Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mây bay ngang trời

M

ột lần nữa Quyên lại không cưỡng được ý muốn của đôi chân đang tiến dần về mép biển. Bỗng dưng, trong một buổi tối Quyên mất con gái. Bé Bông biến mất không một dấu vết. Đó là tội lỗi tày trời của Quyên, mẹ Quyên đã không thương tiếc đánh tới tấp vào người Quyên khi cô đờ đẫn vác mặt về nhà báo tin bé Bông mất tích. Đã bao lần Huy bảo cô nên đưa con về nhờ mẹ trông giúp nhưng với bản tính chủ quan và vô tâm nên Quyên cứ lần lữa. Con gái là người giúp Quyên dễ đi vào giấc ngủ, không có con, trí óc Quyên cứ căng ra, chẳng thể nào chợp mắt. Chính vì vậy, Quyên đành để mặc con một mình chờ đợi mẹ trong khi mẹ cứ mải mê với những cuộc chơi. Bé Bông sẽ chẳng thể nào hình dung nổi những cuộc chơi ấy cần thiết đến mức nào so với việc để cho đứa con gái bé bỏng đơn độc chờ đợi  mình hàng đêm. “Chúng ta đều là những ông bố, bà mẹ tồi”. Đêm nay, Huy đã nói vậy khi chia tay, sau khi hai người đã không thể làm nổi cái việc mà mỗi lần gặp nhau họ đều lao vào nhau như hai con hổ đói tình. “Anh xin lỗi đã không thể bên em lúc này. Anh phải đi đây”. Huy xách vali vào trường, ngày mai anh thi kết thúc học kỳ. Đó là lý do khiến Huy nói rằng anh không thể làm giúp Quyên lúc này.

Quyên chẳng mặn mà lắm với thông tin Huy sắp được đi học, nhưng khi nghe anh nói sẽ phải học ở ngoại tỉnh thì cô nhảy đựng lên. Trời đất, trong đó một rừng phụ nữ, không có em người ta sẽ quây lấy anh. Huy cười rung cả giường, em làm cứ như người ta sắp nuốt chửng anh vậy. Chứ không à, Quyên cong cớn, một người vừa lịch lãm vừa đẹp trai như anh, phụ nữ nào chịu bỏ qua anh mới lạ. Thì tuần nào anh cũng về, nếu không thì em vào với anh, đây với đó, vài trăm cây số. Quyên dấm dứ, hứ, ai mà thèm, ừm, mà em phải vào để mấy cô trong trường anh biết người đàn ông này đã được sở hữu rồi chứ nhỉ? Huy mơ màng, anh chỉ lo phần em thôi, chẳng phải em nói em là người theo chủ nghĩa xê dịch là gì? Quyên cười khúc khích, nhưng với anh là ngoại lệ.

Trời lất phất mưa, phía biển mù mịt sóng, Quyên thích ngắm biển vào mùa đông, cái màu xám xịt của nó luôn làm Quyên cảm thấy lòng mình trống trải, cô độc. Nhưng cô yêu cái cảm giác ấy, cái cảm giác khiến người mang nó muốn nhảy ùm xuống biển và tan biến đi. Huy đi rồi, bao giờ cũng vậy, người ra về trước phải là Huy, chính vì vậy cái cảm giác muốn nhảy ùm xuống biển trong Quyên cứ trào lên mãnh liệt. Quyên thấm thía cái cảm giác lúc lủi thủi trả phòng một mình. Ánh mắt con nhỏ lễ tân như muốn nói rằng, yêu như cô sao mà khổ sở thế. Đến cả quyền về trước cũng chẳng được nhường ư? Cô cũng nhìn lại cô ta, ánh mắt Quyên trả lời, kệ tôi, vì tôi yêu mà. Huy nói, giờ chưa phải là lúc công khai tuyên chiến với vợ, cô ấy không hề có lỗi trong chuyện này, lỗi là do anh, anh đã không cưỡng lại được sức cám dỗ của Quyên. Quyên cũng vậy, Quyên đang sống cùng con gái bé bỏng của cô với người chồng cũ. Bằng sống cùng hai mẹ con cô. Giờ đây, dẫu có Huy rồi nhưng Quyên vẫn còn quyến luyến với Bằng, Bằng đã vứt bỏ tất cả để đến với Quyên, đứa con trai tám tuổi Bằng cũng phó thác cho cha mẹ đẻ, Bằng hầu hạ phục dịch hai mẹ con Quyên, thậm chí buổi sáng bé Bông đòi ị, Quyên vẫn vùi trong chăn một cách lười biếng thì Bằng làm cái việc lấy bô và đổ bô thay Quyên. Lạ, kể cả đời chồng trước của Quyên cũng vậy, anh ta bao giờ cũng cung cúc phục vụ hai mẹ con đến tận tụy. Buổi sáng, đi mua đồ ăn sáng theo sở thích cho vợ và con, hôm nào vợ bận (mà hầu hết Quyên luôn bận, bận đi mua sắm, bận tiếp bạn ở xa về, bận làm tóc, v.v…) anh đi chợ nấu ăn thay vợ, giặt giũ, chăm sóc bé Bông và hùng hục kiếm tiền. Tình yêu dành cho vợ và con anh ta thể hiện ở việc kiếm được càng nhiều tiền chơ vợ tiêu xài càng tốt. Bỗng một ngày thật ngẫu nhiên, chồng Quyên đưa bạn làm ăn đi tiếp đãi đúng khách sạn Quyên đang ở cùng bạn tình. Thế là mọi chuyện tung tóe lên cả. Con người hiền lành, nhẫn nại và dịu dàng là thế bỗng chốc trở nên hung tợn và quyết liệt. Cái lúc Quyên nhận ra rằng người chồng bấy lâu mình vốn coi thường không đến nỗi cù lần như mình tưởng thì cũng là lúc Quyên không còn có thể quay đầu lại. Quyên không được chồng tha thứ, khi Quyên đã chà đạp lên những gì thiêng liêng nhất mà anh đã giành cho Quyên.

Quyên như người mất phương hướng trong thời gian dài, sẵn sàng lao vào những cuộc tình chớp nhoáng mà không cần tính đến ngày mai. Cho đến khi gặp Huy. Vóc dáng cao lớn, khuôn mặt điển trai cộng thêm lối pha trò hóm hỉnh như một cú va đập mạnh hất tung trái tim Quyên làm nó đập loạn xị. Quyên tương tư Huy ngay từ lần gặp đầu tiên. Hình ảnh của anh làm cho bóng hình những người dàn ông khác trở nên mờ nhạt. Có được anh rồi Quyên mới lấy lại được thăng bằng chứ trước đó Quyên luôn như người bước hụt, lúc nào cũng thắc thỏm, khát khao đến điên cuồng.

Bằng nói, dạo này anh thấy em nhạt nhẽo và hờ hững làm sao ấy, em ốm à. Quyên không nói gì cả, nằm im vờ ngủ. Lâu rồi, Quyên đã cố giấu cảm giác hờ hững đối với Bằng nhưng người không đủ tinh tế như Quyên chẳng dễ gì che giấu được cảm xúc của mình. Bằng âm thầm theo dõi Quyên, và âm thầm đau đớn bởi có nói gì thì Quyên cũng chối quanh, bí quá thì Quyên lại nói, em là thế, em thích vui vẻ nhưng em luôn cần anh, vẫn coi anh là số một. Rồi Quyên lại xoắn xuýt chiều chuộng Bằng rất nồng nàn. Vừa ghen, vừa giận, nhưng Bằng chẳng thể nào dứt ra khỏi sự cuốn hút đầy ma lực từ Quyên. Những lúc Quyên đến chỗ hẹn với Huy, Bằng cũng đi, phòng trọ chỉ còn bé Bông mới 5 tuổi tha thẩn chơi một mình. Đến quá 10 giờ, cả mẹ và dượng Bằng không về, nó sợ không ngủ được. Nó ôm con gấu bông sang gõ cửa phòng kế bên, nức nở: “Dì ơi cho cháu vô với, cháu sợ ma lắm”. Khi Quyên về, bé Bông đã ngủ say. Cô gái phòng kế bên vẫn chờ cửa, thì thào: “Nó khóc, nói sợ ma, kêu em mở cửa cho nó vào, sao chị đi lâu vậy”. Quyên lúng túng đầy vẻ biết lỗi: “Cảm ơn em, làm phiền em quá”. Quyên ôm con về phòng, cảm giác có tội với con dâng lên ngập ứ. Đêm nào cũng là cảm giác ấy, nhưng sáng ra con bé mở mắt ra thấy mẹ nằm kế bên, nó líu lo thỏ thẻ, cảm giác day dứt hồi đêm đã vơi đi nhiều. Rồi buổi chiều Quyên dẫn con đi chơi, mua cho con một đống đồ chơi, vài bộ quần áo mới, nhìn con tíu tít với những  thứ ấy, mặc cảm tội lỗi trong Quyên tiêu tan hết. Vậy là điệp khúc khóc chờ mẹ lại diễn ra hằng đêm. Đêm nào cô gái phòng bên đi chơi với người yêu thì bé Bông ôm con gấu ra ngõ nhà trọ đứng chờ mẹ. Nhưng rốt cuộc người đưa nó vào không phải là mẹ mà là vẫn cô gái ấy. “Sao chị không đưa bé Bông gửi về bên ngoại, chị đỡ lo mà con chị được an toàn hơn, chị không sợ nó bị bắt cóc à?”. Quyên lại ứa nước mắt, phân bua: “Đêm nào không có nó chị không ngủ được, chị ích kỷ quá phải không em, cái gì cũng muốn”.

Bằng đã hét vào mặt Quyên tất cả những lời ghen tuông tức tối, rằng Quyên là kẻ giả dối, là kẻ phóng đãng, Quyên không xứng với tình yêu của anh ta và dọn đồ đi. Quyên tấm tức: “Anh là kẻ hẹp hòi, tôi vẫn nói tôi luôn yêu anh, vẫn cần anh mà anh không tin ư?” Bằng gí mặt sát vào mặt Quyên, chua chát: “Vậy ư? Sao khi em nói dối, khuôn mặt em cùng thánh thiện vậy Quyên? Trời cho em một khuôn mặt xinh đẹp và thơ ngây che đậy một tâm hồn phóng đãng để em làm khổ đàn ông đây mà. Tôi đau vì biết vậy rồi mà vẫn cứ yêu em mới đần độn”. Bằng đi rồi, cảm giác mất mát làm Quyên khủng hoảng. Sao một lúc Quyên lại có thể cần tới nhiều đàn ông đến thế? Bằng là bến bờ phẳng lặng để Quyên gối mình lên đó yên giấc ngủ sâu. Còn Huy là niềm đam mê, là nơi để Quyên đốt cháy tận cùng những cảm xúc yêu đương của mình. Cô không thể thiếu ai cả. Huy không thể cùng cô trong từng bữa ăn, giấc ngủ. Chỉ có Bằng là người làm dịu cơn chống chếnh trong Quyên khi không có Huy.

Huy vào trường học đã gần một tuần. Suốt một tuần, quyên như phát rồ phát dại. Những ngày không có Huy, Quyên không biết làm gì, nhưng cô vẫn ra khỏi nhà và đàn đúm với những cô bạn hàng nhỡ nhàng. Quyên không thể ngủ, không thể bình tâm chơi đùa với con khi mà con người Quyên, tâm trí Quyên lúc nào cũng chực lồng lên đòi được bay nhảy, yêu đương. Tối thứ sáu anh về, anh sẽ về thẳng khách sạn luôn, em chờ anh ở đấy đi. Huy cố nói thật to để át đi tiếng khóc của Quyên. Mẹ Quyên nói, con đưa bé Bông về mẹ trông cho, mày đi tối ngày, tao sợ nó hư mất. Quyên nhấm nhẳng, ba mẹ có đi xe được đâu, lấy ai đưa đón nó đi học, người ta từ nông thôn về thành phố, chứ thành phố về nông thôn bao giờ. Nó sắp đến tuổi vào lớp Một rồi, để con cho nó vào học trường điểm của thành phố. Về đây học trường làng, tụt hậu so với con người ta, con không chấp nhận được. Thế thì mày bớt đi đi, tối nào mẹ điện về cũng chỉ một mình nó. Mày mà không tu chí, có ngày mẹ về bắt con bé lên đây đấy. Quyên gục gặc đầu, vâng, con biết rồi, con sẽ sửa, nó là con con mà, con biết phải làm thế nào với nó chứ.

Hai người gần như vồ lấy nhau khi Quyên mở cửa phòng. Rồi đấy, chưa thỏa mãn nhớ nhung, chưa kịp nghe Huy kể lễ tình hình sinh hoạt thế nào, Huy đã vội mặc quần áo, xách vali, xỏ dày bằng lời phân bua: mẹ con cô ấy biết anh đang trên đường về nhà, để tối mai, anh sẽ dành thời gian nhiều hơn cho em. Còn một mình, Quyên lại ra ngoài lan can, lại nhìn về phía biển ào ạt sóng. Ngoài khơi xa, leo lét ánh đèn từ mấy chiếc tàu đánh cá. Gió thổi tốc cánh rèm sau lưng Quyên bay cuộn lên. Nước mắt Quyên lại ứa ra. Cô đã mất một thời gian rất dài mới khiến Huy để mắt đến mình, lại mất bao công sức, cả nước mắt, cả sự lơi lả luôn có thừa mới làm cho Huy ngã vào vòng tay mình. Tưởng thế là toại nguyện, nhưng giờ đây quyên mới thấm thía sự cô độc sau những cuộc truy hoan cùng Huy. Huy đã bao giờ là của cô chưa? Tại sao lúc nào anh cũng vội vã với lý do là sợ vợ con nghi ngờ, tại sao anh không dám công khai chuyện của hai người? Anh nói, chỉ với Quyên anh mới biết được cảm giác yêu đương thực sự như thế nào cơ mà? Tại sao anh không dám vửt bỏ tất cả vì Quyên? Quyên thẫn thờ mặc quần áo, trả phòng và lầm lũi băng qua dãy phi lao, cô ra bờ biển. Gió thổi ù ù qua tai cô, thân phi lao cọ vào nhau răng rắc. Lạnh, Quyên cảm nhận rõ ràng cái lạnh đang xuyên thấu vào từng mạch máu. Nhưng cảm giác trống rỗng, chán chường nó cứ khiến đôi chân của Quyên xăm xăm lội đến mép nước. Sóng nối đuôi nhau trào lên từng đợt. Quyên cứ đứng thế cho sóng quất vào. Đầu tiên là đôi chân, đến vạt áo, cuối cùng là đầu tóc, Quyên ướt lướt thướt từ đầu đến chân. Cái lạnh làm cho Quyên nhớ ra rằng mình cần phải về nhà, nhớ ra rằng bé Bông đang đứng chờ. Quá nửa đêm rồi ư? Bé Bông nghẹo đầu bên cánh cổng ngủ ngon lành, ánh đèn từ xe máy của Quyên cho thấy khuôn mặt con đang tím tái vì lạnh. Trời ơi! Con gái dại dột của tôi! Mẹ dặn bao nhiêu lần rồi sao cứ đứng chờ mẹ ở ngoài. Tại sao trong nhà ấm áp thế con không ở? (Ừ, mà tại sao ở nhà với con ấm áp thế mà Quyên không ở?). Con cứ ra đây làm gì? Mẹ hư đốn quá con ơi, mẹ làm khổ con rồi. Quyên bồng con lên tay, khóc hu hu. Bé Bông tỉnh dậy, rồi dường như nỗi trông chờ đã dâng lên đỉnh điểm, nó cương quyết tuột khỏi tay mẹ chạy vào phòng khóc tức tưởi, oán hờn. “Con ghét mẹ, mẹ cứ đi mãi hoài, con không cho mẹ đi nữa đâu”. Ừ, mẹ không đi nữa đâu, mẹ ở nhà với con. Quyên áp mặt vào ngực con thổn thức, mẹ sẽ không đi nữa, mẹ không cần ai nữa, mẹ chỉ cần con thôi.

Cả hai mẹ con đều sốt. Mẹ Quyên phải gọi taxi chở cả hai mẹ con về nhà để tiện chăm sóc. Mấy ngày ốm, bé Bông thả sức được chơi với mẹ cả đêm lẫn ngày. Với nó, đó là những ngày hạnh phúc nhất đời. Nó có ông bà ngoại, có cả mẹ chơi cùng và nhất là không phải một mình chờ mẹ nữa. Huy nói vậy nhưng không thể đến với nàng vào ngày hôm sau như đã hứa. Đơn giản vì anh đi xa về, bao nhiêu việc dành cho đàn ông đang chờ anh giải quyết. Đơn giản là vì vợ con anh cũng mong nhớ anh như Quyên vậy. Đơn giản hơn nữa là vì khi bí mật chưa bị phơi bày thì Huy khó tìm được lý do ra khỏi nhà lúc mà vợ chồng đang cần được ở bên nhau nhất.

Khỏi ốm, mẹ con Quyên lại dắt nhau về nhà trọ. Mẹ Quyên cau có “Mày có chắc là không bỏ con bé một mình nữa không? Đã bảo là để ở đây mẹ nuôi cho, cứ nằng nặc đem đi. Con cái gì mày, bướng không chịu được”. Quyên cũng nhăn nhó “Sao mẹ cứ nói mãi thế, con hứa là từ nay con sẽ để ý đến nó hơn mà”. Quyên ít đi hơn thật. Nhưng buổi tối ở nhà chỉ có Quyên và con sao mà nó dài thế. Quyên nhớ Huy, nhớ khủng khiếp. Hai tuần rồi, cô không gặp anh. Anh bảo tuần này cũng không về vì bận ôn thi. “Hay tuần sau em gửi bé Bông cho bà rồi vào với anh đi, anh có về thì cũng chỉ tranh thủ chứ không trọn vẹn với em được”. Quyên buông máy nhìn sang con đang hồi hộp theo dõi cuộc chuyện trò của mẹ. Nó rất sợ, bởi vì mỗi lần nghe điện thoại xong mẹ thường xách xe đi, dỗ nó rằng mẹ đi theo việc, thế mới có tiền mua sữa, áo quần mới cho con. Lần này, mẹ nhìn nó đăm đăm rồi thở dài. Rồi mẹ bẹo má nó “Nhìn gì thế con khỉ con của mẹ, lại đây, mẹ ấp con ngủ nào, 9 giờ rồi đấy”. Bé Bông cười toe toét nhảy ùm vào lòng mẹ. “Yea, thích quá mẹ không đi nữa”. Quyên ôm riết lấy con, nước mắt ứa ra.

Chuỗi ngày của Huy ở trường không dài lắm. Chỉ vì môi trường mới, các mối quan hệ mới nảy nở từng ngày. Anh là một người sôi nổi, các hoạt động trong trường không thể thiếu anh. Mới vài tháng, tên tuổi anh đã được cả trường biết đến. Văn nghệ: Huy, bóng bàn: Huy, bóng chuyền: Huy… Phụ nữ nhắc đến Huy bằng cả sự thán phục và thích thú. Vào đây, tất cả đều xa nhà, ai nấy đều rảnh rỗi sau mỗi bữa ăn tập thể. Huy và mọi người giết thời gian bằng cách rủ nhau đi uống cà phê, đi bách bộ dưới những hàng cây sau khuôn viên trường, Huy đã không thể lý giải được vì sao những buổi tối không có anh. Quyên vẫn đi chơi thâu đêm. Thâm tâm, Huy luôn lo sợ rằng, một ngày nào đó, Huy sẽ phải dọn dẹp mọi thứ, bước ra khỏi cuộc đời Quyên như Bằng bây giờ. Anh biết rõ, với Quyên, đàn ông chưa bao giờ làm cô thấy đủ. Chính vì thế Huy không có ý định công khai chuyện vụng trộm giữa hai người, cũng không có ý định gắn bó lâu dài với cô. Tình yêu của Huy dành cho Quyên chưa đủ lớn để khiến anh đánh đổi giữa cô với cuộc sống gia đình hiện tại. Chẳng hiểu sao, khi Quyên thông báo chuyện Bằng dọn đi, lòng Huy luôn lấn cấn. Huy nghĩ nhiều đến ngày Quyên và huy sẽ chia tay và anh rất không muốn đó cũng là ngày vợ con anh sẽ ngoảnh mặt làm ngơ với mình. Huy ít tiếp xúc với bé Bông, nhưng qua lời kể của Quyên, Huy biết đó là một đứa trẻ khôn trước tuổi, ngoan ngoãn và thủ phận. Chẳng phải con mình nhưng mỗi lần như thế lòng Huy dấy lên cảm giác xót thương, xen lẫn lo âu. “Em nên dành nhiều thời gian hơn cho con bé” – Huy nói sau mỗi lần hẹn hò. Lần gần đây nhất, vào cái hôm bé Bông ngủ quên bên cánh cổng và hai mẹ con cùng bị ốm, Quyên vừa kể vừa khóc qua điện thoại. Bỗng dưng cảm giác rã rời ập đến với Huy, anh thấy mình thật tồi tệ vì đã lấy đi thời gian gần gũi mẹ của một đứa trẻ. Anh giận mình, giận cả Quyên nữa. Sự giận dữ khiến anh không muốn gọi cho Quyên khi trở vào trường. Nhưng sau đó, cảm giác nhớ nhung, thèm khát lại chế ngự anh. Vả lại Quyên cũng đã tỏ ra hối lỗi bằng cách dành nhiều thời gian cho con hơn nữa nên Huy thấy yên lòng.

Hai người đi về như con thoi vào dịp cuối tuần, tuần nào Huy không về thì Quyên đưa con lên mẹ và tếch vào với Huy. Nhưng sự gặp gỡ đó dần phải giãn ra vì tiền bạc không đủ cho cả hai người vừa tàu xe, vừa thuê khách sạn. Cửa hàng mỹ phẩm của Quyên không còn ăn nên làm ra như trước nữa, Quyên phải giảm cả khẩu phần sữa của bé Bông để tiết kiệm tiền cho những lần vào thăm Huy. Đến cả vợ Huy cũng phải dè dặt đề nghị, hay từ nay mỗi tháng ba Huy về một lần thôi, em và các con tằn tiện hết sức rồi mà nhiều khi chi tiêu không đủ. Đến mức ấy thì Huy chẳng thể nào nhắm mắt làm ngơ. Huy đi học, một suất lương mang theo. Ở nhà lương vợ nuôi hai đứa con ăn học đúng là chẳng dễ dàng gì. Thôi thì đành bấm bụng hy sinh khoản vụng trộm kia vậy. Mà dạo này Quyên lại chứng nào tật nấy. Huy nghe người ta kháo rằng dạo này Quyên đang bám riết một anh chàng thầu khoán nào đó. Huy có hỏi, Quyên lại mở to đôi mắt ngây thơ nhìn Huy và chối bay, chối biến, sau đấy là nước mắt, “người ta một mình ở nhà vò võ chờ đợi nhớ nhung anh không biết cho lại còn nghi ngờ này nọ”. Đôi mắt trong veo, lúc nào cũng ngơ ngác, khuôn mặt lúc nào cũng tươi hơn hớn, rạng ngời phút chốc trở nên ủ dột, sướt mướt. Huy lại thấy mềm lòng trước đôi mắt tròn xoe, đọng nước ấy. Nhưng chuyện ấy trở đi trở lại với Huy, nó khiến Huy bị ám ảnh.

Cửa mở, Quyên tiều tụy, hốc hác nhào vào lòng Huy. “Con em đi đâu mất rồi, Huy ơi!” Huy khựng lại, vòng tay đang siết chặt bỗng lỏng ra. “Vậy lúc ấy em đi đâu?”. “Em…”- Quyên đưa tay vò lấy đầu, ấp úng. Chẳng lẽ không phải Quyên lại bỏ con ở nhà một mình mải mê với cuộc đuổi bắt mới sao. Bão trong lòng Huy lại dậy lên. Quyên ơi là Quyên, em đúng là chẳng bao giờ biết điểm dừng cả. Ngay cả sinh mạng con gái mình mà em không xót, không lo lắng thì ai có thể lo cho em được. Quyên không trả lời, nhưng như thế đủ cho Huy hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Buổi tối hôm ấy trời mưa gió rất to. Người đàn ông làm nghề thầu khoán lần đầu tiên mời Quyên đi ăn. Quyên đội mưa gió đến chỗ hẹn, sau khi chất xung quanh con một núi đồ chơi cùng một chuỗi dặn dò, dỗ dành con gái. Bé Bông không bất ngờ với sự ra đi của mẹ, nó ngoan ngoãn gật đầu với một đôi mắt đầy hoảng sợ. Cô gái phòng bên về quê từ hôm qua. Quyên tụ nhủ sẽ về sớm với con. Nhưng khi bước vào căn phòng dành cho hai người, với ánh nến lung linh, với thức ăn tây và rượu ngoại, với những lời tán tụng ngọt ngào, Quyên quên béng đứa con gái bé bỏng đang đối mặt  với những cơn sợ hãi ở nhà. Quyên về nhà trong tâm trạng bay bổng, chếnh choáng. Nỗ lực của Quyên đã được đền đáp. Quyên đã nhắm ai rồi, đố anh chàng nào chạy thoát. Bất hạnh cho bà vợ nào có ông chồng được Quyên để mắt đến. Lâu lắm rồi, bữa nay Quyên mới có một buổi tối vui và hạnh phúc như vậy. Quyên vừa dắt xe vào vừa khe khẽ gọi con. Không một lời đáp trả như mọi lần, hành lang nhà trọ tối hun hút. Gió đã ngớt nhưng mưa vẫn rơi ràn rạt. Con đâu rồi con ơi, mưa to gió lớn thế này. Quyên mếu máo gọi điện về hỏi mẹ và rụng rời khi nghe mẹ nói không có bé Bông ở đấy. Bông ơi! Con ở đâu rồi, con đừng dọa mẹ, mẹ sợ lắm, mẹ xin lỗi con, từ mai mẹ cho con lên ở với bà ngoại, mẹ không làm khổ con nữa. Bông ơi, con ở đâu, con ra với mẹ đi. Quyên vừa khóc gọi con, vừa bấm điện thoại gọi tứ tung, rồi cô dắt xe chạy đi tìm con trong nỗi tuyệt vọng dâng đến đỉnh điểm. Mưa vẫn rơi không ngừng nghỉ.

Gió bắt đầu mạnh lên, sóng cũng vì thế mà tung cao hơn. Quyên đứng ngây dại nhìn mặt biển tối đen, thỉnh thoảng dào lên đợt sóng màu trắng bạc. Cô biết Huy không trách Quyên một lời nào nhưng ánh mắt anh bộc lộ rõ sự ngờ vực và khinh miệt: Cô là vậy đấy ư? Cô không đáng để tôi dành tình yêu cho cô nữa. Một người mẹ không biết bảo vệ con mình thì đó là người mẹ tồi. Phụ nữ đẹp và quyến rũ để làm gì, trong khi cô đã dùng chính ưu điểm đó để đánh mất con mình. Ánh mắt của Huy không nguôi ám ảnh Quyên, nó cho cô biết rằng, kể từ nay cô không là gì trong trái tim anh nữa. Mất con, mất Huy rồi, cuộc sống còn ý nghĩa gì nữa không? Ý nghĩ đó lại khiến Quyên muốn mình tan biến đi. Cô gần như chạy ào xuống biển chân cô đã ngập sâu trong nước rồi, cát đã chuội đi rồi, ý chí đong cứng rồi. Nhưng trong tiềm thức tiếng gọi của bé Bông bỗng bật lên. Nó khiến Quyên bừng tỉnh. Sao mình lại chết trong khi chưa tìm được con gái. Mình phải sống để còn đi tìm con bé. Nhỡ một ngày nào đó nó trở về mà mình không còn trên cõi đời này thì nó biết tìm mẹ ở đâu. Quyên òa khóc, mẹ sẽ tiếp tục đi tìm con. Đi cùng trời cuối đất mẹ cũng tìm cho được con. Dẫu năm năm, mười năm, hay đến sau này con trở thành một thiếu phụ, mẹ trở thành một bà lão, mẹ vẫn sống để chờ con về. Mẹ chờ con về để mẹ nói với con một câu thôi, mẹ sẽ nói: mẹ biết mẹ sai rồi, mẹ sẽ không bao giờ bỏ con một mình nữa đâu…

Vĩ thanh

Bé Bông chẳng bị làm sao cả. Tối hôm ấy, bé Bông vừa khóc vừa bấm điện thoại cho bà ngoại. Cú điện thoại của cháu ngoại khiến mẹ Quyên bàng hoàng, sau đấy là cơn giận bốc lên ngùt ngụt. Bà gọi xe về giữa trời mưa gió đưa cháu đi gửi ở nhà người quen mấy ngày, cốt để dạy cho đứa con gái hư đốn một bài học.

Bé Bông giờ đã ở hẳn với ông bà ngoại, Quyên vẫn chưa thấy mệt mỏi với những cuộc đuổi bắt. Nhưng điều đó không quan trọng, vì dẫu sao thì giờ đây bé Bông cũng đã được bình yên và vui vẻ.

 

N.H.D

 

 
Nguyễn Hương Duyên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 188 tháng 05/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground