Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đồng đội

L

an vừa ngồi rẽ ngô ra thúng vừa đưa mắt, dỏng tai lên xem vô tuyến. Đài Truyền hình tỉnh đang phát phóng sự về ông An – thương binh nặng làng cô hiến đất cho xã xây trường học. Chả là trong hội nghị biểu dương những điển hình tiên tiến trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tỉnh  vừa rồi, ông An là đại diện duy nhất ở quê cô được mời dự và cùng ngồi trao đổi, trò chuyện với các đồng chí lãnh đạo tỉnh về những việc làm của mình.  Trả lời câu hỏi của MC về động cơ nào khiến bác không ngần ngại hiến gần 1.000m2 đất cho xã như vậy, ông chỉ ngúc ngoắc mái đầu. Khi nhận biểu tượng của cuộc vận động có in hình Bác Hồ, ông quá xúc động, luống cuống đánh rơi cả bó hoa được tặng.

           Phóng sự về ông An vừa phát sóng được hai ngày thì có tin dữ về làng. Ai đó đâm đơn kiện lên tỉnh, nói rằng ông không xứng đáng được biểu dương bởi hai lý do: một là, ông đầu cơ, mua rẻ đất của nông dân nghèo để làm giàu bất chính, hoa lợi được thu chán chê rồi bây giờ bày trò “hiến” đất để “mua danh” hai là ông từng tằng tịu với vợ một liệt sĩ...Tin này do một anh mới đi làm bên huyện mang về làng.  Nhưng Lan không tin. Bao nhiêu năm làm cán bộ đoàn rồi phụ nữ xã, cô quá hiểu người đàn ông này. Và, mẹ cô – bà Lương, chính là người phụ nữ được “điểm danh” trong đơn kiện. Lá đơn có tên người đứng đơn. Ủy ban kiểm tra các cấp buộc phải vào cuộc. Họ về địa phương, gặp gỡ chính quyền, nhân dân trong xã, trong thôn, gặp cả ông An và bà Lương. Hấp háy con mắt còn lại tí teo như sợi chỉ trên khuôn mặt dúm dó bởi lửa bom Napan trùm kín luôn con mắt bên phải, ông An khò khè trong cổ:

- Làng tôi chiêm khê mùa thối, bà con không làm, bỏ ruộng đi buôn lợn con, buôn nông sản, cha con tôi mượn lại để canh tác, trả sản phẩm theo mùa vụ cho mọi người. Lâu ngày bà con nhượng lại có giấy tờ, cam kết hẳn hoi, tôi cũng đã lên Ủy ban hợp thức hóa số diện tích này. Nay thấy xã cần, lại thấy tụi trẻ con làng Đạo đi học phải qua sông, nắng nôi, mưa lũ quá vất vả và nguy hiểm nên chúng tôi bàn nhau chỉ giữ lại một phần đủ canh tác còn lại tặng cả cho địa phương để lấy chỗ xây trường học cho các cháu...

Phải khó khăn lắm ông An mới trình bày rõ ràng từng câu hỏi của đoàn kiểm tra. Những giọt nước mắt li ti, đùng đục rịn ra khóe mắt. Vấn đề đất đai đã được xác minh ông là chính chủ sử dụng và mục đích hiến tặng của gia đình ông cũng xuất phát từ tình thương tụi trẻ. Nhưng còn lời tố cáo thứ hai? Cả buổi sáng ông nín lặng, xin phép không trả lời và lên giường nằm. Anh con trai nấu cho bố nồi cháo nhưng ông không nuốt nổi. Ông nằm co quắp trên giường, một bên ống quần chưa kịp buông hết, lòi ra cẳng chân đầy sẹo.

 

... Quê ông An ở mãi tận Thái Bình. Gia đình ông lên khai hoang, lập nghiệp ở làng Đạo này đã vài chục năm.

 Nhà con một, không phải ra chiến trường nhưng cuối năm 1971 anh thanh niên An vẫn tình nguyện nhập ngũ. Cùng đi một đợt với An, còn có bốn người nữa ở làng Đạo, trong đó có anh Thanh – người bạn đồng niên thân thiết của An. Cả hai người lúc đó mới hai mươi tuổi và đều đã có gia đình. Thanh may mắn hơn, đã có một cô con gái hai tuổi. Sau thời gian huấn luyện ba tháng, đơn vị An  được lệnh bổ sung vào chiến trường. Đêm hành quân qua làng, cả hai được đơn vị cho tranh thủ về thăm nhà rồi sáng hôm sau lại tức tốc lên đường đuổi kịp đơn vị hành quân vào nam. Đêm ấy, ông Trùm- cha Thanh phải ra trông nom nhà thờ nên không hề biết anh được phép rẽ về thăm nhà. Chỉ có mỗi bà vợ ông Trùm và cô con dâu biết. Hôm sau ông Trùm về thì Thanh đã lại lên đường từ lúc con gà chưa kịp cất tiếng gáy. Hai người mải miết đuổi theo đoàn quân ra trận. Thanh không hề biết, đêm đó vợ chồng anh lại hoài thai thêm một sinh linh bé bỏng nữa. Hai người được điều vào chiến trường Quảng Trị đúng vào lúc cuộc chiến cam go, sinh tử diễn ra từng giây phút. Trong một trận đánh không cân sức, đơn vị của hai người gần như bị xóa sổ. An may mắn thoát chết bởi một bức tường thành đổ ập lên người, đè nghiến đôi chân. Bom rơi, lửa cháy...đến khi tỉnh lại thì An thấy mình đã nằm trong lán cứu thương giữa rừng. Thanh và đồng đội của anh đã tan thành đất đá, cỏ cây Cổ thành Quảng Trị, mãi mãi không trở về. Vết thương quá nặng, An không còn sức chiến đấu phải lùi lại tuyến sau. Anh được ra Bắc điều trị và vào Trại điều dưỡng thương binh nặng với một bên mắt chỉ còn thấy lờ mờ hình bóng người qua lại. Gần hết khuôn mặt biến dạng vì bỏng. Nửa thân người đầy sẹo nham nhở. Những ngày tháng đầu An phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt có người phục vụ. Gia đình hay tin lên đón An về nhà chăm sóc. Cô vợ lúc An nhập ngũ trẻ trung, xinh xắn là vậy mà bây giờ trông gầy yếu xanh xao. Họ rất muốn có con nhưng sinh lần nào cũng hỏng. Hai vợ chồng đành xin một đứa trẻ về nuôi cho ấm cửa, ấm nhà. Hi vọng trời sẽ thương. Được mấy năm, khi An đã có thể đi lại và tự chăm sóc được thì vợ anh bị bạo bệnh rồi qua đời. Nỗi buồn làm An quỵ xuống tưởng chừng không qua khỏi. Lúc ấy, cô Lương vợ Thanh thường hay lui tới đỡ đần, chăm sóc cho cha con An.

Lại nói, năm ấy bỗng dưng thấy bụng con dâu cứ đội áo lùm lùm, mỗi ngày một lớn, ông Trùm điên tiết lắm. Mặc bà Trùm giải thích thế nào ông cũng không nghe. Luật lệ công giáo hồi bấy giờ không cho vợ chồng được bỏ nhau, người phụ nữ muốn tái giá thì chỉ được phép khi chồng đã mất, lại càng không thể có con ngoài hôn nhân. Sĩ diện vì cái danh ông Trùm đức cao vọng trọng, ông không chấp nhận có đứa con dâu chồng đi chiến đấu vì quê hương lại ở nhà ... tự nhiên mà chửa.. Ông bắt Lương xưng tội trước Chúa nhưng cô không xưng tội. Ông kiên quyết đuổi mẹ con cô ra khỏi nhà, mặc bà Trùm can ngăn, than khóc, van xin cho con dâu. Thanh có giấy báo tử về làng, cô gục ngã, bất tỉnh. Người thứ hai có thể thanh minh được cho cô đã không còn. Về làng, hiểu được tình cảnh của mẹ con chị Lương, An thường qua lại, giúp đỡ họ khi thì ống gạo, lúc viên thuốc cảm. Thương tật là thế nhưng bù lại, An rất khéo tay lại cần cù và giỏi tính toán nên cũng đất ấy khi bà con đã chán bỏ đi thì anh mượn lại, chở phù sa về cải tạo để trồng cây, trồng màu xen kẽ, nuôi ong, thả cá, lấy ngắn nuôi dài. Vừa có cái ăn, vừa có cái trang trải mà vẫn thanh toán được sản lượng cho người nhượng đất. Khấm khá dần dần. Nhưng anh thanh niên An thư sinh ngày nào đã trở thành bác An, ông An “dúm” như bây giờ người ta vẫn gọi.

Ông đi khắp đó đây tìm hiểu cách thức làm ăn. Mùa nào thức nấy, cây, con chẳng phụ lòng người, cứ thế mà sinh sôi, nảy nở. Một lần ông đem mấy chục quả trứng gà sang cho mẹ con bà Lương, đúng vào lúc các con bà đi làm vắng. Bà Lương đang kéo nước ăn thì bị cảm, hoa mắt ngã vật xuống nền giếng. Ông thập thễnh dìu bà vào nhà, tìm dầu xức lên mặt, lên cổ bà. Mấy người buôn lợn con đi qua nhìn thấy, kéo khăn che mặt cười tủm tỉm... Thế là từ đấy, người ta thì thào kháo nhau bảo cu Thành là con ông An “dúm”! Ông chỉ cười. Nụ cười làm cho khuôn mặt càng thêm méo mó, dị dạng. Lúc đầu, nghe bà con bàn tán, Lan cũng bán tín, bán nghi. Chị về nhà hỏi mẹ, nhưng bà Lương kiên quyết phủ nhận. Bà bảo: Con hãy nhìn vào bàn chân em con thì biết! Lan đã nhiều lần ngắm nhìn đôi bàn chân ấy. Bàn chân Giao Chỉ, các ngón xòe ra y như bàn chân cha chị. Lan tin mẹ mình, thôi không hắt hủi bác An như ngày đầu mới tiếp nhận tin đồn...

 Trước khi hiến đất, ông An cơm nắm, cơm đùm quờ quạng nhảy xe vào Quảng Trị, đến Thành Cổ thắp hương cho người bạn tri âm mà thân xác đã hóa thành cây cỏ giữa mênh mông nắng, gió. Ông lầm rầm khấn nguyện: Thanh ơi hãy yên nghỉ, lời hứa giữa hai chúng mình khi còn sống đã được thực hiện. Mình xin nhận cả hai đứa con cậu làm con của mình. Ba đứa chúng nó sẽ là chị em của nhau. Mình sẽ chăm sóc cả cho Lương nữa, bạn hãy yên lòng!

Rồi ông vơ lấy nắm đất và một vạt cỏ Thành Cổ mang về.

Thế mà bây giờ... Ông nằm đó. Co quắp. Trái tim ông như bị ai bóp nghẹn. Bỗng nhiên ông lẩm bẩm: Mình không thể chết bởi những lời thị phi, đơm đặt! Rồi ông nhỏm dậy, lấy tấm biểu tượng Phoocmica in hình Bác Hồ vẫn đặt trên nóc tủ thờ từ hôm nhận về mang đặt trước mặt các nhà điều tra: 1.000 mét đất là chuyện nhỏ, cái biểu tượng này với tôi mới là giá trị!

Và ông húp đánh xoạt một cái hết luôn tô cháo dù hơi nguội.

V.K.L

 

Vũ Kim Liên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 193 tháng 10/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground