Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mùa cao su thay lá

L

úc Phúc rời khỏi lô cao su thì mặt trời đã chìm nghỉm từ lúc nào và bầu trời đã trở nên u ám. Gió mùa về, Phúc lẩm bẩm. Khí lạnh theo từng đám mây xám tràn tới, gió thổi u u suốt dọc con đường trước mặt, gió luồn trong các lô cuốn tung bụi đỏ mịt mờ. Phúc nhìn vào lô, cao su đổ lá, từng đợt, từng đợt rào rào trút xuống, mặt đất xào xạc tơi bời. Những đám lá vàng tía cuồn cuộn quay tròn di chuyển theo dọc những hàng cây.

Đã bao lần Phúc theo mẹ vào lô cao su. Cô mê những hàng cây mập mạp, xanh thẫm và thẳng tắp như những hàng quân đang lặng lẽ náu mình. Vùng đồi mênh mông, màu xanh phủ tràn tận thị trấn phía đông, lan ra sát bờ sông phía bắc. Hồi còn nhỏ Phúc bám áo mẹ, lớn thêm lên chút nữa Phúc biết xách ấm nước theo mẹ đi lô. Đất đỏ mới vỡ, cao su mới trồng, bước chân Phúc trầy trật trên những luống cày do máy mới lật. Rồi Phúc lớn lên cùng với những hàng cao su của mẹ và trở thành thiếu nữ từ bao giờ. Lô cao su đã bao lần cho nhựa. Và mẹ? Mẹ lầm lũi hàng ngày bón phân, tưới tắm cho những hàng cao su để rồi có một ngày Phúc giật mình khi nhận ra mái tóc mẹ hình như đã mỏng dần và có phần khô xác. Đêm đó, trong căn nhà nhỏ chỉ có hai mẹ con, Phúc lùa bàn tay vào mái tóc đã nhiều sợi bạc mà thốt lên:

-Trả “lô” đi mạ.

-Răng trả mi?

 -Mạ cực.. mà có ăn nhằm chi, con có lương rồi…

Mẹ kéo tay Phúc ra khỏi đầu:

- Lương mi được mấy đồng? Cứ để mạ làm, dù không nhiều nhưng thêm được đồng mô đỡ đồng nớ…

Thêm được đồng mô đỡ đồng nớ…Lúc nào mẹ cũng nói câu đó. Lương hợp đồng giáo viên tiểu học của Phúc… Mẹ làm cao su không biết được bao nhiêu, vậy mà bữa cơm hàng ngày vẫn có chút thịt, chút cá, rồi quần áo, dép dày…Mạ nói còn muốn góp tiền mua xe cho Phúc đi làm… Biết vậy nhưng mỗi lần mẹ từ lô về, người ngợm đầu tóc tã tượi xác xơ là lòng Phúc xót như bị muối xát. Phúc thương mẹ đến quặn lòng. Ngày ngày vào lô từ lúc trời đất còn mờ mịt, bóng mẹ nhập nhòa lẫn trong sương lần đi rờ rẫm từng gốc cây nhặt từng cái bát. Đổ xong mủ, mẹ lại rạch vệt mới, tới lúc mặt trời lên mới trở về... Mẹ bền bỉ, dẻo dai hết tháng này sang tháng khác, năm này sang năm khác…Đã bao mùa cao su thay lá, mẹ như con ong, cần mẫn hút mật, kiếm tiền nuôi ăn học, kiếm tiền xin việc cho Phúc.

Dạy gần nhà, sáng Phúc dậy để đến trường thì mẹ đã vào lô từ lúc nào và đã thấy đồ ăn sáng đậy điệm trên bàn. Trưa về mẹ đã dọn cơm ngồi chờ. Hàng ngày mẹ con rúc rích quấn quít như bạn bè, như chị em... Là cô giáo rồi mà bên mẹ Phúc vẫn là Phúc ngày nào, được mẹ cưng chiều, được mẹ vỗ về âu yếm khiến Phúc nhỏng nhẽo, dỗi hờn…Có hôm mẹ mắng Phúc, cứ như con nít, lấy chồng được rồi đó mi…Mạ!, con không lấy chồng... Mẹ cười buồn, không được, là đàn bà không ai là không phải có chồng mô con. Chồng là chỗ tựa, là bến đỗ, là mái ấm che chở cuộc đời…Mạ làm thơ à mạ? Thơ thẩn chi, đúng rứa đó con…Mạ không thể sống mãi với mi, rồi mạ sẽ già, sẽ chết…Mạ!, mạ đừng nói rứa, mạ không chết được...Ai mà không phải chết, không ai tránh được cái chết…Mạ đừng nói nữa, con sợ. Rồi Phúc khóc. Phúc không dám nghĩ tới việc rồi mẹ sẽ chết. Cũng như chưa hề nghĩ tới việc rồi  mình sẽ lấy chồng. Phúc không thể tưởng tượng rồi sẽ có một ngày mình sống không có mẹ. Phúc không hề nghĩ tới việc sẽ phải cắp nón ra đi theo người ta…Chưa bao giờ Phúc nghe mẹ kể về ngày cưới. Mẹ nói ba hy sinh từ khi mới đẻ Phúc… Quê nội ở xa, mẹ không về được. Phúc cũng chưa một lần về nội. Mẹ nói đời người con gái như hạt mưa…Có một câu hát nào đó mẹ thường ru Phúc ngủ mà cho đến nay Phúc vẫn nhớ. Như vậy thì…Chẳng lẽ người đàn bà sinh ra chỉ để chịu khổ mà thôi. Ừ, thì lấy chồng, có phải nhất định như vậy không. Phúc nghĩ hồi mẹ đi lấy chồng  ông mệ ngoại còn khỏe, nhà vẫn còn có cậu út, mẹ chỉ có mình Phúc.

 

- Rứa ba mạ yêu lâu không thì cưới? Thỉnh thoảng Phúc hỏi mẹ như thế. Phúc ôm ngang lưng, rúc đầu vào nách mẹ...Ba đẹp trai không mạ? Hồi nớ chắc mạ đẹp hỉ,  nhiều người mê hỉ… Chừ mạ còn đẹp mà.

- Yêu với đương, tào lao chi rứa mi.. Má mẹ hồng lên một thoáng rồi mẹ cười héo hon.

Phúc lùi xa ngắm nghía:

- Mạ đẹp thiệt mà, chừ mà diện vô thì…không thua ai…Phúc đùa thế mà mẹ vẫn không vui lên được chút nào, gương mặt trầm tư hoang vắng nhiều lúc như thảng thốt.

Thị trấn nông trường mấy năm nay như lột xác, cũng cửa hàng cửa hiệu, cũng đường phố công viên, cũng khách sạn nhà hàng…Trai gái cặp kè, đàn ông đàn bà, xe cộ phấn son…Hòa mình trong dòng chảy ấy mà có lúc tưởng như Phúc cũng phải hoa mắt hoa mũi...Như đứng bên lề cuộc sống, mẹ xa lạ với mọi tiện nghi của đời sống văn minh, chối từ hết thảy những cám dỗ đời thường, cô đơn dật dờ như chiếc bóng. Chú phó giám đốc chết vợ đã lâu đặt vấn đề nghiêm chỉnh mẹ cũng lắc đầu. Bác đội trưởng khỏe mạnh, sống một mình muốn sống cùng mẹ cũng từ chối. Chú chủ thầu hơn mẹ ba tuổi, đẹp trai giàu có đã bỏ vợ, nhiều lần ghé ô tô đến nhà chơi, hứa hẹn bao điều cũng không lay chuyển được mẹ…

- Mạ! chi sắt đá rứa mạ? Trưa đó, lúc chú chủ thầu xây dựng tiu nghỉu đánh xe ra khỏi sân Phúc ôm mẹ thủ thỉ. ..Không ai xứng đáng để mạ thương hay răng? Con thấy chú cũng được mà. Mẹ cốc vào đầu Phúc:

- Con nít biết chi…

- Đó, mạ nói con còn con nít, rứa mà dục con lấy chồng…Phúc ngước nhìn, má mẹ lại thoáng đỏ hồng…Con muốn mạ có người…

- Nói chi ôốc dôộc rứa mi, tau tra rồi..

- Mạ còn đẹp, mạ chưa tra…

Phúc chưa thể lấy chồng. Phúc không thể để mẹ ở lại một mình. Bạn trai ghé xe máy đón đi chơi, mẹ vịn cửa ngó theo đến mờ bóng trong mắt Phúc ngoái lại. Phúc đi chuyên đề, đi tập huấn, có đợt đến cả tuần, lúc về mới biết mẹ ốm làm Phúc lo hết cả hồn, thiệt may... Nói như mẹ, rồi Phúc cũng phải lấy chồng. Đã đến lúc Phúc phải lấy chồng, giá như mẹ có một ai đó bên cạnh... Cái ý nghĩ đó cứ bám riết Phúc.

Ngày chủ nhật, buổi sáng dậy muộn, Phúc thấy mẹ ngồi lặng lẽ, ánh mắt vời vợi. Có chuyện chi rứa mạ? Mẹ thoáng giật mình…Dậy ăn sáng đi, con gái ngủ trưa…Phúc cười, có răng mô mạ, cả tuần được một bữa nghỉ mà.. . Bữa ni mạ có đi lô không? Không, mi không mắc chi ra đó coi coi cao su ra răng…

 

*  *  *

   Gió vẫn rít dọc đường lô và bầu trời càng lúc càng xám xịt. Đã cuối mùa đông, cao su đã thay lá. Cao su thay lá, đã sắp tới mùa xuân, gần tới tết rồi. Hôm nay là…còn mấy ngày nữa thôi. Hồi nhỏ sao mình thích tết đến thế, còn bây giờ? Ít năm nay thì khác…tết sắp đến mà sao mình vẫn dửng dưng. Sẽ thêm một cái tết chỉ có hai mẹ con. Chỉ hai mẹ con sắm sửa, chỉ hai mẹ con bên mâm cỗ. Tối giao thừa nhà nào rút về nhà đó, hai mẹ con trầm lặng trong bầu không khí đêm cuối năm với mùi trầm hương u hoài lặng phắc… Quê nội xa, quê ngoại gần, ngày ba mươi về thắp hương rước ông bà. Sáng mùng một làm mâm cúng ba, mẹ lại thắp hương lầm rầm khấn cùng những giọt nước mắt âm thầm lặng lẽ, mùng hai qua nhanh, mùng ba nữa.. coi như hết tết…

Rét, Phúc thoáng rùng mình bước nhanh, đất ngấm nước mưa đã bắt đầu dính, Phúc xách dép đi chân không chạy trong mưa bụi lây phấy. Về đến nhà tóc tai dính bết, vai và lưng áo ướt đẫm.

   - Con gái..đi không mũ không nón? Mẹ đón Phúc bằng một lời mắng yêu.

- Cao su thay lá rồi mạ nợ.

Mắt mẹ vụt sáng một chút.

 “Cao su thay lá”, Bây giờ Phúc mới nhớ đã đọc được câu này ở đâu rồi…Bước vào nhà Phúc thấy đầu giường mẹ có cuốn sổ bìa ni lon. Mẹ vừa xem cuốn sổ. Mẹ lại xem cuốn sổ đó. Cuốn sổ tay…Phúc nhớ rồi..

Mẹ có cuốn sổ từ bao giờ? Hồi còn học tiểu học Phúc thấy nó dưới đáy cái rương gỗ, lên trung học mẹ cất nó tận trong góc tủ.. Rồi nhiều lần Phúc thấy mẹ bần thần lần giở nó. Mẹ đọc từng trang, nét mặt đầm đìa một thứ tình cảm xa xôi mà Phúc chưa nhận biết được…Thế mà Phúc quên bẵng. Phúc quên việc mẹ có cuốn sổ. Lúc này thì Phúc nhớ, mọi điều có trong cuốn sổ như hiện mồn một trước mắt Phúc. Phúc cầm cuốn sổ lên. Bìa cuốn sổ cứng queo, giấy đã ố vàng. Trang đầu có hình vẽ đôi chim bồ câu bay giữa bầu trời xanh đây rồi, phía dưới là những hàng chữ bay bướm chép bốn câu thơ “ Anh đi bộ đội sao trên mũ…” . Những trang tiếp theo…toàn những bài thơ... Những dòng chữ nắn nót, những bông hoa cúc hoa hồng, những chim én chim câu… Trước đây gặp hôm mẹ bần thần với cuốn sổ trong tay, Phúc đã giằng lấy xem rồi hỏi mẹ. Phúc hỏi liến láu ai mà viết đẹp vẽ đẹp ri mạ? Mẹ không trả lời, lặng lẽ giằng cuốn sổ đem cất…

 

*  *  *

Hồi nhỏ Phúc hỏi K8, K10 là răng mạ? Mạ nói hồi ác liệt, người ta phải đưa bà già con nít ra tận Thanh Hóa, Nghệ An tránh bom đạn vì quê hương khói lửa tơi bời…Mạ cũng phải đi à? Mạ cũng đi…Mạ cũng đùm đùm gói gói áo quần chăn mền, cũng bới khoai bới sắn mang theo. Mạ phải xa ôông mệ, tự lo ăn lo học.. Phúc không thể hình dung cảnh từng đoàn bà già con nít kéo nhau đến một nơi xa…Cũng như Phúc không thể hình dung chiến tranh bom đạn ra sao, lớn lên Phúc còn thấy gì nữa đâu. Mạ nói mi răng biết được. Mi lớn lên thì hố bom hố đạn người ta đã lấp, đường sá đã làm, nhà cửa đã xây…Như vậy là lúc bằng tuổi Phúc mạ đã phải chịu cực, còn Phúc? Phúc lớn lên chẳng phải làm gì, chỉ biết ăn biết chơi và học. Mạ kể tiếp cho Phúc nghe những ngày đi K10 trở về. Hồi đó rất vui, người ta dựng lại nhà cửa, làm lại đường sá, trồng sắn trồng khoai, trồng cao su. Cao su gặp đất đỏ lớn như thổi, mới vài năm đã khép tán mỡ màng. Lúc đó trong kia còn đánh nhau, bộ đội đi giải phóng miền Nam đóng quân ở quê Phúc rất đông…Mạ nhắc tên nào chú Hiền chú Bản bộ binh, chú Tiêu chú Bân xe tăng, chú Hà chú Tính pháo đất… Nhà ôông mệ có hẳn một ban chỉ huy đơn vị xe tăng ở. Chú Giáp thủ trưởng, chú Tùng liên lạc người Hà Nội…Xe tăng các chú nép trong lô cao su, đi học qua mạ bị các chú trêu, vừa ngượng vừa thấy hay hay. Chiều chiều lũ trẻ quấn quít các chú, mạ học lớp tám đã lớn nên chỉ đứng xa nhìn. Buổi tối, góc học tập của mạ sáng đèn, có chú Tùng ngồi cạnh mỗi khi mạ nhờ giảng bài…

Những điều mạ kể vẫn như in trong lòng Phúc lúc này khi mạ bảo Phúc đi vào cất cuốn sổ. Không hiểu sao, từ rất lâu, những hình vẽ, những giòng chữ này đã ám ảnh Phúc. Người con trai nào đã tặng mẹ cuốn sổ này? Người đó chắc là…Phúc hình dung một chàng trai thông minh có bàn tay mảnh dẻ, có giọng nói trầm ấm dễ nghe…Nghĩ mãi rồi cuối cùng Phúc nhận ra rằng tất cả những gì Phúc hình dung cũng đều từ lời mạ kể…Vậy nhất định người đó là chú Tùng, đúng rồi, đó là chú Tùng!

- Mạ, người tặng sổ là ai rứa mạ? Có phải là chú Tùng không? Chú nớ yêu mạ đúng không?

Nhất định là chú Tùng yêu mạ. Không yêu làm sao chú vẽ được những hình đẹp thế, làm sao viết được những giòng nắn nót và chép những câu thờ nồng nàn thế. Phúc đã yêu Phúc biết, chỉ có tình yêu, tình cảm đầu đời của những người tuổi trẻ mới trong trẻo nồng nàn…Tình cảm thời thiếu nữ giờ đây đang sống dậy trong mẹ. Có điều chi nhắc nhớ để khiến mạ bồi hồi…

- Mạ kể cho con nghe đi mạ. Kể về chú Tùng ấy.

- Con đừng hỏi nữa, mạ ra chợ mua mấy thứ, tết ni mình làm mứt…

Mạ quay xuống bếp đội nón, khoác áo mưa xách làn quay quả bước ra. Trời vẫn mưa lây phây, mấy cọc tiêu xum xuê cạnh sân đã đầm đìa tán lá…Mạ đã ra đến đường cái dẫn lên chợ. Như chợt nhớ ra điều gì, Phúc quay vào mở tủ lấy cuốn sổ. Phúc kéo nhanh bìa cuốn sổ ra khỏi bao ni lon. Đúng như Phúc nghĩ, một lá thư rơi ra. Bốn trang giấy dày kín và đều tăm tắp những hàng chữ. Thư viết từ một nơi nào đó trên Tây Nguyên, ngày chú ấy ra đi và ngày gửi thư cách nhau gần ba tháng…Chỉ một lá, chú ấy gửi về chỉ mỗi một lá…Vẫn nét chữ ấy, vẫn chữ L hoa mềm mại của giòng ở cuối thư..Lúc nào cao su thay lá  anh sẽ về…Vòm ngực Phúc rung lên. Có một điều gì đó dội ngược lên, Phúc rùng mình…Phúc làm sao thế này, chẳng lẽ thế…Không lẽ mạ dấu Phúc? Tại sao mạ lại phải dấu Phúc?

Chuông điện thoại đổ dồn khiến Phúc giật mình. Phúc cầm máy, a lô…Tiếng thằng em con cậu út ngoài quê. Chị à, o nhà không? Chuyện chi mà hỏi mạ rứa?....

Có ai đó hỏi thăm mạ. Có ai đó đang tìm mạ…Phúc hồi hộp phập phồng.

Mạ đã về đến sân và hỏi vọng vô, ai gọi rứa con? Có ai hỏi mạ, con cậu báo vô. Mạ Phúc thả làn đi chợ về xuống thềm nhà, luống cuống vào nhà run run đỡ ống nghe từ tay Phúc. Ai hỏi o rứa con? Người răng? Tiếng thằng em vang vang. Bác nớ gầy gầy, một chân gỗ…Bác nói tiếng mô? Giọng bắc, người mô không biết. Bác đến đó khi mô? Vừa đây nì. Chừ mô rồi? Bác đi rồi, con cho bác số điện thoại của o mà…

Thả máy, mẹ Phúc lập cập ngồi xuống giường, miệng lẩm bẩm chẳng lẽ mô, chẳng lẽ mô.

N.N.L

Nguyễn Ngọc Lợi
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 199 tháng 04/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

1 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

14 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground