Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Lạc

M

ặt lão có màu da chì còn xung quanh khóe mắt có màu đồng nát. Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt lão, tôi sợ!

Tôi đi ngang qua đó mỗi trưa còn lão thì mắc võng nằm. Tôi nhìn xéo qua, hai cái đinh to tướng được đóng vào thân cây rồi đập cong trơ lại để lão mắc võng. Từ chỗ đóng đinh nhựa cây bạch đàn chảy ra tựa như là máu. Điều đó khiến tôi sợ!

Ở cạnh đó bức tường tủn mũn kiểu như tái mặt khi mỗi ngày nhìn lão. Bức tường cũng sợ!

Con đường ở đó rộng chừng mười hai mét, đường đầy lá bạch đàn, bao thuốc lá nằm dẹp lép và đường có nhiều bơm kim tiêm vứt ngổn ngang. Ở cây bạch đàn lão nằm cũng có mấy cái bơm kim tiêm đã được sử dụng cắm vào đó. Ở chỗ kim tiêm cắm vào máu cây bạch đàn trào ra, ai cũng sợ!

Nhưng có một thằng nhỏ không sợ. Nó chừng sáu bảy tuổi, mặt mày cũng đáng yêu. Nó đi chân trần đến bên lão, nó nằm vắt vẻo lên võng cùng lão rồi nó cười khi thụt vào nách lão. Nó không sợ!

Chẳng có buổi trưa nào tôi không đi qua nơi đó, cũng như lão nằm đó mỗi ngày, cũng như cảm giác về lão trong tôi không đổi. Trưa nay tôi nhìn lão, vì lão đã ngủ say. Ở bờ môi của lão có một màu xanh xám kỳ lạ. Tôi không nghĩ là có nhiều màu như thế trên khuôn mặt của một con người. Tôi không đoán được lão bao nhiêu tuổi. Có ai đoán được tuổi của con tắc kè hoa đâu. Ở ngực lão có mấy hình xăm kiểu như người ta mô phỏng về một thế giới tâm linh huyền bí. Giữa ngực có hình Pharaon, bắp chân của lão có xăm mấy từ Hán, có lẽ lão là người Hoa.

Thằng bé cũng nằm cạnh lão, nó đã ngủ. Trông mặt nó đáng yêu như thiên thần. Nó nằm vắt sang người lão tựa hồ như một bông hoa màu trắng gác lên một nồi cá kho bị cháy. Chỉ có thể là như vậy, không hơn. Vì nhìn người lão tôi có cảm giác dạ dày mình co bóp lại và một cơn nôn sắp kéo đến. Tôi không đứng nhìn lâu, tôi sợ đánh thức lão rồi lão lại nhìn tôi bằng ánh mắt đó.

Lão hay nhìn tôi bằng ánh mắt đó. Kiểu như tôi có thù với lão, kiểu như tôi đã ăn cắp của lão cái gì quý hóa đó. Như màu da của lão hay màu hồng hào đèm đẹp của làn môi. Bất chợt, tôi nghĩ mình hóa kiếp. Kiểu như trước đây lão là người còn tôi là chó, con chó tôi cắn chủ là lão. Chỉ có thể như thế lão mới nhìn tôi thù hằn và ràn rụa sự khinh khi. Nhưng muộn rồi, lão đã mở mắt ra nhìn tôi. Tôi chết khiếp đi trong mình nhưng cố để chuẩn bị vài câu đối thoại với lão. Tôi hy vọng sẽ nói chuyện một lần và tôi sẽ không sợ nữa nhưng lão đã nhắm mắt lại.

Nhưng tôi có cảm giác như lão đang nhìn tôi, lão hô hoán đuổi tôi đi còn những hình xăm trên người lão thì phập phồng bọt máu. Lão rút kim tiêm từ cây bạch đàn rồi cắm vào người tôi khiến toàn thân tôi đau đớn. Lão già này chỉ có thể làm thế với một con người bảnh bao như tôi, có thể lắm vì trông tôi và lão như hai thế giới khác. Tôi, một bức tường được sơn nhẵn nhụi còn lão là con sâu vách.

Tôi lại đi ngang qua con đường đó bằng chân trần. Đôi giày của tôi đã bị cuỗm khi tôi đang tắm ở phòng khách của sở. Lão đã mắc võng cao hơn nên tôi không nhìn thấy khuôn mặt màu chì và khóe mắt màu đồng nát của lão. Nhưng đôi chân của lão thì tôi thấy, tôi chăm chú nhìn. Ở đôi chân lão có đôi giày của tôi.

Vậy đó, lão còn là kẻ cắp! Ngoài dáng vẻ dị hợm ra thì tâm hồn của lão cũng bị tật nguyền. Lão đã ăn cắp đôi giày của tôi. Bằng cách nào đó thật tài tình mà tôi không lý giải được. Tôi bước vào phòng thay đồ có năm phút mà chỗ lão nằm cách sở làm của tôi đến mười phút đi bộ. Chắc lão chực ở đó trước khi tôi bước vào phòng thay đồ rồi lấy đôi giày đi.

Nói như vậy thì lão đã biết sở làm của tôi, lão đã theo dõi tôi lâu rồi. Vì có lần lão gọi mà tôi không trả lời. Tôi không trả lời lão vì sợ lão và cái kim tiêm cắm vào cây bạch đàn nơi lão nằm. Hôm nay, chỗ lão nằm có thêm con chó. Con chó đó không có tên gọi bằng màu. Vì lông trên người nó loạn lên bao nhiêu là màu sắc. Vàng có, nâu có, mun có, trắng có, đen có, còn có một chút màu xanh còn màu tím thì nhiều. Chắc nó chạy ngang đâu đó và bị quẳng vào lò thuốc nhuộm. Nó nhìn tôi không buồn sủa còn lại ve vẫy đuôi. Tôi cũng sợ nốt vì tôi đâu có là người quen mà nó vẫy đuôi chào. Loài này không đến độ thân thiện như vậy. Tôi ngờ vực như cái hôm lão gọi tôi, tôi trả lời và rồi vướng vào cuộc đời nhiều sắc màu của lão. Tôi chọn sự lặng im. Sau đó hai lần lão cũng gọi tôi kiểu đó và rồi tôi không trả lời. Thấy tôi không trả lời lão, con chó sủa um lên rồi rượt tôi chạy ngã nháo nhào. Cả khu phố đó không ai để ý đến tôi cả. Không một cánh cổng được mở ra vào giờ ấy. Khoảng mười hai giờ trưa mỗi ngày. Những lúc sớm hơn thì cổng nhà có mở nhưng hơi e dè. Tôi hay để ý và thấy rằng hầu như không ai nói chuyện với lão cả, mà chẳng thấy lão nói bao giờ. Lão chỉ cười khi thọc nách thằng bé. Về sau thì tôi biết đứa bé đó là con của một nhà giàu.

Mẹ nó bảo nó hay vờ ngủ rồi trốn nhà chạy ra đây chơi với lão. Lúc đầu trong nhà sợ không tốt cho đứa bé, sợ bọn bắt cóc tiếp tay với bọn giang hồ thì khốn cho gia đình họ. Nhưng thấy có lão nằm ở đó nên họ cũng bớt lo. Họ rất hạn chế những lần đứa bé chạy ra đây nhưng mỗi trưa họ ngủ quên đứa bé lại có cơ hội trèo tường ra nằm vắt vẻo trên người lão. Tôi định hỏi một đôi điều về lão từ mẹ cậu bé nhưng nỗi sợ trong lòng bảo thôi. Lão sẽ phản ứng như thế nào khi tôi điều tra lão. Kiểu sao lão ở đây mày không hỏi mà đi hỏi người ta. Chỉ vậy cũng khiến con người tôi co rúm lại.

Tôi lại đi chân trần ra con đường đó. Lão lại mắc võng cao hơn và không xòe chân ra ngoài võng. Tôi không thấy đôi giày mới của mình đâu cả nhưng chắc là lão trộm thôi. Không còn ai ở con phố này làm chuyện đó ngoài lão. Chắc lão đã bán nó được mấy chục ngàn để chi tiêu cho ngày hôm nay. Tôi lấy làm tiếc quá vì đôi giày đó tôi mua đến hai triệu rưỡi. Tôi sợ con đường này, sợ lão, sợ cây bạch đàn đẩy ra nhựa màu máu, sợ mấy cái kim tiêm vương vãi, sợ cả con chó nhưng tôi vẫn cứ mãi đi qua nơi đây cũng chỉ vì tôi sợ.

Cái cảm giác đó kích thích trí tưởng tượng và sự sợ hãi của một thằng lỳ lợm và lười suy nghĩ như tôi. Tôi nghĩ rằng lão là một đại ca khét tiếng giang hồ, nhưng bị sa cơ nên về nằm bên gốc cây này thở cho hết hơi còn sót lại trong lồng ngực. Tôi tủm tỉm cười khi lão chết cái đụp và những đôi giày đắt tiền của tôi sẽ không bị mất nữa. Tôi không phải tốn nhiều tiền vào chuyện mua giày mới. Và con chó nữa, tôi muốn nó cũng chết đi. Tôi không muốn dẫm phải kim tiêm khi bị nó rượt đuổi. Cái võng thì khu phố sẽ gỡ ra và gốc bạch đàn thôi trào máu. Mấy cái bơm kim tiêm chắc tôi sẽ dọn nó để trả lại cho khu phố này vẻ yên bình. Đứa bé thì tôi không muốn nó biến mất. Tôi muốn nó ngước nhìn tôi cười với đôi mắt thiên thần, đôi môi tựa màu cánh sen còn làn da trắng nuột nà như hồi tôi lên tám tuổi. Tốt thôi, vì khi đó tôi không còn thích sự kích thích trí tưởng tượng của mình khi đi qua con đường này. Nhất là không bị mất giày và tôi có thể thênh thang nhìn mà không sợ lão ta, một con người quái dị.

Trưa nay, tôi đi ngang qua con đường mười hai mét. Không nhìn thấy lão, tôi có cảm giác giật mình. Hồi sáng, cảnh sát đã bắt một tên trùm ma túy ở khu phố này. Nghe là một lão già dị hợm. Chắc rồi, chỉ có thể là lão. Chiếc võng nằm chỏng chơ với mấy đôi giày của tôi còn mới kít. Tôi đưa tay cầm lấy mấy đôi giày thì con chó gậm gừ khiến tôi thót tim rụt tay lại. Lão đã bị bắt, bằng cách nào đó bọn nghiện ở phố này sẽ thịt con chó. May mắn hơn thì nó vẫn bị tôi đặt thuốc cho chết để lấy mấy đôi giày. Đó là kết cục của một con chó khi có chủ là một lão già ăn cắp, một tên già dị hợm, một tên giang hồ trùm ma túy khét tiếng.

Vậy mà lão nằm phơi mình ra đường chẳng ngán ngẩm ai. Vậy mà chừng ấy thời gian nay người ta mới biết. Thì ra hơn hai trăm con nghiện có hồ sơ quản lý ở khu vực này đều lấy thuốc từ tay lão. Mặt lão chỉ có thể là mặt của ma tuý và thuốc phiện. Đó còn là mặt của rượu cồn đốt vào lòng xã hội. Đứa bé, có khi nào nó là tay chuyển ma túy cho lão. Có mấy hôm tôi thấy nó chân trần đi ngang qua sở tôi rồi gặp mấy tên chạy xe ở trên phố. Tôi chợt rùng mình khi nghĩ về đôi mắt thiên thần, đôi môi màu cánh sen và làn da trắng nuột như tôi lúc lên tám tuổi. Không! Đứa bé không là tôi, đứa bé là ngày xưa của lão già dị hợm đó. Chỉ có thể là như vậy, tuổi thơ tôi không dữ dội như nó và không nhơ nhớp như nó. Bỗng dưng tôi thấy trên khuôn mặt nó trùm lên một màu da chì, màu đồng nát ở khóe mắt và ở môi có màu xanh xám. Những con quỷ chỉ có thể đẻ ra những con quỷ mà thôi. Tôi ớn lạnh rồi trở về sở, vừa vào đến phòng khách thì tôi đã nghe tiếng động ở cửa. Tôi vội ra ngoài nhưng đã muộn. Con chó của lão đã cuỗm mất đôi giày của tôi.

Lại một con quỷ nữa được sinh ra từ nơi lão nằm. Bất giác tôi nghiêng mình và nghe đầu mình cựa quậy lạ. Không! Tôi sẽ không là một con người lạc lối như lão, không là một tên đưa thuốc cho bọn nghiện hay là một kẻ cắp như con chó. Tôi không là cây bạch đàn hay mấy cái kim tiêm. Tôi là tôi và tôi sẽ không bị lạc.

Vẫn là con đường ấy tôi đi, vẫn những cổng nhà đóng im khin khít. Bơm kim tiêm trên con đường này ngày một nhiều. Chiếc võng đã có người nằm lên đó thay vào chỗ lão. Đứa bé đó nằm lọt thỏm vào chiếc võng màu xanh đã bám đầy bụi đất. Con phố này ám ảnh tôi bởi tiếng gậm gừ của con chó, bởi đứa bé bây giờ cũng dựng mắt nhìn tôi và gọi tôi theo cách của lão “ế…” Tôi không trả lời, tôi sợ cả một đứa bé trên con đường này. Cả khu phố vẫn sợ con đường này không riêng gì tôi.

Tôi chuyển chỗ làm, hết nghĩa vụ tôi trở về lại sở. Tôi bây giờ là sếp của sở trước đây tôi là một cán bộ bình thường. Trưa, đặt chân ra con phố đó tôi vẫn thấy chiếc võng, vẫn thấy con chó nhưng không có lá bạch đàn và bơm kim tiêm. Những ngôi nhà thì vẫn đóng cổng chắc họ vẫn sợ những nỗi sợ của những tháng ngày trước. Tôi giật thót mình và run lên như kẻ ăn cắp bị người ta bắt được khi nhìn thấy đứa bé ngày xưa nhìn tôi chằm chằm. Bây giờ thì nó lớn hơn nên đôi mắt gần như bão tố. Da nó trắng và môi nó xinh. Nó nhìn tôi cười và tôi định thần trở lại. Chợt tôi nhớ lão, chợt tôi muốn khóc vì trí tưởng tượng và nỗi sợ hãi của tôi khi đi qua con đường này bị tan biến đi. Đứa bé cười đã cướp đi của tôi rất nhiều thứ ở trên con đường này mà tôi nhớ hơn bất cứ thứ gì suốt những tháng ngày tôi rời xa nơi đây.

Lẳng lặng tôi quay về sở làm. Tôi buông rèm phòng khách rồi tắt hết điện, tôi không bật điều hoà, quạt máy tôi cũng tắt. Mồ hôi chảy ra ướt đẫm cả người tôi. Tôi bước đến bên chiếc gương có bám chút bụi đất, tôi soi mình vào trong đó nhưng tôi lại thấy lão. Tôi hốt hoảng sờ soạng để bật công tắc điện. Ánh điện đã sáng lên rồi, tôi đi đến bên chiếc gương soi mình vào trong đó. Tôi vẫn thấy lão nhập nhoè trong tôi cùng chiếc gương chao đảo.

Một khắc sau có tiếng gõ cửa, đứa bé đó đứng trước tôi với mấy đôi giày ngày xưa còn mới kít. “Lão nhắn cháu đưa trả cho chú, lâu rồi cháu hỏi mà không ra. Thì ra chú chuyển công tác. Con chó ăn cắp đấy vì nó thấy lão không có giày. Lão thì giữ để trêu chú…”.

Không! Tôi không muốn nghe những câu cuối cùng thốt ra từ cậu bé. Rằng lão ngăn chó dại để cứu nó. Người ta đem lão vào viện cứu nhưng không kịp. Rằng lão mắc võng nằm ở đó để canh trộm cho cả khu phố. Không! Cậu đừng nói nữa, đừng nói gì về lão nữa…

Tôi chạy ra con đường đó, nước mắt tôi đã rơi trên mấy lá bạch đàn, nước mắt tôi rơi trên chiếc võng đã qua mấy mùa mưa nắng. Tôi xoãi người nằm trên chiếc võng, tôi ngủ một giấc ngon lành còn con chó canh đôi giày cho tôi. Lão trở về trong giấc mơ tôi và gọi tôi như ngày cũ, “ế…”. Tôi mơ tôi trở thành lão nhưng khi chạm chân xuống đất tôi biết rằng tôi là tôi.

 

H.H.L 

 

Hoàng Hải Lâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 217 tháng 10/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground