị ăn sáng thì có một trung niên đi xe máy đèo theo một bé gái đến trước nhà nghỉ, hỏi người bảo vệ rồi tìm đến chỗ đoàn giáo viên miền Bắc đang nghỉ lại. Tự nhiên Tuyết linh cảm đó là người đàn ông gọi điện cho mình tối qua. Một cuộc gặp bất ngờ như là tiền định. Người đàn ông mời cả đoàn ăn sáng. Đứa con gái của người đàn ông không hiểu sao rất mến thằng con của Tuyết. Nó lớn hơn con của Tuyết chừng hai tuổi, mới quen mà giống như hai chị em vậy.

Những điều kỳ lạ và hy hữu từ số điện thoại của người chết được kể lại. Phải chăng đó là định mệnh?

Số sim điện thoại của Tuyết mua trên mạng là số của Hương - vợ của người đàn ông có tên là Hùng ở Nam bộ. Hương chết do bệnh ung thư được nửa năm thì số sim điện thoại của cô ấy được rao bán trên mạng và Tuyết thấy số đẹp nên đã mua. Hương chết đang mang thai đứa con trai gần bốn tháng. Anh chồng ở vậy nuôi con, chưa tính đến chuyện tái lập gia đình. Còn số sim điện thoại của chồng Tuyết cũng bán trên mạng, Hùng mới mua sau khi chồng Tuyết chết gần một năm… Thế là chuyện đã rõ.

Hai người tâm sự nỗi buồn. Họ là những người chồng người vợ rất đau khổ khi vĩnh viễn mất đi người thương yêu nhất. Trên khóe mắt họ, những giọt nước mắt buồn lặng lẽ lăn xuống má. Mỗi người có một tâm trạng riêng nhưng cùng chung nỗi cô đơn. Trong lòng mỗi người như có từng đợt sóng vỗ liên hồi, luồn vào ngóc ngách tâm can. Họ đồng cảm với hoàn cảnh của nhau. Tuyết có dáng dấp như vợ của Hùng, cũng tóc chấm vai, gương mặt tròn, đôi mắt đượm buồn. Còn Hùng cũng trạc tuổi chồng Tuyết, có nét gì đó giống anh ấy, cũng dáng người dong dỏng cao, nhất là ánh mắt nhìn xa xôi. Hai người gặp nhau, càng nhớ đến người thương của mình quay quắt. Họ để ý đến nhau và thấy rất gần gũi. Có lẽ sự đau khổ, day dứt nhất của cuộc đời là trai gái đang hạnh phúc nồng nàn, giữa đường đứt gánh tương tư! Hai đứa trẻ chơi đùa trước sân nhà hàng. Hầu như chúng không để ý đến bố, mẹ chúng đang ôn lại chuyện đau buồn…

Sau chuyến tham quan ấy, Tuyết và Hùng vẫn giữ liên lạc với nhau. Hoàn cảnh dẫn dắt họ gần gũi, cảm thông, chia sẻ. Anh chị đã thổ lộ tình cảm của mình với người đã khuất. Họ đều có mối tình chồng vợ thủy chung, nồng nàn nhưng ông trời bắt họ phải ly biệt một cách phũ phàng. Anh chị kể chuyện với nhau qua nước mắt. Đứa con trai của Tuyết cứ nhắc đến người chị mới quen biết, nó hay đòi mẹ cho nó gặp chị qua điện thoại vào những buổi tối. Giữa Tuyết và Hùng đã có một sợi dây vô hình nhớ thương, thao thức, nhưng chưa ai dám nói ra. Họ thường xuyên tâm sự với nhau qua điện thoại vào những đêm khuya. Con gái của Hùng cứ đòi bố đi thăm cô Tuyết để được gặp thằng em mà nó quý mến. Bọn trẻ đâu có biết bố, mẹ chúng đang nghĩ gì?

Từ khi gặp người ấy, lòng Tuyết dịu bớt nỗi đau. Cô bỗng thấy có sự thân thiết lạ? Có lúc cô kiềm chế, tự dặn lòng: “Không thể như thế, không được xao lòng…” và xua đi hình ảnh người đàn ông mới gặp. Nhưng càng cố quên thì càng nhớ, rồi không hiểu sao, cô lại cầm điện thoại nói chuyện với anh. Ở đời, nhiều khi lý trí không thắng nổi sức mạnh của con tim.

Thời gian sẽ giúp cho mỗi người nguôi dần niềm đau cũ để tiếp tục thực hiện bổn phận của mình với cuộc sống thực tại mà mỗi người phải đối mặt. Và biết đâu được, cũng có thể họ sẽ đến với nhau, nương tựa vào nhau, bù đắp cho nhau những mất mát trong cuộc đời…

L.N.H

Lê Nguyên Hồng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 276 tháng 09/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground