Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mê cờ

T

ôi có người hàng xóm mê đánh cờ. Lão bảo: Phải coi đây là chiến trường vì nó có đủ: Sông ngòi, quân tướng, xe pháo, ngựa voi. Bởi vậy không nên để trong nhà mà phải mang ra đầu ngõ, nơi có bóng râm, gió lộng. Dù pháo nổ ầm ầm, vó ngựa khua chan chát, quân lính reo hò ầm ĩ thì cũng không ảnh hưởng đến ai.

Thế là chiều nào cái ngõ của xóm tôi cũng đều tấp nập đông vui. Thực ra trong thôn cũng có mấy bàn cờ nhưng thua xa bàn cờ của lão. Lão kể về lai lịch của nó: Ngày kháng chiến chống Pháp lão là Vệ quốc quân. Lão làm y tá, chức vụ tiểu đổi trưởng. Đơn vị lão đóng quân tại một vùng dân tộc Mường ở Thanh Hóa. Ngôi nhà sàn của trưởng bản rộng rãi. Đàn bà ngủ trong buồng. Đàn ông và lính tráng nằm trên sàn rồi kéo chăn trùm kín đầu mà ngủ. Một đêm sau phiên gác lão lên sàn gọi người thay ca. Lão gãi gãi vào một cái đầu bù xù:

- Dậy! Dậy!

- Sao lại phải dậy?

- Dậy đi gác

- Sao lại phải gác?

- Ơ! Đồng chí này lạ nhỉ? Đồng chí tên gì?

- Tôi tên là ông chủ

Từ đấy lão và ông chủ thân nhau. Tình càng khăng khít hơn khi con gái ông chủ bị sốt rét ác tính. Lão tiêm một ống Ki – nô – phoóc vào mông cô ta, làm cho bệnh ấy tiệt nọc. Ống thuốc này là của người nhà trong vùng tạm chiếm gửi cho lão. Lão vẫn để dành nhưng trước khi sinh mạng của dân, lão nhường lại. Ông chủ biết ơn lắm và gợi ý:

- Tôi có hai thứ quý. Một là bàn cờ tướng do cụ tôi để lại. Hai là đứa con gái mà anh đã cứu sống. Tôi cho anh chọn một. Lão bàng hoàng và suy nghĩ lao lung lắm. Điều thứ nhất là ở quê lão còn cha mẹ. Ông bà chỉ chờ kháng chiến thành công để được sống với con vì cha mẹ lão chỉ sinh được một trai. Chị gái lão đã về nhà chồng. Điều thứ hai là lão đang “Mơ dáng Kiều thơm” tức là vợ lão bây giờ. Điều thứ ba, lấy cô ta lão phải ở rể vì ông bà chủ chỉ có một con. Sau một đêm đắn đo, sáng ra lão thưa với ông chủ:

- Con rất biết ơn lòng tốt của bố mẹ nhưng con còn cha mẹ già dưới xuôi. Hơn nữa đây là cuộc trường kỳ kháng chiến, biết có còn không mà về để buồn cho bố mẹ, để khổ cho em. Thôi con xin bố bàn cờ và gửi ở đây, bao giờ hòa bình về thăm gia đình, con sẽ xin lại.

Bàn cờ đẹp thật. Bàn được đóng bằng gỗ đen như mun, nặng chình chịch. Đường kẻ được khắc sâu rồi bôi vôi nhìn rõ sông ngòi, thành quách. Quân trắng được làm bằng sừng trâu bạc. Quân đen làm bằng sừng trâu đen. Khi ăn quân, người ta gõ “chát” một cái nghe sướng tai. Mặc dù đã quy định: Cấm khoan, cấm hượm, cấm màn màn, cấm luôn cả chỉ chỏ nhưng chẳng ai chấp hành cái quy định ấy, kể cả lão. Khoan và hượm thì biết rồi, còn màn màn chẳng hiểu tiếng nước nào chắc là tiếng Quảng Đông, Quảng Tây gì đó và nghĩa của nó cũng từa tựa như vậy. Cái giống chơi cờ nó vui vì có đám quân sư quạt mo. Số lượng quân sư nhiều hơn số người điều binh khiển tướng. Khi các mái nhà trong thôn tỏa khói lam chiều thanh bình thì ngoài ngõ lại rậm rịch quân lính, xe cộ, chuẩn bị “chiến đấu”.

Gọi là “chiến trường” nhưng lại tưng bừng vui vẻ. Tiếng cười nói, reo hò xáo động cả ngõ quê:

- Kìa! Con ngựa! Con ngựa!

- Này! Pháo đấy! Pháo đấy!

- Đi ngu thế! Nó mà chiếu thì ngỏm củ tỏi bây giờ.

Bao nhiêu quân sư quạt mo là bấy nhiêu lời phán. Nói là việc của mình. Thắng thua là việc của nó. Xưa nay có ai bắt tội quân sư đâu. Vì nể nang nên không ai gàn quải. Được thể lại càng nói thoải mái ra cái điều ta giỏi giang nhưng lúc đích thân cầm quân thì lại thua chạy té re kèn. Rồi vợ chờ cơm ư? Mặc! Phải xem con mã nó vọt sang sông thế nào? Nó đá vào mông lão quan văn ra sao? Rồi lúc sa cơ nó bị anh lính thuốn một giáo chết đứ đừ. Chẳng thấy tiếng ngựa hý chỉ nghe giọng thương cảm của bác lính già:

- Thế là con ngựa ô đã bỏ mạng giữa sa tràng.

Nhưng đến lượt chú lính bị chiến xa đè bẹp thì ai đó cất giọng hát khàn khàn: “Là trang nam nhi. Quyết chiến sa trường. Sống chết coi thường. Đâu sá chi da ngựa bọc thân thế trai”.

Một hôm lão tuyên bố: Thôi nhé! Anh em trong thôn chơi với nhau thì được phò tá, la hét om sòm, có lỡ văng bậy cũng thể tất cho nhau. Còn khi có người lạ thì phải nghiêm văn chỉnh. Các anh phò người ta là hại tôi. Các anh phò tôi thì thua người ta không tâm phục, khẩu phục. Nhớ đấy!

Bữa ấy có khách phương xa lại chơi. Tất cả đám quân sư im thin thít vì trái lời thì lão mang bàn cờ vào nhà rồi đóng cổng, lại còn thả chó ra thì chẳng anh nào dám bén mảng. Nhưng cái giống thày dùi là hay ngứa mồm lắm.

Hai người đánh được một lúc thì bác lính bạn lão, đứng dậy phủi quần. Trước khi về bác ấy còn thủng thẳng đọc thơ:

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”

Lão bảo: Biết rồi!

“Nền cũ lâu đài bóng … tịch… dương”

Lão vừa đọc vừa phóng xe chiếu cho tướng của cờ “cờ khách” bềnh lên. Lão độn tiếp con mã vào trước khẩu thần công của lão. Thế là tướng của “cờ khách” tiến không được, thoái không xong, ngoặt tả cũng chết, rẽ hữu cũng toi.

Lão chơi như một nghệ sĩ. Khi đặt con mã vào vị trí hữu hiệu của nó thì cũng khớp với tiếng Tịch mà lão cố ý nhấn mạnh mang hàm ý hết cờ. Còn tiếng dương lão buông nhẹ như lá thu rơi.

Khách phương xa cười xòa:

- Tôi đã lọt vào tổ hợp: Cầm, kỳ, thi, họa rồi.

Gặp chiều mưa, lão pha trà ngon rồi í ới gọi tôi sang, lão bảo:

- Người ta nói thời buổi kinh tế thị trường sống vì tiền nhiều quá nên tình cảm vợ chồng, bố con, anh em, bè bạn dần dần nhạt phai. Ấy là nói ở đâu chứ riêng gia đình tôi như ông thấy đấy: Chiếu thứ bảy nào các cháu cũng về vấn an ông bà. Khi mẹ con nó làm cơm thì thằng rể hầu cờ bố vợ. Mà cái tiếng Tàu hay thật. Chỉ có hai chữ vấn an là đủ. Nếu tiếng ta phải nói là hỏi thăm sức khỏe, dài dòng quá. Những điều khác thì tôi không dám bàn nhưng nước Tàu cũng là nước có nhiều phát minh đầu tiên cho loài người ví như: Thuốc súng, tiền giấy, máy đo chấn địa và ngay như bàn cờ tướng này. Cái trò chơi đáp ứng được mọi tầng lớp từ cao sang quyền quý như vua chúa, tao nhân, mặc khách đến thường dân như thợ cày, cửu vạn. Đàn ông mê cờ đã đành nhưng phụ nữ cũng ham mới hay chứ. Mà khi đàn bà đã thích thì họ có những nước đi mạnh bạo kiểu “liều thân như chẳng có”:

“Thoạt kỳ thủy chàng bèn nhảy ngựa.

Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên…”

Họ còn rủ nhau:

“… Khi vui nước nước non non.

Khi buồn lại giở bàn son quân cờ”

Sở dĩ nhiều người mê cờ vì đây là thứ giải khuây thú vị nhất trần gian đấy ông ạ.

Tôi cãi cờ tướng là do người Ấn Độ nghĩ ra. Lão cầm quân xe đưa ra trước mắt tôi: Đây ông xem đi chữ Tàu hay chữ Ấn. Lão làm thế khác nào tôi dính nước: Pháo đầu, xuất tướng, xe đâm xọc.

Cao hứng lên, lão lại say sưa nói:

Thực ra đánh cờ cấm hoãn có cái lợi là làm cho người chơi phải suy nghĩ chín chắn đường đi, nước bước của mình nhưng muốn giỏi phải xin hoãn cái nước kém cỏi ấy để được đi lại, đặng tìm ra nước “độc” lật lại thế cờ. Hay nói cách khác là rút kinh nghiệm, bổ sung phương án tác chiến ngay trong trận đánh đó. Còn bảo tôi xin hàng thì các ván sau vẫn tiếp tục thua.

Kể cũng lạ, có ván tôi chỉ còn tướng với một sĩ, một xe. Đối phương nhiều quân hơn. Thế mà tôi đưa họ vào nước hết. Có người bảo trụi thùi lụi thế kia mà lại thắng à? Thì thế đấy: Muốn chiến thắng phải hy sinh. Nhưng chỉ mấy phút sau: Tướng lại hiên ngang dắt cờ vào lưng. Sĩ bình tĩnh chụp mũ cánh chuồn lên đầu. Voi lại rống. Ngựa lại hý. Xe pháo lịch kịch lên đường. Mấy chú tốt hỉn lại đội nón, vác giáo đi tiên phong.

Chỉ có những trận mạc mà anh em chúng mình từng tham gia thời trai trẻ là không phục hoàn được. Lão ngừng lời, châm thuốc rồi thả khói mơ màng. Mắt lão ươn ướt nhìn xa xăm. Chắc lão đang nhớ đến đồng đội nằm lại trên chiến trường xưa. Lão nói tiếp: Qua chữ viết biết được tính người thì đánh cờ cũng vậy ông ạ. Người điềm đạm đánh khác, người nóng nảy đánh khác.

Một chiều kia, con cháu lão kéo về. Hai bố con lại đánh cờ. Anh con rể bàn:

- Đánh suông chán lắm bố ạ. Phải chơi tiền nó mới “máu”.

- Bao nhiêu?

- Năm chục. Tiền tươi. Thóc thật.

Lão nghĩ đơn giản: Mình được thì cũng mùa quà cho cháu mình – con nó. Nó được cũng mua quà cho con nó – cháu mình. Lọt đi đâu mà ngại.

Hai ván đầu lão thắng. Anh con rể xì tiền ngay nhưng có vẻ khó chịu. Tới ván thứ ba thì con rể để sểnh con tượng. Lão chén luôn. Anh ta không nói gì nhưng căm lắm. Hắn nạp đạn vào khẩu thần công chờ dịp. Lúc ấy con ngựa của lão đang lăng quăng ở miền biên ải. Bất đồ lọt vào ổ phục kích của thằng con rể. Thế là “rầm” con ngựa trúng đạn giẫy đành đạch. Anh con rể vươn tay định nhấc con ngựa, đem về nấu thắng cố*. Theo phản xạ tự nhiên của bao nhiêu năm đánh cờ vui không tiền, được hoãn đi hoãn lại nhiều lần nên lão lấy tay bịt con ngựa và buột miệng:

- Hượm

- Hượm là hượm thế nào? Lúc nãy thì nuốt lấy nuốt để con voi béo hú của người ta. Đến bát nước xáo cũng không còn. Giờ đến lượt người ta ăn con nghẽo gầy trơ xương của mình thì lại hoãn. Chẳng có hoãn hiếc gì cả. Đã tiền thì cứ thẳng tưng mà chơi.

Đám cờ giải tán. Lão buồn bã đứng dậy lững thững đi vào nhà. Tôi nhìn theo và cũng thấy buồn thay cho lão…

T.D.H

_________

* Thắng cố: Một món ăn của người dân tộc được nấu từ nhiều thứ của ngựa. 

 

Trần Dũng Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 215 tháng 08/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground