Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cánh đồng chiều của mẹ

T

ôi mới về quê ngoại trưa nay. Tháng năm, mới chỉ hơn mười giờ đã thấy nắng chang chang bỏng rát trên Tôi vừa về đầu, lại thêm ngọn gió Lào hầm hập nên cái nắng càng thêm gay gắt, khó chịu. Trên con đường làng ngồn ngộn những chiếc xe trâu, xe công nông chất đầy lúa. Người người ngược xuôi đi về. Ai cũng hối hả, vội vàng như muốn làm cho thật nhanh công việc để mau mau về đến nhà. Tôi nghe từ căn bếp nhà cậu tôi thoảng thơm mùi gạo mới, mùi tiêu hành phi trên mỡ và cả mùi hến nấu canh rau, một món ăn dân dã mà tôi không bao giờ quên được.

Tôi không nhớ chính xác là mình đã về thăm làng Mai quê ngoại cả thảy bao nhiêu lần. Để rồi cứ mỗi lần trở về lại được thưởng thức món ẩm thực quen thuộc, đậm đà hương vị quê kiểng ấy. Vì dẫu sao thì từ ấy đến nay cũng đã thấm thoắt mấy chục năm trôi qua rồi. Và, cũng mấy chục năm trôi qua, dù phải sống xa quê ngoại, nhưng tâm tưởng tôi vẫn luôn luôn hướng về. Quê ngoại! Đó là tất cả những gì yêu thương đằm thắm nhất, nhớ nhung da diết nhất. Nơi ấy là hình bóng ông bà ngoại, ba mẹ, các dì, các cậu tôi. Nơi ấy, mỗi nhành cây ngọn cỏ, mỗi bến bãi dòng sông...đều đã bồi đắp nên tâm hồn tôi, làm nên máu thịt trong con người tôi. Chính vì những tình cảm thân thương, sâu nặng ấy mà hình bóng về quê hương chưa một giây phút nào vơi cạn trong tôi. Để đến bây giờ, dẫu đã là một phụ nữ luống tuổi, mái đầu đã lưa thưa điểm bạc, lại bận bịu với biết bao công việc giữa cuộc sống hàng ngày, tôi vẫn vài năm một lần không quên sắp xếp thời gian để về thăm quê ngoại của mình.

Thuở ấu thơ, lúc mới chỉ lên chín, lên mười, tôi đã lơ mơ biết về quê ngoại qua lời kể của ba mẹ tôi. Tuy bé, nhưng mỗi câu chuyện về quê ngoai, tôi đều nhớ rất rõ. Tôi nhớ cả những địa danh như Cửa Tùng, Cửa Việt, Cồn Tiên, Dốc Miếu...Đặc biệt hai tiếng “làng Mai” tôi thuộc lòng ngay từ tấm bé. Và cứ mỗi lần nhắc đến hai tiếng ấy tôi lại thấy ngân rung lên trong sâu thẳm lòng mình. Có cảm tưởng như mỗi tên đất, tên làng tôi chưa một lần đặt chân đến ấy cũng gần gũi, thân quen, nặng tình nặng nghĩa như chính nơi tôi đang sống. Không những thế, mà những tên đất, tên làng ấy còn có cái gì đó cứ khiến tôi nghèn nghẹn, rưng rưng cảm xúc mỗi khi nhắc đến. Tôi ao ước được một lần về thăm quê ngoại. Được tận mắt nhìn thấy cây cầu Hiền Lương và dòng sông có làn nước xanh trong, hiền hoà, bốn mùa lặng chảy. Được tung tăng chạy nhảy trên con đường làng. Và thích nhất là được ra sông cào hến, được vóc những vóc hến trong lòng bàn tay, để rồi mỗi buổi sáng mai lên, được cùng với đám trẻ trong làng dựng lò nhóm lửa, chơi trò “nấu canh hến” gánh đi bán rong, cùng với lời rao cất lên lanh lảnh: “Canh hến đây! Ai mua canh hến nào!” như mẹ tôi và bạn bè từng chơi với nhau từ thuở nhỏ! Nhưng có một lần, mẹ tôi chỉ tay vào tấm bản đồ tôi đang học bùi ngùi nói với tôi: “Quê ngoại của con ở ngay bên kia sông Bến Hải, nhưng để qua được con sông này thì mẹ con mình còn phải đợi đến ngày đó con ạ!”. Từ đấy tôi mới hiểu rằng quê ngoại của tôi đang bị giặc Mỹ chiếm đóng. Và, phải “đợi đến ngày đó” như mẹ tôi nói phải là ngày thống nhất đất nước. Chỉ khi nào thống nhất đất nước, tôi mới có thể qua được bên kia sông để về thăm quê ngoại. Trong tôi bỗng nhói đau. Có một cái gì đó trở nên hững hụt khiến tôi buồn bã, thất vọng. Nhưng tuổi thơ mọi chuyện vui buồn thường chỉ ở lại chốc lát rồi qua đi rất nhanh. Nhưng hình bóng về làng Mai, về quê ngoại cùng với mong ước được một lần về thăm thì cứ đeo đẳng bên tôi mãi.

Hồi ấy ba tôi là bộ đội đang chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Còn mẹ tôi là một cô giáo. Ba mẹ tôi cưới nhau được một tuần thì xa nhau. Ba tôi vào lại chiến trường. Mẹ tôi ở lại quê chồng. Dẫu trước đó mẹ tôi từng là du kích chiến đấu tại làng rồi theo ba tập kết ra Bắc. Và sau khi cưới nhau mẹ tôi vẫn một mực đòi trở về quê hương chiến đấu. Hai người xa nhau biền biệt, không thư từ, tin tức. Mãi gần mười năm sau ba tôi mới trở ra Bắc lần đầu. Tôi nhớ dạo đó hình như là sau Tết Mậu Thân, ta vừa đánh lớn ở miền Nam. Năm đó tôi vừa tròn mười tuổi. Ba về rất nhanh rồi cũng ra đi rất nhanh. Có vẻ như ba rất vội vàng, tình hình không cho phép ba được ở lại lâu thêm. Rồi sáu, bảy năm sau đó cho tới lúc miền Nam hoàn toàn giải phóng, ba tôi cũng chỉ về lại một lần nữa, đâu như hồi Hiệp định Pari được ký kết. Thường những lần ba tôi trở về, dù thời gian rất ngắn, có khi chỉ vỏn vẹn một, hai ngày, nhưng như thế cũng đủ để cái gia đình nhỏ bé của tôi được quây quần bên nhau, được ngập tràn trong niềm vui, hạnh phúc. Tôi được ba cưng chiều không để đâu cho hết. Mỗi một lần gia đình đoàn tụ, ba thường có thói quen bế bổng tôi lên, hôn chùn chụt lên má rồi đặt tôi ngồi gọn lỏn trong lòng. Ba vuốt tóc tôi, vỗ về tôi. Còn tôi thì quàng tay ôm lấy cổ ba, bàn tay nhỏ bé của tôi thoa nhè nhẹ lên cái cằm lởm chởm râu của ba. Mẹ ngồi đối diện đằm thắm nhìn hai cha con. Mặt mẹ lộ rõ niềm vui và cả niềm xúc động. Nhìn mẹ, tôi biết mẹ đã hạnh phúc biết nhường nào trong những lần ba trở về. Nghe chuyện ba mẹ nói với nhau, tôi biết thêm nhiều điều, trong đó có cả những chuyện mà lẽ ra trẻ con như tôi không cần phải quan tâm đến. Nhưng không hiểu sao mỗi câu chuyện ba kể với mẹ tôi đều để ý lắng nghe và nhớ rất kỹ. Như tình hình chiến sự ở miền Nam, ta đánh những đâu, thắng những đâu. Rồi cả những gian khổ, hy sinh mà ta đang phải chịu đựng.

Cũng qua những câu chuyện của ba kể với mẹ tôi còn được biết thêm một điều rất thú vị. Đó là ba đã cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh trên chiến trường Quảng Trị. Ba đã có mặt trong đoàn quân đánh chiếm quân cảng Cửa Việt, phá tan hàng rào điện tử Mácnamara ở Cồn Tiên, Dốc Miếu. Và đã có lần ba ghé về làng Mai, gặp được ông bà ngoại. Mẹ nghe ba kể vui lắm! Mắt mẹ rớm lệ mà vẫn lấp lánh nụ cười. Rồi mẹ hỏi ba: “Anh ơi, chiến tranh tàn khốc như thế chắc làng ta giờ đã tiêu điều, xơ xác hết. Cả nghề cào hến của làng ta chắc cũng không còn nữa phải không anh?”. Ba cười rất tươi nói với mẹ rằng, làng Mai tuy bom đạn cày xới tan hoang nhưng lúa khoai vẫn xanh rờn trên từng thửa ruộng. Bà con mình trong đó một lúc làm hai việc, vừa đánh giặc, vừa sản xuất hăng hái lắm! Không những cần cù với nghề nông làm ra lúa gạo nuôi quân đánh giặc mà còn giữ được nghề truyền thống từ bao đời nay. Rồi ba thì thầm vào tai mẹ, rằng khi ghé về thăm làng, ba đã được ông bà ngoại cho ăn cơm với canh rau nấu hến. Ba nói, đã lâu rồi ăn lại bát canh hến từ tay...bố mẹ vợ nấu, ba cảm thấy mát tận ruột gan. Miệng ba nói nghe rất ngon. Mẹ ngồi nghe mà như nuốt lấy từng lời. Đôi môi mẹ mấp máy, mấp máy, và cổ mẹ khe khẽ chuyển động, tôi ngỡ như mẹ cũng đang ăn một cái gì đó rất ngon. Buổi tối cuối cùng để ngày mai ra đi, ba nói với mẹ: “Quê hương mình giải phóng rồi, anh cũng định đưa em và con về thăm, nhưng anh nghĩ cả miền Nam rồi cũng giải phóng trong nay mai. Em chịu khó đợi đến ngày toàn thắng rồi cả nhà ta sẽ cùng về thăm quê. Chắc cũng không còn bao lâu nữa đâu...”. Rồi ba vào lại chiến trường. Hai năm sau, ba cùng đơn vị thần tốc tiến vào giải phóng Sài Gòn. Đúng vào giữa những ngày chiến thắng đang đến gần thì mẹ con tôi nhận được tin ba hy sinh. Vậy là lời hứa sẽ cùng mẹ và tôi vào thăm quê ngoại đã theo ba vĩnh viễn ra đi.

Lần đầu tiên tôi về thăm làng Mai quê ngoại là vào một ngày hè sau giải phóng không lâu. Năm ấy tôi đã là một thiếu nữ mười tám tuổi. Chuyến đi chỉ có hai mẹ con. Chúng tôi đi tàu hoả vào Vinh rồi từ đó đi ôtô. Chỉ một chặng đường không quá xa mà chúng tôi phải mất tới mấy ngày. Tuy vất vả nhưng vui. Tôi thì lần đầu tiên về thăm quê nên tỏ ra rất háo hức. Còn mẹ, tôi đọc được trên gương mặt của mẹ một nỗi buồn vui, xúc động tuôn trào. Dẫu sao thì cũng đã hai mươi mốt năm rồi, kể từ ngày theo ba tập kết ra Bắc, hôm nay mẹ mới lại được trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Hai mươi năm đằng đẵng mòn mỏi, đợi chờ. Hai mươi năm uất ức, khổ đau và hy vọng. Cảm xúc trong mẹ bỗng vỡ oà khi mẹ đặt chân lên con đường làng. Vẫn là con đường làng thuở xưa len lỏi giữa những rặng tre. Và xa kia là dòng sông đang lững lờ trôi. Những nóc nhà tranh hình bánh ích, một gian hai chái quen thuộc. Chẳng có gì đổi khác ngoài phong cảnh, làng mạc trụi trơ và rất nhiều những hố bom, hố pháo.

Đang thoăn thoắt bước, bỗng mẹ đi chậm lại đưa mắt nhìn quanh rồi mẹ dắt tay tôi dừng lại dưới một gốc cây cổ thụ. Mẹ chỉ tay vào gốc cây reo lên khe khẽ: “Trời ơi, nó vẫn còn đây này! Bom đạn mù trời như thế mà nó vẫn hiên ngang sống cho tới bây giờ!”. Tôi nhận ra cây cổ thụ đó là một cây xà cừ. Thân nó sù sì, loang lỗ những vết bằm ngang chém dọc trông như những con mắt hướng về bốn phía. Loại cây này tôi cũng đã gặp đâu đó rất nhiều ở quê nội. Vì thế chỉ cần nhìn thoáng qua tôi đã biết ngay nó là cây xà cừ. Đúng là một cây cổ thụ còn sót lại sau chiến tranh. Nó không những già nua, khắc khổ vì thời gian, mà trên thân thể nó còn có rất nhiều vết tích của đạn bom. Cây xà cừ chỉ còn lại một cành duy nhất nhưng tán lá vẫn sum suê, dâm mát, che kín một khoảng trời.

Ông bà ngoại tôi năm ấy cả hai đã xấp xỉ tuổi tám mươi. Khỏi phải nói được nỗi mừng vui khi cha mẹ gặp con, ông bà gặp cháu. Mẹ tôi đã khóc không biết bao nhiêu là nước mắt. Ông bà ngoại và tôi cũng vậy. Nước mắt cứ lặng lẽ rơi, bình thản rơi. Nước mắt rơi cho ngày chiến 

thắng và cả cho ngày đoàn tụ.

Bà ngoại tôi lưng còng như miếng cau khô, đi lại lom khom, vậy mà bà vẫn suốt ngày luôn chân luôn tay với những việc vặt trong nhà. Mái tóc bà bạc trắng như cước nhưng vẫn còn rất dài. Bà thường bối tóc thành một bối quanh đầu. Thỉnh thoảng lại thấy bà ăn trầu. Bà nhai bỏm bẻm, bỏm bẻm cả những lúc đang nói chuyện với ai đó. Tuy răng đã rụng móm mém cả, nhưng chưa một lần tôi thấy bà sử dụng ống xáy để nghiền cau như các bà cụ ngoài Bắc, mà chỉ thấy bà ngâm miếng cau khô vào nước, đợi cho thật mềm rồi mới lấy ra cho vào miệng nhai. Mỗi động tác của bà thật ung dung, thư thái, khiến cho lòng ta cảm thấy yên tĩnh lại. Mẹ tôi đã có lần nói với tôi, hồi còn trẻ bà đẹp nổi tiếng khắp vùng, nên từng được mệnh danh là “hoa hậu” làng. Cánh đàn ông thời ấy say mê sắc đẹp của bà như bướm say hoa nhưng bà chẳng ưng ai. Lại nghe nói có viên quan tri phủ trẻ huyện bên nhà giàu nứt đố đổ vách theo đuổi bà mấy năm liền cũng bị bà từ chối  vì tính hóng hách, kiêu ngạo. Tưởng bà lấy ai, lại hoá ra lấy anh hàng xóm nghèo rớt mồng tơi, nhà tranh vách đất, quanh năm cào hến ngoài sông. Vợ chồng anh cào hến đẻ liền năm người con, hai gái ba trai, suốt ngày đội mưa đội nắng vậy mà người vợ cứ đẹp trắng... Bây giờ ngắm nhìn “vợ anh cào hến” năm xưa, tôi thấy những nét đẹp thuở thanh xuân vẫn như còn phảng phất đọng lại trên khuôn mặt nhăn nheo của bà. Mấy năm nay bà yếu đi, lưng còng hẳn, nên đi đứng chậm chạp hơn. Khác với bà, ông ngoại tôi quả là một cụ ông tráng kiện. Tóc ông tuy cũng bạc trắng như bà, nhưng lưng ông vẫn thẳng, răng ông vẫn chắc và dáng dấp thì vẫn rất lanh lợi. Ông là cựu du kích làng Mai. Từ chống Pháp cho đến chống Mỹ, cả gia đình nhà ngoại tôi đều có thành tích, công lao với cách mạng. Ở làng Mai này, cứ một trăm nhà thì có tới chín mươi chín nhà đi theo kháng chiến.

Ông bà ngoại tôi ngay từ ngày mới kết tóc xe duyên đã cũng gái trai trong làng tự đứng ra thành lập chi hội nghĩa quân, cắt máu ăn thề, nguyện đánh Pháp đến cùng. Khi công khai giữa trận mạc thì họ là những du kích dũng cảm. Khi phải lui vào hoạt động bí mật thì họ lại không quản hiểm nguy, đào hầm nuôi giấu cán bộ, tổ chức rải truyền đơn vạch mặt kẻ thù, kêu gọi nhân dân đánh giặc. Các cậu, các dì tôi sau này lớn lên, theo gương ông bà ngoại cũng lần lượt vào bộ đội, du kích. Cậu Nghĩa, dì Hiệp hy sinh thời chống Pháp. Đến thời chống Mỹ có thêm cậu Hào ngã xuống ở chiến trường Nam Quảng Trị. Ông bà ngoại tôi theo cách mạng một mạch cho đến ngày tuổi già xế bóng. Chiến tranh đã làm ly tán và cướp đi biết bao người thân trong mỗi gia đình. Gia đình nhà ngoại tôi là một trong những gia đình như thế.

Buổi chiều, bà ngoại tôi lom khom chống gậy cùng tôi dạo bước trên con đường làng. Đến gốc cây xà cừ bà bảo tôi dừng lại nghỉ. Chợt nhớ tới mẹ, tôi liền hỏi bà: “Bà ơi, cây xà cừ này có ở đây lâu chưa hở bà?”. Bà lim dim mắt, hai bàn tay xương xẩu chầm chậm rờ rẫm lên thân cây. Bà nói: “Có lẽ phải hàng trăm năm nay rồi cháu ạ! Bởi từ ngày còn bé bà đã thấy nó sừng sững ở đây rồi. - Bà đứng dậy, đi vòng quanh gốc cây, vừa đi bà vừa nói - Nó chỉ là thân cây vô tri vô giác nhưng là nhân chứng cho mọi  thăng trầm, biến cố của làng ta đấy cháu ạ!”. “Thật thế vậy bà?”. “Ừ, thật thế đấy!” Rồi bà rỉ rả kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện. Mỗi câu chuyện bà kể đều ít nhiều liên quan đến cây xà cừ. Và mỗi câu chuyện bà kể đều đem đến niềm tự hào với người dân quê ngoại tôi. Từ những cuộc họp của người dân làng Mai bàn việc đánh Tây, đến treo cờ nhân ngày Quốc tế Lao động mồng một tháng năm. Rồi những buổi diễn thuyết, mít tinh do Việt Minh tổ chức...tất cả đều diễn ra bên gốc xà cừ này. Bà tôi cười bảo: “Thằng Luận cái Thương (tên bố mẹ tôi) hồi còn hoạt động ở làng, chưa tập kết ra Bắc, đêm nào mà chúng chẳng rủ nhau ra gốc xà cừ tình tự. Bà còn lạ gì chúng nó...”.

Tôi tung tăng chạy ra bờ sông. Trời về chiều nắng vàng thẫm trên mặt cát. Một đám đông đang ngụp lặn trên mặt nước trắng bạc ở xa xa. Họ kéo theo những chiếc thuyền nan mỏng manh. Tôi nhận ra họ là những người dân của làng tôi đang làm nghề cào hến. Tự dưng tôi men theo mép nước đi dần về phía họ. Một đám trẻ vừa chăn trâu vừa thả diều ngay cạnh bờ sông. Chúng chạy nhảy, nô đùa, hát hò rất vui vẻ. Một đứa con trai bỗng hét toáng lên: “Tao đố chúng mày! Tao đố chúng mày!” rồi nó cất giọng ngân nga: “Con chi mà nhỏ nhỏ dưới sông. Để đàn bà đi bán, để đàn ông đi cào?”. Nó vừa dứt lời thì cả tốp bạn nó đã đồng thanh đáp lại: “Chắt chắt một đọi hai hào. Cơm nguội trong chạn mua vào mà chan!”. Rồi chúng lại đuổi nhau, cười nói inh ỏi cả quãng sông.

Làng tôi gọi con hến là chắt chắt có lẽ là vì nó có kích cỡ nhỏ nhất trong các loài hến. Rồi khi chế biến, người ta phải luộc, phải trơi, phải đãi, phải chắt để vỏ và nhân tách ra hai phần riêng biệt. Ngay trong mùa đông tháng giá loài hến đã sinh sôi, nảy nở. Chúng giấu mình trong cát rồi lớn dần lên cho tới khi mùa hè đến. Đó cũng là lúc người làng tôi rủ nhau đi cào hến. Đàn ông, phụ nữ, người lớn, trẻ con, ai cũng có thể làm được nghề này. Chỗ nào cạn thì người ta dùng rổ, chỗ nào sâu thì người ta dùng cào. Nhưng dùng cào vẫn phổ biến hơn cả. Món ăn được chế biến từ hến cũng đa dạng lắm. Có thể nấu cháo, nấu canh, hay xào xáo tuỳ thích. Khoan khoái làm sao khi vào giữa những ngày hè oi bấc, sau một ngày làm việc vất vả, được trải manh chiếu ra bờ tre đón ngọn gió nồm lồng lộng, cả nhà quây quần bên nồi canh hến, cạnh đấy là mấy đĩa hến xào rau lốt và xấp bánh tráng nướng giòn tan...Chao ôi, mới chỉ nhìn thôi mà đã thấy ứa nước miếng ra rồi.

Những đêm mùa hè ở quê ngoại sau giải phóng không gian yên tỉnh lạ lùng. Tôi rất ít ngủ và thường khi đi ngủ phải rất khuya. Trên chiếc giường tre đặt bên cửa sổ, nằm bên bà ngoại và mẹ, tôi cứ trằn trọc không sao ngủ được. Dù ban ngày tôi đã dành hết thời gian cho việc đi thăm thú nhà này nhà kia. Tôi nằm yên ngắm nhìn vầng trăng qua ô cửa sổ, nghe rất rõ mọi âm thanh ở xung quanh. Tiếng gió vi vu, xào xạc, tiếng sương rơi, tiếng côn trùng rỉ rả, cả tiếng cá đốp mồi dưới con lạch cạnh nhà. Hương lúa từ cánh đồng làng thoảng về, có cả mùi bùn hăng hăng, mùi phân trâu ngai ngái. Nhưng  đậm nét trong tôi hơn cả vẫn là mùi khói súng, khói bom như vẫn còn phảng phất đâu đây, dù tôi biết chiến tranh đã không còn trên mảnh đất này nữa rồi. Không ngủ được, tôi nhẹ nhàng ngồi dậy mở cửa đi ra ngoài sân. Trăng đầu tháng nhợt nhạt nhưng cũng đủ để  tôi nhìn thấy một vệt sáng cong cong hình lưỡi liềm trước mặt. Dòng sông về đêm trông vừa yên tĩnh, vừa huyền bí. Gió từ mặt nước thổi thốc lên, mang theo vị mặn của muối, vị ngọt của phù sa và cả vị nồng nồng, chua chua rất đặc trưng của làng quê sông nước này. Một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi: “Không ngủ được hả con?”. Tôi quay lại “vâng” một tiếng rồi ôm lấy mẹ. Mẹ tôi cũng không ngủ được. Đã mấy đêm rồi mẹ rất ít ngủ. Tôi biết mẹ đang nhớ đến ba, nhớ về những kỷ niệm một thời, nhớ tất cả...Những giọt nước mắt nóng hổi của mẹ rơi đầy trên vai tôi, nhoà nhuện trên má tôi. Tôi biết mẹ đang rất xúc động bởi không như tôi, mẹ chẳng còn trẻ nữa. Cuộc sống thì dài mà đời người lại quá ngắn ngủi. Rồi thời gian, tuổi tác và cả những bất thường có thể xảy ra...Liệu mẹ còn được mấy lần cùng tôi về thăm lại quê nhà?

Những năm gần đây, tôi đều dành thời gian về thăm quê ngoại. Tôi thường về vào những ngày lễ, ngày tết, hay khi cưới hỏi con cháu, giỗ chạp ông bà ngoại tôi. Làng Mai giờ đã thay đổi hơn rất nhiều so với trước đây. Giấu tích của một thời đạn bom cũng đã lùi vào quá khứ. Những người hôm qua tôi gặp, giờ cũng đã già đi. Và một lớp người mới đang dần thay thế họ. Chỉ còn lại nét mộc mạc, chân quê trên mỗi gương mặt người thì ngàn đời sau vẫn vậy. Mẹ không thể về cùng tôi được nữa, bởi giờ đây mẹ đã già. Dù lúc nào mẹ cũng ước ao được trở về quê hương, nguồn cội. Mẹ phó thác cả cho tôi và chồng con tôi. Ba mươi mấy năm kể từ ngày cùng mẹ về thăm quê lần đầu. Hồi ấy, tôi chỉ là một cô con gái mười tám tuổi, ngây thơ, trong sáng, chưa chút vướng bận gì. Ba mươi mấy năm trôi qua giờ tôi đã là một người đàn bà lên chức bà nội bà ngoại, con cháu đề huề, công thành danh toại. Dù sống nơi phố phường phồn hoa đô hội, nhưng chưa một phút giây nào tôi nguôi ngoai nỗi nhớ về quê ngoại nghèo khó của mình. Tôi mong muốn được làm một cái gì đó dù nhỏ nhoi thôi cho quê hương tôi. Đó cũng là niềm mong ước mà suốt cả một đời ba mẹ tôi hằng khát khao nhưng chưa làm được. Mỗi lần về quê ngoại đứng trước bàn thờ gia tiên, bên mộ ông bà, hay ở từ đường nhà thờ họ, bao giờ tôi cũng thành tâm khấn vái cầu mong điều tốt đẹp. Nhưng đôi khi tôi bỗng thấy lo lo giống như nỗi lo của mẹ ngày nào. Đó là rồi đây, cũng như mẹ, tôi sẽ già đi, sẽ không còn được về thăm làng Mai quê ngoại nữa. Chao ôi, mới chỉ nghĩ thế thôi, tôi đã thấy thoảng thốt, chênh chao trong lòng...

 

Trại viết Gio Linh, 31.5.2011

N.N.C

 

Nguyễn Ngọc Chiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 204 tháng 09/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground