Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mịt mù bóng núi

Buổi sáng, gió tháng chạp se lạnh thối thốc vào phòng quỹ. Những tờ giấy bạc. Nở đã phân loại bay loạn vào nhau, thứ nọ xọ thứ kia. Nở vội kéo áo lạnh, đứng lên khép lại cửa.

“Nè, tên tui mà chị viết gần xịt với họ vậy là...kẹt lắm à nghen!” vừa nghe giọng nói, Nở vội đóng mạnh cửa. “Đồ quỹ! Đâu mà sớm thế không biết”, Nở buột miệng. Rồi ý chừng, như cũng thấm với câu nói vô tình mập mờ của chính mình, mặt cô đỏ rần lên. Cũng may mà không có ai trong phòng. Nở ngồi thừ người và lắng nghe một lúc, phòng hành chính ở cuối hướng gió bấc nên Nở chẳng nghe gì thêm, ngoài tiếng gió vù vù đuổi nhau qua hành lang.

Tiếng nói mà Nở vừa nghe bên phòng hành chính là của Ứng. Nguyễn Ứng, người chuyên chở dê đến bán cho nhà hàng. Tháng ba mươi ngày, cứ mờ sớm là “ông tướng” trói thúc thủ bốn con dê vào hai sọt tre, chở bằng xe máy đến.

Từ ngày bung ra theo đổi mới, nhà hàng Nở làm chuyển lên kinh doanh đặc sản dê, doanh số tăng rõ rệt. Chả bù với trước đây, tầm giờ cơm, người đứng quầy cứ ngáp ruồi đến sái cả quai hàm. Còn chị em mậu dịch viên khác thì, hoặc bắt chí nối hoặc so đọ áo quần, mốt miếc lẫn nhau. Cả Nở cũng vậy, lắm khi cả tuần chẳng có lấy một lần mở tủ sắt. Gần trăm con người – chín mươi chín phần trăm là nữ như một đám vô tích sự bị giam lỏng trong cái lồng giờ giấc của ca kíp vô hình. Bận rộn chăng là với những người đứng quầy chế biến, cứ phải hâm đi hâm lại thức ăn, cầm giữ cho chúng khỏi thiu thối…

Bây giờ thì khác! Thực khách ra vào nườm nượp. Mọi người đều làm không hở tay. Mệt nhưng vui vì doanh số kéo theo được lương bổng của chị em. Sự vui vẻ tưởng lan cả ra tấm biển quảng cáo vẽ hình con dê - biểu tượng đặc sản - với đầy đủ râu, sừng đặt ngay trước nhà hàng. Biểu tượng mà chị em nhân viên nào qua cũng bưng miệng khúc khích cười bởi cái dáng vẻ phinh phờ của “anh chàng dê cụ”. Kể từ ngày có dê, tiếng cười bung ra khắp các khâu trong nhà hàng. Tủ sắt tưởng bỏ rét, bỏ rỉ của Nở giờ thì lại mở ra xoành xoạch cả ngày. Và tất nhiên, ở đây cũng có tiếng cười. Tiếng cười nghe chắc nụi và vui hơn cả các khâu khác. Người cười “chủ đạo” ở đây thường là Nở, ấy cũng tất nhiên. Ai còn lạ gì công tác thủ quỹ, cứ có chi thu là tức khắc có lợi tức phụ. Đã đành, cười trong những trường hợp như vậy là phải, vì vui lây của cái vui người lĩnh, nộp tiền. Song, tiếng của Nở cũng hơi…quái một chút! Chính Nở cũng biết vậy. Tiếng cười của cô làm sao ấy, cứ tưởng như người nẩy lên từng lúc mà cười, nghe nó…đi đĩ thế nào! Thật sự khi cười, Nở ngồi thẳng thớm, nghiêm chỉnh nhưng sao tiếng cười vẫn cứ vậy, không biết! Khổ tâm cho Nở song cũng may cơ quan cô toàn là nữ, ăn-uống-thương-nghiệp-quốc-doanh mà. Chỉ có độc ông bảo vệ thì đã già “khớp hàm thiếc”, dẫu cho ăn một trăm dái dê cũng chẳng cựa quậy gì được. Do đó, Nở cứ yên tâm cười thoải mái, cười cách vách nghe cứ như nẩy người lên mà cười…

Đó là khi nhà hàng mới chuyển lên kinh doanh đặc sản, còn bây giờ thì khác. Nói chung, Nở không còn cười như vậy nữa. Đúng ra, Nở ít cười đi trông thấy, kể từ dạo Nguyễn Ứng là người độc quyền cung cấp dê cho nhà hàng. Ngay hôm đầu chi tiền cho Ứng, Nở đã cảm giác, đã ngờ ngợ thế nào! Đàn bà, con gái thường là chúa ấn tượng và cả tưởng tượng nữa chứ. “Con đó” là biểu tượng cho gì, ai mà chẳng biết! Đàn ông, đàn ang mà đi cung cấp “độc quyền” thứ ấy cho nhà hàng – lại là nơi toàn nữ - thì phi dân lì lợm ra, chẳng ai thế! Cười với những người như vậy, rủi họ hiểu lầm, nổi máu “nghề nghiệp” ra thì chỉ tổ mệt mình. Nghĩ vậy, nên Nở cứ “mím chi” mỗi khi gặp “anh chàng”. Ứng chẳng thuộc loại đẹp trai, còn xấu nữa là đằng khác, được cái dáng người hơi đẩy đà, cái đẩy đà của dân ăn nhậu kỹ. Mỗi lúc Ứng đi, hai mông và vai cứ rung rung, rung rung hệt như vũ sư người da đen, trông đến...dị. Nhưng càng dị lại càng muốn trông!

Cách đây hơn tháng, buổi chiều nhân rãnh thu chi, Nở đi ngang sân sơ chế nguyên liệu. Thấy chị em đang bu đầy ở đó, người cười hích hác, kẻ lại đấm lưng nhau thùm thụp, Nở vội ghé vào. Hóa ra là họ đang xem làm thịt dê. Hai con dê đực béo múp míp đang hồi được cạo lông, người làm dê là một tay lạ hoắc. Người anh ta đánh trần và bụng đầy những lông, trông không thua gì hai con dê đang được cạo. Đôi tay hắn thoăn thoắt trên thân dê. Hắn bỗng ngừng tay, nghiêng lưỡi dao đập bem bép vào hong con dê nung núc thịt và nói với bà Xuân, giám đốc đang đứng xem:

 

-          Chẳng phải làm thử để quảng cáo với chị dâu. Dê tôi từ nay về sau, con nào không béo như con này, xin chị cứ trả lại.

Giám đốc Xuân nghe cười cười, tay đẩy ống kính cận lên mắt, chẳng ra vẻ bằng lòng cũng chẳng không. Con dê đã đến hồi lật ngữa để cạo phần bụng, háng. Chị em vây quanh đều xòe tay che mắt, giấu mặt vào lưng nhau và rinh rích cười.

-          Úi! To khiếp!

-          Sao lại…cạo chỗ đó đi trợi!

-          Gớm chết!

Bà Xuân đứng đấy, mặt cứ đỏ lên dưới kính cận, song lại quát tướng về phía mấy chị em nhân viên đang túm tụm, ngã nghiêng:

-          Ai không phận sự, xin mời về phần việc của mình, mau lên!

   Tuy giám đốc nói vậy, song đa phần chị em rỗi việc nên còn trù trừ với tò mò của mình. Con Đào đứng gần Nở, liếc nhanh vào bụng anh làm dê, ném một câu:

-          Cạo “người ta” rồi ai cạo cho mình, trợi!?

   Nói xong, nó cười ré lên và ù té chạy. Mấy chị em khác cũng rúc ra, rúc ré, ngã nghiêng như có động đất dưới chân. Nở còn chưa kịp cười, anh làm dê đã ném sang chỗ Đào vừa đứng một cục thịt lông lá bùng nhùng, và hướng mũi dao theo, nói:

-          Quý nhất nó là cái này!

-          Cái của “phải gió” ấy rơi trúng phóc ngay vào chân Nở! Cô nhảy dựng lên cùng lúc với chị em cười nghe cái rần! Nở đỏ rựng mặt, phủi lia lịa vào chân như phải đĩa:

-          Quỹ cái anh này! Sao không nhè con Đào mà…

Có tiếng lao nhao:

-          Quăng vậy là trúng…đối tượng lắm đó!

-          Con Nở trúng mánh à nghen!

   Tay làm dê ngước lên, cọ vai lau mồ hôi đang chảy lòng ròng trên má, giọng phớt tỉnh:

-          Đặc sản dê, thiếu cái món đó là kể như…hết xài!

   Nở sượng sùng vội vã bỏ đi, sau khi liếc xéo tay làm dê và…cục thịt bùng nhùng một cái rõ dài.

Chỉ có vậy mà đến chiều khi nhận tiền chỗ Nở, anh ta cũng nhìn cô chằm chằm. Đã thế lại còn nuốt nước bọt nữa chớ. Có trời mới biết anh ta nuốt bọt vì thứ gì! Qua viết tay tạm ứng thẳng của giám đốc Xuân, Nở mới biết anh ta tên là Ứng. Nguyễn Ứng. Cái tên nghe “ấm” gì đâu! Biết thế, song xuất hiện tiền không có phiếu chi là sai rồi, nên Nở hạch sách:

-          Anh….tên gì? Ứng bao nhiêu hở?

-          Tui tên Nguyễn, xin gọi như vậy…

   Nở vừa đếm tiền vừa ngac nhiên:

-          Ủa, sao trong giấy thấy ghi tên là Ứng mà. Nguyễn Ứng?

Anh lái dê đá…..lông nheo trả lời:

-          Đó là tên cha mẹ đặt trong giấy tờ, tui không thích. Bên ngoài họ thường gọi tui là Nguyễn.

-          Sao lạ vậy kìa?

-          Ứng là mượn trước. Mà tui thì hay mượn, cứ nói anh Ứng…..ứng……nghe kỳ kỳ thế nào! Nói thẳng ra là tui không thích cái… “vần” ấy.

Cái nhìn và câu nói thất thời chưa rõ ý của Ứng, không hiểu sao cũng khiến Nở đỏ mặt. “Cái anh chàng này là ranh mãnh và khó hiểu lắm đây!” Nở cảnh giác nghĩ vậy.

Khi nhận tiền, Ứng đĩnh đạc rút năm tờ năm nghìn để lên bàn. Số còn lại anh không đếm, lùa tất cả vào xách tay.

-          Gửi…Nở.

-          Ấy, chi vậy…không được đâu! Nở thảng thốt.

-          Cái lệ mua bán súc vật là vậy. Ứng thản nhiên tiếp: Ít nhất là vài ba phần trăm gọi là “lại giây, lại thẹo” thì chăn nuôi mới khá được.

Nhìn mấy tờ bạc, Nở cương quyết, xoay người:

-          Tôi nói không nhận đâu đó.

Đột ngột Ứng giằng lấy tay Nở, ấn hai lăm nghìn đồng vào rồi nắm lại:

-          Xin Nở vui lòng cầm lấy, cho…dê tôi nó mau lớn.

Nở chưa kịp có phản ứng gì thì Ứng đã vù mất ra bên ngoài cánh cửa. Còn lại một mình trong phòng quỹ, Nở cứ lấm thấm, bân rân mãi, sự bân rân của tay Ứng bỏ lại giống hệt cái cảm giác lúc cục thịt “phải gió” đã chạm vào chân cô trước đấy ở sân sơ chế. “Đồ quỹ gì đâu!” Nở vừa xoa mu bàn tay mình, vừa vuốt ngay ngắn lại mấy tờ giấy bạc, rủa thầm.

Sau lần đó, cùng với việc nhà hàng phất lên nhờ kinh doanh đặc sản dê, Nở cũng quen dần Ứng. Cô bắt đầu “nghiền, nhớ” những câu nói bông lơn, tưng tửng và lúc nào cũng hàm ý chút “máu nghề nghiệp” của anh. Có lẽ không riêng gì Nở “nghiền” Ứng mà gần như là quy luật, cả nhà hàng này từ giám đốc đến nhân viên đều vậy! Ứng đến khâu nào, phòng nào là y như rằng có tiếng các cô cười hích hác và đấm lưng nhau thùm thụp ở đấy. Dường như ai cũng thầm công nhận là bất cứ ứng xử nào của Ứng cũng vừa có duyên, vừa “dê ngầm” đến không chịu được. Riêng Nở, cô biết Ứng có cảm tình đặc biệt với mình. Đặc biệt không cứ gì những món tiền kha khá anh đã để lại mỗi lần cô chi. Là phụ nữ một con, chồng chết đã lâu Nở không lạ gì những cái nhìn như muốn ăn tươi, nuốt sống cô ấy của Ứng. Thâm tâm, Nở cũng có cảm tình với anh…

Cắt dòng hồi tưởng của Nở là những chuỗi cười như nắc nẻ từ bên phòng tài vụ vọng sang. Nghe tiếng cười, Nở biết rằng đang có Ứng ở bên ấy. “Chứng từ đâu? Anh đưa luôn chứng từ đây thì tôi mới viết phiếu chi, không thôi!”. Rõ ràng là tiếng của con Đào, kế toán chi thu. “Làm khó nhau chi cái khoản tiền của…Nhà nước! hở người đẹp! Đố người đẹp có biết chứng từ là nghĩa gì không mà đòi dữ vậy?”. “Nghĩa gì? Chứng từ là…..”. Có tiếng Ứng tiếp: “Chứng từ nói lái là….tứ chứng. Từ là bốn, còn chừng là lần. Chứng từ là bốn….lần. Bốn lần trả lái lại là...lá la là la… Người đẹp đòi anh chi thứ ấy?”. “Thôi, thôi dừng lại cho tui nhờ. Lần này thôi nhé, lần khác đừng hòng…”.

Nở ớn lạnh, chốt lại cửa phòng quỹ. Cái đêm “nghề nghiệp” ấy của Ứng chợt hiện về, khiến cô lại rùng mình liên tiếp…

Một buổi tối, hai chén nhỏ trong chai rượu bổ huyết dê Ứng biếu làm Nở trở nên bứt rứt lạ. Lát sau, từ phòng tắm Nở gọi với ra con mình:

-          Hiên ơi! Lấy dùm mẹ cái áo ngủ để ở ghế ấy.

Có tiếng bé Hiên

-          Dạ, mẹ đang tắm.

-          Ừ, lấy dùm mẹ áo ngủ ở chỗ ghế.

Sau tiếng nói ngọng nghịu của bé Hiên một lát, Nở nghe động, hé cửa phòng tắm thì… Ứng cùng với chiếc áo ngủ trên tay, ập vào. Nở chưa kịp hoàn hồn, Ứng đã ghì trùm lấy cô

-          Cái ông quỷ này! Làm gì kỳ vậy? Nở hoảng hốt, vùng vẫy

Như một con dê lộn chuồng, hai tay Ứng không ngớt ve vuốt khắp người Nở, giọng hổn hển:

-          Anh là quỷ thì em là xếp! Ôi……thủ quỹ của anh!

Rồi cái miệng rất duyên nhưng cũng  “rất tục” ấy đã trùm lên, nuốt luôn lời phản đối chưa kịp thoát ra môi của Nở. Nở choáng ngợp bởi cái mùi từ Ứng phát ra. Cái mùi nửa của đàn ông, nửa của loài dê đực đang lúc động tình…

Gần nửa tháng nay, Nở chờ Ứng không còn như dê cái chờ đến lượt ra cổng trường nữa. Cô đã hoang mang, lo sợ thật sự. Gần nửa tháng nay Ứng như một loài sơn dương mịt mù bóng núi ! Và cũng như bao giờ từ khi Nở làm thủ quỹ, cái đầu lại nặng nề đến thế. Mà có lẽ cả bà giám đốc, kế toán trưởng lẫn kế toán thu chi cũng vậy! 

“Chi ứng cho anh Nguyễn Ứng năm triệu đồng (5.000.000đ) để chuẩn bị dê tết”. bên dưới dòng thủ bút là chữ kí của giám đốc Xuân. Vốn thường được chi thẳng như thế, anh lái dê với tài năng có tính “nghề nghiệp” của mình, đã khôn khéo lấy chứng từ vừa chi rồi này nơi Đào, thêm dâu nặng đơn giản dưới chữ chi, và đem đến cho Nở!

Năm triệu đồng cùng với cái bụng đang bắt đầu biết cựa quậy của mình. Nở biết hơn ai hết nên khóa rịt chứng từ trên vào tủ sắt. Kế toán chi thu Đào đã quần nhau với Nở một trận thừa chết, thiếu sống ngay tại phòng quỹ, cô cũng không rời nó ra. Là người chịu trách nhiệm trực tiếp về tiền nong. Nở hiểu rằng dù giám đốc mình có linh động, có đổi mới “thành trời” đi nữa, thì trao đi năm triệu, cô cũng phải giữ lại một cái gì đó để làm bằng, cho dù có bốn...năm lần…gì như anh lái dê nói cũng mặc, phương chi, cái bụng còn mách với cô rằng anh lái dê lấy tiền đã cao chạy, xa bay. Cũng phước nhà cho Nở, chẳng biết anh lái dê có nghĩ tình cô không, đã cố gắng cho dấu nặng kia cùng một thứ mực với thủ bút và chữ ký của giám đốc.

Từ khi nhà hàng chuyển sang kinh doanh đổi mới đến giờ, chưa gặp sự “thua lỗ” nào theo cái dạng như vậy cả! Trong khi chờ thanh tra làm rõ, Nở chỉ còn biết đêm đêm vần bụng kêu trời! Nở chẳng biết nữ giám đốc và bà kế toán trưởng có cùng cảnh ngộ với cô không, vì nghe đâu, anh lái dê cũng thường hay lui tới nhà riêng của hai người lắm.

Trong phiên họp gần đây, ban lãnh đạo nhà hàng có đề ra việc tìm kiếm Nguyễn Ứng. Biết tìm ở đâu bây giờ? Mà tìm để làm gì, khi mà loài sơn dương ấy biết rằng đến một lúc nào đó, sự có mặt của mình là không còn cần thiết nữa.

L.V.N

Lê Văn Ngữ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 1 tháng 10/1994

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground