Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mưa giăng núi Mục

C

uối cùng, tôi cũng được về nhà, sau sáu năm trồng “cỏ”. Sáu năm với sáu lần nhìn thấy ánh mặt trời. Tôi đã phải bỏ ra hai năm tiền công để tự chuộc mình ra để trở về với nàng. Trước khi rời cái thung lũng quái quỷ- nơi mà không có hạt nắng nào đủ sức len vào ấy, tôi nhìn lại những đóa hoa anh túc. Những sắc tím huế, trắng bong, đỏ đắm quyện vào nhau, đẹp như tranh Van Gogh.

Chưa vội về nhà, tôi hẹn Nương ở bãi Dưới. Nàng vẫn đeo chiếc vòng ngọc men xanh cổ xưa ấy. Nàng xòe đôi bàn tay ra, chiếc nhẫn nơi ngón áp út lấp lánh dưới ánh mặt trời. Đó là chiếc nhẫn trơn bằng vàng ta của mẹ tôi. Trước khi mất, bà tháo ra, đặt vào lòng tay tôi, thằng bé mười tuổi. Thời nay, chẳng ai còn đeo loại nhẫn này. Cổ quái nhất cũng là loại nhẫn vàng đúc kiểu vương miện, có đính hạt đá to. Tôi nhớ nàng từng đeo chiếc nhẫn của mẹ tôi, nhưng ở ngón giữa kia. Tôi cầm ngón tay trống không lên. Nương khóc nức nở “Giá như, anh về sớm hơn”.

*  *  *

Đó là một sự trùng hợp không như mong muốn. Cha tôi thật có phúc, hai đời vợ nhưng chỉ cần một chiếc nhẫn cưới. “Em nói rằng mình gom góp tiền, mua lấy chiếc nhẫn cũ này để làm hồi môn. Ông cứ tưởng anh đã bán chiếc nhẫn, cứ xuýt xoa “Châu về Hợp Phố”. Dù sao đó cũng là kỷ vật một thời của mẹ anh và ông. Nhưng sự tái hợp của hai chiếc nhẫn, lại thật tai hại, với anh”, Nương lại khóc, nước mắt nàng tuôn rơi trên áo lụa, thành những vệt thẫm màu như con sông mùa cạn. Giờ nàng là mẹ kế của tôi, và có thể sẽ thành mẹ của các em tôi. Rồi chúng tôi sẽ cùng sống sung túc dưới một mái nhà. Dù phải chi đến hai năm tiền công để được giải thoát, tôi vẫn sở hữu một con số khổng lồ. Tôi gạt những giọt nước mắt hèn yếu. “Thôi! Nương về trước đi. Dù sao cũng không ai biết chuyện của chúng ta. Hãy đưa chúng vào lãng quên. Nếu cha tôi biết, ông cũng chẳng sung sướng gì”.

Rưng rưng nước mắt, Nương nhìn tôi. Đuôi mắt nàng vẫn sắc lẻm như ngày nào. Rồi nàng từ từ đứng dậy, cúi mặt đi ra khỏi bãi. Gió phất phơ tà áo lụa của nàng. Chiếc trâm nhôm không đỡ nổi búi tóc thấp nặng trĩu, tóc rời, rồi xõa ra, chiếc trâm bay theo gió.

*  *  *

Nương hơn tôi bốn tuổi. Không ai biết cha mẹ nàng đi đâu. Từ nhỏ đã thấy Nương ở với bà ngoại- người trông nom miếu thờ Đức Thánh Cô trên núi Mục. Hằng ngày, Nương nhẫn nại theo sau bà ngoại, leo hơn trăm bậc thang lên miếu, quét tước, dọn dẹp, hương khói. Năm tôi bắt đầu cảm nhận được vẻ đẹp của Nương, lúc ấy nàng mười ba tuổi. Ngày còn sống, mẹ thường dắt tôi theo khi lên miếu cầu an. Nhưng tận mãi năm chín tuổi, tôi mới để ý đến cô bé có làn da trắng và đôi bàn tay rất đẹp khi mẹ nói chuyện với bà ngoại Nương, buột miệng “Con bé đẹp quá. Nhìn đôi mắt với khuôn miệng của nó kìa. Nhà bà thật có phúc”. Nhiều năm sau đó, kể cả khi mẹ mất đi rồi, lên miếu một mình, tôi âm thầm chiêm ngắm nhan sắc ngày càng nở rộ của Nương.

Tròn mười tám, Nương đẹp không hề giấu diếm. Tôi nhìn những gã trai hiền lành, bỗng chốc kiếm cớ lên miếu thờ Đức Thánh Cô chỉ để nhìn ngắm nàng mà máu nóng dồn ứ trong huyết quản. Tôi biết mình đã bị Nương thu phục. Biết mỗi chiều nàng hay cắt cỏ ở bãi Dưới, tôi kiếm cớ đi tìm lá thuốc nam cho cha để được gần Nương. Tôi thường men theo những bụi lau lách ven sông Đào, ngẩn ngơ nhìn nàng lia lưỡi liềm sắc ngọt lên những thân cỏ thấp. Nàng dễ dàng nhận ra tôi. Chúng tôi nói chuyện và quen thân lúc nào không hay. Các buổi chiều đều đặn, ngơi tay, tôi và Nương nói với nhau 

chuyện trên trời dưới biển không biết chán. Những quãng thời gian gián đoạn trong nhiều năm chỉ làm tôi nhớ Nương nhiều hơn.

Những ngày mưa lâm thâm của tháng bảy ngày Ngâu, tôi vẫn đội mưa ra bãi Dưới. Tôi chờ mãi mà không thấy bóng Nương. Có người làng đi xa về nói rằng ngày trước chính ông ta và bà ngoại Nương đã chôn cất cha mẹ Nương, họ chết đường vì bệnh tật, và là căn bệnh phong quái ác. Tin đồn bay khắp nơi, những gã trai vẫn vây quanh Nương bỗng nhiên suy tư, nghĩ ngợi. Tôi chắc rằng giờ này Nương chỉ muốn ở một mình, ở đâu đó, đã định quay về, bỗng nghe tiếng khóc thút thít trong chiếc lán bỏ không của người đánh cá. Một chiếc thuyền vừa kịp dời đi. Mưa càng lúc càng mù, không rõ người chèo chống. Tôi lần vào, nhìn thấy Nương rũ tóc ngồi khóc trên chiếc chõng tre. “Tôi đã hỏi bà ngoại. Sự thực còn kinh khủng hơn nhiều. Thạch biết không, cha mẹ tôi đều nghiện và chết vì bệnh AIDS. Bà ngoại tội nghiệp của Nương, bà cứ nghĩ rằng nói đó là bệnh phong- một căn bệnh tự phát, người ta sẽ cảm thông hơn”, Nương nức nở. Tôi ôm Nương vào lòng, ôm cả mái tóc dài buồn bã. Tôi muốn gần Nương hơn, muốn cho nàng biết rằng dù cả thế giới này xa lánh nàng, tôi vẫn ở bên cạnh- một cậu nhóc có trái tim người lớn mà nàng có thể dựa dẫm và tin cậy.

*  *  *

Tôi vỡ thẻo đất bên sông để trồng vừng, trồng cây thuốc Nam. Tôi rào che, gánh nước tưới hoa màu. Tôi cứu người chết đuối trên sông Đào. Tôi làm những việc có ích ở bãi Dưới, bên cạnh con sông bao quanh bởi lau lách chỉ để hàng ngày nhìn thấy nàng, gánh vác đỡ những nỗi muộn phiền của nàng.

Và rồi năm tôi hai mươi tuổi, nàng hai tư và vẫn chưa lấy chồng, tôi quyết định đi xa một chuyến nuôi giấc mộng làm giàu. Tôi đã không hé nửa lời về công việc của mình cho Nương biết. Nếu biết rằng tôi đi trồng cái thứ cây đã hủy hoại mạng sống, tương lai của cha mẹ, chặn hết mọi lối về hạnh phúc của nàng, Nương sẽ rất đau khổ. Khi hai mươi tuổi, người ta cho phép mình vấp ngã, một cú thật đau cũng được, miễn là thu về một món lợi thật lớn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế.

Ngày chia tay, tôi đã trao cái món đồ kỷ niệm mà giờ đây nó vẫn đang đậu trên ngón tay xinh đẹp của nàng. Chỉ có điều, khi tôi trao, nó nằm ở ngón tay giữa, như một lời hứa hẹn giữ gìn. Khi tôi về, nó đã kịp di chuyển sang ngón nhẫn, và nàng đã không còn là của tôi.

*  *  *

Bữa cơm mừng ngày đoàn tụ được dọn ra. Mâm cơm đặt chính giữa phản, chiếu thẳng vào tấm gương lớn đặt đối diện. Lần thứ nhất, tôi liếc qua cũng đủ thấy gương mặt trẻ hơn tuổi, sự hồng hào khỏe mạnh của cha tôi. Vô tình đảo qua lần nữa, sự dịu dàng, đằm thắm của Nương hiện ra trong từng cử chỉ xới cơm, chan canh. Cuối cùng, dù không muốn, tôi vẫn phải nhìn thẳng vào gương mặt mình phản chiếu trong tấm gương vô tình ấy: gương mặt rắn rỏi, già nua, một vài đường gân xanh cớm nắng trên trán, mái tóc dài và đôi mắt buồn. “Con về là đúng. Cũng sáu năm rồi còn gì. Trồng cỏ mãi rồi đến lúc thành cỏ lúc nào không hay. Cha đã mua cho con một mảnh đất cạnh sông Đào. Đất ở đấy giờ là ngon lành nhất. Cũng đến lúc nghĩ đến chuyện vợ con rồi”, cha dừng đũa. Tôi nghĩ mãi chẳng biết nói gì, rốt cục cha lại nói tiếp “Dì Nương đang mang bầu. Rồi đến lúc đẻ đái, nuôi con nhỏ, nhiêu khê lắm. Ngày mai cha gọi người chở cát đến, rảnh rỗi con ra xem mảnh đất có thích mắt không”. “Con lên miếu Đức Thánh Cô thắp nén nhang”, sau bữa cơm, tôi nói với cha.

*  *  *

Bà ngoại Nương đã mất vài năm trước. Người canh miếu mới là một bà lão đã khá hom hem. Tôi không hiểu vì sao người ta lại không chọn lấy một người thật mạnh khỏe và còn trẻ để có thể duy trì công việc này lâu dài. Có lẽ những người trẻ không thích hàng ngày phải leo hơn trăm bậc thang để làm đi làm lại một công việc nhàm chán. Điều trùng hợp là bà lão cũng có một cô cháu gái khá xinh. Cô ít hơn tôi bốn tuổi, nói ít, cười nhiều, là người hiểu chuyện.

Tôi lại đi xuống bãi Dưới. Lau lách vẫn xô lên rậm rì ven sông Đào. Chiếc lán của người đánh cá vẫn còn đó. Nó nhắc tôi nhớ đến hàng cúc áo trễ tràng của Nương ngày hôm ấy. Và tiếng khóc như vừa trải qua một biến động lớn của thân phận. Bất chợt, tôi mường tượng ra gương mặt thất thần của cha tôi, cũng ngày mưa ấy. Ông đi đánh cá ngày mưa, trở về tay không và thao thức liền mấy hôm.

Thả những đóa anh túc khô vẫn nguyên bản màu tím huế, trắng bong, đỏ đắm xuống dòng sông, tôi bước những bước vững chãi lên núi Mục, nơi mưa bắt đầu giăng giăng ngang gương mặt người con gái mới quen.

N.S

Sa Nam
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 218 tháng 11/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground