Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đã muộn rồi se sẻ ơi

B

uổi trưa im ắng, Cắc Cớ trốn ngủ trưa ra sân chơi dưới bóng mát cây mãng cầu. Thôi thì đủ thứ trò chơi dưới gốc cây mãng cầu thơm ngây ngây mùi trái còn xanh chưa chín. Trời im gió, chỉ thỉnh thoảng có vài lọn gió nhẹ làm phất phơ cành lá.

Chơi chán, Cắc Cớ ngồi tựa gốc cây, mơ màng nhìn khung cảnh phản chiếu bên trong cửa kính. Cũng trời xanh ngắt và mây trắng trôi chầm chậm, cũng cây mãng cầu phe phẩy lá xanh, tự hào đung đưa những trái tròn múp míp. Nhưng nhìn cảnh vật bên trong cửa kính vẫn thú hơn, có cái gì đó lạ lẫm, trong trẻo, thần bí.

Bỗng một con chim sẻ bay vụt tới, đập bốp vào cửa kính, nhanh tới mức Cắc Cớ đang mơ màng lim dim chỉ kịp mở to mắt nhìn, không kêu được tiếng nào. Con chim sẻ, có vẻ như chỉ mới biết bay, lông cánh còn chưa cứng cáp. Nhưng tại sao chim sẻ lại lao vào cửa kính? Cắc Cớ không thể hiểu nổi. Từ chỗ chim sẻ va vào cửa rồi rơi xuống, còn dính một ngọn lông đang lơ lửng bay. Cắc Cớ nhìn chằm chằm vào đó, và nó chợt hiểu. Chim sẻ không đủ thông minh để hiểu rằng trời xanh mây trắng, cây mãng cầu đung đưa trong cửa kính là giả, chỉ là hình ảnh phản chiếu bên ngoài. Chim sẻ ngỡ rằng trong đó có một khung trời rộng mở, có không gian bao la, có gió lộng nâng cánh chim bay. Bài học đầu đời của chim sẻ thật kinh khủng - chim sẻ nằm bẹp gí dưới đất, đôi cánh run rẩy. Sau giây phút ngỡ ngàng, Cắc Cớ chạy vội lại, định nhặt con chim sẻ tội nghiệp lên, nhưng vì quá hoảng sợ, chim sẻ lại vùng đôi cánh gượng bay lên, không để lọt vào tay Cắc Cớ. Cắc Cớ chạy vội theo nằn nì:

- Chim sẻ ơi, tao không làm gì mày đâu! Tao chỉ coi mày bị sao thôi mà! Để tao băng bó vết thương cho mày!

Chim sẻ hình như không nghe thấy lời Cắc Cớ nói, hoặc là không hiểu, nên nó vẫn cật lực đập cánh bay lên, dù bay rất yếu, cứ chấp chới đôi cánh. Cắc Cớ nhảy tới, giơ tay ra đón lấy con chim sẻ bị thương tội nghiệp, trước khi nó rơi xuống đất lần nữa. Nhưng có một kẻ đã nhanh hơn Cắc Cớ, nhảy lên chụp gọn chim sẻ.

Cắc Cớ khựng lại, rồi vui mừng nhận ra kẻ đó chính là Miu Tai Trắng. Cắc Cớ vẫy Miu:

- Miu ơi! Đưa chim sẻ lại đây! Mình sẽ chữa vết thương cho chim sẻ! Chắc là chim sẻ đau lắm!

Nhưng Cắc Cớ đã sai lầm nghiêm trọng. Miu Tai Trắng miệng ngậm chim sẻ, mắt lừ lừ nhìn Cắc Cớ rồi phóng qua bậc thềm, chạy đi mất. Cắc Cớ tuyệt vọng hét lên:

- Miu Miu! Mày làm gì đó? Trả chim sẻ đây!

Miu Tai Trắng cùng chim sẻ đã mất hút. Cắc Cớ chạy lồng lên đi tìm. Sau nhà - không có, ngoài vườn - không có, xó bếp - không có. Cắc Cớ chạy quanh khắp nơi, miệng không ngừng kêu:

- Miu ơi! Miu ơi! Trả chim sẻ đây!

Cuối cùng thì Cắc Cớ cũng tìm được dấu vết chim sẻ: một nhúm lông và đầu, chân chim vương vãi cạnh giếng nước. Cắc Cớ đờ người ra, bàng hoàng. Miu Tai Trắng của Cắc Cớ đã ăn thịt chim sẻ! Cắc Cớ thấy tim bị bóp nghẹt, đau nhói, nước mắt cứ chảy ra. Con chim sẻ tội nghiệp đã bị con mèo ăn thịt. Miu Tai Trắng hàng ngày vẫn nằm ngoan ngoãn trong lòng Cắc Cớ, lại là kẻ ăn thịt con chim sẻ! Tại sao lại như vậy? Tại sao lại như vậy được?

Cắc Cớ đi tìm Miu Tai Trắng. Miu Tai Trắng sau khi chén no nê thịt chim sẻ thì đang ngồi liếm mép trên bậc thềm. Cắc Cớ hầm hầm tới gần, toan xử tội Miu thì Miu ta đã nhanh chóng nhảy phóc xuống rồi chạy đi mất.

Mấy ngày liền Cắc Cớ không thèm nhìn mặt Miu Tai Trắng. Cắc Cớ ghét Miu quá. Cắc Cớ không nghĩ Miu lại độc ác như thế. Dù Miu đã nhiều lần tới bên cạnh, dụi đầu vào tay, vào lòng Cắc Cớ nhưng Cắc Cớ đều lạnh lùng hất Miu ra, hoặc lẳng lặng bỏ đi, không nói một lời. Miu Tai Trắng buồn lắm, chỉ dám đứng từ xa nhìn Cắc Cớ, ánh mắt tiu nghỉu. Cũng có lúc Cắc Cớ động lòng thương hại, nhưng nhớ lại cảnh Miu ta hung hãn ngoạm lấy chim sẻ, rồi nhúm lông con chim sẻ bị nạn bay lên trong tâm trí Cắc Cớ, vậy là Cắc Cớ tan biến hết tình thương với Miu Tai Trắng.

Buổi xế nọ, sau khi ngủ trưa dậy, trong khi Mũi To và Nghiêm Nghị bày trò trận giả thì Cắc Cớ ngồi một mình dưới gốc cây bàng đọc sách. Cắc Cớ đang say mê theo từng trang sách thì bộp một cái, một con sâu to đùng rơi trúng trang sách đang mở.

- Á!

Cắc Cớ hét lên kinh hoàng, hất tung quyển sách ra xa. Con sâu lì lợm vẫn bám chặt trang sách, không hề có ý định rời đi. Tiếng hét của Cắc Cớ khiến Miu Tai Trắng đang ngủ cũng giật mình thức dậy. Nó thấy Cắc Cớ đang run rẩy trước con sâu xanh to tướng thì vội chạy lại. Miu ta nhảy vòng vòng quanh trang sách có con sâu to đang đu bám, miệng kêu gừ gừ, chân trước giơ ra đánh vào mình sâu. Con sâu hơi rụt mình lại nhưng vẫn nhất quyết không rời đi. Sau một hồi tung hứng, Miu đánh liều chụp luôn con sâu, nhảy tung lên, hất con sâu ra mô đất cạnh đó.

Miu Tai Trắng tiếp tục quần nhau với con sâu, còn Cắc Cớ thì rón rén bước tới, rón rén cầm quyển sách chạy biến vào nhà, giấu kỹ dưới chồng sách, không bao giờ dám mở ra nữa.

Cắc Cớ bần thần nhìn Miu Tai Trắng đang vồ con sâu, ngẫm nghĩ: Miu vồ con chim sẻ thì Cắc Cớ không thể chấp nhận được, nhưng nếu là con sâu gớm ghiếc kia thì… may quá! Nghiêm Nghị tới gần, giở giọng thuyết khách:

- Vậy là Miu cứu Cắc Cớ một ván rồi đó nha. Thôi tha cho nó đi.

Cắc Cớ giật mình tỉnh ra, trả lời cộc lốc:

- Không!

Cắc Cớ hùng hổ bỏ đi, nhưng trong lòng hơi phân vân một chút.

Thật ra suốt mấy ngày liền không “nói chuyện”, không vuốt ve, không ôm Miu Tai Trắng, không túm cái tai mát lạnh của nó mà xoắn nhẹ, để nghe nó kêu gừ gừ trong cổ, Cắc Cớ cũng thấy buồn hiu. Những khi Miu lại gần cạ đầu vào người Cắc Cớ, Cắc Cớ cũng thấy mủi lòng, mấy lần suýt choàng tay qua ôm nó vào lòng. Nhưng rồi Cắc Cớ vẫn cố làm mặt ngầu, lạnh lùng bỏ đi. Sau đó, nhìn Miu đứng yên một chỗ, ngơ ngác nhìn theo, Cắc Cớ cũng thấy tội nghiệp, nhưng nhớ lại cảnh Miu mặt mũi lạnh tanh, vồ lấy con chim sẻ bất chấp Cắc Cớ gào lên ngăn cản, Cắc Cớ lại thấy cơn giận trỗi dậy, thấy không thể tha thứ cho Miu được.

Từ đó, Miu cũng sợ, không dám tỏ thái độ thân mật với Cắc Cớ nữa. Nó chỉ đứng từ xa nhìn Cắc Cớ, ánh mắt buồn buồn, nhưng dường như không có vẻ gì là biết lỗi. Chính vì vậy, Cắc Cớ thấy không thể bỏ qua cho Miu Tai Trắng được.

Rồi một ngày, Miu Tai Trắng bỏ đi đâu mất biệt. Mũi To, Cắc Cớ, Nghiêm Nghị túa ra đi tìm, nhưng không thấy Miu ở đâu cả. Mẹ chép miệng: “Chắc có một mình, nó buồn, nó bỏ đi rồi!”

Cắc Cớ ân hận quá. Chắc sự ghẻ lạnh của Cắc Cớ đã làm cho Miu Tai Trắng tủi thân, bỏ đi tìm bạn khác. Giờ đây Cắc Cớ mới thấy nhớ Miu làm sao. Nhớ cái cảm giác ấm mềm khi Miu Tai Trắng nằm gọn trong lòng Cắc Cớ. Nhớ những chiều hai đứa chạy song song trong vườn, vờn bắt những bông hoa dại. Giờ đây, Miu Tai Trắng đang ở đâu? Có ai cho Miu ăn không? Trời lạnh thì Miu biết làm thế nào?

Từ đó, mỗi trưa ngủ dậy, mỗi chiều lang thang trong vườn, Cắc Cớ chỉ chơi có một mình, vì Mũi To và Nghiêm Nghị mải chơi trò trận giả với nhau. Mọi người dường như đã dần quên Miu Tai Trắng, trong khi Cắc Cớ vẫn thương nhớ hoài người bạn có đôi tai mềm, mát lạnh.

Ngày cuối cùng trước khi cả nhà Cắc Cớ dọn đi đến một vùng đất khác, Cắc Cớ trèo cầu thang lên gác xép, nơi trước đây từng là kho sách của ba mẹ. Cắc Cớ nằm sấp trên sàn gỗ, nghe mùi sách cũ còn vương lại, nồng nồng, nghe cái gió hiu hiu đưa mùi hương cỏ khô từ ngoài đồng lọt vào qua khe cửa. Không dưng mà nước mắt Cắc Cớ thấm ướt một vạt sàn. Ngày mai Cắc Cớ đã rời xa nơi này, mãi mãi.

Lẫn trong tiếng gió, Cắc Cớ nghe có tiếng rì rầm rì rầm. Cắc Cớ nằm im lắng nghe. Tiếng rì rầm thoảng đến, lọt vào tai Cắc Cớ, nghe như một lời nhắn nhủ: “Đi xa đi xa! Quê nhà quê nhà! Nhớ lắm nhớ lắm!”

Cắc Cớ giật mình tỉnh dậy, thấy nước mắt đã khô trên thái dương. Bỗng Cắc Cớ nghe tiếng líu ríu, rồi chíp chiu chíp chiu… Cắc Cớ tưởng mình còn đang mơ, nhưng tiếng kêu rộn rã càng lúc càng vang vọng. Cắc Cớ rón rén trên sàn, tìm đến nơi phát ra tiếng kêu. Cắc Cớ sửng sốt khi nhìn thấy một tổ chim se sẻ nằm ngay trong góc của gác xép, nơi cây xà ngang gác qua trần nhà. Con chim mẹ đang ngậm mồi còn đàn chim non đang há mỏ chờ mẹ đút, tíu ta tíu tít. Cắc Cớ ngây người ngắm đàn chim, hình như Cắc Cớ còn thấy chim mẹ nghiêng đầu nhìn Cắc Cớ, nhưng không hề sợ hãi mà còn tỏ ra thân thiện. Có lẽ đây chính là con chim se sẻ mẹ, mẹ của chú chim non đã bị Miu Tai Trắng vồ ngày trước. Con chim mẹ sau khi đút mồi cho chim non thì ngẩng đầu nhìn Cắc Cớ, nghiêng ngó như muốn nói gì với Cắc Cớ, rồi bay vụt ra đầu hồi. Cắc Cớ đứng ngẩn ngơ nhìn theo. Chim sẻ mẹ đột nhiên cất tiếng hót. Tiếng hót ban đầu líu ríu như kể lể, rồi chuyển sang tha thiết nhắn nhủ, cuối cùng là một tiếng hót trong trẻo, cao vút, hòa vào khúc hát ru của gió, của cây lá xào xạc trong vườn, của những ngọn cỏ lau trắng phơ phất ngoài đồng. Tiếng hót của Se Sẻ làm Cắc Cớ mải mê nghe, như chìm đắm vào thế giới đồng nội ngoài kia, nơi mà đã mười năm qua, ngày nào Cắc Cớ cũng chân trần chạy trên sỏi đá, trên gai góc, hít thở không khí quen thuộc từ khi ra đời. Vậy mà đây là giờ phút cuối cùng Cắc Cớ được đứng trên mảnh đất quen thuộc, hít thở mùi hương đất nồng nồng, thơm ngái, lòng nôn nao cảm xúc mất mát, chia ly.

Phải chăng, tiếng hót trìu mến của Se Sẻ đang muốn nói với Cắc Cớ điều gì? Phải chăng đó cũng chính là lời rì rầm mà Cắc Cớ nghe được trong giấc mơ? Phải chăng Se Sẻ muốn Cắc Cớ tha thứ cho Miu Tai Trắng vì lầm lỗi ngày trước, vì có lẽ là Se Sẻ cũng đã tha thứ cho Miu Tai Trắng lâu rồi?

Nhưng đã muộn rồi Se Sẻ ơi.

Muộn rồi phải không Miu Tai Trắng ơi.

Ngày hôm sau, cả nhà Cắc Cớ đã rời xa vùng quê đó.

Về sau, Cắc Cớ nghe kể lại, những buổi chiều sau khi nhà Cắc Cớ dọn đi, có một con mèo nhỏ có đôi tai màu trắng vẫn về ngồi trước ngõ, dáng ngồi im chờ đợi, mắt trông vời ra phía con đường, nơi nó hy vọng gặp được nhà chủ đang quay về.

Rồi Cắc Cớ cũng lớn lên. Đó là điều mà Cắc Cớ tiếc nuối nhất, vì nó càng lúc càng đi xa ngày cũ, như đi trên chuyến tàu một chiều rời xa mãi tuổi thơ, không bao giờ quay trở về.

T.H.N.T

TRƯƠNG HUỲNH NHƯ TRÂN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 237 tháng 06/2014

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground