Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Heo may dìu dặt

H

ôm rồi, một anh bạn cùng cơ quan rủ anh đi uống bia, lắc đầu ngán ngẩm: Nhiều lúc tôi cảm thấy chán ngấy mọi thứ, ngấy lên tận cổ cậu ạ? Anh cười cười: Sao lại chán, vợ đẹp, con ngoan, công việc ổn định, cậu còn muốn gì nữa nào?. Ừ! Thế mà vẫn cảm thấy thiếu một cái gì đó, chẳng gọi tên ra được. Anh bạn vẫn giọng điệu đều đều, chán nản. Cơ quan mình – anh bạn vừa nâng li bia, vừa nháy mắt – trông có vẻ phẳng lặng thế chứ tớ biết có một số đôi rồi đấy nhé. Anh ngơ ngác, cậu tài thế, tớ có thấy gì đâu. Cậu suốt ngày ru rú trong phòng, gặp ai đâu mà biết. Này nhé, buổi trưa rủ nhau đi ăn, rồi thuê một nhà nghỉ nào đó, đầu giờ chiều lại đến cơ quan, người nọ đến sau người kia một chút. Chiều về nhà rất đúng giờ, ra vẻ chỉn chu và đúng mực lắm. Chỉ thương cho mấy ông chồng, bà vợ cứ tin tưởng người bạn đời của mình sái cổ. Anh gục gặc đầu, thế cũng hay đấy nhỉ? Ừ! Hay! Anh bạn cụng ly, ngửa cổ cười ha hả. Tôi mà thế, mụ vợ phát hiện ra một cái thì cái nhà thành đống gạch vụn ngay. Nào uống!

Thật ra, cũng có lúc anh buồn đến rã rời nhưng cũng chưa bao giờ tự vấn vì sao lại vậy. Đơn giản vì anh nghĩ đến tuổi nó thế, và cũng không băn khoăn nhiều. Thỉnh thoảng anh muốn cô độc một mình. Anh xua vợ con đi đâu đó vài ngày, một mình anh đối diện với những trống trải. Hồi đầu vợ anh tưởng anh làm thế vì anh muốn kéo một ả tình nhân mắt xanh mỏ đỏ nào đó về nhà hú hí. Hậm hực theo dõi một thời gian, cuối cùng thấy ông chồng yêu quý của mình chỉ muốn yên tĩnh chứ tịnh không có bóng dáng một “con ranh” nào, vợ anh tặc lưỡi chiều theo ý ông chồng “đỏng đảnh”. Hoặc là anh yêu nhạc của Trịnh Công Sơn, nhưng chỉ muốn ngồi nghe một mình. Vợ con anh thích nghe nhạc trẻ, mấy bản nhạc mà ca sĩ Bảo Thy, Lam Trường, Đàm Vĩnh Hưng hay hát. Anh dè bỉu, chê bai ra mặt, quá quắt hơn, anh còn ra điều kiện: có anh ở nhà không được mở mấy thứ nhạc ấy. Vợ anh là một người dễ tính, có làu bàu một chút nhưng mọi chuyện đều có thể cho qua một cách dễ dàng. Nàng yêu anh và tôn thờ cái gia đình bé nhỏ này. Vì thế, bất cứ cái gì có thể làm anh vui, hoặc giữ yên cửa yên nhà, nàng đều vui vẻ đồng ý.

Ký ức anh không nhớ rõ lắm về những năm đầu mới cưới. Hình như hồi ấy vừa phải bận rộn chăm con nhỏ, vừa phải làm sao kiếm tiền cho đủ chi tiêu, anh ít nghĩ đến bản thân mình. Vợ đẻ liền tù tì ba năm hai đứa, cố gắng lắm mới không phải đầu bù tóc rối, nhưng mọi nhu cầu, mua sắm làm đẹp nàng đều quên bẵng đi. Trong nàng lúc nào cũng chỉ thường trực sữa, bỉm, tã lót và đồ ăn cho con. Kể cả anh, có lúc nàng cũng quên bẵng đi, như sinh nhật của anh chẳng hạn, hoặc ngày cưới của hai vợ chồng. Anh không giận nàng chút nào, anh thấy cần phải bù đắp và chia sẻ với nàng nhiều hơn.

Mười mấy năm trôi qua rồi, bao nhiêu buồn vui, có chuyện anh nhớ, có chuyện không. Vợ anh giờ đã thảnh thơi, cuộc sống cũng chẳng còn nhiều lo toan lắm. Thỉnh thoảng, mấy anh em đồng nghiệp lại bàn nhau đi du lịch tập trung vài gia đình để thư giãn đầu óc, để tình cảm giữa các phu nhân, các a ca, cách cách thắm thiết hơn. Thấy hay hay, vợ chồng anh cũng tham gia vài lần. Trong những lần tụ tập ấy, anh cố để ý xem ai trong số mấy cặp vợ chồng tặng tịu nhau nhưng tuyệt nhiên không phát hiện ra. Khi về anh nói điều ấy với anh bạn kia, anh ta cười sằng sặc: Cậu đúng là gà công nghiệp, nó dại mà thể hiện những lúc như thế à? Nhưng mà tài nhỉ? Cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì? Tôi bái phục đấy cậu ạ.

Hôm vừa rồi, mấy đứa thanh niên trong chi đoàn rủ anh đi uống bia. Một đứa con gái bạo mồm bạo miệng nhất xưa nay bỗng hỏi anh: Về nhà vợ chồng anh thường nói chuyện gì với nhau? Anh thản nhiên: Thì chuyện con cái, ông bà, họ hàng, thế thôi. Cô hỏi anh thế để làm gì? Con nhỏ đó bĩu môi, nhún vai: Thế thì cực chán, những chuyện ấy nói một lúc cũng hết. Câu chuyện được bổ sung bằng hàng loạt những ví dụ sống động. Bọn trẻ bàn nhiều về cái gọi là “độ chênh” trong cuộc sống lứa đôi. Bọn chúng chưa nhiều kinh nghiệm lắm, nhưng về mặt lý thuyết xem ra khá sắc sảo. Tàn cuộc. Anh  nhanh chóng quên đi. Bỗng dưng hôm nay, ngồi một mình anh lại nhớ đến câu chuyện ấy. Nó làm anh băn khoăn, đúng là chuyện con cái, ông bà, họ hàng nói một lúc cũng hết. Hai vợ chồng ngồi lặng lẽ xem ti vi, anh hiểu theo cách của anh, vợ anh hiểu và diễn giải theo cách của nàng. Nàng rất thích vừa xem phim vừa thuyết minh, nhiều khi rất ngây ngô nhưng anh đều cười một cách rất độ lượng, không cải chính, tự nhủ, khả năng của nàng chỉ đến thế. Xem hết phim, hai vợ chồng đi ngủ. Nếu nàng muốn, anh sẽ chiều nàng một chút. Tuổi anh bây giờ, mọi ham hố trở nên lười biếng, nàng thì đang độ hồi xuân, phấn khích và nồng nàn hơn cả hồi mới cưới. Nàng cũng hiểu được tâm lý của anh nên rất cố gắng kiềm chế mình. Không sao cả, anh động viên nàng. Nàng cũng không cần thắc mắc cụm từ “không sao cả” của anh nó mang nghĩa thế nào, cả anh cũng thế, dường như anh thốt ra từ đó chỉ như một thói quen.

Nàng là giáo viên mầm non ở một trường cấp phường, ngoài tiền lương ít ỏi ra, mỗi năm nàng có ba ngày ngồi đếm tiền: hai mươi tháng mười, Tết và mồng Tám tháng Ba. Nàng đếm xong và thông báo con số với anh với vẻ mặt đầy hoan hỉ. Cháu nọ, cháu kia, vì biếng ăn, vì hay ị cả quần nên bố mẹ nó đi khá dày… Anh gật đầu cười, không quan tâm lắm  và chú mục vào tờ báo đang đọc giở.

- Tình hình ở I rắc có vẻ phức tạp – Anh bâng quơ.

Nàng cười:

- Ôi dào, chuyện tít tắp bên châu Phi, anh quan tâm làm gì.

Anh bỗng cáu:

- Mẹ nó thật là… I rắc nằm ở châu nào cũng không biết!

Nàng cười ngất ngư:

- Em dốt môn địa lý, thế nó nằm ở đâu anh, có gần Mỹ không?

Anh vờ như không nghe thấy, cắm cúi đọc, chẳng trách cô ấy được, ở trường mầm non người ta không cần đến những kiến thức ấy thì phải.

Thứ bảy, chủ nhật, vợ con anh biết ý kéo nhau cả về nhà ngoại, chỉ dặn hú họa một câu:

- Tối anh thu xếp sang ăn cơm với ông bà cho vui nghe.

Anh ậm ừ:

- Để đến lúc ấy hẵng hay.

Ngồi một mình, anh giở tờ báo ra xem. “Xung đột giữa các nền văn hóa” – Một cái tít truyện ngắn khiến anh chú tâm ngay vào. Câu chuyện nói về mâu thuẫn của một đôi vợ chồng mà cốt lõi là sự khác biệt nhau về trình độ, nhận thức, hành vi. Truyện viết bằng giọng văn tưng tửng, dí dỏm, nhưng không hiểu sao nó làm anh buồn đến thần cả người. Anh xách xe ra phố, chạy không chủ đích hết con phố này đến con phố khác. Chạy chán, anh tấp vào một quán cà phê. Thứ bảy, quán khá đông khách. Anh chọn một chỗ ngồi khuất lấp nhất và gọi cho mình một ly cà phê đen. Đây là chốn anh thường gắn bó, nó hợp với người luôn thích cô độc như anh. Chủ quán là bạn anh, mê và tôn sùng Trịnh Công Sơn. Từ sáng đến đêm anh ta chỉ mở duy nhất nhạc Trịnh Công Sơn, tuyên bố: Ai cùng sở thích hãy đến đây.

Đĩa đang chạy một bài hát rất tình tứ.

Theo thói quen, anh rút điện thoại định gọi cho một cậu đồng nghiệp đến ngồi tán gẫu. Nghĩ thế nào, anh lại thôi. Chẳng hiểu sao giờ phút này anh lại ngại phải đối diện với một ai đó, phải nói những câu vẫn thường nói, hỏi những câu đã sẵn câu trả lời bởi nhiều khi ngồi im lặng mãi với nhau cũng chán. Anh lần tìm bao thuốc, thuốc lá giúp anh giải buồn, giúp anh bớt bối rối. Anh dựa lưng vào ghế, phả khói mù mịt.

- Bây giờ còn hút thuốc là lạc hậu lắm rồi đấy, thưa anh?

Giọng con gái lanh lảnh cất lên khiến anh giật mình. Anh dáo dác tìm giọng nói ấy. Người phụ nữ ngồi cách anh một bụi cây nguyệt quế đang nhìn anh cười cười:

- Quỳnh! Quỳnh phải không? Em về bao giờ thế?

Quỳnh khoảng ngoài ba mươi tuổi, nhưng trông có vẻ trẻ hơn so với cái tuổi cô đang có. Quỳnh vẫy tay với anh.

Sự gặp gỡ khiến anh trở nên lúng túng. Ngày xưa, Quỳnh mới chỉ là một thiếu nữ hai hai, hai ba tuổi về thực tập ở chỗ anh. Mới vài buổi tiếp xúc, anh đã phát hiện ra đấy là một cô gái thông minh, lém lỉnh. Quỳnh giỏi đối đáp. Anh ấn tượng với lối nói chuyện sắc sảo của cô. Đôi khi, rất mơ hồ, anh nhận ra mình đang thầm ước được trẻ lại hai mươi năm nữa. Cảm giác ấy đẹp lắm, nó đến rất nhanh mà cũng qua rất nhanh bởi chỉ một tháng sau Quỳnh kết thúc đợt thực tập. Công việc cuốn anh đi, mỗi năm vài cô thực tập sinh lại đến, rồi đi, anh quen dần.

Hỏi thăm dăm ba câu, bình luận một chút về bài hát và về nhạc Trịnh, hai người cho nhau số di động rồi Quỳnh có người gọi phải đi.

- Em đi du lịch cùng gia đình, mai em về rồi. Chào anh luôn nhé.

Cuộc gặp gỡ chẳng có gì, nhưng khi cô đi rồi, anh chợt tiếc nuối. Sao mình không hỏi thăm về gia đình cô ấy kỹ hơn. Ý nghĩ vợ chồng Quỳnh có tìm thấy tiếng nói chung không khiến anh trở nên khắc khoải. Ý nghĩ ấy thật nực cười, nhưng nó cứ đeo bám anh. Chẳng lẽ giờ lại gọi cho cô ấy hỏi xem vợ chồng em có hòa hợp nhau không thì thật là lố bịch.

May mắn sao, sáng thứ hai anh lại nhận được tin nhắn của Quỳnh:

- Chào anh! Lâu lắm em mới trở lại quê anh, mọi thứ gần như đã thay đổi, quê anh đẹp quá. Em rất thích.

Vui mừng thực sự, anh nhắn:

- Anh mừng vì em đã thích những thứ ở quê anh. Nếu còn có dịp anh mong sẽ được đưa em đi đến nhiều nơi thú vị hơn.

- Anh có thường xuyên đến quán cà phê đó không? Em rất thích âm nhạc và cách bài trí ở đó? Nó làm em nhớ lại thời sinh viên, đam mê nhạc Trịnh Công Sơn đến bỏ cả ăn.

- Vậy là anh em mình cùng chung sở thích – Anh bấm mà lòng cứ rộn lên – Lúc buồn anh thường đến đó, nghe nhạc và tán gẫu.

Một vài tin hỏi thăm lặt vặt khác. Kết thúc một ngày, anh về nhà trong tâm trạng rất phấn chấn mà không hiểu vì lý do gì. Ngày tiếp theo, tiếp theo nữa, rảnh rỗi, anh đều chuyện trò với Quỳnh bằng tin nhắn và cảm thấy thời gian sống động hẳn lên, không còn vô vị và tẻ nhạt như trước đây nữa. Quỳnh vừa tỉnh táo, vừa thận trọng, rất hài hước và trí tuệ. Thậm chí có lúc cô làm anh lâm vào thế bí trước những câu hỏi thông minh của mình. Nhưng anh thấy thú vị với kiểu trò chuyện rất bướng bỉnh ấy. Nó làm suy nghĩ của anh trở nên thông suốt hơn thì phải. Đồng nghiệp có thể vừa thấy anh vừa đi ăn trưa vừa hát, thậm chí còn bẹo má cô này, ngắm nghía váy cô nọ và buông ra vài câu bông đùa dí dỏm.

Càng ngày anh càng nóng lòng muốn được gặp Quỳnh, mặc dù khoảng cách hai người khá xa nhau và thực hiện được điều đó khó khăn vô cùng. Đột nhiên, anh nảy ra ý định muốn nghe giọng nói của cô. Anh nhắn:

- Anh gọi cho em nhé!

Im lặng, hình như cô đang đắn đo. Anh nhấn số gọi cô. Cô cài bản nhạc chuông “Như đã dấu yêu”. Bài hát cất lên du dương, anh nghe hết hai lượt bài hát mà cô vẫn không nghe máy.

- Sao em không nghe máy?

Hình như cô hơi ngập ngừng:

- Anh không thấy như thế này là hay hơn sao?

- Nhưng anh nhớ em, anh muốn nghe giọng nói của em biết bao!- Tin này thật tha thiết.

- Nhớ ư? Chẳng lẽ điều này em nên tin?

- Anh gọi nhé!

“Trong đôi mắt em anh là tất cả…” Vẫn chỉ là giai điệu bài hát, cô vẫn không nghe máy.

- Thôi được, anh chịu em rồi đấy cô bé ạ. Em vẫn bướng bỉnh như hồi còn là cô thực tập sinh ấy.

- Anh vẫn nhớ em hồi ấy sao?

- Anh đã tương tư em từ hồi ấy.

Lại im lặng, khoảng 20 phút, đèn xanh lại nháy:

- Sao bây giờ anh mới nói điều ấy với em?

- Hồi ấy em quá trẻ trung, quá trong trẻo. Một gã đàn ông vợ con đề huề như anh liệu có lọt vào mắt em?

- Ừ nhỉ? Có lẽ đúng như anh nói thật. Thế bây giờ em đã già rồi sao anh?

Anh lúng túng khá lâu. Nói thế nào với Quỳnh bây giờ. Trò chuyện bằng tin nhắn không thể kể lể dài dòng được. Bên kia Quỳnh vẫn kiên nhẫn chờ.

- Em khiến anh can đảm bởi dáng vẻ cô đơn của em. Cuộc sống của em thế nào?

- Vậy là em khiến anh hiểu lầm rồi. Em có một người chồng tốt và một đứa con ngoan. Em rất hạnh phúc.

- Vợ chồng em có “chênh” nhau lắm không? – Tin này anh đã nung nấu từ rất lâu.

- Sao anh lại hỏi em thế? Bọn em dường như ít tranh cãi. Người này vừa thốt ra câu gì là người kia lập tức hiểu ngay.

- Nhưng sao trông mắt em lúc nào cũng đượm buồn thế?

- Em không hiểu vì sao lúc nào cũng thấy buồn, kể cả khi trong lòng hạnh phúc nhất em cũng có một nỗi buồn mơ hồ nào đó. Em yêu chồng em, chồng em còn yêu em hơn thế.

- Anh mừng cho em.

Anh nhắn xong tin ấy và thở dài. Nếu như Quỳnh nói em sống không hạnh phúc, có lẽ anh đã vui hơn chăng?

Hết giờ làm, anh gửi tin nhắn cuối cùng chào cô và xóa sạch mấy chục tin nhắn ấy. Anh tắt đèn đóng cửa và ra xe. Một nỗi chán chường kèm theo cả nỗi nhớ khôn nguôi khiến anh đờ đẫn cả người. Ngay giờ đây, lúc này, nếu có Quỳnh trước mặt, có lẽ anh sẽ không kiềm chế được mình, bất chấp cô có đồng ý hay không, anh sẽ ôm siết lấy Quỳnh, sẽ khiến cô nghẹt thở bởi đôi môi đang cháy khát. Đêm đến và trôi qua một cách chậm chạp và đáng ghét. Anh mong thời gian qua nhanh, anh bưng bát cơm ăn một cách trễ nải. Vợ anh có vẻ cũng mệt mỏi sau một ngày đánh vật với lũ “hổ con”. Nàng chẳng buồn để tâm đến tâm trạng của anh (may quá), nàng để việc dọn dẹp cho cô con gái lớn và nằm dài trên xa lông xem phim, chỉ một lát anh đã nghe tiếng thở đều đều của nàng. Anh bước ra sân, mùi hoa nguyệt quế thơm dìu dịu. Anh lại nao nao nhớ buổi gặp gỡ tình cờ hôm đó. Hôm ấy, Quỳnh đã ngồi cạnh một cây nguyệt quế ngan ngát thơm. Anh cảm tưởng cơ thể của Quỳnh đã được ướp bằng hương hoa tinh khiết ấy. Giá lúc này anh có thể trò chuyện với cô. Ngay lập tức anh biết đấy là một mong muốn mạo hiểm. Chẳng có một người vợ, người chồng nào lại có thể bàng quan với việc chồng mình, vợ mình khư khư cái máy di động và nhắn những lời nhớ nhung cho một kẻ không phải đầu gối tay ấp của mình. Vậy thì chỉ còn cách đến công sở, làm tất cả những việc có thể làm một cách nhanh chóng. Rồi sau đấy là bồi hồi, thắc thỏm đợi chờ, nhớ nhung. Một nỗi nhớ chẳng giống ai. Nỗi nhớ được nhen lên qua những dòng tin nhắn và có lúc anh nghĩ nó sẽ vỡ òa, sẽ cuốn phăng anh đi.

- Anh đã trải qua một đêm rất dài, chỉ mong trời  sáng để đến cơ quan chuyện trò với em.

- Anh gọi cho em nhé? Được không em?

- Đừng anh! Phòng em rất đông người, nói chuyện không tiện lắm.

- Anh nhớ em! Rất nhớ!

Lại im lặng một lúc khá lâu. Hình như sau một tin nhắn bày tỏ sự nhớ nhung của anh, nàng đều mất mấy chục phút suy nghĩ.

- Sao em không trả lời?

- Anh không thấy chúng ta đang mạo hiểm ư? Sao anh có thể dễ dàng thốt ra những từ như thế?

Anh giật mình, anh đã quên mất rằng ở địa vị mình anh phải thận trọng như thế nào.

- Xin lỗi em! Có lẽ anh lẩn thẩn mất rồi.

Anh không giận Quỳnh, anh giận mình nhiều hơn. Đang yên đang lành, tự dưng xua hết vợ con đi, một mình đi uống cà phê, gặp một người phụ nữ khác thế là dễ dàng thương nhớ ngay. Điều này chẳng giống anh chút nào. Trong mắt vợ anh, con anh, anh vẫn là một người cha tốt, tuy tính khí đôi lúc hơi thất thường, nhưng vẫn luôn là chỗ dựa vững chắc cho họ. Anh dứt khoát xóa sạch mọi tin nhắn trong ngày. Chưa hết giờ, anh đã lấy xe ra về. Việc đầu tiên, anh dọn dẹp và lau chùi nhà cửa. Sau đó anh ra tưới cây. Vừa tưới cây, anh thấy lòng mình nhẹ nhõm vì đã gạt ra khỏi cuộc sống một chuyện chẳng đâu đến đâu cả. Anh lại còn vào bếp làm cơm cùng vợ, vừa làm vừa kể cho nàng mấy câu chuyện tếu ở cơ quan. Như thường lệ, vợ anh cũng tía lia, đôi chỗ dùng chữ sai toét, chẳng hạn như: tiêu pha vô tội vạ thì nàng bảo vô tội phạm, hoặc đẹp quyến rũ thì nàng lại bảo đẹp quyến luyến... Anh không lấy đó làm điều, nhẹ nhàng chỉnh cho nàng, nàng lại cười toe toét, nói: mọi tinh hoa, tinh túy trên đời mấy cha con hưởng hết. Em tình nguyện làm người vợ, người mẹ kém cỏi cũng được. Anh ôm nàng từ phía sau, thì thầm: Đời anh không có người vợ kém cỏi này chắc chẳng làm gì nên chuyện.

Một tuần trôi qua kể từ cái hôm anh quyết định không nhắn tin cho Quỳnh nữa thì anh bạn chủ quán cà phê đến chìa cho anh tấm thiệp mời cưới con gái. Chắc chắn sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra nếu hôm đó, anh chủ quán nổi tiếng lập dị lại không bắt bọn trẻ mở nhạc Trịnh Công Sơn.

Đang hào hứng uống bia, anh lại nôn nao nhớ Quỳnh. Chẳng hiểu sao anh bặt tin, Quỳnh cũng tuyệt nhiên không hề nhắn cho anh một tin nào. Mấy hôm nay cô ấy thế nào nhỉ? Có mong tin nhắn của anh không? Có lẽ Quỳnh quên bẵng anh rồi cũng nên. Ý nghĩ ấy bỗng làm anh đau đớn. Bởi giờ đây mọi cảm xúc từ hơn một tuần trước vẹn nguyên sống dậy, dày vò anh. Cả buổi chiều câu hỏi luẩn quẩn trong đầu: Quỳnh có chờ đợi anh không? Khiến anh trở nên sốt ruột. Không đừng được, anh mở máy:

- Chào em! Em có khỏe không?

Một khoảng lặng vài phút, tim anh như ngừng đập, cuối cùng đèn lóe sáng:

- Là anh đấy ư? Em tưởng anh đã quên em rồi!

Anh cảm nhận cả nỗi hờn giận qua dòng tin ấy, bồi hồi, anh nhắn:

- Anh chưa bao giờ quên em cả! Em có ổn không?

Chờ đợi rất lâu, đèn xanh lại nháy, một cái tin khá dài.

- Anh đã vô tình tạo nên một nỗi nhớ khổng lồ trong em, rồi đột nhiên bỏ mặc em một mình với nỗi nhớ chất ngất ấy. Anh có thấy là mình nhẫn tâm quá không?

Anh chết lặng. Mường tượng rất rõ cả tiếng thổn thức của Quỳnh. Cái ước muốn được siết chặt cô trong vòng tay lại nhoi nhói trong lòng:

- Anh ngàn lần có lỗi với em. Anh không thể ngờ anh được em nhớ nhiều đến thế!

- Em cũng không thể ngờ mình lại phải nhớ anh nhiều đến thế.

Tin này được Quỳnh nhắn rất nhanh, dường như nó đã nằm sẵn trong ý nghĩ của cô nên anh gần như nhận được ngay lập tức. Nỗi xót xa chen lẫn niềm hạnh phúc âm ỉ, anh không ngần ngại bấm:

- Cảm ơn và xin lỗi em vô cùng. Em không hình dung được anh đang hạnh phúc như thế nào đâu. Giá lúc này chúng mình được bên nhau em nhỉ?Anh rất muốn được ôm em vào lòng. Nếu em muốn, anh sẽ lấy vé máy bay đến với em ngay bây giờ.

Chờ. Quỳnh lại im lặng. Gần như đã quen, anh kiên nhẫn chờ đợi:

- Nhận được tin anh, nỗi nhớ của em đã vợi đi nhiều. Anh đừng tính đến chuyện chúng mình gặp nhau. Em sợ.

- Em sợ anh ư?

- Em sợ chính mình! Em sợ sự đổ vỡ! Chồng em không đáng bị em đối xử như vậy.

- Anh hiểu. Nhưng nếu không gặp nhau, cả hai chúng ta đều khổ.

- Chỉ hai chúng ta khổ thôi. Còn hơn có bốn người cùng khổ anh ạ.

Có lẽ Quỳnh đúng. Người vợ suốt đời tận tụy cho cha con anh sẽ như thế nào nếu biết anh từng phút từng giây mong nhớ người phụ nữ khác trong khắc khoải? Với bản tính của nàng, nàng sẽ bù lu bù loa lên cho cả thiên hạ biết nàng đang bị anh phản bội. Cái đó còn không đáng sợ bằng việc mấy đứa con anh mà biết, nó sẽ coi anh ra gì? Nỗi dằn vặt ấy khiến anh tự nhủ phải bù đắp cho vợ nhiều hơn.

Quỳnh ốm, cô nhắn cho anh một cái tin gần như đoạt tuyệt:

- Em phải nằm viện anh à. Đừng nhắn cho em nữa nhé! Chồng em suốt ngày ở bên cạnh chăm sóc em. Chúc anh hạnh phúc.

Thì Quỳnh cũng phải nói cho anh biết cô ốm nặng nhẹ như thế nào chứ? Có phải bệnh nan y không? Nếu chỉ ốm thông thường sao Quỳnh phải vào viện? Sự lo lắng khiến anh không đừng được, anh nhắn tin cho Quỳnh. 24h sau, máy báo không gửi được tin nhắn ấy. Anh thực sự hoang mang, chợt nhận ra mình đang mang tâm trạng của một người có người thân yêu nhất đang gặp nạn. Quỳnh có gặp chuyện gì không? Hay chuyện vụng trộm của anh và Quỳnh đã bị chồng cô phát hiện. Nếu vậy thì hẳn Quỳnh đang phải đối mặt với sự dày vò ghê gớm. Rồi không chịu đựng nổi với hàng trăm nghi vấn dằn vặt mỗi ngày. Anh dối vợ đi công tác, mua vé máy bay đến chỗ Quỳnh. Đó là một thành phố không mấy xa lạ với anh. Anh dễ dàng tìm được bệnh viện Quỳnh đang chữa bệnh qua một đồng nghiệp của cô. Cô ấy bị viêm thận, giờ thì đỡ rồi anh ạ. Anh nghe vậy và lấy làm yên tâm.

Đó là một buổi chiều chớm thu bàng bạc mây, heo may dìu dặt thổi. Hàng cây bằng lăng đang vào mùa đổ lá, rụng tơi bời. Quỳnh và chồng Quỳnh ngồi bên nhau trên ghế đá trong khuôn viên bệnh viện. Cô tựa hẳn vào vai chồng, một khuôn mặt đang dần lấy lại sắc khí sau trận ốm dài. Trên bãi cỏ, cậu con trai đẹp như chúa hài đồng đang đuổi theo cánh bướm. Người chồng đưa một cánh tay vuốt nhẹ lên tóc vợ, một cử chỉ rất đỗi thương yêu và dịu dàng. Nếu là họa sĩ, có lẽ anh sẽ vẽ lại bức tranh đầy hạnh phúc ấy với tất cả rung cảm tận đáy sâu tâm hồn trước vẻ đẹp thuần khiết, trong trẻo. Bỗng dưng anh muốn bật cười, tại sao mình lại định bứt cô ấy ra khỏi bức tranh hài hòa kia trong khi chưa chắc mình có thể đem lại cho cô ấy những điều tốt đẹp như cô ấy đang có? Ý nghĩ ấy khiến anh trở nên nhẹ nhõm. Ngắm Quỳnh một lúc ở khoảng cách chỉ anh mới trông thấy cô, anh vội vã ra sân bay. Một chuyến đi ngắn ngủi để đổi lấy sự bằng an cho tâm hồn.

 

Anh bạn đồng nghiệp dạo này ít rủ anh đi uống bia, vài lần anh rủ, cậu ta đều lấy cớ bận.

- Hay bắt được mối tình buổi trưa nào rồi? Anh thăm dò.

Cậu ta không xác nhận, cũng chẳng phản đối, chỉ bâng quơ:

- Nhiều lúc cũng nên thêm chút gia vị cho cuộc sống chứ cậu. Những điệp khúc tẻ nhạt hàng ngày nó cứ mài mòn tâm hồn mình đi.

Không hiểu sao anh lại đem hết câu chuyện về Quỳnh kể cho cậu ta nghe. Nghe xong, cậu ta bảo:

- Đẹp, lãng mạn, nhưng khổ sở, mệt mỏi quá. Cứ chớp nhoáng như mấy đôi ở cơ quan mình lại đơn giản hơn nhiều.

Anh không nghĩ thế. Anh từng có những cảm xúc rất đẹp, những phút giây hạnh phúc đến ngộp thở mà mấy cuộc tình kia sẽ không bao giờ có được. Và, anh sẽ trân trọng những cảm xúc ấy cho đến hết đời, chỉ riêng mình anh thôi.

N.H.D

Nguyễn Hương Duyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 197 tháng 02/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground