Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mẹ và con

K

im Liên mất chồng năm hai tám tuổi do tai nạn giao thông. Vì quá xa xôi, đi lại khó khăn trong mùa mưa bão nên những người xấu số trong vụ lật xe ấy đã phải nằm lại nơi đất khách quê người giữa rừng sâu. Thắm thoắt đã mười lăm năm trôi qua. Thằng con đầu của Liên đã tốt nghiệp đại học, vừa xin được việc làm, còn con bé em cũng đã lớp cuối cấp phổ thông; và mái đầu người mẹ trẻ năm nào giờ đã chất chồng sợi bạc. Mái tóc ấy bạc vì tuổi tác thì ít, mà vì bao nhiêu lo toan, vật lộn với cuộc đời của một người mẹ đơn thân nuôi con giữa thành phố trăm thứ không trông mong bấu víu vào đâu được ngoài đồng tiền tự tay mình làm ra. Thời gian đầu lúc chồng mới mất ai cũng tưởng Liên suy sụp nhưng cô đã gượng dậy được  mà động lực là vì tương lai hai đứa con. Kim Liên suy nghĩ mình có thể kiệt cạn sức lực, trí tuệ cho công việc nhưng hai con phải được học hành, no đủ. Rất may đó là một cô giáo dạy Toán cấp trung học phổ thông khá giỏi. Những năm ấy phong trào học thêm nổi lên nơi nơi; Kim Liên tranh thủ mọi thời gian đêm, ngày nghỉ, các mùa hè để dạy thêm và cô kiếm được tiền không những đủ nuôi con mà còn sửa được nhà cửa khá khang trang.

Kim Liên là con một của một gia đình liệt sĩ chống Mỹ. Bố Liên, một cán bộ chính trị trong quân đội đã anh dũng hi sinh tại chiến trường hồi đầu năm bảy mươi, lúc đó Liên vừa lọt lòng! Thiếu cha, nhưng Kim Liên lại có một người mẹ đảm đang, rất mực thương con…Có lẽ cái gen ấy của mẹ đã để lại cho Liên sau này để cô trút hết tình cảm cho hai đứa con khiến chúng lúc nào cũng no đủ, sung sướng, vui tươi đúng như câu thiên hạ nói “Ở với mẹ ăn cơm với cá”. Bà Soa, một nữ cán bộ ngành thương nghiệp lúc chồng hi sinh mới hai tư tuổi, cái tuổi quá trẻ để không dễ chịu đựng mọi tai ương và có khi vẫn ngạc nhiên vì sao mình lại phải chịu cô đơn, tưởng như mọi chuyện chỉ trong giấc ngủ! Nhưng dần ra chị cán bộ thương nghiệp trẻ hiểu rằng đó là sự thật, phải nhìn thẳng vào mà vượt lên để sống, nuôi con khôn lớn là con đường duy nhất đúng. Hai lăm tuổi, hăm bảy, ba mươi tuổi, rồi ba ba, ba lăm, ba bảy, rồi bốn mươi và sồn sồn ngoài tuổi tứ thập… Soa vẫn trẻ, vẫn đầy sức quyến rũ. Đó là một phụ nữ đẹp một thời người ta đua nhau đến cửa hàng mậu dịch X chỉ để xem cô mậu dịch viên một con mòn con mắt chứ có hàng hóa gì bán đâu mà mua. Nhiều đàn ông, kể cả lắm trai tân ngấp nghé tán tỉnh, có nhiều người hoàn toàn thật lòng muốn cùng Soa xây tổ ấm, nhưng Soa nhất định lắc đầu kiên quyết ở vậy nuôi con. Kim Liên là tất cả cuộc đời mình. Soa nghĩ thế, và chị đã làm được như thế. Soa tự hào là tấm gương thủy chung một mực thờ chồng, dù hạnh phúc lứa đôi của họ ngắn ngủi chỉ cưới nhau vừa được bốn tháng thì chồng vào Nam chiến đấu và không về nữa! Trên mảnh đất này có tới hàng vạn tấm gương đẹp như Soa; quả đó là những phụ nữ xứng đáng được phong tặng một thứ danh hiệu kiểu “tiết hạnh khả phong” như ngày xưa vẫn dành khen những phụ nữ sống trọn đạo tam tòng…Bây giờ đã quá tuổi lục tuần, và chị cán bộ thương nghiệp xinh gái ngày nào đã thành bà ngoại với vẻ dáng của một bà giáo nghỉ hưu hơn là một người làm kinh tế. Có lẽ vì chỉ có một mình Kim Liên nên mọi quan tâm bà luôn đặt hết vào nơi cô giáo với tất cả sự tỉnh trí sắc sảo của  một người đàn bà có học, thông minh và đặc biệt đầy chất gia giáo của một gia đình nền nếp truyền thống từ cha mẹ xưa. Nhiều khi bà vẫn coi Liên như còn cần phải dạy bảo. Theo dõi mọi hoạt động của con gái, từ công việc, đến chuyện riêng tư…bà không chịu bỏ sót một điều gì khiến nhiều lúc Liên thấy khá gò bó. Một thời đi đâu Liên còn phải xin phép, sau dần rồi thôi nhưng vẫn ngay ngáy luôn có con mắt mẹ bên cạnh khiến Liên thấy buồn cười.

*  *  *

Càng có tuổi, con người ta càng cô đặc thêm những bản tính vốn có, trong điều kiện xã hội ngày một cởi mở, những ai nặng quan niệm cũ càng trở nên bảo thủ. Tỉ như có bà già nọ phản đối con gái mặc áo hở rốn, thế là nảy sinh bất đồng quan điểm giữa hai mẹ con chỉ vì cái rốn…Bà Soa cũng thuộc loại gừng càng già càng cay, nghĩa là dần biến những quyết đoán đúng đắn một thời thành tính bảo thủ, tiến tới giới hạn của sự cố chấp trong khi cuộc đời mới lại ngày càng bỏ xa những giá trị cũ, nếp sống cũ, xác lập những chân giá trị mới không phải ai cũng dễ dàng công nhận.

Ngược lại với mẹ, bước qua tuổi bốn mươi, cô giáo Kim Liên ngộ dần ra nhiều điều mới mẻ, đó là do tuổi hồi xuân chăng hay do tác động của đời sống xung quanh. Có lẽ cả hai lí do nhưng cái chính là ảnh hưởng của đời sống mới. Kim Liên chơi thân với nhiều bạn bè, danh bạ điện thoại di động đặc ken. Cô thay đổi rõ ràng nhiều thứ từ việc thường xuyên đến tiệm làm đầu với mái tóc màu hạt dẻ đâm ra trông khá trẻ và xinh hẳn lên cho đến chuyện động trời là vào Sài Gòn bỏ ra hai chục triệu đồng nâng mũi! Phải công nhận công nghệ làm đẹp thời hiện đại lắm thứ vô cùng siêu việt. Không thể hình dung nổi một cái sống mũi lõm oằn đòn gánh chỉ cần mất mấy tiếng đồng hồ gây tê cho người ta gọt một chút sụn sau tai đắp lên, may lại, thế là thành cái mũi dọc dừa đẹp hẳn hoi. Trông Liên là lạ thế nào. Có ông chồng lăn ra cười ngất khi trông cái mũi lạ của vợ rồi bảo ta vừa cưới vợ mới. Lại nghe nói có bà nâng mũi, sửa mặt, tắm trắng da, nhuộm tóc đỏ lòm về nhà bị chó xồ ra đuổi…Việc Kim Liên nâng mũi khiến cả trường bàn tán thậm chí dân chúng cái thành phố nhỏ bé ấy nhiều người nói cô giáo Liên là người đi tiên phong trong việc làm đẹp nhờ dao kéo. Kể cũng đúng. Kim Liên đẹp ra, phải công nhận, dĩ nhiên trừ những bà những chị bảo thủ cho rằng không mũi tẹt da vàng thì không phải là người Việt Nam.

Trước chuyến đi miền tây Nam Bộ, Sài Gòn, Kim Liên đã nói với mẹ và các con là có thể sẽ như thế như thế, nhưng bà Soa không chịu tin; thế rồi sau khi tham quan về, Liên chưa về nhà nhưng đã phải nhờ bạn bè đánh tiếng cho mẹ hay là đã nâng mũi rồi, rẻ thôi và đặc biệt là trông rất dễ coi. Bà Soa vẫn không tin, cho đến khi tận mắt thấy con gái vác về cái mũi vừa gỡ băng ra thì bà há mồm ra một lúc rồi mới nói lắp bắp:

- Ơ…ra thiệt. Con…lắp mũi à?

Câu nói khiến Kim Liên bật cười dù phải cố nhịn và đưa tay đỡ lấy cái mũi mới chắp:

- Mẹ thấy so với trước cái mũi con nó lõm, bây giờ đẹp hẳn lên không? Con đắn đo mãi, cũng chẳng phải làm đỏm gì, đây là việc rất thường thiên hạ làm cả.

- Trông nó kì kì sao ấy. Mà có đau không, hại sức khỏe không?

- Bình thường thôi. May con không bị viêm xoang mũi nên sẽ không có vấn đề gì đâu.

Bà Soa đi vào bếp, gật gật mái đầu bạc phếu:

- Mẹ thì có bẹp dúm xuống cũng không bao giờ mẹ làm.

Kim Liên biết mẹ không thật vừa ý nên nói nịnh:

- Mặt mẹ đẹp như mặt Đức Mẹ đồng trinh thì lo gì nữa. Con mà được thế thì có bao giờ con làm làm gì.

Bà Soa thương con:

-Thôi được. Nhưng chị thay đổi nhiều rồi, tóc này, mũi này. Vậy chớ có gọt cằm hay “lột” da ra nữa đó. Tôi cấm…

Bà Soa vốn người giàu suy nghĩ, tinh tế trong nhìn nhận, so sánh, rất nhạy bén phát hiện những hiện tượng thay đổi xung quanh, dù rất nhỏ. Bà muốn con gái học theo mình dù tuổi trẻ của hai người ở vào hai thời đại khác nhau. Bà sinh ra hay theo dõi con gái; ban đầu chỉ thoáng qua, lâu thành thói quen. Nhất cử nhất động của Liên đều làm rung những dây thần kinh nhạy cảm nơi bà. Dần dần bà nhận ra con gái đã thay đổi nhiều so với trước. Hồi nào bà thấy Kim Liên giản dị hơn, không biết trau chuốt, chỉ là một phụ nữ bình thường, dù đó là một cô giáo cấp ba, thuộc lớp người có học. Bà thích thế, vì chính bà cũng đã thế suốt một đời dù bà nổi tiếng xinh đẹp nhưng chưa bao giờ phải tốn một xu một hào cho son phấn điểm trang. Bà cho rằng con người ta đẹp tự nhiên, mọi sự can thiệp bên ngoài đều phá hoại mất vẻ đẹp vốn có. Không biết bà nghĩ gì về quan niệm “người đẹp vì lụa” thời nào cũng được người đời thừa nhận.

Từ suy nghĩ này nhảy sang suy nghĩ khác. Bà thấy Kim Liên ngày càng lo cho bản thân mà ít lo cho con cái. Bà nói thẳng suy nghĩ này với Liên:

- Đừng tưởng chúng nó lớn cả rồi và không còn cần bàn tay mẹ nữa. Thực tế cho thấy cha mẹ phải có trách nhiệm với con với cháu cho đến lúc không còn lo được nữa cơ đấy. Các cháu dù sao cũng cần mẹ, dù chúng đã khôn lớn. Chính mẹ bây giờ vẫn còn lo cho con. Mẹ thấy con khác trước nhiều. Con nghĩ xem, có phải con thay đổi nhiều rồi không?

Kim Liên xích lại gần bà Soa:

 - Nhận xét của mẹ cũng có chỗ đúng, nhưng thưa mẹ, con vẫn lo cho các cháu đó chứ. Nhưng con cũng phải lo cho con nữa. Con có cuộc sống của con, mẹ ạ. Cũng như mẹ, lo cho con cháu nhưng mẹ cũng còn tự lo cho mình nữa.

Bà Soa chú ý tới cái câu “Con có cuộc sống của con…”. Đó là điều khác lạ với bà, thế hệ của bà. Thời của bà không phụ nữ nào nói thế. Họ gắn bó hoàn toàn số phận vào gia đình, không ai còn biết lo cho riêng bản thân cái gì khác. Bà thở dài: Ra ngày nay người đàn bà đã khác trước rồi. Mình và con gái mình, hai thế hệ có hai cách sống, cách nghĩ khác nhau; thảo nào đàn bà ngày nay sinh ra ăn chơi, đi ra ngoài giao du nhiều, không còn mấy ai, nhất là người thành phố chỉ biết cái bếp. Con gái mình nó đúng là thế. Nghe bảo nó sắp sửa đi du lịch tận đâu, trong lúc lẽ ra phải ở nhà lo cho con bé sắp kì thi tốt nghiệp, còn thằng Hai thì cũng đang theo lớp cao học dở chừng…

- Dạ, nhưng con đã có kế hoạch đâu vào đó cả rồi, mẹ đừng lo. Việc cả đời mà mẹ.

Bà Soa nghĩ thầm, có ý dỗi “ Thì ừ. Chị có cuộc sống của chị, cứ lo cho chị đi, ai can được, chỉ có tôi là lạc hậu vì đời tôi không hề biết lo gì cho riêng mình hết”.

*  *  *

Trước đây muà hè nào Kim Liên cũng tổ chức dạy thêm, nhiều lúc dạy liên tục cả ngày đêm không còn giờ nghỉ. Hè này Liên không dạy nữa, dù phụ huynh học sinh yêu cầu cũng nhiều. Trước hết cô sắp xếp thời gian làm được một việc trọng đại, khiến bà con, bạn bè ai cũng phải thán phục, đó là đã vượt ngót bảy trăm cây số đưa được hài cốt chồng về quê sau bao năm lưu lạc đất người. Từ đó mọi việc thật thuận tiện, chẳng như trước đây năm nào Liên cũng phải cất công, vượt đường xa đi thắp hương cho chồng. Cô nói với mọi người “Đưa được ba các cháu về là tôi cất khỏi một gánh nặng đè lên vai suốt bao năm nay”.

Xong việc cho chồng, Kim Liên cùng nhóm bạn làm chuyến du lịch qua đất nước Chùa Vàng. Chuyến đi thật thảnh thơi và Kim Liên nhận ra rất cần mở rộng tầm mắt trong mỗi đời người, cuộc sống no nê vật chất chưa đủ nếu thiếu những hưởng thụ văn hóa. Đó không phải là những xa xỉ vô ích mà cũng rất cần có như cơm ăn nước uống. Liên giật mình nhận ra sự cô đơn khi nhìn thấy xung quanh những cặp đôi hạnh phúc đi bên nhau. Những người đàn bà không chồng, những phụ nữ độc thân trong các chuyến đi thường ý thức được điều này nhất khi xung quanh toàn xa lạ. Liên và cô bạn cùng cảnh cứ bám lấy nhau và bao nhiêu tâm trạng họ đã trao nhau sáng đêm trong các phòng khách sạn…

 Về Sài Gòn, tình cờ Kim Liên gặp một người đàn ông. Đó là người bạn cũ học trên cô hai lớp ngày còn ở phổ thông. Ngày ấy Liên và Phong khá quen nhau trong những chuyến picnic, những đêm văn nghệ, thế rồi bao năm xa cách khiến họ quên mất, nay bỗng gặp lại thật bất ngờ. Chiều Sài Gòn mưa đến vội vàng rồi tan mau chỉ có những con người cần ngồi lại với nhau lâu là quên mất thời gian. Kim Liên thở dài kể cho Phong nghe tất cả về số phận mình. Phong cũng không giấu chuyện mình phải chia tay cô vợ lăng loàn tới mức mẹ anh vốn quen nhẫn nhịn cũng không thể chịu nổi. Cà-phê nguội ngắt bên bàn lắng lại những tâm trạng, những nỗi niềm chia sẻ.

Đầu năm học mới, Kim Liên theo học một lớp lái ô-tô. Bâng khuâng bên tay lái dưới chiều thu, Liên nhớ những ngày nghỉ hè lí thú với nhiều mới lạ chưa từng có trong cuộc đời dạy học khá bằng lặng phẳng phiu bao năm qua. Cô đã thay đổi nhiều tới mức người quen lâu ngày gặp lại sẽ ngỡ ngàng và có người tinh ý có thể đọc thấy trên sắc diện của Liên có dấu hiệu của một mối tình với đôi má ửng hồng. Có đúng thế không? Chưa hẳn, nhưng có một sự đổi thay bên trong nào đó trong khiến cô khác xưa nhiều lắm. Phong gọi luôn cho Liên, từ Sài Gòn, và anh chàng vụng về bày tỏ mối tình nồng cháy đơn phương khiến Kim Liên rất bối rối.  “Mình yêu Phong rồi chăng?”. Kim Liên mỉm cười trong gương. Vớ vẩn. Phong số phận, Phong đa tình và cũng rất dễ thương…nhưng đâu dễ dàng và mình cũng không vội gì hết. Phải suy nghĩ kĩ.

Phong nói thế nào cũng về quê để “giải quyết” mọi việc và rồi anh chàng về thật. Thế là tin đồn Kim Liên có người yêu sắp cưới lan ra cả trường ai cũng xì xào. Liên đỏ bừng mặt thanh minh không được.

- Bạn thôi, bạn học cũ í mà - Kim Liên chống chế - Với lại xa xôi thế. 

- Anh ấy đẹp trai, nghe nói làm Chủ tịch một tập đoàn gì à? Cơ hội đó nghe.

Thế rồi Phong về, đưa Liên đi du lịch khu di sản thiên nhiên Phong Nha - Kẻ Bàng, họ cùng nhau leo núi, bơi thuyền trên sông ngầm…Đó là những ngày tràn đầy hạnh phúc với Kim Liên và cô tự khám phá ở mình những mới lạ từ những trải nghiệm bên cạnh một người đàn ông cũng khát khao tình yêu, hạnh phúc sau nhiều đổ vỡ…Ai cũng bảo đó mới thật sự là một “cặp đôi hoàn hảo”.

Bà Soa xưa nay chưa bao giờ giận con nhưng bây giờ thì bà giận thật sự  khi nhận thấy mọi chuyện đã vượt quá tầm tay của mình. Có một cái gì đó mất mát trong bà, đó chính là niềm tin vào sự trọn vẹn nơi đứa con đã biến mất; đó là Kim Liên đã làm đảo lộn những gì vốn thành nếp hằn sâu trong tâm trí bà về sự yên ổn của một gia đình mà theo bà là “giấy rách phải giữ lấy lề” về gia phong tận đâu xa xưa còn rớt lại chút ánh sáng vàng son… Bà đinh ninh con gái bà sắp chia tay bà. Một người đàn ông đã bước vào cuộc đời con gái làm nó đổi tính đổi nết. Nó sẽ đi lấy chồng. Nó quên mọi chuyện rồi. Không muốn có một đảo lộn nào từ một thứ trật tự đã được xác lập suốt bao năm nay, bà muốn Liên cứ như xưa nay, đi dạy, thắp hương lên bàn thờ chồng, lo cho con cái, cho cái gia đình bé nhỏ mấy bà cháu trong ngôi nhà khá khang trang giữa khu vườn tràn bóng cây và hoa lá, đêm đêm mùi dạ lan hương thơm nức. Bà không muốn một ai chen vào cuộc sống ấy, làm thay đổi nó đi, cho dù có mang đến những mới lạ, những giàu sang rực rỡ đi chăng nữa…Bà ngồi bên cửa sổ, nhìn xa xăm, so sánh mình và con gái, và thấy té ra nó không hề giống mình chút nào như lâu nay bà vẫn tưởng. Bà mất chồng năm còn rất trẻ; biết bao người đeo đuổi, cả những bậc uy tín có hạng, giàu sang nữa, nhưng bà một mực khước từ, xem mối tình với người chồng đã mất là thiêng liêng nhất. Bà lấy đó làm chuẩn mực cho con gái noi theo, khấp khởi mừng là bà đã giáo dục con hoàn toàn như ý và tin tưởng con gái là bản sao cuộc đời mình. Vậy mà giờ nó chuẩn bị lấy chồng, sao không tu cho trót!

- Mẹ hoàn toàn đúng vào thời của mẹ. Nhưng mẹ cũng thông cảm cho con. Con có thời của con, và thưa mẹ, con cũng không sai vào thời của con đâu ạ! Thời của mẹ không có chỗ cho con người cá nhân, cho những riêng tư cần thiết đúng đắn; ngày nay khác, cá nhân và xã hội hài hòa và cá nhân có quyền được sống cho mình trong đóng góp cho xã hội.

Kim Liên nói câu đó với mẹ biết là nặng nề, nặng lí sự, có phần không phải, nhưng không thể im lặng. Liên nghĩ mẹ có thời của mẹ, con có thời của con, xin mẹ đừng lấy cách nghĩ, cách sống của thời mình sống để làm thước đo cho mọi thời đại. Mỗi thời có những chuẩn mực làm người do điều kiện xã hội thời ấy quy định. Ngày xưa, dưới thời phong kiến, đàn bà con gái không chồng mà chửa nhất định phải bị cạo đầu, bôi vôi rồi dẫn đi bêu riếu khắp làng. Cái kiểu đó ngày nay ai còn chấp nhận được. Năm mươi năm, ba mươi năm, thậm chí mười năm trước khác bây giờ. Thời hội nhập đưa lại nhiều biến đổi diễn ra với tốc độ chóng mặt nếu đứng bên ngoài là sẽ lạc điệu, nó không dành cho những ai đứng bên lề cuộc đời. Mẹ không hiểu đâu. Mẹ không chịu chấp nhận thời nay mọi chuyện đã khác cũng rất đáng thông cảm nhưng sao mẹ không chịu hiểu cho con?

Bà Soa im lặng rất lâu trước câu nói của Liên, cuối cùng bà mới lên tiếng:

- Nhưng thời nào rồi cũng phải có những chuẩn mực nhất thành bất biến làm cơ sở cho cuộc sống. Con phải lo hết phận sự cho hương hồn chồng con và con cái là chính. Lúc nào cũng phải nghĩ tới điều này.

Kim Liên thấy thương mẹ quá, nhưng cũng phải nói cho mẹ rõ:

- Con đã làm hết trách nhiệm với chồng con của con, hẳn mẹ biết. Và con vẫn như xưa nay thôi, nếu có gì khác đi, mới mẻ ra, thì đó chính là cái lâu nay con còn thiếu. Riêng trong chuyện quan hệ, ai cũng tưởng con sẽ đi bước nữa tới nơi, nhưng con chưa quyết định gì cả, vả lại nếu con có thay đổi gì, thì đó là việc thường tình. Tội nghiệp anh Phong. Anh ấy cũng hoàn cảnh lắm, con thực sự thương và tôn trọng anh ấy. Đó là một người đứng đắn con chưa từng gặp. Mọi chuyện hãy còn đó. Mẹ thương con thì hiểu cho con, đừng trách sao con chẳng như mẹ và trách con sao không còn là ngày xưa nữa…

H.T.S

 

 

 

Hoàng Thái Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 228 tháng 09/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground