Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện người trong cuộc

Đ

ại úy Lê Ngọc Triết, trợ lý của đơn vị pháo binh quân đoàn 2, quê Triệu Phong, gần nơi đơn vị đóng quân nhưng do nhiệm vụ đặc biệt nên anh ít có dịp về thăm. Đất nước thống nhất, đơn vị pháo binh chuyển về đóng quân tại Phú Bài - thành phố Huế. Những năm 1976, 1977, bao nhiêu công việc bộn bề sau chiến tranh phải giải quyết, mỗi năm Triết chỉ tranh thủ một lần ghé thăm quê, rồi đến thăm Hà nhưng thời gian ngắn ngủi, rất vội, không kịp bàn chuyện cưới xin. Tuy vậy, Hà vẫn tràn trề hy vọng vào tình yêu thắm thiết với chàng sĩ quan. Anh chị đã có một thời gian dài chiến đấu bên nhau, yêu thương và thề hẹn. Những năm đơn vị pháo binh đóng quân ở Cửa Việt, trung đội dân quân của Hà phối hợp với bộ đội chủ lực chiến đấu tại địa phương. Cô hiểu và thông cảm với người yêu. Cô đặt hết niềm tin vào anh.

Năm 1978, đơn vị có nhiều việc mới rất quan trọng và bí mật nên tất cả chiến sỹ thường xuyên túc trực tại chỗ. Không về với người yêu được, có mấy lần Triết gửi thư cho Hà nhưng thư bị trả lại vì địa chỉ cũ nơi cô ở có thay đổi nên thư không đến tay người nhận. Điều này Hà không hay biết. Trong lòng Hà phân vân về tình cảm của Triết. Sao lại như thế nhỉ? Một năm chờ đợi, dài lắm. Đây là khoảng thời gian làm rạn nứt tình cảm của Hà với chàng sỹ quan đã từng thề thốt. Còn với Triết, anh vẫn tin Hà đang chờ đợi. Bận công việc nhà binh, anh quên mất một điều giản đơn: “Hoa đến thì, hoa phải nở”. Cả Hà và Triết đều không còn trẻ. Hạnh phúc lứa đôi của cả đời người đâu phải chuyện đùa. Với lại, anh thường xuyên được cấp trên cử đi tập huấn đột xuất những công việc cho tình hình sắp tới nên chưa có thời gian rảnh để về thăm Hà, bàn chuyện kết hôn như hai người đã giao ước với nhau.

Cuối năm 1978, sau khi tập huấn xong, đang thời gian chờ lệnh mới của cấp trên, đơn vị giải quyết cho Triết về phép thăm nhà. Nhưng ở quê bố mẹ không còn, nhà cửa bị địch tàn phá hết sạch, anh em ruột rà chẳng có ai, bà con nội ngoại đều chạy loạn đến nơi khác sinh sống nên anh xin phép đơn vị cho về huyện Gio Linh, nơi anh đóng quân ngày trước để thăm người yêu, sau đó sẽ cùng người yêu về quê thăm làng xóm một thể. Thủ trưởng đơn vị biết rõ chuyện cô dân quân xinh đẹp ở xã Gio Việt đã từng phục vụ đơn vị pháo của Triết và họ yêu nhau mặn mà hồi trước nên đã thúc giục, động viên anh về ngay với người yêu. Đồng chí chỉ huy vui tính còn nói như ra lệnh:

- Anh đi lần này phải bàn chuyện cưới cô ấy cho bằng được. Đơn vị sẽ đứng ra tổ chức đám cưới cho anh chị chu đáo, nghe chưa. Lo chuyện gia đình đi, không còn trẻ nữa đâu, hiểu không?

Triết vui vẻ giơ tay chào đáp lại theo quân lệnh:

- Báo cáo thủ trưởng, rõ! Tôi xin chấp hành “lệnh” của đồng chí!

Trong thâm tâm, Triết cũng tính đến chuyện xin được cưới Hà trong lần nghỉ phép này. Trên chuyến xe đò từ Huế ra Đông Hà hôm ấy đông nghịt khách, nhưng chàng đại úy vẫn cố bám để chen lên cho bằng được, vì đây là chuyến xe cuối cùng trong ngày, không thể bỏ lỡ. Anh khấp khởi vui mừng khi nghĩ đến sự xuất hiện đột ngột của mình sẽ làm cho Hà - người yêu ở làng biển bên bờ bắc Cửa Việt - reo lên và ôm riết lấy anh như thuở nào. Rồi sau đó là những cử chỉ âu yếm, giận hờn, mừng tủi và tình yêu nồng nàn lại dâng trào như ngày xưa anh chị đã từng dành cho nhau. Nghĩ đến giây phút gặp người yêu sau thời gian xa cách vời vợi, anh thấy lòng rộn ràng khó tả… Anh nghĩ: Lần này nhất định sẽ bàn với Hà, rồi xin bố mẹ cô ấy cho làm lễ cưới, để anh dù nay đây mai đó nhưng vẫn có chốn neo đậu, có một vùng trời bình yên trong trái tim người lính. Với lại, việc riêng tư đó, đơn vị cũng đang chờ đợi kết quả qua chuyến đi phép lần này của anh. Chính anh cũng đã hứa với chỉ huy như thế. Nghĩ đến những gì sắp tới, lòng anh phấn chấn lạ lùng. Bao nhiêu năm cầm súng, chưa lúc nào người sĩ quan pháo binh này có được những giờ bình yên để dành trọn suy nghĩ đến tình yêu, chuyện xây dựng hạnh phúc lứa đôi như lúc này.

Đúng vào dịp giáp tết. Những ngày cuối năm trôi qua hối hả. Nhịp điệu cuộc sống khẩn trương, gấp gáp hơn ngày thường. Trên dòng sông Hiếu từ Đông Hà xuôi về Cửa Việt, chuyến đò nào cũng nhộn nhịp, đông đúc. Mọi người đi sắm tết tất bật, chào hỏi nhau râm ran. Người không quen biết cũng nở nụ cười thân thiện như đã từng gặp nhau. Lúc Triết xuống xe, ra bến sông thì chỉ còn chuyến đò duy nhất cuối ngày về Cửa Việt. Không chút đắn đo, anh bước xuống đò cho kịp đến với người yêu tối nay. Trên đò chở nhiều đồ lễ cưới. Triết vui lây niềm hân hoan của những ngư dân đi sắm tết và mua lễ cưới cho họ nhà trai. Khi đò xuôi dòng, anh bắt chuyện với những người xung quanh. Thì ra, họ cùng về làng biển ở phía bắc Cửa Việt mà anh cũng xuôi đường đến đó. Qua câu chuyện, Triết biết chỉ còn hơn một tuần nữa sẽ diễn ra đám cưới của một cô gái trong làng với chàng ngư dân xóm bên. Người ta kể cho anh bộ đội nghe chuyện cô gái có tên Hà, là dân quân xã Gio Việt đã hẹn với một sĩ quan quân đội có thời gian đóng quân ở đó, chờ ngày làm lễ cưới. Nhưng khi đơn vị anh hành quân đến nơi mới, chờ mãi không có tin tức, cô đành phải lấy chồng. Câu chuyện nghe trùng hợp với người yêu của anh. Trong lòng thoáng nghi hoặc, nhưng anh vẫn cứ nghĩ đó là chuyện một cô gái trùng tên người yêu của mình mà thôi.

Đò về gần bến đỗ, mấy người chỉ vào làng, bảo: Cô gái sắp cưới ở trong xóm ấy. Họ còn nói rõ cả tên bố mẹ của cô gái. Vậy là đúng rồi. Lúc này anh mới vỡ lẽ người sắp cưới chính là Hà của anh, không phải ai khác. Anh bàng hoàng, giận mình cả năm qua không tìm cách liên lạc với người yêu, cứ nấn ná chờ có dịp sẽ về thăm rồi xin cưới luôn. Xẩy ra cơ sự này là do anh, không phải tại cô ấy. Yêu nhau tha thiết mà bỗng dưng một năm bặt tin là chuyện không bình thường. Khi còn chiến tranh thì còn được. Đằng này, đất nước hòa bình, thống nhất, anh ấy còn bận gì mà đến nỗi một năm qua không có lấy một lần về với người yêu? Ở vào trường hợp đó, Hà cũng như bất kỳ cô gái nào cũng nghĩ rằng, người đàn ông đã quay lui, bội tình, không còn hy vọng. Lẽ nào con gái đi tìm con trai để bàn chuyện cưới? Anh vô cùng ân hận và giận bản thân mình. Chao ôi! Có gì chua xót hơn khi về gặp người yêu để bàn chuyện trăm năm thì cũng là lúc người ấy sắp cất bước theo chồng? Là một người cứng rắn, thế nhưng lúc này trông anh thật thảm hại, tâm trạng rối như tơ vò, giống kẻ mất hồn. Anh run run móc túi áo ngực, lấy ra mảnh giấy, viết mấy dòng vội vã rồi bỏ vào phong bì, nhờ một phụ nữ là người cùng xóm đưa đến cho Hà ngay tối nay. Người phụ nữ nhiệt tình hứa sẽ làm đúng như lời anh nhờ.

Mọi người lên đò, cười nói vang cả khúc sông, tỏa về khắp nẻo. Con đò cũng được neo lại để sáng mai đón khách lên Đông Hà. Bến bãi vắng tanh như lòng người trống trải. Triết đi ngược bến đò một đoạn dài rồi ngồi nghỉ lại bên bụi cây rậm, buồn bã. Hút xong điếu thuốc lá, xốc lại ba lô, anh quyết định cuốc bộ một mạch lên Đông Hà cho kịp chuyến xe đò sớm mai trở lại đơn vị. Chưa bao giờ anh thấy sự cô đơn, khổ tâm đến như thế. Anh cũng chẳng còn bụng dạ nào mà về thăm quê Triệu Phong nữa. Buồn lắm! Người yêu sắp rẽ bước sang ngang, về làm dâu nhà khác! Sao mà đau đớn thế? Tâm trí anh chỉ có suy nghĩ duy nhất là mong đến bến xe Đông Hà càng nhanh càng tốt. Chỉ có như thế may ra mới dần nguôi nỗi bàng hoàng vừa ập đến với anh.

Người phụ nữ cầm bức thư đi thẳng đến đưa cho Hà trước khi về nhà. Bất ngờ nhận được thư anh, Hà đọc nhanh và hỏi người đưa thư về anh bộ đội đó. Đúng là anh đã trở về thật rồi. Hà nhét vội thư vào túi, luống cuống chạy một mạch như bị ai đuổi ra bến sông tìm anh. Vắng vẻ quá! Anh ở đâu? Cô đi vào xóm bên, tìm hỏi khắp vẫn không có anh. Trở về nhà, Hà nằm vật ra giường, đầu óc quay cuồng. Mọi suy nghĩ của cô về anh suốt một năm qua bị đảo lộn hoàn toàn. Chính cô đã lầm. Cô lấy thư anh ra xem. Ngoài số hòm thư, còn có địa chỉ cuối cùng ghi rõ ở Phú Bài - thành phố Huế. Sau một đêm dằn vặt căng thẳng, cuối cùng cô quyết định hủy đám cưới để đi tìm người yêu. Gia đình cô cũng như nhà trai hết sức bất ngờ. Cô dặn với bố mẹ khi đem trả lễ vật lại cho nhà trai rằng: “Nói rõ là con đã có người yêu rồi. Người yêu của con đã trở về. Con không thể phụ bạc người ta. Chuyện đám cưới xin hủy. Anh ấy đi tìm người khác, đừng chờ con nữa…”. Trước thái độ dứt khoát đó, cả hai bên nhà trai, nhà gái đành phải cảm thông, chả còn biết nói gì được nữa. Người chồng sắp cưới không hiểu chuyện gì, anh rất buồn, vội vã tìm Hà để hỏi cho ra nhẽ nhưng cô tìm cách lảng tránh, không gặp.

Trưa hôm sau, Hà theo thuyền lên Đông Hà, quyết đi tìm anh cho bằng được. Len lỏi khắp bến xe, hỏi nhiều gia đình gần đó có người đang ở trong quân ngũ nhưng không có ai ở cùng đơn vị của anh. Cô đành quay về nhà, viết ngay cho anh một bức thư, nói rõ việc cô đã hủy hôn, chờ anh trở lại bàn chuyện cưới. Thật rủi, khi thư đến đơn vị thì Triết đã đi tập huấn gấp để chuẩn bị nhận công vụ mới. Khi Triết về lại đơn vị, đọc thư của Hà, anh giật mình không tin vào mắt mình. Anh không thể trả lời người yêu, vì làm như thế thì có tội với chàng thanh niên kia. Anh thấy chuyến trở lại Cửa Việt vừa rồi đã gây nên một sự lỗi lầm lẽ ra không đáng có. Chờ thư anh sốt ruột từng ngày mà chưa có hồi âm, Hà quyết định vào Huế để gặp người yêu nói cho rõ ngọn nguồn. Vì tình yêu, cô sẵn sàng đến bất cứ nơi nào, dù phải trải qua gian lao vất vả, miễn là có được anh.

Hà tìm được đúng đơn vị của Triết. Lại một lần nữa cô không gặp may. Cô vừa chân ướt chân ráo đến đơn vị thì cũng là lúc Triết và đồng đội của anh đang ở trên ô tô trong tư thế chờ lệnh xuất phát hành quân đến biên giới Cam-pu-chia. Lãnh đạo đơn vị đưa cô đến chỗ đoàn xe sắp chuyển bánh. Cả một đoàn xe dài dằng dặc mà Triết ở tít đầu cùng nên gọi cũng chẳng nghe được. Khi cô chạy tới, chỉ còn cách vài chiếc xe là sẽ gặp được anh thì đúng lúc cả đoàn xe ầm ầm chuyển bánh. Cô chạy vụt lên, giơ nón vẫy rối rít:

- Anh Triết ơi, em đây…

Những người lính trong các xe ngạc nhiên ló đầu ngoái nhìn qua cửa kính. Triết cũng nhìn theo. Anh bỗng nhận ra hình dáng của Hà. Nhưng việc nhà binh không thể dừng lại được. Triết lấy mũ vẫy lia lịa, anh nhoài người ra cửa xe hét to:

- Hà ơi, anh ở đây…

Họ đã nhận ra nhau, nhưng không thể đến bên nhau được! đoàn xe cứ đi…

Nghe tiếng Triết gọi như gào tên cô gái, anh tài xế cho xe giảm tốc độ một chút. Cô gái vừa chạy, vừa dặn với theo:

- Em… chờ anh, lâu mấy em cũng… chờ. Nhớ… gửi thư… cho em…

Chân cô líu ríu, vừa thở gấp gáp, vừa dặn dò đứt quãng với người yêu. Những chàng lính trẻ đang có người yêu chờ đợi ở quê nhà nghe mà cảm động, rưng rưng.

Triết đáp lại:

- Anh sẽ về với em. Chờ anh nhé! Anh sẽ về… cưới em…

- Em chờ… mãi mãi…

Thế là lời hứa của Triết và Hà đã thốt ra, mang cả nỗi niềm của người đi xa cũng như người ở lại. Độc lập, tự do của Tổ quốc dù thời bình hay thời chiến mãi mãi gắn liền với hình ảnh người lính lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh xuất kích. Đất nước thống nhất nhưng người lính vẫn còn phải ra đi. Anh lại xa người yêu thêm một lần nữa. Đó là vào đầu năm 1979, mặt trận phía Tây Nam không bình yên. Máu của chiến sĩ ta vẫn đổ xuống để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Lúc này, Triết đã được phong quân hàm thiếu tá nên nhiệm vụ nặng nề hơn. Trong lòng anh đăm đắm về nơi có Hà đang ngày đêm mỏi mắt mong ngóng người thương. Do bí mật quân sự, với lại đóng quân vùng rừng núi, thư từ không gửi được. Ở quê, Hà nhớ anh vô cùng nhưng vẫn biết việc thư anh không đến là do điều kiện chiến trường, cũng giống như bao nhiêu năm yêu và chờ đợi mà không có tin tức, suýt nữa cô đã bội ước lời hẹn với anh. Đã chấp nhận thề non hẹn biển với người lính thì phải chịu nhiều thiệt thòi về tình cảm, phải chờ đợi, xa cách dằng dặc là chuyện bình thường mà biết bao người vợ, người mẹ, người yêu đã gánh chịu có khi gần trọn cả cuộc đời.

Chuyện Hà hủy hôn với nhà trai đã làm xóm làng xôn xao và có lời bàn tán của nhiều người, hay có, dở cũng có. Khổ tâm nhất vẫn là bố mẹ Hà. Chuyện đã rồi, biết nói gì được nữa? Riêng Hà thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản. Cô vui vẻ như chưa bao giờ vui như thế. Cô thầm hứa với lòng: “Lâu mấy cũng đợi anh. Anh không trở về thì em sẽ ở vậy nuôi bố mẹ, không lấy chồng”. Chẳng lẽ cứ thủy chung cho đến khi quá lứa lỡ thì mà người yêu không trở lại thì thế nào? Nhưng có sao đâu? Đất nước này không thiếu những “hòn vọng phu” đã thành truyền thuyết, đẹp mãi với thời gian.

* * *

Đơn vị của Triết chiến đấu ở biên giới Tây Nam rất quyết liệt. Trong một lần trinh sát tìm nơi đặt pháo bộ binh, địch phục kích bất ngờ, anh bị thương khá nặng, tìm đường về đơn vị nhưng lạc sang đất Cam-pu-chia lúc nào không hay. Anh tìm đến một chỗ rừng rậm để nghỉ và tự băng bó vết thương. Rất may có một gia đình nông dân bản xứ phát hiện thấy anh nằm bất động, họ tìm cách đưa anh về nhà chăm sóc. Khi biết đó là bộ độ Việt Nam đang chiến đấu ở biên giới để bảo vệ chủ quyền Việt Nam và đất nước của họ, cả nhà bí mật chăm sóc anh rất chu đáo. Họ tìm một bác sĩ giỏi đến tận nhà để mổ vết thương cho người lính Việt Nam. Nhờ có học được tiếng Cam-pu-chia, tuy còn nhiều chỗ bập bõm nhưng Triết cũng đã làm quen và nói cho người trong nhà biết về mình. Anh chỉ nói mình là bộ đội địa phương, bị phỉ phục kích, đánh nhau bị thương. Anh cảnh giác, đề phòng mọi điều không lường có thể xẩy ra. Đó là bản lĩnh của người lính làm nhiệm vụ đơn tuyến đặc biệt dọc biên giới. Nghe vậy, nhưng gia đình không hỏi gì thêm, họ biết anh là bộ đội Việt Nam đang vì đất nước họ mà chiến đấu, thế thôi. Gần hai tháng ở tại nhà nông dân ấy, vết thương của Triết đã lành, nhưng phải đi nạng vì một bàn chân bị dập xương, phải cưa bỏ. Trong nhà có ba cô con gái. Cô chị đầu đã đến tuổi lấy chồng. Cô rất cảm tình với anh bộ đội Việt Nam. Anh khỏe mạnh, đẹp trai, cơ thể rắn rỏi. Việc chăm sóc anh trong những ngày bị thương nằm trên giường đều do cô đảm nhận một cách vui vẻ và tự giác như là bổn phận. Cô vừa gần gũi chăm sóc, vừa dạy cho anh học tiếng Cam-pu-chia, nhờ thế nên anh nói tiếng người dân bản địa rất thành thạo. Từ khi bị địch phục kích, đơn vị của Triết có nhiều người hy sinh, còn những người thất lạc chưa tìm hết. Đơn vị khẳng định Triết đã hy sinh, vì anh làm nhiệm vụ đơn lẻ.

Triết xin phép gia đình người Cam-pu-chia về tìm đơn vị. Gia đình hai ông bà thoáng chút buồn nhưng đành phải đồng ý, còn cô gái không muốn cho anh đi, vừa lo anh bị lạc, vừa muốn anh ở lại làm chồng. Tình huống thật khó xử. Anh đoán đơn vị chắc đã làm giấy báo tử gửi về địa phương. Nhưng nếu trở về Việt Nam thì vô tình anh phụ lòng gia đình và tình cảm của cô gái đã cứu anh từ cõi chết trở về. Vắng anh, cô gái đã từng yêu thương, chăm sóc anh sẽ sống ra sao? Nếu như vậy thì chính anh lại gieo thêm một nỗi đau lẽ ra không đáng có! Nghĩ đến điều đó, anh chần chừ, cuối cùng chấp nhận ở lại với gia đình theo mong muốn của cô gái. Việc anh ở lại được cả nhà mừng rỡ, làm tiệc mời họ hàng và những gia đình trong xóm. Từ hôm ấy, Triết được bố mẹ cô gái coi là con rể. Họ làm cho anh chị một căn nhà riêng sinh sống với nhau. Tình cảm của cô gái Cam-pu-chia với anh bộ đội Việt Nam gắn bó mặn mà, hạnh phúc tràn đầy. Vì tình yêu, cô vợ hết lòng chiều chuộng, nâng niu chăm sóc anh chu toàn. Với tình yêu ấy, anh thật mãn nguyện. Chiến tranh đã đưa đẩy con người vào những hoàn cảnh không thể lường trước nổi. Sống bên người vợ dịu dàng, nết na, anh vẫn canh cánh trong lòng niềm thương nhớ về Hà. Trong hoàn cảnh như thế, anh không trở lại với Hà được nữa. Anh rất khổ tâm mà không nói ra được với người vợ đang yêu thương anh hết mực. Anh định bụng, chờ một lúc thích hợp sẽ thổ lộ hết với vợ để tìm sự chia sẻ, rồi hai vợ chồng cùng về Việt Nam thăm người yêu cũ của anh. Nếu không làm được điều ấy, anh ân hận suốt đời, không xứng đáng là một thằng đàn ông lúc nào cũng lấy chữ tín làm trọng.

Mãi đến khi đứa con trai đầu lòng được hơn một tuổi, Triết mới bộc bạch với vợ chuyện riêng của mình. Nghe chồng kể rõ nguồn cơn câu chuyện tình ngày trước, vợ không những không có thái độ phản ứng mà còn tỏ ra đồng tình với chồng sẽ trở lại Việt Nam tìm gặp và thông cảm với người yêu cũ của anh. Người vợ Cam-pu-chia cũng cảm thấy có lỗi với cô gái Việt Nam. Tuy nhiên, do bận công việc gia đình nên hai vợ chồng chưa có cơ hội thực hiện dự định đó.

* * *

Sau khi chia tay người yêu ở thành phố Huế, Hà trở về nhà yên tâm chờ đợi. Chờ mãi vẫn không nhận được tin, cô vào Huế tìm gặp những người trong đơn vị anh để hỏi rõ tình hình. Lúc này đa số chiến sĩ lên đường cùng anh dạo đó đang chiến đấu ở mặt trận Tây Nam chưa trở lại. Trong số họ, nhiều người đã hy sinh. Lòng cô ngổn ngang bao suy nghĩ, bồn chồn, nhớ thương anh da diết. Lần thứ hai, cô sốt sắng đến hỏi tin tức về anh thì đơn vị không thể giấu, đành báo một tin chẳng lành: Anh bị mất tích trong một lần địch phục kích, chưa rõ anh còn sống hay đã hy sinh? Cô trở về trong tâm trạng buồn đau khôn xiết. Nhưng cô cứ linh cảm anh đang còn sống. Để giữ lòng chung thủy với anh, cô không nhận lời xây dựng hạnh phúc với bất cứ ai, mặc dù có một vài đám đến đặt vấn đề tìm hiểu, ngỏ ý lấy cô làm vợ.

Cô vào Huế, cùng người thân đến nhà chùa tìm một đứa trẻ đưa về làm con nuôi. Hình như tình cảm và số phận của cô có trời soi thấu nên khi đến chùa, cô được nhận một cháu trai bụ bẫm, khôi ngô mà người mẹ nào đó đã nhẫn tâm bỏ ngay trước cửa chùa hơn một năm về trước, không hề để lại một dòng địa chỉ. Sau khi làm xong thủ tục nhận con nuôi, người mẹ chưa từng làm vợ này đưa con về nhà, lòng tràn ngập hạnh phúc. Nhà sư trẻ đã từng chăm sóc đứa bé từ lúc sơ sinh cứ rưng rưng nước mắt khi trao cháu cho Hà. Nhà sư còn sắm rất nhiều áo quần, đường sữa cho cháu bé. Lúc Hà đưa cháu về, cả nhà rất phấn khởi, coi như đó là đứa con của chính con gái mình sinh ra. Nó là cháu ngoại của gia đình. Đêm đêm, Hà cầu nguyện cho anh được bình yên trở về. Đứa con là tình yêu của chị dành cho anh trong những tháng năm vò võ đợi chờ. Tình chung thủy đã giúp chị ôm ấp, nuôi thằng con lớn lên từng ngày. Càng lớn, thằng bé có những nét hao hao giống anh. Thật là kỳ lạ. Người xung quanh bảo rằng: “Vì chị lúc nào cũng nghĩ đến người ấy nên đứa con có những nét giống như chị mong ước.” Không nói ra nhưng nghe những lời như thế, Hà vô cùng phấn khởi. Ôi tình yêu, sao mà nó thiêng liêng và da diết đến thế! Chỉ có tình yêu mới làm cho con người đẹp lên, sẵn sàng hy sinh tất cả cho thứ tình cảm ngọt ngào say đắm nhất trên đời nhưng ẩn chứa bên trong nhiều đắng cay, mất mát mà đố ai có thể rứt nó ra được? Biết bao người đau khổ vì tình, phải trả giá quá đắt của cuộc đời cho những mối tình chua chát, bất hạnh, có khi trở nên thù hận  nhưng lúc đứng trước một mối tình mới xuất hiện đều tỏ ra vụng dại, mất hết sự khôn ngoan, rồi lại lao vào đắm đuối, không còn biết trời đất là gì cũng như không lường được những chuyện buồn khổ sẽ xẩy ra sau đó.

Hằng ngày đi làm về, trông thấy đứa con, Hà sung sướng lắm. Nhưng sau mỗi lần như thế, chị lại nhớ anh, lấy ảnh anh ra xem, trong lòng thầm gọi: “Anh ở đâu?” Đêm đêm ôm con trong lòng, nỗi khao khát về anh cháy bỏng làm người chị nóng ran, quay quắt. Trời ơi, chỉ mong được làm vợ như bao người phụ nữ khác mà chị cũng thiệt thòi, chưa có được một lần! Chiến tranh tàn nhẫn quá. Những giọt nước mắt nóng ran như lửa lặng lẽ rơi và khô ngay trên gối “góa phụ” nhớ “chồng”. Anh đang ở đâu, chị làm sao biết được? Ngày ngày, không lúc nào chị quên cầu nguyện cho anh được bình an, mạnh khỏe. Thế rồi, khi đứa con hơn hai tuổi, chị đem con đi theo mấy người trong làng vào vùng kinh tế mới ở Tây nguyên lập nghiệp. Trong thâm tâm chị muốn ở đó để có dịp tìm anh dễ dàng hơn.

Chiến tranh hay thời bình đối với người lính, đoàn tụ và chia ly có khi bất ngờ xẩy đến ngoài ý muốn. Thế rồi đau khổ, nhớ nhung khắc khoải nhất dồn hết lên vai người ở lại hậu phương. Những người vợ trẻ, những người yêu mỏi mắt ngóng đợi, trong tâm tưởng cứ vang lên câu hỏi “Anh ở đâu?” như điệp khúc nỗi niềm trông vọng chất chứa theo thời gian…

                                                                                                            L.N.H

LÊ NGUYÊN HỒNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 236 tháng 05/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground