Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

chùm tản văn

 

T

ôi trở về làng khi mọi người đang tất tả vào mùa, nhìn những thửa ruộng gặt xong còn trơ nguyên gốc rạ, xen lẫn những thửa ruộng trĩu hạt đang chờ bàn tay con người thu hoạch. Ai mà về quê đợt này, nào gặp lúa lúa, rơm rơm quả thật bận rộn.

Tôi còn nhớ như in những lúc ba mẹ chở những đầy chiếc xe lúa về, mấy anh em thích nhất là những bó rơm từ tay ba mẹ vứt ra sau khi đã "nhã" hết những hạt lúa từ chiếc máy tuốt đang quay vòng tròn. Nhìn đống rơm mỗi lúc một to cao hơn, trẻ con như chúng tôi quả khoái chí. Các trò trẻ con tha hồ bày ra, nào chạy nhảy, giẫm đạp để cảm nhận được sự bập bênh, êm dịu; nào lộn nhào để làm sao đống rơm che chở khỏi va đập phải vật cứng... Mặc bị la mắng, mặc cho những "cơn xót" do rơm để lại len vào trong giấc ngủ, có khi mãi chơi mình mẩy rách cả, nhiều vùng ứa đỏ, nhưng đố ai cản trở được nguồn vui nghịch đùa với rơm của lũ trẻ chúng tôi. Cứ thế, tuổi thơ chúng tôi lớn lên từ những vụ mùa, từ những chòi rơm cao ngất mà mỗi đêm chúng tôi cùng chia nhau chơi trò "đánh du kích", không biết mệt mỏi. Kể cũng lạ, trò chơi thót tim đến vậy, mà ai cũng háo hức đợi tối rồi chia thành hai phe "tham chiến", chia ranh giới hai phe rõ ràng. Đợi một lúc mọi người vào chỗ ẩn nấp xong và chỉ định một người hô: 1,2,3 Tiến. Thế là trò chơi bắt đầu. Bên nào bắn trúng tên, địa điểm của những người phe đối lập thì đích danh người đó xem như đã "chết" đành ra đứng đợi mọi người đánh tiếp. Vui nhất là bọn trẻ chúng tôi ẩn nấp trong những đống rơm đã phơi khô tấp vội bên vệ đường chờ xong vụ mùa, để xây thành những "cơn" rơm to nằm chình ỉnh trước mỗi sân nhà ở nông thôn. Cái hay của ẩn nấp trong đống rơm ấy là rất bí mật, lại dễ làm nguỵ trang, nên chỉ cần phe đối lập đi qua là bị chỉ đích danh ngay lập tức. Nhưng ôi thôi, để chịu đựng được một thời gian trong cái đống rơm vừa mới phơi khô ấy thật là một cực hình, nào nóng toát cả mồ hôi, nào là mùi rơm phả vào mặt nồng nặc, nào những con "mát” (quê tôi hay gọi vậy) phá đám gây ngứa cả người. Những trò chơi trẻ con như vậy, nhiều đêm về trằn trọc không ngủ được vì bị mận ngứa, ấy thế mà chúng tôi đêm nào cũng tò te gọi bạn để cùng nhau chơi trò này.

Thời gian trôi đi nhanh thật, bây giờ bọn trẻ chúng tôi ngày ấy mỗi người một nơi, mỗi người một công việc, thỉnh thoảng đến lúc Tết, lễ được gặp nhau một lúc, hỏi nhau được năm ba câu rồi ai về đường nấy để tiếp tục lo toan cho cuộc sống của mình. Ở quê bây giờ đổi thay từng ngày, bà con đã đưa máy gặt đập liên hoàn vào sản xuất, rơm được máy rải khắp ruộng đợi khô đốt lấy tro phục vụ mùa sau, một số ít vẫn chịu khó gặt tay rồi thuê máy "thổi lúa" ngay tại ruộng của mình, đâu còn nữa những đống rơm khô. Trẻ con bây giờ cũng vậy, không còn những trò chơi như bọn trẻ chúng tôi ngày xưa. Thời gian của các em bận rộn với những buổi học thêm xuyên ngày, những trò chơi tiêu khiển cuốn hút từ Game, các chương trình truyền hình nối tiếp hấp dẫn. Thấy các em vẫn đi đi, về về, qua lại những đống rơm trên cánh đồng, làm tôi nhớ tuổi thơ của mình ngày xưa, mà buồn đến man mác. Còn đâu nữa những trò chơi, còn đâu nữa những bạn bè xưa cũ, những cánh đồng vừa mới gặt xong buồn tênh, quạnh quẽ, làm tôi nhớ mùi rơm ngày xưa mời gọi đến lạ kỳ.

 

Mưa ơi thôi rơi

 

           

Thời tiết năm nay cũng lạ, gió Lào chỉ đủ vương trên mái tóc rồi thôi. Cái nắng cũng không gắt gao như những năm trước. Đổi lại là những cơn mưa liên tiếp, trời sẫm một màu. Không biết nước từ đâu mà trời lại ban mưa cho quê tôi nhiều như thế, sáng mưa – trưa mưa - tối mưa. Ai cũng ngán ngẫm trong chiếc áo mưa rộng thùng thình cả mấy tháng trời nay. Nhìn cô bán hàng rong thôi cũng thấy tội nghiệp trên đôi gánh trĩu nặng hạt mưa.

            Ở cái xóm nhỏ của tôi ngày nào cũng mưa, những cơn mưa nối tiếp nhau không ngưng nghỉ. Đã gần hai tháng nay chưa thấy mặt trời, chỉ thấy trời mới tạnh, hanh nắng bà con lại hồ hởi đem lúa ra phơi, nhưng chưa đầy 30 phút lại phải hối hả thu dọn bởi những giọt mưa ngắn dài. Lúa gặt về mốc đen mọc rễ, bà con đành tặc lưỡi bán ngay cho thương lái với giá bèo bọt. Mà không bán làm sao được, lúa gặt về không phơi được chất đầy cả nhà, diện tích nhà trở thành sân phơi lúa tạm thời. Hôm qua lại nghe đài báo bão nữa, ngoài trời mưa trắng cả cánh đồng. Có những hộ dân còn nhiều thửa ruộng chưa gặt xong, tất tả ngược xuôi thuê người gặt, mong vớt vát đôi chút cũng đành bó tay. Bởi thời điểm này, giá công gặt quá đắt, vã lại ai cũng cần, ai cũng thuê thì lấy đâu ra đủ nhân công. Đành nhìn dòng nước lũ đổ về phủ lấp tất cả ruộng lúa chưa gặt, bao nhiêu công sức, tiền của mấy tháng trời làm vụ Thu Đông xem như mất trắng. Anh bạn thẫn thờ nhìn đồng lúa, buông tiếng thở dài: Giờ biết lấy gì nuôi con ăn học đây; đứa lớn năm hai Đại học đến tháng phải gửi tiền, đứa nhỏ học Phổ thông cơ sở cũng đóng đủ khoản...

            Cơn lũ vừa qua đi, ai cũng tưởng trời thương đưa nắng về. Nhưng không, những cơn mưa vẫn tiếp diễn, con đường đỏ lầy lội vấy bẩn cả người đi. Chiếu chăn ướt nhèm, ẩm mốc, bốc lên một mùi khó ngửi. Ngoài trời mưa dường như nặng hạt hơn.

Những cơn mưa vẫn thế, vô tình rơi trên nỗi buồn người khác. Đêm nằm nghe những cơn mưa thi nhau kéo về đỗ sàn sạt trên mái tôn, tôi lại thầm thì mưa ơi thôi rơi…

 

 

Gánh hàng rong

 

           

Thức với gánh hàng rong,

mẹ gánh tuổi xanh trong mắt những đứa con yêu...

 

Người làng tôi bảo mẹ tôi đẹp lắm, tuổi xuân nhiều trai làng trồng cây si nhưng mẹ tôi chỉ yêu ba tôi. Chúng tôi lớn lên trong ngôi nhà ấm áp tiếng cười, nhưng quá chật vật.

Để có tiền nuôi chúng tôi ăn học, ba tôi phải đi làm xa theo các toán thợ xây, thỉnh thoảng về nhà đưa tiền, rồi lại tất tưởi lau vội giọt nước mắt theo xe cho kịp công trình. Ở nhà chỉ còn lại năm mẹ con, ba anh em tôi đã lớn biết đỡ đần mẹ, còn em út khóc nhè hoài à. Mà cũng phải, thời tiết thay đổi nắng mưa thất thường, chúng tôi cũng mệt nhoài nói gì đến đứa út mới một tuổi. Khổ nhất là mẹ tôi, nắng cũng như mưa vẫn đôi gánh hàng rong ngược xuôi phố nghèo, chắt chiu từng đồng tiền nuôi chúng tôi khôn lớn. Nhiều đêm về thấy mẹ nhức mỏi đôi chân. Không ai bảo ai chúng tôi mỗi đứa mỗi việc bóp bóp, xoa xoa cho mẹ đỡ đau. Làm thì làm cho mẹ vui vậy thôi, bởi những cơn nhức mỏi đã thành kinh niên hành hạ mẹ, cơn đau từ trong các khớp gối, từ trên các khớp vai xuống đến mạn sườn. Nhiều đêm nghe mẹ khó nhọc trở mình, lại thương vô cùng. Mấy anh em chúng tôi lớn lên trên đôi gánh hàng rong của mẹ, không ai bảo ai cố gắng học thật giỏi, mai này đỡ đần gia đình.

Cứ thế, chúng tôi vào Đại học từ những gánh hàng rong nặng trĩu của mẹ và những đồng tiền đi làm thợ xa của ba. Nhiều tháng ra nhà cầm chút tiền học mà mẹ dành dụm được, thấy mẹ già đi nhiều quá, tóc bạc trắng, tiếng rao cũng đứt đoạn theo gió chiều; đôi chân thiếu nữ ngày nào của mẹ giờ chai sạn, toè ra sau những ngày tháng đi về mưa nắng, lòng không khỏi xốn xang...

Hôm nay, vừa về đến nhà cho kịp tuần sau đóng tiền học phí, đứa bạn thân cũng từ Đà Nẵng ra, chỉ một vài tin nhắn chúng tôi đã có mặt ở quán cà phê ven đường. Đang trò chuyện huyên thuyên, dáng gầy của mẹ trong ngõ hẽm đi ra cùng với tiếng rao quá đỗi quen thuộc. Mẹ đi lướt qua chúng tôi với đôi gánh nặng trĩu, có thể mẹ nhìn thấy, có thể không!... Bỗng dưng tôi thấy lòng mình chùng xuống, cà phê vẫn nhỏ từng giọt, nhưng tôi muốn về nhà, muốn làm một việc gì đó để gánh hàng rong của mẹ bớt trĩu nặng.

 

 

Nghĩ mà thương

 

           

Cũng như bao người, mỗi ngày tôi cũng vào mạng Internet, cũng đọc báo chí mong tìm được những thông tin hay, những bài viết cảm động. Lơ là vài ngày có cảm giác như mình đang thiếu gì ấy, giả như khát nước phải uống, nhớ quê phải về...

            Thế mà! Hôm rồi đọc một mấy dòng làm mình trầm ngâm suốt cả buổi sáng. Nghĩ mà thương, thương rồi ngẫm nghĩ “Đông Hà, ngày tháng năm; Hôm nay thứ 7 anh cũng đi làm à. Mình biết cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn nên anh phải làm thêm. Thương anh, nhưng mình cũng buồn, ngày hai buổi nấu ăn, giặt giũ, chăm con, cuộc sống của mình cứ vo tròn làm mình nhớ trường, nhớ lớp đến ngẩn ngơ. Hình như thấy mình yếu đi, không còn năng động như xưa, tiếng hát thôi còn trong trẻo...”.

Tôi quyết làm một cuộc hoán đổi, tôi nộp hồ sơ xin cho em vào dạy ở trường công lập, nhưng không được, bởi năm nay không có chỉ tiêu. Đưa em đi thi ở trường tư thục đang xây dở dang, cô Giám đốc đang tuyển dụng sau một hồi “Pi ai” nào là trường chất lượng cao nhất, dạy tốt nhất, giữ trẻ cả ngày thứ 7, chủ nhật, nếu vào đây dạy chắc chắn lương cao...rồi thản nhiên buông một câu: “Chờ em nhé, vì trường xây chưa xong, học sinh đang ít”. Mà đúng thật, hôm qua vờ đến trường thăm vẫn thấy cảnh trên xây dưới dạy mà sởn gai ốc. Tôi lại tiếp tục hành trình xin việc cho vợ, lần nay may mắn hơn, được cô Hiệu trưởng trường tư thục nhận đồng hương, nhận luôn vợ vào dạy. Lòng tôi mừng khấp khởi.

            Ngày đầu vợ đi dạy cả nhà vui như mở hội, để vợ đi sớm do ngày đầu vào việc chưa quen. Tôi một mình lo cho đứa con trai, đánh vật nào là ăn sáng, uống sữa, mệt bở hơi, nhưng vẫn thấy vui vui. Vừa đưa con đến trường là vội vã phóng xe đến cơ quan cho kịp giờ làm việc; dù quãng đường không dài cũng đã kịp nghĩ: “Ui chà, công việc chăm con tưởng đơn giản, hoá ra...mà vợ mình ở nhà làm biết bao nhiêu là việc”.

            Làm được hai tuần nghe vợ thở dài, một ngày cả hai cô chăm gần bốn mươi cháu. Ngoài việc tập hát, dạy dỗ các cháu, còn phải lau lau, chùi chùi cho các cháu được sạch sẽ là hết ngày. Nhiều lúc thấy con mình lớp bên cạnh đang khóc mà bận không sao vào dỗ được. Nghe vậy, mình lại thấy thấp thỏm. Vẫn biết cuộc sống đô thị với bao chật vật, xin việc đã khó, trụ lại công việc với đồng lương ít ỏi lại càng khó hơn. Nhưng ở nhà quanh quẩn với bốn bức tường, đi ra đi vào không biết bầu bạn với ai, quê nội quê ngoại đều xa thì buồn hơn. Nghĩ sao cũng thấy thương cả.

L.N.T 

 

Lê Như Tâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 223 tháng 04/2013

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

19/05/2024 lúc 01:23

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/05

25° - 27°

Mưa

22/05

24° - 26°

Mưa

23/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground