Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cầu Giằng

 1.  Sách cũ chép, ngày xưa có con đường Thiên Lý nối vùng đất này với các miền xa ngái đàng ngoài, đàng trong. Đường qua bao nhiêu là sông, là suối nhưng không có cái cầu nào. Người, vật đi lại bằng cách gì, sách không ghi. Nói là sách cũ nhưng là những mảnh giấy người thời nay viết. Người thời nay bỏ quên nhiều chuyện riêng gì chuyện cầu qua sông. Họ không hiểu ra thì họ cho không nhớ. Không có lợi cho thời họ sống thì họ cho quên.

Đến năm nào ấy, trên đường Thiên lý, bấy giờ dân chúng gọi đường quan, có cầu Giằng bắc qua sông Giằng ở làng Giằng. Cầu Giằng một nhịp, đúc bằng xi măng và đá, kết thành khối lặng câm, đầy vẻ nín nhịn. Chiến tranh, bom đạn chém chát chúa lên mặt cầu, máu tràn trên nền xi măng chảy tong tong xuống sông, rồi trăm ngàn cơn bão lụt, cầu Giằng vẫn trơ ra, im lìm. Bao nhiêu là nước đã chảy qua. Bao nhiêu là người đã đi qua. Đến nay, cái tuổi của nó đã phải viết bằng ba con số. Sự già nua là màu đen và rêu mốc loang lỗ khắp thân thể. Nó thành vật chứng kiến vô tư và trung thực mọi sự diễn ra ở làng Giằng. Cái sự chứng kiến thật có ý nghĩa với không ít dân chúng; bởi vì, số người ấy luôn có cảm giác lo sợ, bất an trước sự hiển hiện của những thứ họ từng biết, kể cả trong thể xác và tâm hồn họ.                      

2. Nhà người đàn bà ấy nằm trên một doi đất mọc đầy dứa dại, cách sông Giằng vài chục mét. Ngôi nhà khung tre, vách đất, lợp tranh cọ, không giống một nhà nào trong làng. Ngày cũng như đêm, mở cửa là mắt chạm vào cầu Giằng. Từ xửa xưa, cố nội chị từ miệt rừng xuôi theo sông Giằng kiếm sống bằng  nghề bốc vác thuê. Rồi cố nội chị thành phu xây cầu Giằng. Cầu xây xong cố nội chị ở lại với một cô gái làng Giằng làm nghề chài lưới. Cố nội chị nói: “Rừng nó âm u, nhiều cái ác rình rập, sống thắc thỏm cả đời nên tôi muốn ở lại với chị.” Cô gái làng chài buồn buồn nói: “Tôi chưa lên rừng, chẳng biết nó thế nào. Nhưng không khéo ông tránh vỏ dưa thì lại gặp vỏ dừa. Chốn sông nước, cái giả dối như trong, đục của nước ấy.”. Cố nội chị nói: “Chỉ cần lòng dạ chị không đổi thay”. Rồi họ về ăn ở với nhau trên một con thuyền gỗ mộc, đáy thuyền dày những lớp trảm. Thuyền cứ lênh đênh trên sông. Hai đời, đời cố và đời ông của chị ở dưới gầm cầu, đánh cá, vớt gỗ, ăn uống, làm tình, sinh đẻ  trên thuyền. Ông nội mất, cha chị găm thuyền vào chân cầu rồi lên bờ dựng một ngôi nhà này. Mẹ chị đẻ rơi chị trên lối ngõ dốc xuôi ra dãy bần ven sông và ném nhúm nhau xuống gầm cầu Giằng. Cái tên Rơi thành tên cúng cơm của chị từ đâu ra chẳng có ai quan tâm. Từ cái tên gọi. Từ cái nhúm nhau mắc vào chân cầu. Và một mối quan hệ bí ẩn giữa Rơi và cầu Giằng như là định mệnh. Trong nhiều câu chuyện của người đàn bà độc thân, đều có bóng dáng cầu Giằng. Tất nhiên là lúc đậm, lúc nhạt và cũng tất nhiên có những câu chuyện khác về cầu Giằng không dính tới chị. Là vậy, nhưng khi nói về cầu Giằng giọng chị cũng cứ run rẩy và ánh mắt u buồn với một cảm giác tuyệt vọng nào đó.

3. Hôm ấy, người trên tỉnh về Thị trấn Giằng tổ chức khánh thành cầu Giằng mới.

Cầu Giằng mới bằng bê tông cốt thép, dài 60 mét, rộng 12 mét, năm nhịp, bắc qua sông và vượt trên một góc làng Giằng nơi xúm xít mười bảy nóc nhà, cách cầu Giằng cũ về phía hạ lưu một tầm nhìn lúc trời âm u.

Mờ sáng, chẳng có gì xẩy ra, sông Giằng vẫn trôi chậm rãi và bình yên. Mờ sáng, làng vẫn xao xác tiếng gà gáy góc này, góc khác, tiếng  người gọi nhau í ới, tiếng chó sủa và tiếng gió thì thào mang theo mùi khói rơm từ những bếp lửa sáng sớm. Rồi con đường làng hiện rõ dần, trên đó xuất hiện, không phải những người quang gánh, cày cuốc trên vai, mặt nhìn xuống đất hì hụi bước, mà là những người xinh đẹp, áo quần màu sáng, thanh thiếu niên cầm cờ, cười hoan hỉ. Tất cả đổ dồn về bãi cỏ cạnh cầu Giằng mới, nơi đấy treo đầy băng cờ, khẩu hiệu.

Chủ trì buổi lễ là một người đàn ông to béo, da ngăm đen rất khó đoán tuổi. Ông đọc diễn văn khai mạc, giọng nhẹ tênh tênh.

Bà Rơi yên lặng nhìn dòng người nườm nượp không dứt trên con đường trước ngõ bằng cái nhìn băn khoăn. Chừng nửa buổi sáng, nhiều tiếng ầm ào, nghe ra là động cơ ô tô, tiếng hô khẩu hiệu, tiếng hò hét  kết thành những làn sóng ập xuống làng Giằng, len vào cả chỗ bà đang ngồi. Rồi chìm đi. Rồi vang lên giọng nói nhẹ tênh tênh. Từ phía cầu Giằng mới tới. Bà đứng dậy bước ra ngõ, ngơ ngác nhìn lên những mảnh trời phía trên tán lá bần. Rồi bà tiếp tục đi, chốc chốc lại ngoảnh nhìn cầu Giằng cũ với vẻ bồn chồn như để yên tâm là nó vẫn còn đó, nó chưa biến mất. Cái màu xám xịt, thứ rêu mốc u tối lì lợm bám cả trong ký ức của dân chúng làng Giằng đã bao nhiêu là năm tháng vẫn còn kia, xám xịt và u tối… Đi hết đường làng, bà gặp những bậc đá xếp dốc đứng lên mố cầu. Bà đứng lại. Một thứ âm thanh ồn ào, hổn độn chụp lên bà. Và bỗng bà nghe một giọng nói nhẹ tênh. Nó như vụt ra từ tâm thức, rồi nhẩn nha trong trí óc lỗ mỗ của bà. Quá khứ thực hiện quyền năng bướng bỉnh của nó, từng mảnh, từng mảnh dồi lên, chồng chéo trong bà như những lưỡi lửa nóng bỏng. Bà đứng lại, lưỡng lự một lát rồi không theo con đường men theo bờ sông đến cầu Giằng mới mà quặt lên cầu Giằng cũ. Bà bước chầm chậm trên mặt cầu lỗ chỗ, nứt nẻ nhưng mắt thì chăm chú nhìn xuống sông. Vào thời khắc ấy, nước sông màu xanh, không một rác rưởi, không một bong bóng. Con thuyền của bà vẫn nằm yên, áp mạn vào gầm cầu như từ bao đời đã thế. Mặt trời ở đâu đấy phía sau lưng bà. Nó hắt một vệt đen sẫm khập khểnh xuống mặt nước sông “ Đấy là bóng cái cầu và đấy là cái bóng mình ”. Bà nghĩ và đôi  môi khô héo nở một nụ cười cay đắng.Đúng lúc ấy đám đông từ bên kia sông ào lên đẩy bật bà trở lại. Bà ráng sức đứng thẳng, lách qua các tốp người. Những gương mặt nhòe ra trước mắt bà. Những tiếng nói, tiếng cười hổn độn. Bànép sát vào thanh sắt lancan. Yên tĩnh trở lại, rất nhanh.Tâm trí bà nguôi dịu dần. Bà bấm đốt ngón tay lẩm bẩm đếm gì đấy.

4.Ba mươi năm trước, thành lập Thị trấn Giằng. Làng Giằng thành một góc của Thị trấn. Người kéo về đông nghịt. Nhà cửa mọc lên. Mọi sự đã thay đổi. Xuất hiện những cơ quan, biển hiệu đỏ, xanh rực lên khắp nơi. Hai bên đường từ mố cầu Giằng phía nam, phía bắc quán hàng chen chúc nhau, số nhiều là hàng ăn uống, rượu chè, kéo dài hơn một cây số. Không còn nơi nào yên tĩnh. Hội hè, họp hành, nhốn nháo, lừa lọc, đểu giả, giành giật…chảy vào khắp mọi ngõ ngách làng. Cha chị bỏ nhà xuống thuyền. Ông bảo: “Sông nó chảy, nó cho trôi đi mọi thứ nhơ nhớp, còn làng, chỗ trũng chúng cứ chảy vào.”. Ông tìm chỗ trong sạch để sống nhưng lại chết sớm. Bấy giờ ông 50 tuổi còn chị 25 tuổi. Dáng đậm, da trắng, ngực nở nhưng chị cứ như một cái bóng trôi từ cầu Giằng vào nhà, ra vườn, xuống sông. Thi thoảng người ta mới thấy chị vào trung tâm Thị trấn mua bán gì đấy. Khi ấy, chị cũng tựa cái bóng, lặng câm trôi giữa chen chúc và ồn ào và trong những ánh mắt ham hố của cánh đàn ông. Mùa thu, mưa rây bột buồn buồn và se lạnh còn gió thì ve vuốt trên da thịt người, bọn thanh niên bắt đầu cưỡi honđa lượn lờ trên các ngã đường trong làng. Họ đi qua ngõ nhà chị - ngôi nhà từng cứu sống ba người nhảy cầu tự tử và khâm lượm ba người bị chết đuối. Chỉ nghe vậy đã sợ hãi chưa ngẫm đến thật, hư.

 5. Đêm ấy, gió từ sông thổi lên reo u u trong khe hở bức phên nứa đầu hồi nhà. Có tiếng gì khác nữa trong tiếng gió ấy. Không phải trong nhà mà ngoài trời đêm. Chị dỏng tai nghe ngóng. Có một cái gì đó không bình thường. Chị đứng dậy choàng tấm khăn len lên vai đi đến bên cửa sổ. Vườn cây, hàng rào tre dọc lối ngõ, dãy bần ven sông biến thành những hình thù kỳ dị, dập dờn như trôi nổi trên mặt nước. Xa xa chị nhìn thấy cầu Giằng sâm sẫm  lơ lửng trong khoảng không. Một tiếng vạc đâu giữa lưng chừng trời rơi xuống, thảng thốt khiến chị giật mình.     

Chị đứng đấy một lúc, định quay vào thì bỗng thấy một bóng đen lúc nằm bẹp xuống, lúc cao vỗng lên, lúc nhòe ra, lúc rõ hình hài con người. Nó dặt dẹo trên cầu, liêu xiêu tiến về phía nhà chị. Chị đã từng thấy những bóng đen đủ hình dạng trên cầu Giằng. Người ta bảo đấy là hồn ma hiện hình người. Chốn này có nhiều người chết không còn thân xác, về đêm vong hồn cứ lang thang, bên này sông qua bên kia sông, lúc lướt trên mặt nước, lúc đi trên cầu và thường khóc ri ri, cười khành khạch. Chuyện ma len lách khắp nơi, choán cả một khoảnh trong đầu dân chúng làng Giằng. Một dạo không ai dám đi qua cầu. Sau khi cha mất, chị không thấy hồn ma hiện hình người nữa. Rồi thì quên đi. Rồi thì khi Thị trấn Giằng ra đời, chuyện ma lại rộ lên. Không  biết có ai thấy ma không, nhưng nỗi sợ hãi ma là có thật. Đêm chẳng mấy ai đi qua cầu Giằng.

Nhiều đêm trước chị chỉ thấy một cái bóng nhoằng qua cầu. Không như đêm nay. Chị căng mắt nhìn, cảm thấy lồng ngực đau thắt. Một con mađang ở trên cầu Giằng. Mà không phải ma. Mà một con người. Hắn đi, ngã dúi dụi, đứng dậy, rồi lại đi. Đêm bớt tối. Rõ dần. Chị nắm chặt các ngón tay, bước ra ngõ, lên cầu. Cái bóng đen hình người kia như chỉ chờ có thế đổ ụp xuống ngay dưới chân chị. Không chỉ tiếng rên rỉ, tiếng cười mà cả tiếng thở hổn hển. Một phản xạ tự nhiên, một hành động bản năng, chị dìu con người ướt át như dìu một xác chết về nhà. Mỗi cái giường duy nhất trong phòng; vì thế chị phải đặt người đàn ông mềm nhão lên chiếc chiếu mộc còn ấm hơi da thịt chị. Phải cởi áo quần ướt ra khỏi người hắn. Chị nghĩ và cởi khuy áo, mở khóa thắt lưng… Chị làm những việc ấy thành thạo một cách máy móc, nhanh nhẹn và mềm dẻoCha chị và chị từng vớt người chìm, nổi trên sông vì lũ cuốn, vì chán đời, thất tình mà nhảy cầu tự tử. Một lần, lúc chị mười sáu tuổi, chị đã tự tay mình cởi bỏ áo quần một người đàn ông, tắm rửa cho anh ta trước khi người của chính quyền tới. Lúc ấy mắt chị mở to, không chớp. Mọi thứ trên thân thể anh ta khắc vào trí nhớ của chị, bám dai dẳng đến mất ăn, mất ngủ hàng tháng trời sau đó.

Lần này nữa. Lần này chị thấy rõ cơ thể đàn ông trần truồng từ trên xuống dưới… Đầy đặn, ngăm đen, đôi môi tái nhợt run rẩy. Chị cúi xuống. Hơi nóng trong cơ thể hắn phảng phất mùi rượu phả lên ngực chị.

- Rét lắm. Rét lắm…-Hắn thì thào.

Chị vội vàng kéo chăn phủ lên tấm thân trần. Lát sau hắn lịm vào giấc ngủ, chốc chốc lại giật mình như đang trải một ác mộng nào đấy. Chị liếc nhìn hắn bằng đôi mắt thương cảm, rồi dón chân đi ra phòng tắm xây bằng gạch bên giếng nước. Chị dội nước lên mình, xòe hai bàn tay xoa lên ngực, xoa xuống háng, xoa dọc hai đùi, xoa mãi cho đến khi cơ thể nóng rực lên, nhiều chỗ run rẩy lên. Bất giác một cảm giác thắc thỏm dòa lên trong lòng. Chị vào nhà cố tình không nhìn con người kia. Chị đi đến cái chõng tre và nằm cuộn tròn tấm thân mỏi mệt, nhắm nghiền mắt lại. 

Hai người thức giấc cùng lúc. 

-Sao chị lại cứu tôi?  - Câu nói đầu tiên của hắn. Giọng hắn nhẹ tênh.

Người đàn bà nhìn chàng trai, nói:

- Hỏi chi mà ngớ ngẩn.  

- Tôi không có chi trả ơn chị đâu - Hắn nói -Tôi là kẻ khố rách, áo ôm, là con ma rượu của Thị trấn Giằng.

- Chú tính trả ơn cho tôi a ? Khỏi.

- Chị đúng là đàn bà. Đàn bà thường thế, nhẹ dạ…

- Trẻ ranh mà vẻ trải đời, hé.

- Không trẻ nữa đâu bà chị ạ. - Hắn cười khềnh khệch. Lát sau nói tiếp - Người ta biết tôi cả, chỉ chị là không biết.

Chị nói, chị biết hắn loa qua thôi. Hắn làm công nhân Xí nghiệp cầu đường. Cha hắnlà một vị quan chức cỡ bự ngành Giao thông vận tải. Ông đẩy hắn từ Thành phố về đấy với hy vọng môi trường vùng đất ven sông Giằng sẽ cải hóa máu me rượu chè, ẩu đả của hắn. 

Hắn cười cười, nói:

- Chừng ấy, còn ít. Là nói chị biết về tôi còn ít. Ít hơn tôi biết về chị. Tôi cũng biết là chị không biết tôi biết chị. Tôi đã nghe người ta nói nhiều về chị.

- Người ta nói về tôi à? Về cái gì? - Chị hỏi nhanh, cảm thấy tim nhảy thon thót trong lồng ngực.

- Về tính gan lì, không sợ ma quỷ của chị. Chị đã cứu được bao nhiêu người ở cầu Giằng…Hắn im bặt.

- Và gì nữa?

- Và chị ở một mình - Hắn nói và toét miệng cười, mắt không rời khỏi khuôn ngực người đàn bà.

Chị thấy nóng mặt, đưa tay sửa khuy áo, quay người tránh đối diện với hắn.

- Và chị ở một mình…Hắn nhắc lại.

- Về đi - Chị gắt - Bây giờ thì về đi. Uống ít thôi. Đừng thành con ma rượu. Đừng dán người vào cầu Giằng. Như thế thì tội nghiệp lắm. Và đừng để tôi thấy bộ dạng chú như thế này,  phải bồng chú như bồng…

- Một con chó trôi sông…Hắn ngắt lời chị, giọng vẫn nhẹ tênh. Rồi đi ra khỏi nhà. Đến thềm hắn quay lại nói, tôi có muốn say đâu. Tôi nhờ rượu gột rửa cái chán nản trong người.

- Thanh niên mầm mà đã chán đời a? Chị hỏi và lắc đầu.

-  Một ông bố đẩy con ra khỏi Thành phố như đẩy người dưng nước lã, một bà mẹ suốt ngày vôi ve, một cơ quan đầy bụi đất đá, không một bóng đàn bà, con gái…Hắn nói như nói với chính mình, gần như thì thào. Rồi ngửng nhìn người đàn bà, tiếp. Tình cảnh tôi, không chán mới mầm.

- Cứ chán đi, chẳng ai giúp được. - Chị nói và khoát nhẹ tay.

- Tôi biết thế. Biết đang quấy chị. Chỉ là vì nhà chị ở bên sông, cạnh mố cầu Giằng … Hắn chớp chớp mắt, nói nhanh, một cách bí hiểm.

Chị ném vào tay hắn một tấm ni lông và nói:

- Mưa to rồi đấy.

6. Một ngày tiếp đó vẫn mưa. Trời se lạnh. Phòng ngủ của chị ẩm ướt và trống trải. Chị nghĩ đến hồn ma và cùng với ý nghĩ ấy là nỗi lo sợ mơ hồ cựa quậy trong tâm trí. Bóng đen hình người trở thành một ám ảnh thực sự đối với chị. Bất giác chị nhìn qua khung cửa sổ về phía cầu Giằng. Một lần chị thấy mảnh mây màu sáng sà xuống mặt sông ngay dưới chân cầu, lần khác chị thấy một ánh đèn pha dọi theo một bóng đen hình người di chuyển giữa khoảng không đan dày những sợi mưa trắng, dài lê thê.

Chừng nửa đêm, bóng đen lại xuất hiện trên cầu Giằng. Lần này, nó không dặt dẹo như chị từng thấy mà lướt nhanh qua cầu, thoắt ẩn, thoắt hiện giữa những gốc bần rồi rẽ  quặt vào ngõ nhà chị. Hắn đứng lại nơi bậc thềm. Bấy giờ chị đang ngồi bó gối trên giường, đắm chìm trong cô đơn. Bỗng chị nghe tiếng người nhẹ tênh tênh: “Rét lắm. Rét lắm….”

Chị bật dậy, thở gấp.

Gió lào thào trên mái tranh bỗng im bặt.

- Ma quỷ ... Chị kêu thầm, trước cả khi đưa tay mở cửa. Bóng đen hình người đứng đó, đối mặt chị. Mắt quen dần với bóng đêm, chị nhìn ra hắn. Chị lưỡng lự một thoáng rồi buông tay khỏi cánh cửa, quay lưng lại phía hắn. Bóng đen theo chị vào phòng. Lặng im. Đầu gối run rẩy va vào nhau, chị đổ người xuống giường. Hắn đến bên chị. Chị nhắm mắt. Sợ sệt, ngạc nhiên, chờ đợi, lờ mờ trôi ngoài suy nghĩ của chị. Hắn cúi xuống. Chị nói gì đấy, nhưng đôi môi mấp máy không thành tiếng. Hơi thở ấm áp, phảng phất mùi rượu bao bọc lấy chị, luồn lách vào ngực áo chị, dai dẳng, ấm nóng. Chị buông mình, nghe khuy áo đứt phựt phựt và thấy hai ống quần bay qua đầu rơi xuống cái chạn để song nồi, rổ rá cạnh bếp. 

7. Những đêm sau đó trời vẫn mưa và gió lạnh vẫn thổi. Vẫn một mình chịtrong căn nhà tre vách đất, lợp tranh cọHắn không trở lại. Nhưng giọt máu của hắn thì thành hình hài người trong chị. Từ một hồi ức về người đàn ông trần truồng. Từ một tâm trạng cô đơn lạnh buốt. Từ một cô gái già phá tung đè nén nhục dục hứng lấy cơn cuồng dâm của con ma rượu cầu Giằng. Như là định mệnh, chị trượt chân ngã trên lối dốc xuống thuyền và cái hình hài người ra khỏi chị,  chìm xuống sông Giằng. Cú sẩy thai không ảnh hưởng nhiều tới sức lực con người mà cuộc đời đã được sông nước rèn luyện. Nằm trên giường hai ngày, chị đã dậy, xuống thuyền. Rồi đến một hôm, chị thu hết can đảm vào Thị trấn tìm gặp hắn. Vào giờ ấy công sở vắng tanh. Chỉ còn hắn và chị. Thế nhưng hắn im lặng ra khỏi phòng, đi qua mảnh sân ngổn ngang sắt, thép, đá, cát rồi theo con đường về làng Giằng. Chị lặng lẽ theo hắn.

Đến chỗ rẽ hắn đứng lại nhìn xoáy vào cái bụng lép kẹp của chị, ấp úng hỏi:

-    Vẫn thường…Vẫn là…không có việc gì chứ?

Người đàn bà ngơ ngác một lát, rồi hiểu ra. Đã có, nhưng giờ thì đã là không. Nói ra chẳng để làm gì. Nét mặt kia cho chị hay, mọi chuyện xẩy ra giữa chị và hắn chẳng để làm gì. Giống như ý nghĩ loáng qua đầu chị vào cái đêm mưa lạnh kia, khi chị mềm nhão người dưới tấm thân nóng hổi, ướt át của hắn: Chẳng để làm gì. Cuối cùng lại sự nhẹ dạ đàn bà, cái lòng tốt muôn thủa của chị khiến chị thốt lên:

-Nhoáng nhoàng cái nên không việc gì.

Hắn thở phào, như vừa thoát một mối nguy hiểm, không giấu diếm. Rời mắt khỏi chị, hắn nói, cha hắn sẽ đưa hắn lên Sở Giao thông trên Thành phố, vài ngày nữa là ®i. Lặng một lát nói tiếp rằng, thời gian qua hắn sống trời ơi, đất hỡi, chị đã neo buộc hắn, thương hại hắn, vớt hắn như vớt một xác chết trôi sông; rằng, nhờ thế mà hắn không thành con ma cầu Giằng. Hắn sẽ làm nên chuyện. Hắn sẽ nhớ chị, lúc nào đó sẽ về thăm chị… Chị đăm đăm nhìn khuôn mặt gầyhơi ngước lêncủahắn, sững người lại và bỗng nghĩ, thế là hết. Tất cả trải qua như nước sông  Giằng trôi, kể cả cái khoảnh khắc thân thể run rẩy trong khoái cảm. Như một phản xạ, chị áp hai bàn tay lên bụng dưới của mình và ngơ ngẩn cười.

Từ ngày ấy, lối ngõ nhà chị vắng người vào. Lá rụng nẫu ra. Hàng ngày, chị lên con thuyền cũ kỹ, mái che rách nát dưới gầm cầu, thắp một nén hương cắm vào cái cốc thủy tinh đặt trên sạp gỗ và ngồi cho đến lúc sông bốc hơi nước mới trở lên ngôi nhà lẻ loi, đơn độc. Đêm đêm, chị vẫn chong mắt nhìn lên cầu Giằng chờ thấy bóng đen hình người và thích thú với cảm giác sợ hãi rân rân trên da thịt. Rồi một ngày đèn điện sáng lóa trên cầu, và mưa đêm ít đi. Những con ma cầu Giằng đi đâu mất. 

Người đàn bà lặng lẽ đành phận gái già không còn xuống sông, lên cầu, vào thị trấn nữa.  Chị sống nhờ lon gạo, củ khoai của xóm làng và những nguồn thu ít ỏi từ hoa quả trong vườn. Tuổi chưa nhiều nhưng chị yếu ớt và nom hom hem, già nua. Thời gian đã không quên chị.

8. Bà Rơi thường ngồi trên cái ghế mây nơi gốc sân, dưới những tán lá cây xùm xòa, đôi mắt đen đăm đăm nhìn dọc lối ngõ về phía cầu Giằng. Tâm trí bà đã lắc lay, nhưng trí nhớ thì cứ bám dai dẳng trong bà, thỉnh thoảng một kỷ niệm trở lại lóe sáng lên. Chân tay yếu, bà không theo lối dốc bên bờ sông xuống con thuyền cũ kỹ đầy vết xước của bà được nữa. Hàng ngày, bà ngồi trên cái ghế mây lâu hơn, nhặt từng mảnh lá rụng dưới chân ghế lên nhìn ngó, rồi ghép chúng vào với nhau. Và như thấy ra cái gì đó trên những mảnh lá ấy, khiến bà khi thì cười, khi thì khóc. Rồi đến một dạo, bà khóc nhiều hơn, đôi lúc run rẩy như có một cơn sợ hãi nào đó ập vào người. Thỉnh thoảng, người ta thấy bà lang thang trên cầu Giằng, có lúc ngồi xuống xòe bàn tay xoa lên mặt xi măng lỗ chỗ, xám xịt. Dân làng cho rằng bà đã lẫn cẫn, không ai nói chuyện với bà nữa. Thời gian ăn mòn trí nhớ của bà một cách nhanh chóng. Bà cảm nhận rõ cơ thể mình đang ngày mỗi rỗng roãng, đầu óc  thì đông đặc dần, mụ mị ra.

9. Bà vừa đi vừa bấm đốt ngón tay như tính toán gì đấy. Ra giữa cầu, bà tựa người vào lan can làm bằng những thanh sắt đã gỉ, những vệt bóng đen của cầu và của mình đổ dài trên mặt nước sông. Nó liên tục thay đổi hình dạng và màu sắc. Bà cảm thấy cầu Giằng đang mang bà rơi xuống rồi chìm xuống đáy sông, đáy sông đen thẳm những bùn.  

Lúc ấy, đám đông đã biến mất vào các ngả đường, bình yên trở lại. Lúc ấy, dân làng Giằng nhớ ra họ đã thấy bà Rơi đi ngược chiều với họ mà không quay về. Vài người trở lại bãi cỏ bên mố cầu Giằng mới, nơi vừa xẩy ra cuộc xô đẩy nhau. Vẫn không thấy bà đâu. Rồi họ cùng nghĩ đến Cầu Giằng cũ. Mỗi cuộc đời đều gắn với một cái gì đó. Thế nên dân chúng kéo nhau về phía cầu Giằng cũ. Họ tìm thấy bà nằm áp người trên mặt cầu giữa một vũng nước mưa đêm qua đọng lại, cánh tay giang rộng, những ngón tay co quắp quặp móng xuống mặt xi măng, như muốn vò xé, muốn níu giữ cái gì đó.    

10. Lễ khánh thành cầu Giằng mới kết thúc. Ông rời khỏi dãy ghế phủ vải đỏ có tua vàng  đi về phía bờ sông, nơi có một ngôi nhà tạm mới được dựng lên. Nhà làm bằng tre tươi, lợp lá cọ, ngoảnh mặt xuống sông Giằng. Ông sẽ nghỉ trong ấy chờ người đón đến phát lệnh nổ mìn phá cầu Giằng cũ. Bấy giờ khoảng lửng chiều, mặt trời khuất đâu đấy sau mây nhưng không khí vẫn bức bối và nồng mùi bùn. Mỗi một mình, ông ngã lưng xuống cái ghế xích đu bằng gỗ, nhìn ra bờ sông. Ông thấy ngấn bùn của cơn lũ năm nào đó, trắng như vôi in dài trên những gốc bần và những tán lá cây lúp xúp, thấy nước sông trôi, thấy sóng sủi bọt dưới gầm cầu Giằng cũ. Có cái gì đó khiến ông bồn chồn. Đang thế thì người ta báo cho ông hay trên cầu Giằng cũ dân chúng đang tụ tập rất đông. Một bà già cứ bám chặt vào mặt cầu, không dứt ra nổi. Việc đặt mìn phá cầu Giằng cũ để tránh tắt nghẽn như ông nói là không thể thực hiện được.

Ông rời khỏi ngôi nhà tạm với tâm trạng bất an. Đi cùng với ông, ngoài mấy người trong cơ quan còn một bà Trưởng thôn Giằng. Họ ngồi ô tô qua cầu Giằng mới rồi rẽ quặt lên mố cầu Giằng cũ. Bà Trưởng thôn nhấp nhổm, rồi lí nhí nói:

-    Nhất thiết phải làm hôm nay à?

Ông im lặng gật đầu. 

Cách mố cầu khoảng một trăm mét, xe dừng lại. Vẫn ngồi im lặng trong xe, ông nhìn đám đông đang nhốn nháo giữa cầu. Có mấy người tách ra đi xuống chân cầu bên kia, trong nắng quái nom họ mỏng tang, vật vờ như trôi.

Bà Trưởng thôn bỗng nói:

- Chỉ có dùng vũ lực mới kéo được bà ấy ra khỏi cầu, chứ không tuyên truyền  được đâu. Bà ấy lì lắm. Không lì mà hơn sáu chục năm một mình với một cái nhà tre, vách đất, một con thuyền gỗ vẫn cứ bám vào sông Giằng, cầu Giằng. Lặng một lát rồi bà ngậm ngùi nói tiếp - Mà thực ra cũng chẳng có cách nào khác. Mấy đời ở trên sông nước, gần với người chết nhiều hơn với người sống, làm sao bà ấy chống lại được ….

Bà Trưởng thôn như sợ lỡ lời,  đưa tay bưng miệng và im bặt.

- Biết rồi. - Ông nói, ngẩn ngơ nhìn xuống sông. 

- Bác biết bà ấy a? - Bà Trưởng thôn mở tròn đôi mắt ti hí.

- Tôi vừa nói vậy à? - Ông ngơ ngác hỏi. 

- Ôi là cái mồm của em cứ bép xép…- Bà  lúng búng.

- Quay lại. Về. Ông nói một cách khó nhọc nhưng giọng nhẹ tênh, trước sự sững sờ của mọi người.

11. Rút trong sổ tay bà Trưởng thôn: 

Đoạn 1: Năm …, trước thôn có thêm cầu Giằng mới. Cầu Giằng xây thời Nguyễn, gọi là cầu Giằng cũ vẫn giữ nguyên, người ta bảo để phục vụ cho dân trong thôn qua lại làm ăn, buôn bán. Nói vậy nhưng không phải vậy. Dân làng không ai qua cầu Giằng cũ nữa.

Đoạn 2: Sau đám tang bà Rơi, mưa kéo dài hàng tháng trời.  Dân làng nói, cứ đêm đến lại thấy một bóng đen hình người đàn ông nhoằng qua cầu Giằng, lặn xuống sông, vào ngôi nhà tre, vách đất giữa lùm dứa dại, rồi dật dờ ra nghĩa địa. Chẳng biết hư, thực ra sao. Lại thêm sự việc phải tìm hiểu. Những sự xẩy ra thuở nảo nào có ma mới biết…

Đ.B

 

Đức Ban
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 228 tháng 09/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground