Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đức Vua... cũng sợ vợ

N

goài phố, trong lốt áo Viên ngoại, Ngài đã tuyên bố: “… ta cũng không sợ vợ”. Chiều về đức Vua còn nghĩ như vậy. Nhưng chính lời tuyên bố: “ta cũng không sợ vợ” của Ngài đã dội lên chính tâm thức của Ngài gây nên một cuộc tự rà soát lại các khả năng: Phản ứng; Kiềm chế; và Thụ động… Các tình huống từng đối mặt, các hình thái xử lý… cuối cùng Ngài đã nghi ngờ chính điều đã tuyên bố.

Khi vừa bãi triều, Ngài hồ hởi bước và cung Tam phi, tìm sự thoải mái bình yên bên người phi đẹp như tiên nữ để mong tạm quên đi, tạm lắng dịu những giây phút căng thẳng trước bao nhọc nhằn của công việc triều ca, trước các quan Đại thần, trước các bản tấu. Ngài ao ước nhận từ bàn tay ngọc nữ của Tam phi chén rượu ngọt hương tình ái, tràn đầy, rơi vải xuống mặt hồ, từng gợn sóng xua đuổi lẫn nhau như cuộc đuổi bắt của thèm muốn, của khát khao rung lên rưng rức nhiều cung bậc, rộn ràng ngân lên, dội lên, trào lên niềm xúc cảm ngây ngây, vừa dạt dào, vừa dịu êm, vừa hỗn độn… Ngài cảm nhận cánh bướm cợt đùa bên hoa làm xao động lên làn da rân rân hột ốc… như mơn man, nâng niu chút nắng rụt rè, run rẫy, thẹn thùng, len lén lem nhẹ vào góc hồ bên kia, xua xua lên ngọn cỏ mượt mà, xanh mỡn, rung rung trong làn gió nhẹ… những con chuồn chuồn nghiêng cánh liệng xuống đá nước làm mặt hồ dậy lên từng vòng từng vòng lan ra rộng dần. Các vòng tròn nước lại xáp vào nhau, đối kháng và hòa tan. Ngài muốn đón Tam phi trong vòng tay, vòng tay chắc nịch, vòng tay quyết liệt, vòng tay của một Hoàng tử 14 tuổi đã theo Vua cha chinh nam phạt bắc, đã từng trọn quyền xử lý mặt trận với chỉ dụ của Vua cha: “Trong triều có ta, ngoài triều là phần việc của con”. Ngài muốn đón Tam phi trong vòng tay, vòng tay khát khao, chiếm hữu, ban phát, xáp xào, đối kháng và hòa tan. Nhưng Ngài đã không làm điều đó. Ngài hậm hực rời cung.

Không chỉ cung Tam phi, mà rất nhiều cung Ngài bước ra với tâm trạng bức bối. Ngài khổ não với…

- Muôn tâu Thánh thượng, người cai quản Vương quốc, người nắm giữ sinh mệnh thần thiếp, người ban cho thần thiếp hạnh phúc ngọt ngào. Tâu Thánh thượng, con trai thần thiếp là Thái tử mỗ, được sự ưu đãi của trời đất, được thừa hưởng hồng phúc của gia tiên, thật tốt tướng và thông minh…

- Muôn tâu đức Vua dũng mãnh và nhân ái, Người ban ánh sáng cho muôn dân, người mở mang bờ cõi, người đã làm rạng danh các bậc tiền nhân, Người là cột trụ cho trăm quan bách tính… Đấng Quân vương mà tài trí và đức độ chưa hề có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Thần thiếp thật vô vàn may mắn được nhận từ Người niềm ân sủng phước đức, Thái tử mỗ được chính Người và các quan Đại thần thường xuyên huân đúc đức kiên cường và đức hòa ái…

- Muôn tâu hoàng thượng, bậc con trời cai quản nhân gian, Người thay trời tuyên thuyết đạo lý cho con người và vạn vật, Người tô bồi sông núi thêm trong thêm xanh. Người vung mũi kiếm là đất bằng dậy sống, Người múa ngọn gươm gió cũng xoay chiều đổi hướng, Người khoát tay là trăm quan muôn dân quỳ rạp xuống đất lạy chào, reo hò tung hô… Nơi có người, chim chóc ngừng bay, cá mú ngừng lội, muông thú ngừng chạy, chỉ có những con rồng vươn lên chào đón, chầu hầu… Thần thiếp sung sướng biết bao khi được Người đoái hoài, và đã đơm hoa, kết trái, đất trời ban phúc ấm, một tiếp nối của người, Thái tử mỗ là một kỳ hoa dị thảo, các bậc lý toán đều tấm tắc khen ngợi…

Đức Vua rãy mạnh bàn tay như đang luyện tập động tác Dịch Cân Kinh, nhằm xua đi, xua đi… chính Ngài cũng không ý thức được là xua cái gì.

Tướng ngoài biên ải: Muôn tâu; quan các tỉnh; muôn tâu; quan trong triều: Muôn tâu; thần dân: muôn tâu; Thị vệ: muôn tâu; thái giám: muôn tâu; cung nữ: Muôn tâu; ngự y: Muôn tâu; ngự thiện: Muôn tâu; phi tần; Muôn tâu; Hoàng hậu: Muôn tâu; Thái tử, Công chúa gì cũng: Muôn tâu. Sao cứ là “muôn” không ai nói gì khác trước từ “tâu” nhỉ. Ngài nghĩ cần phải bỏ hai từ “muôn tâu” ấy trước các lời trình thưa, trước các bản tấu, một ngày cũng tiết kiệm được khá nhiều ngôn từ chữ nghĩa, hơi sức, và rất kinh tế, tiết kiệm được một lượng mực và giấy đáng kể đấy. Ngài giật mình, quyển sách vừa đọc chưa tới vạn từ mà đã nâng tầm tri thức lên một bậc. Một ngày cả nói, cả viết trên toàn Vương quốc cứ cho là năm trăm lần đi thì cũng đã ngàn từ, một năm ba trăm sáu mươi lăm ngàn từ, mười năm hơn ba mươi vạn quyển sách. Một đời Vua, riêng cái khoản “muôn tâu” hoang phí biết bao giấy, mực, bút lông, thời gian, công sức. Phải bỏ thôi, Ngài dụ: kể từ hôm nay, các quan văn võ cũng như bách tính thảo dân nam nữ, Hoàng hậu cũng như cung tần mỹ nữ, Thái tử cũng như Công chúa, tất cả mọi người, phải tuân thủ là trước bản tấu, trước các phúc trình, trước lời thưa thỉnh, nhất nhất không được dùng cụm từ “muôn tâu”…

Chỉ dụ của đấng Quân Vương đã dấy lên một cao trào rầm rộ rộng khắp trên toàn Vương quốc, từ trong triều ra đến ngoài quận, từ thành thị đến nông thôn, từ nhà máy chí đến nông trang, từ Thái ấp đến túp lều tiều phu, từ thôn, ấp đến tận sóc, buôn miền sơn cước, biên cương, hải đảo… đâu đâu cũng tụm năm, tụm ba, để thảo luận, để bàn bạc, để học cách trình bày lời thưa thỉnh bằng miệng, bằng văn bản mà… không có “muôn tâu”. Có người đưa ra ý kiến là không nói “muôn tâu” thì ta có thể nâng cấp bậc “muôn” lên, hoặc hạ xuống đôi chút theo công thức chúc tụng, tung hô, kiểu như Vua thì “Vạn vạn tuế’, nhưng Hoàng hậu chỉ: “Thiên thiên tuế”. Đã có ai bị quy kết tội cầu cho Vua mồ côi vợ đâu nào.

Thảo luận thì rôm rả, tưng bừng, bởi bị chi phối bởi “văn minh”, nhưng cuối các buổi thảo luận họ đều hồn nhiên kết luận Vua dụ không “muôn tâu” thì ta nói không “muôn tâu” vậy. Thành dân vốn giản đơn, phong trào lửa rơm chỉ hào sảng bùng lên rồi lụi tàn. Bởi nó không gắn liền với quyền lợi thiết thực của họ, bởi họ hiểu chẳng bao giờ có cơ hội để thưa thỉnh, nhưng nếu đó là lời thưa thỉnh cùng diêm vương, có lẽ tính tích cực sẽ cao hơn, vì rõ ràng ai ai cũng tin rồi cũng phải đối mặt diện kiến, biện minh, chạy tội, cầu xin, hối lỗi…

Các quan thì mọi việc đều đơn giản, đừng nói chuyện bỏ cụm từ “muôn tâu” gây khó khăn không đâu. Với các ngài thì còn chuyện gì lại không làm được, các đấng cha mẹ dân này, nếu nói trong nghĩa tương đối, quả thực nếu cần thay trời làm mưa, cũng xong tuốt. Dĩ nhiên không thể rải mưa trực tiếp xuống ruộng đồng được, nhưng khơi mạch, ngăn nguồn rồi cũng chuyển được nước vào canh tác ruộng đồng. Bởi các ngài có vốn liếng học vấn căn bản vững chắc, có một nền tảng kiến thức phủ trùm, trên thông thiên văn, dưới rành địa lý, giữa thấu rõ nhân sinh; hiểu lý đạo, biết sự đời. Lý và Sự - Đạo và Đời, tròn vo thông suốt. Các quan vẫn nhởn nhơ soạn văn bản ngày ngày…

Các Thái tử thì còn nhỏ chẳng biết sợ là gì vẫn vui chơi, đuổi thú bắn chim. Công chúa, Hoàng hậu, Hoàng phi… thì có gì để lo. Tứ thư, Ngũ kinh đầy ắp trong bụng, chữ nghĩa thánh hiền tràn ra cả mái tóc, làn da. Chỉ tội cho thái dám, cung tần, cung nữ… phần đông trong số họ… quả thực từ lâu họ trình bày theo công thức, theo thói quen. Bây giờ cắt cái “thói quen” ấy họ trở thành ngơ ngơ, ngáo ngáo như lũ gà con lạc mẹ. Họ quen lặp lại. Chừ họ cuống lên, phủ phục dưới chân Hoàng hậu xin cứu mạng. Lời cầu xin ngân vang cả hậu cung, dội lên cành lá làm chim chóc hốt hoảng tung bay… rơi vãi những hạt phân trăng trắng bị gió xô đẩy lao chao trong không gian ngỡ như trận mưa đá.

Đức vua hồi hộp cầm lên một bản tấu, liếc nhanh không thấy cụm từ “muôn tâu”, ngài phấn chấn, hồ hởi, hào sảng vỗ cái đét lên bắp vế: “thế là ta đã tiết kiệm…” Nhưng ngài rã rời buông rơi bản tấu xuống long án, mặt thừ ra ngơ ngác, một luồng lạnh trườn bò dọc sống lưng lên gáy… Cái gì thế này? “Đê đầu đảnh lễ, phủ phục trước ngai vàng, run sợ khấu lạy, đệ trình đấng con trời, thế thiên hành đạo, ban dạy kỷ cương, thuần hóa muôn dân và vạn vật, đấng quyền uy tuyệt đối; đấng uy danh vang lừng đông tây, nam, bắc; đấng trí tuệ vượt quá tầng mây; đấng nhân nghĩa phủ trùm tam thiên đại thiên thế giới. Thần tam bái khởi đầu, năm vóc sát đất, kính cẩn tấu trình…”. Bản tấu nói về việc có một người phụ nữ “bỏ quên” tam tòng, chồng mới chết hơn ba năm, dù đã có con, đã không “tòng tử” lại còn đi lấy người khác…

Ngài uể oải cầm lên một bản tấu khác, của một võ quan, ngài hi vọng võ quan quen với cầm quân, oai hùng đảm lược, hiên ngang hùng dũng ngoài biên ải, thường xuyên đối mặt với bất trắc hiểm nguy… ngôn ngữ có khác chút gì chăng. Ngài chỉ mong mỏi có vậy, chẳng còn mơ tưởng đến chủ ý tiết kiệm mà ngài đã thao thức, trăn trở khi quyết định bỏ cụm từ “muôn tâu”. Quả thực bản tấu có khác: “Cúi lạy vạn vạn lần trước đấng Quân Vương uy dũng, hào quang của Quân Vương để tỏa rọi lên vùng biên cương như một lá chắn ngàn lần vững chắc…” Đức vua hùm hùm trong miệng: “hắn đắp chăn ngủ chắc”.

Ngài với tay cầm lên những bản tấu khác, lại đê đầu, lại phủ phục, lại run sợ, lại khấu lạy, lại vạn vạn lần, lại vạn vạn vạn lần, lại dập đầu rướm máu… Nào thế thiên hành đạo, uy danh vang lừng, quyền uy tuyệt đối… Ngài đấm cái rầm xuống long án: “Chỉ mấy bà phi thôi mà đã không phút nào yên, quyền uy tuyệt đối cái nỗi gì? Thuần hóa được ai kia chứ, mà bảo là muôn dân vạn vật!”. Ngài bực bội lùa cả đống tấu xuống sàn nhà, gác cả hai chân lên long án, một tư tưởng thoáng hiện trong đầu, thôi ta không làm Vua nữa. Ngài luyến tiếc nhớ lại khi còn là Thái tử, trèo lên bờ thành ngắm nhìn con gái thường dân ngoài phố, cảm giác sao mà ấm áp, lâng lâng, sảng khoái ngất ngây… đến bây giờ, thời gian đã trôi qua hơn ba mươi năm mà vẫn mới như hôm qua. Khi đã là Đông cung, thái tử điện hạ, ngài chỉ là cổ máy. Dáng đi, cách ngồi, ngôn ngữ, cử chỉ… mọi trạng thái đều được chỉ định từ trước, nhất nhất phải theo đúng không được sai trạch một ly. Ngay cả làm tình cũng bị đám ngự sử ghi vào sổ. Bây giờ đã là Vua đấng ban ánh sáng cho muôn loài và vạn vật; đấng cai quản vương quốc; đấng nắm quyền sinh sát thần dân, cho sống được sống, bắt chết phải chết; đấng có Hoàng hậu, Hoàng phi, tài nhân, mĩ nữ… và cung tần. Đang ngoẻo đầu xuống vai trái, hai chân gác lên long án, đạp đổ cả ấn tín, nghiên mực xuống sàn nhà, lẩn quẩn với ý nghĩ bỏ không làm vua nữa.

  Chỉ mỗi một cái ghế Đông cung cho thái tử mà ngài thấy thiên nan vạn nan. Các quan trong triều thì còn lâu mới hi vọng thống nhất, các bà phi thì con của thần thiếp là vưu vật của đất trời; con của thiếp là tinh hoa của tổ tiên tụ lại; con của thiếp là bản sao của Hoàng thượng; con của thiếp mới chí trung, chí hiếu, hiểu quan, biết tướng, yêu nước, thương dân…

  Ngài ngán ngẩm mới trên dưới mười tuổi đầu mà “hiểu quan, biết tướng” thì chính ta đây phải quỳ xuống, phủ phục sát đất để tỏ lòng tôn ngưỡng. Ta đây cầm quân lúc mười bảy tuổi, lĩnh ấn tiên phong lúc hai hai tuổi, thụ phong đông cung lúc hai mươi ba tuổi, thống lý toàn quân lúc ba mươi tuổi, lên ngôi lúc ba mươi hai tuổi, theo vua cha chinh chiến từ khi mười bốn tuổi, trị vì vương quốc hơn mười năm, mà chưa thể nhớ hết mặt quan, chưa thể biết hết tên các tướng, thế mà chúng nó… Ôi! “hậu sinh khả úy”

  Trong thâm tâm ngài các hoàng tử còn nhỏ quá, chưa định hình được nét gì để giúp ngài lấy làm căn cứ. Ngài ra chỉ dụ: bất cứ ai xin cho bất cứ thái tử nào làm đông cung là phạm tội giam vào lãnh cung. Chỉ dụ được tranh thủ triệt để, không bà nào xin cả. Họ chỉ nói đến những phẩm chất lý tưởng đã ghi chép trong sách và gán cho các thái tử.

  Ngài tản bộ qua cung hoàng hậu.

  Hoàng hậu vừa sinh hoàng tử gần tháng. Các ngự y, cung nữ bàng hoàng run lập cập quỳ lạy khi thấy ngài lừng lững bước vào. Hoàng hậu luống cuống, nhúc nhích chưa biết phải làm gì, nửa muốn tung tấm chăn mỏng ngồi dậy lạy chào, nửa ý thức được mình đang trần truồng. Ngài cảm nhận được ánh mắt van xin, cầu cứu, nên khoát tay biểu nằm yên. Cung nữ đưa đến cái ghế nhưng đức vua lại ngồi lên cái mép phụng sàng, ngắm nhìn hoàng tử đỏ hỏn, nhỏ xíu, mắt nhắm tít, hai tay nắm chặt quờ quạng, đôi chân chọi chọi như các võ sinh tập quyền, luyện cước. Vua thấy vui vui. Ngài nói với con bằng trong ý nghĩ… “Con trai, ngươi hãy luyện tay, luyện chân đi để bảo vệ lấy vương quyền, hoặc đoạt lấy vương quyền”. Đức vua nói với Hoàng hậu:  “Trẫm thưởng cho Hậu vì công lao cưu mang sinh nở. Đủ một trăm ngày Trẫm cho triệu”. Và gọi thái giám nhận chỉ dụ nội dung ấy.

Trong tư thế ngoẻo đầu xuống vai trái, chân gác ngược lên long án, đức vua đã trải qua một giấc ngủ ngon lành sảng khoái… bỏ lại đằng sau những nhiêu khê, phiền toái, những nhọc nhằn mà e rằng các đấng quân vương khó thoát khỏi. Ngài vươn vai, thoáng chút ngại ngùng thèn thẹn, ta đã ngủ… nhưng cảm giác khoan khoái, no đủ bởi giấc ngủ đến một cách tự do, không chờ, không đón; ra đi cũng ung dung tự tại, chẳng tiễn đưa, nuối tiếc, luyến lưu. Giấc ngủ đã để lại cho đức vua cảm giác thanh thản, thoải mái, hồn nhiên, tươi trẻ, vô ưu, vô lo… bình yên, hạnh phúc.

Ngài gọi hai quan cận vệ cùng cải trang vi hành, xem xét dân tình, ngắm nhìn phố xá. Với bộ áo dài xanh gấm thượng hạng, tay cầm quạt giấy, chân đi giày hạ lông thú. Ngài nghiễm nhiên thành một viên ngoại trưởng giả. Dáng vẻ sang trọng, phong thái cao sang, ngài đi đến đâu hút theo tầm mắt dân phố đến đó, người đi cùng chiều tự đi chậm lại để được đi theo viên ngoại, người đi ngược chiều cùng ngoái lại như muốn đổi hướng đi.

Thấy một hàn nho bán chữ bên hè phố, Viên ngoại ngắm nhìn nét bút rồng bay phượng múa, thanh thoát, hào hoa… Hàn nho vội vã đứng dậy rũ tay áo cung tay lên trán, cúi người thấp xuống vái chào: “Hàn nho tú tài Tam Đức Phòng vô vùng phước đức được đón tiếp Viên ngoại. Rồng hạ cố đến nhà tôm, thì chính tôm lại được lực cuốn của rồng mà lên cao”. Nghe những tôm những rồng, cách biệt quá, Viên ngoại không vừa lòng: “kẻ sĩ trong thiên hạ khúm núm trước gấm vóc thế này ư? Ta cũng chỉ hơn tú tài có ba bậc, ta họ Lục”. Tú tài thưa: “Tam không phải họ của Hàn Nho, Đức Phòng cũng không phải là tên”. Viên ngoại cảm thấy là lạ, trong lòng có chút chẳng ưng ý, nhưng vẫn ôn tồn: “thế là sao?”. Tú tài: “Thưa lục viên ngoại hàn nho nêu lên ba tiêu chí để tự răn mình. Tam là ba, Đức là phẩm chất, Phòng là bảo hộ ngăn ngừa, để: (một) không sợ vợ, (hai) không lấy nhiều vợ, và (ba) không sinh nhiều con”. Đức vua trong chiếc áo Viên ngoại cảm thấy hứng thú với gã tú tài gàn dở này, nghiêng quạt che hờ lên mặt để cười. Viên ngoại vui vẻ: “không sợ vợ thì rõ rồi, chính ta cũng không sợ vợ; không sinh nhiều con là đúng, hoàn toàn chính đáng, chẳng cần bàn luận thêm; nhưng tại sao lại không nhiều vợ? Giàu sang thì phải năm thiếp bảy thê mới xứng với phẩm chất đức độ của bậc giàu sang quyền quý chứ”. Tú tài cung kính: thưa lục viên ngoại tôn kính, ngài đã bao giờ nghe câu: “Một vợ ngủ giường lèo – hai vợ nằm chèo queo – ba vợ chuồng heo mà nằm”. Viên ngoại thật thà: “Quả thực ta chưa nghe, đây là lần đầu, nhưng giường lèo ta có thấy, nằm chèo queo ta có biết, cũng đã kinh qua, “giường chuồng heo”thú thực ta chưa hình dung ra được, mong tú tài phác họa cho ta được mở rộng tầm mắt”. Tú tài cung kính vâng lời. Trải giấy hoa tiên, vê vê ngọn bút trong thanh nghiên mực, phác lấy mặt bằng, viên ngoại chăm chú theo dõi, gật gù cũng dáng dấp cái giường ta biết. Tú tài phóng lên bốn cái trụ gốc bằng nét bút tài hoa, viên ngoại ớ lên reo thầm: “trụ mắc màn đấy”. Nhưng tú tài đã đóng khung bốn đỉnh trụ lại để chuẩn bị rào bên dưới, đường bút của tú tài đã đẩy viên ngoại chệnh choạng, hụt hẫng, chơi vơi, lơ lửng, mờ mịt trong mù đen rùng rợn của lỗ hổng kiến thức. Dương to mắt bám theo ngọn bút của tú tài cuốn lên như rồng thướng thiên, hạ xuống dịu êm tựa hồ mây nghiêng thành núi, từng đốt lóng mắt tre hiện rõ, bức tường bằng cây tre chặt khúc đã hoàn thành. Mồ hôi lấm tấm trên trán viên ngoại. Ngài đã hoàn toàn mù tịt, đã lạc vào bát quái trận đồ, đã rơi vào mê hồn trận, đã bị thiên la địa võng treo ngược vào không gian âm u hỗn độn của thuở hỗn hoang âm dương chưa phân lập… ngòi bút hào phóng của Tú tài vòng lên quá nửa diện tích, qua ánh sáng, đường nét và màu sắc đậm nhạt, Ngài cảm nhận nó ươn ướt, một thắc mắc thoáng qua “ướt cả nệm thôi”. Ngài hết sức bàng hoàng khi dần dần, loáng thoáng, hình bóng đôi tai heo ngoe nguẩy mờ mờ ẩn hiện…Ngài suýt reo lên “cung thiên bồng nguyên soái”. Một bác trư đã ủn ỉn xuất hiện. Bây giờ bức tranh đã hoàn chỉnh. Rõ ràng không có ai là không thể không biết đấy là “chuồng heo”. Duy chỉ có đức Vua, trong lốt áo Viên ngoại hoàn toàn không biết. Có một lỗ hổng kiến thức.Trong nhận thức của ngài có một loại giường chuồng heo mà gã Tú tài gàn dở dành cho người nhiều vợ. Không khéo ngài còn suy diễn nó phải nhiều tầng bậc vì những ba vợ kia mà…

  Ngài vô cùng hứng thú, truyền thu nhận bức tranh, nhưng chợt nhớ ra đang trong vai tuồng Viên ngoại, nên ngài cũng đành phải thủ vai: “Ta nhận bức tranh, Tú tài định giá đi”. Tú tài ngắm nghía bức tranh hồi lâu, như lưu luyến, như nuối tiếc, như không nỡ rời tay, như… vì quá nể nang Viên ngoại, đành phải thể hiện lòng tôn kính ngưỡng mộ, đánh dấu buổi sơ giao mà ấn tượng bằng sự vâng lời: “Thưa lục Viên ngoại tôn kính, nếu là ai khác, chẳng hạn vị đứng bên cạnh, hàn nho sẽ lên giá năm lai, nhưng với Viên ngoại hàn nho xin nhận nửa phân”. Học theo lối chơi chữ, kiểu như “bên tám lạng bên nửa cân”, chỉ sự ngang bằng, vì một cân những mười sáu lạng, nhưng một phân lại mười lai. Ở đây không hàm ý chơi chữ mà là một cách nói vui, một lối xum xoe của kẻ kiếm sống trên hè phố, nhằm vui lòng khách đến, cũng vui vẻ khi ra đi. Viên ngoại tự tay nhận tranh, hô lên một tiếng “thưởng”. Quan cận vệ luống cuống ngước nhìn, Ngài hiểu ý vắn tắt: “năm lượng vàng”. Từ nửa phân bạc lên năm lượng vàng, Tú tài không hiểu chuyện gì, kinh hoàng run rẫy rồi quỵ xuống, mất cả hơi sức, sinh lực, toàn thân rủ xuống một đống, vô tri vô giác…nhưng nhịp tim lại đập liên hồi. Nhưng rồi với nội lực gần hai mươi năm dùi mài kinh sử, thấm sâu đạo lý Thánh hiền, thấu tình đạt lý đạo sự đời, Tú tài cũng đã hồi sức, hiên ngang đón nhận như một lẽ đương nhiên, như một sòng phẳng của sự trao đổi, mua bán. Chỉ có bàn dân thiên hạ lối phố là ngỡ ngàng đến câm lặng. Có người xuýt xoa: “Viên ngoại tốt tướng như vậy mà lại tâm thần, thật tội nghiệp”. Rồi lại cũng chính họ tự cãi lý với mình : “E không phải, nếu bệnh hoạn thì còn có hai bị theo hầu hạ, chính họ cũng đồng tình”. Cuối cùng ai ai cũng mừng cho tú tài nghèo rớt mồng tơi được một phen vượt khó.

  Yêu thích bức tranh, yêu luôn cả người vẽ, và cũng hứng thú với cái gàn gàn nên Viên ngoại nắm lấy cánh tay Tú tài lôi theo với lời mời: “Về chỗ ta đàm đạo”. Tú tài thích chí lon ton bên cạnh, trào dâng hứng khởi, khoa tay cao luận rộng đàm, chỉ nghe Viên ngoại hùm hùm trong miệng. Chợt ngẫng mặt lên thấy cổng nhà quan với sĩ tốt canh gác, Tú tài hốt hoảng, mặt tái mét, chân tay run rẫy, miệng ú ớ…thôi chết rồi Viên ngoại nộp ta cho quan. Nhưng ta có làm điều gì sai trái nào, bất quá bắt trả lại năm lượng vàng, dĩ nhiên cũng phải trả lại ta năm lai bạc chứ! Suy nghĩ như vậy, nhưng nỗi sợ hãi cứ trào dâng, bởi nó không thuộc hệ ý chí, nó là cảm xúc, nỗi sợ hãi dâng trào, dâng trào… ôi, cha mẹ ơi, họ sẽ quy kết con biếm nhẽ… họ sẽ suy diễn Tú tài thì có vợ đã may mắn lắm rồi lấy đâu ra nhiều vợ nên ganh tỵ, đặt điều vu khống, nhưng nằm chuồng heo là câu nói dân gian có phải tự con phóng tác đâu, sao không đi mà bắt hắn, cái thằng dân gian ấy… Vợ con ơi, ta bị tù tội rồi, ta gây họa cho các người rồi… Mặt Tú tài trắng bệch, nỗi rõ từng đường gân xanh vồm lên, hơi thở đứt quãng, lời nói chỉ còn thều thào, những cao luận hùng đàm theo gió đi mất. Tú tài thều thào: “Viên ngoại ơi…oan cho tôi, họ đánh chết mất…Vàng của Viên ngoại còn đây…” Nhưng hình như Viên ngoại không nghe rõ, chỉ nói : “Đừng sợ, có ta mà…”. Ngài lôi Tú tài vô tri vô giác đi giữa hai hàng quan quân quỳ rạp lạy chào.Quan thủ thánh liếc xéo Tú tài, ánh mắt căm phẩn: “Ta mà lạy ngươi sao? Hãy gởi cái đầu trên cổ thêm vài canh giờ nữa”. Như chợt nhớ ra điều gì, Ngài ngoái lại: “hán do ta lôi theo, không có lỗi gì cả”. Quan quân dạ ran tạ ơn Hoàng thượng. Đúng ra người cần tạ ơn là Tú tài, bản án tử hình đã tuyên, may quá Ngài chợt nhớ ra, đã vô tình biến thành lệnh ân xá. Lúc này thì chân Tú tài đã rệu rã, nước miếng vã ra chảy lòng thòng, hai ống quần ướt đẫm toàn thân rã ra ruội dần, nhà vua phải xách nổi kéo lết đi, thấy vậy quan cận vệ phải nghiêng lưng cõng hắn. Ngài cho gọi ngự y cấp cứu. Nghiễm nhiên tên Tú tài gàn dở lại là thượng khách của triều đình.

Lại vùi đầu vào chồng tấu. Tướng biên Trấn phía Bắc lại xin tăn quân lại kêu nài về tiếp tế; quan tuần phủ tỉnh Đông lại xin cứu tế vì thiên tai. Các buổi thiết triều dài thêm thời gian, các đại thần lại họp kính cùng Hoàng thượng, về việc sứ thần phía Nam khiêu khích, về việc quân cướp biển tấn công cả thuyền lương của quân triều đình. Đức vua bận rộn quá, Ngài quên bẳng người khách do ngài mời: “Về chỗ ta đàm đạo”.

Tú tài khách ăn ngon, mặc đẹp, ở trong ngôi nhà sang trọng, rộng mênh mông, lặng như tờ. Nói tù thì không phải, tự do ăn, tự do ngủ, tự do ngâm thơ; nói là khách lại càng không phải, khách sao lại không có người tiếp, người chuyện trò. Hỏi một câu cũng chẳng ai lên tiếng. Người xới cơm câm, người rót nước câm, chỉ có con thằn lằn không câm. (Có phải câm đâu, họ được lệnh không nói, chỉ phục vụ và phục vụ. Bởi ông khách không tuyến, không phải của bộ này, chẳng phải bộ kia… lừng lững làm khách. Quan cận vệ cõng tận giường, ngự y cứu tính, thế là xong, ai có phần việc này. Chẳng ai biết gì hơn, để xưng hô chứ đừng nói đến chuyện trò). Được con thằn lằn không câm nhưng nó chẳng giao tiếp với loài người.

Sợ mãi rồi cũng chai lỳ, bây giờ Tú tài bình tĩnh hơn, thản nhiên thưởng thức miếng ngon của lạ. Cao hứng Tú tài yêu cầu điếu đóm thuốc lào, lại được phục vụ chu đáo. Lại đòi nghiên mực bút long, lại được phục vụ chu đáo. Tú tài viết thư cho vợ: “Ta đang ở một nơi lạ lùng, ăn ngon hơn ăn giỗ, trà ngon hơn ở nhà Lý trưởng, yêu cầu là họ đáp ứng, chỉ có hỏi gì họ đều không trả lời…”. Biểu đem thư đi gửi, người phục vụ cũng nhận. Tú tài nổi lôi đình: “Ngươi gửi cách gì đến được nhà ta?”. Im lặng. Đòi thư lại. Người phục vụ ngoan ngoãn trả thư. Im lặng, không thắc mắc, không ý kiến, không trả lời.

Tú tài giờ đây đã thành túi mỡ, chu vi mở rộng ba lần. Yêu cầu sách. Họ mang đến chất đầy ba dãy kệ, ước khoảng hơn ngàn quyển. Tú tài cầm lấy một quyển bất kỳ, lật trang đầu nhưng mắt chỉu lại không mở ra. Mắt đã là mắt của túi mỡ đâu còn mắt Tú tài.

Vương quốc đang buổi thịnh trị thái bình. Bằng một sách lược ngoại giao khéo léo, mềm dẻo, ngài đã giải quyết ổn thỏa vụ phía Nam, dứt điểm những rối rắm phía Bắc đưa biên cương vào thế yên ổn bang giao thu phục nhóm cướp biển, giải giới cho về đoàn tụ gia đình. Quan tuần phủ tỉnh Đông phúc trình vụ mùa bội thu. Vương quốc rộn ràng lễ hội. Sứ thần khắp nơi kéo tới kết tình giao hảo, liên minh, trao đổi hàng hóa, sản vật, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”.

Bộ Lễ đệ tấu xin chỉ dụ giải quyết “ông khách” để lấy chỗ tiếp các đoàn ngoại giao. Đức Vua chẳng nhớ khách “của mình” nên phê tùy Bộ. Thế là Tú tài được phóng thích, à không, được tiễn khách. Bộ Lễ thật chu đáo, hỏi cung đường để cấp kinh phí. Nhưng Tú tài chỉ xin lại bộ áo hàn nho của mình. Thật là làm khó cho Bộ, phải mất hai ngày mới xác minh được, nó đã được thiêu hủy trong đợt tổng vệ sinh chống dịch bệnh hồi năm ngoái. Bộ chính thức xin lỗi và đề nghị được bồi hoàn bằng hiện kim, hoặc Tú tài hướng dẫn để xưỡng may may lại bộ khác. Tú tài được ngồi kiệu ra khỏi cổng thành. Xuống kiệu Tú tài thở hổn hển ngồi bệt bên vệ đường. Chân run quá không bước được, không đứng được. Đâu phải vì sợ hãi như hồi vào, mà do mập quá, đôi chân không còn đỡ nổi tấm thân phì nộm. Dân gian có câu: “Họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập”. Vận vào hoàn cảnh Tú tài thì thật in như khuôn không mảy may xê dịch. Bởi cao hứng bốc đồng miệng hùng đàm, cao luận về “tam đức phòng” dẫn đến “làm khách” trong lâu đài cao sang, chăn ấm nệm êm, cơm bưng nước rót, áo mũ xênh xoang, mà khổ hơn tù cấm cố, vì tù cấm cố còn nghe được tiếng người. (đúng là họa tùng khẩu xuất). Là một loại tù ngoại lệ nên được cung phụng quá phủ phê cao lương mỹ vị, ngon miệng ăn nhiều nên phì nộm, bây giờ không còn đứng được nữa, có lẽ chỉ còn nằm. (Bệnh tùng khẩu nhập). Những điều lưu truyền trong dân gian thì sai thế nào được, đấy là kinh nghiệm máu xương đúc kết qua hàng ngàn năm, mà Tú tài là một minh chứng.

***

Vương quốc thịnh trị, biên cương yên ổn, té ra cũng buồn, đức Vua không có việc gì để làm cả. Cả Vương quốc có dăm ba chút việc: Luyện quân, giao tiếp, bảo hộ đê điều, đến định kỳ tổ chức thi cữ, đốc thúc thần dân làm kịp mùa vụ… chút xíu việc, các bộ, các tỉnh, các tướng làm ráo, nhà Vua chỉ còn mỗi một việc là làm thơ. Khổ nỗi, thơ lại thuộc thế giới vô ngôn, vô thanh, vô hình thể. Không thể dùng tư duy để nắm bắt thơ; không thể dùng lý luận để phân tích, diễn tả thơ. Ngược lại với thơ, Ngài lại quen nhìn sự vật với sự trần truồng của nó, gọi đúng tên nó. Ngài chỉ quan tâm đến sự thật mà sự vật có. Ngài không thích thêm hương, thêm sắc; cũng không thích bớt sâu, che mọt. Bởi vậy Ngài không làm thơ. Khổng tử nói: Con chim có bay; con thú nó chạy; con cá nó lội. Ngài luận về sự bay, sự chạy, sự lội ấy.

Một hôm, ở cung Hoàng hậu thấy con chim sâu luồn lách dưới cành lá cây hoa hải đường, Ngài định luận về sự chuyển động, nhưng Hoàng hậu đã nói hớt: “Biết rồi, bay – chạy – lội”. Ngài cụt hứng, lại lủi thủi về thư phòng. Hoàng hậu nói ngang như cua bò. Nếu khép tội “khi quân” cũng thừa chứng cứ đấy. Đức Vua nhớ lại, khi đang là Công nương: “Thưa đức Đông cung Điện hạ….” Ngài nổi đóa: “Ngươi… nói thì nói đi… đọc từng tràng, từng tràng… ta quen với vừa bốc cơm ăn vừa tiến quân, quen nằm dưới sương trên đất, ngủ trên lưng ngựa, ta chỉ nói: tiến”, “thối”, “thẳng”, “thua”, “chém”, “thưởng”, ta chưa có nhiều thời gian để nói đến hai từ, bây giờ Vua cha nhốt ta vào đây, nào “miễn lễ”, nào “bình thân”, toàn cả cái thứ mà có nói hay  không có nó ta vẫn là ta… khổ não trăm bề, thân ta đây bị trói ngàn thứ dây chưa đủ sao mà nhà ngươi còn Đông cung tây cung, Điện hạ điện thượng… ngươi có nói ít từ đi cho ta đỡ nhức đầu không”. Công nương kinh hoàng sụp lạy còn hơn tế sao. Lạy mãi rồi cũng bình tỉnh được: “Xin ngài chỉ cho tiện thiếp cách xưng hô”. Sự ức chế trong quá trình học làm “vua’ đã được phát tác, nó làm dịu đi da mặt, nhẹ đi hơi thở, Ngài thoáng thấy, nhận ra mình vô lý, Công nương có lỗi gì. Ngài đỡ Công nương dậy, ôn tồn dạy: “Gọi… ấy ấy như dân ngoài phố vậy”. Quả thực Thái tử Điện hạ thâm nhập dân tình khá sâu mới biết ngoài phố có những cặp vợ chồng gọi nhau… “ấy ấy”, vì đây là số ít, rất ít, phần đông gọi nhau: anh – em, cậu – mợ, thầy – bà kèm theo tên. Chiếm hơn nửa là gọi vợ theo tên chồng, ông Nam – bà Nam, khi đã có con họ gọi theo bậc của con, như bố thằng cò, mẹ thừng cò. Ngài dạy vậy, công nương càng ngơ ngác rối mù, gọi ấy ấy là gọi làm sao, cố lục tìm trong trí nhớ, ôn lại cả Tứ thư, Ngũ kinh cũng mờ mịt đành phải thú thật: “Tiện thiếp chưa một lần ra phố, xin ngài dạy rõ hơn”. Ngày kéo Công nương vào lòng, vỗ cái bốp vào mông, bồng nỗi Công nương… “Gọi… ấy ấy là… thế này này”.

Từ ngày có chỉ dụ bỏ cụm từ “muôn tâu’, Hoàng hậu là người duy nhất trong triều hiểu được thâm ý tiết kiệm của nhà Vua. Không những tuân thủ ý chỉ mà còn triển khai tự loại bỏ hết sáo ngữ. Hoàng hậu vắn tắt: “Ngài không được khỏe, nên giảm thức khuya”. “A, Hoàng hậu cũng có sáo ngữ”. Đức Vua nhớ lại. Trong phòng loan: “Đấng ban hạnh phúc cho thần thiếp, đấng mang ánh sáng rọi tỏa lên cơ thể thân thiếp làm xanh lên mơn mởn, làm vươn lên sức sống ngùn ngụt đam mê, cuồng say dâng hiến. Đấng ban sự sống, xin người cho thần thiếp cắn một miếng, cắn đau đấy”. Quả thật Hoàng hậu là người can đảm nhất Vương quốc, ngay cả lân bang còn chưa dám nuôi ý tưởng cắn Ngài, chứ đừng nói trong triều ngoài quân. Suốt mười ba năm xông trận hãm thành, cũng có lúc cuốn cờ tháo chạy, cũng từng chép tướng đoạt thành, nhưng chưa một mũi giáo làn rên nào vương lên thân thể Ngài, cảm giác đau đớn của Ngài là nỗi thương tâm sĩ tốt. Đức Vua thấy khát khao cái cảm giác được cắn đau đấy, lòng tràn ngập hứng thú, chút vui vui bủa vây, Ngài hạ chỉ chuẩn tấu. Hoàng hậu đã cắn, đức Vua chưa thấy đau, chỉ cảm nhận chút rân rân lan nhẹ tựa hồ làn nước tỏa dần rồi ào ạt vỡ tràn xô lên cảm xúc ngọt ngào, bủa vây, mở rộng, phủ trùm, ngập tràn xây nên niềm hạnh phúc ngất ngây, xây nên niềm đam mê bốc lửa, và ngọn lửa thương yêu, ngọn lửa sẻ chia, ngọn lửa chung ngọt chung bùi, ngọn lửa ân tình, ngọn lửa hàm ơn, ngọn lửa ban phát… những ngọn lửa ấy như nghiêng vào nhau, tựa vào nhau, gặp gió bùng lên vũ bão, bây giờ thì phải được giải tỏa, phải được xả bờ… đức Vua quấn lấy Hoàng hậu, xáp vào, đối kháng và… để được hòa tan.

Trong trạng thái hân hoan, thỏa mãn, ngất ngây, đức Vua rộng lượng hỏi: “Hậu có yêu cầu gì với trẩm không”. Hoàng hậu thưa: “Xin Hoàng thượng bảo trọng sức khỏe, vì thần thiếp, các phi, công chúa, Hoàng tử và cả Vương quốc”. “Đấy là cái chung, trẩm muốn biết cái riêng của Hậu, như ngôi Đông cung, ý Hậu nên…”. Hoàng hậu thưa: “Ngôi Đông cung là việc hệ trọng, xin Hoàng thượng bàn luận với cấc Đại thần và Thân vương, cho phép thần thiếp không dính vào việc triều chính”. Đức Vua lại ban thưởng: “Trẩm cho triệu Hậu”.

Từ cung Hoàng hậu, Ngài đi thẳng vào thư phòng. Đức Vua tự biết, nếu bây giờ có vào bất cứ cung Hoàng phi nào, rồi cũng phải rời với tâm trạng bực bội, không thể nghe mãi những đức tính của Thái tử mà Ngài hiểu rõ chỉ trong sách mới có.

Cô đơn và cũng có chút không vui, Ngài lật tung đống giấy trên long án, cũng là làm cho có làm mà thôi, chẳng có chủ ý gì, lại văng ra bức tranh không đề, không lạc khoản, chính Ngài tự gọi tên là: “Giường chuồng heo”. Chợt nhớ đến vị khách Tú tài. Ngài cho triệu. Bộ lễ lại bận rộn soạn tấu trình bày về việc Hoàng thượng đã dụ cho phép bộ tiễn khách cũng đã hơn hai năm rồi. Ngài chép miệng “thời gian qua nhanh nhỉ”. Mất ông khách đức Vua buồn thực sự, nhưng nghĩ đấy là chuyện nhỏ không nên làm phiền hà các Bộ. Ngài nhớ “tam đức phòng” mà tiêu chí đầu tiên là “không sợ vợ”. Ngài chợt lóe lên sáng kiến là kiểm chứng bá  quan văn võ trong triều để xem được bao nhiêu vị đạt tiêu chí thứ nhất ấy.

Triệu tập bá quan văn võ. Thiết lập bàn hương án có tấm biển: “Bảo vệ sự thật”. Bên trái cắm lá cờ màu đỏ, bên phải cắm lá cờ màu xanh. Ngài chỉ dụ: Các quan lần lượt từng người một tiến đến hương án tuyên thệ cùng trời đất chỉ nói sự thật, và tùy theo sự thật của mình mà đứng vào màu cờ. Màu đỏ dành cho “người sợ vợ”, màu xanh dành cho “người không sợ vợ”. Đây chỉ là cuộc điều tra, kiểm chứng nhằm lấy số liệu. Trẫm miễn tội cho các quan ở cả hai màu cờ.

Bởi Ngài từng là Tướng lĩnh nên có thiên hướng tín nhiệm quan võ hơn, và cũng là tâm lý thường tình quan niệm Võ quan mạnh dạn, dứt khoát, trung thực, nên đức Vua chọn vị tướng đã theo Ngài từ khi còn là Thái Tử làm người bày tỏ đầu tiên. Thật không phụ lòng trông cậy, vị tướng hiên ngang tiến đến bàn hương án tuyên thệ chỉ nói sự thật. Giọng sang sảng vang lên làm các chuông gió treo trước hành lang Điện chầu rung lên rộn rã. So với Trương Phi, tiếng hét làm vỡ mật một dũng tướng của Tào Tháo, thì vị tướng này nếu cầu phải hét cũng chẳng có khả năng làm chùn chân cả một cánh quân. Tuyên thệ xong Tướng quân hùng dũng rung bộ giáp sắt phát ra tiếng lách cách rào rào oai phong. Đức Vua hồi hộp dõi theo, Ngài nghĩ: “Đến Phán quan còn phải kiêng nể đôi phần… hắn thì còn sợ ai!”. Nhưng đức Vua đã nhầm. Vị tướng oai hùng, dũng mãnh, hiên ngang nhằm hướng cờ đỏ thẳng tiến. Bên là cờ đỏ tung bay tướng quân giang chân đứng vững chắc như bức tượng đồng kiêu hãnh, như là một biểu tượng chân lý vĩnh hằng, bất biến, trường tồn mãi mãi giữa đất trời, mãi mãi trong tâm thức con người. Người thứ hai, thứ ba đều về hướng vị tướng đã chọn… người thứ tám mươi lăm cũng vậy. Bỗng cả sân chầu nín thở, một vị quan nhỏ thó, ốm nhom, bước chân rụt rè đi về hướng lá cờ xanh. Đức Vua hồ hởi, không lẽ không có người đạt được tiêu chí, ít ra đã có một người, đức Vua phấn chấn nghĩ vậy. Người kế tiếp lại cờ đỏ… cho đến vị quan cuối cùng cũng xuôi về cờ đỏ. Chỉ còn lại mỗi một mình đức Vua. Ngài bệ vệ tiến lên bàn hương án, nghiêm trang oai vệ kính cẩn tuyên thệ bảo vệ sự thật để làm kỷ cương, rường mối cho đời đời các thế hệ mai sau. Tuyên hệ xong Ngài dợm chân, có chiều hướng nghiêng về cờ đỏ, quan cận vệ, cũng là người bạn nối khố, người tâm huyết, vội vã nhắc nhở: “Hoàng thượng đã tuyên bố:” ta cũng không sợ vợ trước bàn dân lối phố rồi”. Đức Vua thản nhiên: “Ta là Vua, phải là Vua của bá quan, chứ làm Vua gì một thằng còm cõi ấy. Hơn nữa “Không sợ vợ” là Lục Viên ngoại đâu phải ta”. Ngài bệ vệ bước những bước chân đầy phong thái của một đức Vua, của một đấng Minh quân về lá cờ đỏ.

Quan cận vệ, một người bạn tâm giao của đức Vua nghĩ: “Ngài không những là một tướng lĩnh tài ba, mưu trí, dũng mãnh; không chỉ là một đấng Quân Vương”lấy Vương pháp để trị vì, tôn trọng quyền sống của thần dân; Ngài còn là một nhà chính trị lão luyện”.

Thực ra quan cận vệ cũng hơi cực đoan, có chút khắc nghiệt, xét nét với bạn. Chính đức Vua rất trung thực khi chọn về hàng ngũ màu cờ đỏ. Nếu ta nhớ lại, đức Vua đã bao lần rời cung các Hoàng phi, và ngay cả cung Hoàng hậu trong tâm trạng bức bối. Đức Vua đã thốt lên lời: “Chỉ mấy bà phi mà không phút nào yên, quyền uy tuyệt đối nỗi gì? Thuần hóa được ai kia chứ, mà nói muôn dân…”. Rõ ràng Ngài xác nhận không đủ quyền uy trước các bà: không đủ đức độ để dẫn dắt. Nghĩa là, nói theo dân gian, đức Vua đã bó tay. Bó tay là bị đòn khóa. Bị khóa là thua cuộc. Mà đã thua thì phải tuân thủ ý chí kẻ thắng. Một nghĩa khác của từ “sợ”. Đức Vua đã trung thực với chính mình. Rõ ràng đức Vua cũng sợ vợ.

Vị quan can đảm nhất, anh hùng nhất, người duy nhất trong bá quan văn võ ở triều đình, người “không sợ vợ” đứng dưới lá cờ màu xanh phấp phới tung bay trong gió, đang run rẫy khóc òa. Đức Vua triệu đến vỗ về, và hỏi bằng phương pháp nào mà quan đã vượt qua được nỗi sợ hãi trước vợ, để rồi vươn lên không sợ vợ? Quan tâu, thần cũng chưa biết rõ mình có sợ vợ hay không sợ vợ, bản thân không sợ vợ, nhưng tìm mãi chưa ra lá cờ “không có vợ”, đành phải chọn “không sợ vợ”, dù sao còn có chữ “không” để nương tựa. Đức vua phán, Trẫm sẽ kết hợp lương duyên cho quan. Nhưng quan lại tâu xin được từ quan để được chuyên tâm quét đền thờ thánh. Quan thích chiếc áo trắng đạo sĩ hơn là chiếc áo màu xanh của đấng phu quân. Hoàng thượng chuẩn  tấu, cho làm đạo sĩ để phát huy cái đạo “không sợ vợ”. Ngài hi vọng thế hệ sau và các thế hệ kế tiếp sẽ có nhiều hơn những đấng mày râu đạt tiêu chí.

Đức Vua rầu rầu chuẩn bị tâm lý để chịu đựng khi hồi cung, từng tràng, từng tràng những sáo ngữ và vô vàn đức tính mà nhân loại đã tổng kết được ghi chép trong sách, đem ra nhét vào đầu ngài. Ngài ngao ngán nói với người bạn chí cốt, người đã cùng Đức vua nửa đêm trèo thành như hai tên ăn trộm, để ra phố tìm lầu hoa. Các vị ấy trèo thành ra được, lại trèo thành vô được, nhìn nhau cười hể hả… Chỉ tội cho quan thủ thành mất chức với lý do chung chung “kém năng lực”. Về cạo giấy ở bộ vẫn chưa tìm ra lý do rõ ràng, nuôi lớn nỗi hậm hực như nuôi chòm râu dưới cằm, cũng chỉ để tự vuốt lấy ngày ngày. Ngài than thở với người cận vệ tài ba: “Chính ngươi cũng không thể bảo vệ được”.

Đức vua bệ vệ hạ chỉ hồi cung. 

 

Lê Tâm Tiềm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 216 tháng 09/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground