Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chim gáy thổ đồng

Q

uê tôi, là nơi có nhiều đền thờ miếu mạo. Mỗi ngôi đền mang một dấu ấn lịch sử của vùng quê như miếu Tiên Công thờ mười bảy vị có công khai sáng ta vùng đảo này. Rồi đền thờ đức Thánh Trần, đền thờ Phạm Ngũ Lão. Người dân quê tôi từ mấy trăm năm về trước cũng không muốn khắc sâu hận thù vào quá khứ nên cả tướng giặc như Phạm Nhan cũng lập đền thờ. Xưa kia mỗi ngôi đền đều rợp bóng cây cổ thụ cao chót vót, cành lá xum xuê là nơi hội tụ của những đàn chim các nơi về làm tổ. Nhưng qua nhiều năm tháng phôi pha, nhất là khi tri thức khoa học đã tiếp cận đến những người dân vùng đảo và sự đi lên của nền kinh tế thị trường thì những cây đa, đề, si, sộp ở các ngôi đền người ta chặt đi mở thêm lò gạch, mở rộng đường làng, xây cất nhà cửa chen lấn ra cả những khu vườn của đền, miếu. Những đàn chim cò, vạc, chào mào, vàng anh, sáo sậu… chúng táo tác gọi nhau chạy loạn di tản đến xóm Chùa ở giữa cánh đồng xa làng mạc tới nửa giờ đường đi bộ. Ở đây là nơi đất lành cho những đàn chim vì duy nhất chỉ có xóm Chùa là còn những cây đa, cây đề to tới năm, sáu người ôm mọc ùm tùm trên khu đất lập đền thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão chưa bị chặt phá. Xóm Chùa còn có hàng chục khu vườn rộng tới vài sào bắc bộ trồng những cây ăn quả lưu niên, những bờ tre gai cao vút, những khóm duối rậm rịt là nơi cư trú thích hợp cho các loại họ hàng nhà chim. Còn nữa – Xóm Chùa toàn người làm nghề sông, biển. Sáng sớm họ vác lưới ra khơi, sẩm tối mới về nên suốt ngày vắng bóng người qua lại. Chẳng ai làm phiền, đàn chim tự do kiếm mồi, tự do ấp trứng trong tổ. Cứ sáng tinh mơ khi mọi người đi làm thì đàn chim cũng tỉnh giấc, chúng thi nhau hót râm ran cả vườn. Trong bản hợp xướng hỗn tạp ấy, người dân xóm Chùa vẫn nhận ra giọng hót của một đôi chim gáy. Chưa ai được tận mắt nhìn rõ nó, chỉ thấy trước khi gáy nó vỗ cánh phành phạch vài cái rồi bay vút lên không, dừng lại ở độ cao khi toàn thân nó chỉ còn như cái chấm đen to bằng quả ổi rồi dưới cổ, xòe cánh lượn một vòng quanh xóm, đoạn cắm đầu xuống như một mũi tên. Nó đậu trên một cành cây cao nhất – và gáy. Tiếng gáy của nó vào buổi sáng như tiếng nhạc thôi thúc làm nức lòng mọi người hẹn một ngày mới ra khơi. Lũ trẻ con như chỉ chờ có thế, chúng cũng chúm mồm bắt chước tiếng chim “Cục cù! Cục cù!” lập tức con chim gáy liền quay đầu đáp lại “Cục cúc cú… cu”.

Dân chơi và đánh bắt chim có lẽ không đâu bằng quê tôi. Đánh bắt chim là một thú vui và cũng là nguồn thu nhập của dân vùng đảo, nhưng trong các loại đánh bắt chim không có một loại đánh lưới chim nào cần sự thông minh điều khiển và tiếng gáy hay của chim mồi được kết hợp tài tình như khi đánh sập chim gáy. Quê tôi nhiều người đã thành “thợ đánh chim”, nhưng chọn ra những thợ lành nghề ấy cũng chỉ đếm được đầu ngón tay thôi.

Ấy thế mà tới chục tay đánh chim nổi tiếng khi đến xóm Chùa vẫn không dụ được con chim ấy xuống đất, có người mất hàng tháng trời phục kích, cứ sáng vác lưới, xách lồng thì chiều lại về không với nỗi luyến tiếc và tức giận.

Trong số những thợ đánh chim nổi tiếng chỉ còn mỗi ông Tuệ là người chưa vác lưới đến xóm Chùa. Ngày còn nhỏ ông là thiện xạ về bắn súng cao su, có biệt tài đánh sập chim gáy chim ngói. Cũng những con chim mồi tung, mồi xòe, cũng ở cùng một cánh đồng lúa có những gò đượng bên cạnh những cây đa, nơi ông Tuệ và mọi người dăng lưới đón lõng những đàn chim ngói từ phía biển bay về. Nhưng sau buổi đánh chim, bao giờ ông Tuệ cũng là người được dân làng và nhất là lũ trẻ háo hức đón xem lồng của ông nhung nhúc những chú chim béo tròn, mắt ngơ ngác thò mỏ ra khỏi lồng.

Ngoài tết Mậu Thân năm sáu tám ông đi bộ đội, có lần hành quân qua cánh rừng Yên Tử, đang giữa mùa thu chim ngói bay về đỗ rợp trên những cành cây dẻ. Nhân lúc nghỉ chân ông Tuệ đã nghĩ ra sáng kiến: tháo dây chun ở chiếc quân lót cũ, chặt một chạp cây làm súng cao su, ông ngồi dưới góc cây bắn tỉa được cả chục con. Các cậu lính cùng quê vốn quen ăn thịt chim ngói chỉ cần vặt lông qua loa, rồi cặp vào hai thanh tre đem đến bếp anh nuôi nướng, từng giọt mỡ chảy xuống than hồng kêu lèo xèo thơm phức. Cả tiểu đội được bữa cải thiện. Khi nghĩ hưu về làng ông nhận mấy sào ruộng làm để thêm thắt vào đồng lương hưu, thì giờ còn lại ông dành cho thú vui đánh sập chim. Tháng năm, tháng sáu ông vác lưới lên Yên Tử, Bảo Đài lùng đánh chim xanh, cấy hái xong, sang tháng bảy có gió heo may trải đồng là mùa chim ngói, sang tháng mười một, lúa gặt xong là mùa chim rạ. Chim gáy có thể đánh bốn mùa nhưng tháng hai, ba là dễ đánh nhất.

Đã nhiều người đến mách ông về con chim gáy ở xóm Chùa, ông chỉ cười hóm hỉnh “Cứ để các bác, các chú đánh đi, chim trời mà!” – đợi đến lúc mọi người đã nản, vào một buổi chiều ông Tuệ mặc một chiếc quần bộ đội, áo cộc tay trắng lững thững bước đi. Gió đồng mơn man đưa chân ông tới xóm Chùa. Ông dừng lại ở một ngôi đền đầu xóm. Mái đền rêu phong ẩn sau lùm cây um tùm tưởng như ánh sáng khó bề xuyên thủng làm cho ngôi đền mờ mờ, ảo ảo tăng thêm vẻ u tịch và huyền bí.

Thấy có người lạ đến lại là một ông già, một lũ trẻ nháo nhác chạy ra, mới đầu còn bẽn lẽn ngơ ngác đứng nhìn, sau chúng đánh liều đến hỏi.

- Ông đến đánh chim phải không?

- Chim nào?

- Ông giả vờ, ông nói dối thì có!

Biết nói dối trẻ con là có tội nhưng bây giờ ông Tuệ không thể nói thật:

- Không! Ông đi chơi thôi.

Sau một lúc nhìn kỹ ông Tuệ lũ trẻ cho rằng ông là khách ở tỉnh về chơi thật, chúng trở nên cởi mở.

- Ở đây có con chim gáy hay lắm ông ạ!

- Nó gáy thế nào?

Minh họa : THẾ HÀ

 

- Cháu gọi nó gáy để ông nghe nhé! Cũng đứa trẻ lúc nãy đưa hai tay lên miệng làm loa, miệng chúm lại “Cục cù! Cục cù!”. Có tiếng vỗ cánh phành phạch trên ngọn đa trong đền. Một chấm đen lao vút lên không, lát sau có tiếng gáy “Cục cù! Cục cù” rồi nó đổi giọng “Cục cúc cu…cu…cù!”. Ông Tuệ ánh mắt sáng lên reo thành tiếng: “Trời! Con chim gáy lèo chu, gụ gốc, tiếng gáy thổ đồng quý lắm! Hiếm lắm!”.

Một đứa trẻ tò mò hỏi:

- Thổ đồng là gì? Lèo chu, gụ gốc là gì hả ông?

Ông Tuệ kéo chúng ngồi xuống vạt cỏ giảng giải.

- Người ta chia tiếng chim gáy làm ba loại: Loại gáy nghe trong vắt và giòn như tiếng còi gọi là thổ còi. Tiếng gáy không vang mà dền dệt như có đờm vướng trong họng là tiếng gáy thổ dền. Còn tiếng gáy trầm, vang rất xa kêu như tiếng chuông đồng gọi là tiếng gáy thổ đồng. Loại thổ đồng là chim gáy quý nhất. Các cháu cứ nghe con chim trong vườn đang gáy mà xem, thường chim chỉ gáy ba đến bốn tiếng nhưng nó lại gáy “Cục cú cu… cu….cù” thêm tiếng “cù” đằng sau gọi là gáy “lèo”, nó gáy nhanh líu lại như muốn át mọi tiếng xung quanh là gụ gốc.

Lũ trẻ nghe ông Tuệ nói mới hiểu: Trước đây chúng chỉ mới biết nghe chứ chưa hiểu tiếng chim gáy thế nào là hay, thì ra thế giới loài chim cũng có nhiều điều thú vị lắm. Khi ông Tuệ về, chúng nài nỉ mời ông đến chơi lần nữa.

Hôm ấy về nhà, ông Tuệ cứ băn khoăn tự hỏi “Có nên bắt con chim gáy ấy không?” Nếu bắt nó là có lỗi với bọn trẻ, nhưng không bắt nó thì uổng quá, cả vùng này tìm đâu được con chim gáy hay như thế. Có nó, ông sẽ có hai điều cần và đủ: tài huấn luyện điều khiển chim mồi của ông và con mồi hay dụ bạn. Như vậy thử hỏi có con chim gáy nào không sa vào lưới của ông”. Ý ông đã quyết. Phải mất hàng tháng tuyển chọn trong lồng rồi đi khắp vùng Hà Nam mới tìm mua được hai con chim gáy vừa ý, ông đem về huấn luyện say mê kiên nhẫn như người dạy thú, chờ cho khi hai con chim mồi đã làm được theo ý chủ, ông chọn một ngày đẹp trời xách lồng, vác lưới lên xóm Chùa.

Trời chưa sáng hẳn, bóng tối còn lờ mờ bao phủ trên các lùm cây, xóm Chùa im ắng, chỉ cần một tiếng động nhỏ có thể làm cho đàn chim tỉnh giấc. Ông Tuệ khẽ khàng đặt lưới. Tất cả từ sào, cọc đến lưới ông đều vùi kín xuống đất rồi lấy cỏ khéo léo phủ lên. Ông đã dùng “chiến thuật” bất ngờ. Đợi lúc trời sáng hẳn khi các đàn chim đã vỗ cánh bay đi tìm mồi, ông quan sát từng cánh chim bay, biết rõ hai con chim gáy cũng đã đi ăn, ông Tuệ xách lồng chim treo lên một cành cây lá xum xuê phủ kín. Ông huýt sáo “Cục cù! Cục cù!”. Con chim bước lên cầu lồng dướn cổ gáy. Tiếng gáy thổ dền trầm đục không vang nhưng cũng đủ cho cả xóm Chùa  nghe thấy. Là chúa tể cả một khu vườn trong miếu, con chim gáy thổ đồng đã nghe thấy tiếng một kẻ lạ nào đó xâm lấn lãnh thổ của mình. Từ một thửa ruộng xa nó vỗ cánh bay vút lên rồi như mũi tên chắp cánh lao thẳng xuống một cành cây cao, cái đầu ngó nghiêng nghe ngóng. Con thổ dền của ông Tuệ trong lồng nghe tiếng chim lạ bay về, xuống cầu, hai cánh dựng đứng lên giật, giật. Chùm lông trắng phau trong lòng cánh của nó lúc ẩn, lúc lóe ra như ánh chớp. Nó dưới cổ lên “cục cù! Cù cù!” nó gụ liên hồi. Con thổ đồng biết kẻ lạ không vừa, nhưng qua hàng chục năm những người thợ đánh chim đã dạy cho nó một bài học “chớ có nóng nẩy quá mà mất trí không” nên nó thận trọng nhảy xuống một cành thấp, rồi bất chợt lao vút lên đỉnh cây cao chót vót. Cả ngôi đền và xóm Chùa vẫn im vắng, không một bóng người. Những cậu vàng anh vẫn bình thản tỉa lông làm dáng. Những chú chào mào vẫn đang đu mình với những quả đa vàng suộm. Con thổ dền của ông Tuệ nghe tiếng vỗ cánh biết con chim lạ đã bay đi. Nhìn thấy ngón tay của ông Tuệ gật gù trong chòi lá, nó hiểu ý: mỏ thò ra gài vào nan lồng, chúc mỏ xuống, đuôi chổng ngược lên gụ nhanh đến nỗi giọng líu lại như người bị ngọng. Con thổ đồng bay đi cốt là để đánh lừa đối phương tìm nơi quan sát cho kỹ nhưng nghe con thổ dền gụ mãi có hàm ý thách thức, cơn tức giận đã làm mờ trí khôn ngoan bình thản của nó. Từ trên một cành cao, nó chuyền xuống cành thấp quang đãng chỉ cách con mồi đất chừng mươi thước. Con chim thổ dền trong lồng im bặt. Từ trong chòi lá ông Tuệ đã nhìn rõ con thổ đồng đang ngó nghiêng tìm đối thủ, đôi mắt tròn lóng lánh đỏ ngầu, mình xanh thẫm, dưới hậu môn có một đám lông màu xám như dấu ấn ngón tay. Vòng cườm dày đậm, những hạt cườm đen, trắng chẻ ra li ti, hai chân rất ngắn màu da cam quắp cụp vào cành cây. Ông Tuệ thì thầm “loại chim có những đặc điểm thế này là gáy dai lắm, nó gáy bốn mùa, hiếm lắm!” Dưới vạt cỏ xanh non một con chim gáy có bộ lông mượt mà đang thản nhiên nhặt thóc, thỉnh thoảng cao hứng nó xòe một cánh ra, cái đuôi dài phe phẩy ưỡn ẹo. Kia rồi! Con thổ đồng trên cây đã nhìn thấy đối thủ, nó chớp cánh gáy đe dọa. Con chim lạ dưới đất như không để ý xòe tiếp cánh nữa ra, một chân cũng duỗi theo chiều cánh. Con thổ đồng chuyền tiếp sang mấy cành nữa rồi vỗ cánh bay sà xuống đất, nó đứng một lúc lâu quan sát, đi vòng một lượt quanh con chim lạ chỉ cách nhau hơn chục bước chân. Trong chòi lá, ông Tuệ như nín thở cầm sẵn dây bồng. Con thổ đồng ranh lắm, nó chỉ quanh quẩn đi ngoài vòng lưới, đôi mắt căm giận của nó đỏ mọng lên, nó trút vào tiếng gáy. Con chim lạ bất chợt đứng bật dậy chục đầu xuống rồi bỗng như một cái máy, nó gụ dồn dập “Cục cù! Cục cù!” Sự trêu ngươi như thế đã quá trớn, con thổ đồng vỗ cánh xà vào, hai cánh dương lên đập tới tấp về phía con chim lạ. Ông Tuệ kéo mạnh dây bồng, như một ánh chớp tấp lưới màu xanh rêu từ mặt đất vút qua. Con thổ đồng đã nằm gọn trong lưới.

Những người đánh lưới chim được tin ông Tuệ đã bắt được con chim gáy thổ đồng ở xóm Chùa, ai nấy đều nể phục, nhiều người tìm đến nhà ông Tuệ ngắm nghía xuýt xoa, họ gạ đổi con chim lấy hai tạ thóc, ông Tuệ lắc đầu. Một chiếc xe đạp Phượng Hoàng, ông Tuệ vẫn lắc đầu, đổi một chỉ vàng ông Tuệ vẫn không. Ông bảo “Các thứ đó có tiền là mua được còn con chim hay tìm được nó đã hiếm, bắt được nó càng khó hơn”. Ông Tuệ nuôi nó trong một chiếc lồng thật đẹp, ngoài lợp bằng lá chua vè, ông ra chợ mua đỗ xanh về trộn với thóc và thêm ít cát đổ vào một cái ống bơ trong lồng cho nó ăn, nhưng hàng ngày nó chỉ mổ vài hạt hình như để cầm cự mà sống, mới được vài tuần mà nó gầy đét, đôi cánh rã rời, cái mỏ lúc nào cũng chúi vào bộ lông cườm ủ rũ. Ông Tuệ chợt nhớ ra rằng giống chim cũng tình cảm như người, đây là con chim trống, còn một con mái nữa ở xóm Chùa, nó nhớ nhau là phải.

Ông Tuệ lại xách lồng vác lưới đến xóm Chừa. Sau khi dăng lưới xong ông Tuệ ung dung ngồi trong chòi lá, con thổ dền của ông vừa gáy được một hồi đã nghe thấy tiếng vỗ cánh phành phạch gần đấy, rồi một vệt sáng lướt qua chòi lá, ông Tuệ không kịp cầm dây bồng, con chim đã đậu xuống cách lưới ông chừng nửa mét, một tình huống thật bất ngờ ông chưa hề gặp, vài giây định thần ông nhận ra nó là con chim mái. Mắt đăm đăm nhìn dõi con chim, tay khẽ khàng cầm dây bồng, con chim ham mồi này chỉ vài giây sau sa lưới. Đúng như nhận định của ông con chim mái chỉ đứng nghe ngóng vài giây rồi xông thẳng vào con mồi đất. “Bốp” mô đất của con mồi đang đứng bỗng bật ra vỡ vụn, con mồi đất té ngửa giãy giụa, con chim mái hốt hoảng bay đi. Ông Tuệ bật khỏi chòi lá. Một cậu bé từ trong bụi duối chạy ra tay cầm chiếc súng cao su. Không ai khác chính nó đã bắn chết con chim mồi của ông. Ông Tuệ rượt theo vào tận trong xóm mới bắt được cậu bé, ông tóm lấy ngực nó quát: “Mày bắn chim của tao hả? Tại sao mày bắn?”

Cậu bé không trả lời.

- Mày có nói không thì bảo? Ông Tuệ vốn là người điềm tĩnh nhưng lúc này mắt ông quắc lên giận dữ.

Lấy tay chấm vào hai đầu con mắt đang chớp chớp, cậu bé đáp:

- Cháu không định bắn chết chim của ông, cháu chỉ bắn dọa để đuổi con chim bay đi thôi.

- Dọa gì, con chim đã chết lăn ra kia. Ông Tuệ giơ tay định tát cho nó một cái. Giữa lúc ấy có tiếng chim gáy trong vườn miếu, ông Tuệ nhận ra tiếng con thổ dền của ông thấy chủ đi lâu về nó cất tiếng gáy gọi. Mấy đứa trẻ trong xóm chạy ùa ra reo.

- A! Con chim gáy nó đã về rồi ông ơi! – Ba, bốn đứa trẻ chúm mồm lại “Cục cúc cù”. Tiếng con trẻ trong vườn reo làm cho cái xóm vạn chài nghèo khó sống hẻo lánh ở một vùng quê tự nhiên ấm cúng hẳn lên. Ông Tuệ nhìn thấy một ông già đang đan lưới dưới bóng mát cây nhãn lồng, ông lão dừng tay một lúc đứng nghe rồi chép miệng, lắc đầu nói với bọn trẻ.

- Không phải! Không phải đâu các cháu ạ, con chim trước, nó gáy tiếng trầm mà vang hơn, có lẽ là con chim lạ mới đến kết bạn với con mái còn lại chăng? Rồi ông buông một tiếng chửi đổng.

- Tiên sư chúng nó hết chặt phá cây, lại đánh bắt chim, cứ cái đà này thì đến lúc chỉ còn người sống với người thôi.

Sự thật về con chim ấy chỉ có ông Tuệ và cậu bé đang đứng trước mắt ông biết. Ông Tuệ nhìn cậu bé mặt đang cúi gầm, tay mân mê cái chạc súng thòng xuống trên ngực. Bỗng nó ngẩng phắt lên, gương mặt ngây thơ nhìn ông, đôi mắt hoe đỏ long lanh ngấn nước, nó nói.

- Cháu sẽ bảo với bố cháu xin đền ông con chim ấy, còn bây giờ ông nên đi nhanh ra khỏi xóm này, cháu sợ nhiều người biết đến ông không tiện.

Không phải ông Tuệ sợ điều mà cậu bé vừa nói, vì đã là giống chim thì ở đâu nó cũng chỉ là chim trời, ai cũng có quyền đánh bắt, mà có một điều đáng sợ hơn vừa lóe lên trong óc ông Tuệ nên ông lặng lẽ trở lại ngôi đền cuộn lưới lại. Cậu bé cũng lững thững theo ông vào vườn, nhìn thấy con mồi đất chưa chết, nó chỉ bị trúng viên đạn đất vào đùi đang bước khập khiễng. Cậu bé vội vuốt ve con chim, chúm môi thổi phù phù vào chỗ thâm tím trên đùi nó “Khổ thân em, ta không có ý định bắn trúng em đâu”. Có lẽ vì sự vuốt ve âu yếm và hơi ấm từ tận đáy lòng cậu bé truyền sang, con mồi đất của ông Tuệ đã dịu đi vết thương, nó nhẩy ra khỏi tay cậu bé. Bỗng nó vỗ cánh mấy cái làm đà rồi chúc mỏ xuống gáy “Cục cúc cu…cu…!”. Ông Tuệ cười “Nó gáy gọi bạn đấy”. Gương mặt cậu bé bỗng nhiên đanh lại.

- Con chim mồi của ông hay quá, đoạn cậu ta buông tiếng thở dài: “Kể ra lúc nảy nó chết đi lại hóa hơn”.

Ông Tuệ ngạc nhiên hơn là tức giận.

- Tại sao nó chết lại hơn

Cậu bé nói rành rọt từng tiếng

- Vì ông có những con chim mồi hay như thế, càng hay chúng càng dụ được nhiều bạn về sa lưới của ông.

Ông Tuệ đứng lặng người. Ông nghĩ đã ngoài sáu mươi tuổi, đứng ở cuối điểm mút cuộc đời rồi, đến nay ông Tuệ đã huấn luyện được bao nhiêu con chim hay, mỗi con chim hay lại dụ về cho ông bao nhiêu con chim nữa? Ông Tuệ không dám nghĩ nốt để làm một con tính nhẩm, và đến lúc này ông đã hiểu ra tất cả. Ông ôm cậu bé vào lòng.

- Xin cảm ơn cháu vì cháu đã nói đúng: “Con chim mồi gáy càng hay, càng hại nhiều đồng loại”. Cháu không phải đền bù gì cả. Chính ta mới là người phải đền cho cháu, cho xóm Chùa cái con chim ấy.

*  *  *

Mấy ngày sau ông Tuệ đạp xe đi khắp vùng đảo mua được hai con chim gáy hay nhất của mấy người thợ sập chim nổi tiếng bán lại. Những người đi làm sớm ngang qua nhà ông Tuệ nhìn thấy một cảnh tượng chưa bao giờ họ thấy ở vùng đất này. Ông Tuệ lần lượt mở cửa hai chiếc lồng. Hai con chim bị nhốt lâu ngày thập thò cái mỏ một lúc lâu mới nhẩy ra đứng ở bậu cửa lồng ngơ ngác nhìn ông Tuệ, nhìn đám đông người đang đứng xem, rồi chúng bay đậu lên ngọn tre trước nhà. Ông Tuệ lại mở chiếc lồng lợp lá chua vè bắt con thổ đồng ra, ông đặt nó đứng trên lòng bàn tay vuốt nhẹ lên vòng cườm mượt mà của nó: “Ta trả lại mày cho xóm Chùa”. Ông Tuệ tung nó lên không, con chim chớp cánh bay lượn một vòng trong xóm rồi về đậu trên ngọn tre. Ba con chim đậu chụm lại làm cho cành tre cong xuống như một dấu hỏi in đậm trên nền trời xanh ngắt giữa buổi sáng mùa hè.

Ông Tuệ từ bỏ nghề đánh chim gáy từ đấy.

T.L

 

Tiến Luận
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 201 tháng 06/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground