Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Không thể mở cửa hậu

S

áng, chiều nào cũng vậy, ông ngồi ở vườn “thượng uyển” sau biệt thự. Biệt thự của ông có hai mặt tiền. Phía trước đại lộ thành phố, phía sau đường ô bàn cờ. Vườn nhà ông có ba tầng hoa lá, trên cao là hoa cổ thụ, tầng trung là hàng chục loại phong lan quý, tầng trệt cúc, mai, địa lan… Tất cả đều là báu vật. Chậu mai “ngàn mắt ngàn tay” kia là quà tặng của phó phòng nghiệp vụ trước ngày lên chức trưởng phòng. Giò phong lan ngũ sắc là của một hiệu trưởng xin kéo dài tuổi về hưu lên một năm nữa. Cây hoa sữa là của ông già phường Năm xin cho con vào nghề. Bộ bàn ghế đá trắng là của trưởng phòng tổ chức, được sản xuất ở làng chạm khắc đá Ngũ Hành Sơn. Bộ ấm trà cung đình ông đang dùng là của một người cha xin cho con chuyển dạy từ miền núi về thành phố. Một con rồng uốn mình quanh ấm, cái đuôi cong vòng thành quai, cái đầu há ra thành vòi, men sứ ủ lửa trăm năm nhiều màu sắc. Vườn cảnh của ông ngăn cách với lề đường bằng một bức tường lửng, nối cao lên phía trên là hàng rào mắt cáo bằng lưới thép B40. Chỉ có một cánh cửa sắt nhỏ thông ra đường đủ lối cho một người đi. Ngày ông còn đương chức, cánh cửa chỉ mở mỗi khi có họp kín với một tay chân thân cận nào đó. Từ ngày về hưu đến giờ cánh cửa chỉ đóng im ỉm vì chẳng ai bấm chuông.

Ông ngã người trên chiếc đệm mút Japan êm ái nhưng lòng không yên ổn. Sự cô độc đến với ông đột ngột như một cơn gió mát bất ngờ bị hai cánh cửa phòng sập lại, chặn đứng. Khi quá thừa thải sự dịu ngọt của tiếng người ông thích tiếng chó, tiếng chim. Bây giờ khát tiếng người tri kỹ, ông lại chán chúng. Ông cần tiếng người tâm sự chứ không phải tiếng ư ử, chít chít. Bà osin không hiểu vì sao những con vật ông chăm bẵm là thế, bây giờ dứt khoát dắt khỏi, xách đi, trước khi ông ra vườn uống trà, ngã người trên ghế mút. Hôm nay ông pha ấm trà cuối cùng của gói trà “Bạch tuyết núi đá thắt cổ bồng” do một đệ tử đi tham quan Trung Quốc mang về tặng.

Ông nhìn qua lưới thép mắt cáo. Không xa lắm phía bên kia đường, dưới tán hai cây trứng cá, một nhóm người cũng đang uống trà sáng. Trong số đó có ba người sáng nào cũng có mặt trừ khi ốm đau. Người hơi mập kia là cán bộ dân vận về hưu. Cái ông có nước da sốt rét rừng là bệnh binh, sĩ quan quân đội. Cái ông luôn mang đôi dép cao su rịch chặt cả bốn quai làm nghề kéo xe giữa chợ. Một loạt người kia nữa, ông không biết kỹ nhưng vẫn thấy quen. Họ đến uống trà và đi thất thường. Có người đến và ngồi mãi tới tám giờ. Chẳng biết họ nói với nhau chuyện gì, đôi lúc có tiếng cười ha hả. Tiếng rít thuốc lào của ông ngụ cư người Bắc nghe sòng sọc. Chiếc bàn trà là một gốc cây lớn, cưa phẳng, trải thời gian mưa nắng trông sù sì quái dị. Mấy chiếc nghế nhựa cũ rích, mỗi chiếc mỗi màu. Chiếc ghế gỗ lại gãy một chân, họ nuộc lại bằng nhiều vòng dây điện màu đỏ. Cuộc sống của họ thật giản đơn nhưng cũng thật là vui vẻ.

Ông từ chỗ như thế mà ra, và thành ông to mụ nậy. Ông đã đến Sapa, Đà Lạt, tham quan nước ngoài, chân trời góc bể nào muốn đến là đến, sao bây giờ không đi được vài chục bước chân để đến hai gốc trứng cá bên đường ấy. Ông tưởng mình quá đầy đủ bây giờ thấy thiếu. Thiếu ngay cái người nghèo rất đầy đủ. Hóa ra họ có nhiều cái sướng ông phải thèm khát. Có ai khước từ và xua đuổi ông đâu mà chân ông không giám bước?

Ấm trà và tách trà đã nguội, nhưng ông không nhấp được một ngụm nào. Làm sao những người ở ẩn lại thưởng thức trà một mình ở núi cao, hang thẳm. Phải chăng tâm hồn họ thanh thản với đời, họ sống đúng là người ở chốn thú. Ông buồn. Nói vậy nghĩa là mình sống thú ở chốn người?

Mình đã sinh ra trong một gia đình cha mẹ có vị thế. Bạn bè nhiều đứa học giỏi hơn nhưng lý lịch không được đẹp, cuộc đời họ trở nên lận đận. Mình được đề bạt vào lãnh đạo sớm. Thời kỳ trẻ hóa cán bộ cho mình thăng hoa, thay ghế của những ông già nhiều năng lực. Những cuộc đấu đá nhau trong lãnh đạo mình ở trung gian nên không bị diệt, lên ngôi giám đốc sở. Một thời ông tự khen mình là mưu lược trong vai trò “trung gian” đó. Đúng hơn, ông là phe thứ ba. Chúng nó đánh nhau theo kiểu võ biền, sẵn sàng thượng gươm lên võ đài, chửi nhau theo kiểu chợ búa. Ông có chữ nghĩa trong đầu nên không dại, diệt thằng nào cũng cho nó củ sâm có độc tố. Sự thăng tiến của mình còn nguyên nhân gì nữa không? Có lẽ còn có sự trợ giúp của những con khỉ, những con gấu chết oan, ngâm mình trong rượu để cung tiến thượng cấp, những xếp tiền đô vợ mình son phấn lòe loẹt đi thăm tết. Bởi thế, mỗi lần vợ chồng đụng chạm, mình có nhắc cái địa vị danh giá của mình, bà xì mũi cười khẩy, thật khó chịu. Mỗi lần nhận của ai xếp tiền biếu, bà bóc ra đếm trước mặt khách. Ông thấy khó coi: “Đó là tấm lòng của họ, bà làm gì trắng trợn thế ! ”

Bà cong cớn:

- Tôi đầu tư thì tôi thu, tấm với cám, tấm nhiều thì gạo ít.

Thi thoảng bà lại mở cửa xem ông còn đó không, có ngủ gật, có đi đâu không. Chẳng phải bà quan tâm tới sức khỏe của ông, xem ông cần gì để chăm sóc mà sợ ông lơ đểnh trộm vào. Ông đã nói với bà:

- Tiền và vàng bà để đâu tôi chẳng biết nữa là trộm. Ngoài cửa, hai con chó béc dê như hai con sói, trong nhà, đâu cũng khóa to như khóa kho thóc.

Bà cãi:

- Chỉ cần một tí thuốc chuột Trung Quốc và vài mẫu xương là hai con chó của ông quay lơ. Một chiếc kìm cộng lực “Mẽo” là khóa kho thóc gãy rụm thành mía. Chỉ cần tay trái của một thằng trộm là ba cái cổ tôi ông và bà già osin gãy rắc! rắc!. Tốt nhất là đừng bao giờ mở cửa hậu vườn cảnh. Hưu rồi, chỉ có ma mới tới. Một chậu mai của tôi, thời giá bây giờ cả trăm triệu

- Ai mì không, mì nóng này!

Theo phản xạ đã thành thói quen, ông thụt sâu xuống ghế mỗi khi tiếng rao lanh lảnh ấy đến gần. Bây giờ người ta rao bán hàng bằng máy casset nhưng cô gái này không sắm nổi máy, cứ rao bằng mồm từ trong đến khản đặc nhưng dù thế nào ông cũng nhận ra tiếng cô. Đó là Ký, Nguyễn Thị Ký. Con ông Nguyễn Thật bạn thân của ông hồi lớp mười.

*  *  *

Nguyễn Thật đến phòng giám đốc của ông mất hẳn vẻ tự nhiên của cái thời tranh nhau mấy quả ổi xanh. Thật xoa hai tay vào nhau lắp bắp: “Giám đốc… thưa giám đốc, số là tôi có chút việc cần nhờ cậy”. Lạ thật, khi sự cao sang và nghèo hèn giãn ra hai phía, thì khoảng giữa bị xóa đi bao nhiêu điều tốt đẹp.

-  Thôi nào, thưa với bẩm cái gì! - Ông nói - mình với cậu còn là bạn thân từ dạo học trò, có việc cứ nói, được thì giúp.

Thật sung sướng, những vệt u tối trên khuôn mặt giãn nở ra đôi chút:

-  Bạn bè là việc ở trường, ở nhà, đây là công sở phải có trên, có dưới… Số là em, à… mình có một đứa con tốt nghiệp đại học Sư phạm khoa Sinh đã hai năm, xin việc nhiều nơi không được, phải phiền đến cậu, à xin lỗi, giám đốc.

Giám đốc còn nhớ rõ ngày tốt nghiệp phổ thông, bạn bè hăm hở chuẩn bị cho một kỳ thi đại học, Nguyễn Thật thì không. Thật học khá  chắc và đều tất cả các môn. Dạo đó thí sinh không đông, học sinh khu giới tuyến lại được đặc biệt ưu tiên nên những học sinh  như Thật đi thi chắc chắn đỗ. Thời đó tấm bằng đại học rất giá trị. Có bằng là được phân công công tác, không phải đi xin và có thể mất nhiều tiền như bây giờ. Từ một người dân thường, có bằng đại học là thành cán bộ, có việc làm ổn định, có lương ổn định và ngày một cao. Được đi đại học còn có nghĩa là được vào sâu trong hậu phương, tránh được vùng chiến sự quá ác liệt “sống mới là lạ, chết không có gì lạ”. Nguyễn Thật tâm sự: Mình đã đọc cuốn “Khi có một mặt trời” viết về anh hùng quân đội Lê Mã Lương. Mình phải noi gương anh ấy: Cứu nước, mới có nước để xây dựng, hạnh phúc lớn của tuổi trẻ là ở chiến trường.

Nguyễn Thật xung phong vào tuyến lửa, là xạ thủ của một cây thượng liên Ka-Lê-Nốp, đánh nhau hàng trăm trận với máy bay Mỹ, tháo gỡ hàng chục trái bom nổ chậm… Anh trở thành chiến sỹ thi đua và cấp trên có ý định bồi dưỡng thành anh hùng. Trong số máy bay địch bị rơi, số địch bị giết anh được chia: bắn hạ 01 máy bay phản lực, giết 54 tên. Thật không viết báo cáo. “Thưa chính uỷ, có thể tôi bắn rơi nhiều hơn 01 chiếc và cũng có thể số đạn tôi bắn lên trời không trúng chiếc nào cả. Địch chết nhiều lắm nhưng giữa trận mạc hàng ngàn lính ta cùng bắn rào rào, làm sao biết tôi hạ 54 tên”. “Dạ thưa, vì phong trào thi đua, dù tác động của tuyên truyền đến đâu đi nữa cũng không nên nói láo”. “Thế nào? Anh nói như vậy là cho rằng lãnh đạo chúng tôi là những kẻ bày đặt chuyện nói láo ư? Anh đừng tưởng có chút thành tích là muốn phê ai thì phê. Nghe chửa? Không khiêm tốn một chút nào!”.

 

Hết chiến tranh, Thật không có một tay nghề gì. Anh lúng túng kiếm sống, làm thợ đụng, bất cứ ai thuê việc gì có gạo, có tiền là nhận. Rồi lấy vợ. Hai vợ chồng cùng làm thợ đụng, chỉ có một mong ước lớn: Con cái được đổi đời, có học hành, có việc.

 

Tại sao một con người hùng dũng trong chiến tranh, dám ngẩng cao đầu bắn vào lũ máy bay đang trút bom, lại khúm núm trước một người có chức quyền là bạn học? Giám đốc hơi mủi lòng:

- Mình lưu ý trường hợp của cháu nhưng việc nhà nước có nguyên tắc, Thật xuống gặp trưởng phòng tổ chức, nộp một bộ hồ sơ của cháu và theo dõi kết quả ở đấy.

- Được lời của Giám đốc là quý rồi (Thật bắt tay người bạn cũ). Kính chào cậu…À giám đốc, mình… À, tôi về.

 

*  *  *

Trường thị xã vừa có một cô giáo dạy Sinh về hưu, có thể đưa con của Thật vào đó rất đúng dịp. Trưởng phòng tổ chức đến làm việc, trước khi ra về hắn nói:

- Việc nhân sự, anh đừng lộ diện, miệng lưỡi thiên hạ có ăn nó cũng nói, không ăn nó cũng nghi. Mình đã bỏ tiền ra để có cái ghế, thiên hạ muốn có  ghế cũng phải bỏ tiền lại cho mình, xét cho cùng là lẽ công bằng, là luật đời. Bạn ư? Riêng lớp 10A của Giám đốc có tới 42 đứa. Bạn lớp 9, lớp 8… bạn đại học, bạn lân bang, bạn làng quê, con cháu nội ngoại cô dì, con cháu ông to mụ nậy mà muốn hay không ta cũng phải nhận. Biên chế cả sở cũng không đủ cho những trường hợp như vậy.

Còn một lẽ nữa nếu lệnh cho trưởng phòng tổ chức làm quyết  định tiếp nhận con của Thật thì hắn sẽ tưởng mình đã ăn tiền của Thật không chia cho hắn. Đó là điều nguy hiểm. Bao nhiêu vụ đổ bể, ra toà, đi tù, chủ yếu do ăn chia không đều rồi căm tức nhau, tố cáo lẫn nhau. Nghĩ cho sâu, trong lời nói của hắn không đơn giản. Hắn nói cho ông nghe nhưng cũng là lời tuyên bố về hắn. “Mình đã bỏ tiền ra để có cái ghế… phải bỏ tiền lại cho mình”. Hắn đã mất cho ông một trăm triệu. “Chị cầm lấy thêm mà xây nhà. Em đang ăn nên làm ra, tặng anh chị chút đỉnh… Thì chị cứ xây cái nhà thật to, xây cho giám đốc và em một vườn cảnh nho nhỏ uống trà với nhau là được… Tiền bạc là gì, con người sống được bao nhiêu, cái tình quý lắm chị ạ”. Miếng ăn là miếng nợ. Mẹ hắn đau, hắn chỉ mua cho mẹ mấy ống sữa loại trẻ con chọc ống nhựa vào mà hút, không chịu mua loại sữa đắt tiền. Ông là cái thá gì mà hắn ném ra cả trăm triệu bạc. Đấy là tiền trả trước để mua chức, mua quyền. Ông phải trả cho hắn cái ghế trưởng phòng tổ chức sở. Hắn đã chi, bây giờ phải có quyền thu lại. Thâm ý của hắn là thế.

Cái chỗ bà giáo dạy Sinh về hưu, trưởng phòng tổ chức giải quyết cho con gái một lão chủ thầu sắp ra trường, sẽ thay thế.

Trưởng phòng đưa đến cho ông hai mươi triệu. Chẳng biết phần hắn là bao nhiêu nhưng chắc chắn là nhiều hơn, hắn ma lanh lắm. Cũng phải chấp nhận thôi, đây là tiền ăn chia không thể cải nhau. Hắn là người trực tiếp mặc cả với người ta, nếu  vỡ lở, ông có thể chối tội nhưng hắn thì không thể.

Từ đó, Thật vẫn kéo xe ở chợ tiếp tục nuôi đứa con thứ hai học đại học. Ký đi bán mì rong, sáng sáng vẫn ngang qua cửa hậu vườn cảnh của ông. Tiếng rao khắc khoải:

- Ai bánh mì không? Bánh mì này!

Ông ngước nhìn lên, hai mươi triệu đủ xây mảng tường trước mặt, cả cột thép, sơn, tít. Biệt thự của ông cấu thành bằng hàng chục mảng tường như vậy. Ông nhìn lên nữa, bỗng đỉnh tường biệt thự nứt hàng chục đường ngoằn nghoèo, theo đó mồ hôi và máu đỏ tứa ra, chảy xuống. Ông hét lên.

Cửa mở, vợ ông chấm dứt ảo giác của ông:

- Động kinh à? Ngồi một mình việc gì mà rú lên, tưởng trộm!

Bà lại đóng chặt cửa.

*  *  *

- Kính chào giám đốc!

Ông lật đật mở cửa, cuối cùng cũng có khách. Ông vui mừng:

- Tưởng cậu quên mình rồi, mời ngồi! Mời ngồi! Uống trà đi, mới pha nước đầu nhưng nguội mất, buồn quá không nuốt được cậu ạ. Hay để mình pha ấm khác.

- Thôi khỏi giám đốc ạ! Trà ngon, đổ đi lảng phí lắm. Ai có thể quên giám đốc, còn em quên thế nào được. Mấy ai lên đến trưởng phòng mà trình độ có lớp bảy. Giám đốc nâng đỡ em thế, kiếp sau dù có cũng không thể quên ơn. Em có nhà cao xe xịn công ai đây? Con cái em có việc trong sở, con vợ em ngu thế mà được làm cán bộ nữ công, nhờ ai đây? Em ghét nhất là bọn người khi người ta còn đương chức đương quyền thì xum xoe nịn bợ, hết chức hết quyền thì lơ.

Hắn tiếp lời giám đốc, mồm nói tuồn tuột. Ông cảm động, ngân ngấn nước mắt, đó là những lời chí tình, rất đúng với suy nghĩ của ông. Sự hiện diện của hắn ở đây là một minh chứng của lòng chung thủy, sống có hậu. Thằng trưởng phòng tổ chức và mấy thằng đệ tử, tưởng sống chết có nhau giờ mất mặt đâu hết, chỉ còn hắn.

Hắn uống liền hai tách trà, khen ngon. Hắn ngừng nói đột ngột như cái casset bị nhấn nút stop. Hắn nhìn giám đốc thăm dò rồi hạ giọng:

- Thưa giám đốc! Em có một chuyện khó xử quá, muốn xin ý kiến giám đốc, mong giám đốc thông cảm.

- Ông vẫn đang cơn hưng phấn:

- Cứ nói đi, chỗ tình thân có gì mà giữ kẻ. Mình bây giờ hết chức, hết quyền rồi, nhưng có gì giúp được nhau, mình sẵn sàng.

- Vậy thì được (Hắn rút trong túi ra một bản kê để lên bàn trà vuốt thẳng): Thưa giám đốc! Đây là những khoản chi tám năm em làm trưởng phòng hành chính cho giám đốc, chưa thanh toán được. Em cố nhét những gì có thể nhét được vào các chứng từ thanh toán. Nhưng những khoản này: mua sắm đồ dùng cho gia đình giám đốc, (Hắn hạ giọng) và em út, không có cách nào nhét được 214 triệu. Dạ, lâu quá sợ giám đốc quên, em có ghi chi ly hoàn cảnh chi để giám đốc rõ (hắn lại rút một tập giấy khác đặt lên bàn). Giám đốc mới nhận chức ghê gớm lắm, thiếu quỹ thì chết với ông ta. Không thể trình cho ông ta tập giấy này để lĩnh án được. Dạ, thưa giám đốc, đây là bản photo hóa đơn mua bán. Dạ…

Tai ông ù lên, chẳng nghe được gì nữa. Ông muốn hét: “Đồ lưu manh, đồ khốn nạn, đồ ăn cháo đá bát, đồ…” nhưng không thể mở mồm ra được.

Hắn bước ra đường, hai tay khư khư giữ chặt bọc tiền như sợ ai đó  cướp mất.

Ông khóa chặt cửa rồi vẫn còn lắc lắc cái ổ khóa xem có chắc không. Ông rơi bịch xuống ghế.

- Khốn nạn!

Vẳng bên tai ông lời của vợ: “Hưu rồi, chỉ có ma mới đến”

 Hà Nội 6 – 2009 

 

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 214 tháng 07/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground