Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 02/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Một ngày nắng ấm

Màn đêm nhão ra trong hỗn loạn. Mụ Thìn cầm cây đèn pin đỏ tù mù vừa pha vừa chửi: "Đồ chó! Sao có thể cẩu con Vầm của tao đi. Tao già đến độ ni rồi không có tiếng hắn sủa mần răng tao sống nổi?" Trời ơi tức quá! Tức đến nỗi mụ vớ được tên cẩu tặc đó thì mụ sẽ tru lên rồi lao vào để cào cấu hắn cho hả giận. "Hu, hu…" - Mụ khóc lên tức tưởi - "Vầm ơi là Vầm, con sống với mệ hơn năm rồi chớ có ít mô. Ác chi mà ác dữ! Răng ăn trên nước mắt của người khác rứa hả trời".

Tiếng mụ Thìn vừa dứt thì đám thanh niên phá lên cười. Chúng không hiểu được giá trị của con Vầm đối với mụ. Con Vầm là con chó lạc, cũng có thể bị chủ nó xua đi khi nó trướng bụng suốt thời gian dài. Nó đến nhà mụ Thìn trong đêm mưa. Đêm đó mụ Thìn ngồi khóc vì nhớ con thì nó chui vô nhà rên lên ư ử. Mụ cho nó ăn, đắp cho nó cái chăn ấm của mụ. Nó ngủ một giấc ngon lành còn mụ thì ngồi nhìn nó ngủ. Sáng ra, nó nhìn mụ với đôi mắt dò xét nhưng mụ vuốt lên đầu nó nên nó ở lại. Cho nên nó cũng được xem là khách mời chứ không phải là kẻ nhập cư bất hợp pháp. Bán được rổ rau ngót xanh rì với mười ngàn đồng vừa vặn, mụ mua thuốc xổ giun cho nó để rồi nó càng lớn càng đẹp mã. Bây giờ thì…

Mụ lại khóc, tiếng khóc hòa vào tiếng cười của đám trẻ. Nhưng rồi mụ cũng nín bặt vì người ta hô hoán khi phát hiện ra được hai tên cẩu tặc chạy xe vòng quanh làng. Tiếng xe hụ lên như những đêm kinh hoàng của bọn đua xe ở trên phố. Mụ đứng sát vào bờ rào chờ cơ hội để hạ bọn cẩu tặc. Có thể lắm chớ, mụ làm điều đó bởi lòng yêu thương đối với con Vầm. Nhưng một tên trong bọn chúng đã tẩu thoát cùng với con Vầm của mụ, tên còn lại tìm mấy bụi chuối chuồn vô rồi mất hút trong màn đêm đồng lõa. Đám thanh niên trong làng nổi cáu với nhau vì vụ phục kích không thành công, còn mụ Thìn thì lủi thủi đi vào trong nhà. Nhà mụ chuyển đến đây ở muộn nên nằm thèo lèo ngoài bờ ruộng, ngôi nhà chỉ có mấy tấm tôn loãi xoãi cùng mấy tấm ri chắn lại. Có mấy tổ chức đòi xây nhà tình nghĩa nhưng mụ Thìn khoát tay: "Xây cho mấy đứa trẻ mà nhà cửa toang hoác ấy. Tui tra gần chết rồi xây nhà mần chi".

Mụ Thìn bước vô nhà với niềm thê lương khi mất đi con chó yêu quý. Cái ghế tre mới đỡ mụ ngồi được chút thì tiếng động mạnh ở cái thùng đựng lúa khiến mụ giật thót mình. Từ cái thùng đó bò ra một con người, hắn quỳ dưới chân mụ Thìn. Mụ định rống lên nhưng nhìn khuôn mặt thảm thương của hắn mụ lại không đành lòng. Mụ đưa cây pin gõ côm cốp vào đầu hắn, vừa gõ vừa nói: "Đồ chó! Điện thoại thằng nớ giữ chó lại không tao giết chết". Rồi mụ đưa cây dao dài thườn thượt vào cổ tên cẩu tặc. Hắn run bần bật trước phản ứng dữ dội của mụ già. Hắn đưa tay bấm điện thoại cho tên kia nhưng thuê bao không liên lạc được. Mụ liếc nhìn xuống chân hắn, máu đã chảy đầm đìa do hắn dẫm phải mảnh chai của nhóm phục kích và bị hàng rào thép gai cứa rách tả tơi: "Chết chưa con, đồ chó lạc. Ngồi im tao băng cho không thì chết theo con chó của tao đó. Nhăn mặt chi, đây là rượu cồn đó con. Ăn cướp mà cũng biết đau, ăn cướp mà chực khóc. Sao bọn mi không biết đau với cho những người mất của, mà con Vầm không đơn thuần là của cải, nó là con tao. Điện thoại lại cho thằng đó đi, không tao tháo băng ra là chết với chó đấy".

Và hắn điện, hắn bình tĩnh hơn khi nhìn vào mắt mụ như có muối xót ở trong lòng. Mụ chột dạ khi thấy máu hắn loang ra nền xi măng xám xỉn. Cuộc điện thoại tiếp theo cũng không liên lạc được. Mụ dọa báo Công an và hắn quáng quàng lên.

- Mụ ơi! Đừng báo Công an tội cháu. Nếu bị ảnh hưởng, ba cháu đánh chết cháu.

- Ba mi làm chi, tại sao lại ảnh hưởng?

- Dạ làm việc trên tỉnh.

- Tên chi?

- Cháu có nói mụ cũng không biết.

- A, coi thường rứa bây. Tên chi?

- Dạ Bân.

Mụ lại cười lên khô khốc:

- Bân bèo đúng không?

- Dạ, sao mụ biết ba cháu?

- Có ai trên đó mà tao không biết. Đặc biệt là ba mi, một thằng đầy sẹo sau lưng mà mặt thì trơn tru. Hử, trái đất còn tròn hơn cả quả bom bi nữa đó. Con Bân bèo đi cướp của mụ Thìn. Chuyện ngộ quá đó chớ. Ba mi thiếu chi tiền mà để con ăn cướp? Mà tao hỏi câu ni cũng ngộ luôn, câu thừa. Ba mi cũng... thôi được rồi, nằm đó đi. Đừng cử động nhiều máu chảy. Đói bụng rồi chớ, tao đi nấu cháo cho mà ăn. Gạo nhà tao không ngon nhưng người ăn được, chó ăn được thì mi cũng ăn được.

Rồi mụ đi xuống phía bếp vo gạo bắc lên, một lúc cháo sôi mụ múc ra chén, quấy vào đó cái lòng đỏ trứng gà. Mụ bưng ra đến nơi thì không còn thấy hắn mô nữa. Hắn ngã nhào ở mương nước, cũng may mụ tới kịp không là ngày mai hương khói bốc lên ngùn ngụt rồi người khóc thay cho tiếng chó tru. Mụ nghĩ vậy vì cả ba mạ thằng cẩu tặc này đều là tuổi tuất. Hỉ hỉ, mụ cười chanh chua và đưa mắt ba lơn nhìn về phía hắn. Chắc hắn không hiểu những điều đang chảy theo trong tiếng cười của mụ. Hắn còn quá trẻ để hiểu được nụ cười chanh chua và cái nhìn bỡn cợt. Còn mụ thì chưa đủ già để quên đi cái khoảnh khắc mà người ta ban cho mụ nụ cười đó. Chao ôi! Con Bân bèo đây. Nó có thằng con nhìn mặt sáng giá quá!

Mụ vẫn nhìn về phía hắn.

- Ở đó đi con, khi mô liên lạc được với thằng kia tìm ra con Vầm cho tao rồi về. Thấy chưa, tưởng dễ thoát. Không có mụ già ni là chết rồi biết không? Năm ni năm tuất, là năm tuổi cả ba mạ mi. Hạn đến cháy tóc đó con.

- Răng mụ biết tuổi của ba mạ cháu?

- Tao là thầy bói, nhìn mặt mi là tao bói ra hết. Cái mặt đó quá sỗ sàng, có nét chi bí ẩn mô. Nhà mi, toàn tuổi tuất. Thôi ăn cháo đi, đừng hỏi nhiều.

Hắn húp bát cháo soàm soạp rồi nhìn mụ Thìn như dò xét. Mụ ni biết ba mạ miềng nên ân cần với miềng. Trước chắc mang ơn ba mạ lắm. Ba mạ ăn ở có đức, con được nhờ mấy bận như ri. Hắn vừa nghĩ vừa hí hửng húp xong bát cháo. Đoạn hắn xin bát nữa nhưng mụ Thìn không cho.

- Chớ ăn thỏa đói, ba mạ mi không nói cho nghe à?

-  Dạ, nói chi à?

- À, không chi hết. Thôi nằm lên giường tao mà ngủ. Đêm nay mất con Vầm tao ngủ không được. Đừng có tìm cách trốn, vô ích lại thiệt thân, không ai ăn thịt người mô, thịt người tanh tưởi lắm.

- Cháu xin lỗi mụ.

- Ờ, học ba mạ quá hi. Một hai biết lỗi.

- Mụ, răng mụ biết ba mạ cháu?

- Hỏi chi lắm lời, trước tao đi bán bánh mì trên phố, ba mạ mi hay mua giúp, được chưa.

- Đó, cháu biết là mụ mang ơn ba mạ cháu. Nhưng răng mụ biết lưng ba cháu có nhiều sẹo?

- Kỳ thằng, tao nói rồi, cái mặt quá trơn tru thì lưng có sẹo. Điếc à.

- Hì hì, mụ nói như ma ăn hồn í.

- Ừ, ma còn thua tao...

Mụ Thìn cười méo mó rồi nhìn tên cẩu tặc chìm sâu vào giấc ngủ. Mụ nhớ phố một thời mụ bị hất chân và mất hết gia sản. Mụ đem đứa con duy nhất nhưng lại bị bệnh đao về miền quê này. Mụ đạp mọi bất hạnh xuống chân để mà sống. Con người khi mất hết thì cũng còn cái quý hơn đồng đô la và mấy chỉ vàng SJC, đó là nghị lực. Nhưng khi đứa con gái bệnh tật của mụ đi chơi không nhớ đường về làm mụ gầy đi trông thấy. Nó đi hơn một năm rồi, mụ đăng tin lên truyền hình tìm nhưng người bị đao thường giống nhau, ai mà nhận ra được. Có người nói nó lên phố vất vưởng ở ga tàu, ngủ ở gầm cầu. Có người nói chắc nó bị bắt qua Campuchia làm gái. Mụ khóc. Người ta nói ác quá trời. Nói mà không nghe ruột đau chi hết. Cái củ khoai khi bị hà đục còn thâm ruột. Làm người mà còn tệ hơn cả củ khoai.

Hắn thức dậy trong cái nắng ban mai nhưng chân hắn không tài nào nhấc nổi do bị sưng tấy. Hắn nhìn quẩn quanh nhưng không tìm thấy mụ Thìn. Một lúc sau nghe tiếng sột soạt ở trong buồng, hắn cất tiếng gọi. Một đứa con gái miệng mồm nhẫy nước dãi cùng đôi mắt thô lố bước ra với cái bụng to phình phịch. Chắc con bé này có thai. Đoạn con bé đấm vào bụng bùm bụp rồi chà thân vào cột bê tông. Hắn hét toáng lên để ngăn con bé. Con bé nhìn hắn cười cợt rồi đi ra phía ngoài vườn. Hắn cảm thấy rờn rợn vì nghĩ rằng ngôi nhà mụ Thìn đang bị ma ám. Hắn cố nhổm dậy để bò đi nhưng vô hiệu. Hắn lại đổ gục xuống và càng đau đớn hơn. Hắn trợn mắt lên như sợ cơn ngủ kéo tới và rồi con nhỏ trướng bụng quay lại ám hắn. Cái cảm giác đó ghê hơn coi họ bị tử hình. Đời trộm cướp dồn chân hắn vô chỗ ảo ảnh đến thộn người. Mụ Thìn ma mãnh và bạo tính, con bé hình như bị đao. Sợ nhất là cái giếng nhà mụ Thìn, giếng nằm ngay trong nhà như chờ lượm xác! Hắn nghĩ, buồn lên mụ Thìn trục hắn xuống đây thôi thì hết thấy ba mạ. Hắn run run nhưng rồi chợt nhớ ra, hắn bừng tỉnh. Mụ Thìn mang ơn ba mạ hắn.

Mụ Thìn về, trên tay cầm đốt xương bò tươi với mấy trái cà chua chín đỏ. Tay bên kia mụ cầm một ít thuốc kháng sinh và lọ nước rửa vết thương. Mụ nhìn tên cẩu tặc và câu đầu tiên mụ không quên nhắc chuyện:

- Điện thằng đó đi, hắn mà thịt con Vầm của tao là mi cũng đi tiêu luôn. Thuốc độc tao đã mua về đây, biết chữ không? Hỉ hỉ. Tao có lần đi tù rồi đó, đi lần nữa cũng không răng, ở đây buồn.

- Mụ mà đi tù?

- Ờ, nhìn tao ri chớ đại ca cũng ngán đó. Tao tranh chấp đất đai với người ta. Tao nóng tính không kiềm chế được nên chặt cha đó. Hắn đi viện, tao đi tù rồi lại phải bán hết đất với cái nhà con cua để bồi thường cho hắn. Thằng cha đó độc hơn chó dại. Hắn biết tao nóng nên kích động. Khổ nhục kế đó mi. Hắn trả tao nửa tiền để về quê mua đất làm nhà, số nửa bồi thường cho hắn. Tao mang ơn hắn phải không?

- Khốn nạn quá! Tên chó đó mụ mang ơn chi. Chuyện lâu chưa mụ?

- Mười bảy năm, ngồi yên tao rửa vết thương cho. Chuyện lâu lắm rồi, câu chuyện đó chắc bằng tuổi mi đó. Khi làm sổ đỏ từ đất xí nghiệp giao, hắn đun tiền cho cán bộ địa chính bắn máy lạm vô đất tao, tao không biết nên đã ký liền kề. Tình ngay lý gian, khi hắn làm nhà xây qua đất tao một mét. Điên người vì không cãi được, tao chém, cũng may con vợ bụng chửa nó ra ngáng không thì thắp hương rồi. Mi cũng rứa thôi, trốn là tao phang. Không phải tao coi mạng người như mạng chó, nhưng hiện tại tao thương con Vầm hơn mi. Ngồi cho yên, máu lại chảy rồi.

- Dạ, cháu không trốn mô. Có thua con chó một chút cháu cũng được mụ thương. Nhà cháu cũng có tranh chấp đất đai với người ta nhưng chuyện xảy ra như thế nào cháu không rõ. Mà mụ không có chồng con chi hết mụ?

- Chồng… cũng không biết nói răng chừ. Vì chuyện đến ma cũng không tin được. Còn con thì có một đứa con gái bị đao. Mi lấy hắn không, tao tìm về gả cho.

- Mụ cứ hay chọc cháu.

- Sợ chớ chi.

- Dạ không, à mụ nì, cháu thấy…

- Thấy tao dữ lắm phải không?

- Dạ không, mà chuyện mụ nói về chồng mụ đến ma cũng không tin được là răng cháu không hiểu?

- Thì mi làm răng hiểu được.

- Mụ kể cháu nghe đi.

- Để tao đi bắc xương hầm đã, mi có ăn một đống thịt bò cũng không lại máu. Tao hết tiền rồi nên mới mua xương không. Mi điện thằng đó chưa?

- Dạ thuê bao không liên lạc được.

- Tìm không ra con Vầm, mi phải nhắn lên truyền hình tìm cho tao. Bán cái điện thoại đi mà trả.

- Mụ, ai tìm chó mà nhắn lên tivi người ta cười.

- Khóc cũng chừng đó, miễn tìm được con Vầm cho tao. Hiểu chưa?

- Dạ.

- Mà quên, răng đi ăn trộm chó? Nhà giàu rứa mà không đủ sống à?

- Sao mụ biết nhà cháu giàu?

- Con nít hỏi ngược là răng. Răng đi ăn trộm chó?

- Cháu… bị nghiện rồi mụ à.

- Ma túy?

- Dạ.

- Khổ, sao không bỏ đi.

- Dạ, cháu không có nghị lực.

- Biết nói nghị lực là có nghị lực rồi đó con.

- Có được không mụ?

- Mi coi tao, rách như tàu lá chuối bị bão vẫn sống ngon lành chớ có đi ăn cắp của ai mô. Nghèo chút chớ sống cho ra người. Ác nhân ngồi lên núi tiền khi chết xương mau tàn lắm.

- Dạ.

- Rồi, tao bắc xương hầm rồi. Chừ muốn nghe phải không, tao kể.

- Dạ, mụ kể đi.

- Chuyện lạ lắm. Năm đó tao hơn bốn ba tuổi, tao đi ngang qua bến sông mùa lũ. Tao bị nước cuốn trôi. Chắc độ hai ngày trời sau tao tỉnh dậy, tao thấy mình nằm trong cái chòi ở bến sông. Sực nhớ khi bị lũ cuốn có chiếc đò đuổi theo miết rồi ông lái vớt tao lên đò. Sau tao hỏi bà con nơi đó, mấy người nói ông lái đò đó chết hơn chục năm. Tao lạnh người nhưng không tin vì trên mình tao có chiếc áo của ông. Về sau người nhà xác nhận áo đó đúng của ông nhưng ông chết vì lũ cuốn trôi lâu rồi. Tao khiếp đến lạnh người rồi chạy đi. Rồi sau đó hai tháng tao biết mình có thai. Tao vừa mừng vừa lo, đến khi sinh con ra nó bị đao khiến tao khóc miết. Rồi tao cũng nín luôn để nuôi con, nhưng chừ nó bỏ tao đi hơn năm rồi. Chuyện đó tao chưa kể với ai hết. Tao cũng không tin nổi lấy chi người khác tin. Tao sống dạt ra ngoài bìa làng vì không muốn ảnh hưởng tới làng xóm. Mình có làm được chi cho họ mô, họ cho mình ở không trên đất làng là quý rồi.

- Dạ, chuyện chồng con buồn quá mụ hi. Cháu chán cái cảnh cơm không lành canh không ngọt trong nhà nên mới như ri. Làng rộng quá mụ hi, làng chứa nổi một người như cháu coi như rộng.

- Ờ, ngồi đó mà khen, một chút thấy mi họ bắt giao cho Công an đó con. Ăn trộm mà nói chuyện làng rộng với hẹp.

- Dạ, à mụ, cháu mới thấy…

- Thôi, thấy nước mắt tao chớ chi. Mi đừng nói láo. Chuyện đó tao hết khóc rồi. Để tao đi múc xương hầm cho mà ăn.

Nói rồi mụ Thìn còm người đi xuống bếp. Chuyện vừa rồi của mụ Thìn đúng là ma cũng không tin được. Nhưng đứa con trướng bụng hồi nãy chắc là con của mụ Thìn. Nghĩ đến chuyện mụ Thìn kể ở bến sông, chuyện đứa con gái bị đao của mụ, hắn vừa thương vừa sợ. Rồi hắn đâm lo, ngộ nhỡ cái bụng trướng của con nhỏ hồi nãy là cái bào thai thì trần gian này còn có chuyện khủng khiếp hơn đời chó lạc của hắn. Bao chuyện ngộ nhỡ đang diễn ra trong đầu hắn. Ngộ mụ Thìn báo Công an đến bắt hắn trong nay mai, ngộ mụ Thìn bắt hắn làm rể, ngộ mụ Thìn có thù với ba mạ hắn thì chuyện đau buồn thống thiết dễ xảy ra lắm đây. Nhưng không phải, có ai trút những đồng bạc cuối cùng để mua xương bò hầm cho con kẻ thù ăn không, mụ Thìn lại tỉ mẩn chăm sóc vết thương cho hắn. Sự trả ơn chắc đúng hơn, cái mụ già xấu hoắc ni không đến nỗi chơi đẹp thế. Hắn nghĩ đủ chuyện rồi tủm tỉm cười cho đến khi mụ Thìn bưng bát xương hầm ra.

- Ăn đi.

- Dạ, mụ ơi, lúc hồi cháu thấy một con nhỏ hình như bị bệnh đao trướng bụng về trong nhà.

- Ai, đứa mô về nhà.

- Con bé.

- Hắn mô rồi, con tao bị đao chớ không trướng bụng.

- Dạ, cháu không rõ lắm nhưng nó đi ra phía bụi chuối.

Mụ Thìn lao đi về phía tay hắn chỉ, rồi mụ khựng người đi khi con bé đang nằm trong tư thế chờ sinh con, cái đầu đứa nhỏ đã thò ra hơn một phân. Mụ kêu hắn ra hỗ trợ mụ. Con gái mụ đang nằm sõng soài ở bụi chuối mà mắt trợn đứng. Khi lê đến nơi để đáp ứng nhu cầu cần giúp đỡ của mụ Thìn thì chân hắn cũng đã bê bết máu. Cũng vừa lúc hắn đón nhận đứa nhỏ từ tay mụ Thìn. Nhìn mụ khóc mà lòng hắn như muối xát. Lần đầu tiên trong đời hắn nghe đau, nỗi đau của một tên mười bảy tuổi từng trộm cướp và chém chặt người ta không thương tiếc. Về nơi thăm thẳm của con người, hắn nghe đau cùng với sự thù hận, cùng với sự nhơ nhớp, cùng với sự khốn nạn hơn cả đời chó lạc của hắn. Hắn nghe miệng đắng nghét và lòng khô khan, có mấy câu chuyện loang ra như là máu.

Thằng đàn ông nào đã làm chuyện khốn nạn đó?

Nghe nói con bé lang thang ở ga tầu, ngủ ở hầm cầu.

Hơn một năm rồi nó lang thang trên phố...

Củ khoai hà đục còn bị thâm...

Chao ôi!

* * *

Chuyện xảy ra mười năm rồi. Bây giờ hắn ngồi kể cho đứa trẻ mười tuổi kêu thằng con trai hai bảy tuổi như hắn bằng cha, nghe câu chuyện công chúa ngủ trong rừng và mấy câu chuyện cổ tích khác. Lúc hắn cai nghiện thành công cũng là lúc mụ Thìn mất, không hiểu từ đâu mà con Vầm chui được về nhà. Rồi con Vầm bám theo để bảo vệ con bé bỏ con đi lang thang với những tháng ngày còn lại của một bệnh nhân đao, không biết rồi con nhỏ có vất vưởng ở ga tàu, ngủ ở gầm cầu rồi sinh ra những đứa bé. Hắn nghe lòng xác xơ buồn, rồi hắn bế đứa trẻ hơn một năm tuổi về nhà. Cha mạ hắn mắng té tát. Mới có tí tuổi đầu mà ăn nằm với người ta để họ trả con về. Đồ chó! Hắn lặng im để nuôi đứa bé trong nhà này. Hắn cũng biết rằng chuyện ngày xưa cha hắn thanh toán mụ Thìn bằng khổ nhục kế. Những vết thẹo trên người cha không che lấp nổi một quá khứ hoang tàn. Hắn cũng không hỏi cha vì đã nghe tỏng tông cuối làng đầu phố. Chỉ tại lúc trước hắn không chịu bỏ thời gian để lắng nghe.

* * *

Chiều lại chiều, cha con hắn lại dắt tay nhau đi dạo. Cha hai bảy, con lên mười, cao gần bằng nhau. Mấy người đi ngang qua nói: "Chà, thằng Trung nghiện đậm đà rứa mà từ bỏ được. Lại còn có đứa con trai thiệt là xinh".

Hắn cười không nói. Vì chuyện hắn nói ra đến cả ma cũng không tin được huống chi là người.

H.H.L

Hoàng Hải Lâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 220 tháng 01/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

03/05

25° - 27°

Mưa

04/05

24° - 26°

Mưa

05/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground