Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hai người đàn bà

M

ột căn phòng âm âm tối, gác tư một khách sạn hạng thường của Sài Gòn vào một năm hai ngàn có hai người đàn bà tuổi trạc năm mươi đang lăn ra ngủ trong tư thế chỉ có thể nói là hoàn toàn tự do, ngủ không cần biết tới ai, bất chấp tất cả. Họ nằm sõng sượt giữa đống mền ga xô lệch, đầu mỗi người một hướng, đùi vế gác lên nhau, váy áo bùng nhùng, vai trần ngực trần, vú vê ngồn ngộn. Mấy mảnh chăn đơn hờ hững nửa trên giường nửa dưới sàn màu sắc loang lổ vằn đen vằn vàng như lốt hổ càng làm cho căn phòng tăng thêm vẻ dữ dằn.

Ngoài kia là một thành phố đang trôi nổi trong cái nắng nhiệt đới trưa hè, nắng từ lúc vừa mở mắt, nắng suốt ngày và gay gắt như trút lửa. Bên dưới khung cửa sổ che rèm nơi họ trú ngụ là một con phố hẹp, đám đông đang tắc nghẹt bởi một vụ va quệt nào đó vừa xảy ra. Nó rất hay xảy ra, đã là chuyện thường ngày trên khắp nước, bảo đột ngột cũng phải mà bảo chẳng có gì là đột ngột cũng phải. Tiếng người tiếng còi xe, tiếng còi cảnh sát dọn đường huyên náo đã đánh thức đôi bạn, họ vùng dậy ngồi chụm đầu vào nhau, tóc tai lòa xòa che phủ khắp mặt, cả hai cười rúc rích, kéo mền chăn đắp vội lên đùi. Hình như mọi ngõ ngách của thành phố rộng lớn này đều đang sôi sục, chỉ khoảng không gian nho nhỏ của họ là vẫn yên ả với cái lạnh của một ngày đông. Mà phải là một ngày chớm đông Hà Nội mới có nổi cái hơi may lành lạnh rất dễ chịu đó.

Họ thay nhau cất tiếng, câu chuyện nhẩn nha nhát gừng và không mấy rành mạch.

Tao nhớ một đêm mưa sầm sập, hình như là có mưa đá, mái lá gồi ký túc xá sinh viên rung bần bật như lên cơn co giật, rồi giột lách tách, giường trên ướt át, tao mò mẫm tụt xuống nằm chung với mày. Hai đứa nằm kiểu úp thìa như hai con tôm co ro trên mảnh giường chật, đôi vai mày nhòn nhọn chỉ thấy xương là xương, tấm lưng mỏng cứng như cái que. Mày thường nghĩ ngợi những gì nào ai biết, chỉ thấy hay thở dài, ngủ sâu cũng thở dài, đời vất vả là phải. Giờ thì đều già móp cả rồi, hai đứa đã hóa hai con mẹ mướp, được cái mày vẫn gọn gàng như thuở nào, chỉ tao là sồ đại ra nom rất khó coi. Được là mẹ mướp còn may, tao đang lo khéo chúng mình sắp hóa hổ, là hai con hổ cái, nghĩ cho cùng nếu không hóa hổ cũng khó sống nổi, sao đời nó lại đưa đẩy tụi mình đến nông nỗi này nhỉ. Mày thừa biết ông già tao vốn là một bác sĩ người Pháp, tốt nghiệp y khoa Paris ông làm đơn xin qua Đông Dương, còn bà già năm ấy cũng học xong trường y tá ngoài Hải Phòng, về làm việc dưới quyền ông ở một bệnh viện hàng tỉnh. Mấy năm sau họ thành vợ chồng, ông già ngoài ba mươi còn bà ngoài hai mươi, hơn kém nhau trên chục tuổi. Tao, một con bé trong mình mang hai dòng máu, từ nhỏ đã bị trẻ quanh xóm gọi là con tây lai, con đầm lai. Nghe mãi thành quen, thì mình đúng là thế, chứ có làm sao. Rồi con đầm lai đàng hoàng vào ngồi trong khoa hóa Đại học Sư phạm Hà Nội, được xem là một trong mấy hoa khôi của Khoa, hoa khôi xó bếp nhưng cũng vui chán. Đã có nhiều anh ngấp nghé, thư từ tình ý gửi đến không ít, một vài người không ra gì, nhìn chung là tử tế, hiềm một nỗi chiều cao đều muốn ngắn, trong khi ấy tao cứ lớn vổng lên, rất bực. Vẫn một khổ giường ấy, chúng mày nằm thì vừa mà tao thì đã thừa tay thừa chân. Tao lo mình khó lấy chồng, là vì tao không thể chịu nổi cái cảnh chồng thấp vợ cao, nom cọc cạch thế nào. Tao thầm cầu trời cho mình được gặp một người đàn ông dù mình có cao lớn đến đâu thì đứng với nhau anh ấy vẫn phải nhỉnh hơn mình một chút, được tới ngang vai anh ấy là hay nhất,cùng lắm là ngang tai. Như thế mỗi khi giắt nhau ra đường mới không ngượng, thế là đẹp đôi, tao thường chỉ nghĩ đã là vợ chồng thì suốt ngày chỉ có rủ nhau ra đường. Vào năm học cuối có một người đặt vấn đề với tao, tạm được, bảnh trai đàn nhạc giỏi, ăn nói ngọt ngào lại biết chiều chuộng săn sóc, thoạt đầu tao đã mừng, nhưng vài tháng sau tao chán, anh chàng có tật vừa chuyện trò vừa cắn móng tay, cắn liên miên hết ngón này qua ngón khác, mà lại hay nhớ ngày tháng năm sinh quê quán của từng người, tự xem đấy là một dấu hiệu của trí tuệ, sinh viên Khoa toán có khác, nhà toán học tất nhiên phải là người phi phàm, chính xác và lạnh lùng như một cái máy nhớ vậy. Tao mới thở dài bảo, chia tay thôi, em không thể ra đường với một người toàn những ý nghĩ lẩn mẩn, cho dù anh có một chiều cao khá lý tưởng. Hóa ra chiều cao chưa phải là tất cả, hình thức bề ngoài vẫn chỉ là cái đinh mà thôi. Chưa đầy một tuần lễ thì có chuyện chẳng lành, sớm ấy sắp lên lớp, anh lớp trưởng gọi tao ra hiên thì thầm, cô phải bỏ tiết đầu lên gặp tổ chức nhà trường, việc gì tôi không được rõ nhưng đây là việc gấp đấy. Ngồi trong phòng tổ chức lúc đó chỉ có một người, áo sơ mi trắng quần ka ki xanh, rất sạch sẽ và tươi sáng, nhưng giọng thật lạnh lùng. Anh ta mời tao ngồi vào ghế và nói luôn, có nguồn tin chính xác cho biết cô là Pháp kiều, ông cụ thân sinh của cô là một người Pháp chứ không phải người Việt, ông bố ghi trong lý lịch của cô chỉ là ông bố dượng. Vậy cô phải về làm lại lý lịch của mình cho rõ ràng, lý lịch không rõ ràng trong sạch, e rằng sẽ ảnh hưởng tới việc thi tốt nghiệp sắp tới. Tao sợ run người, chạy về buồng vừa khóc vừa thu dọn sách vở quần áo, chăn màn, nhét tất cả vào một cái rương gỗ, hồi đó rất hiếm va ly như bây giờ, mỗi đứa chúng mình chỉ có một cáI rương như thế, đi vắng lâu thì khóa lại, đặt ở đuôi giường. Cũng không kịp nhắn lại với mày một tiếng, tao chạy ra Cầu Giấy nhảy xe điện về luôn trên phố. Cầu Giấy dạo đó là bến đậu cuối cùng của tuyến xe điện từ Bờ Hồ xuống. Khách xuống nhiều mà khách lên cũng nhiều. Tao là một khách quá quen thuộc với tàu điện, len lên sớm nhưng không ngồi vào ghế mà tìm một góc cuối toa, đứng đó quay mặt vào ô cửa nhìn ra đường, hai mắt đỏ hoe. Xung quanh người người vẫn đang lên rất đông, lao xao chen chúc, họ hớt hải gọi nhau tìm một chỗ ngồi dọc toa. Tao đứng bên mấy cái sọt rau cỏ thừng chão quang gánh. Xe điện leng keng chuyển bánh, vừa chạy vừa chao như chao võng, có lúc vào khúc cong nó lượn mình lướt đi nghiêng nghiêng đến hốt. Ông già gày nhom với một chiếc mũ cát két bẩn tay cầm tập vé cặp trong một cái ví da đen đúa sặc mùi mồ hôi, cái ví có thể mở ra gấp lại như một quyển sổ. Khi ông ấy tiến lại gần tao chợt giật mình kinh hoàng vì nhớ ra là mình không mang theo tiền. Có chết không cơ chứ. Ngẩng đầu lên thì đứng ngay sau mình lúc đó là một anh bộ đội. Anh ấy vịn tay lên cái sà trên nóc toa, người lắc lư lắc lư. Cao, cao lắm, cao hơn tất cả những người đàn ông cao mà tao từng gặp từ bé đến giờ. anh ấy vừa cười vừa xòe ra hai tấm vé nhỏ như hai cái tem thư, vé mua rồi. Tao ngớ ra như muốn hỏi, sao nhanh thế, mua từ lúc nào mà nhanh thế, mà sao anh biết em không mang tiền. Nhưng tao chỉ bật lên một tiếng cười. Anh ấy nhìn vào đôi mắt đỏ hoe của tao mà hỏi, có chuyện gì không vui thì phải? Tao gật đầu, lại sắp khóc nhưng cố gắng cắn môi, tao muốn cho anh ấy biết là lòng tao đang tủi hổ nhường nào. Anh ấy không hỏi gặng gì nữa, ngó đầu đăm đăm nhìn ra ngoài khung cửa. Một khuôn mặt hiền biết mấy, trẻ trung và nghị lực biết mấy. Và cũng có một thoáng trầm tư không dấu diếm. Lúc tàu về đến ga cuối hai đứa cùng nhảy xuống, tao toan chào tạm biệt thì anh ấy vẫy tay bảo, đi, ta cùng đi một đoạn, cảnh hồ hôm nay tuyệt vời. Tao chỉ nhà em trong một cái ngõ đằng kia. Vậy ta đi về hướng đằng kia. Tao hỏi anh đóng quân ở đâu, anh bảo không xa, quanh Hà Nội. Anh bộ đội gì? Anh là bộ đội, thế thôi. Rồi anh lại cười, một nụ cười rộng rãi, ấm áp, hàm răng đều đặn mạnh khỏe và đôi môi đỏ còn hơn cả môi con gái. Lúc ấy tao mới nhận ra là mắt anh ấy rất sáng, sáng đến mức làm tao e ngại. Cặp lông mày xanh đậm như hai nét mực nho trên vầng trán đẹp lạ lùng. Người đâu lại có người như thế chứ, sao anh ấy lại hiện ra vào đúng lúc này. Anh có biết là tao đang buồn muốn chết hay không. Chúng tao đi bộ vòng hết nửa hồ thì dừng, nhà trong ngõ kia rồi. Anh hỏi liệu có phải em là một sinh viên, tao trố mắt ngạc nhiên, sao anh tinh vậy, là anh cứ đoán thế. Tao dặn mình là sinh viên lớp ấy khoa ấy, trường ấy, lúc nào có thể thì anh đến chơi. Anh gật đầu, sẽ đến, lúc nào thì chưa hẹn được nhưng nhất định sẽ đến. Từ hôm ấy tao có ý chờ, chủ nhật không về nhà, chạy ra cổng trường mua sắm gì một loáng là về ngay, không dám bỏ ký túc xá, chỉ lo anh ấy đến tìm vào đúng lúc thiếu mình. Phải ba tháng sau anh ấy mới tới, anh ấy lừng lững hiện ra ngay trước thềm, hôm ấy mày cũng có nhà, tao lóng ngóng nhảy khỏi giường, thở không nói được ra lời. Anh ấy đến bằng tàu điện, cuốc bộ tìm tới chỗ chúng mình, rồi tao lại tiến chân anh ấy cũng như thế, cùng cuốc bộ mấy cây số và cùng leo lên tàu điện. Vẫn đứng ở cuối toa bên những chồng quang sọt gồng gánh của mấy bà ngoại thành, chỉ có điều là khác với lần trước, mắt tao không còn hoe đỏ, tao nói cười ríu ran. Tao ngầm ướm mình đứng vừa đến ngang vai anh, thế là ông trời thương, cầu được ước thấy. Toa xe lướt dập dềnh qua các phố, tao thầm mong nó cứ đi như thế mãi, đi cho tới tận chân trời, bên anh.

Quay lại cái chuyện lý lịch, hôm đó tao về vừa khóc vừa kể lại đầu đuôi cho ông bố dượng và bà già nghe. Nghe xong dượng điềm nhiên bảo, không khó gì, lý lịch của con rất dễ làm sáng tỏ, tất nhiên là một trường hợp khá đặc biệt. Ngay buổi tối đó, ông dắt tôi lên khu Ba Đình, cũng bằng tàu điện qua cửa Nam thì xuống đi bộ vào phố Nguyễn Cảnh Chân. Đó là một vila xây từ những năm còn thuộc địa, một ngôi nhà đặc Pháp với nhiều vòm mái và cửa cuốn. Vừa là chỗ ở lại vừa là chỗ làm việc của một cán bộ cao cấp, rất cao cấp. Hai ông già lâu ngày chắc không gặp lại nhau nên tay bắt mặt mừng. Nghe dượng nói tình đầu xong người kia cười vang bảo, cháu yên lòng học hành, việc này để bác cho người xuống tận trường làm việc, đâu sẽ có đó. Bố đẻ cháu là một đảng viên đảng xã hội Pháp, mấy năm mặt trận Bình dân lên cầm quyền bố cháu có liên hệ mật thiết với ta và đã có nhiều giúp đỡ cho cách mạng. Sau cách mạng tháng Tám bố cháu ở lại làm việc bình thường trong bệnh viện, một bọn phỉ đã tới nhà cháu cướp phá, chúng đòi tiền, bố cháu trả lời là không có tiền, ông bị chúng bắn tại nhà riêng. Lúc bấy giờ tình hình lộn xộn lắm, phải một năm sau ta mới lùng bắt được lũ ấy, bắt ở trên Hà Nội, chính là dượng cháu đã được giao nhiệm vụ đó. Năm bố cháu và bác liên lạc với nhau là năm bác vừa ở tù ra, ốm lắm, bố cháu đã thuốc thang điều trị cho bác nửa năm trời mới đi lại được. Bố cháu là một trí thức sang trọng và rất nhân ái, lúc bấy giờ ông đã lấy mẹ cháu nhưng cháu thì chưa ra đời, mẹ cháu là người dưới Thái Bình bà ấy nói tiếng Pháp hay. Lạ thật đấy nhỉ, một việc cỏn con như thế mà mấy cậu trong trường cũng soi mói gây to chuyện là nghĩa làm sao. Thôi bỏ qua đi, đừng chấp là hơn. Ba hôm sau tao được đích danh thầy hiệu trưởng gọi lên phòng riêng, ông dặn cứ yên tâm làm bài thi tốt nghiệp cho tốt, về thưa với bố mẹ là lãnh đạo nhà trường không hề biết gì chuyện này, nhà trường xin lỗi bố mẹ cháu và cháu. Cuối năm thi xong chúng mình mỗi đứa một ngả, tao được phân công về dạy ở trường cấp ba Lý Nhân, Hà Nam, lúc đó là chiến tranh phá hoại, thị xã Phủ Lý đã thành một đống gạch vụn. Vậy ông cán bộ phòng tổ chức và nhà toán học cắn móng tay kia sau đó ra sao? Ai mà để ý tới họ, nhà trường sau đó cũng đi sơ tán khỏi Hà Nội, có nhiều yêu cầu công tác đặt ra trong tình hình mới, người vào chiến trường, người bồng bế vợ con lên Tây Bắc, chắc là họ cũng như chúng ta, đâu cần thì có mặt, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, ai chả sống như thế chứ. Tao được ai đó cho biết mày về dạy ở trường học sinh miền Nam dưới Sao Đỏ Hải Dương, không làm sao liên lạc được với mày nhưng nhớ mày thì nhớ lắm, vui buồn đều chỉ nghĩ đến một mày thôi. Tao thích ngắm mày những lúc tắm, giờ gặp lại vẫn vậy, những khi ấy mày khác hẳn, rất đẹp đấy. Đứng về một nhẽ nào đó mà nói, tao hiểu mày vẫn đang còn là con gái, mày chẳng chịu già, một đứa có duyên thầm mà chả mấy ai biết. Một cô bé được cha dắt đi tập kết, chân tay đen đúa, tóc bờm xờm tổ quạ, chỉ đôi mắt là đen thăm thẳm, đẹp hút hồn. Theo tao cái bí mật nhất ở mày là vồng ngực, vồng ngực trắng hồng nở nang lúc nào cũng thơm tho thanh khiết như một đài sen ngát hương. Về sau này tao có lúc đọc sách bàn về tướng cách con người, thấy nói đàn bà mặt đen nhưng cổ sáng, ngực vú sáng là quý tướng, là kỳ cách, con cháu mai mốt dễ thành ông nọ bà kia. Đấy là cách của các mệnh phụ phu nhân, mẫu nghi thiên hạ, tiện dân không vời được. Lạ lùng thật đấy, liệu có phải tụi con gái vùng Đồng Tháp chúng mày đều thế cả không, vùng đất bùn lầy ấy làm sao lại nảy ra một đứa như mày, nơi ấy đâu phải địa linh nhân kiệt chứ. Đám đàn ông léng phéng mà ngu bỏ mẹ, chả bao giờ đã hiểu đúng những giá trị đang có ở mày. Mày đang cất dấu một mật mã về nhân chủng học, nó vừa là di sản văn hóa vật thể lại vừa là văn hóa phi vật thể. Trời đất, mày lại sắp lên cơn bốc đồng mất rồi, tao chẳng ngu gì mà nghe những lời tâng bốc của mày, tao cứ cầm chắc mình chỉ là một đứa xấu xí Đồng Tháp Mười, nhưng con bé ấy nó không sợ hãi chi hết ở đời. Mày là một đứa gan lỳ, cái đó tao đâu có lạ, vừa chân ướt chân ráo về đến nhà tao đã được mấy đứa bạn cũ cho hay, mày hiện đang lâm vào cảnh bị o ép, bị hăm dọa, về quê hương mà quá đi đày. Tao ấm ức, sau mấy đêm mất ngủ đành để bà già nằm đấy cho chị giúp việc trông nom, lộn vào trong này tìm mày hỏi cho ngọn ngành cần thì cùng mày chiến đấu cho ra ngô ra khoai, xong mọi mắc mớ, sẽ kéo mày cùng qua châu Phi, thích thì ở chán thì về, sống xứ người có cái nhục xứ người, nhưng dẫu sao vẫn còn có cả cái dễ thở của nó. Dạy ở Phủ Lý được vài năm, nghe tin trên Bộ đang chọn người có tiếng Pháp qua Angola tao làm đơn xin đi liền. Hết nhiệm kỳ công tác đã thấy quen với thông thổ miền đất mới tao báo cáo xin được ở lại làm ăn. Người bên đó thích hai thứ, một là chụp ảnh, hai là ăn kem. ảnh chụp bằng máy hiện đại, lấy ngay, phóng to tùy ý, kem có kem que kem cốc, kem ca cao, kem dâu, kem táo, loại có đường loại kiêng đường. Tao thành bà chủ vừa và nhỏ, trông coi mấy cơ sở làm ảnh làm kem, bận túi bụi. Người bên ấy nghĩ tao là Pháp lai Việt, thế cả thôi, Pháp lai hay Việt lai thì tao vẫn là tao, con mẹ xề mỗi lần bước ra đường là mấy ông tây đen lại nhởn răng chào Bonjour madame comment allez vous?

Còn tao thì vừa nhận được quyết định đình chỉ công tác đợi nghỉ hưu, nghe mày gọi lên ngay để kịp về Hà Nội, tao phân vân quá, đang tính hay là lộn về Đồng Tháp, vui buồn gì cũng vẫn là về với quê cha đất tổ. Sau ngày giải phóng tao được đưa về quê dạy học, đang yên ổn thì bà chị họ ở đâu về thăm nhà, thấy tao đang sống một thân một mình bà ấy bảo đi với chị lên trên kia, chỗ chị đang thiếu cán bộ, ngành nào cũng thiếu, chị phụ trách tổ chức chính quyền của tỉnh đang bấn xúc xích lo đôn lo đáo, lên đó chị bàn với các đồng chí Lao động thương binh xã hội xếp làm hiệu trưởng một trường vừa học vừa làm giành chuyên cho các cháu mồ côi lang thang không nhà không cửa. Để chúng nó sống ngoài đường sẽ hóa hư hỏng, phức tạp lắm. Ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy vất vả lại lạ nước lạ cái nhưng nhìn về lâu dài là sẽ có tương lai. Suốt hai mươi năm vừa qua tao cùng tập thể nhà trường gồm mười giáo sinh và hơn một trăm cháu cắm đầu vào xây dựng nên một cơ ngơi khang trang, bảo nhau đây là chỗ cắm sào suốt đời, cho nên tất cả hãy hết lòng, đùm búm lấy nhau mà sống. Khẩu hiệu chung từ ngày mở trường đến nay vẫn thế, đó là một khẩu hiệu có sức thuyết phục cao. Trường giáo dưỡng đặt trong một vùng đất xa làng xóm, xa các trục lộ giao thông, nó chính là một vùng đồi xưa kia rừng đại ngàn trùm phủ, những năm chiến tranh nó nằm trong khu vực bị B52 tàn phá, mấy lần bị rải chất độc hóa học, giờ thành hoang hóa khô trọc, đây đó những vạt tre bò lan mặc sức. Tre là loài mọc ra để báo hiệu rừng nguyên sinh đã tới hồi kết thúc. Sở Lao động Thương binh xã hội đứng ra lựa chọn nơi này để lập trường, được tỉnh và huyện nhiệt liệt hủng hộ, xem đó là điểm sáng của đời sống hôm nay. Các thầy có lương từ tỉnh rót về, các cháu ăn gạo trợ cấp hàng tháng, nhận từ kho đặt ngoài huyện. Dưới mười tuổi mỗi em mười cân, trên mười tuổi mười hai cân, thêm mỗi năm hai bộ quần áo, chăn màn giấy bút đầy đủ. Thời gian biểu sắp xếp sáng lên lớp, chiều lao động tăng gia. Chủ nhật nghỉ, chơi bời thể dục thể thao tại chỗ, cấm ngặt vượt rào ra ngoài. Mấy năm đầu khu này chỉ mới là mấy dãy nhà lợp ngói sơ sài, dãy nhà văn phòng, dãy nhà giành cho các thầy, hai dãy còn lại giành cho các cháu và một khu nhà bếp, nhà ăn. Tất cả quây quanh một mảnh sân rộng dựng cột cờ làm chỗ tập hợp mỗi khi có hội họp, lễ lạt. Một hôm ông chỉ huy bộ đội đóng ở cách đó hai chục cây số mò vào thăm trường, tao dẫn ông đi vòng vo khắp, lúc chia tay ông bảo, chỗ này có cơ làm ăn kinh tế, nhưng phải đầu tư nhiều mới ổn. Một tuần sau ông cho đơn vị mang xe ủi tới san giúp một con đường rộng làm lối đi vào, lại một tuần sau nữa ông kéo quân tới ủi xúc suốt mấy ngày, đắp một con đập ở khúc suối dưới hạ lưu, nước ban đầu còn ít, sau vài mùa mưa nước tràn lan làm thành một cái hồ dài vòng vo vây bọc cả một miền đồi quanh khu trường. Trẻ con nhiều đứa bắt đầu tới tuổi mười tám, có đứa được tuyển đi học nghề, đi lao động xuất khẩu, có đứa nhập ngũ. Lại tiếp tục cho người đi các nơi tìm kiếm đám trẻ mới mang về bổ sung thường xuyên để nhà trường có lý do tồn tại. Nhưng rồi đến một lúc những đứa hết hạn nghĩa vụ quay về, nhiều đứa học nghề, đi lao động xuất khẩu hết việc cũng lộn về, chúng xem nhà trường là gia đình, cái chốn khỉ ho cò gáy này là quê hương. Đấy là một bài toán không dễ giải. Ông chỉ huy bộ đội đến tuổi nghỉ hưu trước khi về quê dẫn anh chỉ huy trẻ đến chào nhà trường, lại một dịp dẫn khách đi quanh hồ. Ông bảo, vài ngày nữa đơn vị sẽ mang ít cá giống lên tặng trường, nhưng cũng chỉ là muối bỏ biển thôi, muốn nuôi cá có lãi các cô các cậu phải làm đại trà, chạy đi vay vốn ngân hàng mà mua giống, mua thức ăn cho cá, phải vỡ đất trồng lúa tự túc lấy lương thực, lấy rau cỏ cho vào miệng, rồi phải tính chuyện để tụi lớn tuổi hết tiêu chuẩn ăn học ra ở riêng, nếu không tìm nổi công ăn việc làm ngoài đời thì ở lại đây mà làm vườn, chăn con gà con lợn, dựng vợ gả chồng cho chúng. Tao thảo sẵn công văn lên sở xin chữ ký giám đốc, sang tỉnh ủy và ủy ban xin thư viết tay của lãnh đạo mang về huyện, xin phép được đứng ra chia chỗ đất vắng trong hồ làm một trăm lô, mỗi lô rộng ba sào, là khoảng trên dưới một ngàn mét vuông. Đợt đầu giải quyết cho khoảng ba chục cháu được nhận đất dựng lều, ra sống ngoài đó tự nuôi lấy bản thân. Huyện nhất trí, căn cứ theo danh sách do nhà trường lập mà cấp giấy phép sở hữu tạm thời cho từng đứa, đợi một lúc thuận tiện sẽ xin tỉnh cấp cho sổ đỏ sở hữu lâu dài. Mấy năm đầu làm ăn còn chệch choạc, đứa trồng lúa thắng nhưng chăn nuôi lại thất bại, đứa trồng cây điều bại nhưng dàn hồ tiêu lại thắng. Một hôm có hai người Mỹ ăn mặc lôi thôi vai đeo máy ảnh mò vào thăm khu trường - chuyện trò một lúc hiểu ra họ là những cựu chiến binh được phép quay lại thăm chiến trường xưa. Họ khuyên phải trồng cây Ka cao, Ka cao dễ hợp với thổ nhưỡng vùng này một khi đã có nước, mà phải bảo nhau cùng trồng, trồng ven hồ, cả hai bờ, chỗ nào cũng là Kacao hết trọi. Các bạn đang bước vào làm ăn lớn rồi, làm ăn lớn phải có tầm nhìn lớn, tầm nhìn lớn là càng nhiều càng ít! Họ chụp nhiều bức ảnh đứng chung với mọi người, hẹn có một ngày sẽ trở lại. Năm năm sau vẫn hai người ấy trở lại thật, nom họ đã già đi nhiều nhưng chủ khách vẫn còn nhớ nhau. Những khu vườn Ka cao năm tuổi bắt đầu cho những trái chín mùa đầu. Họ nói cứ phơi hạt cho thật khô, cuối mùa sẽ có người đến tận nhà cân và trả tiền. Họ cho biết sắp tặng các bạn một trạm thủy điện công xuất nhỏ, hàng đang đi ngoài biển, sắp cập cảng Sài Gòn rồi. Tất nhiên phải giúp cả tiền để thuê công ty điện về đặt máy và làm hệ thống dây dẫn. Con đập đất ngoài kia sẽ phải biến thành đập xi măng mới đủ sức chịu đựng nổi một khi đã đặt máy phát. Có điện để có nhiều ánh sáng và để có nhiều vòi phun tắm táp cho những vườn Ka cao mọc lên càng nhiều càng ít! Có lẽ ở bên ấy người ta dùng Ka cao luôn miệng, người ta ăn nó như ta ăn cơm tẻ vậy chăng. Nói thế là sắp có điện đến nơi, nhưng ở ta việc gì chả lề mề, cái trạm phát chỉ bằng nắm tay, con đập chỉ ngắn bằng chiếc đũa, thế mà phải một năm sau mới đi vào hoạt động. Tình hình đang vui thì có chủ trương mới từ trên, một hôm bà giám đốc sở trẻ măng ngồi chiếc xe đen trũi như con bọ hung bò vào giữa sân trường. Bà yêu cầu toàn trường tập trung để bà phổ biến công khai quyết định. Là quyết định giải tán trường, hết năm là đóng cửa thôi hoạt động. Các giáo viên trả về bên giáo dục, riêng cô hiệu trưởng đến tuổi nghỉ hưu thì chờ làm sổ hưu, bàn giao toàn bộ sổ sách tài sản cho văn phòng sở xuống quản lý. Toàn bộ đất đai ruộng vườn hồ ao trạm điện tất tật đều là tài sản công, những người đang sống trên đó đều phải đi đến một nơi khác xa hơn, tỉnh đã chuẩn bị một khu đất khác đền bù cho việc giải tỏa. Các cháu còn nhỏ thì sao, các cháu nhỏ cứ chờ đấy, ngày một ngày hai sẽ tìm được những tổ chức từ thiện các nơi đến đón về nuôi, bây giờ ở các thành phố lớn, kể cả người nước ngoài, đâu đâu cũng muốn được xin con nuôi, miễn là được pháp luật cho phép. Mà pháp luật là ai, pháp luật đang nằm trong tay chúng ta chứ còn ai vào đây. Chủ trương này đã tới lúc chín muồi, những giấc mơ đẹp của thời bao cấp đến nay thành lạc hậu, trong thời buổi kinh tế thị trường, rất nhiều việc hôm qua là sáng kiến thì hôm nay sẽ là tối kiến, hôm qua làm hôm nay bỏ, đấy là chân lý của thực tiễn, biết là cay đắng nhưng không thể không chấp nhận. Rồi bà gọi tao vào phòng riêng để phủ dụ, tôi hiểu chị cũng như mọi người đều bất ngờ trước quyết định này, nhưng biết làm sao, đây là chủ trương chung, chúng tôi trước khi làm cũng đã phải gõ cửa rất nhiều nơi để xin ý kiến tham khảo. nhiều cán bộ cấp trên sau khi cân nhắc kỹ cũng đều hiểu là không còn cách nào khác. Chị nên chấp hành và thực thi tốt mệnh lệnh của sở. Hai chục năm vừa qua cán bộ và học sinh trường này đã làm nên rất nhiều thành tựu đáng ghi nhận, riêng chị chúng tôi thấy quả là một nữ cán bộ có nghị lực và biết tổ chức, công lao đóng góp nhiều, trước khi về nghỉ hưu nhất định sở sẽ phải quan tâm tăng lương cho chị, đang có chủ trương cho phép những người xuất sắc như chị được chuyển bậc thành chuyên viên cao cấp lúc về hưu... Thôi tôi biết rồi, chỉ xin được hỏi sở có lường tới chuyện tập thể chúng tôi sẽ phản đối quyết định bậy bạ này không. Bà giám đốc đanh nét mặt cười gằn, vậy là sao, chị định cầm đầu chỗ này để đi kiện chăng? Không phải chỉ kiện thôi đâu, chúng tôi còn muốn điệu chị ra vành móng ngựa nữa kia. Chúng tôi đủ sức lật tẩy những mưu đồ bẩn thỉu của các người... Bà ta đập bàn đứng dậy, không thèm nghe hết lời tao nói. Ba hôm sau có lệnh đình chỉ công tác của tao. Đó cũng là lời nhắn muốn kiện đâu thì cứ việc, bà thách những đứa cả gan dám chống lệnh bà.

Minh họa : TRƯƠNG ĐìNH DUNG

 

 

 

Mở đầu tao ôm đơn ra huyện sở tại, ông bí thư bảo sang gặp ủy ban vì đây là việc chính quyền. Sang ủy ban gặp chủ tịch, ông ta thở dài rồi bất thần nổi đóa, tao đang bị gút không lê chân lên nổi đây, đợi hết khóa này là về nghỉ cho đỡ khổ, cái bệnh gút là bệnh quái gì thế không biết. Không hề nản chí, bắt đầu lên các cơ quan hàng tỉnh, chỗ nào cũng lấy làm tiếc nếu phải đóng cửa cái trường ấy, bao năm nay nó đã thành một niềm tự hào của tỉnh mình, rồi ai nấy tặc lưỡi, chị cứ để đơn đấy, chúng tôi còn phải họp, trước sau rồi cũng phải chuyển lại cho cơ quan chủ quản xem xét thôi. Đợi một hai tháng thấy tất cả lặng thinh, vậy là phải tính đến chuyện về trung ương mà kêu. Trong một năm hai lần mò ra Hà Nội, lê mòn dép rạc người, Hà Nội lớn quá, lắm cơ quan quá, cảm thấy tất cả đầu lạnh nhạt như người dưng, chỉ có một sự thật đấy là thứ im lặng đáng sợ. Tao ngồi nhai mẩu bánh mì khô khốc, ứa nước mắt nhớ lại những kỷ niệm yêu dấu thuở nào, đây là nơi mình đã khôn lớn, đây là nơi mình đã bỏ buổi học nhảy đại lên chuyến tàu điện ọc ạch để kịp ra tiễn cha vào mặt trận. Người sao mỗi ngày mỗi đông, người sao mỗi ngày mỗi vắng, người đi đâu hết để mình tôi chơi vơi trong vực tối?

***

Họ đã ôm nhau ngủ một đêm ngon lành. Sớm dậy giục nhau soi gương chải tóc. Một cô vận toàn đồ đen, dép đen, quần áo đen, khăn choàng đen, ngay cả cái túi vải tàng tàng ôm khư khư bên sườn cũng đen nốt. Trong cái túi ấy là đủ thứ tài liệu có ý nghĩa sống còn, hồ sơ địa bạ, ảnh chụp bản đồ, đơn từ trần tình tố cáo, công văn chỉ thị văn bản quyết định chữ ký loằng ngoằng dấu má đỏ choét. Phải có gan mới dám nhòm vào đó, và chỉ nhòm vào đó một lần là đủ thấy cần phải biết cảm thông với mấy nhà lập pháp hành pháp, trên đời tưởng không ai khổ bằng họ. Đó là một cái túi rắt nên giữ lại để gửi vào bảo tàng lịch sử. ở chỗ cô công tác nó đã được bà con gọi vui là cái túi đau khổ. Nó chứa đựng những đau khổ và làm ra những đau khổ.

Giờ ta hãy gọi cô là cô Đen. Vâng, cô ấy nên có cái tên như vậy nếu như ở đời ai cũng cần phải nhận một cái tên. Có ai dưới gầm trời này theo kiện mà bảo ít đen, người xưa xem đấy là mắc vào vận áo xám, đen đủi như cuốc như quạ vậy.

Còn bạn của Đen thì ngược hẳn, sớm ấy cô vận toàn đồ trắng, giày trắng, quần áo trắng, ví cầm trên tay trắng và cả chiếc mũ hờ hững đậu trên mái tóc vàng cũng trắng. Lúc từ cầu thang bước ra cô đã làm cho mấy cháu đứng trong quầy tiếp tân phải một phen sững sờ, chúng há mồm như thể đang có một con thiên nga vừa lạc vào khách sạn nhà ta. Vậy thì còn ngại gì mà không gọi cô là cô Bạch chứ.

Một chiếc tắc xi đã đợi sẵn ngoài cửa. Xe chuyển bánh là cậu lái liền lên tiếng bắt chuyện với khách. Bà và cô lên tàu ra Hà Nội ạ. Chúng tôi về Hà Nội. Dạ vâng, phải nói về mới đúng. Thì cháu cũng là đứa từ ngoài đó vào trong này, mẹ cháu nắm than tổ ong, bố cháu đạp xích lô, vào đây đổi đời cháu làm tài xế, cũng tạm đủ ăn. Nói Hà Nội ta thay da đổi thịt từng ngày nghe vui tai thật nhưng cháu thấy vẫn đang còn vô vàn bối rối. Bà và cô có lẽ chưa kịp chuẩn bị đồ ăn thức uống mấy ngày trên tàu, cháu nghĩ nên chủ động là hơn. Gọi là tàu tốc hành nhưng lâu lâu vẫn phải dừng dọc đường vì nhiều lý do bất khả kháng. Đường xá cầu cống cũ kỹ chắp vá, sửa chỗ này thay chỗ nọ, sắt là thứ có nhược điểm chóng han rỉ, một vài cơn mưa to là đủ có sự cố rồi. Trên thế giới có nước nói sao làm vậy, có nước nói một đằng làm một nẻo, có nước cứ cắm cúi làm không nói, riêng ta thì chỉ cần nói cho thật hoành tráng là đủ, mà có làm được gì thì rồi cũng lại chẳng ra đâu vào đâu, sót ruột lắm. Thằng này ở đâu chui ra mà đặc giọng bi quan, người ta gọi tàu tốc hành là muốn để phân biệt với những chuyến phải đỗ lại mọi ga, thế thôi - cháu cũng hiểu là thế, có điều vẫn con tàu ọc ạch ấy, vẫn tốc độ ấy, chẳng qua chỉ bỏ vài ga xép không đón khách thì đâu đã là tốc hành, tốc hành cứ phải vun vút vun vút. Dân mình chưa có chuẩn bị gì để lên tàu tốc hành, giá có tàu tốc hành cũng còn phải huấn luyện chán rồi mới dám cho leo lên, gồng gồng gánh gánh lủng cà lủng củng, tay xách nách mang nồi niêu chăn chiếu rủ nhau ra đường làm gì mà đông thế không biết. Mày đúng là gốc Hà Nội thật, chỉ quen lý sự là tài. Đời còn dài, những việc ở xa bọn chúng tôi trông vào các anh các chị, chúng tôi còn đang lo miếng ăn chưa xong đây. Tao hỏi sao mày gọi tao là bà còn bà kia lại là cô. Cháu đoán cô ấy là người giúp việc còn bà là xếp. Xếp xếp cái con tiều, chúng tao là bạn nối khố từ thuở mày chưa ở đâu chui ra cơ. Vậy cháu xin lỗi.

Thằng bé thế mà đúng, tàu tốc hành về chậm. Giao hẹn chạy trong vòng bốn tám giờ nhưng vào tới ga Hàng Cỏ đã mất thêm nửa ngày, vừa xuống tàu đã nghe loa phóng thanh oang oang nói lời cảm ơn và xin lỗi rất lịch sự. Sau mấy ngày rúc đầu vào vai nhau ngủ gà ngủ vịt, ra khỏi ga họ bảo nhau cuốc bộ cho đỡ mỏi chân, lẫn vào đám đông bụi bậm, len lỏi trên những vỉa hè khấp khổm với cơ man nào là chướng ngại vật, họ lang thang tìm cái tòa soạn báo gần đâu đấy. Hà Nội vừa hiện ra một vị Tổng biên tập tuổi trẻ chí cao, dám nói dám làm, một người bạn đã kể với Bạch như thế ngay từ lúc cô vừa đặt chân xuống sân bay, khi cô hỏi thăm hồi này Hà Nội có gì mới không. Tuy chưa rõ thực hư vậy mà lập tức cô cảm thấy câu chuyện của con Đen muốn gỡ ra thì chỉ còn một cách gửi trọn niềm tin vào đó mà thôi. Việt Nam nhỏ có cái thủ đô to, thủ đô to nhưng những con đường vẫn nhỏ, trên những con đường mòn nho nhỏ người ta mơ những ước mơ to... Đó cũng là tâm sự của hai người đàn bà đang lê bước quanh mấy góc phố sớm ấy. Càng tối gần tòa báo càng vẩn vơ lo âu, chưa rõ mày ngang mũi dọc ra sao thì biết người ta thế nào mà đặt niềm tin tưởng. Không chừng mấy ông trông cổng chợt nom thấy hai đứa lếch thếch thế này đã xua đi cho nhanh mất rồi. thôi thì trăm nghe không bằng một thấy, đồn thổi không bằng thử giáp mặt lấy một lần. May mắn làm sao ông Tổng biên tập lại có nhà, ông tiếp luôn họ trong phòng làm việc. Căn phòng có bốn mặt tường, ngoại trừ thanh gươm cổ và cây nỏ thần gỗ mít chắc là của ai đó tặng, còn kín cả bốn mặt đều là những bức tranh đầy táo bạo của một tay ông vẽ, tranh ông treo ở phòng ông, thế thì đã làm sao.

Sau mấy câu chào hỏi qua lại, chủ nhân như đã quá quen với những chuyện này vì thế ông quyết định đi ngay vào đề. Hai chị đường xa vất vả, tôi lại sắp có một cuộc họp, vậy cần gì xin nói luôn, chính xác và ngắn gọn, tôi chỉ có một giờ ngồi với các chị.

Bạch vội đỡ lời bạn, kể lể nguồn cơn bởi đâu cô đã phải cất công vào nam lôi bạn mình ra ngoài này để kêu cứu. Chủ nhân nhã nhặn ngắt lời, việc của chị Đen, ta nên để chị ấy tự trình bày lấy, đó cũng là nguyên tắc. Chị Đen cứ kể cho thong thả, tôi xin nghe.

Hóa ra vẫn chỉ là câu chuyện đất đai, dạo này chỗ nào cũng thấy có những chuyện như thế, quanh quẩn vẫn chẳng tìm ra nổi cách gì hay hơn để mà làm ăn thì không gì bằng hãy cứ đi lên từ đất, đất của tổ tiên để lại cũng là hàng hóa trao đổi, ở trên đời này cái gì chẳng trao đổi được. Hình như tinh thần chung của đổi mới cũng chỉ là có thể bán tất cả và mua tất cả mà thôi. Một tiếng đồng hồ vèo qua mau lẹ, chủ nhân đứng dậy sau khi đã rít xong điếu thuốc lào. Ông ân cần dặn hai bà cứ ngồi đợi ông ở đây, còn một vài chi tiết ông thấy cần phải hỏi cho kỹ lưỡng thêm - chị Đen tranh thủ ngồi vào bàn mà viết một bức thư gửi tòa soạn yêu cầu can thiệp chuyện này. Đấy là cơ sở pháp lý để nhóm phóng viên thường trú trong kia có thể tiến hành điều tra - Một công việc thận trọng, không vội được - chị Bạch ngồi uống trà, buồn thì bật cassete lên nghe nhạc.

Đợi khi cánh cửa phòng đã khép, Đen mới dám thì thầm, vậy là sao mày, đầu óc tao sắp vỡ tung rồi, mày thử nói tao nghe. Bạch cười, hàm răng sáng lóa, cô đội lên mái đầu chớm muối tiêu của bạn chiếc mũ trắng đỏm dáng. Mày được lắm, rành rẽ và sắc sảo, và rất thuyết phục. Linh tính mách bảo tao, ông này sắp xắn tay áo nhảy vào cuộc, đây là người của công việc - Đen thở nhè nhẹ như vừa trút được một gánh nặng. Bằng một nụ cười trẻ thơ cô nói với Bạch, tao thấy những ngày vừa qua xem ra còn nặng nề hơn cả việc phải đứng lên bảo vệ luận án tốt nghiệp hồi xưa - Bạch gật gù, mày vừa bảo vệ xong một cái luận án còn ghê gớm hơn mọi thứ luận án khác ở đời, đó là luận án làm người.

Cô cũng chẳng buồn bật nhạc làm gì, cô xao xuyến nhìn vào đôi mắt đen thẳm đang ngời lên của bạn mình. Đã bao năm nay những lúc ở xa nhớ về nhau cô vẫn thường gặp đôi con mắt nhiều mơ hồ ẩn chứa ấy. Nó đang nhìn về đâu, nó muốn nói những gì và nói cùng ai. Một đôi mắt rất khó hiểu, mãi mãi vẫn là một đôi mắt con gái, không có tuổi.

      ***

Một tuần rồi hai tuần, một tháng rồi hai tháng, vẫn chưa hề thấy có dấu hiệu hồi âm, chỉ còn biết tiếp tục chờ đợi. Sáng sớm hai đứa đứng tần ngần trước sạp báo của ông già thương binh đầu ngõ, dưới bóng cây hoàng lan trong vườn nhà Bạch tỏa ra. Đôi nạng gỗ ông dựa ngay ngắn vào mảng tường cũng là tường nhà cô. Hai đứa tha hồ lật giở tờ báo mới, liếc nhanh rồi đặt vào chỗ cũ. Ông già cười nửa miệng, một hôm ông thủng thẳng nói, ở đời có thân thì lo thân chứ biết trông đợi vào đâu. Cạnh nhà tôi vừa có một ông rất thích trông đợi, mới ôm ngực chết tháng trước. Con cháu không hiểu nổi ông đã chết bởi bệnh gì, thày thuốc công thày thuốc tư cũng chịu, càng sống càng thấy lắm bệnh lạ lùng.

Bạch nói việc của mày thế mà không đơn giản như tao tưởng, gõ cửa nơi này chưa được thì gõ nơi khác, gõ cho váng đầu thiên hạ, nhưng sự đời vẫn vậy, chưa xong việc này đã thấy đùn ra việc khác, định gõ là gõ đến bao giờ. Mày đang thành một đứa không nhà cửa, không trường lớp, không công ăn việc làm, tao chưa cho mày đi đâu hết. Mày mà lang thang ngoài đường lúc này thì có khác gì ma gò xổ tóc. Tao thì đang bấn chuyện lo đóng hàng gửi sang bên kia, bà già thiếu mày có nghĩa là chấm hết. Hôm hai đứa lên bệnh viện đón bà về ông bác sĩ dặn dò những gì mày còn nhớ chứ, bà đã ở vào cái ngày cây nến cháy tới đáy đĩa, cây nến sắp tắt mất rồi. Mà bà lại hợp mày hơn tao, bà khen mày là đứa khéo léo, chê tao vụng khốn vụng khổ - tao ghen với cái sức dẻo dai của mày. Để bà buồn là tao bắt đền mày đấy.

Đen chỉ nghe mà không nói - Đôi con mắt lúc nóng rực lúc lạnh lẽo. Chao ôi, giá mà nó cười lên một tiếng hoặc khóc òa lên cho mình đỡ lo, Bạch bỗng chợt rùng mình. Một sớm bà đòi Đen nâng bà ngồi dậy, tựa lưng vào thành giường nói chuyện, dễ đã đến cả tháng bà nằm quay vào, giờ mới chịu cựa quậy. Bà nghe trong người có phần khuây khỏa. Có con chim chào mào lửa nhà ai sổ lồng đang đập cánh lạch phạch, đầu không ngừng húc vào cửa kính. Bà giục cô mau mở cánh cửa ra cho nó đỡ phá, nó thấy bóng nó trong gương mà không hiểu đấy là mình. Thuở chúng tôi lớn lên chẳng được như các chị bây giờ, các chị bây giờ ai cũng ghê gớm, chọc trời khuấy nước, dọc ngang thiên hạ, rất khó uốn dạy. Đàn bà đã đến thế thì cánh đàn ông còn ương ngạnh đến đâu - cho nên xã hội thành tao loạn, khó sống, khó sống vì người hóa mất nết ráo cả, chẳng còn bảo nổi nhau, chẳng còn tin nổi nhau, mất nết mới là một cái họa lớn cho một đất nước, có tìm được lối ra còn là khó, dắt díu nhau, sa vào khúc đoạn trường ấy là rồi có muốn gượng dậy cũng còn phải lâu lắm. Lần này tôi xin với cả hai ông nhà tôi cho tôi đi, tôi đi được rồi, đã tới lúc rồi, sống trên đời như thế đã là quá đủ, tôi muốn sơm sớm được xuống dưới ấy để hỏi hai ông chỉ một câu thôi xem các ông trả lời con mẹ này thế nào - Bà định hỏi cả hai ông câu gì ạ, chắc phải là một câu không dễ trả lời phải không bà. Ôi dào đàn ông ai chả thế, họ cứ nói ào ào, làm ào ào, nói lắm khi cũng không nghĩ, làm cũng vậy, họ thích ra vẻ ta đây nhưng kết cục thì thấy chả mấy ai đã nhìn được xa. Lúc nào tôi hấp hối tôi sẽ cho các chị biết cái câu tôi đang dấu trong lòng giành để hỏi họ là thế nào. Lúc ấy nói ra vẫn là chưa muộn, mà người đăm chiêu như chị nghĩ kỹ một chút tự khắc hiểu ra, tự khắc đoán ra, sao cần chờ tôi phải nói - Bà xuống đó nói tiếng Pháp với một ông nói tiếng Việt với một ông, cũng vui bà nhỉ. ồ không, hai ông đều cùng có cả hai thứ tiếng cho nên dùng tiếng nào cũng tiện. Và cả hai ông lại cũng đều mang tư tưởng lớn, cho nên cái điều tôi muốn đặt câu hỏi cũng sẽ không thể nằm ngoài khát vọng của họ lúc còn sống.

Bà kể, cha của Bạch là Đốc tờ De Phillipe trước hôm ông bị bọn cướp sát hại đã có một điềm báo. Một người bạn thân của ông, Chánh kiểm lâm Ban Mê Thuột gọi điện ra hỏi, vì sao đàn voi rừng lại kéo vào buôn quật chết người rồi tranh nhau hút máu. Ngẫm nghĩ một lát ông giải thích, voi giết người không phải chuyện lạ, chúng là loài được xếp vào hàng thứ sáu trong danh sách những loài thú dữ, loài đứng đầu không phải là hổ hay sư tử, mà là rắn độc. Nhưng voi hút máu người lại là một chuyện rất hiếm xảy ra, bởi vì chúng là loài ăn cây cỏ, không khát máu. Đây là trường hợp vạn bất đắc dĩ, chúng đang khát muối, chúng bị thiếu muối trầm trọng. Anh nói mọi người vãi muối ra các bãi cỏ ven rừng là ổn. Một người như ông làm gì ra mà lắm tiền được, sao chúng nó lại cứ nghĩ đã là tây thì phải giàu. Chúng bắn vào ngực ông rồi bỏ đi, bà đỡ ông lên giường, đặt ông nằm đầu gối vào lòng mình. Bà hỏi có nên đưa ông lên xe về Hà Nội, ông lắc đầu, không kịp, anh sắp vĩnh biệt hai mẹ con em rồi. Ông bảo bà lục túi quần ông tìm cái tẩu đang hút dở, ông cầm cái tẩu gỗ sồi đen bóng như sừng bằng mấy ngón tay dài quí phái. Bà lại hỏi liệu có cần xòe một que diêm giúp ông như bà vẫn thường mồi mỗi khi ông hút, ông lại lắc đầu, cứ cho ông được ngửi mùi thuốc thoang thoảng là đủ.

Đó, ông chầm chậm nói, em đòi anh bỏ thuốc để sống lâu, vậy mà anh lại không chết bởi thuốc. Loài người có lắm cách chết không ngờ được. Sẽ đến một lúc nơi nào cũng thiếu nước sạch, con người sẽ khát nước và sẽ chết vì ngộ độc nước lã. Trong những cánh rừng Phi châu có giống khỉ đột Goria, thịt giống này được thiên hạ xem là món ăn quý, thợ săn lùng bắt chúng suốt hàng thế kỷ vừa qua để lấy thịt đem bán. Nhưng khỉ Goria có mang trong máu của nó một loài vi trùng gây dịch nguy hiểm, loài vi trùng này mang tên là Epola vì gần đây sau những trận dịch tả lan tràn người ta mới tìm ra nó có ở trong phân loài rơi Epola. Hàng đàn cả triệu con rơi Epola đêm đêm bay đi kiếm ăn, thả phân ra khắp rừng, khỉ ăn phải những lá cây ngọn cỏ có dính phân rơi và người ăn phải thịt khỉ. Suy cho cùng vẫn chỉ có một cái thiện và một cái ác thường xuyên xung đột và hình như nó sẽ mãi mãi tồn tại. Đó là nguyên nhân của mọi bi kịch. Loài người vẫn chưa đi được bao xa, trong cách nhìn của các nhà sinh vật học thì nó vẫn đang là tinh tinh phả hệ ba mà thôi.

Ngoài sông đang là một buổi sáng ngợp nắng. Từ trong lùm lá xanh um của cây ngọc lan, tiếng con chào mào hót lảnh lót, tiếng hót của nó đôi lúc rúc lên dài như tiếng còi gọi tập hợp. Cánh cửa đã mở rộng, nó sà xuống đậu vào bậu cửa, đôi chân thẳng như hai cái que, cánh đen tuyền nhưng ức và cổ lại vàng rộm và cái đầu đội mũ chào mào rực rỡ như một đốm lửa. Con chim chơm chớp đôi mắt hạt cườm ngó nghiêng nhòm vào phòng, bà già thì thào, lẳng lặng mà xem, ông ấy thỉnh thoảng vẫn hiện về, điệu bộ đặc Pháp, ngông nghênh một chút, cao ngạo một chút. Đen cũng thì thào, cháu thấy rồi ạ, đúng là ông thiệt rồi. Cháu có thể nhìn vào từng con chim để biết đấy là ai, như ba cháu chẳng hạn, ba cháu không giống ông De Phillipe được, ba cháu phải là con cò mỏ thìa kia. Bà chưa gặp cò mỏ thìa bao giờ. Con cò mỏ thìa rụt cái cổ đậu trên những bờ đất cánh đồng quê cháu vào mùa nước nổi đó bà. ờ ờ... để bà hình dung,... ba cháu thiệt rồi đó, bà thấy tiếng Nam bộ của cháu có chữ thiệt nghe dễ thương.

***

Thế là cái điều họ sốt ruột chờ đợi rốt cuộc cũng đã đến. Một sớm hai cô ra chợ mua rau cỏ vừa về đến cổng thì ông già thương binh ngồi khuất bên góc tường vẫy tay chỉ vào đống báo xếp trên mảnh ván thùng mà bảo, in rồi đây này, người ta đã lên tiếng bênh vực cô, trong ảnh tươi thế vậy mà ngoài đời sao chả thấy lúc nào hé môi. Đen xô tới vơ vội lấy tờ báo, vừa nhòm vào tấm hình của mình vừa trả lời qua quýt, từ hôm nay cháu sẽ cười ạ, số báo này có bao nhiêu tờ xin bác cứ đếm cả, ngay bây giờ cháu sẽ mang ra bưu điện gửi vào cho tập thể của cháu trong kia.

Ông già đếm chậm rãi từng tờ như thể đếm tiền, nhưng lúc đặt xấp báo vào chiếc giỏ mây ông lại bảo, biếu hai cô không dám nhận tiền, ngồi đây quanh năm vẫn áy náy chưa biết nên tìm gì để làm quà cho gia đình. Giờ nhân chuyện này tôi cũng muốn được cùng chia vui.

Đập ngay vào mắt người đọc là một cái titre chạy suốt trang, "Đây không phải chỉ là một tiếng kêu"! Bức thư của Đen viết gửi Tòa soạn hôm nào nay cũng được in cùng với tấm hình, ở đoạn cuối lá thư ấy cô đã nói, đây không phải chỉ là một tiếng kêu cứu, mà xa hơn nữa nó còn là một lời cảnh báo khẩn thiết trước một tình hình chung đang diễn ra một cách khốc liệt trong đời sống của chúng ta. Gây dựng và tước đoạt đang là hai xu hướng có thật, hai xu hướng ấy ngược chiều nhau, đan bện nhau, lấn lướt và đủ sức vùi dập xu hướng gây dựng chính là xu hướng tước đoạt. Cùng với lá thư của Đen là một bài phóng sự điều tra công phu và có sức thuyết phục của nhóm phóng viên thường trú, bài báo đặt ra một câu hỏi lớn mang ý nghĩa xã hội, vậy chúng ta có trách nhiệm hay không cần chịu trách nhiệm trước những số phận nhỏ bé đang sống vất vưởng bên lề cuộc sống, chúng sẽ ra sao, sẽ đi về đâu một mai lớn lên và những công dân đó liệu có quyền hay không có quyền đăng ký để được nhận một quyển hộ tịch hộ khẩu, trong khi thiếu một chỗ ở thì không ai cho hộ tịch hộ khẩu, mà đã không hộ tịch hộ khẩu thì đừng nói chuyện chỗ ở. Chúng phải có một chỗ ở cái đã, đó chính là ngôi trường giáo dưỡng kia.

Bài báo gây được tiếng vang, chỉ vài tuần sau đã có hồi âm, lại vẫn tòa soạn ấy nhanh chóng nhận được công văn trả lời của ủy ban tỉnh nọ, lãnh đạo tỉnh đã nghiêm chỉnh tiếp thu ý kiến của báo chí, sau khi cho xem xét thấy đây là việc làm sai trái của sở Lao động Thương binh xã hội, đang cho kiểm điểm nghiêm khắc, trước mắt phải đình chỉ ngay chủ trương giải tán trường giáo dưỡng, không được lấy vùng đất của trường sử dụng vào những mục đích khác. Bà Đen và tập thể nhà trường tiếp tục hoạt động bình thường. Lãnh đạo tỉnh cảm ơn Tòa soạn, chúc các đồng chí sức khỏe, hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Thì cũng chỉ mong có thế, mong thế thì được thế, vậy chả còn đòi gì nữa. Nhưng rồi một đêm gọi điện về trường gặp anh hiệu phó đang tạm thời thay cô điều hành công việc thì mới vỡ ra nhiều điều rất không đơn giản. Bà giám đốc sở đã được điều đi nhận công tác khác, hình như bà ta lại vừa trúng Hội đồng nhân dân khóa mới, nay mai rất có thể nắm cương vị Phó Chủ tịch tỉnh. Trước khi rời nhiệm sở bà đã kịp cử một cán bộ tin cậy của mình xuống trường Giáo dưỡng làm Phó Hiệu trưởng thường trực. Trong cuộc họp ra mắt, ông phổ biến ý kiến của sở, trường chúng ta cần phải có một cái nhìn táo bạo, thả cá thường mấy năm nay lờ lãi chả là bao, nay sở sẽ rót tiền về để chuyển sang nuôi cá sấu nước ngọt. Giống sẽ có người mang từ trên Biển Hồ về. Vùng hồ ta nước cũng mênh mông kém gì lại thêm quanh năm nước sạch đổ vào, chỉ vài năm là cá sấu sẽ quẫy phá ầm ầm cho coi.

Nghĩ cho cùng thì cũng đã làm sao, cá sấu đâu có xấu, nuôi con gì ra tiền đều hay cả, chỉ hiềm một nỗi, sở tìm vốn rót xuống nhưng đó là vốn có nguồn gốc từ đâu, chỗ này nếu không được làm rõ ngay từ đầu chắc chắn sẽ gặp khó về sau. Mà chuyện ấy thì không ai nói, cũng không ai dám hỏi, quyền gì mà dám. Khuôn mặt nửa già nửa trẻ của Đen hửng lên được ít ngày, giờ lại ỉu xìu mắm môi im lặng. Lòng cô nặng trĩu, u ám như những ngày mưa. Mùa mưa quê cô mới ngao ngán làm sao, mưa thối đất thối cát, bong bóng nổi phập phồng, những bụi mù u ngoi ngóp trong đồng ngoài sông, những cò trắng cò thìa loay hoay không biết đậu vào đâu.

Ông già bán báo để ý ngắm Đen cắm cúi đi về thì ái ngại mà bảo, càng sống càng thấy lắm chuyện xấu hổ nhưng bác hiểu cháu là đứa có tấm lòng, kẻ đã chân tu khi gặp phải thời nhũng nhiễu, tưởng thế chứ lại càng dễ tu. Cháu thử ngẫm mà xem, lúc đã lấm láp ráo cả thì ta chỉ cần giữ gìn một chút là đã đủ sạch hơn người rồi, ở vào thời ai cũng sạch tu mới khó.

Bà già của Bạch đã ra khỏi giường ngọ nguậy đi lại, có hôm hai đứa vắng nhà, chị giúp việc giắt được bà xuống sân ngắm trời ngắm mây. Bà nghển cao cái cổ gày nổi gân lên nghe ngóng như muốn tìm kiếm con chào mào lửa nấp trong lùm cây. Bà đang cố nhớ xem ai đã từng nói, sống là khó nhưng chết cũng không phải dễ dàng. Lại còn anh nhạc sĩ nào đã có câu hát cực hay, xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội... Một hôm mở tờ báo ra đọc đi đọc lại, bà dỗ dành Đen, người ta nói được đến thế này cũng là hết nhẽ rồi, báo chí bây giờ muốn giữ gìn, phải nhìn trước nhìn sau, không dễ sắn tay áo đốt nhà táng. Tao nghĩ kỹ rồi, cái khổ đeo đẳng trong lòng mày lúc này cũng chưa ghê gớm gì, chẳng qua vẫn chỉ là chuyện thiện ác ở đời. Đồng tiền nào cũng có hai mặt, huân chương nào chả có mặt trái, đại để là thế, kể từ lúc có loài người. Người thì bảo cái thiện có trước, người lại bảo cái ác có trước, tao bảo nó có cùng một lúc, nó là một cặp song sinh, thường xuyên muốn nuốt nhau mà không xong, đó là một cuộc chiến bất tận, chính cái thiện và cái ác đã cùng nhau làm ra lịch sử loài người. Loài người cứ nhũng nhẵng vậy mà kéo nhau đi vào bể khổ, xem ra cũng chẳng sang trọng gì cho lắm. Trong các giống tham ở đời, thì chỉ có giống người là tham nhất hạng, nó cũng tham như con chim cắt vậy. Con cắt liệng trên cao, mắt tinh như cắt, thoáng nhìn thấy bóng con mồi nấp dưới bụi cỏ là lao xuống nhanh như cắt. Hai chân nó vồ trúng mồi, vỗ cánh bay lên. Làm nát cả một vùng cỏ mà vẫn không sao cất nổi mình lên được. Cánh lại càng vỗ mạnh, chân lại càng quắp chặt. Bóng con người đang cầm gậy hiện ra kia rồi vậy mà nó vẫn không chịu hiểu ra một lẽ giản đơn, chỉ cần buông vội móng vuốt ra là sẽ thoát thân. Chết là ở chỗ đó, là lòng tham đã thành tính, không sao cải được. Biết được điểm yếu ấy của cắt thì việc bắt nó là không khó. Muốn bắt nó người ta phải kiếm một con chuột sống, càng to càng tốt, đặt nó nằm ép bụng vào đất, đóng bốn cái chốt tre nhỏ và chắc ở quanh sau rồi chằng chéo qua lưng con chuột một sợi dây thật bền, vất lên lưng nó răm lá cỏ làm như nó đang lủi, thế là xong. Con cắt không bao giờ ngờ rằng mình đang quắp phải một sợi dây tai hại. Mà giá biết chăng nữa thì nó cũng đâu có chịu nhả ra, ông trời đã sinh nó là giống cắt thì khi muốn nhấc mình lên hai chân tự khắc quắp lại, nếu biết mở móng mở vuốt ra để mà bay thì nó đã không còn là cắt nữa.

Bà bàn về tính tham thiệt hay, sao con lại động lòng thương cho loài cắt. ờ, thương là phải, thương quá đi chứ, bà cũng thấy thương.

***

Đã sang tháng bảy âm, Hà Nội bước vào những ngày mưa nhiều. Thành phố này nghìn năm trước vốn đã được cất lên từ một túi nước, một cái thành bốn mặt là đê bao bọc, sông ngòi hồ ao rải rác chỗ nào cũng thấy. Bên các chỗ thấp là những chỗ cao, loanh quanh vẫn sống ổn, trong phố vẫn có làng có xóm, giờ phố xá mở tứ tung, làng xóm lùi xa, những ngày mưa tất cả ướt át như lạc vào một vùng chiêm trũng. Thành một cái chợ trời chỉ có nhà, có đường nhưng thiếu cống rãnh. Chọn mùa khô xây cất không kịp nghĩ mỗi năm còn phải gặp một mùa mưa cho nên khi những túi nước hiện ra bất ngờ, đám người hóa lóng ngóng, đàn ông đàn bà quần xắn quá gối, vai đeo túi một tay ôm cặp một tay cầm giày dép. Dưới một vùng trời ủng sũng từng đống xe to xe nhỏ rúc đít nhau nằm đấy chờ nước rút trong vô vọng, nước nhất định phải rút, đó là cái chắc, nhưng rút đi đâu, rút thế nào thì chả một ai rõ.

Đấy là những ngày ông già bán báo ngồi nhà, mấy viên gạch và mảnh ván thùng xếp gọn gàng dưới chân tường, ngoài cổng xuất hiện rất kịp thời một phản thịt, mấy quang rau cỏ và lác đác vẫn có cả những bó hoa bán rong.

Tự nhiên đôi bạn lại chợt nhớ đến những chuyến xe điện của một thời nay đã đi vào dĩ vãng. Mỗi người có một chuyến xe điện riêng, rất riêng của mình. Với Bạch là một chuyến xe điện leng keng người lên kẻ xuống nhưng bao giờ cũng có hai bóng người đứng ở cuối toa, họ đứng nép vào nhau ở cuối toa, đầu cô gái nấp trong vai người lính. Với Đen là cảnh một ngày cuối năm buồn, có hai cha con nhà ấy ngồi bên nhau trên một chiếc ghế dài, của một chuyến xe điện vắng vẻ, lác đác người, qua một khung cửa rộng cha con yên lặng nhìn ra hàng phố bên đường, những mái nhà xô lệch, những bức tường rêu phong loang lổ, những mặt người rầu rãi hớt hải, những hồi còi báo động nổi lên chói tai, và những toa xe già nua xộc xệch vẫn bình thản dìu nhau trôi trong lòng phố chật chội. Cứ thế họ đi cho hết một buổi trưa, đâm ra các cửa ô rồi lại lộn vào. Người cha cầm tay con gái, thôi cha đi, con ở lại học hành.

Hôm ấy ngồi trên xe điện ba kể vào đêm má mất sấm chớp đùng đùng, ba lội bì bõm giữa đồng, một tay bồng con một tay đẩy chiếc thuyền nan, con thì nằm trong tã lót, má nằm trong thuyền quấn quanh mình tấm chăn sợi Tân Châu gọn gàng như một cái tổ chim. Sóng lớn quá, làng còn xa chẳng cách nào đưa má về được ba đành buông tay gạt nước mắt, gửi con thuyền theo dòng trôi miết xuống miền hạ. Giờ đã tới lúc ba phải cùng anh em quay về nơi ấy, ba về là để được gần má hơn, để sống chết cùng bà con cô bác, lúc nào ba cũng không thôi nhớ con.

Ngày con trở về, mấy chú du kích dẫn con đến trước một cây dừa cụt ngọn, chỉ tay vào đó mấy chú kể, ba cháu nằm dưới gốc cây này, trong căn hầm có cửa thông với sông, mỗi lần chui ra chui vào đều phải nhảy đại xuống nước lặn một hơi dài. Ba không chết bởi đạn bom mà chết vì ngạt thở, mấy chú khuyên ba chớ có ngủ khi ngồi dưới hầm, nếu ngủ là ngủ luôn đó. Ba thừa biết vậy nhưng vẫn thiếp dần vì sức ba hồi ấy đã kiệt. Mấy chú tính lấp hầm để ba yên giấc. Vài ngày sau buổi con về bỗng thấy cây dừa đột nhiên trổ đọt, mấy đọt lá non vẫy vẫy trong gió, con tưởng như ba đang kể chuyện. Con đã cùng mấy chú vớt bùn dưới sông lên vun vào gốc cho đầy, rễ bền thì ngọn tươi tốt ba hỉ. Ba từng nói đời người có hai lần phải bò toài, năm con mới sinh ba đã đặt con vào manh chiếu dệt bằng cỏ lác để con đập chân đập tay tập trườn, lần lần con biết bò rồi con đứng dậy. Đến lượt ba nằm xuống lại cũng thế, ba đã nằm sấp vào đất đai quê nhà mà trườn toài. Đã một lần con ngụp sâu, bám tay vào đám rễ dừa phủ kín cửa hầm nói ba nằm đó ba.

 

Hà Nội tháng 11 năm 2009

                                                                                                Đ.C

 

 
 
Đỗ Chu
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 185 tháng 02/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground